Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Đất nước và cá nhân

Đất nước và cá nhân

- Lê Học Lãnh Vân — published 06/08/2021 23:35, cập nhật lần cuối 07/08/2021 15:42

Đất Nước và Cá Nhân


Lê Học Lãnh Vân



Hồi còn bên Pháp, biết Vương sắp đi chơi miền trung và nam nước Pháp, bác Hoàng Xuân Hãn dặn ghé thăm một người cùng tuổi với cuộc Cách Mạng Tháng Mười Nga.

– Ảnh sống kín tiếng, coi như bỏ hết cuộc đời cũ của mình. Cháu tới đó thăm để biết hoàn cảnh lịch sử, biết tâm trạng con người. Bác điện thoại, cháu tới sẽ được đón tiếp. Nhờ cháu kể về đời sống hai bác trên đây và nói với anh rằng hai bác nhớ bạn!

Người bạn của bác Hãn sống bình yên trong một căn nhà trên con hẻm dốc lát đá đầy nắng và hoa, tại một làng cách Bordeaux khoảng hai mươi cây số.

Người tầm thước, phong cách chậm rãi, thấy ông không khác những người đàn ông khá giả đất Nam Kỳ Lục Tỉnh trong các tấm hình chụp của những năm 1940 - 1960…

Ông cụ gốc giữa hai con sông Tiền và Hậu, học trung học Chasseloup-Laubat (nay là trường Lê Quý Đôn) cùng lúc với các ông Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn và đậu tú tài Pháp khoảng cuối thập nên 1930. Về quê cưới vợ là con địa chủ, anh em bên vợ làm công chức chế độ Pháp. Sau một thời gian coi sóc điền sản gia đình, ông vào làm trong dinh ông Chánh, tương đương tòa nhà Ủy Ban Nhân Dân hiện nay.

Khi Pháp trở lại Việt Nam, họ bổ nhiệm ông Chánh mới trẻ măng, tên Paul, bạn học của ông. Trước thế chiến 2, Paul về Pháp rồi kháng Đức trong lực lượng du kích ủng hộ tướng De Gaulle, sau chiến tranh trở lại Việt Nam.

Bạn cũ gặp lại nhau, hiểu nhau, thân nhau trên nhiều khía cạnh. Ông tin rằng Paul không biết ông là người tiếp tế ủng hộ Việt Minh. Ngày kia, sau giờ làm việc, Paul nói riêng:

Anh không được về nhà, phải trốn mất ngay sau giờ làm việc. Quanh nhà anh đã có người đi rỏn, người ta sẽ bắt anh sáng mai. Tôi biết anh hoạt động ủng hộ Việt Minh. Tôi tôn trọng việc làm của anh, và tôi có trách nhiệm của tôi. Đi đi anh, đừng cho ai biết gì hết! Ngày mai gặp lại, tôi không thể cứu anh!

Từ đó ông sống đời kháng chiến dọc ngang kênh rạch, thiếu thốn tiện nghi nhưng vui.

Gian khổ là ở miền ngoài kìa, đất lục tỉnh trừ lúc bị ruồng bố phải ém vài ngày hay vài tuần, còn lại thì cá chim rùa rắn ếch nhái thả tay xuống bắt là có ăn. Tối ngủ giữa đồng hay mắc võng ven sông, chui vô nóp…

Ngày kia nghe anh em bàn phục kích bắt một quan Tây trên đường từ tỉnh về Sài Gòn, linh tính cho biết có thể là Paul, ông chống xuồng băng tắt kinh rạch. Tới trễ, mọi việc xong hết rồi, Paul đã bị bắn chết! Nghe thuật lại chuyện cũ, anh em cũng thương. Mùa nước nổi linh láng, biết chôn đâu, thôi thì đem xác Paul đặt trên gò cao!

Cảm thương vô hạn và thấy đằng sau hai chữ độc lập thấp thoáng những điều vô nghĩa, ông vẫn tiếp tục theo Việt Minh cho tới lúc kháng chiến thắng trận Điện Biên Phủ thì rút lui hẳn. Việc rút lui còn do tin tức về cuộc Cải Cách Ruộng Đất vọng tới Miền Nam. Hòa bình được vài năm, ông qua Pháp sống đời lặng lẽ.

Tôi vẫn nghĩ phải chi hồi 1946 mình đừng có chiến tranh. Thời cuộc đã rụch rịch dân nước nào ở nước đó, chế độ thực dân không còn nữa, mình không biết cứ cắm đầu đánh, dân chết mà nước chậm tiến hoài. Chậm tiến bởi thiếu tình người, lại càng chậm tiến thêm…

Từ sau năm 1975 tới nay, càng ngó về Việt Nam tôi càng tin chiến tranh không đem lại cái gì tốt cho mình hết. Hay mình kế nước Tàu quá lớn bị nó xúi bậy từ hồi đó tới giờ? Mà cũng tại mình, lúc đó Tàu yếu nhớt, không đổ thừa ai xúi được hết. Tại mình, tại mình!

Vương quen khá gần gũi một gia đình Pháp có dòng máu Việt. Gia đình qua Việt Nam từ những năm 1860, thời Pháp bắt đầu xây dựng Sài Gòn tân tiến. Từ đó tới nay, trải dài gần trăm rưỡi năm, một cách thầm lặng, gia tộc này góp phần vào sự phát triển vùng đất Bình Dương, Đồng Nai, Gia Định với những những đóng góp từ thiện cho chùa chiền, trường học, nhà tế bần…

Một người phụ nữ trong gia đình, tên tiếng Việt là Hạnh, tốt nghiệp ngành văn chương và luật tại Pháp. Trong thời gian từ khi ông Diệm đổ cho tới sau Tết Mậu Thân 1968, bà Hạnh làm việc tại Sài Gòn cho một tờ báo lớn, quen biết rộng rải giới chính trị, dân biểu. Trở qua Pháp, bà làm việc cho chính phủ Pháp. Khi những thuyền nhân Việt Nam đầu tiên tới định cư tại Pháp, bà Hạnh cùng với những người quen gốc Việt của mình, cũng là công chức cao cấp của Pháp, lui tới giúp đỡ ổn định đời sống ban đầu và tìm chỗ học, chỗ làm cho họ. Bằng vị trí của mình, bà Hạnh ủng hộ các sáng kiến hợp tác với Đông Nam Á, đặc biệt là với Việt Nam. Bà cũng là người phụ trách hỗ trợ hành chánh cho các phái đoàn hợp tác văn hoá và giáo dục Pháp Việt…

Trước sau năm 2000, khi đã về Việt Nam làm việc, Vương được ông Nguyễn Đức Từ, một bậc đàn anh trong xóm cũ, cựu sĩ quan Phủ Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, giới thiệu với ông Phạm Xuân Ẩn. Từ đó, thỉnh thoảng anh có những buổi cà-phê sáng với nhà tình báo lừng lẫy này.

Lần ăn sáng tại nhà hàng Givral nơi cái bàn truyền thống của ông Phạm Xuân Ẩn, tức cái bàn lùi về sau và sát đường Đồng Khởi, khi đang nhắc những người quen chung, ông Ẩn nhìn qua khách sạn Continental…

Tôi biết hết phóng viên các tờ báo quốc tế lớn. Họ lấy tin chính thức từ tôi cũng nhiều, tôi lấy tin từ các tuy-dô riêng của họ cũng không ít. Tụi tui chơi chung, thường ăn sáng tiệm này, tiệm bánh Brodard hay bên khách sạn Continental…

Ánh mắt ông trở nên xa xăm…

Cô Hạnh xông xáo, nói tiếng Tây lanh hơn đầm, cự lộn với tụi nó còn lanh hơn nữa, có bạn trai cũng trong ngành báo chí. Giữa năm Mậu Thân, tôi ăn sáng với họ, cũng ngồi cái bàn này, rồi tay đó đi công vụ, cuối ngày được tin mất vì bắn sẻ…

Anh chàng đó nhỏ hơn tôi mấy tuổi, con ông CEO một ngân hàng. Chiến tranh mà, sống đó chết đó!

Vương từng nghe chuyện đó. Với những điều do người trong cuộc kể lại, Vương biết chi tiết về cuộc sống, gia thế, mơ ước tương lai, tình yêu vừa đẹp như cánh hoa tươi buổi sáng, vừa buồn và bi thảm của họ. Đúng là thời đó ít người được sống tươi vui và sống thiệt với chính mình. Ai cũng có cuộc sống riêng tư và cuộc sống xã hội, hai cuộc sống ít nhiều khác nhau. Tuy nhiên, với cuộc chiến khốc liệt và chồng chéo bởi nhiều tính chất, lớp tính chất ý thức hệ, lớp tính chất nội chiến phân tranh, lớp tính chất giải phóng dân tộc, vì rất nhiều lý do, hai cuộc sống đó của một con người cách nhau rất xa.

Gia đình cô Hạnh mộ đạo Phật, đạo Phật thời cuối thế kỷ XIX, khi mà không khí thiền môn giản dị cao sâu, đậm màu văn hóa bản địa của vùng đất phương Nam mới. Gia đình vẫn giữ quốc tịch Pháp từ khi ông bà nội qua Việt Nam trăm rưỡi năm trước cho dù đã được Việt Nam hóa gần như hoàn toàn, huyết thống, vóc dáng ngoài, văn hóa và cả tình yêu nước Việt. Dù có nhiều đóng góp cho Việt Nam, sống chan hòa giữa người Việt, gia đình vẫn nhận sự nghi kỵ từ những nhóm người hay phe phái chính trị. Sự nghi kỵ có khi biến thành đe dọa, uy hiếp hay thậm chí thù địch mỗi khi không khí chống đối nhau trong xã hội nóng lên. Không khí thời cuộc đó có liên hệ tới nhiều giới trong xã hội, giới chính trị, quân nhân và cả giới tu hành…

Ông Ẩn nhớ lại:

Anh cô Hạnh làm chuyên viên kinh tế thời Pháp, hơn tôi chừng mười ba mười bốn tuổi. Chuyên môn giỏi, đàng hoàng, liêm khiết, bây giờ đốt đuốc kiếm không ra!

Người anh đó, hồi bên Pháp, Vương kêu là chú Tư. Chú rời Việt Nam, làm chuyên gia tài chánh cho chính phủ Pháp, nắm tài chánh cho những tỉnh, vùng (département) quan trọng của nước Pháp trước khi nghỉ hưu. Cuộc đời chú là một chuỗi dài thương nhớ quốc gia lúc nào chú cũng coi là quê hương dù không có quốc tịch và cũng ít có cơ hội phụng sự. Hễ có dịp đóng góp tài chánh, chú không ngại ngần…

Hồi đó, nói chuyện với chú Tư sau chuyến thăm người quen của bác Hãn, Vương mới biết hai ông quen nhau thời còn đi học, chú Tư học trước vài năm. Sẵn dịp, chú cho Vương biết trong những năm chiến tranh Pháp Việt, chú và những người anh trong gia đình, là sĩ quan quân đội Pháp, vận động các thế lực Pháp ủng hộ nền độc lập của Việt Nam. À, quên nữa, thời đó, cha và anh chú Tư là cấp trên của ông Dương Văn Minh. Chú cho biết…

– Từ trước năm 1950 Pháp đợi thu xếp êm cuộc chiến để trao độc lập cho Việt Nam. Chú nghĩ có trận Điện Biên Phủ hay không thì Việt Nam cũng sẽ độc lập. Độc lập không chia cắt!

Cuối thập niên 1990, trong khi rất nhiều bà con và người quen biết biểu Vương ở lại Pháp thì chú Tư, cùng với các người em của mình, khuyên Vương trở về Việt Nam.

Bên đó cần cháu, về bển cháu mới vui vì thấy mình có ích. Bên đây thì, rồi cũng như tụi này, sống cũng chán. Sống ở đâu thì dễ lựa, mà làm việc ở đâu mới khó lựa! Quyết định lúc này là quyết định cả đời. Cháu là người ở bển, người Việt chấp nhận cháu, đó mới là xứ để cháu làm việc. Coi vậy chớ Việt Nam hoà bình rồi lần hồi cũng khá hơn. Lâu lâu đi du lịch qua đây ở chơi vài tuần, vài tháng…

Xoay xoay ly vang, nhìn ra nắng, một lúc sau chú hỏi:

Xứ mình còn nghèo quá, sống bên này cháu nhắm có vui hoài được không?

Câu hỏi đó dành cho Vương hay dành cho chính chú?

Giọng cưng cứng của người đàn ông nói tiếng Pháp nhiều hơn tiếng Việt còn như mới nghe hôm qua mà đã cách xa mười mấy năm rồi…

Lê Học Lãnh Vân

chép lại trong năm 2004


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss