Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Đắng như là vắng

Đắng như là vắng

- Lê Minh Hà — published 20/08/2017 21:11, cập nhật lần cuối 18/10/2017 15:04


Đắng như là vắng (*)


Lê Minh Hà



Vườn nhà bác Hiến nằm ngay góc ngõ trên, sát bờ đê, ấp sau nhà của bà. Sểnh ra tôi hay trốn mắt bà, nhảy xuống hè rúc vào vườn nhà ông Tha kề bên rồi chạy ngược lên, qua vườn nhà bác Hiến nữa mà bà không gọi là coi như tự do.

Ông Tha ở tận đầu làng mà vườn lại ở xóm nhà tôi. Còn bác Hiến thì ở tận đâu đâu tôi không biết lại có vườn ở làng. Mãi tới hôm nhà có khách, tôi mới biết đấy là bác Hiến và bác cũng ở Hà Nội như nhà tôi. Bác từ Hà Nội về thăm vườn. Vườn nhà bác mênh mông, quanh năm chỉ trồng độc dong giềng chẳng phải chăm bón gì, nói là về thăm vườn chứ thực ra bác về giải quyết chuyện nó có là của bác nữa không.

Nó là của bác, nhưng bác không cần sống bằng nó, thế là nó thành nơi bao nhiêu con mắt họ hàng nhòm nhỏ vào, nhất là nhà nào đông khẩu lại lắm con giai. Chỗ đó phạt bớt dong giềng đi mà xây lên ba gian nhà ngói thôi thì đẹp quá. Bước dấn dăm bước là lên tới đầu cầu, là ra tỉnh. Đi ngang mặt đê là bến nước. Còn lại là vườn tược, chòm xóm chẳng có ai chung sân chung rào, tha hồ một mình một khoảnh. Ai có nhòm cũng là có mắt lắm. Tôi cũng nhòm. Ở với bà, tôi có thói quen đi đâu cũng nhìn ra đủ thứ lá lẩu quả hạt xơi được. Góc vườn nhà bác ngay sát ngõ trên nơi mà tôi hay chạy lên chơi với cái Tân chị họ có một cây núc nác chỉ cao quá bờ rào xương rồng lẫn cúc dại lẫn lạc tiên một tẹo, từ bờ đê đứng nhón chân với tay lên là hái được dăm ba lá, nếu còn. Chờ cơm lên hơi thì cho vào hấp, chiếc lá nõn xìu xuống, mềm ra, màu thẫm lại, đắng thụt lưỡi, cả chỗ cơm đặt đọt lá lên hấp cũng đắng mèo chê không ăn. Lá núc nác đắng rất lạ, không giống vị đắng của khổ qua, lá đu đủ hay tam thất, cũng không giống vị đắng của đủ thứ thuốc tây. Nó không ào ạt vì không có đâu ra nhiều mà gắp, nó cũng chẳng dịu dàng. Nhón một đọt lá vừa hấp, ngắt một chiếc lá nhỏ đưa lên miệng nhấm, vị đắng xộc lên tận mũi rồi dịu dần, thanh, nhẹ, để lại một dư vị chả biết nói như thế nào, nói chung là có hậu, nghĩa là đắng rất lâu. Sau này, trải đủ thứ chuyện đời rồi, ngồi ngẫm lại dư vị bữa cơm có lá núc nác, mới hiểu tại sao có những người của những vùng đất có thể cắn ngang mình quả ớt mỗi miếng cơm, không ràn rụa nước mắt vì cay thì thấy bữa ăn ngon cách nào cũng vẫn như thiếu vị. Những đắng những cay, như nỗi khổ và nhiều khi là nỗi khổ rèn con người ta theo cách luôn luôn bất thường.


Tôi nhớ những bữa cơm có lá núc nác vì chả được ăn nhiều, bà chỉ cho thử một tí tẹo thế, nhiều lắm là một lá. Thời chiến tranh, khổ thì có khổ, nhưng so với hàng xóm láng giềng ở nơi sơ tán thì chưa đến nỗi nào, vì nhà ăn gạo mậu dịch, gạo có xấu cũng không phải lo thóc cao gạo kém như nhà nông, lại còn tem phiếu, bữa bữa có thìa mỡ xào rau tí mì chính cho vào bát canh suông, tháng tháng lại có thịt kho đậu rán, chưa kể mớ tép xóc cua nắm rau vườn mơn mởn không phải lúc nào cũng có nhưng cũng sẵn, thế mà tôi luôn luôn nghển cổ với tay qua bờ rào vườn nhà bác Hiến, không chịu bỏ qua đọt lá núc nác nào. Cái cây ấy nép bờ rào, lớn rất chậm, do giống cây thế hay là vì toàn bị bấu ngọn, tôi không biết. Nhưng tôi biết trong xóm đàn ông đàn bà đi ngang mà thấy cây núc nác nhú lá là ngắt ngay. Ông Lúa đi cày về, buông trâu cho con út thả tiếp ngoài đồng, tắm táp cho mình cho cái cày xong, về ngồi đầu hè ăn cơm, có khi chỉ thấy trên mâm chõng trước mặt độc bát tương với mấy cái lá núc nác hấp. Bà bảo ngày kháng chiến thành công, nhà thậm khổ, có được bát cơm với mấy cái lá núc nác thế là thành bữa rồi, ăn mà làm mà sống tiếp, chả còn sức đâu khóc. Giờ, không ở cái cảnh ấy, thế mà bà lại ứa nước mắt lúc nhắc chuyện cũ. Thành ra bà cháu rời xóm nhỏ mấy mươi năm tôi vẫn nhớ cây núc nác góc vườn nhà bác Hiến, nhớ cây rồi nhớ vườn, nhớ vườn đâm ra không quên được người. Một người mà tôi chỉ biết chuyện chứ hầu như không biết người, dù ngày nào cũng làm bác thiệt hại, nặng thì là nắm hoa dong giềng bẻ hút mật, nhẹ thì là mấy lá núc nác non đắng ngắt mà người trong xóm lắm khi thèm.


Bác là người ở đâu về làm dâu họ bà tôi không biết. Nhìn dáng bác thì không phải là người biết việc đồng áng. Khuôn mặt thanh, nét gì cũng thanh, trán, lông mày, sống mũi, môi, cằm, thanh nhất là đường ngôi rẽ trên đầu trắng xanh một nét, không toè chân tóc ra như ở nhiều phụ nữ tuổi bác sống trong làng, dù bác cũng vấn khăn như họ. Về làng, bác vào thăm nhà, bà tôi gọi bác là mẹ Hiến, theo tên ông cháu, thế nên tôi đinh ninh bác không có con. Lệ làng, có con thì người làng sẽ gọi cha mẹ theo tên đứa trẻ. Chồng bác Hiến là con ông chánh tổng gọi bà là cô, về làm dâu bác được gọi theo tên chồng, chứ tên thật của bác khéo chỉ nhà bác với nhà chồng bác biết.


Bac Hien

Tranh Đỗ Phấn


Đinh ninh bác không có con nhưng tôi biết bác không phải là đàn bà goá bụa. Chồng bác tôi không biết mặt nhưng lại tường tận nhiều chuyện. Toàn chuyện người lớn qua tai. Bác Hiến con nhà giàu, học ở Hà Nội cả sau khi đã lấy vợ. Đến năm 1954 hòa bình lập lại, bác Hiến trai không về làng mà vẫn ở ngoài ấy. Thế là đúng. Hồi cải cách ruộng đất nhà bác lao đao lắm, thoát rồi ai ngẫn ngờ mà quay về. Đùng cái tin đưa về làng: bác Hiến di cư. Cùng một người em gái lúc đó cũng đang sống ở Hà Nội. Đùng cái nữa, hết hạn ba trăm ngày ngừng chiến, lại tin đưa về làng: cháu trai của bác Hiến học ngoài Hà Nội từ lúc vừa lớn cũng vượt tuyến. Vượt sông Bến Hải ngày đó, khi bắt đầu cuộc chiến dài ngoẵng 1954 tới 1975 là sự kiện có lẽ to hơn cả sự người ta vượt biên sau này khi cuộc chiến đó tàn. Vì để lại nhiều hệ lụy kinh khủng lắm cho người ở lại.

