Con đường vào cõi Trịnh
Số đặc biệt Diễn Đàn 30 tuổi
Con đường vào cõi Trịnh
Phạm Văn Đỉnh
Người ta thường hỏi tại sao tôi « đam mê » (1) Trịnh Công Sơn (TCS) đến thế ? Và từ lúc nào, đến chừng nào ? Xin thưa :
Đến với TCS từ Tuổi đá buồn
Thời sinh viên ở Pháp : tôi ít khi mở băng dĩa nghe nhạc VN (Sài Gòn) vì nó cùng cực buồn, ủy mị, khai thác đến tận kẹt các lối mòn của ngôn từ, hình ảnh. Nhưng một hôm tình cờ ở nhà một người bạn mới từ VN sang cho tôi nghe băng nhạc, trong đó có bài « Tuổi đá buồn », nội cái tựa không cũng đã thấy khác thường, tuổi đá là tuổi gì, tuổi của đá ? tuổi của đá buồn, hay là tuổi buồn của đá ? Bài hát như là một vở (bi) kịch, gồm vỏn vẹn một màn ba cảnh, ba cảnh hoa hồng trong màn mây mưa giáo đường ngày chủ nhật buồn; ba cảnh là ba bức tranh đi từ hi đến tuyệt… vọng, và tuyệt… đẹp; mỗi bức tranh chỉ cần thay đổi một/hai nét cũng đủ sức hấp kéo khán/thính giả đến đoạn kết thúc tất nhiên của nó. Cùng một bối cảnh ngày chủ nhật buồn trên miền giáo đường, với bức tranh đầu, Hoa hồng cài lên tóc mây, nhẹ như ru em nồng nàn ru em nồng nàn, kế bức tranh giữa, chuẩn bị cho đại hoạ, Hoa hồng vùi quên trong tay, ve vuốt ru em giận hờn ru em giận hờn, và đi đến bức tranh chung cuộc, Hoa hồng tàn hôn lên môi, và chàng trách ru em muộn phiền ru em bạc lòng. Nghe xong não lòng, nhưng được cứu rỗi bởi cái Đẹp, ít nữa bởi « un désir de beauté » ( thèm cái Đẹp ), như tên một cuốn sách văn học nghệ thuật thế giới của anh Lê Thành Khôi (nxb Horizons du Monde, 2000, khổ lớn, bìa cứng, 228 tr.).
Hội âm nhạc
Sau 1975, khi về VN, tôi thường tới lui, gặp anh chị em văn nghệ sĩ ở Hội âm nhạc, 81, đường Nguyễn Văn Trổi (cũ), nay là đường Trấn Quốc Thảo, ở đó có gặp lại anh Xuân Hồng mà tôi đã quen từ trước trong khi làm đại biểu tham dự « Liên hoan thanh niên thế giới lần thứ 9 » ở Sofia/Bulgarie (1968) và những người trước đó chỉ biết tiếng, như các anh Phạm Trọng Cầu, Hoàng Hiệp, Miên Đức Thắng, Trần Long Ẩn…, các chị Lê Thị Kim, Quế Hương, …, và, tức nhiên, Trịnh Công Sơn. Mỗi sáng, anh Cầu thường dợt hát cho các ca sĩ để tối « chạy show », như ca sĩ Hoạ Mi mà tôi mới biết, với tiếng đệm đàn piano của anh Nguyễn Ánh 9, người cũng cùng học cùng thời với tôi ở trường Taberd, trước khi tôi sang Pháp, mùa Hè 1954.
TCS cũng thường xuyên mỗi sáng lai rai, trà/ bia tại quán của Hội, gặp gỡ bạn bè rồi kéo nhau về terrasse nhà (họ Trịnh) để khai vị nồng độ hơn trước buổi ăn trưa, Sơn thường chở tôi (hay ngược lại) trên chiếc xe PC màu cam đỏ. Và dần dần chúng tôi thân nhau như một sự tất yếu, có lẽ vì cùng chia sẻ tính cách cảm nhận cuộc đời qua văn học nghệ thuật, thí dụ, qua Paul Eluard, nhà thơ mà ý tưởng và ngôn từ đã ảnh hưởng sâu đậm đến đời sinh viên của tôi nên đã nhờ bạn, hay chính tay đem về tặng TCS lần lượt toàn bộ Eluard khoảng 2x1500 trang khổ nhỏ (Tủ sách quý La Pléiade, bìa da láng mịn, giấy thật mỏng chắc, loại giấy in kinh thánh, nxb NRF-Gallimard) ; đôi lần tôi đọc mấy bài thơ đã thuộc lòng thời trẻ cho Sơn nghe, như « Pouvoir tout dire » (Nói tất cả), hoặc những bài nồng thắm tình yêu và nhân văn trong tập « Le phénix » (Phượng Hoàng), có cả Ngô Văn Quế (GS toán học ở Montreal, Canada), nay cũng đã mất, cùng chia vui, thí dụ Sơn rất hứng thú khi tôi mách, Paul Nizan, trong quyển sách nhỏ, Aden-Arabie , đã từng tuyên bố: « J’avais vingt ans. Je ne laisserai personne dire que c’est le plus bel âge » (Tôi đã từng ở tuổi 20, tôi không thể để cho ai nói đó là tuổi đẹp nhứt) (2)
Có lần tôi nghe anh Cầu chọc Sơn, khi Sơn đang nhìn/ngắm một bãi bùn đen lấp lánh lầy lội : « Thằng Sơn nó thấy cái gì cũng đẹp, nó đang tìm hứng đó », và cũng có lần khá bất ngờ và cũng không kém lý thú, khi ông « chôm chôm biết hát », cũng là ông bầu của « gánh » Giới thiệu sáng tác mới phán một câu khó quên, khi quơ tay chỉ một nhóm văn nghệ sĩ đang lau nhau ở Hội quán : « Mấy thằng Huế tụi bây, cứ làm văn nghệ cho tao, đừng làm chính trị cho dân nó khổ ! »
Sơn
hát không bằng lời, bằng giọng, mà bằng tâm hồn. Nên
khi tiếng hát yếu đuối mà
sóng gió rung lên thì những
nét nhăn của tâm hồn Sơn dàn chào cuộc đời trên vầng
trán,
ở khoảng giữa mày và mắt khép ríu lại không
còn thấy gì ngoài xúc động bên trong.
(Nguyền
Thị Hoàng, Nhật
ký của im lặng,
nxb Đồng Nai, 1990 ;
xem thêm Thì
Hoàng uống cà phê )
Trên sân thượng, nguời đi nối anh em
Rất nhiều ca từ của Sơn là tranh, có lẽ hình ảnh hiện trước rồi Sơn mới tìm câu chữ để diễn tả, cho nên sau này, Sơn có cảm thấy chưa toại nguyện, mới muốn biểu lộ hình ảnh trong trí qua tranh vẽ. Và vẽ cũng đã hơn trăm, hai trăm bức ? Nhà Sơn, chính xác hơn, terrasse lầu một của nhà Sơn, là một salon, salon littéraire, theo ngữ nghĩa của Pháp, thế kỷ 19, nơi tụ họp định kỳ hay ngẫu hứng ngẫu nhiên của các danh nhân, thường do một phụ nữ quý phái tiếng tăm gia quản. Cho nên, không ai ngạc nhiên, khi, từ Bắc vô Nam, từ Tây sang Mỹ, ai muốn biết Thành phố có gì lạ, VN có gì mới, thậm chí thế giới đang đi về đâu, thì trước tiên là phải ghé Sơn, ngồi nhâm nhi nhìn nghe các bạn hữu bấm chuông leo lên thang lầu, đứng ngồi nhăm nhe, giải khoây, giải khát, giải trình. Nơi đây tôi đã từng bắt gặp Văn Cao, Phùng Quán, Hoàng Cầm, … Có năm, sau một chuyến nghiệp du hội thảo Thay đổi thời tiết do Tổ chức Quốc tế về Thời tiết tổ chức lần thứ 7 ở Chiang Mai/Thái Lan (1999 ), tôi ghé ở luôn mấy tuần liền trên lầu 2 cho tiện gặp nhau. Sơn thường thích thú giới thiệu tôi với bạn : tên này ở trên núi Pyrénées, nghiên cứu về bụi không gian, ở một mình với con chó có tên Chó, tức nhiên giới thiệu không đúng lắm, nhưng Sơn là tác giả bài Cát Bụi nên thích thú có người bạn làm việc về Bụi ; thật ra tôi nghiên cứu và giảng dạy Vật lý vi bụi cho sinh viên chuyên ngành, nhưng Phùng Quán cũng vui thú lấy bút ra làm môt bài thơ « Mời bạn đến nhà tôi chơi… », nhưng tiếc thay, tôi chưa có dịp ghé chuồng câu cá/cất rượu ở Hồ Tây của tác giả Ba phút sự thật thì anh đã bỏ đi, nói như ngạn ngữ Pháp : những người tử tế luôn đi trước. Thậm chí Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng có bài « Cát bụi lộng lẫy », với cách nhìn quá tô vẽ của nhà văn xứ Huế, đã in lại trong Tuyển tập một (nxb Trẻ, 2002, tr. 32-34), làm tôi lắm phút ngại ngùng.
Rõ ràng vai trò không định trước của Sơn là đi nối anh em, kể cả, nhứt là (?) sau khi Sơn mất.
Tuổi con cá
Theo lịch Tây Âu, ngày sinh của Sơn thuộc về tuổi con cá, có lẽ vì vậy mà Sơn ra đi ngày « Cá tháng tư » : một cái « nháy mắt » trêu bạn bè ?
Sau khi Sơn vừa mất, tới tấp, tấp nập bài vở xuất hiện trên sách báo VN và khắp thế giới, nên tôi đã hăm hở kiểm điểm trong bài « Đã một năm… », mà báo Diễn Đàn đã in trong số 117 (4/2002), đúng một năm sau khi Sơn mất, và sau này Sâm Thương chủ trương in lại trong « Trịnh Công Sơn, ánh nến và bạn bè », tr. 165-174, nxb Hội nhà văn, 2011, sách kỷ niệm mười năm ngày giỗ TCS. Sách cũng có in lại, với một số thay đổi đáng kể, một bài dài của anh Đặng Tiến mà đã xuất hiện đầu tiên trên báo Diễn Đàn (Paris), vài ngày sau khi Sơn mất, số tháng 5/2001, « Đời và nhạc Trịnh Công Sơn » (3), bài thời đó đã làm tôi chú ý và đặc biệt phẫn nộ, nên đã « gồng mình » trả lời anh với cái nhìn của tôi đối với người nhạc sĩ không ai thay thế được của VN (và của thế giới ?), trong bài « Trịnh Công Sơn : một sản phẩm… ? », gởi liền cho báo DĐ , và đã được in trong số 109, tháng 7/2001, và còn lưu lại trên trang của Hội TCS (3). Đó, hình như, cũng là một « tuyên ngôn » tụ họp bạn bè lập nên Hội văn hóa Trịnh Công Sơn mà đến nay cũng vẫn tiếp tục hoạt động, tuy một số thành viên tiêu biểu đã ra đi, Đinh Cường, Sâm Thương, … ( xem Đôi dòng về Hội Trịnh Công Sơn trong quyển« Trịnh Công Sơn, Tôi là ai, là ai… », tr. 553-558, nxb Trẻ, 2016).
Phổ ảnh
Như đã nói ở trên, ca từ TCS là tranh. Là tranh rất hiển nhiên trong tuyệt tác « Em còn nhớ hay em đã quên ? », mỗi đoạn là một bức tranh, điển hình trong câu « Có mặt đường vàng hoa như gấm/ Có không gian màu áo bay lên », màu áo, song, sao không phải tà áo, vì đối với hoạ sĩ, màu, tảng màu là đối tượng, chớ không phải là tà áo ; một mảng màu bay lên không gian : TCS đã bắt đầu trừu tượng hóa giai cảm của mình, vả lại, khi nhìn từ xa, trong ánh nắng ngược hướng , « contre-soleil », thấy lấp lánh một « đốm màu » là hợp lý hơn là thấy một «tà áo màu », như vậy cái đẹp cũng phải có lý mới « phải đạo », Eluard cũng đã từng nói về tình yêu của mình với Nàng: « Notre printemps est un printemps qui a raison » (Mùa Xuân của chúng ta là mùa Xuân có lý), trong tập Le Phénix (Phượng Hoàng), nxb Seghers, 1951.
Một trong những mục đích của Hội Trịnh Công Sơn là giới thiệu TCS với công chúng Pháp ngữ, Anh ngữ, vv…, nhưng thật sự Hội rất bất lực trong « sứ mệnh » ấy, hoạ chăng có ca sĩ nào hát được ca khúc TCS bằng tiếng Pháp tiếng Anh, nhưng hỡi ôi làm sao dịch được ca từ TCS, lại phải dịch cho « ăn » với nốt nhạc thì không biết có Ông Trời/Bà Tiên nào làm nổi không ? Làm chuyện đó không nổi thì làm chuyện khác vậy.
Có lần, nhân dịp Giỗ thứ mười của Sơn, Hội TCS và Đại học Paris-7 đã đồng ý tổ chức một hội thảo bằng tiếng Pháp về TCS, cộng thêm một cuộc triển lãm tranh của Đinh Cường và một số (nhỏ) tranh TCS của bạn bè « cắn răng » cho mượn, nhưng cuối cùng không thực hiện được vì trong Ban tổ chức có người không đồng ý dùng tiếng Pháp, vì sợ mất thú vị, có lẽ hội viên đó chưa nắm được hết các mục tiêu của Hội (4). Tiếc thay, bây giờ Hội thảo loại đó càng khó thực hiện, vì những tác giả hiểu biết TCS và phát biểu rành mạch bằng tiếng Pháp thì không còn được bao nhiêu nữa !
Cho nên « dịch » ca từ bằng hình ảnh là chuyện tôi cảm thấy có thể phần nào một mình thực hiện được, vì rằng, đã từ hơn nửa thế kỷ nay tôi là « phó nhòm », từ thời trung học, với cái máy ảnh đầu tiên (phim 6x9cm) mua ở cảng Port-Saïd (Ai Cập) khi tàu ghé qua, trong cuộc hành trình Bến Nghé-Marseille, và hơn nữa đã đi đó đây nhiều nơi nhiều chốn, vì nghề nghiệp, vì du chơi, chụp với phim nhựa, trắng đen tự rửa rọi lấy (phim 24x36 mm), hay phim màu dương bản, hoặc phim số sau này. Soạn lại được hình nào ưng ý thì hình như ca từ TCS bay lấp vô rất tự nhiên, đồng loã đồng tâm, tuy đôi khi có những câu chữ cứ lảng vảng mãi trong đầu mà không tìm thấy hình ảnh nào vừa ý ở ngoài đời hay trong sưu tập sẵn có, thí dụ, « Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô… », nhưng nhứt định rồi sẽ tìm được, thấy được, thực thụ hay thực siêu, kể cả khi « Ta thấy em đang ngồi khóc khi rừng chiều đổ mưa ».
Có người cúng hoa cúng men cúng hương, tôi xin cúng hình cúng ảnh vậy, trong những ngày sinh ngày giỗ sắp tới, và trong khi chờ rong chơi tiếp với Sơn, bên kia Bờ.
Phạm Văn Đỉnh
-13/09/2020 : thay lời tựa cho quyển « Ca từ Trịnh Công Sơn, Phạm văn Đỉnh phổ ảnh », nxb Hội Nhà Văn (04/2021) ;
-
06/10/2021 : cập nhật mừng Diễn Đàn
30 tuổi.
________________________________________
(1) Chữ của anh Cao Huy Thuần, Thời Đại Mới, số 35, tháng 9/2016, Bạn thù và đam mê ( tr.01-14).
(2) Về tuổi
20, tôi còn nhớ mấy câu trong bài
thơ « Cho tôi về đất mẹ »
đã đăng trên báo phong trào
Việt kiều ở Pháp và trên báo
Đối Diện ở VN khoảng 1965 (?) dưới
tên Lê Na hay tên thật của tôi:
«Hơn mười năm xa đất
mẹ hơn nghìn dặm
« Sống
bao Xuân sống cả mùa Đông
« Tuổi
đẹp nhứt con người hai mươi
tuổi
« Khi chưa biết tình đời
mang chất nặng
« Hạnh phúc khổ
đau là hai mặt cùng khuôn ».
(3) Những bài
ĐT đăng lại đó đây so với
bài in trên DĐ, tôi chưa thấy có
bài nào là nguyên y nguyên gốc
cả, có lẽ do nhiều lý do, trong đó
có sự ra đời của bài « Trịnh
Công Sơn : một sản phẩm… ? » ?
Nguyên
văn bài viết của ĐT (4/2001) có
thể đọc trên trang
nhà của Hội
TCS.
(4) Có lần tôi « bị » Đại học Paris-7 mời giờ chót để thay thế Michiko (« bị kẹt », tối 14/05/2011) , nói về TCS và ca khúc da vàng, dù (tức nhiên) nói bằng tiếng Pháp, tôi cảm thấy sinh viên và các cô/thầy cũng rất là hứng thú.
Các thao tác trên Tài liệu