Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / CON HỌA MI LÔNG XÙ VỪA BAY VỪA HÓT

CON HỌA MI LÔNG XÙ VỪA BAY VỪA HÓT

- Nguyễn Trí Huân — published 11/01/2023 17:20, cập nhật lần cuối 11/01/2023 17:21


CON HỌA MI LÔNG XÙ VỪA BAY VỪA HÓT


NGUYỄN TRÍ HUÂN


1


Thật ra, khi lão quyết định nhường căn hộ ba phòng dành cho cán bộ cao cấp, đổi lấy căn hộ hai phòng ở tầng 4, khu tập thể tồi tàn này cho cậu phó phòng là có nguyên do của nó. Hồi ấy, khi chuyển ngành về nhận công tác ở văn phòng chính phủ, nghe cậu phó phòng nói bố cậu, một thương binh, nguyên là chiến sĩ từng chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, lão đã đến thăm nhà cậu, hy vọng sẽ được gặp một đồng đội cũ. Gia cảnh nhà cậu đã khiến lão hết sức ái ngại. Hai ông bà già bệnh tật và hai đứa cháu một gái, một trai, trứng gà, trứng vịt, lại thêm một đứa cháu họ đang học năm cuối của một trường đại học. Tám người chen chúc trong một căn hộ hai buồng. Buồng ngoài vừa là nơi tiếp khách, ăn uống, ngủ nghỉ cho bố mẹ cậu và cô cháu họ.

Nhưng cái lý để lão đổi nhà cho cậu lại nằm ở một khía cạnh khác. Lão được biết, ông nội cậu, một tá điền, hồi cải cách ruộng đất đã bị quy sai là địa chủ. Ông cụ bị đưa ra đấu tố ở đình làng. Bố cậu bị vạ lây. Suốt một thời gian dài không được tham gia đoàn thể, luôn bị coi là thành phần bóc lột, cần phải cải tạo. Dĩ nhiên, bố mẹ như vậy thì con cái cũng đừng mơ tưởng đến việc vào đại học hay thoát ly đi làm công nhân ở các lâm trường, các khu kinh tế mới. Để thoát khỏi hoàn cảnh đó và để thay đổi lý lịch cho con cái, là cậu và thằng em trai mười ba tuổi, bố cậu đã xung phong nhập ngũ vào năm quân Mỹ đổ bộ ồ ạt vào chiến trường miền Nam. Kết cục, ông bị thương nặng, phải trả về hậu phương mang thương tật suốt đời do một mảnh đạn M79 găm vào sọ não không gắp ra được. Bù lại, cậu và em trai cậu trở thành con thương binh. Em cậu được đi học nước ngoài, còn cậu sau ngày tốt nghiệp đại học được nhận về công tác tại cơ quan của lão.

Lẽ đương nhiên, mọi người trong cơ quan không ai hiểu được cái căn nguyên sâu xa đó. Họ bàn ra tán vào và ghen tị với cậu phó phòng. Người tử tế thì chép miệng cho rằng, lão ứng xử như vậy là hợp lẽ đời bởi lão nguyên là một vị tướng, một anh hùng lực lượng vũ trang, nay lại là vụ trưởng một vụ quan trọng của văn phòng chính phủ. Hơn nữa lão chỉ sống có một mình. Một căn hộ hai phòng là hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh của lão. Người không thiện chí thì bảo, lão đang cố tình chơi trội, hoặc hướng đến một cái đích xa hơn: thứ trưởng hay bộ trưởng một bộ nào đó. Phải đến khi trải qua nhiều năm sống với lão, họ mới hiểu sự nhường nhịn, chia sẻ đã trở thành bản tính của lão. Ví dụ có một lần, lão được cử đi nước ngoài an dưỡng vì vết thương cũ luôn tái phát, hành hạ lão. Nhưng đến giờ chót, người đi không phải là lão mà là một anh vụ phó mắc bệnh gan, còn nơi đến lại là nước đứng đầu phe xã hội chủ nghĩa về điều trị căn bệnh ấy.

Lão đã sống trong cái căn hộ hai phòng đó nhiều năm ròng cho đến ngày nhận quyết định nghỉ hưu. Cách đó dăm năm, thành phố có quyết định xây lại khu tập thể này vì nó đã được dựng lên từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Một tòa nhà xập xệ, tróc lở, chẳng chịt dây điện. Hầu hết cư dân của khu tập thể đã chuyển đi nơi khác. Nhưng dự án đã được phê duyệt từ lâu song đâu vẫn hoàn đó. Hỏi thì người ta bảo : chưa tìm được nhà đầu tư phù hợp hoặc thành phố vẫn chưa điều chỉnh, bố trí được nguồn vốn…

Để kiếm thêm thu nhập, những hộ đã dọn đi, trong lúc chờ đợi, ngưởi ta cho thuê mỗi căn hộ ba bốn người. Đa phần là những người bán vé dạo, lượm ve chai, chạy xe ôm công nghệ. Cả những người từ quê lên chạy thận nhân tạo cũng thuê mượn tá túc ở tầng một. Riêng lão thì vẫn ở nguyên chỗ cũ, chưa có ý định chuyển đổi. Một lần, cậu phó phòng, sau trở thành vụ trưởng vụ chính sách bảo lão : “ Em đã đề xuất điều chỉnh căn hộ cho bác. Ở chỗ mới, có thang máy, không phải leo lên leo xuống ”. Nhưng lão xua xua tay từ chối : “ Tớ ở đây quen rồi. Mấy lại ăn hết nhiều chứ ở hết bao nhiêu ”. Lão nói.

Rốt cuộc, lão vẫn kiên trì bám trụ ở tòa nhà không biết sẽ bất ngờ ụp xuống lúc nào. Mọi người trong cơ quan hiểu lão, trọng lão. Không ai nghĩ có cái gì bất thường trong hành vi ứng xử của lão. Bởi lão vẫn sống có một mình, giờ có thêm con họa mi suốt ngày nhảy nhót, đập cánh phành phạch trong chiếc lồng ngoài ban công. Một con chim hình như chỉ biết kêu nhát gừng mà không biết hót.

Đối với những cư dân mới của khu tập thể, lão cũng luôn giang rộng vòng tay giúp đỡ cưu mang họ, hầu hết là những người được bữa trưa lo bữa tối, vặt mũi đút miệng. Tuy vậy, lão nghĩ họ vẫn sống thanh thản hơn mình, không bị mất thiếu những điều lão đang phải chịu đựng. Họ còn có quê để về, còn có tổ tông để thờ phụng, có bà con ruột thịt để thăm hỏi. Riêng lão thì không. Có lẽ người đến với lão nhiều nhất là một người đàn bà, từ khi còn là một thiếu phụ trẻ, đẹp và cả sau này, mái tóc đã điểm bạc. Bà đến với lão mỗi tuần, việc đầu tiên là mở tủ lạnh kiểm tra căn bếp. Bà lau dọn nhà cửa, ngầy ngà lão vì đồ đạc, quần áo, giấy tờ quá bề bộn. Vào những ngày vết thương cũ của lão tái phát, bà tất bật lo thuốc men, cơm nước, nhẹ thì chăm tại nhà, nặng bà đưa lão vào viện, thức trực suốt ngày đêm cho tới khi lão ra viện. Trong cái cách cư xử của bà như cử chỉ của một người chị, người em, một người vợ hoặc một cái gì đó tương tự. Bà vốn là vợ ông chính ủy của lão. Một người sống, chiến đấu bên lão nhiều năm, chia sẻ, vun quén, bù đắp cho lão tất cả mọi thứ : từ địa vị danh vọng đến cả sinh mạng và tư cách làm người của lão.

Thỉnh thoảng, vào những lúc rảnh rỗi, lão lại đến nhà cậu phó phòng, chủ yếu để thăm hỏi bố cậu. Họ thường ngồi rất lâu ở phòng khách, bên ấm trà, hoặc một ly rượu nhạt để ôn lại chuyện thời chiến. Họ nói với nhau về chiến dịch Đăk Pék, về mùa xuân năm 1969 vây đánh Kontum, sư đoàn lão thương vong quá nửa phải chôn súng, khiêng cáng thương binh rút lui về đồng bằng. Thời đó lão là chỉ huy, còn ông bố cậu phó phòng mới chỉ là một người lính. Đôi khi, họ nhắc tới cuộc cải cách ruộng đất nhiều năm trước. Một cuộc cách mạng dân chủ mà cả hai đều là nạn nhân theo cách khác nhau. Ông bị quy sai thành phần, còn lão là tác nhân của cái tai nạn mà nhiều người như ông ở quê lão phải hứng chịu. Đó mới là cái nguyên cớ để lão nhường nhà cho cậu phó phòng, đúng hơn là cho bố cậu.

Không ai biết rằng, cả cuộc đời lão là một hành trình dài để gột rửa, cứu chuộc những lầm lỗi mà lão đã phạm phải trong cuộc cách mạng đầy tai biến ấy.


2


Câu chuyện xảy ra vào những năm 50 của thế kỷ trước. Ngày ấy, lão còn là một cậu thanh niên 16 tuổi. Ngôi nhà của bố mẹ lão là một túp lều nằm dẹo dọ dưới gốc một tán bàng cổ thụ. Cây bàng sần sùi, đầy u bướu xòe cành lá che chở cho mái rạ ẩm mục thủng lỗ chỗ của nhà lão. Bố mẹ lão làm nghề mõ làng. Thường vào buổi nhập nhoạng tối, ông bà, mỗi người cầm một chiếc mõ, đi về hai hướng khác nhau thông báo cho cả làng biết ngày mai quan huyện sẽ về làng, hoặc đôn đốc các cư dân còn nợ thuế phải nộp gấp. Tiếng mõ đổ dồn khô khốc vọng đến từng ngóc ngách trong làng, lay động trên những ngọn tre ủ bóng xuống bờ ao, mái rạ ẩm ướt. Từ hai hướng khi bố mẹ lão quay lại, nhà lão mới nổi lửa. Bữa tối của nhà lão thường chỉ có ngô, khoai hoặc một nồi cháo loãng. Thi thoảng cũng có một gói xôi, dăm miếng thịt thủ, những gì còn lại sau các cuộc chè chén của các cụ tiên chỉ trong làng. Đêm, lão thường ngủ nhà một mình, rất hiếm khi bố mẹ lão ở nhà. Cả hai ông bà đều ra đi vào tuần giữa đêm và trở về khi trời đã tang tảng sáng, váy áo cũng như ống quần của bố mẹ lão bám đầy cỏ may, tay chân ngang dọc những vết xước, máu rỉ ra đã khô đen lại.

Lão không biết bố mẹ lão đi đâu, làm gì. Lão cũng không biết rằng, ở góc nhà, nơi bố mẹ lão đặt ba ông đầu rau làm bếp có một căn hầm bí mật được ngụy trang kín đáo. Lão phát hiện ra điều này thật tình cờ sau một lần đi nhổ mạ thuê về nhà giữa buổi. Giữa lúc lão đang vớ lấy ấm nước vối tu ừng ực thì chợt thấy đám tro bếp lay động, rồi một mảng gỗ vuông trồi lên. Sau đấy một đầu người dính đầy tro bếp như mọc lên khỏi mặt đất. “ Anh Dung ”. Lão kêu. Lúc đó, anh Dung con cụ Mặc đã đu người khỏi mép hầm. “ Em đóng cửa lại đi. Ở dưới ấy nóng quá.” Lão vội chạy lại, lập cập kéo tấm liếp ken bằng lá mía khô, vừa hốt hoảng vừa tò mò, không hiểu anh Dung làm gì ở dưới ấy. Bố mẹ lão đào căn hầm này từ khi nào mà lão không hề hay biết. Lão nhìn anh Dung rồi lại nhìn ra khoảng sân vắng lặng trước nhà. Một mảnh sân bé tý tẹo phủ đầy lá bàng khô và những dây bình bát mọc từng búi xanh biếc.

Sau đận ấy, lão lờ mờ hiểu rằng, bố mẹ lão và anh Dung đang làm một việc gì đó rất hệ trọng và nguy hiểm. Một lần bố lão bảo: “ Con không được nói với ai về căn hầm ấy. Sắp thắng lợi rồi. Sắp hết khổ rồi.” Còn mẹ lão thì bảo : “ Hòa bình con sẽ được đi học, thế giới đại đồng, con không phải đi làm thuê nữa.”

Lão đã giữ điều bí mật ấy trong một trạng thái vừa lo âu, vừa thích thú. Mỗi khi ở nhà, lão đều chăm chăm nhìn vào đống tro bếp. Có lần lão ghé sát miệng vào ba ông đầu rau khẽ gọi : “ Anh Dung ơi, anh Dung.” Không có tiếng trả lời. Hình như anh Dung không còn ở dưới đó nữa. Lão đem chuyện này hỏi bố. Bố lão bảo : “ Anh đã đi nơi khác rồi.” Thực hư lão không biết. Nhưng bố lão đã nói như vậy thì lão cũng tin là như vậy. Bố lão còn bảo anh Dung là du kích, anh làm cách mạng là để đòi lại nhà đất cho bố con mình. Bố kể, ngày trước nhà lão cũng không đến nỗi nào. Ông nội lão, trước khi chết đã chia cho bố mẹ lão một thửa đất rộng sát tường nhà Tổng Quỳnh. Một bữa đi làm về bố mẹ lão thấy Tây đoan, lính khố xanh đứng đầy ở vườn nhà. Họ lôi lên từ một gốc chuối hai hũ rượu lớn. Từ đó, nhà lão bị mất vườn, mất ruộng về tay Tổng Quỳnh. Hai hũ rượu ấy chính do Tổng Quỳnh sai người lén chôn sang vườn nhà lão. Bố mẹ lão uất nhưng không làm gì được. Ông bà đành phải xin ra ở đất công, dưới gốc bàng, cũng chính do một tay Tổng Quỳnh sắp đặt.

Sau này, lão được biết, anh Dung một bí thư chi bộ 19 tuổi và chị Hoài cán bộ phụ nữ huyện đã giác ngộ, dẫn dắt bố mẹ lão vào con đường hoạt động cách mạng. Căn hầm bí mật ở nhà lão không chỉ nuôi giấu anh Dung mà còn có cả chị Hoài. Họ cùng với đội du kích xã, trong đó có bố mẹ lão đã gây cho bọn lính ở bốt Bồng, bốt Thượng nhiều cái chết bất đắc kỳ tử. Những trận đánh ấy đã khiến Tổng Quỳnh trốn tiệt trong đồn, không dám ló mặt về nhà.

Trở lại chuyện căn hầm bí mật, đối với một cậu bé 16 tuổi như lão, phải giữ kín, không được nói với ai là một điều rất khổ sở. Một cục tức luôn thò thụt trong ngực lão. Lão thèm được nói, cho bất kể ai, về căn hầm đã bỏ không ấy. Và sự dại dột, đòi hỏi giải tỏa kỳ quặc ấy của lão đã gây ra thảm họa. Một lần, khi ngồi nghỉ, giữa buổi tát nước thuê trên bờ ruộng, lão đã buột miệng với anh Tới, người cũng đi làm thuê như lão. “ Nhà em có một căn hầm bí mật. Anh đừng nói với ai nhé ”. Lão thì thào, xong, lão thấy nhẹ cả lòng, còn anh Tới thì tỏ ra thờ ơ, như chẳng có can hệ gì với điều vừa thổ lộ của lão.

Sáng hôm sau, khi lão đang nhổ mạ cho nhà ông Lý ngoài khu đồng Miếu Âm hồn thì nghe tiếng súng nổ trong làng, khói cuộn đen trên các ngọn tre và văng vẳng đâu đây tiếng gọi tên lão. Lão chạy lao về nhà, ruột gan thắt lại, mơ hồ cảm thấy có một điều gì đấy liên quan đến việc mà sáng qua lão đã nói với anh Tới, một kẻ cùng đinh, nghèo kiết xác như lão.

Lúc đó trên khoảnh đất công của làng, nơi nhà lão được dựng một túp lều để ở chỉ còn lại một đống tro tàn, lửa vẫn còn hồng lên trong những đòn tay tre đang cháy dở. Căn hầm bí mật ở góc bếp đã bị phá hủy, lổn nhổn đất, gỗ đen đúa. Bố mẹ lão đều đã bị bắn chết, bị chặt đầu cắm cọc ở đầu làng. Giữa sân đình là hai xác người không đầu bị phơi nắng bu đầy ruồi nhặng và kiến lửa. Lão lao vào nơi bố mẹ lão nằm. Một người lính thúc báng súng vào lưng lão. Cả họ tộc nhà lão đứng ở hai bên tờ mạc, người khóc, người vằn mắt nhìn Tổng Quỳnh đang lồng lộn đi lại, đe nẹt và hăm dọa.

Đêm hôm ấy, bà Thuộc, cô ruột của lão cắp một chiếc thúng và hai chiếc khăn bà trùm đen, đem theo một ít tiền cho bọn lính gác rồi lượm hai chiếc đầu của bố mẹ lão mang về chắp vào thân người bó chiếu đem chôn ở khu gò Mả đọ trước sự bảo vệ của anh Dung và đội du kích xã.

Sau lễ mai táng diễn ra âm thầm và tức tưởi bố mẹ lão, bà Thuộc cô ruột lão bảo : “ Thôi, con về ở với cô. Từ nay, mày là con ruột của cô ”. Lão đã về ở với bà, tham gia đội du kích của anh Dung bắt đầu từ đêm hôm ấy.


3


Đội du kích làng Hạ gồm 11 người, có thêm lão là 12, do anh Lê Thao, con cả cụ đồ Thuế làm đội trưởng. Hồi đó, ở xứ Đoài, ba cái tên Lê Thao, Phan Xích, Xuân Tề là ba cái gai nhức nhối, gây kinh hoàng cho bọn tề ngụy và lính Pháp đồn trú trong vùng. Trong một trận tử chiến, đấu súng khốc liệt ở xóm Cuồng Cà, Lê Thao hy sinh, sau này được truy tặng là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Lê Thao hy sinh, anh Dung lên thay. Bố mẹ lão mất, đội du kích có thêm lão, một cậu thanh niên ngấp nghé 17 tuổi, vâm váp với đôi mắt xếch, cằm vuông, mũi nở. Hình như lão được sinh ra để làm du kích, làm lính. Ngay từ hồi lão còn trẻ, anh Dung đã phát hiện ra cái thiên bẩm quân sự của lão. Ngày đó, kể từ những năm 1954 về trước, làng Hạ của lão và làng Thượng bên cạnh, vào dịp áp Tết Nguyên đán thường xảy ra tục “ ném quân ” trên cánh đồng giữa hai làng. Lão không biết tục lệ này có từ bao giờ. Người Pháp đã lợi dụng nó để chia rẽ mối hiềm khích giữa hai làng, đến mức trai gái hai làng không bao giờ có đám kết hôn, cưới hỏi.

Gạch, đá là vũ khí của họ. Những viên gạch củ đậu bay vù vù trên không trung rơi vào đám người đang rền dứ đuổi nhau trên những thửa ruộng mới gặt, còn nguyên gốc rạ. Tuy mới 16 tuổi, lão đã được mệnh danh là “ gan cóc tía ”, thủ lĩnh của trai làng Hạ. Mỗi khi có tin “ gan cóc tía ” xuất hiện, trai làng Thượng lại lập tức co về cố thủ sau các bờ tre rậm rịt vừa để tránh những cú ném bách phát bách trúng của lão, vừa đề phòng mũi đánh thọc sườn, đánh sau lưng của trai làng Hạ do lão cầm đầu. Anh Dung đã sớm nhận ra sự lỳ lợm, táo bạo của lão để đưa lão vào du kích, vào học tập và rèn luyện trong môi trường quân ngũ. Ban ngày đội du kích nằm dưới hầm, ban đêm dậy đi hoạt động. Căn hầm bí mật của anh Dung đã được chuyển từ nhà lão lên căn hầm đào trong vườn dong riềng nhà bà Thuộc, cô ruột của lão.

