Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Đã năm năm rồi sao ?

Đã năm năm rồi sao ?

- Nguyễn Hữu Động — published 31/03/2020 18:50, cập nhật lần cuối 01/04/2020 00:34

Đã năm năm rồi sao?


Nguyễn Hữu Động


Cũng như hàng năm, từ ngày tôi tham gia vào đề án xây dựng một trường đại học tư, không vụ lợi ở miền nam, cứ đến tháng 10/11, tôi lại về nhà, một tuần ở thành phố, một hay hai tuần ở Hà Nội để đi thăm quê cũng như những nơi nghe tên thì quen quen nhưng chẳng biết đi đến ra sao. Nói cho đúng, tôi mang tiếng là dân Hà Nội gốc, khai sinh ghi rõ là đẻ ở phố Hàng Trống, nhưng trong thực tế đi trong phố cổ lúc nào cũng lăm lăm bản đồ trong tay, thỉnh thoảng lại hỏi đường mấy bác ngồi vỉa hè. Từ khi Hà Nội mở rộng thì còn ác hơn nữa.

Thời chưa có Grab thường bị (hay “được ») các cậu lái xe cho đi vòng veo thành phố để rồi trả gấp đôi số tiền thường lệ. Cũng là việc bình thường thôi vì với cái giọng nửa nam, nửa bắc nửa Đà lạt của tôi, ai nấy đều nhận ra ngay một bác Việt-kiều, cùng nghĩa với "có điều kiện và cù lần". Ở Pháp hay Mỹ, chỉ bước lên taxi thôi đã bằng một cuốc Hồ Tây/ phố cổ rồi. So ke gì mấy đô. Chỉ bực mình vì bị lừa thôi. Để tự an ủi, tôi thường nhắc đến một anh bạn, cũng dạng lang thang như tôi (lớn lên ở Pháp, làm phóng viên ở Cuba sau đó ở Mêhicô, Mỹ rồi Pháp, khi về hưu thì theo gia đình về Tây Ban Nha).

Theo anh, những loại giang hồ như chúng tôi thường sống hai giai đoạn. Giai đoạn đầu, ở đâu cũng như ở nhà. Giai đoạn hai, ở đâu cũng là miền đất lạ. Nghiệm cũng đúng, nhưng đứng về từng cá nhân thì tôi sẽ thận trọng hơn. Trong gần sáu mươi năm qua, tôi đã sống và làm việc ở khoảng bốn mươi nước trong bốn châu. Trước khi về hưu tôi cũng nhiều lần tự hỏi khái niệm về ở đây có nghĩa gì. Trong quan họ Bắc Ninh câu day dứt nhất là câu người ơi người ở đừng về... Vậy chứ là ở đâu và về là về đâu? Nếu chỉ nghĩ đến khía cạnh thực tiễn thì tôi cũng về/ở hưu được ít nhất sáu, bảy nước. Nhưng đứng về góc độ văn hóa thì sao? Và nói đến văn hóa thì phải đụng đến vấn đề bản sắc...

Nghề của tôi trong gần ba mươi năm qua là làm cố vấn tổ chức bầu cử. Và trong nghề này thì câu hỏi đầu tiên là ai có quyền đi bỏ phiếu ? Câu trả lời thật đơn giản: ai có quốc tịch thì có quyền đi bỏ phiếu (trong khung cảnh của luật pháp) vì đó vừa là quyền vừa là nghĩa vụ công dân.

Trong những năm gần đây, vấn đề công dân và quốc tịch không còn là vấn đề đơn giản nữa. Xin đưa một thí dụ: Myanmar. Cách đây ba năm, đảng của Aung San Suu Kyi thắng cử lớn và thế giới ca tụng hết lời cuộc « bầu cử dân chủ« này. Ít ai nêu vấn đề những người đạo hồi, Rohingya, (10% dân số) không được quyền đi bỏ phiếu vì kể từ năm 1982, họ bị thu hồi quốc tịch, chủ yếu trên cơ sở đạo giáo. Nói cách khác vấn đề công dân đang bị vấn đề văn hóa theo nghĩa rộng, hay vấn đề bản sắc theo nghĩa hẹp, vô hiệu hóa.

Đứng về góc độ bản sắc, nhất là sau vụ tấn công New York năm 2001, có thể nói tóm lại là thế giới hiện nay chưa hoặc không có những khái niệm cơ bản để giải quyết bằng hòa bình những cuộc xung đột hiện nay. Những thể chế và khái niệm hiện có chỉ nhằm giải quyết xung đột giữa các quốc gia và hoàn toàn bất lực trước những cuộc nội chiến mang tính bản sắc. Nhà văn Amin Maalouf(1). đã và đang đặt vấn đề này một cách hơi bi quan nhưng rất nghiêm túc  Nói cho cùng, tôi nghĩ đây là vấn đề văn hoá.

Cũng vì những suy nghĩ mung lung này mà tôi xin tham gia chương trình nói trên nhằm xây dựng một đại học vừa có trình độ, vừa mang sắc dân tộc. Ngay từ những năm tháng đầu, tôi cũng ý thức là đề án rất khó thực hiện nhưng tôi vẫn đeo đuổi nó như một giấc mơ văn hoá.

Và trong giấc mơ này tôi gặp được hai cái may lớn.

Một là tôi lúc nào cũng giữ được quan hệ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở những nước tôi ghé qua. Nơi nào có người quen thì gọi điên thoại báo phở (nói chính xác là vòi phở), nơi nào chưa quen thì thủ sẵn một chai nước mắm để tặng công đoàn. Nhớ năm ấy tôi sang Nam Phi, đến thăm không báo trước đại sứ quán vừa thành lập. Giờ nghỉ trưa nên không ai ra mở cửa. Tôi lách vào cửa bếp, luồn sang phòng ăn để chai nước mắm trên bàn với tấm thiệp rồi rút. Hôm sau mới nghĩ là mình ẩu. Lo anh em nghĩ là ai đó định đầu độc và quẳng đi thì mất công đem từ Mỹ sang.

Nhưng cuối cùng thì họ đều bảo tác phong đúng du kích victor charlie (cộng thêm vài nét Chí Phèo) và chẳng bị ai giận. Sau này khi tôi bắt đầu có tí vai vế trong Liên hiệp quốc, tôi thường được mời vào phòng khách nhấm trà nhưng quả thật tôi nhớ và thích văn hoá du kích hơn văn hoá ngoại giao. Phải chăng đây cũng là một phần bản sắc Việt Nam ?

Cái may thứ hai là thân với anh và qua anh, thân các nhóm bạn của anh.

Việc gặp anh, bộ đội chuyển ngành sang ngoại giao để sau thành nghệ sĩ, tôi đã kể trong một bài viết cách đây năm năm (*). Có điều thú vị là chỉ từ ngày tôi vào hội facebook tôi mới phát hiện là tôi với anh không chỉ là kết nghĩa mà còn là anh em sinh đôi. Thân nhau gần nửa cuôc đởi bây giờ mới biết qua fây là sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, và mong sao, cùng giờ. Không tin tâm linh thì ít nhất cũng tin duyên số.

Tháng, năm, qua đi, anh vẫn thế. Cuộc sống vật chất thay đổi nhiều, khấm khá trông thấy, nhưng anh, chị thì vẫn vậy, giản dị, mộc mạc. Chị thường nói với tôi, dù ở đâu làm gì, em cũng vẫn là lính. Anh, chị gặp nhau khi anh bị thương đã tưởng là tuyệt vọng. Chị là người chăm cho anh và họ đã cùng nhau đi lên cùng đất nước . Nói đi lên là cách nói về đường dài chứ anh chị ít nhắc đến những lúc khó khăn mà người như tôi không hình dung được, những bước đường không thêng thang chút nào. Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn. Các cụ nói không sai.

Hai năm trước đây, được tin chị đột ngột nhẹ bước tiên ra đi. Ở xa, tôi không biết làm gì hơn là thỉnh thoảng gọi điện thoại cho anh và chen lẫn vào câu chuyện là nhiều phút im lặng khi tôi nhắc đến chị. Anh bảo tôi là anh rất giàu trí tưởng tượng trong hoạt hoạ nhưng anh không sao tưởng tượng được cuộc sống vắng chị.

Những lần sau này, tôi vẫn về ăn bám anh, nhưng không còn chị để chế hai ông già lõ mõ ngồi hút thuốc và triết lý về cuộc sống. Và thiếu bàn tay chị hướng dẫn tôi lên chùa làm lễ, thiếu những lời khấn của chị để tôi có những chuyến đi an toàn.

Nhìn bề ngoài, anh không khác bao nhiêu. Cũng vẫn con người văn hoá ấy, vẫn giọng tinh nghịch của ngày xưa. Cũng có đôi lúc giọng anh trầm xuống như đang tự đối thoại với mình. Hoặc với ai đó. Gia đình anh gần gũi anh hơn, chăm sóc anh hơn. Đối với tôi, đây cũng là một đặc điểm văn hóa của một gia đình Việt Nam.

Nhưng những bức tranh của anh sau ngày chị mất thì khác hẳn tranh thời gian đầu. Chúng có cái gì quyết liệt, gần như tàn nhẫn, trong màu cũng như trong nét. Nhưng tôi không biết tranh và phê bình tranh. Để phần này cho nhưng ai rành hơn.

Điều tôi ghi nhận là bạn bè anh ngày càng đông, càng đa dạng hơn. Đáng chú ý là tất cả các anh chị ấy đều đã kinh qua cuộc kháng chiến lần thứ hai và anh cao tuổi nhất đã từng là chiến sĩ Điện Biên. Trong những cuộc gặp gỡ, tôi không hề nghe một mẩu chuyện về các đóng góp thời xưa, và dĩ nhiên không một ai ăn mày quá khứ.

Những băn khoăn của họ cũng tương tự như những điều tôi nêu ở trên: ta là ai? Trong cuộc đấu tranh chống bành trướng hiện nay, vũ khí văn hóa và tư tưởng là vũ khí gì? Đã có ai đánh giá một cách nghiêm túc và khách quan vai trò của thực dân Pháp trong xã hội Việt Nam chưa? Những cuộc tranh luận về vai trò chữ quốc ngữ có nghĩa gì? Chính sách truyền bá đạo Khổng của Trung Quốc ở Việt Nam cũng như trên thế giới có ý gì? Ai đã xem chương trình giai điệu tự hào thì thấy rõ: niềm tự hào chính là các cuộc chiến tranh giải phóng chống ngoại xâm. Vậy thì văn hoá Việt Nam có đáng nằm trong giai điệu tự hào không, và nếu có, nằm trong đoạn nào?

(Khi tôi chợt hỏi về những lớp học loại hai phe ba mâu thuẫn bây giờ ra sao và ảnh hưởng của chúng trong những ý kiến trên thì cả nhóm cười ồ, cạn cốc rượu chát và không ai nói gì thêm. Tạm nhận đấy cũng là một cách trả lời.)

Trong những buổi thảo luận ấy, tôi và anh thường ít nói, nghe là chính. Thói quen của những người làm ngoại giao. Nhưng khi bạn bè về rồi chúng tôi hay cùng nhau ôn lại những điều chúng tôi cho là quan trọng và cùng nhau đi sâu hơn, mỗi người theo kinh nghiệm của cá nhân mình. Anh là ngoại giao Việt Nam, tôi là dân có nghề nhưng vô gia cư. Cùng nhắc lại cho nhau là câu hỏi về bản sắc không chỉ đặt ra ở ta, mà Mỹ, Pháp, Anh... đều đương ray rứt về những điều này. Và đây không phải chỉ là vấn đề trừu tượng, mà là những vấn đề có hệ quả chính trị quan trọng.

Tôi nghĩ tình bạn chân thực nằm ở đó. Suy nghĩ thì độc lập nhưng khi trao đổi, chẳng ai áp đặt ý kiến của mình trên người khác, ngược lại, có khi ý kiến của bạn thay cả ý kiến của tôi.

Trong bài trước, tôi mừng anh 50 tuổi đảng. Năm nay xin lại mừng anh 55 tuổi. Mong trong vài năm nữa, khi mừng anh lên tuổi 60, chúng mình, không chỉ riêng anh và tôi, tiếp tục giữ được trọn vẹn món quà quý nhất của những ngày qua: một tư duy hoàn toàn tự do.


(*)  Mừng anh 50 tuổi đảng.

(1) Les identités meurtrières. Paris Éd. Grasset & Fasquelle. 1998. Và Le naufrage des nations. Paris 2019


NHĐ

Mùa tự cách ly.
Mêhicô 29/3/2020

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss