Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Đầu lòng

Đầu lòng

- Cao Huy Thuần — published 21/10/2021 12:00, cập nhật lần cuối 27/10/2021 19:21

Số đặc biệt Diễn Đàn 30 tuổi



ĐẦU LÒNG


Cao Huy Thuần


Thưa Cô,

Chưa bao giờ tôi gặp một người phỏng vấn tinh quái như cô. Phỏng vấn gì mà như đưa người ta vào bẫy, đùa chẳng ra đùa, thật chẳng ra thật, ỡm ờ, trêu ghẹo một ông già ngây thơ đã đến thời lẩm cẩm. Nhưng mà... kiểm kê lại, thấy cũng vui vui, ghi lại kẻo bây giờ mau quên, nếu cô muốn giữ làm kỷ niệm thì tôi gửi nhé. Đầu đuôi thế này :

Vào đề, cô hỏi : "Thưa ông, em phỏng vấn ông hai chữ "đầu lòng" có được không ạ?". Nhanh như con sóc, cái đầu tôi vụt nghĩ ngay đến... Thúy Kiều:

Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân

Tôi có hai đứa con gái đầu, đều nổi tiếng vang lừng trên mạng cộng đồng, nghĩ bụng : chắc cô này muốn phỏng vấn mình về hai kiều nữ. Hãnh diện quá, tôi vui vẻ nhận lời : "Được chứ! Bao nhiêu ký giả đã phỏng vấn hai cô con gái đầu lòng của tôi, chúng nó nói không hay bằng tôi đâu".

Cô cười như năc nẻ, tuy cười với máy điện thoại nhưng nghe giọng cười là biết ngay cô cười rất xinh. Cô nói :

– Thưa ông, không phải thế ạ, em muốn hỏi ông về cái "tiếng đầu lòng" cơ.

Tiếng đầu lòng ? Oe oe lúc mới lọt lòng mẹ ? Cái đầu tôi lại vụt nghĩ đến thơ, lần này thì thơ Cung Oán, vâng, Cung Oán Ngâm Khúc ấy mà :

Thảo nào khi mới chôn nhau
          Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra

Rồi nghĩ bụng: chắc cô này muốn phỏng vấn mình về triết lý nhân sinh. Nhân sinh triết lý vốn là nghề của tôi, tôi vui vẻ ngay :

– Ồ, cuộc đời buồn lắm cô ạ. Thì ông Nguyễn Công Trứ đã nói, cô còn nhớ chứ: "Mới sinh ra thì đà khóc choé / Đời có vui sao chẳng cười khì?" Khóc với cười, cười với khóc, cô phỏng vấn tôi đến khuya cũng chưa hết chữ.

Nhưng cô lại cười, ôi xinh ơi là xinh :

– Thưa ông, không phải chuyện triết lý nhân sinh ạ, em muốn hỏi ông về "tiếng đàu lòng ông gọi" cơ mà. Ông vui quá, em chưa nói hết câu thì ông đã ngắt, chứng tỏ phong độ của ông không thua gì Nguyễn tướng công. Vâng, em hỏi: "Ông gọi..."

Tôi gọi ? Tôi gọi ai ? À ra thế ! Chắc cô này muốn hỏi mình khi mình mới lớn, ở cái tuổi ban đầu, lúc trái tim non bắt đầu bị cơn động đất, mình gọi ai. Gọi thế quái nào được ! Tiếng sét ái tình nó xẹt ngang đầu, chết không kịp ngáp, còn gọi ai ? Nhưng nếu mà cô này muốn phỏng vấn mình về cái tiếng sét ấy thì, kinh nghiệm đầy mình, sợ gì !

– Thưa cô, cô bắn trúng tim đen của tôi, cô muốn phỏng vấn về cái tiếng sét ban đầu ấy phải không ạ ?

Cô ngần ngừ :

– Ờ ờ... vâng, ở đây cũng có sét đánh, có tin sét đánh... nhưng em muốn nhắc lại cho chính xác : Ông gọi ai nơi tiếng ban đầu ?

Tôi lúng túng. Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, tôi có cả hai cô, cô Mười cô Tám, tôi biết gọi cô nào đây ? Thôi thì gọi chung một tiếng mà ai cũng gọi ở đầu môi, chắc chắn đúng thôi :

– Thưa cô, tôi gọi là "Yêu".

Không ngờ cô giật nẩy mình :

– Ông nói "Yêu" ? Ông là người Huế mà ông nói "yêu" ? Rứa cái chữ "thương" ông để mô rồi ?

Ối giời, cô này Bắc Kỳ mà xổ giọng Huế với mình, dễ thương thiệt là dễ thương. Nhưng mà chột dạ: chẳng lẽ cô này muốn phỏng vấn mình về ngôn ngữ học là môn mà mình dốt đặc ? May quá, như đoán được nguy nan của tôi, cô trấn tỉnh tôi liền :

– Thưa ông, không phải em tra hỏi ông về ngôn ngữ địa phương đâu, nhưng tình cờ mình lạc vào đề tài này, ông và em lạc một chút cũng vui.

Được trấn an, tôi phỏng vấn ngược lại :

– Thưa cô, lúc ta mới lọt lòng mẹ, ta khóc oe oe, đó là cái miệng khóc, còn cái tình cảm ban đầu là biết "yêu" ngay, "yêu" cái bình sữa, "yêu" cái bầu sữa của mẹ. Bởi vậy, cái tiếng ban đầu của cái miệng là oe oe; cái tiếng ban đầu của cái lòng là "Mẹ" , là "Yêu". Ai là người thì chỉ có một tiếng ấy thôi, làm sao có tiếng nào khác ?

Cô đáp lại ngay :

– Vâng, nhưng người Huế của ông gọi là "yêu bình sữa"? Người Huế của ông nói: "con yêu mẹ" lắm? Hay là "con thương mẹ"? Em nghe người Huế ru: "Cha mẹ thương con bằng trời bằng bề / Con thương cha mẹ kể tháng kể ngày". Có nói "Yêu" đâu? Người Huế của ông hát: "Thương về xứ Huế", có ai hát "Yêu về..." đâu? Người Huế ối a tình tang với "Mười thương", có ai ối a "một yêu tóc bỏ đuôi gà..."? Vậy thì cái tiếng đầu lòng của ông khi lên cơn động đất là "yêu" hay "thương"?

Cô làm tôi bối rối. Hình như tôi học được chữ "yêu" từ tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn. Trước đó cha tôi chỉ nói "cha thương mẹ". Đến phiên tôi thì tùm lum "yêu", "phải nói yêu trăm bận đến nghìn lần" như ông Xuân Diệu dặn dò. Riết một hồi rôi yêu thương lẫn lộn, có khi cũng tự nhiên mà phân biệt, chẳng hạn nói về cái mục ái tình thì "yêu", còn "thương" thì dành cho mọi chuyện khác của lòng. Nhưng cũng không hẳn thế. Trong mục ái tình, người Huế cũng hát ca dao: "Thương nhau mấy núi cũng trèo / Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua". Mà cũng lạ: nếu hát "Yêu nhau mấy núi..." thì người Huế lại không thấy hay bằng, không ngọt ngào trên lưỡi bằng, không thấm đến tận ruột gan. Cho nên: "Tóc mai sợi ngắn sợi dài / Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm". "Yêu" thì huy hoàng ở đầu môi; "thương" thì thiệt thà, bền chặt như chày với cối. Thậm chí, ngay cả bọn du côn ngày trước cũng không dám đùa với chữ "thương", mà bỡn với chữ "yêu":

Ông Tây đen nằm trong cái bồ
Đánh một cái thành bánh ga tô
Tôi yêu cô vì bộ lông mày
Áo phết gót đầu chải tăng gô

Nhưng lại cũng không phải thế. Bằng chứng là hồi 1946, tôi hát bể phổi với đội thiếu nhi: "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam?"

Tôi nói huyên thuyên như thế với cô, vậy mà cô không ngắt lời. Được thể, tôi nói thêm:

– Cô cho tôi lạc đường thêm một chút nữa nhé. Cách xưng hô của cô, cứ ông ông em em làm tôi sướng mà cũng làm tôi buồn. Bản năng sinh tồn của tôi cảnh giác ngay: nghe thì nghe nhưng đừng tưởng bở! Bởi vì, ở thế hệ của tôi, sức mấy mà được các cô xưng là "em", sức mấy mà tôi dám gọi các cô là "em" ! Trong lớp, thầy giáo gọi nữ sinh là "các chị". Trẻ hơn tôi, tôi cũng gọi là "chị". Gọi "em" là đến lúc đối phương sắp sửa dính nhau rồi. Ôi, cái tiếng "em" nó châu báu, nó ngọt ngào làm sao! Hơn cả ly chanh đường! Năm 1980, lần đầu tiên tôi về Hà Nội, vô khách sạn, nghe các ông khách hàng gọi các cô tiếp viên là "em", ("em, chìa khóa phòng anh đâu?"), tôi bỡ ngỡ quá chừng, tuởng như châu báu của mình rơi xuống bùn đen. Bây giờ thì Huế tôi cũng em em quen lưỡi. Nhưng tôi thì không "em" được. Bởi vậy, xin vào lại đề tài nhé, chúng ta đâu có lạc đường, "tiếng đầu lòng" của tôi khi con tim nhảy loạn xạ, là "Em". Là "Em!"

Toan nói nữa vì đang có hứng, thì lại nghe cô cười, tất nhiên là rất xinh :

– Thưa ông, không có chữ "là" trong câu hỏi. Ông vội quá, em chưa kịp cắt nghĩa câu hỏi của em thì ông đã suy đoán ra nhiều chuyện vớ vẩn, nào thơ phú, nào triết lý, ái tình, ngôn ngữ, rồi "thương yêu", rồi "Mẹ" , rồi "Em", ông không nghĩ gì đến cái vô lý của câu hỏi. Tiếng đầu lòng của con nít mới đẻ ? Nó nói năng gì được mà gọi này nọ với ai ? Đáng lẽ ông phải trả lời trên cái vô lý đó để em truy vấn thêm. Tại sao mà vô lý ? Vô lý ấy có ảnh hưởng gì, có giải thích được gì cái ngoằn ngoèo của lịch sử không ? Ôi, bao nhiêu chuyện đáng nói, nhưng ông vội quá. Ông trả lời như thể ông là đứa con nít mới sinh.

Tôi nổi giận :

– Thì tôi là đứa con nít mới sinh, có sao đâu ? Già rồi nhưng cũng mới sinh. Cô không biết mấy người tín đồ Tin Lành bên Mỹ gọi họ là "born again" à ? Tôi "born again" đấy.

Cô chộp ngay :

- Thế thì ông mới sinh ra, vâng, sinh ra lại. Ông không khóc, chẳng cười, chỉ gọi. Thiết tha hơn cả tiếng "mẹ" của đứa con. Ông gọi ai ? Ông Tây hay Bà Đầm ?

Ai ? Chà chà gay cấn quá. Tôi có gọi ông nào đâu ! Lúc cô hỏi, trong đầu tôi chỉ nhớ có một ông thôi, là ông Trần Hữu Dũng ở bên Mỹ. Nguyên là thế này : Tôi gặp ông ấy cách đây hơn hai năm, hồi làm hội thảo ở Đức, Tiệp, Hung hay Ba Lan gì đó, Ông ấy với tôi ở cùng khách sạn, cùng ăn sáng trước khi đi đến phòng hội. Lúc đó, ở bên nhà tình hình không vui, Biển Đông, biểu tình hay gì gì đó. Không vui, ông hỏi tôi, hỏi khích kiểu Điêu Thuyền khích Lã Bố : "Anh là Phật tử, tin ở kiếp sau, lại từng tuyên bố kiếp sau sẽ trở lại làm người Việt Nam, vậy bây giờ anh còn trung trinh với ý nguyện ấy nữa không ? Kiếp sau anh sẽ oe oe ở đâu ?" Tôi chậm chạp chưa kịp trả lời thì bị bạn bè hối thúc kéo ra taxi. Hai năm rồi, vì Covid không làm hội thảo được, tôi không có dịp gặp lại ông Dũng để trả lời.

-– Ông sẽ trả lời thế nào ?

Cô hỏi vội, nhưng tôi trả lời thong thả :

– Tôi "born" hay "born again" cũng chỉ có một chữ ấy thôi. Tôi trả lời ông Dũng hay trả lời cô giống nhau. Mà trả lời bằng thơ chính hiệu.

Hình như cô có vẻ chú ý. Tôi đọc, như đọc thơ :

Tiếng đầu lòng con gọi Việt Nam.


Cao Huy Thuần

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Kỷ yếu 30 năm
Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us