Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Con sâu xanh

Con sâu xanh

- Ninh Kiều — published 01/06/2016 00:00, cập nhật lần cuối 19/10/2016 10:00
truyện ngắn


Con sâu xanh


Ninh Kiều


Có những cuộc gặp gỡ tình cờ mà nhớ mãi không quên.

Một hôm đi dạo trong công viên, thấy một bà ngồi trên ghế đá cho đàn chim ăn, tôi dừng chân khiến chúng hốt hoảng kéo nhau bay đi. Tôi xin lỗi và bà này ngẩng đầu tặng tôi một nụ cười tươi tắn trên khuôn mặt dễ có cảm tình. Thế là hai bên chào hỏi nhau và tôi ngồi xuống.

Đàn chim ríu rít quay trở lại, những con chim sẻ bé nhỏ giành ăn chí choé nhưng tôi để ý thấy có một con nớm mồi cho một con khác. Nó liên tục bỏ vô mồm bạn những gì nhặt được trong khi con kia há mỏ thật to nhận tất cả những gì bạn cho. Thấy tôi chăm chú nhìn cặp chim đặc biệt này, bà ta liền nói :

– Chim cũng biết yêu thương, âu yếm săn sóc nhau.

Thế là chúng tôi nói chuyện về thiên nhiên và thắc mắc không biết thú vật có tình cảm như con người không ?

– Trong thời gian dài, tôi cho là chim chóc chỉ sống theo bản năng nhưng từ khi tận mắt nhìn thấy một sự việc xảy ra mấy mươi năm về trước, tôi tin là chúng có thể xử sự như người. Tôi sẽ kể cho bà nghe nếu bà muốn.

Và tôi lắng tai.


*


Nhà tôi có cái sân vườn khá đặc biệt, chim hay sà xuống đó kiếm ăn suốt ngày nhờ ở kế bên khu công viên có nhiều cây. Ở trong nhìn ra, nếu không có bức tường chắn ngang trước mặt, tưởng chừng đang ở trong rừng.

Tường chuồng gà hàng xóm bên trái có dây leo mọc lá quanh năm, chim sẻ thích chui vào. Đặc biệt năm ấy có một đôi cánh xanh ức vàng, đội chỏm lông sặc sỡ đến xây tổ. Chúng ríu rít, bận rộn bay ra bay vào đám lá rậm rạp, chẳng sợ mấy đứa nhỏ chơi với nhau gần đó. Hoá ra là bên trong có cái tổ trên chạc ba nhánh cây, làm bằng cỏ khô và rêu, trông sạch sẽ thoáng mát.

Rồi có bữa chỉ còn một chim lui tới, mỏ ngậm con sâu xanh lè còn ngo ngoe.

Ghé mắt bắt gặp con kia đang ấp trứng. Vậy là chồng nuôi vợ đẻ.

Mấy tuần sau, cả hai chim khẩn trương vun vút ra vào đám lá, ngậm con sâu xanh.

Len lén nhìn vào thấy bảy cái mỏ toác hoác như bảy miệng núi lửa tí hon. Vậy là nhà đông con, bố mẹ tất bật qua lại, ngậm con sâu còn tươi roi rói.

Xuất hiện vài tuần sau, bảy bộ lông xanh xinh xắn, há mỏ như không bao giờ khép lại.

Đôi chim miệt mài tha mồi về nuôi gia đình, không để ý con mèo trắng hay núp trên đầu tường công viên nhìn chúng thèm thuồng. Chẳng biết mèo nhà ai mà hết sức mất dạy, dám đến tận trước phòng khách, cạ lưng vào mấy chậu kiểng và đái lên cửa kính. Có giận dữ, la hét xua đuổi cách mấy nó cũng cứ đủng đỉnh bỏ đi, còn quay lại nhìn và dựng đuôi thẳng đứng như chọc tức rồi mới nhảy phóc lên đầu tường nhà hàng xóm bên phải, bỏ hoang chẳng ai ở. Con mèo xấc xược như thế mà tôi không biết phải trừng trị nó như thế nào. Đôi lúc muốn thuốc cho chết nhưng sợ mang tội giết người. Tôi vừa nói gì nhỉ, giết người, đúng vậy vì tôi thấy nó hành động có ý thức bởi không có bản năng nào xui nó hỗn láo như vậy. Nhưng khổ nỗi, dù cho nó xấu xa mình vẫn không được phép. Thế là mỗi khi thấy nó chờn vờn đâu đó, tôi chỉ biết lo sợ cho mấy con chim trong đám lá.

Rồi ngày nọ, sau đêm mưa gió bão bùng, sáng ra một cảnh tượng thật não nề bày ra trước mắt : dưới đất la liệt xác chim. Thấy người, con mèo trắng đang ngặm cái gì xanh xanh, phóng lên đầu tường công viên. Đây đó tả tơi lông cánh như có cuộc ác chiến dữ dội. Mình mẩy đứa nào đứa nấy vấy máu, mất đầu rách cánh như bị mèo đùa giỡn trước khi bị vật chết nhưng không thấy chim mái đâu cả, chắc đã nằm trong miệng mèo.

Cả chục năm sau, các con tôi vẫn còn nhớ chúng đã khóc sướt mướt như thế nào trước cảnh chết chóc và vui mừng ra sao khi tìm thấy một chim còn sống sót trong tổ rách. Thật khó hình dung hôm qua nó còn hạnh phúc với bố mẹ và anh chị em, bây giờ thui thủi một mình.

Con nhỏ lớn của tôi, lúc ấy lên mười mau mau chạy qua nhà hàng xóm có chuồng gà bỏ trống để mượn lồng chim cũ.

Con thứ hai thua chị nó hai tuổi, lui cui móc chiếc lồng trong đám lá gần nhà để tiện canh chừng mèo và dời tổ rách vào trong cho chim ở. Nó còn để thêm chén nước nhỏ. Cả nhà tôi xúm lại bàn cách nuôi con chim mồ côi. Bố mấy nhỏ có sáng kiến đào trùng nhưng chim còn bé quá không tự ăn được. Con trùng móc vào cây tăm nhứ nhứ trước mặt mà nó chẳng mở cổ họng toác hoác như thường lệ, lại còn vẫy mỏ làm cho văng đi. Nhịn đói đúng một ngày một đêm, nó nằm thiêm thiếp trông rất tội nghiệp.

Sáng sớm hôm sau hai đứa nhỏ nhà tôi reo lên khi nhìn thấy chim xanh ức vàng đội chỏm lông sặc sỡ xuất hiện trên nóc nhà kho cuối vườn. Tôi chắc chắn đó là con trống vì nó to đẹp hơn con mái. Vậy là bố còn sống trở về kiếm con.

Có lẽ đã nhìn thấy con mình trong lồng nên chim trống cứ đậu gần đó, không chịu bay đi đâu cả. Tôi bảo mấy nhỏ vào núp trong nhà để rình xem nó làm gì. Vắng bóng người, nó bay sà xuống nhánh dây leo gần bên rồi bay đi. Lúc sau lại quay về, mỏ ngặm con sâu xanh lè còn ngo ngoe.

Hai đứa nhỏ mau mau chạy ra mở cửa lồng vì chỉ còn phương cách đó may ra bố nuôi được con.

Vẫn ngặm con sâu quằn quại, chim trống chần chừ một lúc trước khi đậu trên nóc lồng. Chim con có vẻ nhận ra bố, há mỏ toác hoác đòi ăn. Nhưng còn quá xa tổ, bố loay hoay hồi lâu rồi bay về nóc nhà kho. Sau đó đậu lên bệ cửa đã mở sẵn, cách miệng núi lửa tí hon không xa nhưng vẫn chẳng cho con ăn được. Nó quay về chỗ cũ, dáng lo lắng. Chắc nó sợ chui vào rồi bị nhốt luôn trong đó ! Nhưng không bao lâu, lại đậu lên bệ cửa lồng, rồi trên thanh ngang gần sát bên tổ nhưng đột nhiên nó vọt ra ngoài mất dạng.

Lúc sau chim trống trở về đậu trên nóc nhà kho cũng với con sâu xanh bây giờ hết cục cựa. Kế đó nó bay lên bệ cửa lồng rồi vào tận bên trong đút con sâu đã chết vô cổ họng con mình và biến mất.

Từ đó, bố đi đi về về nuôi con, không còn sợ hãi như trước nữa. Bố đút cho con ăn, còn nấn ná ở lại một lúc mới bay vút đi, rồi lúc sau quay về với con sâu tươi xanh trong mỏ. Cứ như thế, ngày này qua ngày nọ, không mệt mỏi cho đến khi chim con đủ lớn để có thể bay ra ngoài tự do và tự lo.

Hôm ấy là một buổi sáng chúa nhật đẹp trời. Từ mấy ngày qua, ai cũng đoán con chim nhỏ sắp bay đi. Mấy đứa đặt tên cho nó là Noé, kẻ sống sót trong trận hồng thuỷ theo Kinh Thánh. Sau khi được bố đút vô cổ họng con sâu xanh cuối cùng, Noé bay ra đậu lên bệ cửa, ngó quanh quất một lúc trong khi bố nó vẫn còn bên trong. Mọi người nhìn Noé, xúc động. Gia đình tôi chia hai phe, tôi muốn nuôi Noé trong khi ba bố con nhà này muốn để Noé sống ngoài trời. Chẳng nói ra nhưng ai nấy phập phòng sợ mèo trắng ẩn nấp đâu đó. Mấy đứa nhỏ đã hườm sẵn cây gậy để phòng Noé bay sà sà dưới đất mà có mèo thì xông ra đánh đuổi.

Nhưng giờ chia tay đã điểm. Noé xoè cánh lao ra khỏi lồng. Lúc đầu còn loạng choạng tưởng chừng sắp rơi nhưng rồi vụt bay cao lên đậu trên nóc nhà hoang, có vẻ tự tin. Bóng dáng bé nhỏ của nó in trên nền trời xanh. Cả nhà vỗ tay reo hò.

Bỗng có con quạ đen không biết từ đâu bay tới. Mọi người chỉ kịp kêu thất thanh “Noé” thì hung thần đã quắp con chim nhỏ xíu vút cao lên trời rồi mất hút sau đám cây bên công viên. Ai nấy sững sờ. Mấy nhỏ bật khóc, giấu mặt vào ngực bố trong khi tôi nhìn về phía lồng, thấy bố của Noé đậu lên bệ cửa, ngó quanh quất hồi lâu rồi bay đi. Nó có chứng kiến cảnh con mình bị bắt không ? Chắc không ! Tôi hi vọng vậy ! Biết chi cho thêm đau lòng.

Thế là hết. Tan nát một gia đình. Tội nghiệp cho Noé và bái phục bố của nó. Ai thấu được nỗi đau của trái tim chết vợ mất con ! Ai dạy chim bổn phận làm cha ! Luật pháp nào bắt chim quay trở về tìm kiếm đứa con mồ côi mẹ để rồi tận tuỵ một mình nuôi nấng bất kể hiểm nguy cho tới khi nó khôn lớn ra đi.

Kể từ ngày ấy, tôi coi trọng thú vật, nhất là loài chim. Tôi thấy chúng sống với nhau rất có tình. Khi muốn chinh phục trái tim bạn gái, chim trống làm đẹp, múa may để quyến rũ, không bao giờ ép uổng. Chúng nằm ôm ấp nhau không chán, đi đâu cũng có đôi có cặp. Tôi thường nhớ đến bố của Noé những khi bắt gặp một người đàn ông đút cho con ăn rồi tưởng tượng cảnh hai bố con vò võ, lo con ốm đau, sợ mất việc hết tiền nuôi nó, chiều chiều tất tả chạy về đón con ở trường, thấp thỏm không biết gửi nó cho ai trong mấy tháng hè. Đến khi con đủ lông đủ cánh thì bị quạ đen tha đi. Nó quên mất ông bố đã cắt ca cắc củm tha từng con sâu về nuôi mình. Có khi giận nhau đến nỗi bố con mãi mãi không gặp mặt hay chỉ gặp lại muộn màn lúc bố đã già…


*


Người phụ nữ ngồi chung ghế đá nói về chim mà nhân cách hoá, làm câu chuyện thêm sống động, hấp dẫn. Kể chuyện bố của Noé giống như kể chuyện một ông bố nào đó có thật ngoài đời mà bà biết rõ và cảm kích.

Tôi còn muốn nghe nữa nhưng từ xa thấy có một người đàn ông hớn hở đi về phía mình. Và phút chốc, bà ngồi chung ghế đá lao ra hướng đó và họ hoá thành đôi chim ngay trước mắt tôi. Chim mái không hề trách móc chim trống trễ hẹn mà chỉ líu lo kể lể như vắng thiếu nhau hằng trăm năm mới gặp lại. Mặc dù họ hết trẻ nhưng sao họ chẳng giống tí nào nhiều cặp vợ chồng già chẳng còn gì để nói mà có nói chỉ thêm cãi vã vì không ai hiểu ai, không ai nhường ai sau ngần ấy năm chịu đựng lẫn nhau.

Rồi đôi chim kéo nhau đi mất hút cuối đường giữa hai hàng cây đầy hoa nở rộ đủ màu không cho tôi kịp hỏi sân vườn bố con Noé ở đâu, xứ nào nhưng chợt thấy mình vô lý. Sân vườn trong câu chuyện chắc ở đâu cũng có vì đất lành chim đậu. Chim lại không cần quốc tịch, không có giấy thông hành, tự do bay từ xứ này qua xứ kia, tìm đến chỗ có ăn và nắng ấm để hạnh phúc. Chỉ có con người mới ngăn sông cấm chợ.

Tôi rảo bước nhanh chân về nhà để kể cho con chim già đợi tôi trong tổ câu chuyện bố con Noé. Thế nào người nghe cũng chậm mắt ướt nhiều lần vì tôi để ý, quý ông về già hay mủi lòng, dễ xúc động, thường khóc cho những chuyện đã qua và cả cho chuyện chưa đến.

Mùa thu 2016

Ninh Kiều


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Thu 2016
Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us