Bà cô lão làm nghề bán cháo se, một đặc sản của vùng quê lão. cháo se là loại cháo nấu bằng bột gạo tẻ, được xay kỹ, hầm với xương sống lợn. Khi xương đã được hầm nhừ, người ta lọc lấy phần thịt, bỏ phần xương cho vào nồi tiếp tục ninh cho nhừ thêm, sánh thêm. Khi nồi cháo còn đang sôi lục bục, là lúc các sợi cháo được se vào nồi bằng một thứ bột gạo đã lọc kỹ. Thường sợi cháo se trực tiếp bằng tay, bởi thế nó được gọi nôm là cháo se. cháo se có vị mát đậm của bột gạo, vị ngọt thanh của xương sống lợn, ăn đến đâu biết đến đó. Làng Hạ có nhiều người nấu cháo se, nhưng không ai nấu ngon như cháo se bà Thuộc. Buổi sớm bà cho nồi cháo vào thúng, quanh nồi bện rơm, cùng với một chiếc thìa bằng nửa quả dừa khô, gánh ra chợ Phùng, chợ Gối, chợ Dày bán. Ở quê lão, chợ được quy định mở theo ngày. Ngày chẵn chợ Dày, ngày lẻ chợ Gối, chợ Địch. Cũng đôi khi, bà Thuộc nấu cháo theo sự đặt trước của các đám cưới hỏi, đám giỗ trong làng.

Từ ngày lão về ở với bà, lão không còn phải đi cày thuê cuốc mướn như trước. Lão được ăn, được mặc và chỉ phải xuống hầm khi có tin Tây xuống dốc. Tây xuống dốc là cụm từ mà ở làng lão từ trẻ con đến người già ai ai cũng nhớ, cũng thuộc. Dốc ở đây là dốc đê làng. bọn lính cả lính Tây, lính ta từ bốt Phùng, bốt Thượng, mỗi khi đi đến dốc đê là cả làng lão đã được loan báo. Mọi người từ già đến trẻ dù đang làm việc gì cũng đều vội vã vào nhà, chui xuống ngồi dưới gầm bàn thờ. Đàn bà con gái thì lấy nước trầu đổ vào đũng quần, đũng váy nhằm ngăn chặn những cơn cuồng dục của bọn lính Tây, nhất là lính da đen. Nhưng giải pháp này rồi cũng không lừa dối nổi bọn lính khát dục. Không lẽ cả làng đều đến ngày đến tháng cùng một lúc ? Thế là mỗi lần vào làng, bọn lính Tây không từ bất cứ người nào từ già đến trẻ, ở bất cứ đâu : sân đình, tam quan chùa, bờ ruộng bọn chúng đều tiến hành cưỡng hiếp tập thể. Làng lão, sau hòa bình có đến dăm bảy đứa trẻ da đen, tóc quăn, răng trắng nhởn bắt đầu từ những cuộc bạo dục như vậy.

Để chống lại những cuộc Tây xuống dốc, anh Dung đã giao cho lão và chú Bôn con cụ Nhâm lén chôn mìn dưới chân dốc vào một đêm mưa lạnh thấu da thấu thịt. Kết quả hôm sau, khi chiếc xe Jíp của tên quan một vừa bò tới chân dốc thì mìn nổ. Chiếc xe lật nghiêng. Tên quan một cùng với cậu lính lái xe chết banh xác, ruột gan văng nhuốm đầy trên sàn xe. Bánh xe vỡ nát lăn tới tận mả bà đầm Pic ở gần đó.

Hậu quả của trận đánh đã dẫn đến thảm họa đối với làng lão : Hàng trăm ngôi nhà bị đốt cháy, hàng chục người bị bắt bớ, bắn chết. Còn Tổng Quỳnh thì lồng lên như một con thú dữ.

Bà Thuộc, cô ruột của lão dù ở hoàn cảnh nào cũng vẫn lặng lẽ xay bột, hầm xương sống lợn nấu cháo se để bán ở chợ Dày, chợ Gối. Tổng Quỳnh rất mê cháo se của bà. Trước, mỗi sáng, bà đều phải mang cháo se đến nhà hắn. Sau vụ đánh lật xe của viên quan một, hắn rút vào bốt Thượng ở cùng với tụi lính, bà lại mang cháo đến tận cổng đồn cho hắn.

Một lần, giữa lúc anh Dung và lão đang ngồi ngoài vườn dong riềng, trên miệng hầm thì Tổng Quỳnh dẫn lính sục vào sân nhà bà. Biết mối nguy đang ập tới, bà vội chạy ra đón Tổng Quỳnh, đon đả có phần cợt nhả đối với hắn. Tổng Quỳnh nhìn bà, hàm răng đen nhức, môi đỏ thắm, khuôn mặt trắng đầy đặn. Hắn đuổi bọn lính ra ngoài, lôi bà vào nhà, vật bà ra chiếc sập gụ. Bà la lớn : “ Ông Tổng ơi ông Tổng ” nhằm báo tin cho anh Dung và lão. Tổng Quỳnh, từ lâu đã thèm khát cái thân hình mềm mại của bà. Hắn điên dại vầy vò bà trên chiếc sập gụ, dưới bàn thờ cho đến khi hộc lên, mệt lả. Chính sự kiện này, để đến hồi cải cách nghe theo lời đội, lão đã tố bà gian díu với Tổng Quỳnh, nuôi Tổng Quỳnh bằng cháo se và còn chủ động mèo chuột với hắn.

Bà Thuộc, cô ruột lão, sống có một mình. Bà không có con. Chồng bà, một lực điền đã tình nguyện gia nhập lính lê dương Pháp để kiếm tiền tậu ruộng, làm nhà. Ông đi lính Pháp 9, 10 năm. 2 năm ở Pháp, 3 năm ở Đáp Cầu và 4 năm đóng quân ở Thượng Hải. Năm 1945, hồi Cách mạng thành công, ông đột ngột trở về, cũng tham gia vào chính quyền xã. Có người kể, ông đã từng có lần mang một cây mã tấu và lá cờ đỏ sao vàng dựng ở sân nhà. Khi Pháp quay trở lại, ông lại nhận làm Trương tuần, chủ yếu vẫn là để kiếm tiền, tậu ruộng. Trước khi bị Pháp bắn chết dưới ao đình, ông đã mua đủ mấy nghìn gạch, một bè tre chuẩn bị xây nhà thờ Tổ.

Thời ấy, bọn địch thường xuyên tổ chức những cuộc vây ráp vào làng Hạ. Ngoài súng ống, mìn và lựu đạn, chúng mang theo những cây thuốn sắt, đầu rèn nhọn để xăm tỉa những khu đất chúng nghi có hầm bí mật. Một hôm sau cuộc xăm tìm bất thành, trên đường trở về, một thằng lính kéo cái thuốn sắt leng keng lên tường nhà ông. Đang quét vôi ở bức tường hậu trong nhà, tưởng trẻ con đùa, ông lớn tiếng chửi. Nào ngờ, bọn lính ập vào nhà bắt trói ông vu ông là du kích. Ông cuống quýt giải thích với thằng đội Tây bằng mấy tiếng Pháp bồi. Thằng đội Tây đã định tha, nhưng thằng đội người Việt và Tổng Quỳnh không chịu vì nghĩ rằng ông coi thường chúng. Ba ngày bị giam, bị tra tấn ở bốt Bồng khiến ông tàn tạ, không chịu nổi. Để đỡ bị đánh, ông nhận bừa là có biết hầm du kích, cốt đỡ bị đánh phút nào hay phút ấy. Hôm sau, bọn lính dẫn ông về làng, bắt ông chỉ chỗ có hầm bí mật. Ông dẫn chúng đi lòng vòng rồi nhân lúc chúng sơ suất, sà vào quán hàng xén nhà bà Tịnh mua bán, ông bỏ chạy. Bọn lính la hét đuổi theo, súng chỉ thiên bắn nổ loạn xạ. Ông vẫn chạy, tay bị trói giật cánh khuỷu. Đến bờ ao đình, không còn cách nào khác, ông nhảy ùm xuống ao. Bọn lính xô đến vừa thở hồng hộc vừa xả súng xuống chỗ có tăm nước nổi lên.

Sau này, người làng Hạ thường kể rất nhiều giai thoại về ông. Do thời gian đóng quân ở bên Pháp, ông là lính nấu ăn nên người làng gọi ông là bếp Khới, Khới là từ gọi chệch tên thật của ông. Phạm Chi Khí. Người ta bảo ông bếp có sức khỏe thật phi thường. Ông có thể lồng tay vào chiếc cối đá nặng hàng tạ nâng bổng lên. Đôi bận, khi cao hứng, ông còn vần cả cối đá lăn dọc cây bàng ngả la đà trên mặt ao. Một lần ông gọi một thợ hàn nồi vào nhà, chốt cổng lại. Trong lúc anh thợ hàn nồi bày đe, búa lá khoai nước ra sân. Khi hàn nồi đồng, người ta dùng lá khoai nước sát vào những mép hàn để nước không thể rỉ qua những mép hàn ấy. Giữa lúc anh thợ hàn đang khấp khởi chờ thì ông từ bếp đi ra, một tay xách ba cái nồi đất, một tay cầm con dao bàu chọc tiết lợn. Biết gặp phải một người không bình thường, anh thợ hàn nồi bỏ cả đồ nghề, nhảy qua hàng rào tháo chạy. Người làng giải thích, sở dĩ thỉnh thoảng ông nổi máu điên như vậy do ông lỡ uống quá nhiều rượu mật gấu từ thời còn đóng quân ở Thượng Hải.

Mấy tháng sau cái chết của chồng, bà Thuộc lại lặng lẽ nấu cháo se đem lên cổng đồn cho Tổng Quỳnh, số còn lại đem bán ở chợ Dày, chợ Gối. Không ai biết, ngoài anh Dung, ở đáy nồi thường có thư của anh gửi cho chị Hoài, người mà cứ dăm bữa nửa tháng lại đến chợ, mua cháo của bà. Sau này, chính chị Hoài khi được cử về làm Bí thư Huyện ủy và cả anh Dung nữa đã đứng ra minh oan cho sự oan khuất của bà. Điều đáng nói ở đây, kẻ hàm oan bà, chính là đứa cháu ruột, là con nuôi của bà.


4


Từ ngày về hưu, sống trong căn hộ 18m2 ở khu chung cư cũ, lão vẫn không nguôi nghĩ về bố mẹ và bà Thuộc, cô ruột của lão với một sự ân hận hối tiếc đau đớn. Những lúc cô độc nhất, lão thường đứng bên cửa sổ, lặng lẽ trò chuyện cùng con họa mi lông xù. Lão nhớ, hồi vớt chồng lên khỏi ao đình, bà cô lão đã rút khăn bà trùm lau mặt cho ông, bà lùa khăn cố moi bùn ra khỏi miệng ông. Bà cọ đi cọ lại hàm răng trắng lạnh của ông, dùng hết sức đẩy cằm ông lên để miệng ông khép lại nhưng không được. Bà kể, sau ngày đi lính trở về, ông nát rượu và ham mê cờ bạc. Nhiều đêm thắng bạc, ông mua bánh dầy, giò về dựng vợ dậy giữa đêm bắt ăn một cách hồ hởi. Hôm nào thua, ông túm cổ áo bà dúi vào xó cửa, một tay cầm dao bầu dọa giết. Bà biết ông là người phẫn chí, không biết phải trái, nhưng bà không phụ ông. Chỉ tiếc bà không sinh nổi cho ông một mụn con để nối dõi.

Nhờ có những thông tin do bà cung cấp, sau những buổi đem cháo đến cho Tổng Quỳnh và bọn lính gác bốt Thượng, đội du kích làng Hạ được sự chi viện của huyện đã xây dựng phương án nhổ bốt Bồng, bốt Thượng. Bốt Thượng nhổ trước, sau bao vây bốt Bồng, kêu hàng theo đề xuất của lão. Đêm hôm ấy lão còn nhớ là một đêm trăng suông, tiểu đội du kích do anh Dung dẫn đầu men theo bờ đê tiến về phía bốt Thượng, chờ cho lúc giặc trong bốt ngủ say sẽ nổ súng. Nhưng khi còn cách cổng đồn vài trăm mét, bất chợt lão thấy có tiếng đập cánh, rồi hai con họa mi từ một bụi dứa dại bay vụt lên. Đang lò dò bước, anh Dung ra hiệu cho đội hình dừng lại. Chúng ta bị mật phục rồi ? Anh thì thào. Cùng lúc mùi thuốc lá Cô táp thoảng đến. Biết kế hoạch, phương án đã bị lộ, anh Dung lặng lẽ cho rút quân, về sẽ bàn phương án khác. Đêm ấy, nếu không có đôi chim họa mi, đội du kích sẽ sa vào ổ phục kích của giặc. Đó là một sự tình cờ thật lạ lùng. Sau này, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trước một trận đánh vào một căn cứ dã chiến của quân Mỹ, lão cũng lại gặp một trường hợp tương tự. Khi tiểu đoàn do lão chỉ huy tiềm nhập vào phía Tây căn cứ, lúc dừng nghỉ để quan sát, lão lại thấy có tiếng động ở phía trước và lại thấy hai con chim họa mi bay vọt lên, cánh chim đập loạng choạng trong màn đêm đen sẫm. Lão lệnh cho tiểu đoàn giữ nguyên đội hình rồi cử một tổ trinh sát cùng với lão bò lên theo hai hướng. Mọi việc đúng như dự tính của lão. Bọn Mỹ đã nống ra ngoài căn cứ phục kích với một hệ thống mìn clâymo dày đặc. Tương kế, tựu kế, lão xé tiểu đoàn làm hai bộ phận. Một bộ phận nhỏ sẽ nghi binh cố làm lộ đội hình ở phía chính diện. Bộ phận lớn còn lại gồm 2 đại đội vu hồi đánh bọc từ phía sau. Đánh vu hồi luôn luôn là cách đánh sở trường của lão. Trận ấy, tiểu đoàn của lão đã tiêu điệt gọn một đại đội Mỹ mà không phải hy sinh một chiến sĩ nào. Lúc tảo thanh trận địa, lão bất ngờ thấy một ổ chim họa mi với 3 con chim non chưa mọc đủ lông cánh trong một bụi chà là ven sườn đồi. Thấy động cả ba con chim đều ngóc cái mỏ vàng rực lên đòi ăn. Lão bảo cậu công vụ : “ Cậu mang cái ổ chim này đi, pháo bầy sắp dập xuống rồi đấy ”. Lúc ấy trên bầu trời, một chiếc L19 đang vè vè nghiêng ngó. Lão lệnh cho tiểu đoàn rút quân, đành bỏ lại phần lớn chiến lợi phẩm. Mười phút sau, một trận pháo bầy đã ập tới. Khói bụi bốc lên mù mịt. Mùi khét của khói đạn cuốn dọc theo đội hình rút lui của tiểu đoàn lão.

Một buổi chiều, sau ngày nghỉ hưu không lâu, cậu Cương, một người bạn vong niên mới quen đột ngột xuất hiện trước căn phòng của lão, tay xách một chiếc lồng chim, trong có một con họa mi mỏ vàng, lông ngực và lông cánh xù lên. Nó ngó nghiêng cái đầu nhỏ có hai con mắt to tròn nhìn lão như ngờ vực, lại như thân thiện. Lão giật mình nhìn con chim, nhìn chiếc băng vải đen trên ngực áo của Cương, “ Mẹ em mất rồi. Trước khi mất mẹ em bảo mang biếu bác con họa mi để bác bầu bạn. Mẹ em còn bảo, chuyện đã qua lâu rồi. Người tử tế là người phải nhớ nhưng cũng phải biết quên chuyện cũ ”. Cậu nói.




5


Cơn bão cải cách ruộng đất bất chợt ập vào làng Hạ với sức tàn phá khủng khiếp bằng 7 năm kháng chiến cộng lại. Khắp làng tràn ngập các khẩu hiệu : “ Địa chủ hết đời, nông dân vạn đại ”, và “ Có khổ, nói khổ, nông dân vùng lên ”… Thế là chấm dứt những ngày tháng đoàn tụ, “ dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa ”, chấm dứt hào khí của kỳ tích Điện Biên Phủ. Đành rằng, cuộc cách mạng ruộng đất cơ bản đã đem lại ruộng đất cho người nông dân nghèo nhưng những hệ lụy của nó do cách làm cuộc cách mạng, cho đến nay, vẫn chưa thể nào nguôi ngoai trong ký ức của người dân làng Hạ.

Ngày ấy, ngôi làng của lão vắng tanh vắng ngắt. Nhiều nhà bị đình chỉ, bị cách ly, ngày mà Tổng Quỳnh gặp ai cũng lạy ông, lạy bà, còn lão, một thanh niên cốt cán của đội cải cách lúc nào cũng hừng hực, coi trời bằng vung. Lão đi lại vênh vác, gặp ai cũng dọa dẫm, đe nẹt. Một lần, gặp bà Hậu, một người đáng tuổi mẹ, lão quát : “ Hậu, mụ không có miệng à ? ” Bà Hậu dừng lại, cúi gập người : “ Dạ con xin chào con ông bà mõ ạ ! ” Bà diễu cợt. Lão hả hê. Bởi mấy năm trước, lão đã chứng kiến bà Hậu đến tận nhà lão xưng xỉa mắng mỏ bố mẹ lão thậm tệ vì khi đi rao mõ đã vô tình dẫm nát vạt rau cải của nhà bà. Hôm đội cải cách lập phiên tòa xét xử Tổng Quỳnh, đối với lão là một ngày hết sức đặc biệt. Vì Tổng Quỳnh là địa chủ cường hào, đại gian, đại ác nên đích thân huyện đứng ra xét xử. Người ta lập một kỳ đài lớn trên khu ruộng tiếp giáp giữa hai làng Thượng và Hạ. Bên cạnh kỳ đài là một chiếc chòi cao chừng mươi mét. Tổng Quỳnh, người dặt dẹo như tàu lá, bị trói giật cánh khuỷu đứng trước vành móng ngựa. Lần lượt, lần lượt hàng chục người đã bước lên đấu tố hắn. Một bà, đầu tóc rũ rượi, cầm chiếc váy đập vào mặt Tổng Quỳnh : “ Quỳnh, mày đã hãm hiếp tao ở bụi chuối như thế nào cho mày khai ? ” Tổng Quỳnh co dúm người lại, lắp bắp : “ Con, con…”. Một người khác nước mắt đầm đìa, kể lể đã bị Tổng Quỳnh vu cho là du kích, để đốt nhà, cướp ruộng, đẩy cả nhà ông vào thế bần cùng, phải bỏ làng đi cầu bơ, cầu bất ngoài phố huyện… Đến lượt lão, lão đứng như bị chôn chân trên mặt ruộng. Cái chết thảm khốc của bố mẹ lão với hai thi thể không đầu phơi nắng giữa sân đình vụt trở về với lão. Mặt lão tối lại, máu nóng hực lên đỏ phừng phừng trên mặt lão. Ở phía dưới chợt có tiếng hét lớn : “ Đủ rồi, không phải nói nữa, xử tử hắn đi ”. Tiếng của anh Tới. Chủ tọa phiên tòa bữa ấy là chị Hoài, cũng nói “ đủ rồi ” và tuyên án xử tử Tổng Quỳnh vì tội hại dân hại nước…

Nghe tòa tuyên án, Tổng Quỳnh mặt đổ chàm, người rũ xuống, người ta phải xốc nách lôi hắn ra chòi, đẩy hắn lên chiếc thang tre bắc sẵn. Khi đội trưởng đội cải cách, một cán bộ người miền Trung trọ trẹ hô bắn, lão đã nghiến răng bóp cò. Viên đạn xuyên vào đầu Tổng Quỳnh, máu óc phọt ra nhỏ giọt xuống sàn chòi, theo kẽ hở đổ từng giọt, từng giọt xuống mặt đất. Nghe tiếng súng nổ, mọi người dự phiên tòa bỏ chạy tán loạn. Những người còn ở lại thì nhắm nghiền mắt. Bất chợt, trên đỉnh chòi, nơi xác của Tổng Quỳnh đang gục xuống, một cánh chim lao vọt qua đám khói súng và một tiếng kêu khàn khàn, khô khốc vọng lại. Lão bàng hoàng, cho đến mãi về sau vẫn cứ nghĩ, không biết con chim đó có phải là con chim đã cứu sống lão và đội du kích hồi vây đánh bốt Thượng năm trước hay không ? Người làng Hạ bàn tán rằng, khi chim họa mi không hót mà vừa bay vừa kêu là điềm gở. Các cụ già trong làng còn bảo, trước đây, khi đình làng bị cháy, người ta cũng nghe tiếng họa mi kêu thét lên như vậy.

Sau khi xử tử Tổng Quỳnh lão đã xách súng chạy ra khu gò Mả đọ khóc rống lên : “ Bố mẹ ơi, con đã trả thù cho bố mẹ rồi ”. Chứng kiến cảnh ấy, người làng không ai trách lão nhưng đều cảm thấy gờn gợn, ghê ghê, khi tới gần lão.

Mấy ngày sau, trên vạt ruộng tiếp giáp giữa hai làng Thượng và làng Hạ còn diễn ra phiên tòa tương tự xử ông Lý Lẫm, một địa chủ giàu có nhất nhì trong làng. Khi hai người du kích đưa ông ra chân chòi xử bắn, ông đã gạt tay bảo không cần, tự ông sẽ trèo lên chòi. Sự giằng co một hồi thật may mắn đã cứu mạng ông. Một lệnh dừng lại hỏa tốc đã bay về kịp. Ông là địa chủ kháng chiến. Chính ông trong nhiều năm đã cung cấp không ít tiền của cho Cách mạng. Một sự thoát chết trong gang tấc.

Làng Hạ, trong những ngày ấy, một bầu không khí nghi kỵ trùm lên ảm đạm trong khắp các ngõ xóm. Người ta sợ hãi lẫn nhau, ai cũng phải cố lấy lòng đội cải cách. Nhiều người quá hốt hoảng đã treo cổ tự vẫn. Trong đó có ông Phồn, bác họ của lão. Hôm đội cải cách truy bức ông có phải tham gia tổ chức Quốc dân Đảng hay không lão cũng có mặt. Lão không biết Quốc dân Đảng là tổ chức gì, chỉ biết ông Phồn, nhiều năm là Chủ tịch Liên xã kháng chiến : Hồng Phong, Hồng Thái, Hồng Hà. Sau cuộc mật tập đánh bốt Thượng năm trước không thành, ông có gặp lão : “ Cháu phải cố gắng phấn đấu, phải vào Đảng mới có thể trả thù cho bố mẹ cháu được ”. Ông vỗ vai lão, khen lão có ý chí “ Sau này, hòa bình, bác sẽ cử cháu đi học làm cán bộ ”. Vậy mà hôm ấy, lão đã không thanh minh cho ông được một lời. Mấy hôm sau, vào một buổi chiều muộn, ông dẫn đứa cháu gái nội xuống cửa hàng xén nhà bà Tịnh ở xóm giữa, mua cho cháu dăm xu kẹo, một gói bánh lượt, gửi cháu vào nhà một người quen rồi về nhà treo cổ tự vẫn. Khi cả nhà ông đi cắt cỏ khô bên bãi non trở về thì người ông đã lạnh ngắt. Anh Cường con trai trưởng của ông đứng chết lặng. Từ đó, cho cả đến những năm về sau, anh bất hợp tác với chính quyền, kiên quyết không vào hợp tác xã. Con gái không cho đi học mà tự dạy con ở nhà. Một bữa đi bẻ lá xoan ở trại trên về dầm ruộng. Làng Hạ hồi đó có phong trào đi mua lá xoan về làm phân bón ruộng, anh bị ngã tổn thương cột sống nhưng dứt khoát không chịu vào bệnh viện của nhà nước chữa chạy. Vết thương không nặng nếu nằm viện, tiêm dăm liều thuốc có thể sẽ khỏi. Vậy mà anh chấp nhận bị liệt nửa người và cứ thể sống lê lết cho đến khi qua đời. Về sau, khi làm việc ở Văn phòng Chính phủ, có lần lão đã về huyện đề nghị huyện tìm hiểu, khôi phục lại danh dự cho ông, nhưng thằng cháu nội của ông, một anh chàng gàn dở có tiếng ở làng cười khẩy, bảo : “ Ai nhờ vả ông ấy mà ông ấy nhảy vào nhà tôi. Ông tôi, bố tôi chết rồi, công nhận để làm gì ? ”. Cậu đã chính thức đánh tiếng, không cần sự giúp đỡ của lão. Cho đến nay, đã mấy chục năm qua rồi, gia đình cậu ta vẫn là hộ nông dân ngang ngạnh nhất xã, không chống đối nhưng cũng không hợp tác. Cho dù sử sách của làng đã vinh danh ông nội cậu là cán bộ có nhiều đóng góp với phong trào cách mạng của liên xã, là một trong 3 chi ủy đầu tiên của làng. Cậu ta vẫn dửng dưng, ngay cả việc đón nhận một tấm bằng chứng nhận của ông nội do thành phố cấp cậu ta cũng không màng tới.


6


Nếu những cuộc đấu tố chỉ dừng lại ở đó, lão đã không mất làng, mất họ, mất cả gia tộc. Thế nhưng cái cỗ xe sai lầm ấy đã không được phanh lại một sớm, một chiều. Đúng ra, người ta không kịp hãm lại trước đà lăn khủng khiếp của nó. Sau cuộc đấu tố địa chủ cường hào, đến những cuộc đấu tố địa chủ thường. Làng Hạ ngày ấy, hầu hết những nhà có một hai mẫu ruộng trở lên có thuê mướn người làm từng mùa vụ đều bị đem ra đấu tố. Trong số đó có cả bà Thuộc, cô ruột của lão. Bà bị kết tội có chồng đi lính Pháp những 10 năm, là tay sai cho giặc, còn dẫn địch về làng tìm hầm bí mật của du kích xã, bản thân bà nhiều năm nấu cháo nuôi Tổng Quỳnh, còn cho hắn hãm hiếp dưới bàn thờ Tổ….

Cuộc đấu tố diễn ra tại nhà bà. Mới bảnh mắt, đội cải cách và những ông bà nông dân, cả trẻ con, người già ùn ùn kéo đến nhà bà. Một biểu ngữ căng giữa hai cây cọc với dòng chữ vàng trên nền đỏ : “ Địa chủ hết đời, nông dân vạn đại ” dựng trước cửa nhà bà. Đội trưởng đội cải cách sau khi đọc bản án luận tội bà, trịnh trọng tuyên bố danh sách phân chia tài sản tịch thu của bà, từ cái cối đá xay bột, cái nồi nấu cháo se vài chục chiếc bát loa, dăm bảy cọc đĩa cho đến vài tạ thóc, chục trứng gà… Tất thảy đều được phân chia cho từng người, từng hộ. Riêng anh Tới và lão được phân chia ngôi nhà chính của bà, còn bà bị đẩy xuống gian bếp. Hồi chồng bà bị Tây bắn chết, tất cả ngói gạch, tre pheo được ông mua để xây nhà thờ đều bị bọn Tây thu sạch. Sau đó, thực hiện ước nguyện của chồng, bà lại cố tích cóp mua được vài nghìn gạch, dăm gốc xoan ngâm, cũng định bụng sẽ xây lại nhà thờ Tổ nay lại bị đội cải cách tịch thu để xây trụ sở ủy ban xã. Đó là lần thứ hai bà bị cướp sạch.

Trước cuộc đấu tố bà Thuộc, đội trưởng đội cải cách đã chỉ thị cho lão phải phát biểu : “ Cậu phải tuyên bố, từ bỏ giai cấp địa chủ, phong kiến, từ bỏ mụ Thuộc và dòng họ có quá nhiều tên phản dân hại nước như Tổng Quỳnh, như tên Quốc dân Đảng là bác họ lão ”… Từ lúc đó, đầu óc lão cứ u u minh minh, nửa muốn nói, nửa không, dù gì bà Thuộc cũng đã liều mạng sống của mình để lấy hai cái đầu của bố mẹ lão trong cái đêm kinh hoàng ấy, đã nuôi giấu lão và anh Dung suốt những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến. Vả lại, lão cũng không hiểu Quốc dân Đảng là gì ? Tại sao bác họ của lão là ông Phồn lại là thành phần Quốc dân Đảng ? Chính vì thế lão đã im lặng, ngơ ngẩn nhìn khi những người nông dân hoan hỉ nhận phần chia của mình cho đến lúc bị đội trưởng đội cải cách gọi tên. “ Đồng chí Phong phải nói gì đi chứ, răng cứ ngậm hột thị vậy ? ” Gã đe dọa. Và lão đã đứng dậy, ấp úng tuyên bố từ nay lão sẽ từ bỏ mụ Thuộc, từ bỏ dòng họ Phạm. Lão không cần tổ tiên, dòng họ phản dân hại nước, lão thuộc về đội cải cách, thuộc về cách mạng… Lão nói liền một mạch, ngắc ngứ như một con vẹt. “ Rứa mới xứng đáng là cốt cán bần cố nông ” Đội trưởng đội cải cách tiếp lời lão. “ Mụ Thuộc cho mụ nói lời cuối ” gã đội trưởng nói thêm, đôi lông mày của gã dướn lên, đầy vẻ tự mãn.

Bà Thuộc, từ đầu cuộc đấu tố, bà vẫn ngồi im lặng, miệng không ngừng nhai trầu. Thỉnh thoảng bà lại cúi xuống nhổ nước trầu dưới chân phản. Và chỉ đến khi lão hổn hển nói, bà mới ngừng nhai trầu, thở dài. “ Các người điên hết rồi. Cả cái làng này điên hết rồi ”. Bà nói, giọng rít lên như cạo phải cật nứa. Đó là lần cuối cùng bà cất tiếng nói. Sau đó bà im lặng hoàn toàn. không biết bà không thèm nói hay vì một cú sốc nặng do những lời lẽ của lão khiến bà bị cấm khẩu. Một sự cấm khẩu kéo dài trong rất nhiều năm sau đó.

Người ta nói rằng cái tội lớn nhất của một con người, của một đời người là tội phản bội, ruồng bỏ, báng bổ tổ tiên, dòng họ. Đó là cái tội nhơ nhuốc không sao rửa sạch được. Lão thấm thía điều đó. Cả đời lão càng về già lão càng thấm thía điều đó.

Nhưng vào cái thời khắc hừng hực khí thế ấy, lão được khen, được cất nhắc làm Phó chủ tịch ủy ban xã. Lão như một điển hình của lập trường cách mạng. “ Huyện ta cần có nhiều người kiên định lập trường như cậu ấy.” Chủ tịch huyện đã nói về lão như vậy trong một buổi họp tổng kết kế hoạch phân bổ lại ruộng đất của toàn huyện.

Là một cán bộ trẻ, một Phó chủ tịch xã mới 19 tuổi, lão lăn xả vào công việc cứ nghĩ là mình đang làm việc cho dân, cho nước. Cũng có lúc lão chững lại, nghĩ mình sai sai ở một chỗ nào đấy. Vào những lúc như thế lão lại nhớ tới cái chết của bố mẹ lão, máu trong người lão lại sôi lên. Có lần, ông Cài, trưởng họ, một lính khố xanh giải ngũ nhổ nước bọt trước mặt lão, lão đã sai dân quân gô cổ ông, bắt ông nhịn đói, nhịn khát một ngày một đêm trong hậu cung của đình làng.

Làng Hạ không biết sẽ còn xảy ra những gì, còn thê thảm đến đâu nếu như lệnh sửa sai không đột ngột ập về làng như một cơn bão ngược. Rồi anh Dung từ chiến trường Điện Biên Phủ trở về. Ve áo đỏ, súng lục dắt ngang hông. Anh đích thân đến xin lỗi bà Thuộc. Bà nhìn anh lặng im, không nói, như nhìn một người lạ. “ Con xin lỗi cô, con xin thay mặt Đảng, nhà nước tạ lỗi với cô. Cô nói đi. Rồi cô sẽ thấy, cuộc đời còn dài lắm.” Anh ứa nước mắt nói. Bà Thuộc xua xua tay, lắc đầu. Mười năm sau, lão được biết, anh Dung khi là Chủ tịch thành phố đã ra lệnh cho xã, để bà tiếp tục làm cháo se bán ở chợ Dày, chợ Gối vì đó là ý nguyện không diễn đạt bằng lời của bà. Còn khi ấy, lão ngơ ngác nhận thấy những người được chia của cải lần lượt đến trả bà. Họ mang vác, gồng gánh, xếp đầy ở gian nhà bếp mà không dám trực tiếp đối diện với bà. Lão càng tê tái hơn, khi biết Tới, chính là kẻ hai mặt, đã bán thông tin về căn hầm bí mật ở nhà lão cho Tổng Quỳnh để đổi lấy 10 đồng bạc. Chính Tới cũng là kẻ bơm mớm, xúi giục để lão tuyên bố từ bỏ bà cô ruột, từ bỏ tổ tiên, dòng họ, để đổi lấy chức phó chủ tịch xã. Bị lộ chuyện, Tới bỏ nhà đi biệt xứ.

Một buổi tối, anh Dung đến trụ sở ủy ban tạm đóng trong căn nhà ngang của Tổng Quỳnh. Anh bảo : “ Cậu xử tệ quá. Đổ đốn quá. Tôi sẽ làm giấy cho cậu nhập ngũ. Cậu không thể ở lại với cái làng này đâu.” Đúng là lão không thể ở nổi với người làng Hạ. Người dân trong làng, từ người lớn đến trẻ con đều tránh mặt lão như tránh hủi. Hôm khăn gói lên đường, lão khóc nói với anh Dung : “ Anh xin lỗi cô giúp em, em dại dột nghe theo lời xúi giục của đội và thằng Tới ”. Anh Dung : “ Cậu đi đi. Cố sống cho tử tế để chuộc tội với dân làng với cô và họ mạc. Còn cậu có được tha thứ hay không, tôi không thể biết trước”.


7


Hơn 60 năm đã trôi qua, kể từ cái ngày cả làng, cả huyện dở khôn dở dại ấy, lão đã cố gắng sống thật tử tế như lời anh Dung căn dặn để chuộc lỗi với làng, với dòng tộc của mình. Vì là con một của hai liệt sĩ, lão được đơn vị cho đi học văn hóa, rồi học sĩ quan, trở thành một người chỉ huy dũng mãnh của một chiến trường được mệnh danh là cái cối xay thịt. Đó là chiến trường Khu 5.

Bây giờ khi đã về già, ngẫm lại, lão vẫn cảm thấy cuộc đời mình thật may mắn khi được sống, được gặp những con người hết sức tử tế. Họ vừa là những người thầy, người anh của lão. Lão chịu ơn họ, không nguôi nhớ nghĩ về họ. Người thứ nhất là anh Dung, chỉ huy đội du kích làng Hạ, sau này là Chủ tịch UBND thành phố. Anh đã sớm phát hiện ra cái khả năng quân sự thiên bẩm ở lão. Người thứ hai là ông chính ủy trung đoàn của lão. Có lẽ cái cơ duyên lớn nhất của lão là được gặp ông, sống cùng với ông trong rất nhiều năm, trải qua nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch. Thắng có bại có. Ở Sư đoàn ngày ấy, người ta gọi ông và lão là một cặp bài trùng. Lão nôn nóng, quyết liệt, ông điềm đạm và trầm tĩnh. Lão táo bạo, ông thận trọng. Hai người thường bổ sung cho nhau để những quyết định sinh tử của họ trở nên chuẩn xác, ít gặp rủi ro nhất. Hai người chỉ phải tạm xa nhau khi lão bị thương, phải đi điều trị dài ngày. Vết thương lành, lão lại đề đạt nguyện vọng để được trở về cùng đơn vị với ông, bởi không có ông, lão luôn cảm thấy thiếu thốn, không tự tin vào những quyết định của mình.

Khác với lão, một anh cố nông thất học, ông Chính ủy là người Hà Nội gốc. Trước ngày tham gia kháng chiến, ông là sinh viên năm thứ 3 của trường đại học Luật. Trắng trẻo, thư sinh. Ông là con một thầy giáo dạy trường Bưởi, một ngôi trường danh giá ở Hà Nội, nay được đổi tên thành trường Trung học Chu Văn An.

Có một lần, hình như vào năm 65, 66 thì phải, sau một trận đánh không thành lão và ông Chính ủy, khi ấy còn là cán bộ đại đội phải rút về cố thủ trong một hang đá. Hôm ấy, ông Chính ủy đã kể cho lão nghe về người vợ của ông. Một người mà nhiều năm về sau đã trở thành một cái gì hết sức thân thuộc, không thể thiếu trong cuộc đời của lão.

Ông Chính ủy bảo bà là một thiếu nữ đẹp, một vẻ đẹp rực rỡ khi bắt đầu bước vào tuổi 17. Nhà bà ở đối diện với nhà ông, ở bên kia đường phố. Một ngôi nhà xập xệ, cũ nát không thể so sánh được với nhà ông, một ngôi biệt thự có cổng sắt, có chó béc giê và những lồng chim hoàng yến treo ở ban công, bên ngoài cửa sổ. Hồi bà còn nhỏ, ông không để ý tới bà. Nhưng bất chợt, vào một ngày ông đã sửng sốt nhận ra bà với một thân hình thon gọn và một khuôn mặt đầy đặn ngời lên một vẻ đẹp vừa kiêu sa vừa rụt rè. Từ bữa đó, ông không ngớt để ý tới bà. Đi học hay đi đâu, ông đều mong sớm trở về để được nhìn thấy bà sau hai cánh cửa sổ đã bắt đầu mục ải của căn nhà cấp 4 nơi bà và người chị họ đang ở trọ.

Ngày ấy, bà làm nghề đan len thuê. Hàng ngày ông vẫn thấy những người cả đàn ông, đàn bà mang đến những cuộn len đủ màu, đựng trong những chiếc giỏ. Mười ngày sau lại thấy họ đến và trở ra với những chiếc áo hoặc những chiếc khăn len màu xanh sẫm hoặc màu trắng điểm xám quàng trên cổ.

Để được trực tiếp gặp bà mà không phải nhìn trộm bà từ xa, ông Chính ủy đã nghĩ ra một cách : Ông lục tìm trong tủ quần áo, lấy ra một chiếc áo len cũ đã bị sờn rách nhiều chỗ, đem đến đưa cho bà:

Một tuần sau ông đến nhận lại chiếc áo. Bà đã không vá, mạng áo mà tháo ra đan lại. Một chiếc áo đẹp rất vừa vặn với cái cơ thể mảnh khảnh của ông. Ông nhận áo nhưng không hề để ý đến nó mà cứ ngây thộn nhìn người thiếu nữ trước mặt khiến cô bối rối không dám nhìn lại ông. Mấy ngày sau, ông lại đến với một chiếc khăn len màu trắng mà ông đã cố tình làm rách ở một đầu khăn, giữa lúc bà đang ngồi chọn len trong một chiếc thúng nhỏ đã bật cạp. Thấy ông vào bà vội đứng dậy. Cuộn len đang cầm trên tay lăn tròn trên đất rồi dừng lại trước mũi giày của ông. Cả ông và bà cùng cúi xuống. Tay họ chạm vào nhau. Ông thoáng nhận thấy một mùi thơm khô, nhẹ thoảng lên từ mái tóc của bà. Mối tình của ông và bà được bắt đầu như vậy. Khi biết chuyện, thày ông đã nổi giận, cấm ông không được giao du, kết nối với lớp người không cùng đẳng cấp ấy.

Một buổi sáng đi học về, ông ngạc nhiên khi thấy hai cánh cửa nhà bà đóng im ỉm. Tưởng bà đi đâu đó, ông lên nhà ngồi chờ. Nhưng suốt cả buổi chiều, hết ra lại vào ban công nhìn xuống cửa sổ nhà bà hàng chục lần ông vẫn thấy hai cánh cửa sổ đóng im ỉm. Thấy con có vẻ bồn chồn, thày ông bảo : “ Cô bé đã dọn đi rồi. Thấy bảo vào vùng tự do Khu Tư ở với bà cô ruột ”. Đó là những ngày buồn khổ nhất của ông. Ông bỏ ăn, người trở nên dộc dạc. Xót con, mẹ ông bảo: Khi nào nó trở về, mẹ sẽ bảo nó tìm con. Ông không tin thày mẹ mình. Làm sao thày mẹ ông hiểu được trái tim đang tan nát của ông.

Cuối năm 1949, ông giấu thầy mẹ tham gia kháng chiến cùng một số sinh viên trường y. Khi đi, ông mang theo chiếc áo len bà đã đan lại cho ông, với ý nghĩ, nhất định ở chiến khu, ông sẽ tìm gặp được bà vì bà là duyên nợ của ông. Người ta có thể trốn chạy được mọi thứ, nhưng không ai trốn chạy được số phận. Ngày đó ông đã nghĩ như vậy.

Nhưng phải bốn năm sau, ông mới gặp lại được bà, vào những ngày đơn vị của ông từ chiến khu về tiếp quản Hà Nội. Khi đó, thày ông đã mất vì bệnh phổi.

Việc đầu tiên của cuộc trở về lần ấy, ông đã tìm gặp bà khi bà đang trú ngụ ở một căn nhà khác, con phố khác. Gặp ông bà khóc. Phải cho đến lúc ấy ông mới biết, bà đã lặng lẽ bỏ đi vì lời hứa với thày ông. Ở vùng tự do Khu Tư, bà đã xin vào làm y tá ở một nhà hộ sinh. Số phận đưa đẩy, bà đã làm quen và kết hôn với một ông chủ thầu khoán và đã có một đứa con gái một năm tuổi. “ Em đã tự đeo gông vào cổ mình rồi ”. Bà nói trong nước mắt. Nhìn bà khóc ông rất đau lòng. Ở tuổi 20, một con, bà vẫn đẹp rực rỡ, một vẻ đẹp vỡ da, vỡ thịt so với tuổi 17 trước đây của bà.

Người ta nói duyên nợ chồng lên duyên nợ. Cuộc gặp lại giữa ông Chính ủy và bà là một cuộc gặp mặt định mệnh. Được sự giúp đỡ của cậu em ruột ông, đang làm thư ký cho một ông phó Thủ tướng, bà đã ly hôn chồng, một người chồng sa đọa vì rượu chè cờ bạc để ôm đứa con nhỏ về ở với ông. Một đám cưới đời sống mới diễn ra đơn giản tại đơn vị của ông. Ông đã bất chấp tất cả để có được bà. Sau đám cưới, ông bà không về ở căn biệt thự của thày mẹ ông mà nhận một căn hộ cấp 4 trong khu tập thể quân đội. Hai người có thêm với nhau hai mặt con. Một trai, một gái trước ngày ông được điều vào chiến trường Khu 5 vào giai đoạn đen tối nhất.

Đêm hôm ấy, lão cũng đã kể cho ông Chính ủy nghe về cuộc đời của mình, cái chết đau đớn của bố mẹ lão. Những cuộc mật tập của đội du kích xã vào bốt Bồng, bốt Thượng và những lỗ hổng của cuộc cải cách ruộng đất, một cuộc cách mạng mà lão đã tham gia bằng tất cả sự thù hận. Ông Chính ủy bảo: Nếu thù hận được đáp trả bằng thù hận thì con người sẽ càng trở nên xấu xí và tội lỗi.

Ở hoàn cảnh của mình, lão đã không thể hiểu hết được những điều ông Chính ủy nói.


8


Ngày lão gặp ông chính ủy, hai người mới chỉ là cán bộ đại đội. Lão đại đội bậc phó, quyền đại đội trưởng. Ông, chính trị viên. Ông được điều về đại đội lão khi ông chính trị viên của lão chết đột ngột. Một cái chết ngớ ngẩn không phải vì bom đạn mà vì chông bố phòng của đồng bào dân tộc trên những vạt rẫy của họ. Vào những lúc rảnh rỗi, lão thường thấy ông Chính ủy lén đọc những cuốn sách bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, những cuốn sách ông lượm được khi tảo thanh các căn cứ địch, hoặc lấy nó trong ba lô của lính Mỹ tử trận. Một lần, ông Chính ủy nói với lão : “ Mình đánh nhau với một kẻ thù mà mình không hiểu hết về họ. Họ cũng có gia đình, vợ con, cũng là công dân, bắt buộc phải phụng sự Tổ quốc của họ.” Những bài học nho nhỏ ấy cứ dần dà thấm vào lão, đôi khi bẻ ngược những suy nghĩ, quan điểm của lão. Lão nhớ, sau trận đánh điểm, diệt viện ở cứ điểm Gò Lôi, các chiến sĩ của đại đội lão bắt sống được hai tù binh Mỹ. Họ giam hai tên tù binh trong một lò vôi, cạnh một con suối cạn. Cửa của lò vôi nằm sát mép nước. Khi lão và ông Chính ủy đến thì hai người lính đang nằm quằn quại trên đống vôi bột. Ông Chính ủy đã trò chuyện với họ, nói rằng, sáng mai, sẽ có người đưa họ về bệnh xá….

Đêm, trời đổ mưa lớn. Nước lũ dâng lên cuồn cuộn. Chiếc lò vôi bị ngập và khi những người lính của Trung đoàn lão đến định đưa họ đi thì cả hai đều không còn ở chiếc lò vôi ấy nữa.

Chuyện này đã khiến ông Chính ủy day dứt mất mấy ngày. Còn lão, lão nghĩ chiến tranh là sự khắc nghiệt tự nhiên, dù có muốn khác cũng không thể khác được. Và lão đã âm thầm giữ quan điểm của mình. Có thể, đó là sự khác biệt duy nhất giữa lão và ông Chính ủy.

Sau Tết Mậu Thân năm 1968, lão đã là một Trung đoàn trưởng của một Trung đoàn anh hùng. Bản thân lão cũng được tuyên dương là Anh hùng lực lượng vũ trang. Ông Chính ủy là người đã lập bản thành tích đề nghị mặt trận vinh danh lão. Riêng ông thì vẫn lặng lẽ tránh ra một bên, với những cuốn sách mỗi ngày một chật cứng trong chiếc ba lô của ông. Ông luôn luôn phanh hãm lão bước vào những trận đánh, dù chắc thắng nhưng ông biết thương vong sẽ rất lớn.

Có một điều kỳ lạ là cái thiên phú trận mạc luôn nở ra trong các tư duy của lão. Lão không chỉ đánh giặc bằng những suy xét, bàn bạc tập thể mà còn bằng cả linh tính của lão. Ông Chính ủy bảo : Cậu cứ như ông Traphaép, ông Nguyễn Chơn ấy. Traphaép là ai, lão không biết nhưng Nguyễn Chơn thì lại chính là Sư đoàn trưởng của họ. Điều kỳ lạ thứ hai là chỉ huy, tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ trong lúc đơn vị thương vong quá nửa, lão vẫn không hề hấn gì. Dường như bom đạn luôn xa lánh lão. Chưa đầy mười năm ở chiến trường Khu 5, lão luôn luôn lập công lớn. Tiêu biểu là trận đánh vu hồi, diệt gọn một đại đội Mỹ bên ngoài công sự, nơi lão đã gặp may nhờ sự đánh động của đôi chim họa mi. Nhưng trận đánh lẫy lừng nhất của lão là trận vu hồi, đánh thẳng vào hậu cứ, bỏ qua hàng loạt chốt chặn tiền tiêu của Mỹ. Khi trình bày phương án đánh với Tư lệnh Sư đoàn, lão đề nghị được chi viện hai tiểu đoàn, ém quân ở hai vị trí đón lõng, vì khi căn cứ bị tấn công nhất định bọn địch ở các vị trí tiền tiêu sẽ kéo về ứng cứu. Trận ấy, người ta bảo lão tính toán như thần. Thực ra, điều này lão cũng chỉ học lại của anh Dung, trong cuộc kháng chiến lần trước. Lão có biệt danh Trung đoàn trưởng vu hồi từ sau trận đánh ấy. Những trận đánh ác liệt như thế, Trung đoàn phó rồi cả ông Chính ủy của lão đều bị thương, riêng lão thì không. Vậy mà chỉ một trận phục kích cỏn con của lính Mỹ lão đã dính đạn. Một viên AR15 đã xuyên thủng ngực lão, sát tâm thất, trổ qua lưng để lại một lỗ phá lớn. Hôm ấy, lão đi cùng tiểu đội trinh sát trực tiếp điều nghiên một căn cứ của Mỹ. Lúc bọn lính Mỹ mới sang Việt Nam, chúng rất máy móc, ngờ nghệch nên dễ ăn đòn. Trước lúc nằm xuống nổ súng chúng phải thực hiện đầy đủ sáu, bảy yếu lĩnh. Khi một thằng chết, những thằng khác lập tức bu lại lôi xác và lại trở thành bia cho lính ta nhả đạn. Nhưng sự ngờ nghệch, máy móc ấy của lĩnh Mỹ qua đi rất nhanh. Thực tế đã dạy cho chúng nhiều bài học. Chúng lập tức thay đổi. Hồi ấy cụm từ Mỹ lết rất phổ biến ở chiến trường Khu 5. Mỹ lết là chỉ chiến thuật phục kích dai dẳng của lính Mỹ. Trên đường hành quân hoặc đi lấy gạo ở đồng bằng, ta đã bị tổn thất không ít bởi chiến thuật lết bất kể ngày đêm ấy của lính Mỹ. Chính bản thân lão cũng đã bị bọn Mỹ lừa cho một vố: Không ai ngờ, bọn lính công tử ấy cũng có thể chịu đựng bùn lầy, sên vắt như lính giải phóng. Bữa ấy, lão trực tiếp dẫn một trung đội trinh sát đi điều nghiên một căn cứ Mỹ ở vùng ranh, một căn cứ như một chiếc gai nhọn nhức nhối cắm vào sườn quân giải phóng. Trong lúc dừng lại ở một sườn đồi chờ trời tối, trinh sát của lão chợt phát hiện thấy một tốp lính Mỹ, nửa kín, nửa hở hành quân dưới chân đồi. Lão đếm 1, 2… 10 thằng. Chúng đi thành hàng dọc, chùm poncho rồi mất hút sau một lùm cây rậm rạp. Lão cười thầm, bọn này lại chết với cú vu hồi của lão rồi. Nhưng chỉ một lát sau, từ lùm cây ấy, lão lại thấy bọn lính Mỹ lố nhố quay trở lại con đường cũ. Lão lại đếm 1, 2, 3 rồi mười. Vào mười, ra mười. Không biết bọn Mỹ vào ra như vậy để làm gì. Một cậu trinh sát bảo, có lẽ bọn này đã được lệnh chuyển sang phục lết ở một hướng khác. Lão cũng đinh ninh như vậy. Nhưng thực ra, bọn Mỹ ma quái đã đánh lừa được lão. 10 thằng, cõng mười thằng vào rồi để lại 10, trở ra 10. Mười thằng nằm lại đã đột ngột nổ súng vào đội hình của lão. Một trận giáp chiến xảy ra. Dĩ nhiên, mười tên Mỹ đã bị tiêu diệt, nhưng đơn vị lão cũng mất mười chiến sĩ còn lão thì bị thương nặng. Sau khi điều trị dài ngày ở một bệnh viện dã chiến, lão được đưa ra Bắc an dưỡng. Có lẽ đây là giai đoạn xốn xang nhất của cuộc đời lão. Lão được bồi dưỡng để đi báo cáo thành tích, bởi lão là một điển hình dám đánh Mỹ, tìm được cách diệt Mỹ trên chiến trường Khu 5. Lão được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang, được đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời cơm, rồi còn được sang cả Cu Ba gặp vị lãnh tụ thiên tài Phi đen Catstơrô. Ở đâu, lão cũng được tung hô, được đón tiếp thân tình và trang trọng.

Nhưng có một cuộc gặp đã để lại một ấn tượng hết sức đặc biệt trong cuộc đời của lão. Đó là cuộc gặp với vợ ông Chính ủy. Hôm ấy, sau buổi nói chuyện với mấy trăm con người ở nhà văn hóa Thanh niên thành phố, lão đã tìm đến nhà bà. Theo sự chỉ dẫn trước ngày ra Bắc của ông Chính ủy. Mò mẫm một hồi trong khu tập thể cấp 4, lão mới tìm đến được nhà bà. Mở cửa đón lão là một cô bé 12, 13 tuổi, quàng khăn đỏ, chắc là cô con gái riêng của bà với người chồng cũ. Lúc ấy, bà đang ngồi trên một chiếc ghế gỗ, bên một chiếc rổ tre với những cuộn len đủ màu. Lão đã xuất hiện đường đột trong căn nhà ấy khiến bà ngỡ ngàng. Bà luống cuống kéo ghế mời lão ngồi, lập cập đi pha trà trong một chiếc ấm đã sứt mẻ. Tuy vậy, qua cái cách vội vã của bà như vẫn tỏa ra một vẻ gì đó thật dịu dàng. Hèn nào mà anh ấy đắm đuối như vậy. Lão nghĩ về ông Chính ủy. Bữa ấy lão đã ngồi rất lâu với bà. Lão kể về ông Chính ủy, về những cuốn sách và cả những trận đánh lớn. Còn bà nói với lão về ba đứa con. Đứa nào suốt ngày cũng nhắc đến bố, mong nhớ bố. Khi nói những điều này mắt bà hơi mọng lên, hai cánh mũi nhỏ, hồng khẽ lay động. Bà như đẹp hơn sau những cử chỉ ấy.

Lúc chia tay, bà đưa cho lão hai chiếc áo len mỏng. “ Tôi gởi cho chồng tôi một chiếc. Chiếc này tôi biếu chú ”. Bà nói với lão. “ Nhờ chú nói với anh ấy, tôi đã đan lại cái áo ngày xưa. Chừng ấy năm mà sợi len vẫn còn bền lắm ”. Ngừng một lát, bà tiếp: “ Chú này, tôi nói không phải, chú bỏ quá cho. Sáng nay tôi cũng được dự buổi nói chuyện của chú. Chú nói hay lắm, cảm động lắm. Nhưng lần sau đừng gọi những trận đánh thắng là thắng ròn rã. Người chết nhiều như thế thì chỉ nên nói là thắng lớn thôi.”

Lão sững người. Hình như đấy lại là một bài học nữa lão nhận được từ ông Chính ủy qua người vợ hiền thảo của ông.


9


Trước ngày trở lại chiến trường anh Dung, Chủ tịch tịch tỉnh đã bố trí để lão về thăm quê. Trước đó, lão đã đi nhiều nơi để báo cáo thành tích, một bản thành tích mà lão đã thuộc lòng. Bao giờ cũng được bắt đầu bằng những cuộc hành quân thiếu đói, gian khổ, khiêng cáng thương binh trong đội hình rút lui những năm đầu khi lính Mỹ đổ bộ ồ ạt vào chiến trường miền Nam. Tiếp đó là những trận đánh thử nghiệm tìm cách đánh, cách diệt Mỹ, dần đến những đòn tấn công mạo hiểm vào các căn cứ dã chiến của địch… Nhưng về quê, lão nghĩ, lão sẽ không kể về những trận đánh đó mà trước hết, lão xin được đến thắp hương trên bàn thờ Tổ của dòng họ, xin được tạ tội với cô Thuộc, với dân làng Hạ về những lỗi lầm không ý thức của lão thời gian xảy ra cuộc cải cách ruộng đất.

Suốt đêm trước ngày về quê, lão không ngủ. Lão ứa nước mắt khi chợt nhớ tới những con đường mòn ngoằn ngoèo ngoài nghĩa địa của làng. Nơi bố mẹ lão nằm xuống. Nhớ những buổi đi làm thuê trở về, ngồi nghỉ dưới gốc đa đầu làng, nơi ngổn ngang những ông bình vôi. Lão cũng không hiểu sao khi không còn ăn trầu, người ta lại đem những ông bình vôi đặt dưới gốc đa. Lão nhớ cây duối cổ thụ trên miếu Hàm Rồng, nơi lão tập kết cùng đội du kích chuẩn bị nhổ bốt Bồng, bốt Thượng. Lão nhớ cây sữa ở dốc đê. Một cây sữa rậm rạp. Mẹ lão kể rằng, hồi đẻ lão bà không có sữa do thiếu ăn, bố lão đã đến treo một hào bạc lên cành cây theo tục lệ rồi chặt một nhánh cây về để đầu giường. Người làng đồn rằng, làm như vậy, sữa sẽ về nhanh chóng và quả nhiên, mẹ lão bảo, bà đã có sữa để nuôi sống lão….

Sáng hôm sau, đích thân anh Dung đến nhà khách Bộ Quốc phòng đón lão. Ngồi trên chiếc com măng ca của anh, lão luôn cảm thấy tức thở, lo lắng. Anh Dung bảo, để tạo bất ngờ, anh không thông báo với xã, với làng người về là lão. “ Cậu đừng lo. Đã hơn 10 năm rồi. Hơn nữa cậu có công với dân, với nước là có công với làng với tổ tiên dòng họ ”. Anh Dung trấn an lão. Vâng ! Lão đáp nhưng vẫn cảm thấy bồn chồn và điều lo lắng ấy của lão đã xẩy ra. Hôm ấy, ở hội trường ủy ban xã đông chật người. Người làng đứng tràn ra cả ngoài hành lang để đón anh Dung, đón lão. Lão, khi ấy trong bộ quân phục, ngực gắn đầy huân chương, đầu đội mũ tai bèo rụt rè theo anh Dung rẽ dòng người tiến vào hội trường trong tiếng xì xào, chỉ trỏ của đám thanh niên trẻ.

Anh Dung, đối với người làng Hạ, với gia tộc họ Phạm là một niềm tự hào. Anh sống bình dị, chan hòa với mọi người. Hầu như không có sự cách bức nào giữa ông Chủ tịch thành phố với những người bé mọn nhất của làng Hạ. Trong nhiều cuộc giỗ chạp, dù bận đến mấy anh đều thu xếp để về, trân trọng thắp hương trên bàn thờ Tổ, sau đấy ngồi rít thuốc lào với các cụ, nói rất thạo về chuyện mùa màng. Nhưng khi vào việc anh lại rất nghiêm khắc. Người ta kể có lần chị Hoài, Bí thư huyện ủy không thực hiện đầy đủ chỉ tiêu thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, anh đã yêu cầu cách chức chị, mặc dù trong cuộc kháng chiến trước, chị đã từng ngủ bờ, ngủ bụi, nằm hầm bí mật với anh, hồi anh còn là một cậu thanh niên 19 tuổi.

Trước sự trang trọng quá mức cần thiết của cuộc gặp gỡ đón tiếp, anh Dung lại xuề xòa, hình như anh cố tỏ ra xuề xòa để giảm bớt sự trang trọng của cuộc gặp. Anh đứng dậy, đưa mắt nhìn khắp hội trường một lượt theo thói quen, khi dừng lại ở một khuôn mặt quen thuộc anh vội vã bước xuống. Lão thất thần, người mà anh bước xuống chào là bà Thuộc cô ruột của lão.

Lão được biết, sau cuộc đấu tố vừa quyết liệt vừa hài hước năm ấy, bà cô lão trở nên câm nín. Anh Dung bảo thực ra bà không hề bị câm chỉ là bà quá uất ức nên không chịu nói, không thèm nói. Sau đấy, bà có những cử chỉ thật lạ lùng. Căn nhà bếp đội cải cách giành cho bà, bà giật đổ, vác tre pheo mái rạ ném vào các nhà bần cố nông trong làng. Xã, nghe lời anh Dung cho người đến dựng lại, bà lại giật đổ, lại vác ném trả vào các nhà gần đấy. Cho đến ngày có lệnh sửa sai, cử chỉ dở điên dở dại ấy mới chấm dứt.

Khi anh Dung từ cuối hội trường bước lên, lão vẫn không rời mắt khỏi cô ruột của lão. Lão nhớ như in câu nói của bà, ngày bố mẹ lão bị bắn chết : “ Bây giờ con là con ruột của cô, cô sẽ coi con như con đẻ ”. “ Cô ơi ! ” lão muốn chạy xuống, muốn kêu lên một tiếng nhưng cổ họng lão cứ nghẹn lại, như bị ai bóp chẹn. Nước mắt lão tràn ra, nhỏ xuống bản báo cáo mà lão đã chuẩn bị sẵn.

– Thưa bà con, tiếng nói của anh Dung. Tôi xin trân trọng giới thiệu với bà con, một người anh hùng lực lượng vũ trang, một dũng sĩ diệt Mỹ, một người vừa được gặp Bác Hồ và đặc biệt hơn, lại là một người con của làng ta, một người con của dòng họ Phạm…

Hội trường bỗng ồn lên tiếng bàn tán và lại chợt lặng đi khi anh Dung đọc tên lão. Cái tên một thời đã gieo rắc nỗi khiếp hãi cho nhiều gia đình, dòng họ.

Từ hàng ghế cuối, một người đứng bật dậy. Lão nhận ra ông Cài, trưởng họ Phạm :

 – Đến Tổ tiên, dòng họ nó còn từ bỏ thì anh hùng cái nỗi gì.

Nói đoạn ông phẩy tay, quay đít lững thững đi ra cửa. Hội trường trở nên nhốn nháo. Nhiều người đứng dậy theo, bỏ ra ngoài. “ Tay ấy ngày trước là đội phó đội cải cách ”. Lão nghe một người nào đó nói vọng lại. Lão ngồi chết lặng, sây sẩm mặt mày rồi đổ gục xuống bàn do vết thương cũ tái phát.

Đó là lần về quê giữa ban ngày ban mặt đầu tiên và cũng là cuối cùng của lão kể từ ngày lão đi, một chuyến đi để làm một con người khác, một cuộc đời khác. Mấy ngày sau, anh Dung vào bệnh viện thăm lão. Anh thở dài bảo : “ Dân làng mình thật lạ. Trộm cắp, đĩ điếm, thậm chí giết người còn có thể bỏ qua, còn tha thứ được huống hồ…”.


10


Trong căn hộ hai phòng đơn sơ của lão, lão giành một vị trí trang trọng nhất để lập ban thờ. Trên bàn thờ có ba bát hương. Một thờ Thần linh Thổ địa như thông lệ, một thờ ông bà bố mẹ và sau này thêm một bát hương thờ bà Thuộc, cô ruột của lão. Lão biết tin bà mất cũng thật tình cờ. Hôm ấy, lão đang theo dự một lớp bổ túc ngắn ngày dành cho các cán bộ cao cấp của Văn phòng Chính phủ ở Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Buổi chiều, lão được nghỉ do giảng viên thỉnh giảng bị ốm. Lão ra đường định bụng bắt tắc xi về nhà vì xe riêng của lão phải đưa vào ga ra sửa chữa. Giữa lúc lão đang đứng chờ ở ven đường Hoàng Quốc Việt thì một chiếc xe ôm trờ tới. “ Bác về đâu em chở. Em lấy bác một nửa tiền thôi. Từ trưa em vẫn chưa được cuốc nào ”. Lão nhìn cậu xe ôm. Một khuôn mặt thật thà, lưỡng quyền cao, mũi rộng. Cậu mặc một chiếc bu dông nhàu nhĩ và đi một đôi giầy cũ, lấm láp. “ Bác đi tắc xi vào giờ này dễ tắc đường lắm ”. Cậu ta nài nỉ rồi đứng yên chờ đợi. Lão tặc lưỡi bước lên xe của cậu. Không dè lái xe ôm là một anh chàng vui tính, hay chuyện. Cậu ta kể cậu ta làm bảo vệ ở một công ty du lịch. Ca nghỉ trực cậu tranh thủ chạy xe ôm. Mẹ cậu, một bà lão thủ tiết thờ chồng nuôi con, là cậu từ năm 30 tuổi. “ Mẹ em đang bị bọn cường hào xã cướp mất miếng đất thừa tự, nghe nói để xây nhà văn hóa gì đấy. Cậu kể – Thực chất mấy ông ủy ban thèm nhỏ dãi miếng đất có đến 30m mặt đường của mẹ em. Dĩ nhiên mẹ em không chịu. Nhưng kiện cáo mãi cũng chẳng ích gì. Mẹ em bảo họ tàn ác chẳng khác gì hồi cải cách vậy. Cải cách là hồi nào hở bác ? ”

Lão đáp cho qua chuyện, thực lòng thấy đau nhói ở chỗ vết thương cũ. Vòng vèo tránh đường tắc một thôi một hồi phải nửa giờ sau cậu mới đưa lão về đến khu tập thể. Lão bảo cậu đứng chờ ngoài sân, chạy vội lên nhà, khi xuống lão mang theo một chiếc áo khoác và một đôi giày còn mới. “ Cậu cầm lấy mà dùng. Tôi là cán bộ nhà nước, quần áo giày dép nhiều, cậu đừng ngại.” “ Ấy chết sao bác lại làm thế, em không dám nhận đâu.” Cậu xe ôm giãy nảy. “ Còn đây là tiền xe của cậu. Cậu cầm lấy mua tấm quà cho bà cụ.” Lão nói. Trước sự chân thành, chất phác của lão, cậu xe ôm chần chừ một lát rồi cũng nhận tiền, nhận quà. “ Mình ở tầng 4, lúc nào rảnh cậu đến chơi.” Lão nói thêm. Thực lòng lão bỗng thấy mến anh chàng mau mồm miệng và có vẻ nghèo khó này.

Bẵng đi một thời gian khá lâu, vào chiều 30 Tết, giữa lúc lão đang lúi húi lau dọn ban thờ thì có tiếng gõ cửa. Anh chàng lái xe ôm bữa trước ló đầu vào. “ Chào bác, em là Cương lái xe ôm…”. “ Nhớ rồi, nhớ rồi. Vào nhà đi.” Lão niềm nở. Anh chàng lái xe ôm tên Cương ngập ngừng ngồi xuống một đầu bộ sô pha cũ kỹ, đặt một chiếc hộp nhựa lên mặt bàn uống nước. “ Mẹ em bảo bác là người tốt, bảo em mang hộp cháo se biếu bác ”. “ Cháo se ? ” Lão giật mình. “ Vâng. Cháo mẹ em nấu ”. Lão run run mở nắp hộp cháo. Một mùi thơm quen thuộc ùa vào mặt lão. Mới hồi nào, lão và anh Dung, mỗi lần đi hoạt động trở về, lão đều bê chiếc nồi nấu cháo của cô lão vào vườn dong riềng, hai anh em hì hục ăn, hì hục cạy cháy ở đáy nồi trong lúc bà Thuộc lịch kịch vừa canh chừng vừa chuẩn bị gánh cháo xuống chợ Dày, chợ Gối.

Lúc Cương chào để về, lão lấy túi quà Tết, tiêu chuẩn của cơ quan giành cho lão đưa cho Cương : “ Cậu mang về, nói tôi biếu bà cụ. Ra Tết tôi sẽ sang chỗ cậu xem đất cát thế nào.”. “ Thật thế ạ. Cương trố mắt nhìn lão. Đất thừa tự, thờ cúng tổ tiên, mẹ em coi trọng lắm. Mẹ em bảo có chết, bà cũng không để cho chúng nó cướp đất, ăn đất ”.

Mồng 4 Tết, lão bảo cậu lái xe đưa sang nhà Cương. Khi đặt chân lên con đường lát gạch rợp bóng tre, chuối, người lão nổi gai, ngực đập dồn như vừa tìm lại được một cái gì thật tha thiết và quen thuộc. Lão đã đứng sững khi nhìn bà mẹ của Cương. Sao bà giống bà Thuộc cô lão đến thế. Cũng khăn bà trùm đen, đôi bàn tay gầy guộc với hàm răng đen nhức. Thì ra bà mẹ Cương làm nghề buôn muối, thường gánh muối lên quê lão bán nên quen thân với bà Thuộc, cô ruột lão. “ Bà cụ tốt lắm, hay cho tôi ngủ lại. Mỗi tội bà cụ không nói được. Cũng chả biết bà có câm thật không. Thấy bảo bà mất tiếng từ sau hồi cải cách.” Bà lão nhẩn nha kể. Vẻ mặt đăm chiêu, tay không ngừng ngoáy trầu ở cái cối bằng đồng bé tí tẹo. “ Lạ đời, không nói nhưng bà cụ cái gì cũng biết. Nhà bà cụ chả còn ai. Có mỗi đứa cháu ruột thì nó nghe lời đội từ bỏ bà, từ bỏ cả họ hàng. Cái thằng thật đốn mạt. Tổ tiên mà từ bỏ thì còn sống với ai được chứ..” Bà lão chép miệng, sởi lởi, còn lão thì ngồi chết điếng, luôn có cảm giác bà đã biết mình chính là thằng cháu đốn mạt ấy. “ Cái đận cụ mất, tôi cũng có ở đấy. Lạ là trước khi mất, bà cụ đột nhiên nói trở lại, nói vanh vách. Bà kể cái đêm đi lấy trộm hai cái đầu của vợ chồng ông anh ruột về, cho vong linh hai bác ấy được lành lặn, siêu thoát. Bà bảo thế. Chết mà không được siêu thoát thì tội lắm. Nấu cháo se là tôi học được từ bà cụ đấy ! ”

Lúc ấy ở ngoài hiên nhà, có tiếng đập cánh phành phạch của một con họa mi trong chiếc lồng nhỏ. Thấy lão để ý tới con chim bà cụ chép miệng : ‘‘ Nó vốn là con chim của cụ Thuộc. Cụ thấy nó côi cút ở góc vườn dong riềng liền bắt về nuôi thả như con vẹt con sáo. Cụ cho tôi vì thấy tôi lần nào sang cũng cho nó ăn một vài con châu chấu, con sâu bưởi bắt ở vườn nhà. Kể cũng lạ cậu ạ, chim cứ như người. Hễ nghe tôi nhắc tới bà cụ là nó lại đập cánh phành phạch như thế.”

Mấy ngày sau, anh Dung cũng gọi điện cho lão, báo tin bà Thuộc đã mất. “ Tôi không điện ngay cho cậu vì sợ cậu buồn, cũng bởi hôm ấy họ Phạm đứng ra làm lễ tang cho bà cụ to lắm. Con cháu khắp nơi đều về cả.” Anh Dung còn bảo, khi bà vụt nói trở lại, gặp anh bà dặn : “ Nhớ bảo thằng Phong, là lão, làm quan thì phải thương dân, đừng dại dột, nhẫn tâm như hồi cải cách.”


11


Chưa kịp hưởng nhận những ngày hòa bình đầu tiên, Trung đoàn của lão lại được điều động lên Tây Nguyên để tiễu phỉ Funrô, một cuộc tìm diệt nhùng nhằng rất khó đi đến hồi kết. Công việc còn chưa đâu vào đâu. Trung đoàn của lão và ông Chính ủy lại nhận lệnh ra Bắc khẩn cấp khi dấu hiệu của một cuộc chiến tranh mới đã xuất hiện. Trung Quốc đang tập trung rất nhiều binh lực ở các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây giáp với biên giới Việt Nam.

Ngày ông Chính ủy cùng với nhiều cán bộ cao cấp về nhận lệnh trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ông đã tranh thủ tạt qua nhà. Ông bảo lão cùng đến. Lão lại được gặp bà. Sau bữa cơm thật bình dị, bà ngồi tiếp nước cho hai anh em, tay vẫn không ngừng đan. Bà bảo bà nhận việc, phần để có thêm thu nhập, phần khác đan lát đã là thói quen của bà. Lần gặp này, bà cư xử bớt rụt rè hơn với lão. Mọi hành vi, cử chỉ của bà là hành vi, cử chỉ của một người chị dâu đối với em chồng. Cả ông Chính ủy và lão đều cảm thấy như vậy.

– Cuộc đời chả biết thế nào mà lần. Ông Chính ủy nói với lão và bà : vô minh vô thường. Hôm qua là bạn, hôm nay đã là kẻ thù.

– Điều oái oăm là mình và họ đều là hai nước xã hội chủ nghĩa. Hơn nữa trong cuộc chiến vừa qua, họ đã giúp chúng ta rất nhiều. Khắp mặt trận, chỗ nào mà không thấy gạo, thấy súng, thấy thuốc của họ, kể cả thuốc lọc nước, thuốc chống muỗi, vắt. Lão nói.

–  Liên Xô và Trung Quốc đều muốn thắng Mỹ trên lưng chúng ta. Trước tôi có nói với cậu lính Mỹ cũng không thật đáng chết là như vậy. Nhưng cậu đừng lo, người Trung Quốc chưa đánh thắng cuộc chiến nào bên ngoài biên giới nước họ. Họ chỉ giỏi đánh lẫn nhau thôi.

Lão không ngờ, cuộc gặp hôm ấy, bữa cơm đạm bạc hôm ấy là cuộc gặp cuối cùng giữa ông Chính ủy với bà và các con trai, con gái của ông.

Khác cuộc chiến tranh dai dẳng, trong thế da báo với quân Mỹ, quân ngụy, cuộc chiến với quân Trung Quốc, những ngày đầu đã khiến Trung đoàn của lão gặp rất nhiều rủi ro, khi nó được khai hỏa nằm ngoài dự kiến của bộ chỉ huy chiến dịch, khi bộ binh và xe tăng địch xuất hiện ngay ở những hướng đánh không ngờ nhất. Tổn thất là điều không thể tránh khỏi đối với Trung đoàn của lão. Gần một tháng cầm cự, bị vây ráp bốn phía, ông Chính ủy và lão xác định kiên quyết bám trụ không chịu rút lui như nhiều đơn vị khác. “ Nó đánh mình ở trước mặt thì mình vu hồi, đánh vào sau lưng nó ”. Lão nghĩ và đề xuất tổ chức cho trung đoàn vượt biên giới tạo thành một mũi thọc sâu đánh thẳng vào hậu phương của địch. Nghe lão trình bày phương án, mắt ông Chính ủy chợt sáng lên, nhưng sau đó ông lại do dự, bảo mũi vu hồi ấy, nếu một khi bị khóa mất đường rút tổn thất sẽ rất lớn. Hai người tranh luận với nhau một đêm, cuối cùng Chính ủy chấp nhận phương án táo bạo của Trung đoàn trưởng. Trận đánh thọc sâu ấy, mũi vu hồi có một không hai ấy đã làm bọn chỉ huy Tàu hốt hoảng buộc phải co cụm lại ở Thị xã Lạng Sơn, chấm dứt những cuộc tàn phá, giết chóc. Báo chí trong nước, báo chí quốc tế không ngớt ca ngợi chiến công của Trung đoàn lão, còn lão thì hộc lên đau đớn, vì Chính ủy, một người anh em ruột thịt của lão đã hy sinh. Ông chết trong vòng tay lão khi Trung đoàn đã trở về căn cứ, giữa vòng vây của địch. Lão đã cùng anh em mai táng ông dưới rừng hồi, thầm hứa với ông, hòa bình trở về sẽ thay ông chăm sóc vợ ông và các cháu.

Đó là một lời hứa định mệnh, để rất nhiều năm về sau, lão không thể bước qua cái giới hạn mà mình đã vạch ra ấy. Bà vợ ông Chính ủy, người mà sau này lão luôn coi như một người chị dâu là bác sĩ phụ sản của một bệnh viện chuyên ngành trong thành phố. Bà đã từng là nữ hộ sinh hồi ở vùng tự do rồi học lên và tốt nghiệp đại học y đúng vào năm ông Chính ủy được điều động vào chiến trường. Hôm lão ôm chiếc ba lô của ông Chính ủy tìm gặp bà, giữa lúc bà đang dở tay đỡ đẻ cho một sản phụ. Nhìn chiếc ba lô với những vết máu khô bầm tím của chồng, bà chững lại, hai gò má giật giật, nhưng bà đã cố kìm nén cho đến khi căn phòng tràn ngập tiếng khóc của một đứa trẻ.


12


Những tưởng cuộc đời binh nghiệp sẽ tiếp tục mở ra thênh thang trước cuộc đời lão. Ai dè cái vết thương quái ác hồi đánh Mỹ lết ở chiến trường Khu 5 lại bị bọn Tàu bồi thêm một viên AK47 vào trúng vết thương cũ, khiến lão hoàn toàn mất sức chiến đấu. Lão ra quân, chuyển ngành về làm Vụ phó, rồi Vụ trưởng một vụ quan trọng của Văn phòng Chính phủ. Cũng có đôi ba năm, lão được cử làm sĩ quan tùy viên quân sự ở Sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, khi hai nước đã bình thường hóa quan hệ.

Giữ lời hứa với ông Chính ủy, lão đã chăm lo cho cái gia đình của ông, bỗng chốc lâm vào cảnh túng quẫn, để cái gia đình ấy giữ được nhịp sống bình thường, không xảy ra những xáo trộn lớn sau khi ông Chính ủy mất. Vào những ngày còn ở quân ngũ, mỗi lần về Hà Nội họp, lão lại tiếp tế thêm lương thực vào cái sổ tem phiếu ít ỏi của bà, từ hộp sữa, cân đường, gói lương khô đến can mỡ nước mà cậu cần vụ đã chuẩn bị cho lão. Lão coi những người con của bà như con của mình. Những lúc ở bên bà, nhìn ba đứa trẻ, hai gái, một trai tíu tít chạy ra chạy vào lão cảm thấy ấm áp, lồng ngực lão như giãn nở ra. Có lúc lão giật mình, không hiểu sao mình lại thèm khát, lại tha thiết với cái gia đình này đến thế.

Rồi thời gian qua đi, bà vợ ông Chính ủy nghỉ hưu, mở một phòng mạch riêng tại nhà. Ba đứa con của bà đều tốt nghiệp đại học. Thằng con trai duy nhất của bà học rất giỏi, được Nhà nước cấp học bổng hẳn hoi vậy mà thằng bé bị ngộ chữ, mắc bệnh hoang tưởng, suốt ngày lang thang trên đường phố rồi đột ngột bỏ đi mất tăm, mất tích. Lão đã đôn đáo cho người truy tìm khắp trong Nam ngoài Bắc, thông báo, đăng ảnh cả trên đàì truyền hình, trên các tờ báo lớn, nhỏ nhưng cậu ta vẫn biệt vô âm tín. Những ngày đầy hoảng loạn ấy, nếu không có lão, bà đã đổ gục xuống. Hai người con gái còn lại không biết duyên phận run rủi thế nào cũng lần lượt xa bà. Một vào Sài Gòn lập nghiệp, lấy chồng sinh con. Một đi xuất khẩu, lập gia đình định cư tại Đức. Thế là cái gia đình từng sứt mẻ vì chiến tranh ấy nay lại sẻ đàn, tan nghé, để rốt cuộc bà còn lại có một mình. Một mình trong căn hộ rộng thênh thang trên tầng 2 của một tòa biệt thự xây từ thời Pháp. Căn hộ này, bà được chuyển đổi nhờ sự thu xếp của lão.

Một năm, cô gái út của bà từ Đức về thăm mẹ. Trước ngày đi, cô nhờ lão dẫn cô lên Lạng Sơn thăm mộ bố. Lão đã ngồi rất lâu bên ngôi mộ người Chính ủy của mình. Những ký ức dồn dập đổ về. Lão nhớ, khi trung đoàn lão đã rút về căn cứ, lão và ông Chính ủy vừa ngồi xuống bên một ụ mối thì cậu công vụ chợt kêu lên : Thủ trưởng, có địch. Lập tức, một loạt tiểu liên xé lên. Như một phản xạ tự nhiên, ông Chính ủy đổ ập vào người lão. Rồi một loạt tiểu liên nữa và tiếng đại liên đáp trả của trung đội trinh sát. Khi lão chống tay vào ụ mối để ngồi dậy vẫn thấy lưng mình nặng chịch. Ông Chính ủy đã hy sinh như vậy. Mới hôm qua, lúc đánh vào căn cứ hậu cần của địch đóng trong một ngôi làng, ông đã nhắc lão, bảo anh em không được bắn vào dân. Họ không có tội. Ông mất trước khi có lệnh điều động ông về làm Chủ nhiệm Chính trị quân đoàn. Lão hiểu rằng, sự thành đạt, may mắn của lão luôn có ông ở bên cạnh. Ngay cả cho đến giờ đây, hình như ông vẫn luôn canh chừng, nhắc nhở phanh hãm những hành vi đôi khi hơi thái quá của lão.

“ Trên đường rút khỏi biên giới, bố cháu đã che chở cho chú, chết thay chú.” Lão nói. Tay run rẩy xoa lên những dòng chữ đã mờ nhòe trên tấm bia. Cô con gái út nhìn sâu vào mắt lão : “ Chú ơi, chú đến ở với mẹ con đi, cũng là để vong linh bố con được siêu thoát ”. Mặt lão bỗng xám lại, miệng méo xệch : “ Nếu có thể bất chấp mọi thứ về ở với mẹ con, chú đã về từ lâu rồi ”. Lão thở dài, bỗng cảm thấy chua chát cho thân phận mình, cuộc đời mình.

Không về ở với nhau, nhưng chẳng mấy khi lão vắng mặt ở nhà bà. Những lúc bà đau ốm, lão lo thuốc thang, cơm cháo. Nhiều đêm thức trắng bên giường bệnh của bà. Ngược lại, khi lão ốm đau hoặc khi vết thương cũ tái phát, bà lại lật đật đến chăm sóc lão, còn hơn cả vợ chăm sóc chồng. Những người dân trong khu tập thể cả mới, cả cũ không ai dị nghị về mối quan hệ lừng chừng, nửa nọ, nửa kia giữa bà và lão.

Thực ra, cũng đã có một lần, cái ranh giới “ chị em ” ấy suýt bị phá vỡ. Lần ấy, cơ quan lão tổ chức một cuộc đi nghỉ dưỡng ở Quảng Ninh. Lão mời bà đi cùng. Một cách có chủ định nhưng lại làm như vô tình, cậu trưởng ban hành chính đã thu xếp lão và bà ở hai căn phòng liền nhau, giữa hai phòng có một cánh cửa phụ. Đêm hôm ấy là một đêm tối trời, sóng biển dồn dập đổ vào bờ cát. Giữa đêm, cả lão và bà đều thức dậy, đều đến bên cánh cửa thông giữa hai phòng. Người lão khi ấy nóng hừng hực, cảm thấy bức bối, khao khát. Bàn tay của lão đã đặt vào núm cửa. Chỉ cần một cái xoay nhẹ, hai người sẽ thuộc về nhau. Nhưng cả bà và lão đều đã đứng yên, nghe rõ tiếng sóng biển ở bên ngoài mỗi lúc một dồn dập đổ vào bờ. Cả hai nặng nề trở lại giường. Suốt đêm, lão không ngủ, trân trân nhìn chiếc quạt trần treo giữa phòng còn bà thì nằm khóc trên giường, nước mắt ướt đầm trên mặt gối.

Không biết cái gì đã cản trở hai con người tội nghiệp ấy tìm đến với nhau. Và đó chưa phải là lần đầu tiên, cũng chưa phải là lần cuối cùng họ đứng trước cái lằn ranh vô hình đó.


13


Là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của một vụ quan trọng, lão có quyền miễn nhiệm và bổ nhiệm, thải người cũ và tuyển người mới, nhưng không khi nào lão sử dụng hết cái quyền lực ấy. Lão sống đôn hậu, thanh sạch không nhận quà biếu xén của bất cứ ai. Ngày Tết, lão tuyên bố mọi người không nhất thiết phải đến nhà nhau chúc Tết theo tục lệ, ngụ ý không cần đến nhà lão mà hãy dùng thời gian cho gia đình, cho những chỗ thiết yếu không thể không đến. Nói vậy, quy định vậy, nhưng mọi người trong cơ quan từ cô tạp vụ, cậu lái xe, đến các ông bà vụ phó vẫn lần lượt đến nhà lão. Người hộp bánh, cành đào, người cho trẻ nhỏ đến vui đùa cùng lão. Cả cái khu tập thể lam lũ này cũng vậy. Lão đã phải pha hết ấm trà này đến ấm trà khác.

Hầu như trong mấy ngày Tết, lão ít khi ra khỏi khu tập thể ngoài hai chỗ : Một, nhà vợ ông Chính ủy. Lão thường đến nhà bà vào sáng ngày 30, cùng bà làm cỗ thắp hương cúng ông Chính ủy, sau đó ngồi lại ăn uống với bà cho đến tận giao thừa, khi pháo hoa nổ lộp độp với những chùm ánh sáng nhoáng nhoáng ngoài khung cửa. Hai là nhà của cậu Cương. Lão thích sang nhà cậu, trò chuyện với mẹ cậu, ăn cháo se do bà nấu. Quan hệ giữa lão và gia đình Cương càng trở nên thân thiết khi lão trực tiếp can thiệp để chính quyền xã không thu hồi mảnh đất thờ cúng của bà cụ. Lão còn nhận Cương về làm văn phòng ở cơ quan lão. Thâm tâm, lão đã coi mẹ Cương như mẹ mình. Lão cứ nghĩ, ở đời, sao lại có những người giống nhau như chị em sinh đôi đến vậy. Mỗi lần gặp mẹ Cương, lão cứ rạo rực như được gặp lại bà cô ruột thịt của lão.

Ngày lão nhận quyết định về hưu, cả cơ quan buồn như nhà có đám. Nhiều người khóc trong buổi họp chia tay lão. Họ khóc vì tiếc, vì thương lão. Trần đời, bới chẳng đâu ra một ông thủ trưởng như vậy. Có người còn đùa bảo lão là Bác Hồ của cơ quan. Trong suốt thời gian tại vị, mỗi khi chủ trì việc tuyển dụng nhân viên mới, lão thường đọc hồ sơ rất kỹ, cố tìm xem có người nào mang họ Phạm, là con cháu người làng Hạ hay không. Nhưng tuyệt nhiên không gặp. Thực ra, cũng có một lần. Đó là trường hợp một cậu, đích thị là người họ Phạm, người làng Hạ nộp hồ sơ xin tuyển dụng vào cơ quan lão. Cậu ta là tiến sĩ, từng du học nhiều năm ở nước ngoài. Lão mừng lắm. Thế là đã có dịp lão được đền đáp công ơn dưỡng dục của làng Hạ, nơi bố mẹ lão đã dùng cả sinh mạng của mình đẻ vun đắp cho sự phồn thịnh của làng. Nhưng không hiểu vì đâu, khi đã có quyết định tuyển dụng chính thức, cậu ta lại rút đơn. Lão lờ mờ cảm thấy hình như cậu ta đã biết danh tính người tuyển dụng chính là lão. Hoặc giả, cậu ta đã tìm được một chỗ làm khác phù hợp hơn. Điều này đã làm lão hụt hẫng và hết sức buồn bã.

Lão nghỉ hưu, cơ quan của lão buồn tiếc nhưng khu tập thể của lão thì lại mừng ra mặt. Lão là một bờ vai để họ có thể vịn vào, để nhờ cậy. Có một chuyện mà cả khu, người ta cứ truyền tai nhau mãi. Đó là chuyện một ông cụ đã rất nhiều tháng, nhiều ngày tá túc ở gầm cầu thang của khu tập thể. Ông cụ cao, gầy lòng khòng, ban ngày luôn đi đâu đó, tối mịt mới về trải tấm ni lông ra sàn gầm cầu thang nằm ngủ, hoặc ngồi ăn một thứ gì đó đựng trong một chiếc cà mèn đã cũ. Nhiều đêm mưa rét, lão bảo ông cụ lên phòng lão nhưng ông cụ nhất mực từ chối. Một bữa, lão thấy ông cụ mặt mũi đỏ gay, ho sặc sụa. Lão vội chạy đi mua một tô cháo hành cho ông cụ. Xong, lão lại tất tả đến một cửa hàng gần đấy mua một cái giường xếp để ông cụ nằm và cứ tự cật vấn mình sao lâu nay, đã không sớm nghĩ ra điều đó. Nhưng chỉ nửa giờ sau, ông cụ đã ho bật lên một tiếng rồi ngoẹo đầu trút hơi thở cuối cùng trên chiếc giường xếp còn nguyên tem mác. Người ta bảo đấy là ho sét đánh. Ai bị ho sét đánh thì có trời cũng không cứu nổi. Lão hấp tấp lần tìm trong túi áo ông cụ thấy một số điện thoại. Lão gọi. Đầu đằng kia giọng một người con gái cất lên. Lập tức lão mắng cô gái té tát, bảo đến chỗ này, chỗ này mà nhận xác cha. Đồ con cái đốn mạt. Lão rủa, lão văng tục, lần đầu tiên lão văng tục do quá bức xúc vì nghĩ, sao ở đời lại có những đứa con đốn mạt đến như vậy. Buổi chiều, một cô gái và một người hàng xóm của cô xuất hiện trước cầu thang của khu tập thể. Lão sửng sốt và ân hận khi nhận ra đó là một cô gái mù cả hai mắt. “ Cháu đã nhắn tìm cha cháu mấy năm nay rồi.” Cô khóc và phân trần với lão và những người trong khu tập thể. Lão lặng lẽ lên nhà lấy tiền đưa cho cô, nhờ người hàng xóm của cô, chở thi hài ông cụ đến nhà hỏa táng ở ngoại ô thành phố sau khi được nhà chức trách cho phép.

Hình như từ khuôn mặt võ vàng của người chết cứ ngờ ngợ gợi lại một điều gì đó sâu xa trong ký ức của lão.



14


Nhiều người ở cơ quan cũ, cũng như hầu hết cư dân ở khu tập thể đều bàn tán xì xào, không hiểu vì sao, một người thành đạt, chức cao vọng trọng, một anh hùng thời chống Mỹ, một đại biểu Quốc hội nhiều khóa, thân hình người ngợm không đến nỗi nào, nếu không nói là vâm váp và khá điển trai lại chỉ sống có một thân, một mình. Thời chiến thì đã đi một nhẽ. Hòa bình, thiếu gì các cô gái mơ ước thèm khát lão. Người ta đồn đoán đủ thứ chuyện, cho rằng, chắc chắn lão đã gặp cú sốc ái tình nào đó. Hoặc lão đã bị bom đạn, bị chất độc hóa học cướp mất khả năng làm chồng, làm cha… Những lúc như vậy, người ta lại chú ý đến người thiếu phụ hay đến chăm sóc lão. Họ bảo hai ông bà cứ có một cái gì đó nửa nạc, nửa mỡ, không ra thế này cũng chẳng ra thế khác. Nhiều người còn lăn xả vào làm mai mối cho bạn bè, người thân nhưng đều không thành. Rốt cuộc, năm tháng qua đi, lão chỉ biết cắm đầu vào công việc giúp nước, giúp đời và đến lúc ngẩng mặt lên thì đã phải đối mặt với sự già, với cuộc sống mỏi mệt, bệnh tật và nỗi cô độc luôn âm thầm gặm nhấm, bám riết lấy lão.

Thực ra, trong cuộc đời của lão cũng có một mối tình, một mối tính mỏng manh, đơn chiếc chẳng đâu vào đâu nhưng đã khiến lão thao thức, mong ngóng nhiều năm sau đấy. Ngày đó trên đường từ Sư đoàn bộ về trung đoàn lão gặp một cô gái trẻ với đôi mắt to, ướt, cái nhìn thẳng luôn như mời gọi hoặc khiêu khích một điều gì đó. Cô bảo cô đi dân công, mở đường, được nghỉ về thăm nhà. Sớm mai cô sẽ vượt dốc Đá lửa về Hoài Châu sau đó vượt đường 1 về quê hương của cô.

Buổi trưa hai người tạt vào một nhà dân nấu cơm nhờ. Lão đưa ruột tượng gạo cho cô gái dặn nấu thật nhiều, nấu cả phần cho sắp nhỏ, con nhà chủ vì thời gian đó, dân vùng giải phóng rất đói.

Cơm nấu xong, lão mượn chị chủ nhà một cái mâm nhôm, nghĩ rằng chắc chắn cô sẽ có lương khô hoặc một loại thức ăn gì đó. Còn lão vì đi gần, gấp nên không kịp chuẩn bị. Nào ngờ khi chiếc mâm nhôm méo mó được ngửa ra, cô gái cũng không có gì để đặt trên đó. “ Em để lại hết cho chị em trong đội rồi ”. Cô nói. Lão cười xòa, xin chị chủ nhà một đĩa muối, đặt giữa mâm. Đó là bữa ăn có một không hai trong cuộc đời lão. Lão bỗng thấy thương cô gái vô cùng. Sau bữa ăn, lão nằm nghỉ trên bộ ghế ngựa, còn cô ngồi bên cạnh cầm chiếc quạt ghép bằng lá dừa khô xua muỗi cho lão. Thỉnh thoảng cô dừng lại, lấy dầu gió ý tứ bôi lên những vết muỗi cắn ở tay chân và cả trên khuôn mặt lão.

Đêm hôm ấy, hai người vào một nhà dân dưới chân dốc Đá lửa ngủ nhờ để hôm sau đi tiếp. Suốt đêm, cả lão và cô đều không ngủ. Cô treo võng trong gian bếp, còn lão ngoài hiên nhà. Gần sáng, lão thấy cô mang bọc võng ra buộc cho lão. Bóng cô nhò nhọ trong ánh sao và sương khuya. Người lão chợt rùng lên, khi cái bụng thon gọn của cô chạm sâu vào võng lão. Lão và chắc cả cô nữa lúc ấy, đều cố kìm nén một cái gì đó để không choàng dậy ôm riết lấy nhau.

Trời còn rất sớm, lão đã đưa cô đến chân dốc Đá lửa, chờ những người đi chợ sớm để lão gửi cô đi cùng về Hoài Châu ở bên kia đỉnh núi. Thời gian này, rất nhiều lính ngụy bị bắt, được thả đã chọn An Lão làm một vùng đất để sống tạm. Không ít người chọn nghề vào rừng hái trầu không, bẻ cau dại vượt dốc Đá lửa gùi sang Hoài Châu bán. Lão và cô đang chờ những người đi chợ như vậy. Họ đứng tần ngần trong bóng đêm, nghe rõ tiếng đập cánh của một con bìm bịp trong bụi cây gần đấy. Bất chợt cô gái chìa một bàn tay ra trước mặt lão như để từ biệt. Như chỉ chờ có vậy, lão nắm vội lấy bàn tay ấy. Một luồng điện chạy khắp người lão. Một bàn tay lạ lùng vừa khô mịn vừa ẩm ướt. Không tự chủ được nữa, lão kéo nhẹ. Lập tức cô gái đổ ập vào người lão, ôm chặt lấy lão, đôi môi cuống quýt tìm đôi môi của lão…

Ngày hôm đó, nếu như không có một tốp người đột ngột xuất hiện, lao xao dưới chân dốc, có thể lão đã trở thành một người đàn ông thực thụ. Nhưng cái đám người láo nháo kia đã đánh cắp mất niềm hưng phấn của lão. “ Thôi em đi đi. Hòa bình anh sẽ về tìm em ”. Lão nói hổn hển và thật kinh ngạc khi nhìn vào đôi mắt như hai chấm sáng của cô. Một đôi mắt sâu, tối đầy giận dữ và trách móc.

Lão đã khắc khoải nhớ về cô suốt những năm cuối của cuộc kháng chiến với những dự tính thật cụ thể. Nhưng lão đã sụp đổ hoàn toàn khi được biết, sau ngày gặp lão, cô đã lấy chồng là một sĩ quan dù ngụy. Cuối năm 1975, vợ chồng cô đã vượt biên sang Mỹ.



15


Có thể, ở cái thành phố rộng lớn này, tôi là người họ Phạm, là người làng Hạ duy nhất vẫn thường xuyên qua lại, quan hệ với lão. Tôi kém lão dăm tuổi. Hồi lão về làng báo cáo thành tích, tôi đã bị cuốn vào những tấm huân chương trên ngực lão. Cả dòng họ Phạm ruồng bỏ lão, còn lứa chúng tôi lại ngưỡng mộ, tự hào về lão. Từ lão như tỏa ra một từ trường, một lực hút cuốn chúng tôi vào một cuộc chiến đỏ, đen của lịch sử.

Chúng tôi nhập ngũ. Người làng Hạ, người dòng họ Phạm có mặt ở hầu khắp các quân binh chủng, các mặt trận, trong Nam, ngoài Bắc. Dòng máu yêu làng, yêu nước hừng hực chảy trong huyết quản chúng tôi. Noi gương lão, tôi cũng được tặng thưởng huân chương, được cấp bằng dũng sĩ diệt Mỹ. Không hiểu sao đánh Mỹ tôi đánh rất hăng, nhưng khi gặp bọn ngụy, họng súng của tôi cứ chùng xuống. Có lần tôi đã bỏ qua cả một trung đội ngụy, khi chúng đã nằm gọn trong tầm bắn của tiểu đội tôi. Chỉ vài quả B40, một loạt đại liên là đâu sẽ vào đấy. Nhưng tôi đã không làm như vậy. Tôi lệnh cho tiểu đội rút lui, nói thác rằng, đánh, căn cứ sẽ bị lộ, sẽ bị xơi B52 và pháo bầy của Mỹ.

Một lần, trên đường hành quân, đêm dừng nghỉ ở một bãi khách, tình cờ tôi gặp lão. Lúc đó lão đã là một Trung đoàn trưởng nổi tiếng. Những giai thoại về lão được kể vanh vách ở bất cứ đâu, nhiều nhất là các trạm giao liên, các khu hậu cứ nằm xa mặt trận. Người ta kể : vào thời gian bọn Mỹ tổ chức những cuộc hành quân tìm diệt ác liệt ở ven biển Bình Định, lão bị thương phải tá túc nhiều ngày ở một đội phẫu. Trên đường về đơn vị lão vấp phải một trận càn lớn. Ở vùng biển này có một cồn cát nằm cách bờ vài ki lô mét. Bọn Mỹ rất tinh quái. Ban đêm chúng đồn trú trên cồn, ban ngày tràn vào làng đốt nhà, càn quét giết chóc. Đã có không ít những thảm kịch xảy ra ở cái làng biển nhỏ bé ấy. Đội du kích xã, bộ đội địa phương huyện điều nghiên mãi vẫn không tìm ra cách đối phó. Vốn xuất thân là một chiến sĩ đặc công, lão bàn với mọi người, khi bọn Mỹ vào thì mình ra, ra bằng thuyền cá của dân, ém mình trong cát chờ đợi. Kế hoạch ấy của lão đã được đội du kích xã thực hiện một cách hoàn hảo. Họ giả đò làm dân đánh cá, lên cồn giữa ban ngày, ban mặt, vùi mình trong cát suốt từ giữa ngọ cho tới chiều tối. Khi bọn Mỹ trở lại cồn sau một ngày càn quét, chưa kịp xả hơi thì tiểu dội du kích do lão chỉ huy đã tung cát đứng dây… Người ta còn kể, vào giai đoạn khốn khó nhất của chiến trường Khu 5, sau Tết Mậu Thân, Sư đoàn của lão phải phân tán, xé lẻ đội hình, bám đất, bám dân, diệt địch bằng phương thức nhỏ lẻ, lấy đột kích cá nhân, diệt bọn ác ôn là chủ yếu. Ở huyện Hoài Nhơn ngày ấy có một tên cảnh sát trưởng quận cực kỳ gian ác và xảo trá. Chính nó đã xử bắn một chiến sĩ du kích vừa bị bắt giữa bàn dân thiên hạ rồi phơi xác ngoài chợ. Tên này còn treo thưởng mấy trăm ngàn cho người nào bắt được lão, vì lão rất nổi tiếng, là nỗi khiếp hãi của tất cả bọn giặc ở vùng Bắc Bình Định. Tương kế, tựu kế, lão kiếm một bộ đồ lính ngụy, sau khi đã nắm chắc quy luật đi lại của tên cảnh sát trưởng, lão với mác của một sĩ quan dù đứng đợi ở đầu cầu ga Chương Hòa. Khi tên trưởng cảnh sát xuất hiện, lão chặn xe, đọc bản án hẳn hoi rồi nổ súng... Những câu chuyện hư thực ấy, lính ta kể cho nhau nghe, thêm dấm thêm ớt khiến người nghe nhất là các cô gái, cô nào trong bụng cũng khao khát được gặp lão.

Lần thứ hai tôi lại tình cờ gặp lão là ở bờ biển Vũng Tàu. Khi ấy thành phố vừa được giải phóng. Đơn vị của lão, trong đội hình của Sư đoàn đã làm một mũi vu hồi quan yếu từ Phan Rang đánh thẳng xuống Bà Rịa, Vũng Tàu nhằm chặn đứt con đường rút của địch từ Sài Gòn ra biển. Trong lúc đang chỉ huy tảo thanh địch ở núi Đá lớn, lão được tin có một chiếc tàu chiến của ngụy chở 500 sĩ quan xin được về hàng quân giải phóng. Họ ra hàng với một điều kiện : Quân giải phóng phải cử một sĩ quan cao cấp ra đón, chỉ được mang theo điện đài để liên lạc và tuyệt đối không được mang theo súng.

Lão chấp nhận đề nghị ấy, nhưng ông Chính ủy của lão thì ngờ vực : Nếu bọn chúng trá hàng thì sao ? Ông đặt một câu hỏi khiến tất cả mọi người bối rối.

– Tôi, suốt nhiều năm qua không tin gì những điều bọn Mỹ, ngụy nói. Nhưng lần này thì tôi tin. Tôi sẽ đi gặp chúng. Lão nói quả quyết.

– Thủ trưởng vẫn nên giấu một khẩu K59 trong bụng. Một sĩ quan trinh sát ngập ngừng đề nghị. “ Không được ”. Lão nói dứt khoát. Mình không tin họ làm sao bắt họ phải tin mình, theo mình. Lão quay sang vị Chính ủy : “ Anh yên tâm đi, tôi sẽ trở về.”

Rồi lão và tổ điện đài đã lên một con thuyền cá ra biển. Lúc ấy trên mặt biển xanh biếc vắng lặng và mênh mông, hiện dần lên một con tàu đen lố nhố người. Lão dặn các chiến sĩ điện báo : Nếu bọn địch trá hang, phản trắc thì phải tìm mọi cách nhảy xuống biển. Trung đoàn đã bố trí phương án cứu trợ… Nhưng mọi chuyện đã diễn ra suôn sẻ nằm ngoài dự tính của lão. Lúc chiếc tàu cá của lão cập vào mạn tàu, nhiều bàn tay tròn trặn đã với xuống kéo lão lên. Hơn 500 sĩ quan ngụy, với sắc phục, với những bông mai trên ve áo hồ hởi và dè dặt pha lẫn tò mò đón tiếp lão. Họ dẫn lão vào phòng chỉ huy tàu. Bỗng ở đuôi tàu có tiếng người nhốn nháo và tiếng súng nổ rồi một vật gì đó rơi xuống biển. Một viên sĩ quan bước vào : “ Thưa ông, có vài người không muốn trở về, chúng tôi đã trả họ về biển ”. Viên sĩ quan lạnh lùng nói.

Lão, khi ấy đang đứng trước chiếc bàn nhỏ trong căn phòng chỉ huy tàu. Căn phòng không lớn lắm nhưng đủ chỗ cho hai, ba mươi người. Lão thấy trước mặt mình đủ các sắc lính : Biệt động có, dù có, bảo an có. Đôi người đã trút bỏ sắc phục, mặc bộ đồ sơ vin. Họ chăm chú nhìn lão. Lão tự giới thiệu mình. Có một vài tiếng người “ ồ ” lên ở hàng ghế cuối, sát cửa ra vào. Thì ra họ cũng đã biết tiếng tăm của lão bởi sư đoàn của lão và sư đoàn 22 của họ đã 10 năm quần thảo nhau trên chiến trường Quảng Ngãi, Bình Định. Họ đã từng nghe nhắc đến lão với biệt danh : Trung đoàn trưởng vu hồi. Người chỉ huy khét tiếng mưu lược đã làm sư đoàn của họ tổn thất nặng nề vào năm 1972 và tan rã hoàn toàn vào tháng 3 năm 1975, trong một mũi vu hồi, cắt đứt con đường chiến lược 19.

– Thưa anh em. Lão nói. Theo yêu cầu của anh em, chúng tôi đã có mặt trên con tàu này để đón anh em trở về với quê hương, gia đình. Cách đây mấy hôm, Sài Gòn đã được giải phóng. Vùng 4 chiến thuật của các anh em cũng đã tự tan rã. Tướng Ngô Quang Nam đã tự sát. Đó là cái cách mà anh em không nên chọn lựa.

– Nhưng hòa bình các ông có tiến hành cải cách ruộng đất nữa không ? Một tiếng nói cất lên, một giọng Bắc.

– Xin lỗi anh ở tỉnh nào ngoài Bắc ? Lão không đáp mà hỏi lại.

–  Quê tôi ở Hải Dương. Ông nội tôi đã bị các ông cướp hết đất đai nhà cửa.

– Bố tôi cũng có một đồn điền lớn ở Bình Long và cao nguyên Trung phần. Một người khác.

– Cải cách ruộng đất thực chất là phân chia, điều phối lại ruộng đất từ người giàu sang người nghèo. Đó là việc cần làm của bất kỳ cuộc cách mạng nào nhất là đối với một đất nước nông nghiệp. Lão nói y hệt như ngày nào ông Chính ủy đã giải thích cho lão.

Lúc đó ở Sở chỉ huy Trung đoàn, ông Chính ủy cứ bồn chồn đi lại. Ông cảm thấy ân hận vì đã để lão thuyết phục bởi một chuyến đi như vậy, lành ít, dữ nhiều. “ Giá mình cùng đi với cậu ấy ” ông nghĩ và cảm thấy gờn gợn vì lúc chia tay để xuống chiếc tàu cá, lão đã quay lại cười với ông. Một nụ cười là lạ mà rất ít khi ông gặp nụ cười như thế ở lão.

Giữa lúc căng thẳng đó, một cậu báo vụ ló đầu vào phòng : Báo cáo Chính ủy, đã liên lạc được với tổ điện đài của Trung đoàn trưởng. Ngoài ấy cho biết con tàu đã nổ máy chuyển hướng vào bờ. Chính ủy thở phào, ông cứ đăm đắm nhìn vào khẩu K59 đặt ngay ngắn trên trốc chiếc ba lô của lão. Lão đã giữ đúng lời hứa để không mang theo súng.

Chuyến đi đón 500 sĩ quan ngụy trót lọt cũng lại là một kỳ tích của lão. Bởi những người sĩ quan ấy có thể thay đổi ý định thủ tiêu lão, hoặc bắt lão làm tù binh và vì bởi Hạm đội 7 của Mỹ đang ở rất gần họ.



16


Khu chung cư lão đang ở là một khu chung cư thật đặc biệt. Tầng 1 hầu hết là những người ở quê ra chạy thận nhân tạo. Tầng 2 là dân đồng nát, ve chai. Tầng 3 chủ yếu là dân lái xe công nghệ. Hơn một trăm con người sống ồn ào, đầy lo âu cho cái quãng đời sắp tới của họ. Lão thuộc tên từng người, hiểu hoàn cảnh từng nhà và luôn luôn giúp đỡ họ. Có chuyện, một bệnh nhân chạy thận phải cấp cứu giữa đêm không biết cậy ai, họ đập cửa phòng lão. Lão choàng dậy, sốt sắng, luống cuống như lo cho người thân của mình, đưa họ đi viện, nộp viện phí, ngồi trực suốt đêm cho đến lúc người nhà bệnh nhân tới. Cả khu bảo, lão sống từ bi như ông Phật. Họ còn bảo nếu cả nước, người nào cũng được như lão thì đã xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công từ lâu rồi.

Lần đầu tiên đến nhà lão tôi rất ngạc nhiên khi thấy lão, một vị tướng, một Anh hùng lực lượng vũ trang, cán bộ cao cấp của Văn phòng Chính phủ, một người đã từng làm Tùy viên quân sự, đi nước ngoài như cơm bữa, từng ở các khách sạn 5 sao, bảy sao, dự hàng trăm bữa quốc yến Tây Tàu lại có một cuộc sống đơn giản và thanh đạm đến như vậy. Một căn hộ tồi tàn, một con họa mi lông xù không biết hót. Người ta còn đồn thổi lão thuộc diện quy hoạch lên cán bộ chiến lược, làm thứ trưởng hay bộ trưởng một bộ quan trọng nào đấy, nhưng lão đã thoái thác, không nhận.

Sau này, khi cả hai đã nghỉ hưu tôi thường xuyên đến với lão. Với tôi lão là một bài học sống động từ thời trẻ và cả khi đã về già để tôi sống, để làm một con người tử tế. Lần nào đến, tôi cũng thấy lão đứng bên cửa sổ, như đang trò chuyện với con họa mi lông xù. Bóng lão im lìm và âm thầm che lấp một khoảng trời. “ Hình như nó hiểu những điều mình nói. Lão bảo với tôi. – Chỉ mỗi tội không biết hót ”. Lúc ấy, ở trong lồng con họa mi đập cánh loạn xạ, không biết để đáp lại lời chê bai của lão hay vì sự xuất hiện đột ngột của tôi.

Lần gặp nào, sau khi thăm hỏi sức khỏe vợ tôi và việc học hành của các cháu nội ngoại. Câu chuyện của lão lại trở về với làng Hạ. Lão kể ngày còn bé, lão hay được ông Lương cho đi theo bắn chim ngói, chim chào mào bằng ống xì đồng. Ông Lương có tài thổi xì đồng bách phát bách trúng. Lão chỉ việc tiếp đạn bằng những quả xoan bánh tẻ cho ông. Ông không nhìn lão chỉ với tay về phía sau, miệng suỵt suỵt. Lão đặt một trái xoan vào tay ông, ông ngậm vào miệng, nâng ống xì đồng lên. Một tiếng phụt phá tan sự im ắng và một con chim ngói lông tả tơi rơi xuống. Lão còn kể, có đận cả làng đổ ra con ngòi, là con sông Nhuệ xưa, lao đòng ba chẽ phầm phập xuống nước, chỗ có tăm xủi lên để săn rái cá… Lão bảo đất làng Hạ lạ lắm, đi chân không cứ mát đến tận cùng gan ruột…

Nhưng cũng có lần, lão không nói đến chuyện làng mà nói chuyện với tôi về thế sự, về chính trị. Tôi biết trong thâm tâm, lão căm ghét Trung Quốc vì theo lão, chính Trung Quốc đã reo rắc cái thảm họa cải cách ruộng đất trên làng quê lão. Thời kỳ này, Trung Quốc đang hoành hành ở biển Đông. Họ ngang nhiên dựng giàn khoan, đâm tàu cá của dân, đổ đất cạp biển xây căn cứ quân sự trên những hòn đảo chiếm được năm trước.

– Mình có ba năm làm Tùy viên quân sự ở Trung Quốc. Họ làm cải cách ruộng đất, cách mạng văn hóa thật khủng khiếp. Một dân tộc tự cắn xé mình là một dân tộc sắp diệt vong hoặc sẽ gặp thảm họa. Điều đáng buồn là mình đã làm cải cách theo mô hình của họ. Lão nói và lại chợt nhớ tới những nhận xét của ông Chính ủy trước cuộc chiến tranh biên giới 1979.

– Nhưng hồi đó Cụ Hồ đã xin lỗi dân rồi. Tôi nói.

– Cũng may mà cỗ xe bần nông, cố nông ấy đã phanh lại kịp. Dân mình thật tốt cậu ạ. Khoan dung và tha thứ. Nếu không làm sao mà bước vào cuộc kháng chiến lần 2, lần 3 hào sảng đến như vậy.

– Giá bây giờ cũng được như ngày ấy, sai chỗ nào xin lỗi dân chỗ ấy.

– Hồi dẫn Trung đoàn tạo thế vu hồi đánh thẳng sang Trung Quốc, mình đã muốn trút tất cả căm giận vào nơi đã gây ra thảm họa cho dân tộc mình làng nước mình. Nhưng họ đông thế, mạnh thế làm sao mà sòng phẳng được. Đột ngột lão bảo tôi : “ Cậu đưa mình về quê một chuyến. Mình muốn thắp hương cho các cụ và bà Thuộc.”

– Sao anh không bảo cậu Cương nó chở về. Nghĩa trang làng mình, xe con vào được rồi. Tôi nói.

Ngày đó Cương đã trở thành chỗ thân thuộc với lão. Cậu ta đã thôi làm nhà nước, về mở một tiệm ăn tại nhà. Trong thực đơn của cậu có món cháo se, lấy tên là cháo se bà Thuộc. Thỉnh thoảng cậu lại xách một cặp lồng cháo sang biếu lão. “ Mình ngại gặp người lớn trong làng. Họ chưa quên chuyện cũ ”.

Đúng là người làng Hạ vẫn chưa quên chuyện cũ. Khi nhắc tới lão, không bao giờ họ gọi lão là thiếu tướng là anh hùng mà chỉ nhắc lão từng là đội phó đội cải cách.

Và tôi đã đèo lão về làng vào một chiều tối. Tôi không khỏi bùi ngùi khi thấy lão, một con người đã từng đánh đông, dẹp bắc, từng vang bóng một thời run run quỳ xuống thắp ba nén nhang lên mộ bố mẹ và cô ruột lão. Lão lầm bầm khấn gì không rõ, chỉ thấy mái tóc bạc của lão rung nấc lên. Trên mặt ba ngôi mộ và những khoảnh đất trống mọc miên man những vạt rau đồng khúc nếp trắng bạc, ướt sẫm sương và trăng non đầu tháng. Lần về ấy, tôi còn đưa lão tới gốc bàng cổ thụ ngoài sân đình, nơi lão đã sống cả tuổi thơ làm thuê gánh mướn của mình. Ở nơi ấy, người làng đã dựng một tấm bia để ghi nhớ sự hy sinh lẫm liệt của hai liệt sĩ anh hùng là bố mẹ lão. Trên đường về, lúc ngồi nghỉ ở một quán nước, lão bảo tôi :

– Mình chết không có đất chôn. Hôm qua mình đã gặp nhà sư chùa Hòe Nhai rồi. Mình đành nương nhờ cửa Phật. Nhà sư nhận lời. Còn tro cốt mình muốn được giải trên dòng sông Nhuệ.



17


Làng Hạ của tôi và lão là một ngôi làng Việt cổ. Trong làng có đến 52 dòng họ cùng sinh sống, trong đó họ Phạm đông trai đinh nhất, lớn nhất. Để lý giải vì sao trong một làng lại chen chúc nhiều dòng họ đến như vậy, người ta giải thích rằng, thủa xa xưa, vào thời Tiền Lý, làng Hạ là đất kinh đô cổ với Thành Ô Diên nằm bên cửa sông Hồng. Dân tứ chiếng được huy động về xây thành rồi trụ lại, sinh con, đẻ cái, phân nhánh tồn tại cho đến ngày nay. Vào thời hậu Lý, đê sông Hồng được đắp chia đôi làng Hạ thành 2 phần. Hạ đồng và Hạ bãi. Nguồn mạch của sông Nhuệ từ bãi non đổ vào bị chặn đứt. Chỗ đê quai được gọi là hàm rồng, nơi đặt miếu thờ Thành hoàng làng. Ngôi miếu thờ quanh năm nằm im lìm dưới tán những cây duối, cây muỗm cổ thụ. Từ đó, dòng sông Nhuệ chỉ còn chảy từ hàm rồng, qua đền thờ Tô Hiến Thành, lại bị khoanh chặn từng khúc thành một con ngòi, mùa hạ mọc đầy sen súng, mùa đông thì ken kín những mảng bèo tây, bèo cái và những bè rau muống.

Những năm gần đây, thành phố đã cho khơi lại dòng sông ấy, mở rộng hai bên dòng sông thành những con đường lớn, hè đường trồng đầy hoa ban, hoa phượng vĩ. Người làng Hạ phao lên rằng, làng quê của họ, dòng sông Nhuệ cổ chính là long mạch của Kinh thành Thăng Long xưa. Long mạch bị chặn thì không bao giờ thành phố có thể mọc mũi sủi tăm lên được. Họ bàn tán vậy, chẳng biết hư thực ra sao. Khi khơi lại dòng sông, những người thợ đấu còn đào lên được những chiếc cột buồm, những cây mái chèo bằng gỗ lim, đen bóng có đến hàng ngàn năm tuổi.

Tôi và lão đã lớn lên ở một ngôi làng như thế. Một ngôi làng mà tất cả mọi người, từ già đến trẻ đều kiêu hãnh về nó. Hình như hồn vía của làng đã nhập vào mỗi người từ khi còn ở trong bụng mẹ, khiến không ai có thể đi khỏi làng mà không ngoái đầu lại.

Làng tôi có tục lệ giỗ họ vào cuối năm, khoảng từ 23 đến 25 tháng Chạp. Ngay từ sáng sớm, các trai đinh trong họ đã tụ tập với xẻng, cuốc, một nửa ra đồng cùng các cụ sửa sang lại mộ phần, nửa còn lại ở nhà sửa cỗ. Khi vào mâm không tính theo tuổi tác mà phải tính theo chi trên chi dưới. Dịp ấy cũng là lúc các gia đình làm lễ nhận họ cho những đứa trẻ được sinh ra trong năm âm lịch. Có lần, tôi đã ngó vào cuốn phả hệ to như một chiếc chiếu đơn của họ, nhánh của chi lão chỉ có tên chồng cô Thuộc, ông thân sinh ra lão thì dừng lại. Người ta không biết đã xóa tên lão tự bao giờ.

Thời gian này, dịch bệnh Covid 19 đang hoành hành khắp thành phố. Nhiều ngõ phố bị phong tỏa. Nhiều tờ giấy thông báo F0, F1 được gián ở nhiều cổng nhà, rồi lại bóc đi, dán sang các nhà khác. Không khí căng thẳng. Mỗi ngày cả nước có hàng trăm người chết. “ Mất đứt 2 sư đoàn rồi ”. Có bữa bất chợt gọi điện cho tôi lão nói giọng day dứt. Nhiều người vốn xuất thân từ nông thôn nói rằng : Không khí thành phố căng thẳng, lo âu hệt như hồi cải cách, bởi cái con cô vít này nó như tâm địa xấu xa của con người đã dính vào người nào thì không có cách nào thoát ra được.

Tôi biết trong những ngày đầy may rủi ấy, lão lăn vào công việc cứu tế, từ thiện. Buồn cười nhất là lão dứt khoát không chịu tiêm vắc xin Trung Quốc, mặc dầu người ta nói rằng, vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất. Những người cùng khu tập thể, bảo lão đi tối ngày, chủ yếu là ở bệnh viện dã chiến.

Tôi bỗng cảm thấy bồn chồn. Hình như có một cái gì đó không ổn ở chỗ này. Nhưng là cái gì thì tôi không gọi ra được. Tôi vội vã, bất chấp lệnh phong tỏa phóng xe về làng như sợ chậm trễ một việc nào đó. Đến đầu làng tôi bị một trạm Barie chặn lại. Phải mất gần nửa giờ trình bày, đưa ra các chứng nhận đã tiêm vắc xin, đã xét nghiệm 72 giờ trước tôi mới được vào làng. Tôi không về nhà ông anh cả, nơi có bàn thờ bố mẹ tôi như thông lệ mà phóng thẳng đến nhà ông trưởng họ. Ông trưởng họ, một ông lão quắc thước, tóc bạc, râu bạc, lông mày cũng bạc đã ngoài 90 tuổi, người cao niên nhất trong họ còn lại từ thời cải cách ruộng đất.

Không vòng vo tam quốc tôi vào ngay chuyện của lão :

– Cháu nói, nếu không phải cụ bỏ quá cho chứ họ nhà mình xử quá tệ với bác ấy.

– Cậu nói hay nhỉ. Ông cụ nổi giận, khuôn mặt trong chốc lát đỏ tía. Tệ. Cậu bảo nó tệ hay cả cái họ này tệ với nó. Nó đã vì danh lợi mà từ bỏ cả họ hàng, làng xóm. Nó to ở đâu chứ ở cái làng này nó vẫn là con anh mõ làng. Đến tôi nó còn sai du kích trói nhốt ở đình làng. Ông cụ thở dốc, cơn tức hực lên. Chuyện xảy ra đã 5, 6 mươi năm mà vẫn nhưng nhức như vừa xảy ra hôm trước vậy.

– Thì bác ấy đã dùng cả đời mình để chuộc lỗi. Vả lại, lỗi đâu chỉ mình bác ấy mà là lỗi của cả một thời. Vả lại bác ấy là người có công với dân với nước.

– Nó có công ở đâu tôi không biết. Ông cụ phảy tay. Còn với cái làng này nó không làm được việc gì cả. Thôi cậu về đi. Từ nay tôi cấm cậu nhắc với tôi về chuyện này nữa.

Tôi bấm bụng, cố kìm nén để nói với ông cụ rằng, cụ không biết đấy thôi, cái dự án mấy trăm tỷ để khơi lại sông Nhuệ, trùng tu lại đền Tô Hiến Thành, chùa Hải Giác chính do bác ấy đề xuất, trực tiếp làm việc với thành phố, với Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ. Ngay cả hơn chục suất học bổng cấp cho con cháu trong làng, nói là của anh Dung nhưng thực sự chủ yếu là của bác ấy.

Tôi bước ra sân, lòng buồn vô cùng. Chưa bao giờ tôi thấy thương và lo lắng cho lão như vậy. Tôi vừa quay xe thì ông cụ trưởng họ gọi giật lại. Ông cụ với tay lấy mấy nén hương, châm lửa lầm rầm khấn vái gì đó trước bàn thờ tổ, rồi ngồi xuống bảo tôi :

– Tôi già rồi. Chết cũng chả mang theo cái uất ức ấy đi được. Thôi, hôm nào cậu bảo nó về gặp tôi. Việc này lớn, cũng còn phải bàn với cả họ.

Tôi mừng quá, cuống quýt cảm ơn ông cụ. Như vậy là đã xoay chuyển được thế cục rồi. Từ giờ, họ Phạm sẽ lại có lão. Tôi phóng xe như bay về nhà, định bụng để sáng mai sẽ tìm gặp lão. Cũng phải làm một cái lễ. Tôi sẽ bàn với lão như vậy, vì ông trưởng họ là người hết sức coi trọng lễ nghĩa.

Nhưng tôi chưa kịp gọi điện cho lão thì lão đã gọi cho tôi. Giọng lão yếu ớt đứt quãng, nhưng điềm tĩnh :

– Tôi bị dính Covid mươi bữa nay rồi. Cậu đến với tôi một lát nhé, nhớ mặc quần áo bảo hộ. Cũng đừng nói với ai. Biết tôi bị Covid, người ta phong tỏa cả cái chung cư này thì khốn.

Tôi sững lại. Thế là không kịp rồi. Mà sao cuộc trở về làng của lão lại nhọc nhằn và cay đắng đến thế.



18


Cái giới hạn trong mối quan hệ giữa lão và bà vợ ông Chính ủy là một giới hạn hết sức mỏng manh, nhiều lần tưởng chừng đã bị lão và cả bà nữa phá vỡ. Điều lạ là khi cả hai đều đã về già, cái giới hạn ấy càng có cơ không còn lý do để tồn tại. Vào một đêm mưa lão đã đến nhà bà. Lão luôn nhớ tới bà, khao khát được nhìn thấy cái búi tóc thưa thướt sợi bạc luôn được búi gọn sau gáy của bà. Còn bà, lão hiểu bà cũng luôn mong được gặp lão, để trò chuyện chia sẻ về nghề nghiệp, về thằng con trai vẫn mất tăm mất tích của bà, về cái phòng mạch, bà muốn mở rộng nó, để khám chữa miễn phí cho các sản phụ có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt là các cháu nữ sinh, sinh viên lỡ làng đậu thai ngoài ý muốn.

Đêm hôm ấy trời đổ mưa lớn. Hai người ngồi ở khoảnh hiên đầu cầu thang, thường là nơi ngồi chờ của khách đến khám chữa bệnh. Tuy không ai nói ra, nhưng cả bà và lão đều nín thở chờ đợi một điều gì đó thật hệ trọng, không thể khác liên quan đến số phận của hai người. Nhưng cái điều đó, một lần nữa lại không đến. Lão nhớ tới cái đêm ở khách sạn ven biển. Nếu như lúc đó lão mở cánh cửa, có thể lão sẽ được tất cả, cũng có thể mất tất cả. Nếu mất, lão sẽ không còn được nhìn thấy bà, không được hít thở cái không khí gia đình mà lão luôn luôn thèm khát, thiếu vắng. Nhưng nếu việc lão đến với bà, về ở cùng bà cũng là mong muốn của ông Chính ủy như lời cô con gái út nói với lão ngày nào thì chẳng hóa ra lão lại vô tình có lỗi với ông. Lão nghĩ mình phải nói ra tất cả những điều đó với bà. Nói một lần rồi thôi. Không nói lão sẽ vô cùng khổ sở, bức bối. Lúc ấy, ở bên kia chiếc bàn nhỏ, bà ngồi im lặng, bàn tay gầy xanh xao xoay xoay nắp của chiếc bình trà đã lạnh ngắt. Đột nhiên, không tự chủ được, lão nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của bà, một bàn tay mềm mại và mát lạnh. Bà như hơi sững lại một chút, bàn tay run lên bần bật trong bàn tay lão. Bà khóc. “ Chị ”. Lão hốt hoảng buông tay bà. Bà càng khóc to hơn, như thể lão vừa phạm phải một điều gì đó như một tội lỗi.

Lão chạy xuống sân. Mưa dội xuống đầu lão. Lại còn sấm chớp nữa. Sấm nổ vang rền trên bầu trời thành phố. Lão nghe tiếng bà gọi nhưng không quay lại. Và cứ như vậy, lão đội mưa, đội gió chạy về khu tập thể bốn tầng của lão.

Sáng hôm sau bà đến, khuôn mặt trắng xanh, mệt mỏi.

– Tôi mang cho ông ít thuốc cảm. Lần sau đừng có đội mưa đội gió như thế. Bà vừa nói, vừa đặt tay lên vầng trán nóng hầm hập của lão. Rồi bà vặn bếp dầu nấu lá xông, đánh cảm cho lão. Cử chỉ điềm nhiên như không có gì xảy ra giữa bà và lão hôm trước.

Cái lời hứa với người đã khuất trong khu rừng hồi ngày nào và cái quan hệ chị, em được xác lập từ ngay lần gặp đầu tiên đã giữ chân lão và bà, để cùng không bước qua cái giới hạn cuối cùng ấy. Họ hiểu nhau, thương yêu nhau nhưng đều dừng lại, như một thỏa thuận không lời để chăm sóc nhau và dường như thế là đã quá đủ đối với họ.

Mấy năm về sau, hai cô con gái của bà thuê cho bà một cô Osin, lương tháng bằng lương hưu cấp tướng của lão. Cô gái này có vẻ nhanh nhẹn, xốc vác nhưng vẫn có một cái gì đó khiến lão không yên tâm. Những người hàng xóm của bà ở tầng dưới ngôi biệt thự bảo cô hay cãi mắng bà té tát. Có lần còn đòi bà dẫn ra ngân hàng, rút đủ 100 triệu để đưa trước cho cô…

Vào thời điểm này, cả nước vẫn đang gồng mình chống dịch. Năm ngoái chống dịch thành công, người ta có phần chủ quan, nổ tưng bừng trên cái diễn đàn quốc tế, để đến năm nay, cuống cuồng huy động cả sức người, sức của như trong thời chiến mà vẫn không sao dập được địch. Cũng tội cho mấy ông lãnh đạo nhiệm kỳ mới, đi đâu, gặp vị nguyên thủ quốc gia nào cũng xin mua, xin được hỗ trợ vắc xin, xin được chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin. Trong đó có cả vắc xin Tàu. Người Tàu, lão biết, họ chẳng giúp không, cho không ai cái gì bao giờ mà họ không đòi lại. Khi thành phố của lão chủ trương không F0 như Trung Quốc, lão đã viết thư cho lãnh đạo thành phố trong đó có cả cậu phó phòng ngày trước, kêu lên rằng không thể học theo Tàu. Tàu có thể không F0. Còn ta phải theo các nước phương Tây phải cắn răng sống chung với Covid. Nhưng những kiến nghị đầy tâm huyết của lão như đá ném ao bèo. Ai người ta còn thèm nghe lời một ông lão đã ngoài 80, dù đã từng là anh hùng, vị tướng, hay đại biểu Quốc hội gì gì đi nữa.

Nhưng rốt cuộc, thành phố cũng phải thay đổi chiến thuật, chiến lược. Từ không FO, chuyển thành chủ trương sống chung với Covid. Trước coi chống Covid như chống giặc, giờ không ai dùng khẩu hiệu ấy nữa, chẳng lẽ lại sống chung với giặc? Thành phố trở thành thế da báo như trong chiến tranh. Có điều, trong chiến tranh, địch da báo chỗ nào, mình biết, còn giờ thì đành chịu. Có thể nó đang ở cạnh mình, ở chân giường của mình mà mình vẫn không hề hay biết.

Riêng lão, lão vẫn quan niệm chống Covid như chống giặc. Lão vào cuộc, hăm hở và quyết liệt như thời chống Mỹ, chống Tàu. Ở đâu có bệnh nhân Covid, có F0 là có mặt lão. Lão trực tiếp tham gia đội phòng vệ của phường. Có lần lão còn bất chấp nguy hiểm dìu bệnh nhận F0 ra xe chuyên dụng chở đi bệnh viện. Điều này đã làm bà hết sức lo lắng. Bà luôn gọi điện cho lão mỗi sáng, nhắc lão phải chú ý mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang. Bà gửi thuốc khử khuẩn cho lão, kêu giời, kêu đất khi lão bỏ ăn, bỏ uống vì một ca bệnh nào đó.

Nhưng người nhiễm Covid trước không phải là lão mà là bà. Trước đấy, bà đã kể cho lão nghe, có một ông già, tuổi trạc tuổi lão đã treo cổ chết trong một căn nhà hoang, khám nghiệm tử thi, người ta phát hiện ông cụ đã bị nhiễm Covid. Nghe chuyện, lão đắng lòng, biết rằng, cái ông già đồng niên với lão ấy đã tự tìm lấy cái chết, tránh phiền lụy, lây nhiễm cho người thân. Một cái chết thật tử tế. Lão đã nghĩ về ông ta như vậy.

Chiều hôm ấy, lão có việc đi ngang qua nhà bà. Lão định không vào thăm bà như mọi khi nhưng cứ thấy nóng ruột cồn cào. Lão bảo người lái tắc xi quay lại và giật mình khi thấy xe cấp cứu đang hú còi, nháy đèn liên tục trước nhà bà. Khi lão vào đến sân thì người ta đã chuyển bà từ tầng 2 xuống trên một chiếc băng ca quen thuộc. Lão đến gần, muốn nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn trắng xanh của bà, nhưng bà xua xua tay, bảo lão không được đến gần. Một nhân viên y tế còn trừng mắt lên với lão. Về sau lão được biết, bà bị nhiễm Covid từ một sản phụ đến khám định kỳ trong phòng mạch của bà. Họ còn bảo cô Osin vì quá sợ hãi đã bỏ trốn, mang theo cả số tiền mà bà dành dụm được. Nghe chuyện, lão vội vàng điện cho y tế phường, cho số điện thoại của cô Osin, không phải để đòi lại tiền cho bà mà để họ thông báo về địa phương truy vết nhằm tránh lây bệnh cho người khác.

Liên tiếp những ngày sau đó, lão thường xuyên có mặt ở bệnh viện dã chiến, bên giường bệnh của bà, cũng trong một bộ đồ bảo hộ như một điều dưỡng viên. Lão hốt hoảng khi thấy những F0 luôn trở nặng rồi lần lượt ra đi đôi ngày còn nhiều hơn cả những cái chết do bom đạn ở bệnh xá Trung đoàn của lão hồi đánh Mỹ, đánh Tàu. Lão lo cho bà nhưng bà bảo lão yên tâm bởi bà chỉ bị nhiễm Covid thể nhẹ. Hơn thế, bà lại là một bác sĩ có thể tự chữa bệnh cho mình.

Có một cô y tá trưởng, nguyên là học trò cũ của bà, người đã đồng ý cho lão được ở lại bệnh viện, thấy lão bất lực chạy đi chạy lại giữa các giường bệnh đã bảo lão :

–  Bác cao tuổi, rất dễ bị lây nhiễm, càng không nên làm thay việc của các nhân viên y tế. Bác cứ ở nhà, có gì cháu sẽ gọi.

– Ở nhà tôi cũng sẽ không ăn ngủ được. Lão thở dài, nói.

– Thế bác quan hệ như thế nào với cô ấy ? Cô y tá trưởng đột ngột hỏi.

– Tôi, tôi là anh, là chồng của bà ấy. Nhà tôi không còn ai. Tôi phải ở lại với bà ấy. Lão kêu lên và chợt giật mình vì lời nói dối của mình.

Nhưng thật lạ, lão đã nói ra được cái điều không hẳn là sự thật ấy một cách thật tự nhiên. Lòng lão bỗng nhẹ nhõm, ngập tràn hạnh phúc. Trên chiếc giường nhỏ bên cạnh, bà mỉm cười, lắc lắc đầu, nhưng bàn tay lại luống cuống tìm gặp bàn tay của lão.


ĐOẠN KẾT


Tháng Mười, những vạt rau đồng khúc lại mọc miên man trên những ngôi mộ, những vạt đất trống trong khu nghĩa trang rộng lớn của làng Hạ.

Tôi đã không đến kịp với lão, một người bạn vong niên, một người anh lớn mà tôi hết sức kính trọng. Lão là một người Cộng sản đích thực. Một người đã giành cả đời mình, lúc nào cũng hối hả như sợ rằng sẽ không còn kịp để sửa chữa, cứu chuộc lỗi lầm của mình, cũng là lỗi lầm của một thời, một thể chế mà lão hết lòng cống hiến, phụng sự.

Hôm ấy, khi tôi chạy đến khu chung cư của lão thì người ta đã phá cửa vào khử khuẩn căn hộ của lão và toàn bộ cầu thang của khu tập thể. Mọi người bảo, đã mươi hôm nay, không nhìn thấy ông cụ ra khỏi nhà, cửa không khóa trong mà khóa ngoài nên nhiều người lầm tưởng ông vẫn ở bệnh viện dã chiến. Họ đoán ông không về vì bà bạn của ông chuyển bệnh nặng. Thực ra, khi biết mình bị nhiễm Covid 19, lão đã khóa cửa ở tịt trong nhà. Và cho đến lúc ấy, lão vẫn không cảm thấy ân hận vì đã dứt khoát từ chối không tiêm vắc xin Trung Quốc. Lão quyết định tự điều trị mà không thông báo với y tế phường, bởi lão hiểu, một khi phát hiện lão mắc Covid, người ta sẽ phong tỏa toàn bộ khu nhà, lúc ấy những người lượm ve chai, chạy xe ôm, bán vé số sẽ lấy gì để sống.

Tôi run run đến bên chiếc giường nhỏ kê sát cửa sổ. Trên chiếc giường ấy, lão nằm bình thản, khuôn mặt như nhỏ lại nhưng vẫn rất bình thản, cái bình thản của một con người tự chết, tự kết thúc cuộc đời của mình.

Mới đây thôi, lão còn dặn tôi, sau này khi lão mất. Căn hộ đang ở lão nhờ tôi giữ lại để cho những đứa trẻ làng Hạ, khi được ra thành phố học có chỗ để tá túc mà không phải thuê nhà trọ. Tôi ngậm ngùi, suốt cả đời mình lão đã sống vì làng Hạ, cho làng Hạ. Câu nói của ông Cài trưởng họ Phạm : “ Đến Tổ Tiên nó còn từ bỏ thì anh hùng nỗi gì ” đã suốt đời dày vò, tan nát lão.

Tôi lại gần cửa sổ, tháo chiếc nan lồng cho con chim họa mi lông xù bay ra. Tưởng nó sẽ vụt ngay lên bầu trời nhưng thật bất ngờ, nó chỉ dừng lại ở sợi dây phơi, cặp mắt to tròn ngơ ngác nhìn xuống nửa như ngạc nhiên, nửa như để tiễn biệt lão.

Có một chuyện mà tôi vẫn giấu lão, đúng hơn là chưa kịp nói với lão. Đó là chuyện cái ông già tá túc rồi chết vì một cú ho sét đánh dưới gầm cầu thang của khu tập thể, người mà lão đã ngờ ngợ nhưng không nhận ra chính là ông đội trưởng đội cải cách năm trước ở làng Hạ. Tôi nhận ra ông ta khi tìm đến nhà cô gái mù để trao một ít tiền cứu trợ theo sự nhờ cậy của lão. Tôi giật mình khi nhìn tấm ảnh đặt trên ban thờ, đích thị là cái con người mà tôi đã từng gặp, từng biết. Hồi ấy tôi mới chỉ là một cậu bé 12 tuổi. Nhà tôi cũng thuộc diện địa chủ bị cách ly, phong tỏa. Có một ít cân gạo đội cải cách của ông ta cũng tuyên bố tịch thu, đẩy gia đình tôi, bảy tám miệng ăn vào tình trạng đói khát. Em gái tôi, cháu tôi còn quá nhỏ đã không chịu được cái cảnh sáng khoai luộc, trưa khoai luộc và tối vẫn khoai luộc. Biết gia cảnh nhà tôi, anh em họ hàng những nhà thuộc diện trung nông trở xuống đã lén mang gạo ngô sang ngôi nhà hàng xóm đối diện, chờ đêm xuống ném trộm sang sân nhà tôi. Sáng nào trở dậy tôi cũng thấy những chiếc đãy vải, buộc thắt nút nằm rải rác trên sân. Một bữa, một người hàng xóm khi đi ngang qua tôi đã nói rất nhanh : có quả bầu ở cổng, bảo anh mày ra mà hái. Đêm ấy, chờ trời tối, tôi đã lén hái quả bầu còn non ấy. Không dè ông ta đã rình và bắt quả tang tôi đang hái trộm bầu. Ông ta giật mạnh quả bầu bằng nửa chiếc đòn gánh trên tay tôi. Tôi không chịu buông và điên cuồng cắn vào tay ông ta để nhận lại một cú tát trời giáng.

Bây giờ, lão đã không còn để nghe tôi kể câu chuyện ấy nữa, khi cả lão và ông ta đều đã đi hết cái phần sống của mình.

Mươi ngày sau, tôi và cậu Cương đánh xe xuống Nhà tang lễ thành phố đón nhận bình tro cốt của lão đưa về làng Hạ. Cả khu tập thể, mấy trăm con người hôm ấy cùng nhất loạt nghỉ việc để đưa tiễn lão. Dưới sân khu tập thể, người ta thấy bà vợ ông Chính ủy với một vòng hoa lớn màu trắng tinh khiết và một dòng chữ cũng rất khác : “ Vĩnh biệt anh, một người và một thời ”…

Khi ngồi lên xe của cậu Cương, bà đón bình tro cốt của lão từ tay tôi, thầm thì bảo : Sau này, tôi muốn dòng họ Phạm của cậu đặc cách cho tôi nằm cạnh anh ấy. Ngừng một lát bà nói thêm : Nếu được nữa thì đón cả chồng tôi về…

Tôi nhìn lọ tro cốt của lão nằm gọn trong lòng bà, thấy xót xa cho một thế hệ, những người đã làm nên biết bao điều tử tế cho đất nước này đang lần lượt ra đi. Họ đã để lại một lỗ hổng lớn. Tôi nghĩ rằng, cái chết của lão, cuộc đời của lão là dấu chấm hết cho một vết thương cũ. Vết thương hơn 60 năm từng xói mòn biết bao nhiêu số phận.

Lúc ấy, trên khu mộ của bố mẹ và bà cô ruột của lão ở làng Hạ, người dân trong làng, bất chấp dịch covid cũng đang chuẩn bị một buổi lễ thật trang trọng để đón lão, có quân kỳ và quốc kỳ. Nhưng trước đó, tại nhà thờ tổ họ Phạm ông Cài trưởng họ, trong bộ đồ lễ áo the, khăn xếp đã trang trọng và thành kính thắp một tuần nhang xin nhập họ lại cho lão. Điều kì lạ là ông phải gieo quẻ đến ba lần, trước sự kinh ngạc và sợ hãi của mọi người. Lần thứ nhất không thành. Lần thứ hai, một đồng chinh cứ quay tít trong khi đồng còn lại đã nằm ngửa. Lần thứ ba cũng lập lại y hai lần trước. Ông cài trưởng họ thở dài bảo : “ Làng nước đã buông bỏ rồi. Nhưng các cụ thì chưa. Tội tổ tông là tội lớn lắm.”

Cũng có thể vì thế mà một điều khác thường đã xảy ra. Đấy là khi chiếc bình tro cốt màu lam của lão vừa được đặt xuống huyệt mộ thì trên bầu trời bàng bạc nắng một

cánh chim bỗng vụt qua. Tôi bàng hoàng nhận ra con họa mi lông xù của lão và một âm thanh vọng xuống vang và khô như tiếng kim loại. Cậu Cương bảo, lần đầu tiên con chim ấy đã cất tiếng, không biết đó là tiếng kêu hay tiếng hót.

Người làng Hạ nói, rất hiếm khi, chim họa mi vừa bay vừa hót.

Hà Nội - Mùa dịch 2021

Nguyễn Trí Huân


NGUỒN : Bản do tác giả gửi cho Diễn Đàn ngày 9.1.2023

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss