Đèn dầu
Đèn dầu
Lê Minh Hà

Tranh Đỗ Phấn
Sinh nhật, tuổi nẫu rồi, ông anh thi sĩ nhắn „không chúc thêm tuổi đâu“, còn ông anh họa sĩ thì gửi riêng cho qua FB ảnh của một bức tranh vẽ một lọ hoa hướng dương, không lộng lẫy một cách khác thường. Phải vì nhìn qua ảnh? Hay vì bên cạnh lại có bao diêm với một ngọn đèn dầu toả một vầng sáng lặng lẽ khiêm nhường? Cảm giác như ngọn đèn dầu đó soi riêng tuổi với tính người. Hẳn ông anh biết quá rõ cô em (lúc này thì phải nhận) chưa già đã cũ. Như là bao diêm với ngọn đèn dầu kia giữa những hân hoan rộn rã của bao nhiêu thứ ánh sáng phanh trần phố xá bây giờ.
Bây giờ, giả dụ như tạm thời
mất điện, người ta có bao nhiêu
nguồn sáng khác thay thế? Đơn
giản nhất là bật cái đèn
ở Smartphone, chọc cái chìa mở khóa
xe, phóng vụt qua chỗ tưng bừng khác,
nhậu cùng số nhiều hay vào nhà
nghỉ với số ít. Mà giả dụ
tạm bị cắt điện hẳn đôi
ba ngày, thì thiếu gì nhà có
cái máy phát điện riêng như
ở cái nhà hoành tráng ông anh
họ mình xây tại quê để tuổi
hiu hiu về di thân dưỡng tính. Mấy
ai còn nhớ cái đèn dầu, đám
trẻ trẻ thì lại càng không thể
biết. Hay là không muốn biết?
Thế mà không có cái đèn
ấy thì lúc đi học mình đã
chẳng thể nào hiểu được
những sâu xa đằng sau câu ca dao „trăng
khoe trăng tỏ hơn đèn cớ sao trăng
phải chịu luồn đám mây đèn
khoe đèn tỏ hơn trăng đèn ra
trước gió…“ Rất có
thể cái đèn ở câu ca dao này
chỉ là đĩa đèn dầu trẩu
dầu lạc từ những mụ mị xa xôi
lắm lắm của các cụ ta, nhưng mà
lúc mình mới biết ê a, thì cái
đèn dầu kia ra trước gió cũng
dễ còn chăng hỡi đèn lắm.
Vì bao quanh ngọn lửa chỉ hơn ánh
sáng đom đóm một tí là
cái thông phong thủy tinh bé xíu,
chất lượng kém, toàn bọt khí
và nhiều khi cũng chẳng trắng trong gì.
Có một thời, sống chậm thì thấy
cũng chưa xa xôi gì đâu, cái
đèn đó không thể thiếu ở
bất cứ gia đình nào dù đông
dù vắng, ở phố cũng như ở
làng. Ngay cả vào lúc bếp núc
của người Hà Nội còn chưa
có cái bếp dầu thì cái đèn
dầu đã ngự trong ngày sống. Trẻ
con sáu bảy tuổi vừa đi sơ tán
về ngoài sự phải bắt đầu lo
xếp hàng từ cửa hàng lương
thực thực phẩm tới vòi nước
công cộng còn phải lo đảm bảo
giữ gìn cái đèn dầu, để
cần là có dùng ngay. Nên không
phải là điều lạ lùng gì
cảnh ban trưa một thằng cu mặc cái
quần đùi lòi cả chim ra ngoài
ngồi loay hoay cắt bấc đèn, hay một
con bé tóc tai lòa xoà lúi húi
dùng tro đánh muội đèn ở
thông phong và khêu muội ở chân
đèn cho sạch. Thay bấc mới và đổ
dầu vào bầu đèn cũng có
khi phải làm, nếu nhà thiếu ông
thiếu bà làm hộ. Mải chơi, lúc
nhập nhoạng mất điện sờ tới
cái đèn mà phao cạn, muội bám
đen thông phong, bấc không đủ dài,
phần tàn còn chưa cắt thì may
ra được cái cốc sưng trán,
không may còn nghe mắng mỏ dài dài.
Cái đèn đó đặt vào
mâm cơm, đặt trên bàn học,
đặt ngoài bể nước công cộng
cho tất cả soi chung, dập dình bậc cầu
thang gái tiễn giai về bước một.
Ở thành phố thì việc dùng đèn
dầu là chuyện chẳng đặng đừng
những lúc mất điện. Nhưng mà
kiếm phao dầu đổ bầu đèn
cũng không khó khăn gì. Song ở
nông thôn đèn dầu đêm đêm
một thuở, việc trữ lấy chai dầu
thắp là chuyện của nhà nhà.
Nhà mình là nguồn cung cấp dầu
cho cả xóm. Chiều chạng vạng hay có
người tất tả xách cái chai gọi
là chai bảy nhăm vào ngõ, dắng
tiếng mua dầu. Bà lọ mọ vào
buồng xách cái can nhỏ nhỏ ra chiết
cho người ta, chẳng biết một cái
chai đựng chưa được một lít
thế thì rót được vào mấy
cái đèn và thắp được
bao lâu, nhưng có nhiều khi người
mua chẳng đủ tiền cho cả một chai,
vậy là kèo nèo thôi bác chiết
cho em một phao thắp tạm. Sống dầu đèn
chết kèn trống. Cái đèn lom dom
hạt đỗ, thế mà làm nồng ấm
cả đại gia đình. Trời tối
sẩm rồi vẫn chưa được thắp
đèn, phải chờ tối mịt. Cái
đèn đặt bên mâm chõng giữa
sân rơm rạ tươi tỏa hơi hầm
hập những chiêm mùa, cái đèn
theo chân người vào buồng xuống
bếp khi cần tìm kiếm thứ gì,
cái đèn đặt bậu cửa sổ
cho cả nhà xúm vào tẽ ngô bóc
lạc, đêm về khuya thì giục nhau
nhặt đôi guốc đẽo từ gộc
tre ra chỗ giại nước rửa chân rồi
lần lượt lên giường ba xoa hai đập
lại. Ưỡn lưng đứng dậy, đèn
lại hắt cái bóng thù lù lên
vách, trông rất dọa người. Người
cuối cùng lên giường có nhiệm
vụ thổi tắt đèn tiết kiệm
dầu, nhưng cũng có nhà thì vặn
đèn nhỏ đến không thể nào
nhỏ hơn được nữa, chỉ còn
là một đốm đỏ mơ hồ.
Đèn ấy mà ra giữa gió!
Ngọn đèn chẳng thể nào gọi
là sáng ấy đã soi cho bao nhiêu
thế hệ học trò nước Việt
những trang sách nuôi khát vọng làm
người. Thuở đi sơ tán, ba bốn
đứa trẻ chung nhau một ngọn đèn
dầu, đêm đêm chúi đầu
chổng mông trên phản trước đèn,
thỉnh thoảng lại giật mình vì
bà bảo gạt bấcđi kìa, kìa
vặn nhỏ xuống không thì đèn
khói quá. Vặn được đèn
sáng hết khả năng của nó mà
không bị khói, không bị quá nhỏ
mà tắt là cả một nghệ thuật
tinh tế tôi học được từ bà.
Ấy nhưng cái lúc có tin Mỹ tăng
cường oanh tạc thì nghệ thuật soi
đèn kiểu gì cũng lụi. Ông
Lúa hàng xóm chặt ngay một khúc
tre, thông nòng, đục lỗ rồi chụp
cả ngọn đèn vào trong, hể hả:
„ Bà dặn bọn trẻ, nghe tiếng máy
bay thì xoay cái ống tre che lấy ngọn
đèn, khỏi phải tắt đi châm
lại.“ Vẫn tư thế chúi đầu
chổng mông bên ngọn đèn cũ,
nhưng ánh sáng chỉ còn có mỗi
cái cửa nhỉnh hơn bao diêm để
tỏa, thế mà năm sáu đứa trẻ
ngày đó đêm đêm phục
vị trên phản học bài rồi cũng
thành nhân. Có nhân lại còn là
đại biểu cho dân. Ấy là ông
anh họ tôi, cạy miệng cả ngày
không ra tiếng mà lại sang Đức
học luật. Đến tận giờ vẫn
không hiểu ông anh miệng hến nói
gì trong những kì họp quốc hội
luôn luôn có sự đồng tâm
nhất trí.
Ngày trở lại phố, tưởng vĩnh
viễn chia tay được với đèn
dầu, đêm đêm mẹ đèo đi
chơi phố cứ thích nghiêng người
sau lưng mẹ nhìn những ngọn đèn
đường phía trước. Cảm giác
như đèn đường tự xâu
thành dải như dải hạt thủy tinh
to từng viên lấp lánh sát nhau, nhưng
đến gần thì lại thấy chia xa, mỗi
bóng tỏa một vầng sáng yếu yếu,
tội nghiệp. Tội nghiệp thật, vì
có những năm tháng đêm Hà
Nội tối mò, lang thang ngoài đường
cho qua một ngày rất trẻ phải trông
cậy hết cả vào những ngọn đèn
dầu hắt hiu trên phố, trong một ngôi
nhà cửa hé, bên cái bàn gỗ
tạp của hàng chè chén hay hàng
thuốc lá, trước cái chậu móp
méo để vá chín của ông
chữa xe đạp. Những ngọn đèn
buộc phải ra trước gió, lắt lay
mãi trong trí của những người
trời bắt nhớ cả những cái chưa
qua.

Đèn dầu Hà Nội thời sơ tán (ảnh Internet)
Ánh sáng của những ngọn đèn
dầu cũng như âm thanh một thời,
không mấy khi có cộng hưởng phản
quang mà lại thành ra vang và sáng
mãi, trong trí nhớ chẳng chịu suy tàn
của một typ người. Đêm vào
khuya mà nhìn qua vườn chuối ngày
sơ tán thấy đốm đỏ đèn
dầu di động hiu hắt đường đê
là biết thế nào cũng có nhà
ai đấy vừa xảy chuyện. Bà già
tự dưng lên cơn đau bụng cấp?
Thiếu phụ chồng ngoài mặt trần
chuyển dạ? Hay đứa trẻ nhà cuối
xóm sốt giật? Sáng ra xuống bến
là biết ngay phải đến đâu
hỏi thăm chia sẻ với nhà ai. Người
ở phố về quê chạy đạn bom, ở
mãi cũng quen với đêm làng, tới
lúc trở ra phố rồi về lại mà
không có cái đèn dầu chỉ
lối là có chuyện. Mẹ con mình
ngày về thăm nơi đêm nằm
năm ở mò mẫm mãi mới rút
chân khỏi được những sột sệt
loằng ngoằng dây rợ, sáng ra mới
biết sa chân xuống cái ao cạn toàn
những là ngổ dại. Ấy chỉ vì
thiếu độc một cái đèn dầu
ở khoảng đường đó, xóm
vắng, đêm hôm. Không có ánh
sáng thật thà của những ngọn
đèn dầu, không thể hiểu được
bóng tối nhà quê một thời âm
u đặc thế nào nặng thế nào,
nuốt chửng lấy bao nhiêu là tiếng
vọng rời rã của đời trong thương
nhớ hoang mang lòng những kẻ đã
già thực rồi mà nhiều khi thấy
mình vẫn là một đứa trẻ
không muốn lớn.
Ở thành phố, lúc ngừng chiến
người già con trẻ đã được
trở về, cái đèn dầu leo heo đốm
sáng là lời mời gọi những đêm
cắt điện. Đàn bà ngồi túm
tụm đan móc gia công, mỗi người
một cái rổ lồng phồng len trong lòng
cả những mùa nóng nực. Trẻ con
xong bài vở dụi đầu vào nhau cho
chấy di cư để dán bao bì, góp
với bố mẹ dăm ba đồng thêm
vào cuối tháng. Ngày cuối năm
gió bấc rào rạt nơi máy nước,
một đám con gái ngồi rửa lá
dong, chuyện vui đúng là như tết
dù chưa tết. Với mình, ánh sáng
đèn dầu đã bao nhiêu lần
dẫn gần tới cửa thiên đường.
Là những trang sách. Tuổi mười
bảy hai mươi ngô nghê mê người
trong sách hơn mê bao kẻ bảo rằng
muốn đi bên đời nhau. Có lần
ngồi gù lưng đọc gần ngàn
trang từ bảy giờ tối hôm trước
tới lúc trời sáng bạch, từ Tu
viện thành Parme qua bà Bovary, từ Đêm
Lisabon sang Một thời để yêu và
một thời để chết, sách in kế
hoạch ba và sách sống sót sau những
cuộc phần thư từ miền Nam ra. Chỉ
vì ông bạn cho mượn đã dặn
đi dặn lại là ngày mai phải trả
để còn trả người nào chẳng
biết. Soi vào gương như chưa qua cơn
mê khi thấy mặt con gái bạc phếch
ngơ ngơ ngác ngác, tóc trước
trán thì cụt, xoăn tít, còn
mũi thì tưởng vẫn còn mùi
khét tóc cháy thình lình. Câu
thơ thời chiến hăm hở „Những
ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt“
của Chính Hữu thế quái nào
mà hợp thế trong ngày hòa bình
xơ xác của một thời tan tác
những yêu tin.
Và vì thế, mẹ
mất mất rồi, tuổi con gái chỉ
còn biết nhớ những nồng ấm ngày
bé bỏng bên bà nơi sơ tán,
nơi có những sâm sẩm tối bám
lưng bà cầm đèn dầu đi soi
đếm gà, kéo tấm giại che cửa
bếp ngăn mèo già nhà láng
giềng lục lọi, rồi nửa khuya nghe bà
lẩm bẩm „thần đăng đi ngủ
tín chủ tắt đèn kẻ trộm
mon men thì thần đăng sẽ…“
như một hiệu lệnh: „Ngủ!“ mà
bầy cháu không bao giờ kịp nghe hết
đã nhắm mắt khò sùy cả
lượt rồi.
Có một lần, bà
không đọc câu ấy làm đứa
cháu thao thức mãi. Đêm ấy cháu
theo bà đi ngược lên đầu cầu
tới nhà bà Vực ở xóm trên.
Bà Vực nhà bị quy sai thành phần
là địa chủ, đến lúc được
hạ xuống phú nông thì ông Vực
đã xanh cỏ mất rồi. Ông Vực
chết đi để lại được độc
một đứa con trai nối dõi mà chú
ấy lại không chịu ở nhà để
lấy vợ sinh con nối dõi tiếp, xin bằng
được ra lính, vào Nam. Lâu rồi
chú chẳng có thư về, làng xóm
cả ngày hôm đó râm ran sự
bạn chú mới chuyển ra trại thương
binh ngoài Vác vừa vào thăm nhà
kể chuyện… Lúc hai bà cháu
dắng tiếng ngoài cổng, cô Luyến
con gái bà Vực cắp cái rổ sảo
lủi thủi đi ra:
- Bác vào với
u cháu. Bạn cậu nó về thăm kể
vậy nhưng cũng chưa rõ ra thế nào.
Cháu đã bảo u cháu cứ phải
bình tĩnh mà u cháu ngồi thần
ra cả ngày rồi. Cháu tức sữa
quá rồi phải về cho thằng bé
bú.
Đến tận giờ vẫn không
sao quên được bóng tối trong ngôi
nhà ấy. Phập phồng. Dập dình.
Ngọn đèn dầu vặn nhỏ như hạt
đỗ mông lung trên bàn thờ. Cả
hai bà cháu mình, cả bà Vực
mà cô Luyến bảo ngồi trong nhà,
ngồi cả ngày rồi, … không một
ai có bóng.
Berlin 30.08. 2016
Lê Minh Hà
Các thao tác trên Tài liệu