Nhưng những hệ lụy đó còn lâu lắm tôi mới hiểu. Tôi chỉ biết lúc bác Hiến gái về làng vào nhà tôi. Bác khép nép ngồi góc giường, hai chân thõng một bên, têm giầu đưa bà. Lúc bác ngước lên, mắt bác sao mà đẹp thế. Trong và xa vắng. Bà bảo gì đó và bác nghẹn ngào „cháu có cần gì đâu cô.“ Tôi biết bác nói gì. Buổi trưa hôm trước tôi với bọn trẻ trong xóm bám cửa sổ nhà bác Thơ ông ngoại con Oanh dại xem cãi nhau. Nhà gạch, thềm cao, xây khác kiểu ở làng, lại đất lại vườn rộng lắm, từ đê vào không phải là đi qua ngõ qua vườn rậm rạp như mọi nhà mà là đi qua một cái vườn xây bậc cao bậc thấp như kiểu vườn hoa ngoài Hà Nội, lại có bể cạn to gần bằng cái đài phun nước nhỏ lúc đó chỉ trồng củ dáy. Nói là nhà bác Thơ, nhưng đó là nhà của ông Nghị Móm được trả lại sau cải cách ruộng đất, có lẽ nhờ ông con là bí thư tổng Hà Đông khi đó, lại là người chỉ đạo cải cách ruộng đất toàn vùng mà đến lúc sửa sai còn giữ được chút hương hỏa cuối cùng. Bác Thơ ở nhờ nhà ông chú ruột sau khi bỏ chân thư kí tây và bỏ luôn hiệu sách mà bác mở ra chỉ vì mê Tự lực văn đoàn, về làng sống. Sống cùng cả nhà bác còn em ruột bác là bác Tuyền, không vợ và khó tính. Cứ dăm ba hôm làng nước lại phải nghe bác Thơ gái với bác Tuyền ầm ĩ. Hôm bọn tôi đứng hóng ngoài cửa sổ nhà bác Thơ và thấy cả bác Hiến gái là hôm cả nhà đang xáo xác về chuyện chia lại đất với vườn. Bác Hiến gái nước mắt ròng ròng, nhất mực không em không.

Bác trở ra Hà Nội rồi không thấy về nữa. Tuần ấy cô út tôi ở Hà Nội về, bà kể chuyện bác Hiến gái về làng, rồi lại hỏi có biết giờ chị ấy sống thế nào không. „Con làm sao mà biết được. Chị ấy là ai con còn chẳng biết.“ Cô thũng thẵng trả lời và bà im lặng, một lúc, bà bảo „Ừ mày ít tuổi hơn chị ấy nhiều, chồng nó bỏ đi… thời buổi bom đạn như nàynó cũng ít qua lại với họ bên này cũng khó biết nhau thật. Mẹ Hiến chuyến này chắc nó không về nữa. Về bị ép uổng tranh giành thế đời nào nó về. Nó bảo nó không thể cho ai mượn vườn mượn đất xây nhà. Nó phải giữ, không phải cho thằng Hiến. Biết ngày nào thằng Hiến quay về. Nó giữ cho con thằng Hiến còn có đường về quê nội. Nó bảo sau này con nó còn phải chồng con, phải có quê hương bản quán, phải có họ hàng…“ Bà thở hắt ra: „Ối giời nội với chả ngoại. Lúc khó thì có khi lại sống nhờ lòng người dưng. Hồi cải cách ruộng đất nhà mình…“ Bà với cô lầm thầm lào thào mãi rồi bà giục tôi lấy con dao bài trong âu trầu của bà ra vườn rọc tàu lá chuối tươi về hơ lửa bọc xôi cho cô mang đi. Chiều sắp muộn rồi. Thế này thì chỉ chừng ra tới Bình Đà là có nắng xiên khoai rát lưng rồi. Ngày chiến tranh, bà giữ cô đi muồn muộn thế tránh máy bay dọc đường cho yên dạ.


Lòng dạ trẻ con thì dễ yên lắm. Tôi vẫn hàng ngày tắt vườn nhà bác Hiến, nhênh nhênh nhàng nhàng cùng trẻ con trong xóm. Chúng nó làm thật, tôi làm chơi. Đi mót khoai mót thóc. Đi hót phân trâu phân bò. Tưới rau. Bắt ốc. Kéo te. Giã gạo. Rồi quảy hai cái giành đi nhặt quả phi lao ở đường liên huyện về đun. Vườn bác Hiến có một rẻo đường trống do bàn chân con trẻ của tôi đạp gãy dong giềng để nhót đi cho nhanh, dẫn về một góc. Ấy là chỗ thông ra đầu ngõ trên có cây núc nác chẳng biết ai trồng hay tự mọc. Thấp không hái được lá non ở cành cao qua bờ rào cho bà, tôi tìm tận gốc bòn mót từng lá ở cành thấp. Khổ thân cái cây leo ngoeo sống nơi góc vườn, cứ ra lá nào cũng bị vặt. Giá như nó đừng đắng thế. Giá như nó đừng làm người ta nhớ những gieo neo để mà tưởng rằng đời mỗi ngày một đáng yêu hơn.

Từ bấy hơn bốn mươi năm, tôi ít về làng, lại càng ít về xóm nhỏ. Trên mảnh đất vườn xưa của bác Hiến từ lâu rồi đã mọc lên một ngôi nhà. Không phải bác chịu nhường đất cho anh em nhà chồng mượn. Ngôi nhà ấy là nhà một ông bác họ khác của tôi, đi bộ đội phục viên về làm chủ tịch xã. Bác Hiến gái có thể giữ đất trước những người anh em có chữ nhà chồng, nhưng chống thế nào lại với ông anh chủ tịch xã.

Có lần họ hàng tới nhà tôi chơi kể chuyện người làng. Thế nào mà bác Hiến lại về sống ở phố tôi từ bao giở bao giờ nhà tôi không hề biết. Cái tin nghe rơi đó tự dưng làm tôi có thói quen đi bộ đi học về tới đúng đoạn phố đó thì nghếch nghếch đầu nhìn bên phải.
Một lần lơ ngơ như thế, tôi ngờ ngợ ai như bác Hiến, liều chào. Bác thật. Lúc đó tôi đã vào đại học rồi. Bác đứng ngay trước cửa nhà, hóa là hiệu may Mai Anh mới mở. Có lẽ đó là một trong mấy hiệu may đầu tiên mở ở phố tôi. Hiệu mới hay là mở lại sau bao năm bao cấp tự đóng thì tôi không biết, và chủ hiệu chính là em trai bác Hiến. Giá mà số nhà ấy không mở hiệu may, cứ cửa lùa im ỉm đóng không buôn bán gì như bao năm tôi thờ ơ đi qua thì có lẽ tôi cũng không bao giờ gặp lại bác.

Bác thì dĩ nhiên không thể nhận ra tôi nếu tôi không nói tôi là cháu của bà. Bác mời tôi vào nhà dưới cái nhìn lãnh đạm của ông chủ hiệu và mấy cô con gái ông. Hai mẹ con bác Hiến sống ở căn phòng bé tít trong cùng ngôi nhà, chỗ gần với nhà vệ sinh, bể nước và bếp núc. Một ngày xa xưa đấy là nơi dành cho con sen con ở của những nhà trung lưu ngoài phố. Giờ thì đấy là mơ ước của bao nhiêu người Hà Nội rồi.
Bác Hiến không đi làm. Bác ở nhà giúp em trai chăm nom gia đình. Thời buổi ấy nhìn thế là biết chị em bác Hiến đùm bọc nhau lắm. Thế là bác Hiến cũng may mắn lắm, chứ một mẹ một con…

Con gái bác Hiến, chị Tâm, sinh sau khi bố chị vào Nam. Lý lịch đen sì sì thế mà chị vẫn vào được trường cao đẳng Văn hóa, nay đã nâng lên thành đại học, học ở khoa Thư viện. Chị dáng gầy, làm thủ thư ở thư viện thành phố. Thế là thơm lắm đấy, chả biết họ hàng nào đã nhúng tay vào lo cho. Hồi tôi biết chị, chị đã hai lăm hai sáu rồi, ngày ngày đi làm về với mẹ chả thấy chồng con gì.

Rồi đến một ngày Hà Nội bắt đầu ầm ào xe máy. Tôi cũng phấn đấu mua xe máy, không còn dịp nào đi bộ qua khoảng phố xưa, không gặp lại bác Hiến lần nào.
Rồi tôi theo chồng đi xa. Rồi tôi bất ngờ nhận được thư nhà báo địa chỉ ông anh họ cháu bác Hiến trai, người vượt sông Bến Hải năm 1958 từ lúc tôi chưa ra đời, người tôi chưa bao giờ gặp. Anh vào Nam, đổi tên đổi họ theo học tiếp, ở Sài Gòn và ở Mỹ, sau 1975 thì đi tù. Lúc đã sáu mươi ngoài thì anh đưa gia đình qua Mỹ theo diện HO. Gọi qua làm quen và hỏi thăm, người cầm máy là vợ anh, nghe nói từng là một phụ nữ rất đẹp. Chị cười hơ hơ, giọng bắc trăm phần trăm: „Anh ấy đi học tập mất mười bảy năm. Gớm, chưa thấy chương trình học tập nghiên cứu ở nước nào dài như thế.“ Hỏi thăm cả ông bác bà bác chồng chị di cư vào đó, chị bảo anh em chú Hiến con nhà giàu, hứng lên đi Nam, nhưng không biết làm ăn. Rồi sao rồi sao chị? Rồi chú ấy mất. Sớm lắm!


Ra thế. Ngày thống nhất không thấy bác Hiến đánh đường về quê là vì thế. Thời buổi đất nước chia hai, người đi người ở biệt tin nhau. Người đàn ông ấy lúc qua đời ở Sài Gòn làm sao mà biết được buổi ra đi mình để lại một hòn máu buồn tủi vậy và người vợ rất trẻ rất đẹp của mình suốt một đời đàn bà được gọi theo tên mình. Nữa là chuyện mình có mảnh vườn bạt ngàn dong giềng, ở một góc có cây núc nác. Cái cây đến khổ, không chết nhưng mà lúc nào cũng trụi thùi lụi, sống mà không có nổi một cái lá nào già.

Có lúc lẩn thẩn nghĩ, tôi lại tự hỏi bác Hiến gái có chịu được vị lá núc nác như bà cháu tôi và đã có bao giờ ăn thử? Rồi lại lẩn thẩn thắc mắc trong họ không biết tại sao không ai gọi bác Hiến gái theo tên chị Tâm con bác. Đằng đẵng gần hết một đời người đàn bà dịu dàng ấy vắng chồng. Mà vẫn mang tên chồng.


(*) Rút trong tập "Người làng", chưa xuất bản (cùng với hai truyện khác, sẽ đăng sau).
Diễn Đàn trân trọng cảm ơn tác giả và hoạ sĩ Đỗ Phấn đã gửi tặng bài và tranh minh hoạ.


Berlin 1. 06. 2016

Lê Minh Hà

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss