Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Con thú bị ruồng bỏ

Con thú bị ruồng bỏ

- Nguyễn Dậu — published 05/03/2020 19:27, cập nhật lần cuối 05/03/2020 19:27
Một truyện ngắn cực hay !

Con thú bị ruồng bỏ



Nguyễn Dậu



Mỗi năm vào dịp sang thu, tôi lại được mời lên Ba Vì một lần. Đây là một vùng gò đồi rất đẹp. Hàng ngàn quả đồi nõn nuột cỏ xanh, tròn trịa như một mâm xôi. Rồi kế đến là vùng đồi dứa, đồi sim, đồi sơn, đồi trẩu. Càng vào sát chân núi, rừng càng rậm rạp dần, thâm u dần, để trở thành rừng già trùm lấp những tảng đá nguyên sinh nổi tiếng trên non Tản.

Bạn tôi, thiếu tướng Nguyễn Hồng Quyền đã nghỉ hưu và định cư tại nơi đây. Trang trại của ông – có thể gọi như vậy – gồm gần hai chục nóc nhà làm bằng gạch và gỗ, nằm trên một trái đồi hình yên ngựa, xung quanh có hai ba dòng suối nhỏ uốn lượn vây bọc. Xa hơn nữa, một dòng sông mênh mang đỏ rực phù sa, đang cuồn cuộn chảy xuôi, mất hút vào giữa những eo núi hẻo lánh.

Thật ra mảnh đất này không phải là đất tổ của Quyền. Năm 1948 chúng tôi có dịp chiến đấu chống Pháp ở đây. Rồi tới năm 1953 lại một phen nữa, đơn vị chúng tôi nhận nhiệm vụ phá bung hành lang trung du của địch mở lối thông thoát ở miền đồng bằng lên Việt Bắc, qua nẻo Hòa Bình, Sơn Tây, Phúc Thọ. Trong một tối lửa trại liên hoan quân dân, trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Quyền được một cô gái xinh đẹp nhất vùng Bất Bạt say đắm. Ở anh có nét điển xảo của trai Hà Nội, có tư thế hiên ngang, có ngựa hồng, côn-bát là hình ảnh “trai thời loạn” rất dễ làm xao xuyến những trái tim thiếu nữ thời bấy giờ. Họ thành vợ thành chồng. Con cái của họ giờ đã khôn lớn, hầu hết đi công tác ở nơi xa. Cố nhiên họ đã nên ông nên bà, và có một đàn cháu nội cháu ngoại khá đông đúc.

Thiếu tướng là một con người sởi lởi, hào phóng, chí tình chí cốt với họ hàng và bầu bạn. Nhưng ông mắc bệnh gia trưởng quân phiệt một cách nặng nề. Ông yêu thương mọi chiến sĩ, nhưng cậu nào bướng bỉnh, ông cho đi an dưỡng hoặc cho thuyên chuyển tới đơn vị khác không thương tiếc. Ông đùm bọc họ hàng đến hết mình, nhưng chớ nên để ông phật ý. Chỉ một giận dữ nhỏ, ông thù ghét rất lâu, thậm chí đáng buồn là ông ghét họ suốt đời.

Như nhiều người khác, ông cũng mắc bệnh nghề nghiệp. Nghĩa là ông ưa mọi ý muốn của ông phải được chấp hành, mọi rắp tâm phải được thực hiện. Bởi vậy, con dâu về ở cạnh ông đã đành. Con rể cũng phải về ở cạnh ông nữa. Rồi dần dần, một số con cháu trong họ cũng thiên cư đến đây quây quần cùng ông, cho “tre ấm bụi”. Không cần phải khéo léo cho lắm, ở cương vị ấy, người ta dễ dàng “ngói hóa” cho cả xóm. Thế là cái xóm nhỏ gồm toàn con cháu của ông, trở thành trang trại. Sau khi về hưu thì vị thiếu tướng nghiễm nhiên trở thành chòm chóp của trang trại này.

Mới sáu mươi hai, thiếu tướng còn trẻ khỏe hơn tuổi tác. Ông cao lớn đẫy đà hồng hào, dáng đi mạnh mẽ, giọng nói oang oang, tiếng cười rồ rộ, tràn trề sức sống. Tuy đầu óc ông không còn thích nghi với một đơn vị chính quy hiện đại nữa, song ông quá thừa năng lực điều khiển việc sản xuất kinh doanh của trang trại, để cho nó ngày một phồn vinh sung túc.

Ngoài công việc điều hành trang trại, thiếu tướng đặc biệt ham thích săn bắn, câu cá, cờ tướng. Đôi khi, cao hứng lên, ông cũng làm thơ. Những bài thơ Đường luật, lổn nhổn những từ ngữ xửa xưa: sơn hà, tráng sĩ, vung gươm, thôn nữ cửi canh, chinh phụ, bồi hồi v.v…

Bởi tôi cũng thành thạo vài ngón như bắn súng, câu cá và ham cờ, nên vừa là niềm vui vừa là tai họa, mỗi năm ông bạn già ấy lại “buộc” tôi phải lên chơi với ông một lần, thậm chí, ông có lúc còn chèo kéo tôi lên định cư hẳn cùng ông, làm quân sư quạt mo cho ông trên một số lĩnh vực.

Lần này, Nguyễn Hồng Quyền xuống tận Bất Bạt để đón tôi. Thiếu tướng không dùng xe máy “Ban căng” như mọi lần. Thay vào đó, ông cưỡi một con ngựa trắng đực tơ, bốn vó khá dài. Trên tay ông dong theo dây cương một con ngựa hồng cái, có bộ lông rất mượt, có cặp mắt màu vàng chanh, và bộ lông bờm màu hồng thật không gọt xén. Trao cương ngựa cho tôi, ông vừa vỗ về con Hồng, vừa nhìn tôi cười ha hả:

– Sao? Ngạc nhiên lắm à? Có gì đâu, tớ muốn chúng mình lại cùng nhau phóng ngựa, như ngày xưa trẻ trung đã phi ngựa trên thảo nguyên Hoa Bắc ấy mà. Xương sống lưng của tớ thì tuyệt rồi. Mà xương sống của ông thì chắc cũng chẳng kém gì đâu. Đồng ý chứ?

Tôi tỏ vẻ hân hoan. Bởi vì cái gì dính tới thời son trẻ cũng gây cho tôi một niềm ham thích.

– Đồng ý thôi. Chỉ phiền cái xắc du lịch của mình hơi nặng.

– Cứ ghì vào sau yên ấy. Con Hồng không chịu nhường bước con Bạch đâu. Rồi ông sẽ thấy nó phi nước đại hay đến mức nào. Phải tháo kính trắng ra bỏ vào túi áo, kẻo văng mất đấy.

– Cặp ngựa này ông sắm từ bao giờ vậy? Năm ngoái tôi không thấy chúng.

– À, mới lên Lạng Sơn tậu đấy. Lúc thường thì dùng chúng kéo máy ép mía, máy ép dầu. Lúc cần thì đi săn. Săn thú mà không có ngựa tốt để cưỡi thì nguy hiểm lắm. Ông quá rõ điều đó còn gì? Thôi, lên ngựa đi!

Chúng tôi cùng lên ngựa. Quyền huýt gió một tiếng chói tai. Từ bụi cỏ gần đấy, một con chó to lớn mầu trắng đen loang lổ, băng lại cạnh chân ngựa. Nó ve vẩy đuôi, giương cặp mắt xanh thau, chờ lệnh chủ.

Thiếu tướng hể hả, hất hàm hỏi tôi:

– Ông vẫn nhớ nó chứ?

– Làm sao tôi quên được con Tuýt của ông. Không phải chó nữa, mà thực sự là con cọp rừng. Năm nay nó đến bốn chục kilô đấy nhỉ?

Vị chòm chóp của trang trại cười rung cả yên ngựa:

– Bẩy mươi bẩy kilô đấy!

Thế còn con Múc?

– À, Con Múc, cái con trời đánh ấy ông nhắc đến nó làm gì? Rồi thì tôi sẽ cho ông rõ mọi chuyện. Ê, này Tuýt! Mày không kính chào bạn của chủ mày à?

Con Tuýt ngoáy tít cái đuôi dài, “oẵng” một tiếng hùng dũng. Đoạn nó đứng thẳng lên bằng hai chân sau, hai chân trước chụm lại, hướng về tôi mà vái ba vái.

– Thôi, đủ rồi – Chủ nó ra lệnh – Hãy dẫn đường cho chúng tao.

Con Tuýt vọt lên trước. Con ngựa Bạch lao theo. Không chờ giật cương, con Hồng cũng băng lên, phi song song cùng bạn nó. Chúng tôi vùn vụt phi lên đèo, lượn quanh suối rồi lại vượt dốc, băng đèo. Sau lưng chúng tôi, bụi đỏ của vùng đồi đá ong bốc lên cuồn cuộn.

Con Tuýt xứng đáng được chủ nó cưng chiều. Nó bỏ xa đầu ngựa hàng trăm mét. Có lúc nó tạt sang sườn trái, có lúc nó lại vòng bên sườn phải chúng tôi. Bốn chân nó thoăn thoắt, mờ mờ không còn rõ hình hài. Bộ lông khoang của nó như kẻ một đường thẳng trên ngọn cỏ. Đôi lúc, nó đánh hơi thấy một mùi hoang thú nào đó. Nó lập tức rống lên, rẽ ngang vào rừng sơn. Song dù máu săn của nó nóng tới đâu, nó vẫn nghe lệnh chủ mà quay ngoắt trở lại, rồi vun vút băng vọt lên dẫn đầu. Đôi ngựa chúng tôi đang cưỡi đây, cũng rất hăng máu non tơ, dường như muốn đuổi vượt con chó Tuýt. Chúng thở ra hơi trắng, bốn vó dồn dập sải dài nước đại. Sỏi đá, cây cỏ dưới mặt đường, như kéo thành vệt, loang loáng trôi về sau lưng. Nhưng không ổn. Chẳng nói gì ngựa thồ, ngựa ép mía, ngay đến ngựa chiến cũng không thể theo kịp tốc độ của chó săn. Con Tuýt láu lỉnh hiểu ý đôi ngựa. Ngựa phi nhanh, nó tăng tốc nhanh hơn. Ngựa chậm dần, nó hãm đà phóng, cứ lững thững ở mé trước như trêu như chọc.

Quả thật đây là những giây phút sung sướng lành mạnh trong đời tôi. Thuở trai trẻ, chúng tôi được dịp ngồi trên yên những con ngựa cao lớn mà bay vút trên thảo nguyên bao la. Những con ngựa ấy, tôi chỉ đứng ngang bả vai chúng, rất xứng đáng với những cái tên rất kêu: “Thiên-lý-Hoa-lưu”, “Tích-tuyết-ô-truy”, “Xiển-điện-hoàng-phiêu”… so với chúng, thì hai con ngựa nhiệt đới mà chúng tôi đang cưỡi đây, chỉ đáng gọi là những con nghẽo xoàng xĩnh. Song tôi vẫn thấy chứa chan hào hứng. Tôi thầm cảm ơn bạn già, cảm ơn đội ngựa, cảm ơn con Tuýt tinh thông, cảm ơn đất trời mênh mông và cảnh sắc của thiên nhiên hào hùng xung quanh… Tất cả đã khuấy lại trong tim tôi những kỷ niệm đẹp đẽ đã trôi qua, những sôi nổi chỉ còn âm ỉ của một thời xuân sắc đã lướt vào dĩ vãng.

Vị chòm trại đột ngột chụm môi rúc còi lanh lảnh ra lệnh cho chó và ngựa dừng lại bên bìa rừng trẩu.

– Được nửa đường rồi, chúng ta tạm nghỉ một lát. Thế nào, ông bạn, cảm giác về sống lưng ra sao?

Cả hai chúng tôi cùng nhảy xuống. Cương ngựa được cột chặt vào gốc trẩu. Chúng lúc lắc đầu, quạt mạnh đuôi, gõ móng ngựa thậm thịch xuống nệm cỏ, tỏ ý còn muốn được rong ruổi nữa, tuy rằng hơi thở của chúng đã khá nặng nề.

Chúng tôi ngồi xuống nệm cỏ mật, giữa hai hàng trẩu non. Thiếu tướng rót rượu mật ong ra. Chúng tôi cùng nhau tợp vài ngụm rồi hút thuốc lá, loại thuốc sợi vàng óng, đặc sản của Ba Vì. Riêng Quyền, ông nhồi vào tẩu. Ông đã quen dùng tẩu từ mấy chục năm rồi.

Tôi lim dim mắt, hỏi bạn già.

– Tình hình các cháu nội ngoại của ông ra sao? Nhất là cái con Quỳnh ấy?

– Chúng nó đều ăn khỏe, ngủ khỏe. Riêng cháu Quỳnh thì ngoài phần học văn hóa ra, cháu vẫn thích đi chơi trên đồi rừng, vẫn thích làm thơ về rừng. Từ ngày không còn con Múc, nó ít đi rừng hơn. Và tôi cũng cấm cháu nữa.

– Nghĩa là, anh không hề thấy con Múc quay trở về?

– Con Múc trở về ấy à? – Thiếu tướng mỉm cười, lắc đầu nhè nhẹ – Về con Múc, anh sẽ được thấy mọi điều. Hiện giờ tôi không muốn nói cùng anh vội. Nhớ rằng tôi mời anh lên đây lần này khác hẳn những lần trước. Dù rằng anh không ưa săn bắn, tôi vẫn ép anh phải dự cùng tôi một cuộc săn bắn bằng được.

– Một con thú đặc biệt mới xuất hiện chăng?

– Ồ, bí mật quân sự!

Tôi không hỏi gì nữa. Tính nết đến khỉ của cái ông già này là vậy! Khi không, tự dưng ông nói tộc toạc đủ mọi điều. Lúc thích hỏi, thì ông ta lì lì ngậm tăm.

Con Tuýt nằm duỗi chân cách chủ nó chừng nửa mét. Lười thè dài, mầu đỏ hồng có điểm những chấm đen lấm tấm. Thân nhiệt của nó, được xả ra từ đầu lưỡi, bốc thành hơi trắng nóng hầm hập. Hàm răng của nó trắng bóng. Bốn chiếc răng nanh cửa dài và cong, sáng nhoáng đến dễ sợ. Chẳng rõ từ ngày nó ra đời rồi trưởng thành đến nay, bộ nanh ghê gớm kia đã cắn xé biết bao gà lôi, với chim đa-đa, thỏ và chồn, hươu và hoẵng, gấu và cáo. Kinh dị hơn, chủ nó đã đôi lần tường thuật cho tôi nghe những trận ác đấu của nó với gấu ngựa và báo đen. Trong những cuộc cắn xé sinh tử đó, phần lớn nó đã chiến thắng, dù đẫm máu nhưng huy hoàng. Có nhiều phen nó đã sắp bị kẻ thù xé xác, nhờ nòng súng thiện xạ của ông chủ, nó được cứu thoát. Chủ và chó đều có ân huệ sâu xa với nhau.

Nếu như chủ đã cứu chó thoát khỏi cửa tử nhiều phen, thì chó cũng đã dăm bảy bận đưa chủ trở về cõi sống.

Trong các cuộc săn đuổi gay cấn và hấp dẫn lạ lùng kia, thiếu tướng đã hai phen bị báo gấm vồ lén, đã một lần bị gấu ngựa quật ngã. Mỗi lần ngặt nghèo vậy, con Tuýt mới được dịp bộc lộ hết tài năng của nó. Nó nhanh chóng chọn chỗ yếu của hoang thú, để tìm hướng lao vào. Không do dự trù trừ, không hấp tấp sai lệch, nó chồm tới, ngoạm rất chính xác vào cổ họng ác thú mà xé rách bằng hai ba cái quẫy đầu mạnh mẽ. Ác thú bị đòn chí tử, không còn kịp gây thương tích cho chủ nó nữa.

Nguyễn Hồng Quyền thường đắc ý nói với tôi:

– Anh rõ chăng, lúc nó mới chào đời, tôi đã thấy “tướng lạ” của nó. Dưới hàm của nó có ba sợi lông dài màu xanh biếc. Chỉ người sành chọn chó mới hiểu thế nào là “tam tu vi long, nhị tu vi hổ”. Đấy, thế đấy. Chó của tôi thì kém đếch gì một con beo? Này, anh có nhớ thượng tướng Th. không? Cái ông già gàn dở nổi tiếng toàn quân về phong thái “hiên ngang” ấy mà, đã gạ tôi đổi con Tuýt lấy một cặp béc-giê Sibêri đấy. Ồ, xin lỗi! Ngài hãy đổi cho tôi một cặp rồng thực sự, tôi cũng xin kiếu ngài thôi.

Vốn thâm giao, thường niên gặp gỡ, lẽ cố nhiên tôi hiểu rõ lai lịch con Tuýt vô giá kia. Tổ của nó vốn nòi chó săn Na-uy băng giá. Trong trận tiêu diệt đồn Đại Bục năm xưa, giữa hàng trăm chiến lợi phẩm quan trọng, trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Quyền chỉ mừng rỡ khi đoạt được con chó săn này, vốn là kẻ “cận vệ” của tên Pháp đồn trưởng. Ông gởi về nhà, giao cho vợ ông trông nuôi. Trong đàn con cháu của nó, ông Quyền chọn lựa được một con chó cái mầu trắng như tuyết, không pha tạp một sợi lông màu nào. Và ông đặt cho nó một cái tên rất âu yếm: Bạch Ngọc!

Bạch Ngọc có đôi tai nhỏ, dựng đứng. Ức nó nở, bụng nó thon, toàn thân nó chắc nịch như thỏi giò bó. Đôi mắt của nó mang màu da cam, le lói tia sáng. Nó không sủa inh ỏi như chó nhiệt đới, mà lặng lẽ tiếp cận đối thủ, và chỉ tấn công khi nó biết chắc sẽ có một cú đợp chí mạng.

Năm trước một lần về phép thăm nhà, thiếu tướng lấy làm lạ lùng thấy con Bạch Ngọc thường hay lặng lẽ băng mình vào rừng sâu những lúc xế chiều. Ông xỏ ủng da vào chân, xách khẩu AR15, loại tiểu liên cực nhanh, rồi cũng lặng lẽ đi vào rừng, theo hướng đi của con Bạch Ngọc.

Từ xa, dưới một góc trám già nua, ông đã thấy Bạch Ngọc đang đùa giỡn với một con chó rừng vạm vỡ, có bộ lông đen bóng như lụa lĩnh. Ông rón rén vòng theo hướng ngược chiều gió, dần dần tới gần đôi chó bằng động tác đi cực kỳ êm nhẹ của thợ săn lành nghề. Và ông nằm phục xuống quan sát.

Đôi chó quá vui vẻ, nên không hề phát hiện con người đã gần chúng. Nòng súng AR15 đã được nâng lên. Song, chỉ một tích tắc ngắn ngủi, vị thiếu tướng tinh ranh đã quyết định không bóp cò. Ông chỉ rê đầu súng theo hoạt động của con chó rừng đen tuyền kia, mà chờ đợi.

Con chó rừng và con Bạch Ngọc ngửi hít nhau, đùa rỡn vật lộn nhau. Sắp đến lúc phấn khích, con chó rừng rụt cả đầu, cả thân mà chạy thành vòng tròn rộng xung quanh con Bạch Ngọc. Đôi lúc nó ngẩn cao đầu, tru lên từng hồi dài, rồi tung vọt người lên không, nhảy vút từ tảng đá này sang tảng đá khác với niềm cuồng say ghê gớm. Con Bạch Ngọc cũng nhảy nhót, nhưng dường như nó chỉ xoay mình trên tâm điểm. Cuối cùng nó hứng khởi cắn nhẹ vào má con chó rừng, rồi đứng im với tư thế mời mọc.

Quả như ông thiếu tướng dự kiến. Một hiện tượng thiêng liêng của tự nhiên đã diễn ra. Con chó rừng hăm hở làm cái việc gắn đuôi con Bạch Ngọc. Biết chắc rằng đôi chó rừng không thể mau chóng tách rời nhau, thiếu tướng đứng lên, nhẹ nhàng lùi dần ra cửa rừng. Ông ngồi trên một khúc gỗ ẩm ướt, mồi lửa vào tẩu thuốc và ngâm nga một câu thơ gì đó. Ông vui! Một cuộc phối giống vô cùng hiếm hoi mà có dụng ý đến đâu người ta cũng không dám mong ước. Thiên nhiên yêu chiều ông đến thế là cùng.

Chừng nửa tiếng sau, con Bạch Ngọc êm như ru chạy ra. Nhác thấy chủ, nó ngạc nhiên nhưng mừng quýnh. Đôi mắt sung sướng của nó lấp lánh như bốc lửa. Ông Quyền đập nhẹ bàn tay lên đầu nó, nói với nó vài lời trìu mến, khi nhìn thấy từ cục thịt dưới đuôi nó rỉ ra vài giọt máu tươi. Đoạn, cả chủ cùng chó, với niềm hoan hỉ, chậm bước quay về trại. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất, con người say sưa sát phạt kia đã không nổ súng vào một con thú rừng.

Trước khi lên xe, trở lại đơn vị, ông dặn dò cặn kẽ vợ con cách chăm sóc và bồi dưỡng Bạch Ngọc, đồng thời phải biên thư báo cho ông biết diễn biến của nó từng tuần một. Bà Quyền ngoan ngoãn vâng lệnh chồng! Bà chỉ âm thầm buồn bực vì xưa nay chưa bao giờ chồng bà quan tâm như thế tới bà, tới con gái và con dâu mỗi kỳ thai nghén sinh nở.

Con Bạch Ngọc đã không phụ lòng ông chủ. Nó đẻ lứa đó được bốn con chó con. Con đầu khoang đen trắng, tức con Tuýt. Con thứ hai hoàn toàn đen kịt, có cặp mắt tóe lửa giống mẹ, được đặt tên là Múc, còn hai con kia mang mầu lông xám đậm. Tuy tiếc đứt ruột, vị thiếu tướng vẫn phải tặng một con cho một ông Bộ trưởng có ân sâu dìu dắt ông tự thuở thiếu thời.

Khi Tuýt và Múc được tám tháng tuổi, cũng là lúc ông tướng già được về hưu. Ông dốc hết sức mình vào việc dẫn dắt trang trại ngày một phồn vinh trên đường kinh doanh. Cũng với sự tận tình như vậy, ông chăm sóc, huấn luyện con Tuýt, con Múc cùng một bầy năm sáu con chó săn khác. Tuýt và Múc càng lớn càng khác biệt nhau. Cùng vạm vỡ, cao lớn, cùng ngông cuồng với thiên chức săn đuổi tìm diệt, song con Tuýt được chủ nó yêu quý hơn con Múc nhiều. Tuýt biết phán đoán, ửng xử hầu hết ý chủ. Nó gần như hiểu tiếng người. Ngoài chức trách dữ dằn, quyết liệt và man rợ trong săn bắt, nó rất dịu dàng, quấn quít con người. Chỉ cần dạy bảo đôi lần, nó biết mừng đón và biết vái chào, biết canh phòng và làm vui lòng chủ. Nếu cần sai nó lấy đôi dép, lấy con dao, lấy chiếc điếu cày, nó làm rất khéo. Nếu cần thúc nó trừng phạt gia cầm và gia súc, nó tuyệt đối làm vừa ý chủ.

Con con Múc thì hoàn toàn ngược lại.

Nó không hề thua kém Tuýt về khoản săn đuổi, vật lộn và cắn xé. Nhưng chỉ thế thôi. Nó dửng dưng với những việc mà con Tuýt say mê. Nó không quẩn quanh bên chân chủ, không biết chào đón, lại càng đần độn với những việc chủ muốn sai khiến. Trong cái trại đông đảo người này, nó chỉ thân thiết và gắn bó với riêng cháu Quỳnh. Mỗi lần cháu Quỳnh lên đồi sim, hoặc vào rừng, nó thường đi theo, nửa bước không rời. Những lúc tiễn cháu Quỳnh đi học rồi, nó thường quay về nằm duỗi dài chân ở đầu thềm dỏng tai nghe, chăm chú nhìn. Nó nghe gió ngà, nghe suối reo, nghe mọi động tĩnh trong rừng sâu. Đầu mũi ướt bóng của nó luôn luôn nhún động, để như nắm bắt, như phân biệt, như tận hưởng mọi thức hơi lạ theo gió lùa tới.

Nó thờ ơ như vậy, dần dà, nó bị ông chủ ghẻ lạnh. Ông quên đi những công lao của nó, chỉ còn biết cáu gắt quát tháo mỗi khi nó lỳ lợm không chịu xua đuổi đàn gà quấy phá vườn rau, hoặc không chịu xua đuổi lũ gia súc đang tứ tán trên đồi. Tình hình xấu đến nỗi, ông đã quất cho nó vài ngọn roi da, khi nghi ngờ nó xơi tái mất hai con gà trống Đông Cảo, mà ông lận đận về mãi miền Từ Hồ mới mua được.

Trong nghề săn bắn và nuôi dưỡng chó săn, ai cũng biết rằng người ta tuyệt đối tránh ngược đãi chó của mình. Sự trung thành sẽ mất đi, nếu con chó bị trừng phạt oan uổng. Một con người tinh ranh và sáng suốt như thiếu tướng Hồng Quyền mà cũng phạm phải sai sót đó, thật đáng buồn biết chừng nào.

Sở dĩ ông thù ghét nhưng chưa nỡ ruồng bỏ con Múc vì hai lý do. Thứ nhất, ông sợ cháu Quỳnh buồn. Ông yêu thương và quý báu cháu Quỳnh, còn cháu Quỳnh thì lại trìu mến con Múc như một bạn nhỏ thân thiết. Thứ hai, hồi đầu năm, con Múc lập được một chiến tích có thể xem là phi thường được.

Những ngày đầu xuân, mưa phùn và nắng ấm, làm cho rừng già trở nên tươi rói vì những búp nõn và chồi non. Tại các nẻo đồi mươn mướt từng đợt cỏ xanh mềm như nhung lụa. Muông và thú trong rừng sau đợt nghỉ đông hoặc ngủ đông dài dặc, bây giờ bừng tỉnh, nhộn nhịp đi kiếm ăn, tìm đôi, phối giống, và sinh sản.

Một đàn lợn rừng từ bên kia sông Đà, đã ùa sang bên này. Các đồi lạc, đồi dứa của trang trại bị lợn rừng tàn phá nặng nề. Ông Quyền cùng Quý, con trai thứ ba, quyết định rủ nhau đi săn bắt đàn lợn rừng tệ hại kia. Lợn rừng chậm chạp, chỉ cực kỳ hung dữ khi bị dồn vào tử địa. Có khoảng sáu con họp thành đàn, đang trũi húc vào các luống lạc. Khi phát hiện ra có người và chó vây bủa, chúng mở đường máu lao về phía sông Đà. Chúng đi, tựa sườn vào nhau, hai nanh dưới to bằng ngón tay trỏ, nhe ra, lông bờm dựng đứng. Đàn chó phân vân, không biết nên tấn công đàn lợn bằng cách nào. Những mảnh đạn ghém tuy trúng đích cũng không khiến chúng ngã được, bởi lớp mỡ quá dày.

Bản thân vị thiếu tướng cũng có phần lúng túng, chưa có cách nào để đạt kết quả tối ưu. Trong khi đó, đàn lợn vẫn rất trật tự, tựa sườn vào nhau mà lần lượt xuống sông bơi đi hết. Riêng có con đầu đàn, khổng lồ, không hiểu sao nó lại không lao xuống nước. Nó dừng chân bên bụi lau, và quay đầu trở lại. Đôi mắt nhiều lòng trắng của nó long sòng sọc. Nó tru hộc lên, những chiếc lông cứng và dài như lông nhím dựng đứng suốt từ gáy tới lưng. Hai chiếc nanh trước trắng bóng, cong cong của nó chĩa ngược lên trời với vẻ đe dọa không thể không làm ta rùng mình.

Con Tuýt bị chủ thúc xông lên. Chính nó cũng chần chừ. Bởi vì giống chó săn thường chỉ đánh vào điểm yếu nhất của đối thủ là hầu họng. Các loại hoang thú thường để lộ cổ họng, dù có lớp mao bao bọc. Với lợn rừng lại là chuyện khác. Nó hầu như không có cổ. Lớp mỡ dầy đặc ứ bự xung quanh vùng mặt, nối liền bả vai và xương ức.

Bị hối thúc vì lệnh chủ, con Tuýt nhảy vào. Nó ngoạm đúng phần má của con mồi. Nhưng nó đã bị trừng trị trở lại. Con lợn rừng chỉ hất mạnh cái mũi lên, hai chiếc nanh nhọn đã đóng ngập vào xương sườn con Tuýt. Con Tuýt rống lên đau đớn, nhưng nhanh nhẹn, nó vùng thoát rồi chạy về bên chủ, máu chảy đầm đìa. Ông thiếu tướng kinh hoàng vì đấu sĩ số một của ông chiến bại. Ông lập tức nâng khẩu AR15 lên. Cùng lúc ấy con Múc đã xông tới. Ông liền ngừng lại để xem bản lĩnh của con Múc. Con Múc hiểu rằng, qua cú đòn đau của con Tuýt, nó không thể ngoạm cổ con lợn rừng được. Nó liền chạy vòng quanh con mồi. Con lợn rừng hung tợn và lỳ lợm cũng xoay tròn thân mình, đôi mắt trắng sáng không rời con Múc. Bất thình lình, đang đà chạy bình thường, còn Múc nhảy vào con lợn. Nhưng khi gần tới cổ lợn, nó ngoặt người đổi hướng và đợp rất chính xác vào cẳng chân sau của con mồi. Tiếng xương gãy nghe ròn lắc rắc. Con mồi rống lên, nhưng con Múc đã vọt được ra xa. Lợn rừng hung tợn lên gấp trăm lần. Nó khập khiễng nhưng nhanh nhẹn xông vào tấn công bất kỳ ai. Cũng may hôm ấy tất cả đều ở trên mình ngựa, nên bầy ngựa nhảy dạt ra khá nhanh nhẹn. Cơ hội tốt đẹp đó tạo thuận lợi cho Múc. Trong khi con lợn xông theo con ngựa của ông Quyền, thì từ mé sau, con Múc băng tới, và ngoạm vỡ xương chiếc chân bên kia của con lợn. Lúc này con lợn mới rống lên thảm thiết. Gãy hai cẳng giò mé sau, nó không còn sức bật sức dướn nữa. Nó nằm bẹp xuống, điên cuồng dũi răng nanh vào đất đá, làm cho đất đá bị lõm thành một hố sâu. Phần còn lại, Múc dành cho người và bầy chó kia kết thúc. Nó đứng im, vừa thở vừa ngắm nghía con mồi bị nó đánh gục.

Sau cái chuyện đó, ông Quyền, với con mắt người đi săn thấy rằng ở con Múc còn nhiều tiềm năng ghê gớm, mà chỉ khi lâm sự nó mới bộc lộ ra. Còn với cặp mắt của người chủ, ông vẫn không xóa bỏ được mối ác cảm đối với “tên đày tớ” ương bướng này.

Trở về trại, ông chăm sóc chu đáo vết thương con Tuýt, nhưng việc cần phải làm là ban thưởng cho con Múc thì ông không làm.

Năm trước lên thăm và ở chơi cùng ông Chòm Trại, tôi đã thân ái nhắc nhẹ ông về tính công bằng, và sự cần thiết phải gạt bỏ thành kiến. Song, ông bạn già của tôi vốn không thể cao cả hơn thượng đế được, mà chính thượng đế rất bảo thủ. Ông cười, chế nhạo lại tôi:

– Trừng phạt và ưu ái là hai mặt của sự chăm sóc và gây dựng. Nếu con Múc muốn tôi ưu ái nó thì nó hãy ngoan ngoãn như con Tuýt. Tôi có hẹp hòi gì đâu? Mà, có nực cười không nhỉ, khi anh thấy cần giảng dạy cho tôi về mặt nuôi dạy chó săn?

– Về việc đào tạo chó săn thì anh hơn tôi không chỉ một, mà là hàng vạn lần. Tôi chỉ lưu ý anh về tính di truyền sinh vật. Theo anh kể, bố nó là giống chó rừng thuần chủng. Còn mẹ nó là nòi giống của loại chó tinh quái có nguồn gốc hàn đới xa xôi, đã được thuần hóa. Con Tuýt được thừa hưởng cái gien máu của mẹ nó quá nhiều. Còn con Múc thì ngược lại, nó giống bố nó từ thể hình, màu lông và tính cách. Ở nó tính “rừng” đậm hơn tính “nhà”.

Thiếu tướng cười vang vọng, đắc thắng:

– Theo ý anh thì con hổ và con voi rừng có mang tí tính “nhà” không? Vậy mà người ta dạy nó làm xiếc được đấy. Vấn đề là nó có ngoan ngoãn không? Có phục tùng không?

– Nhưng anh đã có tình thương yêu và tính kiên nhẫn của những nhà dạy thú chưa?

Ông tướng già quen với việc ra mệnh lệnh lúc này mới im bặt. Ông trầm ngâm giây lâu, đoạn vỗ vai tôi:

– Này, mình tặng con Múc cho ông đấy!

– Tặng tôi?

– Mình rất thực tâm. Có lẽ ở cùng ông thích hợp cho nó hơn.

– Ôi, cảm ơn tình bạn của anh. Nhưng, tôi biết dùng nó vào việc gì? Chả lẽ để nó canh chừng những con sâu mọt đục phá cái bàn viết của tôi à? Vả chăng, tôi biết kiếm đâu ra thịt sống để nuôi nó, trong khi chính tôi cũng chả có thịt mà ăn?

Chúng tôi lại cười, và cùng cười rồ rộ. Nguyễn Hồng Quyền không phải con người lúc nào cũng cố chấp, ông ta chỉ bướng bỉnh lúc nào bị sự ngu dốt xúc phạm. Trộn lẫn trong tim ông có tính hồn nhiên, phóng khoáng, tự phụ và hiếu thắng, nên nói chung, ông ta không giận bực lâu. Sự hào phóng và khoáng đạt vẫn là phong thái chủ chốt của ông.

Tuy chưa hoàn toàn gạt bỏ sự căm ghét con Múc, song ông xem chừng cũng muốn mối quan hệ xấu ấy được đổi khác đi. Một hôm, để con Tuýt ở nhà, ông gọi riêng con Múc ra sông tắm cùng ông. Chủ và chó cùng bơi lội đùa nghịch. Ông ôm con Múc vào vòng tay, ngắm nghía những sợi lông dưới cằm nó. Ông sờ nắn những cái móng đã thoái hóa ở cổ chân nó, (phương đông gọi là huyền đề).

Lúc đầu con Múc le lói ánh mắt đề phòng người chủ. Chưa khi nào nó được ông gần gũi, xoa vuốt như lần này. Nên, với bản chất rừng, nó hoang mang nghi ngờ ông. Cử chỉ của nó rất e dè, thận trọng. Có lúc tưởng chừng như nó sắp sửa muốn liếm tay, liếm mặt ông nữa, nhưng khi gần sát ông, nó liền đứng khựng và trở lùi. Lưỡi nó lè dài, mắt nó rừng rực ngắm thẳng vào mắt ông. Người và thú cùng dò xét nhau và cùng chưa xóa bỏ được định kiến. Con Múc không biết nói gì, cái đó đã hẳn. Những cử chỉ để giải tỏ lòng trung, nó cũng không thạo nữa. Nó biết làm sao đây để ông chủ hiểu rằng mặc dù bị ông ghẻ lạnh, ruồng rẫy, nó vẫn yêu mến ông, vẫn muốn gắn bó với cái trang trại này, cái cơ ngơi này.

Một đêm mưa rét, khi con Tuýt và bầy chó săn kia đi tìm nơi ấm áp ngủ ngon, con Múc đã phát hiện thấy một con báo gấm đang quẩn quanh ngoài hàng rào mắt cáo, tìm lối vào trại. Nếu là con Tuýt hoặc chó khác, đã sủa ngậu lên, báo hiệu cho chủ. Với Múc, nó không ồn ào thế. Nó xù lông, nhảy vút tới bên bờ rào, đôi mắt tóe lửa. Con báo gấm, một ác thú nham hiểm bậc nhất ở rừng sâu, vừa gầm gừ nhè nhẹ, vừa chạy đi chạy lại tìm một lỗ hổng to rộng. Con Múc cũng gầm gừ nhè nhẹ, bám sát con báo gấm từng bước chân để ngăn chặn. Nếu không có hàng rào tre khỏe khoắn, chắc chắn đã diễn ra một cuộc cấu xé đẫm máu, mà phần bi thảm hẳn thuộc về con Múc. Bởi vì chó rừng, dù hung hãn, đồ sộ tới mức nào cũng không phải là đối thủ của báo gấm. Khi đói khát, bị cơn đói cồn cào kích thích, báo gấm dám liều lĩnh tấn công và cắn xé cả cọp rừng.

Cứ như vậy, hai con thú trong cái thế đối chọi qua lớp rào tre, suốt đêm mưa gió. Đã mấy lần báo gấm định leo trèo hàng rào cao. Nhưng nó biết rằng khi leo rào, nó sẽ bị phơi bụng ra. Một ác thú nham hiểm đâu có dại dột vậy.

Lúc trời tang tảng sáng, con báo gấm đành rống lên một tiếng căm hờn, vút thẳng vào rừng. Con Múc ướt sũng, mệt mỏi bơ phờ, trở về nằm dài ở cửa buồng cháu Quỳnh.

Chính cái lần ấy, khi thấy con Múc rũ rượi, thảm hại vì suốt đêm căng thẳng, ông chòm trại đã chỉ vào mặt nó mà mắng:

– Mày giấu đôi gà Đông Cảo của tao ở góc nào, hang hốc nào. Đêm qua mưa gió lẻn đi làm một bữa hả hê phải không?

Chiến công quật ngã lợn rừng đầu đàn làm cho mối quan hệ chủ và chó có phần đẹp hơn. Nếu cứ cái đà ấy, cái đà mà chiến tích của Múc ngày càng vượt trội Tuýt, thì số phận của nó sẽ đẹp đẽ nhường nào. Nhưng hỡi ơi, định mệnh của nó nghiệt ngã, số kiếp của nó có chứa sẵn một kết cục ảm đạm, nên đã xảy ra một việc cực kỳ phi lý như sau:

Vào độ rằm tháng bảy, khắp nơi người ta náo nức sửa soạn cúng lễ vong hồn tiên tổ. Về phần mình, ông thiếu tướng với cương vị chòm chóp của trại, ông làm hẳn cỗ thái lao, để trước là tỏ lòng tri ân tổ tiên, sau là ban ân cho con cháu. Thái lao, theo tục cổ là lễ tam sanh, gồm có một trâu trắng, một ngựa trắng và một dê trắng. Ông Quyền không thể quá ư nệ cổ, nên biến báo đi chút ít: một lợn trắng, một dê trắng và một gà trắng. Thế, e là cũng quá linh đình rồi. Dê và lợn đã được quay hồng. Gà thì được rán chín cả con. Tất cả bầy đặt trên bàn thờ tổ.

Con Tuýt quanh quẩn dưới gầm bàn thờ. Mùi vị thịt rán kích thích tì vị nó dữ dội, xưa nay nó chỉ biết mùi thịt sống và cũng chỉ ăn toàn thịt sống. Người nuôi chó săn thường dùng máu nồng và thịt gây để kích thích tính hăng say xâu xé. Chưa bao giờ Tuýt được ngửi hít hương vị thơm tho lạ lùng đến thế.

Trên gian thờ tổ vắng ngắt.

Cánh mũi của Tuýt phập phồng nở rộng, nước rớt nước dãi của nó lều rều theo đầu lưỡi xuống đất. Bằng một động tác còn nhanh hơn ma quỷ, con Tuýt nhảy lên ban thờ, ngoạm chắc lấy con gà quay, rồi vọt ra cửa. Nó toan tính phóng thẳng ra nơi vắng vẻ bên bờ suối.

Tại hiên hè, nó gặp con Múc đang nằm ở buồng cháu Quỳnh. Cũng lúc đó, tiếng đế ủng của ông chủ thậm thịch nơi xa. Nó vội nhả con gà quay ra, nhảy tót vào cửa ngách, rồi êm như động tác của mèo cái, nó vọt qua cửa sổ, mất hút.

Ông thiếu tướng tròn xoe mắt nhìn con gà thái lao có vết răng chó bập vào, rồi ông trừng mắt nhìn con Múc nằm gần đó. Giận sôi sùng sục, ông vào nhà ngang lên tiếng gọi vợ con. Đoạn, ông rút chiếc roi gân bò, chạy đến bên con Múc.

Múc không hiểu người ta định làm gì, song nó linh cảm thấy sự chẳng lành. Nó đứng phắt dậy toan mừng chủ chút ít thì một loạt roi da xiết bỏng trên lưng nó. Con vật rú lên thê thảm, nhảy vọt ra sân, nhưng vẫn còn bàng hoàng ngơ ngác, chưa dám chạy xa hẳn. Chỉ đến lúc nhác thấy ông chủ giằng lấy khẩu súng hai nòng trên tay cậu Quý, thì nó hiểu rằng không thể chậm trễ chút nào. Từ cái “gậy” sắt ấy nó đã thấy tóe lửa nhiều lần. Sau lúc lửa tóe, có bao muông thú giãy giụa tan xác.

Bởi vậy, nó dồn hết sức lực vào bốn cẳng, luồn lỏi qua dãy chuồng gà, chuồng lợn, rồi vượt qua cửa rào, nó lao thẳng về phía rừng. Sau lưng nó, vang lên những tiếng nổ đoàng đoàng, tiếng chiu chíu xé gió bên tai nó. Bản năng sinh tồn giục nó chạy miết. Cũng chưa khi nào nó chạy tinh khôn như lần này. Không kẻ chỉ, không thẳng băng, mà ngoằn ngoèo đổi hướng. Có lúc tiếng đạn sát sạt trên lưng, nó nằm lăn ra, giả tảng chết. Rồi thình lình lại vọt lên, băng đi như một vệt đen mờ ảo.

Vào tới rừng, nó đứng lại quay nhìn xóm trại. Nó thoáng thấy ông Quyền và cậu Quý trên yên ngựa. Dẫn đầu đàn chó săn tầm thường là con Tuýt – anh ruột nó, kẻ xảo quyệt đáng ghê đối với nó. Thế là nó chạy thẳng, chạy mãi vào rừng sâu, sang tận bên kia núi Ba Vì.

Từ đó nó trở về cuộc sống hoang dại mà tổ tiên nó xưa kia hằng sống.

Ngồi một lúc, chúng tôi cùng nghiêng người, nằm chống tay trên nệm cỏ. Xa xa, ba đỉnh núi màu lam sẫm như lách qua những dải mây trắng mà chĩa chọc nền trời xanh. Núi non Ba Vì thuần một màu đen sẫm của rừng già. Đó đây từng vệt lá cây màu vàng màu, đỏ xỉn, và màu xanh nõn nuột của rừng cọ, rừng son.

Thiếu tướng Quyền gõ gõ tẩu thuốc, gảy hết lượt tàn tro, đoạn nạp thêm mồi sợi mới. Ông nheo mắt nói với tôi:

– Lúc nãy anh cứ gặng hỏi xem tôi mời anh lên để săn bắn con thú gì. Tôi nói thật ra, e rằng anh ngạc nhiên.

– Con Múc?

– Chính thế. Anh nhanh ý đấy.

– Quả thật không còn gì khiến tôi kinh ngạc hơn. Con Múc vẫn còn sống, anh cứ để cho nó sống. Nó đã giúp ích anh không ít. Anh hãy rộng lượng cho nó được tự do.

– Tôi cũng có ý quên nó đi. Nhưng nó làm hại tôi quá chừng. Tôi không thể không diệt nó.

– Làm hại?

– Chừng một năm nay, nó thường xuất hiện ở bìa rừng. Có lúc nó còn mò vào trại. Thậm chí nó còn dám xông vào buồng cháu Quỳnh.

– Thế thì có gì là tai hại? Nếu như là nó muốn quay về với chủ cũ thì sao? Chuyện ấy xưa nay thường xảy ra.

– Ông bạn ơi, ông quá đồng cảm với nó đấy. Một năm nay tôi đã mất hai chục con gà, bốn đầu lợn và hai con dê sữa đấy. Để khi nào tôi găm vào mình nó trọn băng đạn AR15, rồi tha hồ ông thương xót nó.

– Nếu là do cầy cáo và báo beo vồ bắt thì sao? Chẳng có chó rừng nào khênh nổi dê lợn đâu, nhất là lại khênh qua hàng rào tre nhà anh.

Thấy mình đuối lý, ông chòm trại đỏ mặt, châm thuốc hút:

– Cứ cho là beo báo tha dê và lợn đi, còn những con gà? Anh không thấy là con Múc nó rất háu thịt gà à? Đôi gà Đông Cảo và con gà Thái Lao… anh đã rõ rồi đấy!

Đến lượt tôi đuối lý. Tôi im lặng hồi lâu. Lòng tôi bồn chồn và buồn bã. Tôi chợt thấy tiếc công tiếc việc ở dưới Hà Nội. Té ra tôi lên đây là để chứng kiến cái kết cục mạng sống của con Múc.

Thiếu tướng hỏi tôi:

– Sao, ông nghĩ ngợi gì vậy?

– Không, à, con Múc giờ đây nó thế nào? Ông đã đích mắt nhìn thấy nó chưa?

– Rồi. Tôi lại bắn trượt nó hai lần nữa. Thật là một con chó quái quỷ lạ lùng. Nó to lớn gấp rưỡi, hung dữ gấp mười, còn nhanh nhẹn thì gấp trăm.

– Để sinh sống và tồn tại giữa bầy ác thú trong rừng sâu, nó cần phải trưởng thành như vậy. Nó không thể không độc dữ hơn.

– Anh vẫn cứ bênh nó chằm chặp.

– Tôi tiếc rằng anh đã bất công với nó. Trong trường hợp bị hắt hủi, bị hằn thù như vậy, đến con người cũng không thể không biến đổi tính cách, huống chi một con thú.

Chúng tôi lại lên ngựa. Con Tuýt lại dẫn đường. Có thể do cách nói năng bộc trực của tôi, khiến bạn già không vui. Dọc đường ông chẳng nói một câu nào. Bởi vậy, tôi biết mình sai lầm. Định kiến của con người quen bệnh quyền uy kia là không thể thay đổi. Tôi tỏ lòng thương tiếc con Múc nhiều quá, điều đó chỉ khiến ông Quyền càng tăng thêm quyết tâm hạ sát nó mà thôi.

Thấy chúng tôi phi ngựa về đến cổng trại, bà Quyền và đàn con cháu ra tận sân chào đón. Bà năm nay đã ngót sáu mươi. Vóc người mảnh mai, nhỏ nhắn, nên trông bà không đến nỗi già nua như tuổi tác. Trên vẻ mặt thanh tao của bà vẫn còn những đường nét vốn xưa xinh đẹp. Song, ở bà, điều hấp dẫn người ta chính là phong thái đôn hậu, hiền từ. Cạnh bà là cháu Quỳnh, cũng mảnh mai hiền từ, cũng gương mặt trái xoan, trông cháu giống bà ngoại như đúc.

Cháu nhảy bổ vào lòng tôi:

– Cháu chào ông trẻ. Ông có khỏe không ạ?

Tôi nâng bổng cháu lên, rồi hạ cháu xuống:

– Cảm ơn cháu! Ông trẻ vẫn khỏe. Còn cháu cứ mỗi năm lên đây, ông lại thấy cháu như ăn nhầm phải bột nở ấy. Cao bằng bà rồi đây này.

Cả nhà cùng cười giòn giã. Bà Quyền hào hứng nói:

– Ấy, ông cứ quở cháu thế. Cháu lại bé đi mất!

– Nghe nói cháu bị con Múc làm cho sợ hãi, phải không?

Cháu Quỳnh cười như nắc nẻ:

– Cháu chả việc gì phải hãi con Múc cả – Cháu ghé sát tai tôi, thì thào – Rồi cháu sẽ kể mọi điều về con Múc cho ông trẻ nghe. Chứ mỗi lần nhắc đến con Múc, ông ngoại cháu ghét lắm!

Thiếu tướng Quyền quát to:

– Quỳnh, mày nói gì ông phỏng?

Cháu Quỳnh vội vàng “không ạ” rồi lẻn ra nấp sau lưng bà. Bà Quyền xót cháu, cằn nhằn chồng:

– Khiếp cho ông! Làm cháu mật xanh mật vàng chạy cả lên mắt thế này này – Bà quay sang phía tôi, cười – Lên đây, ông giúp tôi một tay, cạo cho ông ấy bớt cái nóng nảy đi.

Ông Quyền hỏi vợ:

– Cạo tôi? Cạo đầu tóc, hay cạo râu ria?

– Cạo cái cặp mắt gườm gườm của ông ấy!

Ông già cười khà khà.

Một chút xung đột ý kiến không làm sứt mẻ tình bầu bạn giữa chúng tôi. Chỉ vài câu chuyện vui vui, hoặc vài ván cờ là tất cả sẽ qua đi như mưa rào ngày hạ. Nói chung thì, theo ý tôi, Nguyễn Hồng Quyền là một người biết chơi đẹp, biết ăn ở, biết cư xử. Trên đời còn nhiều những mẫu người đáng chán hơn; hãnh hợm một cách ngu si, thông thái trong tưởng tượng, hào phóng có điều kiện, và ngủ say li bì trên hào quang giả trá.

Chúng tôi đi bơi, đi câu cùng nhau. Ông dắt tôi đi xem tận mắt những máy ép mía do ngựa kéo, rồi máy ép dầu lạc, dầu sả. Ông còn dự định chế tạo một loại xà phòng dùng nguyên vật liệu địa phương. Tôi vui mừng và chúc mừng ông về tất cả mọi điều ấy. Ở ông hiện rõ những ham muốn vật dục chủ nghĩa. Nhưng, dẫu sao cũng là còn muốn làm việc, còn muốn sáng tạo, muốn sinh lợi. Thế chẳng có ích cho đời hơn là chỉ ngồi ôn lại quá khứ hào nhoáng đã xa xôi sao?

Duy có điều tôi mong được biết là kế hoạch vây bủa con Múc. Ông già chỉ tinh quái, lim dim mắt, cười ruồi, rồi lảng sang chuyện khác. Tôi làm sao yên tâm được. Tôi biết rằng chỉ khi nào găm đủ cả băng đạn vào mình con Múc, ông Quyền mới có thể ăn ngon ngủ yên. Lay chuyển ý định phi lý trong đầu ông thiếu tướng, có lẽ còn khó hơn vần đá tảng ngược tới Ba Vì.

Người được gặp gỡ con Múc nhiều nhất lại chính là cháu Quỳnh.

Chuyện đáng buồn xảy ra với con Múc khiến cháu giận dỗi ông ngoại. Cháu khóc liền mấy ngày, bỏ ăn mất ba bữa, và ngẩn ngơ thương tiếc không lúc nào nguôi.

Hơn nửa năm sau. Một hôm cháu lên đồi kiếm sim chín và hoa rừng thì bất ngờ cháu gặp con Múc đứng ngay trước mặt cháu và ve vẩy đuôi chào mừng. Quỳnh không tin vào mắt mình nữa. Cháu nhìn chó, sợ hãi. Con Múc lông lá sồm soàm, bẩn thỉu và dữ tợn quá. Thấy con thú cứ ngoáy tít đuôi mãi, cháu bạo dạn hỏi nó:

– Mày có phải là Múc không? Nếu là Múc thì lại đây với mình! Nào!

Nói xong cháu ngồi xuống, giang hai tay ra. Con Múc xô vào người Quỳnh hơi mạnh, làm cháu suýt ngã ngửa ra. Đôi bạn thân thiết ấy, làm mọi cử chỉ có thể làm để tỏ tình thương nhau. Con Múc hôi tanh nồng nặc, nhưng Quỳnh cứ để mặt nó liếm lên má, lên tóc cháu. Cháu ứa nước mắt, hỏi nó:

– Bạn ở rừng sâu à?

-!

– Bạn có khổ với lũ hổ báo không?

-!

– Bạn có bị đói luôn không?

Con chó chỉ biết rít ứt trong họng, cà sát bộ lông vào người cô chủ của nó. Phải nửa tiếng sau, Quỳnh mới buồn rầu rời chó.

– Bạn không về được đâu. Ông mình sẽ giết chết!

Con chó hiểu ý ấy. Nó oẳng nhẹ một tiếng. Đôi mắt của nó nhoáng ánh lửa, ve vẩy đuôi một lần nữa, liếm bàn tay Quỳnh một lần nữa, rồi băng vút về rừng.

Từ đó, cứ cách vài buổi, cháu Quỳnh lại lên đồi sim một lần. Lần nào con Múc cũng đợi sẵn. Mỗi lần vậy, đôi bạn lại trìu mến ve vuốt nhau, rồi lại bịn rịn chia tay.

Nếu tôi là một cây bút giàu sức tưởng tượng và không biết kiềm chế, tôi sẽ lợi dụng đặc thù của văn chương mà viết vài đoạn thật hay. Tôi sẽ thêu dệt rằng: Một lần cháu Quỳnh gặp gấu ngựa ở trong rừng, con Múc đã tung hết sức lực ra để vật lộn với gấu cứu cô chủ. Hoặc giả là: Có lần cháu Quỳnh bị trăn quấn. Con Múc đã bật vọt lên cao. Khi buông mình rơi xuống nó ngoạm đúng “thất thốn” là tử huyệt của giống trăn. Nó cắn xé đến nỗi con trăn phải từ từ nới bỏ vòng quấn, cô chủ nó thoát nạn. Cũng có thể lãng mạn hơn, tôi viết rằng: Có lúc người và chó ngồi dưới ánh trắng bên bờ suối, rồi con Múc rúc lên lanh lảnh từng hồi, gọi bạn tri âm của nó cùng một đàn chó xinh xắn ra chào mừng cô chủ.

Nhưng bởi vốn có tính thận trọng một cách hủ lậu, tôi không thể bịa đặt như vậy. Về mối quan hệ lạ lùng kia, tôi chỉ có thể nói thêm điều này. Một lần, cháu Quỳnh bị cảm cúm nặng. Hơn chục ngày liền, cháu không thể ra đồi sim gặp con Múc. Nửa đêm cháu nghe thấy có tiếng cào cửa quen thuộc. Cháu vui mừng chạy ra tháo chốt cài. Con Múc tọt vào, âm thầm quấn quýt cháu Quỳnh. Không may cho nó, con Tuýt và lũ chó săn kia phát giác đã sủa nhặng lên, rồi chặn kín cửa ra vào. Con Múc nhe nanh xông thẳng vào con Tuýt như một ánh chớp. Con Tuýt không ngờ rằng con Múc đã biến đổi mạnh mẽ dữ dội nhường ấy. Bị cắn xoạc bả vai, nó lăn ra sủa rống lên. Bày chó kia kinh hãi không dám nhúc nhích. Con Múc nhảy vọt qua đầu lũ chó săn, biến vào đêm tối.

Ông Quyền đã gạn hỏi cháu gái đủ điều. Cháu Quỳnh chỉ khóc thút thít, không hé lấy nửa lời. Ông liền tuyên bố với cả nhà:

– Con Múc lọt vào trại để trả thù. May có con Tuýt không thì cái Quỳnh bị xé xác ra rồi. Từ nay cả nhà phải cẩn thận lưu ý. Cái giống chó đã thù là thù dai lắm đấy!

Ông băng bó vết thương cho con Tuýt, ban thưởng cho nó khá hậu hĩnh: một ký thịt nai rất tươi.

Dù sao trẻ thơ vẫn là trẻ thơ, ông cháu vẫn là ông cháu. Cháu Quỳnh sợ tính ông nghiêm nghị, giận ông xử nặng con Múc, nhưng nó vẫn rất yêu ông ngoại. Ông cháu làm lành với nhau, thân thiết với nhau vì sợi dây huyết thống bí ẩn ràng buộc.

Vào dịp rằm tháng tám, ông Quyền dùng xe máy đưa cháu Quỳnh đi Hà Nội sắm đồ chơi trung thu cho các em nhỏ. Ông còn đưa cháu đi vào lăng viếng di hài Bác Hồ. Cháu sung sướng. Cháu hớn hở. Trong một phút bồng bột hồn nhiên. Cháu nũng nịu vòi vĩnh ông ngoại:

– Ông ơi, ông cho cháu đón con Múc về nhé?

– Ừ, ông đồng ý, nếu cháu tìm thấy nó?

– Cháu tìm được thì sao nào?

Ông thiếu tướng cười phì:

– Đến mười cái thằng bố mày, đến mười cái thằng ông mày cũng chả tìm nổi, nữa là…

Qua vẻ mặt và ánh mắt của cháu gái, ông chòm trại dường như phát hiện ra điều gì. Ông bèn gặng hỏi cháu gái:

– Cháu thấy nó rồi phải không?

– Vâng ạ.

– Ở đâu?

– Nhưng ông phải hứa với cháu là không giết nó cơ.

– Ừ, ông hứa!

Cháu gái hào hứng kể cho ông ngoại nghe hết mọi điều đoạn kết luận:

– Cháu thấy là nó, con Múc ấy, nó chẳng có lỗi gì đâu ông ạ.

– Nó ăn gà, ăn dê, ăn lợn…

– Cháu chả thấy tận mắt khi nào. Nhà mình có nhiều chó hư. Sao ông chỉ nghi ngờ mình nó thôi?

– Nó không vâng lệnh. Nó không chịu sai khiến như con Tuýt, thế cũng là tội to rồi. Những quân bướng, cần phải nghiêm trị.

Ngày hôm sau cháu Quỳnh lên đồi sim với con Múc. Ông già chòm trại lặng lẽ xách súng đi theo cháu gái, cách chừng ba trăm mét. Cháu Quỳnh không thấy con Múc đâu. Còn ông già thì thoáng thấy. Tuy không nhìn rõ hình thù nó, song ông thấy các bụi sim lay động ràn rạt, ông biết rằng con Múc đã nhìn rõ ông. Nó chuồn biến như tăm cá mất hút dưới đáy sông. Cháu Quỳnh hoàn toàn không rõ gì về việc ông nó đi theo mé sau cả.

Những lần sau, mỗi khi cháu Quỳnh lên đồi sim, ông già thường gói cho cháu một ít thịt rán tẩm bột, bảo đem cho con Múc. Cháu gái cảm động ứa nước mắt, tưởng rằng ông ngoại đã thực sự hồi tâm chuyển ý, sẽ cho đón con Múc về. Còn ông già cũng rất vui sướng khi cháu gái khoe với ông rằng con Múc đã ngốn sạch sành sanh gói thịt rán, đến nỗi không còn tí mỡ dính lá chuối.

Một buổi chiều, tôi sang làng Ngọc Nhi, thăm mấy người bạn cũ trở về. Vào đến sân, tôi ngạc nhiên khi trước mắt tôi là quang cảnh sửa soạn đi săn: người ngựa, súng ống, dây chão và đòn khiêng. Bày chó săn ngồi thành vòng tròn chờ đợi chủ. Con Tuýt lăng săng chạy đi chạy lại. Nó ve vẩy đuôi, đứng nghếch nghếch mắt nhìn chủ, chờ đợi sai khiến, hoặc đi giám sát từng con ngựa, cứ y như là một viên phó quan của cuộc săn vậy.

Thiếu tướng với vẻ mặt đỏ gay, cặp mắt lóng lánh có nhiều sợi lông mày bạc trắng cong rủ xuống quanh mi. Mỗi lần mở cuộc săn bắn, ông thường có vẻ say sưa, kích động như vậy.

Tôi hỏi lại ông:

– Săn gì vào cái giờ chiều này?

– Chó rừng!

– Con Múc phải không? Anh miễn cho tôi can dự vào cuộc sát phạt này nhé.

– Không được! Anh phải tận mắt thấy tôi sẽ chiến thắng sau hai ba lần thất bại.

– Bạn ơi, anh cầm chắc thắng lợi đến thế nào?

– Như cầm tỏi gà trong tay vậy.

Lòng tôi buồn rầu, nhưng tính tò mò thúc giục. Vả chẳng, tôi muốn xem sẽ kết thúc ra sao, cái trò quái gở giữa một bên quyết ý tìm diệt và một bên tinh quái né tránh. Chúng ta, con người, loại động vật cao cấp nhất, nhờ có hai bàn tay lao động đã phát triển được trí thông minh. Nhưng sau khi rời bỏ rừng sâu, tiến về đồng bằng, xây dựng nên những trung tâm văn hóa, chúng ta đã quay lưng lại, đã phũ phàng và độc ác với rừng sâu. Chúng ta đã tàn hủy cái nôi sinh ra mình. Chúng ta đã săn bắn, tiêu diệt các sinh vật còn nương tựa vào rừng, mà ngu ngốc không hiểu rằng chúng ta đã tàn hủy tự nhiên và phá hoại thế cân bằng sinh thái. Các sinh vật, dữ và lành, tồn tại được nhờ rừng rậm. Rừng rậm tồn tại và phát triển được cũng đã nhờ sự sinh sôi của muông thú. Và cuối cùng, nếu muông thú và rừng rậm không tồn tại nữa, thì làm sao chúng ta có thể tồn tại được?

Thuở xa xưa, con người sống đơn giản hơn. Người ta chỉ biết rằng điều quý nhất ở trên đời là mưa nắng trăng sao, điều quý ở dưới đất là ngũ cốc dồi dào, điều quý ở trong nhà là cháu thảo con hiền. Nhưng ngày nay, điều quý lại là châu báu vàng bạc, là uy thế lộng quyền, là sát phạt muông thú và sát phạt lẫn nhau. Hôm qua tôi đau đớn anh đấm tôi. Ngày hôm nay, tôi sung sướng được hành hạ nó. Ngày mai nó hả hê vì trừng trị kẻ khác… Một cơn lốc luẩn quẩn xoáy sâu vào ngõ cụt. Biết bao giờ mới tỉnh ngộ, mới tháo gỡ, mới đồng cảm và yêu thương?

Đoàn săn bắn rầm rập phóng lên đồi sim. Tôi và ông thiếu tướng sóng vai nhau. Cậu Quý và người anh rể vòng ra mé sau đồi. Con Tuýt ngông cuồng hăng say dẫn đầu đàn chó – những con chó có hình thể tuyệt đẹp, băng băng nhảy nhót giữa các làn cây bụi cỏ.

Chỉ chớp nhoáng sau, gọng kìm vây bủa đã xiết chặt quả đồi. Tôi kinh hoàng khi thấy cháu Quỳnh đang ngồi khóc. Con Múc nằm duỗi thẳng cẳng dưới chân cháu.

Cháu Quỳnh chạy lại bên ông ngoại khóc nức nở:

– Ông ơi, ông. Con Múc ăn xong gói thịt là nó lăn ra. Nó sắp chết mất rồi. Làm sao lại thế, hả ông?

Ông già cúi xuống an ủi cháu gái:

– Không sao đâu, nó không thể chết được. Thuốc ngủ chỉ vừa liều lượng thôi mà.

– Ông trộn thuốc ngủ vào thịt…? Trời ơi…

Con chó rừng mềm rũ rượi. Song đôi mắt rực lửa của nó vẫn trừng trừng ngắm nhìn tất cả. Nó hiểu rằng nó đã bị bịt hết mọi ngách sống. Thuốc ngủ liều cao làm tê liệt thần kinh và gân cốt nó. Nhưng từ nơi xa xăm nào không rõ, có thể là từ rừng sâu, có thể là trong từng tế bào máu, nảy sinh ra một ý chí mãnh liệt giục nó phải vượt lên, phải sống còn. Nó rống to lên một tiếng, vọt mình lên, phóng cẳng lao đi.

Lập tức con Tuýt đuổi sát mé sau. Con Múc vừa chạy vừa ngã. Nó lồm cồm bò dậy, được vài bước lại ngã rúi rụi. Cuối cùng không chạy nữa, nó quay phắt lại, nhe bộ răng nanh ghê gớm, chờ đợi. Con Tuýt và cả bầy chó đã hiểu sức mạnh khủng khiếp của con Múc, chỉ chờn vờn nhảy nhót ở khoảng xa, không dám tiếp cận.

Để khỏi mất thì giờ, ông chòm trại nâng nòng súng AR15. Một loạt đạn ngắn gọn rít lên, hòa cùng một tiếng thét xé trời đất của cháu Quỳnh. Con Múc lăn ra đất, không chút giãy giụa. Nó nhận đủ cả băng đạn từ cổ trở xuống. Máu nó xối tuôn, đỏ sẫm cả bộ lông đen. Đôi mắt nó mở to, vẫn màu lửa nhưng dịu hơn, trong đó có nhoáng lồng ánh mây trắng, trời xanh, rừng sẫm và ngọn Ba Vì uy nghi mầu tím đậm.

Có lẽ đã được huấn luyện đầy đủ, nên, khi con mồi gục xuống rồi, bày chó săn đua nhau lăn sả vào, mỗi con đợp cho con Múc một miếng để làm vui lòng chủ, với dáng dấp bẩn thỉu hèn mạt quá chừng.

Cháu Quỳnh chạy đến cạnh tôi. Thấy quanh cảnh thương tâm ấy, lòng dạ trẻ thơ không chịu đựng nổi. Cháu lả đi trong vòng tay tôi. Không rõ phải tôi hoa mắt hay bị hoang tưởng, tôi thấy vầng trán mịn màng của cháu bỗng như gợn nhiều nếp hằn sâu, còn mái tóc xanh đen của cháu bỗng như bạc trắng đi.

Thiếu tướng tiến lại, kéo vai áo tôi:

– Về thôi, anh. Cháu Quỳnh làm sao thế?

Tôi nói như mình trong mộng:

– Anh bắn giỏi thật đấy. Một cú “đúp” tuyệt vời! Anh hạ sát cả con Múc lẫn cháu Quỳnh.

Ông chòm trại bàng hoàng, kêu lên:

– Bậy nào! Không thể thế được. Cháu Quỳnh có làm sao không?

Tôi nâng cháu Quỳnh lên, đi về phía con ngựa, đoạn nhảy lên yên:

– Tôi đưa cháu Quỳnh về trước đây. Ông cứ yên tâm. Thân thể cháu Quỳnh vẫn nguyên vẹn. Nhưng băng đạn mà ông bắn vào lòng nhân ái, vào tình yêu thiên nhiên của cháu Quỳnh thì không thể nào cứu chữa nổi.

Tháng 8 – 1988

Nguyễn Dậu


Vài hàng về tác giả :


Nguyễn Dậu (1930-2002). Ông tham gia cách mạng giải phóng dân tộc từ 1946, từng là chiến sĩ pháo binh, sau năm 1954 làm việc trong Phòng Văn nghệ thuộc Tổng cục chính trị, biên tập viên báo Văn Nghệ, cán bộ Sở Văn hoá Hà Nội, rồi làm thợ cắt tóc, rồi giải chiếu bán giày dép rong ở bên đền Ngọc Sơn, thấy công an hay quản lý thị trường từ xa thì... chạy. Một văn tài ít được nhắc đến.

(Theo Facebook của Vũ Thư Hiên)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss