Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Mênh mang một chút nhớ

Mênh mang một chút nhớ

- Thiên Hương — published 07/06/2007 01:48, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Bút ký


Mênh Mang Một Chút Nhớ

 
Thiên Hương

 
Ðã lại hết một năm cũ, thời gian trong những năm này sao đi nhanh quá. Nhanh như những trang sách đời lật vội vàng vào những đêm mất ngủ. Nhanh như những chiếc lá đổi màu cho các mùa đổi thay, và nhanh như những đám mây bay vội vã cho cơn giông kéo đến hay ánh nắng hắt lên trên những bầu trời tại vùng đất đã sống quá lâu nhưng vẫn còn xa lạ.

Ðã bao lần tôi muốn viết về những bất chợt ngỡ ngàng trước những thay đổi thời gian. Ðã bao lần tôi muốn viết về những đổi thay trong cuộc đời, trong khung cảnh, và cũng đã bao lần những bài viết chợt bỗng dở dang vì ý tưởng không còn suôn sẻ. Nói gì đây khi mỗi ngày chợt nhận ra mái tóc thêm nhiều sợi bạc. Nói gì đây khi bạn bè mỗi năm thêm nhiều kẻ nằm, ít đi kẻ đứng. Nói gì đây khi biết bao lần trở về thành phố cũ, đứng bơ vơ trước những con dốc nhỏ mà không tìm thấy đâu một chút kỷ niệm của ngày xưa.

Ngày cuối tuần, cả nhà đi đến một vùng quê khá xa thành phố. Những nếp nhà nhỏ ngủ yên dưới những hàng cây. Những khu vườn tỉa tót tươm tất, đàn vịt xám, thiên nga nhẹ nhàng bơi trong các công viên. Những đứa trẻ tươi cười chạy nhảy trong khi những bà mẹ an nhàn trò chuyện trên các hàng ghế. Không gian êm đềm như những nốt nhạc, không khí thanh bình trong những khung cảnh sang giàu làm đôi mắt tôi chợt cay. Tôi nhớ đến những khu phố chật chội, bụi bậm nơi quê nhà, những vùng quê khô cằn sỏi đá với những bóng người lom khom trên đê, trong ruộng, những chú bò gầy xơ xác đưa cặp mắt u buồn nhìn cảnh vật xung quanh. Những khung cảnh mà mỗi lần nghĩ đến, chợt thấy tim hình như thót lại với những lo sợ xa xôi về những bất an nào đó. Ai ai trong chúng ta, những con người Việt nam bé nhỏ hình như cũng mang những kỷ niệm buồn để đôi mắt đen lúc nào cũng đầy những u uẩn chất chứa, và nụ cười không được hoàn toàn nở rộng như những người sinh trưởng ở đây. Dù gì thì những quá khứ cũng đã làm nên đời sống hiện tại, và giúp cho những cảm nhận về một cuộc sống no đầy càng thêm phong phú.

Buổi chiều thứ bảy, cả nhà đi winery tour. Trời ngoài thật nóng, nhưng vào trong nhà lại mát hẳn. Chủ nhân vẫn giữ theo lối bài trí ngày xưa. Vách gỗ, sàn gỗ, cầu thang gỗ dẫn xuống hầm rượu. Mùi gỗ lâu năm cộng thêm mùi ẩm ướt của độ sâu đường hầm làm thằng con trai buột miệng: “Mùi này giống mùi ở Ðà lạt quá”.

Nỗi nhớ lại dội về như một cơn gió lạnh buốt trên lưng. Ðà lạt của tôi, giờ đang vào tháng mười hai, Ðà lạt giờ này đang mưa hay đang nắng. Có một lần người chị giờ đã khuất bóng bảo tôi: “Ðà lạt bây giờ nóng lắm, vì những hàng cây họ chặt hết rồi nên nhiều hôm tắm nước lạnh được”. Trí óc lại trở về với những ngày lui hui nhóm bếp nấu nước tắm, và mùi lá chanh, lá sả thơm ngát bốc lên làm thành một lớp sương mờ trên mặt chậu. Tôi ngước nhìn những lớp bồ hóng trên trần hầm, ở đây họ giữ lại như một lối trang trí mà nhớ ngất ngây đến căn bếp nhỏ ngày xưa, về những buổi hong mái tóc dài trong khi trời còn ngây ngây lạnh. Về những giấc ngủ con gái thơm ngát mùi ngọc lan trong gối. Tôi nhìn bóng mình đổ dài trên đường hầm, tự dưng thấy gây gây lạnh. Tự dưng, tôi chợt thấy như mình còn là một cô gái nhỏ, nên chợt cảm thấy bơ vơ khi không có bàn tay nắm của Bố, hay ánh mắt ngọt ngào của mẹ và của các anh chị.

Nhớ thật nhiều những tối Noel đi chợ phiên ở Ðà lạt. Có một lần, người anh thứ năm lia vòng trúng một con vịt ốm nhom. Mấy anh em xách con vịt về, nó kêu quang quác ầm đường xen lẫn với tiếng cười khúc khích của mấy anh em, và buổi khuya với nồi cháo vịt bốc khói. Những món ăn cầu kỳ sau này hình như không thể nào ngon bằng cái nồi cháo vịt với con vịt ốm nhom ngày ấy. Mà hình như tất cả những món ăn ngày xưa, cái gì cũng ngon và đậm đà, bây giờ các mùi vị ấy sao không bao giờ còn tìm thấy được nữa. Những hình ảnh ngày xưa giờ trở nên nhạt nhòa và chồng chéo. Những ngày cuối năm, đầu óc hình như không còn gọn ghẽ, vì những cảm xúc rộn ràng, những nỗi nhớ xa xăm làm nỗi buồn trong năm cùng tháng tận lại càng thêm da diết và đầu óc bỗng mơ hồ với những kỷ niệm ùa về lãng đãng.

Trời đã bắt đầu nhạt dần ánh nắng, vùng địa cực mùa hè 9g vẫn còn sáng lắm. Chúng tôi đi lên điểm cao của thành phố mỏ ngắm xuống thành phố. Dãy núi Grampians xa xa như dáng núi voi nhìn thấy trên đường Ðơn dương Ðà lạt. Thành phố phía dưới nhìn đỏm dáng với vẻ tươm tất gọn gàng. Lòng chợt chùng xuống khi nhớ về Ðà lạt. Ðã bao nhiêu người bạn đã trở về, và đã cất lời than thở về vẻ đẹp thơ mộng của Ðà lạt đã mất đi. Ðã nhiều lần tôi trở về thành phố đó, và nỗi buồn trong mỗi lần về hình như lại lũy tích thêm lên. Mỗi lần về là lại thấy thêm nhiều thay đổi. Lại thấy nhiều rặng cây mất đi, nhiều kiến trúc hấp tấp mọc thêm. Việc xây dựng xảy ra nhanh chóng và chụp giật làm thành phố như từ một cô gái e ấp dịu dàng, sau vài ngày trở lên thành phố, khoác vội những món đồ trang sức rẻ tiền, những chiếc áo cắt may vội vã, phấn son vụng về loang lổ...

“Hôm qua em đi tỉnh về,
Ðợi em ở mãi con đê đầu làng.
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi!
....
Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa...
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thày u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về,
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”

(Chân Quê- Nguyễn Bính)

Cái nét mộc mạc đơn sơ của Ðà lạt bây giờ đã đi đâu mất. Cái hương đồng gió nội ngày nay cũng không còn. Những ngôi nhà nhỏ e ấp dưới những dàn hoa giấy, những con dốc nhỏ thẹn thùng sau những hàng thông cũng đã tan biến theo thời gian . Các căn nhà đã bước hẳn ra lề đường, những quán ăn, những nhà nghỉ đã đua nhau chường mặt trên đường phố. Thung lũng Tình yêu đã mất hẳn nét huyền bí hoang sơ để chỉ còn những mái lều ngoi lên vội vã chưng bày sản phẩm Ðà lạt. Ðà lạt đã mất hẳn chất thơ, mất hẳn nét dịu dàng đằm thắm và duyên dáng của cô con gái tỉnh nhỏ ngày xưa. Ðà lạt ơi, Ðà lạt ơi....

Tôi lại nhớ đến những hụt hẫng của mình khi đứng trên đồi Ða thiện nhìn về khu trường Ða nghĩa hồi xưa. Hàng khuynh diệp bố tôi vun vén ngày xưa đã đi đâu mất. Hình ảnh con bé nhỏ xíu học lớp Mẫu giáo, mỗi chiều ra sớm ngồi một mình trên hàng ghế đá đợi các anh chị tan học để cùng về. Rồi những hàng nước mắt nhõng nhẽo với bố để xin vào lớp năm. Học được vài ngày lại nhức đầu vì phải học bài và làm toán để lại đòi trở lại lớp mẫu giáo. Sau vài buổi chiều ra sớm, ngồi buồn thiu nhặt lá trên sân lại xin trở về lớp năm. Một năm chạy đi chạy lại với kết quả cả năm là vị thứ 57 trên sĩ số 63. Vậy mà cuối năm vẫn đòi lên lớp tư để học làm Bố trợn mắt, biết cái gì mà lên. Nhưng con bé vẫn phụng phịu, nếu tháng đầu con không đứng nhất bố đuổi con xuống lớp mẫu giáo con cũng chịu. Làm bố phì cười và con bé phải ráng để không mang tiếng sạo với bố. Cái ngày xa xưa ấy, cái hình ảnh ấy giờ đang ở đâu. Chỉ còn tôi, đang đứng đây với nỗi nhớ làm mi mắt trĩu nặng. Thày Tín, thày Ðính, thày Tùng, cô Nhâm, cô Hướng, cô Thủy Tiên, cô Yến, v.v... các thầy cô giáo ngày xưa, giờ người đã khuất bóng, người đang ở xa xôi, làm thế nào cho tôi tỏ được tấm lòng kính nhớ và biết ơn về những công lao dậy dỗ.

Những buổi phát thanh trên đài, những buổi đứng đánh tay tập làm nhạc trưởng cho các màn hợp xướng của thày Tín. Những buổi đi học lớp học mẫu, những ngày ấy giờ chỉ còn là chút hương hoa cho khu vườn kỷ niệm ngày xưa và làm tia nhìn mù sương trong mịt mùng nhung nhớ.

Ðã bắt đầu có những cơn gió mát. What a nice breeze... Ngày xưa, cái ngày còn bé tí bố đi đâu cũng lẽo đẽo đằng sau. Mà sao lạ, cái thời bấy giờ mà bố chăm con gái út quá trời, đi họp Sài gòn cũng kéo theo cô con gái nhỏ, chăn đứa trẻ này ở mọi nơi mọi chỗ. Giờ tôi vẫn không hiểu những người vào họp với bố có buồn cười không khi lúc nào cũng chễm chệ trên ghế một con bé mắt tròn xoe ngồi cạnh bố. Làm sao tôi quên được cái thời gian nhỏ xíu làm cục cưng của cả nhà và của cả đám bạn vong niên của bố.

Một tàng lá từ cây táo nhỏ trong hàng rào xòa xuống trán, nhìn những trái táo chín đỏ, tôi chợt nhớ đến những cây ăn trái trồng trong chậu kiểng của một người bạn thân với bố. Mỗi cây hình như chỉ có một trái và lúc nào cũng để dành cho tôi đến hái. Nhớ đến những buổi tối nằm ngủ dưới chân bố, dưới những hàng thiên lý tỏa mùi nhè nhẹ, mùi nước trà thoang thoảng, dưới ánh đèn nê ông trong suốt hắt lên những ánh sáng mềm dưới tùm lá xanh và thoang thoáng bóng những chùm kim điệp vàng óng ả, văng vẳng là tiếng truyện trò về thơ văn của bố và của các bác. Các ngày ấy sao giờ đã xa lắm, như những ngày xưa trong truyện cổ tích.

Rồi đến ngày bố dắt tay con gái vào xem phòng thi vào lớp đệ thất ở trường Bùi thị Xuân. Khu trường vắng, rộng làm cô con gái nắm chặt tay bố. Phòng thi ở tầng hai, dãy bên phải từ ngoài nhìn vào, sau này là lớp đệ Lục II. Lúc bước lên bậc thang, sao nhìn cầu thang cao hun hút, tôi sợ té dễ sợ. Khung trời bị cắt thành từng ô xanh vuông vắn. Cái khung trời ấy đã nuôi tôi lớn, đã ôm ấp bao nhiêu mộng mơ của một thời con gái.

Thất IV, ngỡ ngàng vào lớp với chiếc bút máy có hình chú gấu tròng dây đeo vào cổ, quà đậu đệ thất của người anh thứ năm. Những ngày rụt rè làm quen với lũ bạn. Còn nhớ hoài một giờ Lý hóa của cô Thanh Lam. Cô vừa quay lưng vào bảng vẽ hình ống nghiệm, cả bọn chuyền nhau mấy quả tắc chín. Ngu ơi là ngu, ăn vụng gì không ăn, đi ăn vụng tắc. Cái mùi tắc thơm ngát trong lớp làm cô quay lại. Chắc cô phải dấu nụ cười khi bắt quả tang nhóm ăn vụng, 14 đứa đứng lên gần sắp khóc. Lúc ấy bị cô phạt gì nhỉ, sao chẳng đứa nào giờ nhớ cả. Nhưng sao không bị trừ điểm hạnh kiểm tí nào.

Rồi có một tháng mang điểm hạnh kiểm Không về nhà vì tháng đó con bé nghỉ mất 22 ngày khi đi Sài gòn cắt thịt dư ở cổ, làm Bố nhíu mày khi xem học bạ và sau khi đề nghị xét lại điểm này không được, Bố đã nhiều đêm bực dọc mất ngủ. Từ lần đó, tôi mới hiểu những con số điểm của tôi mang về quan trọng thế nào đối với Bố . Từ lần đó, tôi mới nhận thức rõ ràng hơn về những điều mình làm để đem lại những niềm vui và niềm tự hào cho bố mẹ.

Tiếng gió trở mình buổi tối trong không khí hiu hắt vùng quê đưa lại tiếng gió rít trong những tối học bài khuya ngày xưa. Những buổi tối nhìn qua khung cửa chỉ mờ mờ rặng thông đen thẫm. Hay những tối vừa học vừa run khi vang tiếng tụng kinh từ những nhà trước cửa. Khi thỉnh thoảng một chiếc hòm từ chiến trận lại chở về để trước cửa những nhà quen. Những bóng người, những chiếc quan tài trong ánh sáng đèn, và những tiếng khóc. Rồi những ánh hỏa châu, những tối giới nghiêm, những ngày lên trường bỡ ngỡ với những chiếc khăn trắng thỉnh thoảng lại chít lên vành tóc của các cô bạn cùng lớp hay cùng trường.

Tiếng gió và tiếng gió, hình ảnh những tà áo trắng bay tung trong sân trường bụi đỏ. Ngày ấy tôi và lũ bạn sợ nhất những cơn gió xoáy, ai đó nói là gió xoáy mang những âm hồn oan uổng. Nhỏ bạn nào còn nói, thử lấy một chiếc nón, chặn được cơn gió xoáy sẽ thấy một cục máu trong đó, nhưng chẳng đứa nào dám thử. Chỉ biết cắm đầu chạy thật nhanh tránh những cơn gió xoáy thổi mạnh sau lưng. Vào đến cửa lớp, là lo rũ mạnh những hạt bụi đỏ để ... ma khỏi theo về nhà. Cái tuổi sợ ma mà vẫn ham chuyện ma. Cái tuổi những giờ nghỉ trống, rủ nhau qua đồi Ða thiện cầu cơ. Trải bàn cầu cơ mà đứa nào mặt mày cũng xanh lét. Ðùn nhau để tay lên con cơ, nghe tiếng gọi cơ mà cứ ngỡ có “người” trở về, đang ngồi bên cạnh, để tối về ôm chặt lưng chị ngủ. Ði xuống bếp cũng phải kéo theo ông anh kế. Gió, và lại gió ...

Trời lại trở gió
Nhưng sao tôi tìm hoài không thấy cơn gió ngày xưa
Cơn gió đã đem đến cho tôi những giấc mơ
Cơn gió đã đem đến cho tôi những nụ hồng còn ngậm kín
Cơn gió gợi lại muôn ngàn những kỷ niệm xa xôi

Cơn gió ấy, giờ ở đâu
Giờ ở đâu, cơn gió của tôi và cơn gió của em
Của những mùa xuân nồng nàn và mùa thu hiu hắt
Của những mùa hạ ngọt ngào và mùa đông giá băng

Tôi đứng đây
Với nỗi buồn thật đầy và mùa xuân còn một nửa
Em đứng ở kia
Với những cơn mưa trái mùa và những đám mây giăng

Tôi đang đi giữa phố thênh thang
Ðể tìm hoài trong những cơn gió bủa về
Một chút gì của cơn gió ngày xưa
Nhiều ngày đã qua cùng nhiều tháng, nhiều năm
Thời gian tan hoang
Cho cơn gió lồng theo những tiếng thở dài
Chỉ mình tôi ... ngác ngơ hoài trên phố.....

Melbourne vẫn hay có những ngày trở gió, đêm nay cơn gió ở đây trong cái không khí tỉnh nhỏ làm tôi hoài trăn trở. Nhớ ơi là nhớ...

Ngày xưa, những cái ngày trong giờ nghỉ học cùng lũ bạn chạy qua Giáo hoàng học viện ăn cắp hoa. Sao lúc ấy chẳng bao giờ nghĩ ăn cắp hoa là “ăn cắp”, cứ nghĩ đó như một việc thường tình của các cô gái. Cũng không nghĩ ăn lén kẹo, ô mai trong lớp là “ăn vụng”, ấy có phải là nét dễ thương của cái ngây thơ hay giả bộ ngây thơ của tuổi mới lớn. Ngày nào trong lớp toán của thầy Dũng, vừa nhét viên kẹo chanh vào miệng, mà thầy quay ngay lại kêu đích danh hỏi về bài đang giảng, báo hại con nhỏ phải nuốt vội viên kẹo, câu hỏi thì dễ mà trả lời thầy thì thật không dễ tí nào vì viên kẹo cứ nằm ngang cuống họng. Lúc ngồi xuống, cả lớp đưa mắt nhìn hoài nghi vì thấy con nhỏ trả lời vấp váp lạ kỳ, mặt mày thì đỏ tía. Lúc ấy, sao chỉ sợ không thở được, chết thì quê lắm vì có ai mà chết vì cái kẹo ăn vụng trong lớp. Ðúng là không có số ăn vụng, cả một thời đi học, ăn vụng hai lần bị tổ trác cả hai lần, còn không chừa tới già sao được.

Cơn nhớ lại trở về đến những ngày gió lộng, từ một lúc nào các hàng cây khuynh diệp đã trở thành khuôn viên của các “chị” lớp 11, 12. Ðể đến giờ chơi hay giờ nghỉ lang thang nhặt lá chép thơ. Nhớ hoài nét chữ bay bướm của Ngọc Minh trên những chiếc lá thơm nồng ngày xưa. Sao tôi đã chẳng giữ lại được một chiếc lá nào trong những chiếc lá ấy. Trên con đường kiếm sống, đã bao nhiêu lần làm rơi vỡ và mất mát những kỷ niệm ngọt ngào. Ðể bây giờ, chỉ còn thao thức với những cơn gió miên man.

Ngày xưa, những đứa bạn bẩy năm liền học cùng một lớp, cùng nhìn đời qua khung cửa của lớp học, cùng học những bài vở giống nhau, cùng làm những bài tập, cùng nhặt những chiếc lá rụng trên sân, cùng có những buổi tựu trường những giờ tan học. Bẩy năm, bao trang lưu bút đã trao cho nhau, bao nhiêu ước mơ đã chắp cánh theo những áng mây trôi lang thang trên khung trời Ðà lạt. Vậy mà, giờ đây bạn bè còn bao nhiêu đứa. Lúc gặp nhau, mỗi đứa mỗi hoàn cảnh khác nhau, có được mấy dịp ngồi lại cùng nhau kể lại cho nhau những kỷ niệm xưa cũ, nhắc nhớ nhau những hình ảnh xa xưa. Một Thảo, một Tuyết đã tức tưởi ra đi với những viên thuốc ngủ. Một Táo, một Dậu, một Minh Loan đã ngậm ngùi từ giã bạn bè và gia đình đi vào giấc ngủ triền miên. Rồi những người bạn còn long đong vì sinh kế, vì gánh nặng gia đình hay còn buồn than về duyên phận. Những khi ngồi lại với nhau, mừng cho đứa này, buồn cho đứa nọ. Rưng rưng nước mắt khi nghĩ đến những người đã ra đi, chùng hẳn tiếng cười khi nhắc đến những người bạn còn kém may mắn. Những đứa bạn của tôi, giờ đang tản mạn khắp nơi trên thế giới, Mỹ, Pháp, Úc, Canada, Saigon, Ðà lạt. Ngay tôi với Hoài và Sơn tuy ở cùng một tiểu bang, cách nhau vài khu phố mà số lần gặp nhau trong năm cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay nói gì đến bạn bè những chỗ xa xôi.

Có một lần lên chùa với hai người bạn, thầy nói: “Ba chị ngày xưa học cùng một lớp, cùng chung một tuổi, mà sao bây giờ lại hướng về ba lối sống khác nhau?”. Trong cuộc đời này, đã có bao nhiêu người như thế, sinh cùng ngày cùng giờ mà vẫn có số phận khác nhau. Vậy sao cứ mãi tin vào tử vi bó toán. Có phải vì lo sợ cuộc đời mù mịt nên bám víu vào những tiên đoán sáng rỡ ngày sau?

Ngày hôm sau, trời đã mát, cả nhà đi leo núi. Con đường đèo vòng vo như đèo Prenn Ðà lạt, chỉ khác là những hàng thông cao được thay thế bằng những cây gum và cây vùng địa cực. Ðường leo lên đỉnh Pinacle dài hơn 2 cây số, càng đi sâu vào lòng núi, càng mênh mang nhớ đến những rặng núi ở Ðà lạt, càng nhớ đến đỉnh Núi Bà mà tôi chưa bao giờ dám lên. Ðường leo dốc khoảng hơn 2 cây số, một con số không lấy gì làm lớn. Nhưng đi vào mới thấy thăm thẳm mịt mù. Có phải vì tuổi đã lớn nên gót chùng chân mỏi. Thằng con trai bảo: “Mẹ cứ đi từ từ thôi cho khỏi mệt, đừng cắm đầu nhìn hoài xuống đất như thế. Vừa đi mẹ vừa ngắm cảnh hai bên thì bớt mệt hơn”. Tôi cười nhìn con, đứng lại và nhìn cảnh chung quanh, đẹp thật, đường đi như ngắn lại và không còn mệt mỏi nữa. Trong đời sống, hình như đã bao nhiêu lần vì miệt mài theo đuổi một mục đích nào đó, nên chỉ biết cắm cúi làm việc mà quên đi những cái đẹp xung quanh. Vì thế nên mỗi ngày dường như dài hơn, khó khăn hơn và mệt mỏi hơn. Tụi trẻ lớn lên bên này, với châm ngôn “Take it easy” và vừa làm việc vừa “enjoy life” nên đời sống thoải mái hơn và làm việc cũng đạt hiệu quả cao hơn, có phải? Tại sao tới bây giờ, hơn nửa đời người mới nhận ra rằng mình đã bỏ phí biết bao nhiêu cái đẹp của cuộc đời.

Lên đến đỉnh Pinacle, cảnh vật xung quanh hùng vĩ và đẹp như tranh vẽ. Nhưng sao vẫn thấy lạc lõng thế nào. Không giống như cảm giác của buổi chiều bước lang thang trong thành nội để nghe hồn chùng theo những tiếng thở dài cho một thời đại vua chúa ngày xưa. Không giống như những ngày nhỏ theo gia đình leo hơn 100 bực thang lên lăng Nguyễn Hữu Hào ở Cam ly, lúc ấy có phải vì quá nhỏ nên cảnh vật thêm trùng trùng dịu vợi. Cũng không giống như khi đứng trên những hòn đá của Hòn Chồng Nha trang, hay một buổi chiều mưa rời Thung lũng Tình Yêu với đám bạn nhân ngày sinh nhật của Ðoan Trang vào một năm 74. Có lần Cô Linh bảo: “Em ơi, cảnh ở đây thì đẹp nhưng nó không có hồn như ở Việt nam”. Có phải thật là như thế, vì những cảnh vật ở quê nhà đã thấm đậm những tình cảm nồng nàn và những hình ảnh ấy đã nuôi mình khôn lớn. Trong dòng máu vẫn còn nồng nàn những câu thơ, lời viết và tình tự dân gian nên cảnh vật ở đây không làm rung động đến từng tế bào sợi tóc. Ngồi ở đỉnh cao đây, nhìn sững bầu trời và chợt nhận ra các bầu trời tôi đã nhìn thấy ở đây có mầu khác hẳn màu bầu trời Ðà lạt, dù là xanh hay xám. Cái mầu trời xanh, cái mầu mây trằng Ðà lạt nó thật lạ, thật sâu lắng và tôi không diễn tả nổi. Mà hình như ở mỗi nơi, mỗi thành phố cái mầu trời đếu có khác nhau, nói gì từ nước này sang nước khác. Ước gì được là một họa sỹ, tôi sẽ cố dùng bảng màu ghi lại những mầu trời tại mỗi nơi, tại những thời điểm khác nhau. Vì cảnh vật chỉ gợi lại những hình ảnh, còn mầu trời gợi lại sâu lắng hơn những tâm tình biến đổi.

Hai ngày rời thành phố về thôn quê, hai ngày quên đi những công việc bộn bề để tìm lại một chút gì những hình ảnh và kỷ niệm xưa cũ. Hơn nửa cuộc đời đã trôi qua, còn quá nhiều điều để nhớ, còn quá nhiều điều để ghi nhưng sao trí óc lại trở nên lãng đãng. Thôi thì hãy gom lại chút nào tàn tro của quá khứ, gom dần mỗi ngày một chút thôi để làm đẹp thêm cho những tháng ngày sắp tới, vậy thôi…

Hình như có tiếng thở dài của gió
Lẫn vào tiếng sóng biển xa xa
Hình như có chút nắng mùa xuân
Rơi rụng theo những chiếc lá vàng mùa thu hiu hắt
Và hình như trong tôi
Có nỗi nhớ dịu dàng một vùng trời mây xanh ngắt

Và hình như,
Trong đôi mắt buồn ẩn dưới lớp mi cong
Vẫn ngan ngát chút hương hoa của gió,
Chút xanh thẳm biển khơi và chút dịu dàng của đêm đen huyền bí
Ðể cho chiều nay chợt hửng vàng chút nắng
Và bướm cũng dỗi hờn trên mái tóc ai bay

 
Thiên Hương

Dec2002 / Jan2003


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss