Đào thoát, nhưng không theo cách của T. S. Eliot
ĐÀO THOÁT,
NHƯNG KHÔNG THEO CÁCH
CỦA T. S. ELIOT
Phạm Tùng Cương
“ Văn chương không phải chuyện viết hay hoặc viết dở ; văn chương là cầm bút mà viết ”
Charles Dantzig
Trước hết tôi phải thú nhận với niềm thú vị tuyệt vời sự kinh ngạc của mình khi đọc thấy rằng một tiểu thuyết viết bằng tiếng Pháp bởi một công dân Pháp gốc Việt (dĩ nhiên) lại được coi như thuộc về văn chương Việt Nam. Có phải vì tên sách Khmer Boléro khiến về địa lý nó gần với Việt Nam ? Chắc tôi đã bỏ sót trước đây một điều gì quan trọng khi đọc Salman Rushdie, Francois Cheng và các ngòi bút khác kiểu Kuzuo Ishiguro mà chẳng được cho biết đấy là văn học Ấn, Trung Hoa hay Nhật bản gì đó. Tôi đã tưởng rằng văn chương tùy thuộc vào ngôn ngữ của tác phẩm cùng với nền văn hóa từ đó văn chương bắt nguồn.

Khmer Boléro,
tiểu thuyết của Đỗ Kh., nhà xuất bản Riveneuve, Paris 2013
Hỡi ơi ! Khi ta lệ thuộc vào Marketing và Tiếp Thị !...
Trong một bài viết Tradition and the
Individual Talent (Truyền Thống và Tài Năng Cá Biệt), T. S.
Eliot định nghĩa thơ là một cách đào thoát khỏi cảm tính (an escape from emotion), một cách
trốn chạy khỏi cá tính (an escape
from personality). Nếu vậy thì không có gì xa lạ với quan điểm
thơ văn ấy bằng quyển sách đầu tay viết bằng Pháp ngữ của Đỗ Kh. Bởi đó
là một tiểu thuyết dựa trên trải nghiệm (à base de vécu) vừa là một tác phẩm
của cá tính.
Có một điều lý thú khi ta được biết tác giả từng thuộc lòng câu “ tổ tiên ta là người Gô-loa ”, từng
mài đũng quần (cả ngắn lẫn dài) tại nhà trường của Jules Ferry ở Saigon
và Paris, cũng như ở Sciences Po (đại học Chính Trị ở Paris) sau giai
đoạn đi lính trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1974-75. Đỗ Kh. đã
bắt đầu sự nghiệp văn chương bằng tiếng Việt, một phần qua thơ và
truyện. Hành trình văn học ấy, tự nó đã không bình thường, không khỏi
kích thích sự tò mò của chúng ta. Nếu Đỗ Kh. nghĩ rằng ông đã phạm tội
ngoại tình khi viết tiểu thuyết đầu tay bằng tiếng Pháp, tôi lại cho đó
là đúng hơn là sự quay về của Đứa Con Hoang với ngôn ngữ văn hóa nguyên
sơ (mang mãnh lực và ý nghĩa nhiều hơn tính chất sắc tộc).
Mọi tác phẩm hư cấu, nếu muốn được hấp dẫn, thuyết phục và sinh động,
chỉ có thể dựa trên nền móng của những kinh nghiệm sống thực hay đã
được thực tế kiểm tra (như Flaubert đã nuốt thử một chút độc dược để
thử nghiệm tác dụng của nó trước khi thuật tả màn uống thuốc độc của Bà Bovary ; hay là Claude Simon
trong La Route des Flandres
hoặc Proust trong A la Recherche…).
Và Đỗ Kh. đã khai thác vốn sống phong phú đa dạng của ông trong Khmer
Boléro một cách tuyệt diệu. Sự thăng hoa các kinh nghiệm sống trong
cuốn tiểu thuyết tạo ra niềm hoan lạc trí tuệ dưới một ngòi bút vừa tả
chân vừa chân thật với chất trào lộng hồn nhiên không dụng công.
Có thể nói rằng có một không khí và phong thái đặc thù Đỗ Kh. – một
nhân sinh quan qua đó chẳng có chi nghiêm túc nhưng mọi sự đều quan
trọng và đáng được nghiệm sinh bên ngoài “ cách biểu hiện do trí óc
nghĩ ra ” : chất hoang đàng văn hóa đa dạng có bản lĩnh, óc tỉnh táo
thấm vị sầu muộn, tính chân thật vui nghịch thêm vào thói phó mặc lười
chán, chủ nghĩa chiết trung, khinh mạn, trò trào lộng giàu chuyện tiếu
lâm quái quỷ của học trò. Tất cả có vẻ dính líu với sự gắn bó nặng hoài
niệm và sự trung thành lỗi thời với tuổi trẻ giờ đây đã xa vời dù phong
phú với bao nhiêu kinh nghiệm, gặp gỡ và tập tành. Điều này khó mang
đến một mối tình ổn định không trắc trở, và những may rủi đời người
cũng chẳng đóng góp gì thêm. Hay là bởi tại “ không có tình yêu mà chỉ có những khoảnh
khắc ái ân ” ? “Yêu là thế nào
? Có cách nào biết được ? ”.
Tính dục thì lại hiện diện đậm nét trong cuốn sách. Về mặt này, Đỗ Kh.
có thái độ thoải mái, tự nhiên và trực tiếp, không bị gò bó hay cấm kỵ.
Nhại theo Sartre, ở Đỗ Kh. tình dục là Hữu Thể. Đề cập đến việc ấy, Đỗ
đúng là thế hệ thanh niên của thập niên 1970 mà Houellebecq là
gương mặt tiêu biểu (chả có chất văn chương Việt Nam bao nhiêu) với
cuốn Les Particules Élémentaires : “ Hắn
không thể nào nhớ nổi cơn nứng căng mới gần đây; hắn trông đợi cơn dông
đến ”. Giống Nam, người hùng trong tiểu thuyết, trông đợi mưa
mùa...
Nhà văn sử dụng chữ trong khi nhà thơ phụng sự ngôn từ. Không có nhà
văn, lũ chữ sẽ vô hình. Đỗ Kh. đã dùng chữ một cách vui nghịch và kỳ
thú trong Khmer Boléro.
Tôi không biết nói gì thêm về cuốn sách này ngoài lời nhắn gửi các bạn,
với tất cả những điều chủ quan tôi dành cho tác giả : nên đọc quyển
tiểu thuyết này. Nhưng trên hết xin các bạn đọc nó để khẳng định rằng
về mặt chủ quan tôi không sai.
Holmdel, Mai 2013
PHẠM TÙNG CƯƠNG
(CHÂN PHƯƠNG dịch từ bản tiếng Pháp)
Các thao tác trên Tài liệu