Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Đầu năm xông đất

Đầu năm xông đất

- Đỗ Tuyết Khanh — published 14/01/2011 18:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20


Đầu năm xông đất


Đỗ Tuyết Khanh



Ngày đầu năm như trang giấy trắng của một quyển tập mới, nguyên vẹn và tinh khôi như cánh đồng phủ tuyết chưa có ai bước lên, tất cả còn tiềm tàng, xấu đẹp, may rủi đều có thể xảy ra như nhau. Mong ước của mỗi người tất nhiên là hên nhiều hơn xui, và tốt nhất thì đừng xui gì cả. Ở ranh giới những năm tháng đã qua và chưa đến, ngày đầu năm chất chứa những tâm tư sâu đậm nhất, băn khoăn xen lẫn với hi vọng, khoảnh khắc giao thừa được nâng lên thành giây phút thiêng liêng trong nhiều nền văn hoá, dù là theo dương lịch, âm lịch, Phật lịch hay kỷ nguyên Hồi giáo.

Vì thế ngày đầu năm, ngày Tết, là nơi hội tụ nhiều tập tục và truyền thống nhất, với vô số hình thức kiêng cữ và nghi lễ nhằm cầu may, đuổi tà. Những tục lệ ấy vừa thuộc gia tài văn hoá chung của xã hội, truyền tụng từ đời này sang đời khác, vừa nằm trong nội tâm mỗi người, gắn liền với những kỷ niệm ấu thơ. Song, cây nêu, tràng pháo đỏ, bánh chưng xanh, những biểu tượng thông thường của cái Tết Việt Nam đã thành sáo ngữ. Pháo đã cấm đốt từ lâu, cây nêu ngày nay mấy ai đã được thật sự thấy, bánh chưng thì bày bán quanh năm. Nhưng vẫn còn những tục lệ rất Tết, quen thuộc với tất cả mọi người, ít ra là những ai đã từng sống ở trong nước: phong bao lì xì, cành mai chậu cúc, bàn thờ tổ tiên, và xông nhà, xông đất.

Cái nhà, từ hang động của thuở sơ khai đến căn biệt thự khang trang ngày nay, trước hết là nơi nương náu, che mưa, chắn gió, giúp con người chống nóng, thoát lạnh để tồn tại. Nó chỉ đón nhận một phần nhỏ của cuộc sống, vài tiếng đồng hồ khi chúng ta về nhà, ăn uống, tắm rửa, nghỉ ngơi lấy lại sức để lại tiếp tục ra bên ngoài bươn chải kiếm ăn. Nhưng nó là biểu tượng của cả cuộc sống, của những gì quan trọng nhất: gia đình, quê hương, và cả bản chất mỗi người. Ngôn ngữ thể hiện rất rõ điều ấy. Vô gia cư, homeless, sans abri, không phải chỉ đơn thuần là không có nhà ở, mà vẽ lên hình ảnh của một cuộc sống bấp bênh, đầu đường xó chợ, bơ vơ, không người thân thích. Có gì cho thấy sự bất hạnh của các nạn nhân thiên tai bằng cảnh "màn trời chiếu đất". Nhớ nhà, homesickness hay Heimweh là nhớ nhung không chỉ căn nhà mà tất cả những con người và kỷ niệm trong đó, gia đình và cả hàng xóm, cái ngõ, con đường, cả một thế giới với đầy đủ âm thanh màu sắc. Nhà là quê hương và ngược lại: nước nhàhomeland trong tiếng Anh, là Heimat của người Đức. 1 Nhà cũng là người, khi có ai mắng :"Ơ hay, cái nhà chị này!" Tuy chỉ dùng trong tiếng Bắc và một giới nào đó, "nhà tôi" là vợ hay chồng, người chia sẻ với chúng ta cuộc sống, căn nhà và, trên nguyên tắc, suốt cuộc đời. Nhà còn là nhiều người lắm: nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà nho, và cả nhà văn hoá, vừa là nơi mọi người tới xem múa hát, vừa là những ông hay bà trịnh trọng phân tích mọi thứ bao trùm trong hai chữ văn hoá.


Xông đất có từ bao giờ ?


Quan trọng như thế, cái nhà tất nhiên phải có vai trò đặc biệt trong những ngày Tết, khi người ta ta tin rằng những gì đến trong buổi đầu năm sẽ ảnh hưởng lên cả năm. Thần tài gõ cửa bao giờ cũng tốt hơn là công an bấm chuông, ngày mùng một lại càng nên có quí nhân đến thăm, để cả năm vui vẻ. Vai trò che chở của căn nhà cũng có giới hạn, mưa to gió lớn cũng có thể làm sập đổ, trộm cướp cũng có thể vượt được cửa ngõ, và gạch ngói lại càng bất lực trước những bất trắc của cuộc đời: bệnh tật, làm ăn thua lỗ, mất việc hay những tai bay vạ gió đủ kiểu. Do đó căn nhà rất cần được ban phúc, để người ở đấy có thể sống yên tâm hơn. Cúng ông địa hay mời linh mục đến ban phép lành khi dọn vào nhà mới cũng như một hình thức bảo hiểm, mỗi đầu năm lại "gia hạn" qua xông đất.

Không biết tục lệ xông đất có từ bao giờ và tại sao lại gọi là "xông"2, cái này phải để các nhà văn hoá giải thích, nhưng đây là một trong những "thủ tục" quan trọng nhất của ngày đầu năm. Người đầu tiên bước vào nhà sau giao thừa, đem lại hên hay xui cho cả nhà và cả năm, thì phải lựa chọn cho kỹ. Đối tượng lý tưởng là một người khoẻ mạnh, học hành đỗ đạt hay tháo vát giỏi làm ăn, tính tình vui vẻ, tốt bụng, được yêu mến, không gây thù oán với ai. Nếu cao ráo, đẹp trai xinh gái, lại giàu có nữa thì thật quá tốt. Thường thì người được nhờ đến xông nhà chỉ cần có vài đức tính trong tiêu chuẩn đó, được chọn trong vòng bạn bè gia đình hay hàng xóm thân. Nếu không tìm được ai thì để tránh bể chương trình, đã không tóm được quí nhân lại bị quái nhơn đến xúi quẩy, đơn giản và chắc ăn nhất là tự xông lấy, mình với mình thì nếu không có gì đặc biệt phấn khởi cũng chẳng có gì đáng lo. Vì xông nhà là cả một việc to tát đòi hỏi phối hợp chặt chẽ giữa các bên đi xông và bên được xông, phải được thu xếp từ trước và bố trí trong thời gian và không gian, nhất là khi vị khách quí đắt hàng tới mức phải "chạy sô" : nhà nào trước nhà nào sau, giờ nào, và theo lộ trình nào hợp lý nhất để tránh kẹt xe, lô cốt, v.v. Stress lắm chứ, thật oái oăm người xông nhà không chừng lại vất vả cả năm vì tất tả đi lấy hên cho người khác.

Gia đình tôi ít mê tín dị đoan nhưng cũng chấp hành nghiêm chỉnh việc xông đất, một phần vì là tập tục của người Việt Nam, làm theo truyền thống cũng là gắn bó với ông bà tổ tiên, một phần vì tâm lý của đa số trước những gì con người nghĩ ra để tìm cách chế ngự sự may rủi: không nhất thiết tin nhưng không theo thì có cái gì ngài ngại, như thách thức ông Trời, thôi thì cứ ai sao tôi vậy cho vững bụng. Có lẽ tâm lý này không có ranh giới vì nước nào cũng có nhiều tục quán cho ngày đầu năm, na ná giống nhau, và cả lệ xông đất cũng không chỉ của người Việt Nam mà còn có trong nhiều nước khác, ở đây chỉ nhắc đến châu Âu.


Xông đất ở châu Âu


Ở Anh, tục lệ xông đất phổ biến chủ yếu trong các vùng phía bắc và ở Scotland, người xông nhà gọi là "First Foot" hay quaaltagh trong tiếng gaelic, thường là một người đàn ông cao lớn và tóc nâu hay đen. Ở vài nơi, người xông đất mà là đàn ông tóc vàng hay phụ nữ thì bị coi là xui. Trong vùng Yorkshire, dân chúng không câu nệ màu tóc nhưng nhất thiết vẫn phải là một người nam. Thế mới biết không chỉ có ở Việt Nam người ta mới sợ "ra ngõ gặp gái". Nhưng tệ hơn cả là ở Estonia, có nơi người đàn bà nào chẳng may vô tình xông nhà sẽ bị ném tro hay bắt đeo một đôi ủng cũ quanh cổ để xả xui. Tiêu chuẩn "cao, tóc màu sậm" phản ánh quan niệm về người đàn ông lý tưởng qua câu nói đã trở thành tục ngữ của các ông bà thày bói tiên đoán duyên số cho các cô gái: "You will meet a tall, dark handsome stranger...." (Cô sẽ gặp một người đàn ông lạ cao lớn, tóc nâu đen và đẹp trai), và các cô sẽ nghĩ ngay đến George Clooney! Quả thật, ngày mùng một mà thấy Beau George bước vào nhà thì thật quí hoá, chắc sẽ hên lắm, còn gì hơn. What else ?!

Nhưng khôi ngô tuấn tú không đủ, ông First Foot (vài nơi tiến bộ thì lại thích một bà hơn) không thể đến tay không mà nhất thiết phải cầm theo một vài món quà tượng trưng: một đồng tiền, một chai whisky và một cái black bun (bánh cake nhồi nhiều loại mứt), để gia chủ cả năm có ăn, có uống, và một mẩu than, để được ấm áp cả năm. Thời trước còn kèm theo một ít muối, là phương tiện bảo quản thức ăn trước khi có tủ lạnh. Than, tượng trưng cho cái bếp và lò sưởi, cuộc sống ấm cúng gia đình, là tài nguyên chính của vùng bắc nước Anh ngày trước nên cũng biểu tượng sự may mắn, sung túc. Học sinh đi thi, binh lính ra trận thường cầm theo một mẩu than. Tục lệ này tất nhiên không thể thoát cái óc tiếp thị của các nhà buôn ngày nay. Coalite, công ty than lớn nhất nước Anh, tung ra nhân dịp năm 2000 một gói quà đặc biệt đặt tên là Millennium First Foot gồm một mẩu than, một đồng tiền bạc, một túi muối nhỏ và một chai Scotch whisky tí hon, để trang bị cho các người đi xông nhà.



First Footing ngày nay vẫn là tục lệ ưa thích trong nhiều vùng như Yorkshire, Staffordshire, Worcestershire và Scotland, và như bà Jennifer Chandler, của hội Folklore Society ở University College, Luân Đôn, nói : " Có gì tình cảm và thân thương bằng một First Foot đặt một mẩu than vào lò lửa của bạn mình và nói : Chúc lò sưởi của bạn không bao giờ nguội lạnh".

Lệ xông đất cũng có mặt trong nhiều nước có truyền thồng chính giáo (orthodox) ở châu Âu như Hy Lạp, Serbia, Macedonia, Ukrainia v.v. Người Hy Lạp tin rằng vị khách đầu tiên của năm sẽ đem lại hên hay xui và chọn một người nổi tiếng tốt bụng hay một đứa trẻ tượng trưng cho trong trắng ngây thơ đến xông nhà sau giao thừa. "Người làm podariko" (pous, podos có nghĩa là chân) bước qua một thanh sắt đặt trên ngưỡng cửa để đưa năm mới cùng vào nhà, rồi bà chủ nhà ra mời vào bàn tiệc đã sắp sẵn. Ở Serbia, lệ xông đất vào ngày Giáng sinh theo lịch Julien, đến 13 ngày sau Giáng sinh của lịch Grégorien nên là ngày 7 tháng giêng, và người xông nhà có nhiều tên gọi: polažajnik, polaženik, polaznik, hay radovan. Và tất nhiên phải là một cậu bé hay một người đàn ông. Theo sắp xếp từ trước, sáng sớm sau đêm Giáng sinh, anh polažajnik bước vào nhà, chân phải trước, và chào cả nhà với câu "Chúa đã ra đời, mừng Giáng sinh". Anh rải một nắm lúa trên thềm. Gia đình đáp lại "Vâng, đúng thế, Chúa đã ra đời" rồi tung một nắm lúa về phía anh. Sau đó anh tiến đến lò sưởi, dùng một cành cây đập vào củi đang cháy cho toé lửa và hô:

Bấy nhiêu tia lửa là bấy nhiêu hạnh phúc trong nhà này
Bấy nhiêu tia lửa là bấy nhiêu tiền trong túi chủ nhà
Bấy nhiêu tia lửa là bấy nhiêu trừu trong chuồng
Bấy nhiêu tia lửa là bấy nhiêu heo, ngỗng và gà
Và nhất là, sức khoẻ và niềm vui.

Sau đó anh ném một một đồng tiền vào lửa, bước ra sân rải lúa gọi bầy gà đến ăn. Anh lựa một con gà trống, đưa cho chủ nhà cắt tiết và quay cho bữa tiệc Giáng sinh.

Điều đáng để ý là các biểu tượng của sung túc và may mắn là lúa gạo và gia súc, tiêu biểu cho những tục lệ có từ những thời xa xưa, khi kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Nhưng thời nào cũng thế, từ Đông sang Tây, mong ước cơ bản của con người vẫn chỉ là no đủ, bình an và hạnh phúc, và những ngày năm hết Tết đến là lúc con người cảm nhận sâu sắc nhất dòng chảy không cản được của thời gian, sự ngắn ngủi và mỏng manh của mỗi kiếp người. Lúc ấy cũng là lúc mỗi người cần tự trấn an, qua những nghi thức thuộc về tư duy thần diệu (magical thinking) tiềm tàng ở loài người từ khi có khả năng trừu tượng hoá và nhận thức được thế giới chung quanh và chính mình.

Ở thời đại Internet, ngoài căn nhà hiện hữu nơi sinh sống, rất nhiều người còn có một vài nhà ảo khác, những gia trang, homepages của các blogs, trạm Web. Có ai nghĩ đến chuyện xông đất trên mạng không nhỉ? Nếu có, xin can : xông đất ảo phức tạp kinh lắm. Trong cái không gian vượt thời gian ấy, một imeo có thể đến ngay tức khắc hay ít lâu sau, làm sao biết chắc được lúc nào. Vậy làm sao bố trí cho chính xác? Giao thừa tại Paris là 12 giờ đêm, hay tại vì chúng ta vẫn "đau đáu hướng về quê hương", là 6 giờ chiều, nửa đêm ở Việt Nam? Trên mạng, bạn bè ta đông nhưng kẻ xấu, tin tặc và cả âm binh còn nhiều hơn gấp bội, lỡ người xông nhà là bọn họ thì thật phiền. Và cũng không kém vô duyên nếu cái imeo đầu tiên sau giao thừa (dù là chọn giờ nào) lại là một trong những cái spam mời mọc ta mua thuốc bảo đảm làm cho dài thêm cái này, to thêm cái nọ. Cẩn tắc vô ưu, tốt hơn cả là tránh những rầy rà thật trong thế giới ảo.

Dù biết rằng các lời chúc nhau cũng thuộc vào phạm trù tư duy thần diệu, vẫn mến chúc Diễn Đàn sống thật dài lâu, tiếp tục chân cứng đá mềm,và chúc các bạn đọc mọi điều tốt lành.


Đỗ Tuyết Khanh

Đầu năm 2011, cuối năm con Cọp




1 Sự đồng nghĩa này cũng có khi dẫn đến chuyện hi hữu. Cách đây 15 năm, người viết bài này đến nhận visa để về Việt Nam. Anh nhân viên sứ quán trao hộ chiếu kèm theo bản nhì của tờ đơn xin visa và bảo : "Chị cầm tờ này về nhà". Đinh ninh đây là bản dành cho mình để lưu, như vẫn có trong mọi giao dịch với ngân hàng, bưu điện, hãng bảo hiểm, v.v., tôi mang về nhà và cất cẩn thận chung với mọi giấy tờ hồ sơ khác. Về đến phi trường Tân Sơn Nhất, nhà chức trách yêu cầu trình tờ đơn ấy, cái visa đóng trong hộ chiếu không đủ, tôi mới ngớ ra, nhà đây là nước nhà. Nhưng không sao, đã có sẵn cả chồng tờ đơn để điền lại, không có hình thì có thể chụp tại chỗ lấy ngay (giá 1 USD), cách giải quyết nhanh chóng và có hệ thống này và số người ngồi hí húi điền đơn, sắp hàng chụp hình khiến tôi được an ủi mình không phải là người duy nhất hiểu lầm.

2 Không biết cái "xông" này có dính dáng gì đến xông lá thơm để chữa cảm lạnh không ? Lá thơm xua đi những vi trùng vi khuẩn, hồi phục sức khoẻ. Người xông nhà xua đi những vấn đề, khó khăn của năm cũ, tăng nhiệt sống cho năm mới ?

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss