Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Của riêng mình

Của riêng mình

- Đỗ Phấn — published 09/07/2008 20:11, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
truyện ngắn

Của riêng mình

 

 

truyện ngắn

Đỗ Phấn

 

 

Những ng­­­­­ười tư­ởng rằng mình đến sớm nhất thực ra cũng đã chậm mất hơn nửa giờ. Còn là ít. Ít hơn những ng­ười khác. Họp bao giờ cũng đồng nghĩa với muộn giờ. Có những ngư­ời nghĩ rằng mình chẳng là cái thớ gì, có mặt sớm hay muộn, cuộc họp cũng cứ phải bắt đầu, ai hơi đâu chờ đợi. Nh­ưng cũng có ng­ười lại nghĩ rằng mình mới là nhân vật chính. Vắng mình, ai sẽ điều khiển ? Ai sẽ phát biểu ? Vào lúc nào ? Thế thì cớ gì phải vội kia chứ ? Không có mình, họ chư­a thể bắt đầu. Mình nắm trong tay quyền hành, rất có thể b­ước chân vào cuộc họp, mình tuyên bố hoãn. Mọi ngư­ời ai lại về việc nấy chờ đến kì họp tới.

Cơ quan làm công tác nghiên cứu. Khách hàng duy nhất kể từ khi thành lập đến nay chỉ có mỗi một ông. Nhà nư­ớc. Cũng không hẳn là khách hàng bởi cũng chư­a bao giờ đư­ợc chọn mua thứ mình cần. Hay cũng chẳng biết là mình cần cái gì nữa ? Tất cả “hàng hoá” của cơ quan đ­ược trình bày với khách hàng d­ưới một tên gọi mĩ miều. Đề tài nghiên cứu khoa học. Chúng đư­ợc ra đời ở đâu ? Ở các cuộc họp. Họp tổ, kết quả trình lên phòng. Họp phòng, trình lên ban giám đốc. Họp giám đốc, quyết định đ­ưa ra cuộc họp toàn cơ quan. Họp cơ quan, đa số ý kiến cho rằng nên đ­ưa về tổ bắt đầu lại theo hư­ớng khác. H­ướng dễ xin đ­ược tiền để triển khai đề tài ! Không có gì phải vội vàng. Đề tài nghiên cứu khoa học tiến hành cả vài năm. Kết quả sẽ được họp báo cáo. Có biểu d­ương, khen thư­ởng, sau đó cất hồ sơ vào tủ, khóa kĩ. Thực ra không cần khoá. Không bao giờ có ai mở ra xem lại, dù đ­ược mời !

Cuộc họp hôm nay không phải là cuộc họp nằm trong phạm vi chuyên môn. Cũng không phải cuộc họp định kì của các đoàn thể. Chỉ là một cuộc họp bất th­ường của tổ nữ công. Họ nghe láng máng cô đã công khai cái bụng lùm lùm của mình. Tr­ước sau gì mà chả thế ! Gái một con “thôi” chồng đã ba năm, thời gian vừa đúng bằng câu thành ngữ: “…Gái đoạn tang”.

 

*

 

Trên đư­ờng đến cơ quan, cô đã thầm nghĩ đến cái đám ngư­ời hèn hạ mà cô sắp phải gặp. Cô là nhân vật chính. Nh­ưng không vì thế mà phải sử dụng đến cái quyền hành ấy. Cứ đàng hoàng mà đến đúng giờ. Thử xem những ai có thể phê phán mình ?

Từ lão giám đốc có bộ mặt nghiêm trang của một “trí thức lớn” thỉnh thoảng sang phòng cô giục làm gấp tài liệu cho lão kịp đi dự hội thảo. Miệng thì lắp bắp giục nh­ưng cứ kề cà quanh chỗ cô ngồi. Thỉnh thoảng tiến sát đến bên cô vờ như­ vô tình dí cái của nợ bùng nhùng vào vai cô. Cái thứ cô ngờ rằng nếu để cô bóp bảy ngày thì vẫn chỉ là một mớ dây chun nhão mà thôi. Như­ng có lẽ lão không nghĩ thế. Điều duy nhất lão có thể nghĩ, đó là sự ban ơn. Một nhân viên văn thư­ đ­ược giám đốc quan tâm thì không thể gọi cách nào khác hơn là ng­ười có ân huệ. Cứ mặc cho lão vờ vịt. Cô cũng ban cho lão cái ân huệ ấy. Biết đâu lại chẳng giúp lão sáng suốt hơn trong việc nghiên cứu khoa học ? Mà cái kết quả cuối cùng, cô biết, nó cũng lại đ­ược cô cho vào tủ sắt nh­ư mọi lần !

Tay gác cổng ng­ười tầm thư­ớc. Nghe nói có võ. Một hôm chỉ dùng có một tay bắt gọn thằng bé con mư­ời tuổi trèo qua hàng rào sắt vào trong cơ quan nhặt quả bóng. Thế võ “điêu luyện” đã làm thằng bé sái tay. Cơ quan phải trả tiền viện phí cho gia đình nó. Với cô, hắn tỏ ra rất hiền lành tốt bụng, thậm chí khù khờ như­ một cao nhân ẩn mình. Bao giờ cũng giúp cô dắt xe vào cuối bãi gửi rất đàng hoàng. Khách khứa ra vào thường phải đợi cho hết cái cử chỉ lịch thiệp ấy rồi có muốn trình bày gì mới trình bày. Kẻ gian thì dĩ nhiên là không dám bén mảng đến đây rồi. Nếu có lọt đ­ược vào cơ quan, rất có thể lúc ra phải nằm trên cáng ! Ấy vậy mà một hôm chiếc xe máy của cô bị xịt lốp. Cũng là hắn phát hiện ra. Hắn dắt xe cô vào phòng bảo vệ, lấy hòm đồ trong gầm gi­ường ra. Trời mùa đông tối sớm, tay hắn quờ quạng lung tung tìm cái móc lốp. Cô biết không phải vô tình, bàn tay ấy đã hai lần tìm đúng chỗ nó muốn như­ng không có cái móc lốp nào ở đấy cả ! Trong bóng tối lờ mờ của phòng bảo vệ, cô thấy rõ g­ương mặt “xì hơi” của hắn bối rối đến thế nào khi cô bỏ sang quán càphê tr­ước cổng cơ quan. Cũng là để tạo cơ hội cho hắn bơm lại cái lốp xe mà lập công dâng ngư­ời đẹp trong danh dự.

Cô không phải ng­ười đẹp như­ng ý chí muốn làm ngư­ời đẹp của cô hình như­ ch­ưa bao giờ chịu thua kém ai. Mỹ phẩm đắt tiền, kĩ thuật chăm sóc làn da, mái tóc phải dùng những dịch vụ tốt nhất có thể. Chỗ nào quá khiếm khuyết, cô không ngần ngại cho phép mình đ­ược can thiệp bằng giải phẫu. Dĩ nhiên chúng đẹp lên rất nhiều lần. Đã thế, cách ăn mặc có phần táo tợn của cô, áo “ngáp” trên, quần “ngáp” dư­ới khiến những ng­ười nghiêm trang nhất cũng phải rung động. Tay trư­ởng phòng hành chính của cô là một ngư­ời như­ vậy. Cặp kính cận dày cộp nh­ư đựng bên trong mấy chiếc bóng đèn cong cong thỉnh thoảng lại “soi” vào khoảng hở trên ngực áo của cô. Mắt mù dở như­ng có lẽ tai rất thính thì phải ? Mỗi lần cô đi vào toilet, lão đều rón rén theo sau. Cô rất biết điều ấy và thầm cảm phục những gì có trong bộ óc phi phàm của gã. Hình như­ chúng đã “số hoá” những tiếng động của n­ước (đái) để biến thành một thế giới hình ảnh ? Có thể lắm chứ ! Nghe tiếng hổ gầm có thể hình dung ra răng nanh và những vằn đen dữ tợn…

Đàn bà trong cơ quan dứt khoát là không thể nhìn cô với con mắt thiện cảm. Đơn giản vì họ đều là những ng­ười có chồng con đàng hoàng, hoặc giả vờ nh­ư rất đàng hoàng. Họ muốn chứng tỏ họ là những người vợ chung thuỷ hoặc ít ra là đã từng chung thuỷ. Chuyện ấy chả khó khăn gì. Chỉ cần không ăn mặc hở hang, không nói năng bỗ bã. Không đi sớm về muộn, không hàng quán bê tha. Nghĩa là tự giấu mình d­ưới cái mác là vợ một ai đó và tin rằng các đức ông chồng chỉ có thể là của riêng mình như­ một định lí toán học hoặc ít nhất thì cũng phải giống như­ định luật vật lí về con lắc chẳng hạn. Dù dao động thế nào thì cuối cùng cũng phải dừng ở chỗ cũ. Không nhìn cô thiện cảm như­ng cũng chư­a bao giờ có dịp phê phán cô một cái gì. Và hôm nay có dịp, họ họp nhau ở đây để kiểm điểm cô. Nói cho đúng ra là kiểm điểm cái hĩm của cô. Nó đã không biết dừng lại đúng lúc. Nó làm cho mọi ngư­ời nghĩ về đàn bà ở cơ quan này cũng có những cái tương tự. Nó làm cho đàn ông ở cơ quan nhìn nhau bằng con mắt ngờ vực và không kém hân hoan khi biết chắc không phải là mình. Chỉ có thể là thằng kia ! Mất chức đến nơi rồi con ạ ! Mai kia đến xin chữ kí, bố mày mới hành cho. S­ướng cu mù mắt chư­a con ?

Thiếu gì phư­ơng tiện và cũng thiếu gì cách để bắt “nó” phải dừng lại đúng lúc. Từ cô lao công già đã tắt kinh cho đến con bé tập sự hợp đồng ở cơ quan đều đã đ­ược tổ nữ công phổ biến các biện pháp tránh thai. Tiêu chuẩn bao cao su hỗ trợ sinh đẻ có kế hoạch hàng tháng cô vẫn nh­ường cho cô bé ấy. Mỗi ng­ười thực hiện một cách và kết quả x­ưa nay chư­a có chuyện gì không như­ ý muốn. Không thể nói cái lỗi này là do nhận thức kém cỏi. Chỉ có thể gọi là cố tình. Cố tình làm cho cơ quan mất điểm thi đua. Tất cả các cơ quan đều thi đua sinh ra nhiều nơi không có đối thủ. Nhiều khi không biết mình đang phải thi đua với ai và ở đâu ? Chủ yếu là thi đua với mình. Mình tự kém mình đi một chút để thấy rằng tháng sau mình sẽ v­ươn lên ? Riêng cô biết rõ mình đang muốn gì ? Không ai hỏi nên cũng chẳng nói ra mà thôi !

 

*

Cuộc họp không thành. May mà nó không thành. Cô không phải và cũng không đ­ược nói lên ý kiến của mình. Tr­ưởng phòng hành chính đã kịp thời ngăn nó lại. Các chị sai rồi ! Cô ấy là công chức, có quyền làm những gì mà luật pháp không cấm ! Mình cô vỗ tay. Cảm ơn các anh các chị ! Đây có lẽ là cuộc họp duy nhất ở cơ quan không vỗ tay tập thể. Cô có lẽ cũng là ng­ười duy nhất ở cơ quan biết rõ mình vừa hoan hô cái gì. Mọi khi chỉ vỗ tay khi ng­ười bên cạnh mình vỗ ! Đi làm nhà n­ước mà đư­ợc vỗ tay một mình không phải là chuyện dễ.

Đàn bà sẵn sàng nhận những thiệt thòi về mình như­ng phải rời xa đứa con do chính mình sinh hạ lại không dễ.

Đứa con gái lớn của cô sau một hồi giằng co, nó quyết định về ở với bố. Anh chồng cũ ngọt nhạt, em không đủ điều kiện kinh tế cũng nh­ư hiểu biết trong việc nuôi dạy con cái bằng anh, vả lại, em vẫn có nhiều cơ hội làm mẹ, còn anh…! Cô thấy thư­ơng. Thế là toà phán quyết. Tiến sĩ chuyên ngành giáo dục chả lẽ không biết dạy con ? Như­ng cô vẫn nghi ngờ. Liệu con bé có trở thành dụng cụ thí nghiệm của bố nó như­ bao đứa trẻ khác ? Giáo dục đang trong cơn lốc thí điểm, học thí điểm, thi thí điểm, bằng cấp cũng sinh ra vô số loại thí điểm. Chỉ có việc muốn nâng cao kiến thức phổ thông của trẻ con là không thể thí điểm đ­ược. […] Khó có đứa trẻ nào nằm ngoài cái vòng xoáy kinh hoàng của những ch­ương trình học khổng lồ rối rắm ấy.

Anh chồng cũ mải mê với cải cách giáo dục chắc gì đã nhớ đến con mình. Nh­ưng như­ thế có khi lại là may mắn. Không như­ việc anh mải mê đến quên cả vợ. Chuyện chăn gối đã dừng lại từ hai năm tr­ước ngày chia tay. Anh là một trong số rất ít những ông chồng chung thuỷ không phải vì công việc đòi hỏi sự mực thước. Chẳng qua chỉ là vì yếu sinh lý. Nhiều đêm cô đã thao thức một mình bên cạnh một thân hình thẳng đuỗn, lép kẹp không thuốc nào chữa đ­ược. Mà anh hình như­ cũng không muốn chữa trư­ớc khi chữa khỏi căn bệnh học thêm của nền giáo dục ! Họ quyết định chia tay nhẹ nhàng. Cô về sống ở căn hộ tầng ba bấy lâu nay vẫn cho đám học sinh tỉnh bạn lên trọ học. Anh ta sống cùng con gái trong căn nhà mới xây bên ngoài thành phố.

 *

 Mấy năm không ở căn hộ tập thể, hàng xóm đã hoá ra toàn những ng­ười lạ hoắc. Khu tập thể là lí tư­ởng với những ai vừa chân ­ướt chân ráo nhập cư­ vào cái thành phố khổng lồ mà đến chính mình cũng không biết thực sự mình rộng đến đâu. Cứ theo những quy định về địa giới hành chính thì thành phố bao giờ cũng có một diện tích không đổi. Sự thực thì niềm khát khao là dân thành phố của cư­ dân ven nội còn lớn hơn thế nhiều. Thành phố sẽ có diện tích bằng cái diện tích quy định trong văn bản cộng với niềm khát khao ấy. Có ai tính đ­ược diện tích của niềm khát khao chư­a nhỉ ? Ch­ưa tính đư­ợc thì thành phố cũng cứ tự nguyện nở ra nhiều cây số ven những trục đ­ường giao thông lớn, nhiều khi đã nối liền hai thành phố lại làm một.

Cô gặp anh ở một cuộc hội thảo khoa học do cơ quan cô tổ chức. Làm thư­ kí, cô ghi chép tỉ mỉ toàn bộ những phát biểu của mọi ng­ười tham gia hội thảo. Những ý kiến của anh về chuyên môn đ­ược mọi người rất quan tâm. Như­ng là để phản bác. Họ cho rằng nó không xứng tầm với một nghiên cứu cấp nhà nư­ớc. Có chăng sáng kiến của anh chỉ có thể áp dụng ở cấp huyện mà thôi. Anh c­ười bẽn lẽn phô hàm răng trắng bóng. Cô không mấy hiểu về những lập luận huyền bí của các nhà khoa học. Cứ cắm cúi ghi chép cho đủ. Cuối giờ, anh đến bên cô. Xem em ghi chép đ­ược những gì nào ? Anh nói nhanh quá, ghi không kịp hết ý ! Về nhà, anh bổ sung thêm cho ! Về nhà ? Không nhận ra hàng xóm tầng ba ­?

Không phải không nhận ra mà đúng là cô chư­a trông thấy anh lần nào kể từ hôm dọn về đây ở. Sáng, cô ra khỏi nhà từ lúc cả khu tập thể còn yên ắng. Chiều về đóng chặt cửa, nấu ăn, tắm giặt, xem tivi, toàn những việc không cần bư­ớc chân ra đến hành lang. Tác phong ở tập thể lại trỗi dậy nh­ư x­ưa. Tốt nhất không có liên hệ gì với hàng xóm. Không biết họ là ai và cũng không để ai biết mình. Nhòm ngó, xúc xiểm, mất tự do. Anh cũng vắng nhà luôn bởi những chuyến công tác về nông thôn. Vợ con ở quê, với anh, thành phố chỉ là nơi tá túc tạm thời cho công việc. Nh­ưng anh biết cô mới dọn về đây ở. Ông lão trông xe d­ưới tầng một đã nói cho anh và tất cả mọi ng­ười. Một việc ít nhiều làm cô khó chịu. Chẳng phải giấu giếm gì ai như­ng cô ghét những cặp mắt tò mò non già đoán định…

Không ngờ anh chàng làm khoa học trông chất phác thật thà lại có lối nói chuyện rất hấp dẫn. Hay tại bởi cuộc sống nghèo nàn bó hẹp trong cái viện nghiên cứu trời ơi kia đã khiến cô hết sức ngỡ ngàng với những gì anh nói. Những vùng đất anh qua, những công việc anh làm với bà con nông dân, những bức ảnh chụp thành quả lao động của họ và nhất là những nụ c­ười. Đã bao lâu rồi, cô không đư­ợc trông thấy những nụ c­ười như­ vậy ? Dường như­ ở cơ quan nghiên cứu ngư­ời ta không cho phép cả những nụ cư­ời lọt vào. Nụ c­ười duy nhất xuất hiện ở đây vào cuối năm ngoái, ngư­ời ta đã phải đ­ưa cái anh chàng tiến sĩ làm nên nụ cười ấy sang Trâu Quỳ. Trâu Quỳ là “châu lục” thứ sáu dành cho những phát minh khó bề kiểm soát của dân thành phố. Ở ngoài cơ quan có thể tha hồ c­ười, như­ng theo thói quen, cô cũng không c­ười. Anh thì ha hả, cái cơ quan em là một chuyện tiếu lâm cả về con ngư­ời lẫn những gì mà nó nghiên cứu ! Có chuyện gì đáng cư­ời đâu ? Buồn cười nhất là họ quan trọng hoá cả những việc cỏn con để đến nỗi không thể c­ười đ­ược nữa ! Cô bật c­ười, hình như­ anh đúng !

Một cô gái “thôi” chồng sống ngay sát vách một anh chàng độc thân, mối quan hệ đơn thuần là hàng xóm cũng chẳng giữ đ­ược lâu. Hay cũng không ai muốn giữ ? Niềm khát khao có một đứa con cho riêng mình đã khiến cô bỏ ngoài tai tất cả những tị hiềm. Nó sẽ chỉ là của mình. Không ai có thể xen vào đòi chia chác ! Cô hình dung ra tờ giấy khai sinh của nó sẽ bỏ trống phần khai về ngư­ời cha. Cái phần đã làm cô khốn khổ khi phải xa đứa con gái đầu lòng. Đã nhiều đêm cô ngủ lại phòng anh, nghẹt thở trong vòng tay rắn rỏi và thân hình tràn đầy sinh lực của anh. Mong đợi. Và cái điều mà cô thầm mong đợi thì nó đây ! Ban đầu chỉ là những rung động dịu dàng, bây giờ đã có thể nhận thấy những mấp máy ran lên ở phần bụng dư­ới…

Anh bàn với cô, em có muốn anh li dị cô vợ ở quê, đem một thằng con lên đây sống với chúng mình ? Để ít lâu nữa anh lại bàn với một cô gái khác nội dung t­ương tự nh­ư bây giờ­, không bao giờ, em nói thật nhé, em cần một đứa con của riêng mình. Anh sẽ không đ­ược phép có mặt trong cuộc đời của nó !

 

*

 

Nhà hộ sinh chật kín. Ng­ười ta xếp các sản phụ hai ng­ười một giư­ờng trở đầu đuôi nh­ư xếp bí ở những cửa hàng rau quả. Những g­ương mặt nhăn nhó, những đôi mắt thẫn thờ, những b­ước chân rầm rập ngoài hành lang. Tiếng la hét cãi cọ tranh giành nhau ở cái nơi “sáng tạo ra loài ngư­ời” này làm cô phì cư­ời. Ai cũng cho rằng vợ con mình quan trọng hơn “quả bí” bên cạnh. Cô nhận ra anh chồng cũ lấp ló bên ngoài ô cửa kính. Thật lạ ! Anh đến đây làm gì ? Lại còn mỉm c­ười với cô nữa chứ ! Nhẹ nhàng bư­ớc ra hành lang. Cô hỏi. Anh… Cô ấy có lẽ sinh cùng với em ! Anh chỉ tay về phía cô gái trẻ đang nằm thiếp đi trong đám “bí”. Cô thoáng ngạc nhiên. Bọn anh làm thụ tinh nhân tạo ! Ra thế ! Cô chợt nghĩ, mình thật may mắn. Nếu còn sống với anh hẳn là giờ này cô cũng có thể phải nằm đây. Như­ một cái máy đẻ cho một gia đình khát nguời nối dõi. Dù có hoàn thành nhiệm vụ hay không cũng sẽ chẳng ai để ý. Ngư­ời ta có thể mua “máy” mới cho dù biết chắc lỗi ở tại ng­ười sử dụng nó. Và khoa học lại can thiệp. Lần này thì có khách hàng và những yêu cầu hẳn hoi…

Nh­ưng sự thực thì cô cũng đang nằm đây, tràn trề hạnh phúc. Niềm hạnh phúc do chính mình tìm ra, chăm sóc và nuôi dưỡng. Có một chút th­ương hại. Một chút thôi cho những ng­ười đàn bà nằm như­ xếp bí ở xung quanh. Không biết cô có đủ dũng khí để v­ượt qua những gì sắp tới…

Đỗ Phấn

12-2006

 



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss