Cuộc đời mỗi người là một câu chuyện mà chính mình là tác giả
Cuộc đời mỗi người
là một câu chuyện
mà chính mình là tác giả
Giáp Văn Dương
Thấm thoát đã bảy năm kể từ ngày về nước. Con cùng cả nhà đã vượt qua
nhiều bỡ ngỡ, khó khăn. Còn nhớ, trước ngày về, cả nhà mình đi xem bộ
phim Lord of the
Rings đình đám. Sau đó, bố đưa cả nhà ra vịnh Marina Bay ngắm
trời nước và nói:
– Con xem phim có thấy nhân vật chính bị kẻ thù chế giễu : You belong to nowhere, so you have no power
/ Mi không thuộc về đâu, nên mi không có sức mạnh.
Con vẫn chưa hiểu chuyện gì sẽ xảy ra, nên nhìn bố trả lời : “ Yes, I see / Có ạ ”.
Bố dừng một lát, nhìn ba mẹ con rồi nói : We don’t belong to this country, so we
will come back / Chúng ta không thuộc về đất nước này, nên chúng
ta sẽ trở về.
Thế là con đồng ý trở về. Lúc đó, con vừa học hết lớp 5.
Trở về. Hai chữ thoạt nghe đơn giản vậy thôi, nhưng kèm theo là một
rừng khó khăn. Dù bố mẹ đã hình dung trước, nhưng cũng chỉ được phần
nào. Còn con, hoàn toàn bỡ ngỡ với một cuộc sống mới. Dở dang năm học.
Tiếng Việt còn chưa thạo. Con phải homeschooling một thời gian. Còn bố
mẹ cũng tìm cách để hội nhập và làm một điều gì đó có ý nghĩa. Với một
nguồn lực rất hạn chế…
Bạn bè thấy vậy nhiều người lo lắng và hỏi thăm “ Làm gì để sống ? ”.
Có người cho rằng bố có vấn đề, khi người ta tìm cách cho con đi không
được, còn mình thì lại trở về.
Vì thế, khi thấy cả nhà mình chỉ ở nhà xem phim Hàn Quốc, rồi chơi với
nhau mà không làm gì, nhiều bạn bè của bố mẹ rất lo lắng.
Câu hỏi “ Làm gì để sống ? ” thỉnh thoảng lại được các bạn của bố mẹ
khơi ra. Lúc ấy, bố mẹ chỉ biết bông đùa : Nhà mình có khả năng tự
quang hợp như cây. Cứ 12 giờ trưa cả nhà ra sân đứng nắng 1 giờ là đủ
sống. Tất nhiên là chẳng ai tin, nhưng rồi ai cũng cười xòa và không
hỏi nữa.
Làm gì để sống ? Chưa bao giờ bố mẹ tự hỏi câu đó trước khi trở về. Có
lẽ vì bố mẹ luôn tin rằng, có tri thức, có sức khỏe, thì kiểu gì cũng
sống được.
Để sống thì đơn giản, nhưng để sống có ý nghĩa và vẫn giữ được các
nguyên tắc, các giá trị của mình, thì không dễ chút nào. Có lẽ vì thế
mà mọi người lo lắng.
Rồi thời gian nghỉ ngơi cũng qua đi. Dù muốn hay không, con cũng phải
đến trường. Khó khăn với con lúc này mới thực sự ập đến. Dù bố mẹ chọn
cho con vào học một trường tư thục gần nhà, nhưng con vẫn không thể nào
thích nghi được.
Tiếng Việt không đủ. Chập chững ước vào tuổi teen. Sốc văn hóa. Cách
học ở trường cũng quá khác nhau. Không có bạn bè. Lại bị phân biệt đối
xử….
Tất cả những thứ đó làm con gần như quỵ ngã. Ngày nào con cũng vào nhà
vệ sinh của trường ngồi khóc. Đã có lúc con tự cắt tay (mà sau này con
nói bố mẹ mới biết)...
Sau khi đi học được 2 tháng mà không hòa nhập được, bố mẹ cho con nghỉ
học ở nhà. Họ hàng nội ngoại lại lo lắng vô cùng…
Hoàn cảnh nhà mình lúc đó quả thật là “ bố thất nghiệp, con thất học ”
như thi thoảng mình vẫn bông đùa.
Đến một ngày, con gọi bố vào bếp, vừa nói vừa khóc : I don’t belong to this country, either. So
I want go back abroad / Con
cũng không thuộc về đất nước này, nên con muốn trở lại nước ngoài.
Con ơi, ra đi thì dễ, ở lại mới khó. Biết bao người đã trở về rồi lại
ra đi. Bạn bè của bố mẹ cũng nhiều người trở về rồi lại ra đi như vậy.
Nhưng bố mẹ đã trở về thì không nghĩ đến chuyện ra đi.
Đấy là tôi đã tự nghĩ trước đó thế thôi. Chứ lúc nghe con nói vậy, tôi
cũng xót xa lắm. Còn con trở về không có bạn, không thể hòa nhập được,
đến mức trầm cảm thì cha mẹ nào mà không xót. Nhưng lúc nghe con nói
vậy, tôi vẫn rất điềm tĩnh, nhìn thẳng vào mắt con và nói rành mạch,
như một thỏa ước :
– Cuộc đời mỗi người là một câu chuyện mà chính mình là tác giả. Nếu bố
trở về để viết câu chuyện của bố, thì con cũng phải tự viết câu chuyện
của con. Nếu con muốn đi nước ngoài thì hãy tự đi bằng đôi chân của
con, chứ đừng đi bằng đôi chân của bố.
Con sững sờ và… bừng tỉnh. Nắm chặt bàn tay, con trả lời :
– Vậy con sẽ tự đi !
Thế là con đồng ý đi học trở lại, với mục tiêu sớm hết phổ thông trung
học (PTTH) để trở lại nước ngoài sớm nhất có thể.
Rút kinh nghiệm lần trước, lần này bố mẹ chọn cho con vào học một
trường công gần nhà, là Trường Tô Hoàng, để chỉ phải học một buổi sáng,
còn buổi chiều thì con được tự do làm thứ con thích.
Bố mẹ lúc đó chỉ mong con đến trường để học thêm Tiếng Việt và có bạn
cho đỡ cô độc, chứ cũng không quan tâm gì về kết quả học tập.
Dù gặp rất nhiều khó khăn trong việc hòa nhập và hổng vô cùng nhiều kiến thức, nhưng ngày ngày, con đạp xe đến trường. Kiên nhẫn, kẽo kẹt, như một chú rùa nhỏ.
Điều kiện học tập ở trường công tất nhiên là không được như trường tư,
lại càng không giống như trường cũ của con ở UK (Vương quốc Anh) và
Singapore. Thậm chí, trong một lần bênh bạn bị mắng oan, con còn bị
thầy giáo dọa ‘đánh gẫy chân’, nhưng con vẫn không bỏ cuộc.
Con đã kết thúc năm học đầu tiên ở Việt Nam như thế…
Năm học sau, trong một sự kiện ngẫu nhiên, bố vô tình lạc vào buổi hội
thảo của Vinschool. Lúc đó trường mới thành lập, chuẩn bị tuyển sinh
năm học đầu tiên. Vậy là bố đăng ký cho con dự tuyển, vì Vinschool gần
nhà, và tin rằng Vinschool sẽ là một môi trường tốt hơn và phù hợp hơn
với con.
Con tham gia dự tuyển như muôn vàn học sinh khác. Nhưng không chỉ thế,
con còn đăng ký thi tuyển trong chương trình “ Học bổng tinh hoa ” của nhà trường.
Qua nhiều vòng phỏng vấn và thuyết trình, con được học bổng toàn phần.
Thú vị hơn, con là học sinh đầu tiên được học bổng, với mã số 001.
Giá trị của học bổng tất nhiên là quý. Nhưng quan trọng hơn, điều đó là
một sự ghi nhận về khả năng của con, làm cho con tự tin lên rất nhiều !
Con đầy háo hức với ngôi trường mới. Phong cách hiện đại và chuyên
nghiệp của nhà trường cũng rất phù hợp với con.
Kể từ đây, bố mẹ hoàn toàn yên tâm về con. Trường mới, bạn mới, và một
tâm thế mới giúp sẵn sàng hơn rất nhiều. Dù kiến thức vẫn hổng nhiều,
và Tiếng Việt đôi khi vẫn còn vụng về, nhưng con đã vui vẻ đi học hơn
trước rất nhiều.
Con đã thực sự có thầy, có bạn. Việc học của con đã thực sự sang trang…
Rồi thời gian trôi đi, thấm thoắt con đã học xong lớp 9. Tuy được tuyển
thẳng vào Kim Liên, nhưng vẫn quyết định thi vào chuyên Anh của Chu Văn
An và Hà Nội – Amsterdam. Và thật không ngờ, con đỗ cả hai.
Lúc đó, nhà mình chuyển nhà ra ngoại ô để sống, nên bố mẹ muốn con tiếp
tục học Vinschool, hoặc Trường gần nhà, nhưng con nhất quyết không
chịu, chọn học HN-Ams (lớp 10 Anh 1, với slogan phát khiếp : 10 anh 1
lúc !) với lập luận : Học ở Ams thì sau này đi du học dễ hơn.
Kể từ đó, mỗi ngày con vượt 23 km để đến trường. Kể cũng xót, nhưng “ Cuộc đời mỗi người là một câu chuyện mà
mình là tác giả ”. Con đã chọn như thế thì con phải chịu khó
thôi !
Bỏ qua chuyện học hành, thì HN-Ams là một ngôi trường khá đặc biệt, ở
chỗ trường có rất nhiều câu lạc bộ ngoại khóa. Hoạt động ngoại khóa ở
HN-Ams diễn ra rất mạnh. Nhờ đó, con được làm điều mình thích (có lẽ,
được chơi thì đúng hơn).
Nghe nói, ở Ams con học hành “ cũng bình thường thôi ”, nhưng hoạt động
ngoại khóa thì tương đối năng nổ. Nhiều lúc trêu con, học hành như vậy
mà đỗ tốt nghiệp thì kể cũng lạ. Tất nhiên là trêu thôi, vì với kỳ thi
tốt nghiệp ở VN, trượt có khi còn khó hơn là đỗ. Cứ nhìn tỷ lệ đỗ tốt
nghiệp hàng năm là đủ thấy.
Rồi ba năm ở HN-Ams trôi qua nhanh như tên bắn. Con đã tốt nghiệp trung
học phổ thông như mong đợi. Trong lúc học, con còn tranh thủ trở thành
Director của MIV MUN (Model United
Nation Institute Vietnam). Nghe oách ra phết !
Khi con tốt nghiệp PTTH, bố mẹ tuy không thở phào, nhưng cũng có cảm
giác “ Hoàn thành nhiệm vụ ! ”. Con được coi như hội nhập thành công.
Từ giờ trở đi, con có ở nhà trông em (hơi bị nhiều) thì bố mẹ cũng vui
lòng.
Con cũng hiểu điều đó. Nên dù bạn bè đi du học gần hết, con đã nghe lời
bố mẹ ‘gap year’ một năm. Vừa
để nghỉ ngơi sau một hành trình dài vất vả, vừa để có thời gian chơi
với các em, lon ton rót nước pha trà cho bố mẹ, và làm một điều gì đó
mình thích.
Trong thâm tâm, bố mẹ muốn con có một năm sống trọn vẹn với gia đình.
Bố cũng muốn tranh thủ dạy con ‘vài đường cơ bản’ trước khi bước ra
cuộc đời. Còn việc học hành là chuyện cả đời, chẳng đi đâu mà vội.
Chưa kể, để chọn được trường và ngành học phù hợp, con người ta cũng
cần thời gian để tĩnh tâm và lắng đọng. Chứ cứ mải miết học và thi
không có khoảng dừng và trải nghiệm sống cũng không phải là tốt.
Sâu xa hơn, bố muốn con có một năm ở nhà để có được cảm giác thuộc về
đất nước này. Và thật vui, dường như con đã có được cảm giác đó, khi
con nói : Con sẽ đi và sẽ trở về.
Nhưng có lẽ số con may mắn, nên khi bạn bè vừa chân ướt chân ráo đi du
học được vài tháng thì đã phải chạy về tránh dịch Covid-19, con lại
được thong dong bên bố mẹ mỗi ngày. Được chơi với em, học làm việc nhà
và pha trà cho bố mẹ, lại được làm điều mình thích mà không bị ràng
buộc bởi bất cứ mục đích nào. Bố mẹ tin chắc rằng, điều này sẽ tốt hơn
cho con về dài hạn.
Nay con sang tuổi mới, bố mẹ không chúc gì hơn là mong con vui khỏe mỗi
ngày và sống mỗi ngày thật ý nghĩa.
Sau này, dù có bay đi bất kỳ đâu, con cũng yên tâm vì có một nơi để trở
về. Đó là bố mẹ, là gia đình, là đất nước mình, nơi con bắt đầu có cảm
giác thuộc về.
Chúc mừng sinh nhật con. Và cảm ơn con đã đến cùng bố mẹ !
Giáp Văn Dương
Hà Nội, 24-3-2020

NGUỒN : FB
Giáp Văn Dương
Các thao tác trên Tài liệu