Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Còn lại những bài thơ

Còn lại những bài thơ

- Thanh Thảo — published 10/11/2011 01:35, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Có những người, khi họ đã vĩnh viễn xa ta, ta mới nhận ra mình đã mất một cái gì quí giá. Nhà thơ Đỗ Nam Cao là một trong những người như vậy.

thanh thảo

 

CÒN LẠI NHỮNG BÀI THƠ


Có những người, khi họ đã vĩnh viễn xa ta, ta mới nhận ra mình đã mất một cái gì quí giá. Bởi ngày thường, những người ấy vẫn sống lặng lẽ, thậm chí khuất lấp đâu đó giữa dòng đời.

Nhà thơ Đỗ Nam Cao là một trong những người như vậy. Buổi sáng ngày 8/11/2011, khi nhận được tin anh trút hơi thở cuối cùng, tôi đã có một cảm giác trống rỗng trong lòng. Buổi trưa, khi ngồi đọc lại những bài thơ của anh vừa được bạn bè thu thập và đánh máy cho một tập thơ di cảo, tôi chợt hiểu: mình vừa mất một người bạn, và hơn một người bạn, mình đã mất một nhà thơ đích thực trong đời.

Đỗ Nam Cao là bạn cùng đi chiến trường với chúng tôi. Anh vừa tốt nghiệp khoa ngữ văn đại học Tổng hợp Hà Nội là lên đường vào chiến trường Nam Bộ sau một lớp đào tạo ngắn ngày của Hội nhà văn Việt Nam. Suốt những năm ở chiến trường B2, anh công tác ở Ban văn nghệ Trung ương Cục và thường xuyên đi xuống các chiến trường đồng bằng. Nhưng bạn bè mỗi lần gặp nhau, bên chén rượu, rất ít khi nghe Đỗ Nam Cao nói về những tháng ngày ở chiến trường của mình. Chỉ có một lần, và cách đây chưa lâu, khi về Quảng Ngãi thăm tôi, Cao chợt kể một chuyện hồi ở vùng trọng điểm Củ Chi, anh đã chi chút trồng được một luống rau muống và một giàn mướp ngay giữa địa hình. Khi mướp có trái và rau ăn được, nhớ bạn mình có thể thiếu rau ăn, Cao đã hái rau hái mướp đi bộ nửa ngày đường mang sang cho bạn. Không ngờ, hai người bạn cùng tổ công tác của anh đã rút về chiến khu từ hồi nào mà không thông báo với anh. Giữa trời trưa nắng gắt trên đất lửa Củ Chi, Đỗ Nam Cao nói: mình cầm hai bó rau muống và hai quả mướp đứng ngẩn ngơ giữa một nền nhà cũ, lúc ấy mình cảm thấy bơ vơ vô cùng.

Cảm giác bơ vơ là cảm giác thường trực trong thơ Đỗ Nam Cao. Một người kháng chiến cũ như anh, sau hòa bình vẫn làm việc liên tục, làm thơ liên tục nhưng rất ít khi công bố tác phẩm của mình, cũng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện PR cho bản thân mình. Tới mức, lẽ ra anh đã đương nhiên là hội viên Hội nhà văn từ sau giải phóng, nhưng do người ta vô tình “quên”, nên mãi năm 2010, Chủ tịch Hội nhà văn mới ký quyết định công nhận Đỗ Nam Cao là hội viên, một quyết định chậm tới…34 năm. Vị Chủ tịch đương nhiệm đã có một nghĩa cử đẹp với một nhà thơ kháng chiến cũ, nhưng điều đó khiến chúng tôi là những bạn cũ của anh không khỏi ngậm ngùi. Nhưng Đỗ Nam Cao vẫn bình thản. Tôi nghĩ, anh vẫn bình thản như thế cho tới phút vĩnh viễn ra đi. Như nhà thơ Chim Trắng-người cùng Ban văn nghệ R với anh, đã bình thản như vậy cách đây gần hai tháng. Trong những người bạn kháng chiến cũ mà tôi biết, hầu hết những người đã khuất đều có sự bình thản như vậy khi nói lời từ giã cuộc sống mà họ đã yêu tha thiết và đã mang cả tuổi trẻ và máu xương mình ra gìn giữ. Phải chăng, đó cũng là phẩm chất của cả một thế hệ ?

Đọc lại thơ trong di cảo của Đỗ Nam Cao, tôi tin, nhiều bài thơ trong đó sẽ bình thản còn lại sau khi nhà thơ mất, và sẽ còn lại rất lâu. Giống như thơ Phùng Khắc Bắc đã còn lại sau khi anh mất. Có một niềm an ủi: dù ta đã mất một người bạn, nhưng thơ họ còn lại với ta, còn lại với cuộc đời muôn nỗi trái ngang dằn xé này. Vậy cũng là được.


GỬI TRƯỜNG SA


Trường Sa ư với ngày thường xa thật
Đảo ở đâu tôi có hỏi đâu mà
Điều khốn nạn là chỉ khi máu đổ
Đảo mới gần mới thật đảo của ta

Các anh cắm ngọn cờ Tổ quốc gió cuồn cuộn
Sóng lừng ngầu bọt bãi san hô
Kẻ muốn nhổ ngọn cờ khỏi ngực
Thì nhận đây dòng máu nóng hực ra

Chính lúc bấy giờ tôi mới hiểu Trường Sa
Hiểu đến xót xa
Tổ quốc là vỏ con ốc biển
Anh nâng niu cất gửi tặng quà

Các anh chết làm gì có mộ
Làm gì có đất cho máu tụ thành hồn
Máu tan loãng thân thể chìm mất dạng
Chỉ còn đảo và cờ Tổ quốc giữa trùng dương

Xin cứ giận các anh ơi, rồi thứ lỗi
Ôi con tôi sao nó bỗng khóc òa
Tôi hôn con ghì Trường Sa vào ngực
Bãi đá ngầm cào rách thịt da


Đỗ Nam Cao

1988

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss