Đến với dòng sông Potomac
Đến với dòng sông Potomac
Sâm Thương
Tôi sinh ra ở làng Phú Xuân, thành phố Huế, lớn lên bên dòng sông Hương, từng đắm mình trong dòng nước đó suốt tuổi thơ của tôi trong những ngày rực nắng cũng như trong cơn mưa bão, nước lũ ngập tràn… Đến khi lớn lên, đi tới đâu nhìn thấy những dòng sông mà tôi đặt chân đến, tôi cứ tưởng chừng như sau những tháng ngày lưu lạc kiếm sống đang quay trở về bến cũ và lần nào cũng thế, tôi chỉ muốn lao xuống ngụp lặn trong dòng nước đó hoặc lấy hai bàn tay vốc nước dội lên mặt để tìm thấy sự hồi sinh.
Ít nhất cho đến nay, tôi đã ba lần đến với dòng sông Potomac ở Washington DC. Sông Potomac bắt nguồn từ đông bắc của tiểu bang West Virginia chảy dọc theo biên giới giữa tiểu bang Maryland và Virginia, xuyên qua phía nam Thủ đô Washington DC làm thành đường phân chia DC và Virginia, rồi đổ vào vịnh Chesapeake, một vịnh nằm ở bờ biển Đại Tây Dương. Trên thượng nguồn chiều ngang con sông hơi hẹp rồi rộng dần ra ở đoạn gần DC để đổ ra biển. Chiều dài sông Potomac là 383 miles (616 km), lưu vực vào khoảng 14.000 dậm vuông (38.000 km2) được xem là một trong bốn con sông lớn nhất bên bờ Đại Tây Dương của Hoa Kỳ.
Washington DC thủ đô của nước Mỹ, mang tên chính thức District of Columbia (viết tắt D.C ) có nghĩa Đặc khu Columbia hay Quận Columbia. Thật sự, người Mỹ thường gọi Washington DC là “DC”, chứ không gọi Washington trống không vì dễ nhầm lẫn với tiểu bang Washington bên miền Tây. Thủ đô Washington DC được thành lập vào ngày 16.7.1790. Thành phố Washington DC ban đầu là một đô thị tự quản riêng biệt bên trong lãnh thổ Columbia cho đến khi một đạo luật của Quốc hội Hoa Kỳ năm 1871 có hiệu lực kết hợp thành phố và lãnh thổ này thành một thực thể duy nhất được gọi là Đặc khu Columbia.
Năm 1910, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật về chiều cao của nhà cao tầng (Heights of Building Act of 1910) quy định không có tòa nhà cao tầng nào được phép xây cao hơn Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ – Điện Capitol.
Ngày nay đường chân trời của thành phố vẫn thấp và trải dài, giữ đúng ước nguyện của Tổng thống Thomas Jefferson, muốn biến Washington DC thành một “Paris của nước Mỹ” với các “tòa nhà thấp và tiện lợi” – bên trên những đường phố “sáng sủa và thoáng khí”.
Trung tâm của khu Mall là Washington Monument, cột tháp cao gần 170 m. Đây còn được gọi là Tháp bút chì. Từ đỉnh tháp du khách có thể quan sát toàn thành phố. Nếu trời đẹp, từ vị trí này có thể nhìn xa tới 40 km.
Washington DC nối với Virginia bằng cây cầu Key bắc ngang qua dòng Potomac. Đêm đứng bên Virginia nhìn sang thấy thủ đô nước Mỹ chập chùng ánh đèn như những dải sao sáng lấp lánh và vô tận, với Tòa nhà Quốc hội và Tháp bút chì sáng rực như một khối thủy tinh khổng lồ.
Ban ngày đứng bên phía Washington DC nhìn sang thấy bạt ngàn rừng cây đang thay lá. Khi vào thu, những chiếc lá vàng và đỏ đan chen vào nhau, cuộn xoắn bên nhau tạo thành một dải cầu vồng óng ả vắt ngang trên bầu trời trong, bỗng chốc nghe trong gió dậy lên mùi hương thơm ngọt ngào quyến rũ.
Để được đến Mỹ, lần đầu tiên, tôi phải bay ra Hà Nội xin Visa vì Tổng lãnh sự quán Thành phố Hồ Chí Minh không được phép giải quyết. Sau khi hoàn tất thủ tục, tháng 9-1998 tôi lấy vé China Airlines bay từ phi trường Tân Sơn Nhất đi Taipei thẳng đến California, nơi hai đứa con gái tôi đang theo học. Vì tò mò muốn biết thủ đô nước Mỹ, tôi mua vé từ Orange County (phi trường John Wayne) đi Washington DC quá cảnh phi trường Houston.
Do không tham khảo, tìm hiểu về nơi sắp đặt chân đến, tôi lơ ngơ, chung quanh tôi chỉ toàn những người xa lạ, nên chỉ sau 3 ngày một mình “cỡi ngựa xem hoa”, tôi không còn cảm thấy hứng thú để tiếp tục cuộc hành trình không mục đích của mình, đành đổi vé bay về lại California đi chơi loanh quanh, một số nơi như phim trường Hollywood, Disneyland, Las Vegas. Rồi đến San Francisco thăm cầu Golden Gate, đến trường Đại học Stanford, trường Đại học Berkeley... với hai đứa con gái tôi, chờ ngày quay trở về Việt Nam với bao công việc đang chờ đợi sau hơn một tháng rong chơi.
Trước ngày từ giã nước Mỹ để bay về Việt Nam, bất ngờ tôi nhận được thư của Đinh Cường. Cường là bạn thân của tôi, gắn bó với tôi từ những năm còn ở Huế, đang sống ở Virginia, nơi tôi vừa đến đã vội đi. Tôi đành hẹn Cường trong chuyến đi sau.
Lần thứ hai tôi đến Washington DC vào tháng ba năm 2003, lần nầy tôi có chuẩn bị và liên lạc trước khi lên đường. Đinh Cường đề nghị tôi nên đi vào tháng ba và đã chủ động mua vé máy bay cho tôi từ California đến Virginia.
Chuyến đi đến Virginia lần thứ hai tôi cũng khởi hành từ Orange County quá cảnh phi trường Houston, Texas. Khi máy bay đáp xuống phi trường John Foster Duller thì đã khuya trong cái giá lạnh như cắt của bầu trời thủ đô Mỹ trong những ngày đầu xuân. Cường và con trai đón tôi tại phi trường. Sợ tôi không chuẩn bị, Cường đã mang theo chiếc áo ấm choàng vào người tôi, mặc dù tôi đã mặc hai ba cái áo ấm mà con gái tôi đã cẩn thận khoác lên người tôi trước khi đi.
Mục đích của Đinh Cường là muốn tôi đến Virginia vào tháng này là để tôi được thưởng ngoạn Ngày hội Hoa Anh đào (National Cherry Blossom Festival) ở Washington D.C. Lễ hội này thường được tổ chức vào khoảng 26.3 đến 10.4 hằng năm. Nhưng trước khi tiếp xúc với hoa Anh đào, tôi muốn cùng bạn đọc tìm hiểu sự tích về cây hoa đặc biệt này : Sakura là quốc hoa của Nhật bản. Đặc điểm của nó là rơi trong khi còn đương độ tươi thắm. Hoa anh đào tượng trưng cho tinh thần võ sĩ đạo – samurai – biết chết một cách cao đẹp.
Chuyện kể rằng, ngày xưa ở xứ Phù Tang (Nhật Bản) chưa có hoa anh đào như bây giờ. Tại một ngôi làng xinh xinh ven núi Phú Sĩ, có một chàng trai khôi ngô tuấn tú dũng cảm khác thường.
Năm
chàng mới tròn một tuổi, có một đạo sĩ phiêu bạt
ghé qua nhà, nhìn cậu bé, mỉm cười đặt vào tay người
cha thanh sắt đen bóng rồi lặng lẽ ra đi. Lúc đấy đang
mùa đông tuyết rơi tầm tã vị đạo sĩ đi khuất trong
mưa tuyết rồi mà người cha vẫn thẫn thờ nhìn trông
theo. Đặt thanh kiếm vào tay người vợ trẻ, ông nói như
thì thầm : “Hãy
cất kỹ và
giao thanh sắt này lại cho con trai chúng ta khi nó tròn 14
tuổi. Số phận đã an bài nó sẽ trở thành một kiếm
sĩ lừng danh”.
Sau
đó, cha cậu bé qua đời. Người vợ trẻ ở vậy nuôi
con. Thanh sắt đen bóng được giao lại cho chàng trai năm
cậu tròn 14 tuổi. Cậu rùng mình vuốt ve kỷ vật huyền
bí nặng nề ấy. Một sức mạnh kỳ lạ, một khát khao
khó hiểu tràn ngập vào cơ thể tươi non dũng mãnh của
cậu. Người mẹ chưa kịp nói gì thì cậu đã run rẩy
thốt lên trong cảm xúc nghẹn ngào : “Ta
phải trở thành một kiếm sĩ nổi tiếng nhất đất nước
này”.
Chàng trai đến rạp đầu xin thụ giáo một võ sĩ đạo
lừng danh.
Vị Samurai ngắm nhìn chàng trai từ đầu đến chân, trầm ngâm suy tư bất động hàng giờ liền. Cuối cùng ông thở dài lẩm bẩm một mình “oan nghiệt” và chấp thuận. Thời gian thấm thoát thoi đưa, tuổi 18 thanh xuân tràn trề sức sống đến với người kiếm sĩ. Tay kiếm của chàng khiến những Samurai kiêu hùng nhất cũng phải e dè. Nhưng còn thanh sắt ? Chàng đã tự mình rèn nó thành thanh kiếm sáng ngời đầy uy lực, nhưng chưa được. Một thanh kiếm báu thực sự phải được tắm mình trong máu ngay trong ngày khai trận. Biết nhúng lưỡi thép uy lực này vào máu ai khi chàng chưa hề có kẻ thù, khi chàng chưa hề đối mặt với kẻ cướp, khi chàng chưa tìm được bất cứ lý do gì để quyết đấu một phen ?
Lúc
này người mẹ và người thầy của chàng đã khuất núi.
Cô gái duy nhất của vị võ sư lừng danh năm xưa là
người thân yêu còn lại duy nhất của chàng. Mỗi ngày
khi nắng đã tàn lụi trên núi Phú sĩ, đêm đã tràn ngập
trên xóm núi, cô gái lại buồn bã nhìn chàng ngồi bất
động, trầm tư bên bếp lửa. Chàng không còn cười nữa,
mắt chàng lạnh như tuyết, chàng ôm thanh kiếm mà ước
mơ ngày nó được tắm mình trong máu để trở thành bảo
kiếm vô địch thiên hạ.
- Anh thân yêu ! Có phải
chăng đối với anh thanh kiếm này là tất cả ? Nếu nó
không được tắm mình trong máu để ngập trong khí thiêng
thì anh sẽ mãi mãi buồn đau ?
Nhìn
vào bếp lửa, chàng trai vuốt ve thanh kiếm trong lòng và
nói chậm rãi rất quả quyết :
- Chỉ buồn đau
thôi ư ? Không đâu ! Đối với anh, thanh kiếm là sự
nghiệp, là cuộc sống, là tất cả… làm sao anh có thể
coi mình là một võ sĩ đạo chân chính khi thanh kiếm của
anh chưa từng no say trong máu ? Trời ơi ! Anh chết mất !
Sao thời buổi này yên bình đến thế ? Sao không có kẻ
cướp nào thúc giục anh xuống kiếm, không có kẻ cuồng
ngông nào thách đấu với anh ?
Cô gái mỉm cười đau đớn. Cô chỉ hỏi để khẳng định quyết tâm của mình thôi.
- Anh thân yêu ! Cho em được cầm lấy thanh kiếm của chàng một chút thôi.
Cầm thanh kiếm đen bóng, sắc lạnh cô gái nhìn chàng bằng ánh mắt buồn thăm thẳm rồi đột ngột đâm thẳng vào tim. Máu trào ra ướt đẫm tấm thân mảnh dẻ của nàng, nhuộm đỏ chiếc áo Kimono trắng nõn, trinh bạch. Chàng trai hốt hoảng rú lên kinh hoàng, vươn tay rút phăng thanh kiếm khỏi lồng ngực cô gái. Dưới ánh lửa bập bùng, thanh kiếm ngời sắc xanh rực rỡ, hào quang loé lên lộng lẫy lạ thường: nó đã được no mình trong máu !
Nhưng từ đó, chàng trai hoàn toàn cô độc. Không Samurai nào thèm kết bạn với anh. Họ nhìn sang chỗ khác khi đối mặt trên con đường hẹp. Họ rời khỏi quán trà khi anh bước vào. Họ từ chối khi anh thách đấu.
Cho đến một hôm, một buổi chiều mùa đông, khi những bông tuyết đầu mùa vừa rơi, chàng trai ôm thanh kiếm đến bên mộ cô gái. Chàng thì thầm :
- Tha lỗi cho anh. Anh đã hiểu ra rồi…
Chàng bình thản cắm sâu mũi kiếm vào bụng rạch một đường mạnh mẽ và rút kiếm ra nằm gục bên cạnh mộ. Thanh bảo kiếm cắm sâu vào mộ đất… tuyết không ngừng rơi… đến sáng. Tuyết đã ôm trọn chàng trai và ngôi mộ vào vòng tay của mình. Chỉ còn lại một cây hoa lạ, mơn mởn vươn lên tươi cười, hồng thắm. Không ai biết hoa hóa thân từ thanh kiếm ấy. Người ta dặt tên hoa là Anh đào. Hoa anh đào có nhiều loại mọc được ở nhiều nơi. Nhưng không nơi đâu đẹp bằng hoa đươc ươm mầm và trổ bông ở vùng núi Phú sĩ.
Nhật Bản có câu : “A flower is a cherry blossom, a person is a Samurai” (Nếu là hoa, xin làm hoa anh đào. Nếu là người, xin làm một võ sĩ đạo). Điều đó có nghĩa là, khi một võ sĩ đạo đối mặt với hiểm nguy, anh ta không run sợ trước cái chết, bởi vì, giống như hoa anh đào, anh ta sẽ tự đâm mình và gục xuống ngay lập tức, không ngần ngại.
Nhiều người tự hỏi có phài hoa anh đào là một loài hoa tình yêu hay không ? Một tình yêu mãnh liệt vào đạo, vào sự nghiệp võ sĩ.
Đối với người Nhật Bản, hoa anh đào không chỉ tượng trưng cho vẻ đẹp thanh cao mà còn là nỗi buồn về sự ngắn ngủi, phù dung và tính khiêm nhường, nhẫn nhịn. Cây hoa anh đào đem tặng được xem như biểu tượng hòa bình của nước Nhật với các nước khác trên thế giới. Hoa anh đào mọc ở Triều Tiên và Mỹ không có mùi hương. Trong khi đó, ở Nhật Bản, người ta ngợi ca hương thơm của hoa anh đào trong những vần thơ. Trong ngôn ngữ Nhật, nhất là trong thơ ca, chữ “hana” (hoa) và “sakura” hầu như đồng nghĩa.
Hoa anh đào nở báo hiệu mùa xuân đến. Suốt tuần lễ thứ hai của tháng Tư, lễ hội hoa anh đào được tổ chức khắp nơi đón mùa xuân mới và mọi người tụ tập trong các buổi tiệc ngắm hoa “ohanami”.
Được biết vào năm 1885, người đầu tiên đưa phương án trồng hoa Anh đào quanh sông Potomac là một phụ nữ, bà Eliza Scidmore. Mười một năm sau, năm 1906, một trăm cây anh đào được nhập về trồng thử. Đến năm 1909, mới có đợt trồng đại trà 2000 cây với sự tham gia tích cực của người khởi xướng từ 24 năm trước, bà Scidmore.
Những nhánh hoa Anh đào đầu tiên do thành phố Tokyo tặng thành phố Washington. Buổi lễ chính thức trồng cành Anh đào được tổ chức ở bờ Bắc của Tidal Basin ngày 27.3.1912 do bà Helen Herron Taft, Phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ William Howard Taft trồng nhánh cây thứ nhất, Phu nhân Tử tước Chinda, Đại sứ Nhật Bản tại Hoa Kỳ trồng nhánh thứ hai. Đây là đợt thứ nhất, gồm 3020 nhánh Anh đào, hơn phân nửa thuộc họ Anh đào Somei-Yoshino trồng quanh công viên bờ hồ Tidal Basin. Tidal Basin là một hồ nhân tạo giữa sông Potomac và kênh Washington, là một phần của công viên phía tây của sông Potomac và là tâm điểm của Lễ hội quốc gia hoa Anh đào được tổ chức vào mỗi mùa xuân. Lưu vực hồ có diện tích khoảng 107 mẫu Anh (43 ha) và 10 feet (3,0 m) sâu.
Từ những năm 1880, muốn có hồ này người Mỹ đã phải đào bới từ một đầm nhỏ, bằng sức người sức của, để biến thành cái hồ đẹp như ngày nay. Tidal Basin thông với sông Potomac, có thuỷ triều lên xuống, nước trong xanh, nhiều cá tự nhiên và khá sạch. Xung quanh hồ trồng nhiều hơn cả là cây Anh đào. Xuân về hoa anh đào nở ngập tràn quanh bờ hồ Tidal Basin cạnh dòng sông Potomac.
Năm 1965, Nhật đã tặng thêm cho Hoa Kỳ 3800 Anh đào Yoshino. Lập lại khung cảnh của buổi lễ lịch sử hơn nửa thế kỷ trước đã diễn ra năm 1912. Bà Bird Johnson Phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon Baines Johnson và bà Ryuji Takeuchi, Phu nhân Đại sứ Nhật Bản tại Hoa Kỳ đã cùng trồng tượng trưng các cây Anh đào này cũng ở bên hồ Tidal Basin, ngày 6.4.1965 trong mùa hoa Anh đào. Sau đó đem trồng ở công viên đài tưởng niệm cố Tổng thống George Washington.
Trong số 12 loại hoa Anh đào du nhập lớp sau này, du khách ngày nay chỉ còn tìm thấy hai loại chính : Yoshino có tên khoa học là Prunus Yedoensis ; Kwanzan có tên khoa học là Prunus Serrulata ; và một loại thứ ba là Akebono ghép chiết từ hai loại trên kia. Cây Yoshino thường mọc toả rộng theo chiều ngang, cao từ 30 tới 50 feet. Hoa loại cây này có năm cánh và toả hương thơm mùi hạnh nhân. Khi mới nở hoa có mầu hồng nhạt, rồi đổi ra màu trắng khi đã mãn khai.
Kwanzan cũng có cánh màu hồng nhạt, nhưng cánh và đài hoa dính chùm vào nhau, hoa cũng trổ bông từng cụm. Còn Akebono trổ nụ màu hồng khi nở lại ra hoa màu tím. Khi đã trưởng thành, có thể là màu hồng nhạt. Mùa Anh đào nở sớm muộn khác nhau từng năm. Mỗi năm các chuyên viên hoa thuộc sở lâm viên quan sát các nụ hoa và thời tiết để tiên đoán ngày hoa nở rộ, rồi công bố cho khách yêu hoa khắp nơi trên thế giới đến trẩy hội hoa Anh đào. Năm 2003 hội hoa bắt đầu từ 24.3 đến 8.4 dương lịch. Lễ hội hoa Anh đào bên Nhật đã có từ lâu lắm trong khi bên Mỹ mới bất đầu từ năm 1935.
Không xa bờ hồ có cây Đèn Đá cổ Nhật Bản, hằng năm đến mùa hoa Anh đào ở thủ đô Washington, Sở Công viên Quốc gia và Hội đồng Quốc gia về Hội đoàn Tiểu bang đồng chủ tọa lễ hội mùa Anh đào, có sự tham dự của Tòa Đại sứ Nhật Bản bình chọn “Công chúa mùa Anh đào“ (Cherry Blossom Princess).
Đèn đá xưa hơn ba thế kỷ, cao 2,5 m, tạc bằng đá hoa cương, được thắp sáng lần đầu tiên năm 1851; Nhật Bản tặng cho thủ đô Washington năm 1954, kỷ niệm 100 năm Hiệp ước Mỹ Nhật Hòa bình Hữu nghị Thương mãi ký ngày 31.3.1854 tại Yokohama.
Năm 2003, ngày Lễ hội hoa Anh đào đã được tổ chức như mọi năm, cũng quy tụ đại diện học sinh trung học từ các tiểu bang về thủ đô diễu hành với ban nhạc, xe hoa, màu sắc sặc sỡ. Buổi tối có bắn phóa hoa trên hồ Tidal Basin.
Năm đó, những ngày đầu của Lễ hội hoa Anh đào ở thủ đô Washington DC nắng đẹp, quanh hồ thủy triều nhộn nhịp những người đi ngoạn cảnh, không riêng những người sống ở Washington hoặc những vùng lân cận, mà còn có những gia đình người Mỹ từ các thành phố, các tiểu bang, cũng như du khách khắp nơi trên thế giới đổ xô về ngắm cảnh, quay phim, chụp hình lưu niệm.
Lễ hội hoa Anh đào thường bắt đầu khoảng cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 hằng năm nhưng thời điểm bắt đầu thì mỗi năm không giống nhau, tùy thuộc vào ngày hoa nở. Người ta phân loại anh đào ra năm cấp độ nở hoa, từ lúc nẩy nụ đến khi mãn khai, với các tiêu chí cụ thể để đoán tiến độ nở hoa, rồi cứ theo đó mà cập nhật và thông báo cho người yêu thích thưởng lãm hoa đến các liên bang chuẩn bị ngày về tham dự Lễ hội hoa Anh đào. Thời gian hoa đẹp nhất thật ra chỉ khoảng 5 ngày hoặc một tuần. Cả cây là một khối toàn hoa, hoa phủ kín cành, không có lá. Có những cây thả cành nghiêng mình xuống chạm mặt thảm cỏ, có cây uốn cong vờn lên mặt nước hồ. Có cây uốn thành vòm, vòm tiếp vòm, cuồn cuộn như sóng mây trùng điệp khác nào chốn Thiên thai như trong tưởng tượng.
Hoa Anh đào ở đây được trồng dày theo hàng ngang, hàng dọc, ôm quanh bờ Tidal Basin tràn ra bờ sông Potomac, tỏa vào các ngã đường quanh khu công viên trung tâm, nơi tập trung rất nhiều đài tưởng niệm. Đài tưởng niệm Thomas Jefferson, Khu tưởng niệm Franklin Delano Roosevelt, và Đài tưởng niệm Chiến tranh Đặc khu Columbia nằm gần Tidal Basin, Nhà tưởng niệm Abraham Lincoln, Đài tưởng niệm Quốc gia Đệ nhị Thế chiến nằm ở cuối phía đông Hồ phản chiếu nhà Tưởng niệm Lincoln, Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Chiến tranh Triều Tiên, Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam với bức tường đá đen khổng lồ, ghi khắc tất cả họ tên những người lính Mỹ đã không trở về nhà... và Đài tưởng niệm Albert Einstein. Cơ quan Quản lý Văn khố Quốc gia (National Archives and Records Administration) cất giữ hàng ngàn tài liệu quan trọng. Tất cả đều ẩn núp trong hoa. Nhưng gắn bó với cảnh trí anh đào nhiều nhất là đài tưởng niệm Thomas Jefferson. Đài không nằm trong trục chính công viên mà chếch sang phía bên, gắn với Tidal Basin nối liền vào vòng đai hoa khổng lồ ôm quanh vịnh. Hoa bao trùm che phủ mặt đất, chỉ le lói những khoảng ánh sáng vừa đủ gây cảm tưởng đây là nơi đất trời giao ngộ . Người đi lẫn trong hoa, hoa chen vào phố xá, hoa ngập ngừng kín đáo điểm trang cho cuộc sống sinh động nơi đây...
Công viên thủ đô Washington DC mùa Anh đào nở rộ quanh hồ thủy triều, suốt buổi chiều ánh nắng rọi từ hướng Tây, phản chiếu lung linh trên mặt nước, gió lay nhẹ cành Anh đào, những cánh hoa trắng hay hồng nhạt bay rớt trên tóc nhũng cô gái trẻ, với nụ cười rạng rỡ. Có những cánh hoa bay xuống hồ, dưới chân bờ đá, phủ lên mặt nước như những thảm hoa màu hồng nhạt trôi nổi bồng bềnh.
Tất cả vẻ đẹp thơ mộng của Lễ hội hoa Anh đào tưởng như miên viễn dịu vợi, hay ít ra cũng kéo dài được 17 ngày như thường lệ, nhưng không phải thế. Sau chỉ hơn một tuần, buổi chiều hôm đó, có gió mạnh, cơn mưa đột ngột đổ xuống dữ dội và kéo dài đến khuya. Sáng hôm sau khi chúng tôi đi qua, thì công viên hoa Anh đào trở nên xơ xác, rơi rụng vương rãi dưới gốc, khép lại ngày Lễ hội hoa Anh đào trong lòng người với bao nuối tiếc, hy vọng được trở lại những ngày này của những mùa sau... Và cuộc sống vẫn cứ thế…
Một chiều muộn, Đinh Cường rủ tôi ra ngồi ngoài bờ sông Potomac. Con đường chạy trên bờ sông ấy bây giờ tôi đã không còn nhớ tên. Chỉ nhớ nó vắng vẻ và bình yên. Bên đường những thân cây thẳng và cao vút lên đang nhạt dần trong bóng tối. Trên đó đã có sẵn tự bao giờ một chiếc bàn và những chiếc ghế con ghép vụng về bằng những thanh gỗ cũ còn nguyên vỏ… Hai lon nước suối nằm lăn lóc trên mặt bàn.
Cường bảo với tôi :
- Trước mình, hình như đã có đôi tình nhân đến ngồi đây.
Tôi mỉm cười với ý nghĩ lãng mạn bất chợt của Cường :
- Ừ… một đôi tình nhân, nhưng chắc đã không còn trẻ.
- Lý do nào mà ông quả quyết đôi tình nhân đó đã không còn trẻ nữa ?
Tôi cười :
- Tôi cũng không biết tại sao, nhưng theo tôi nghĩ, nếu họ còn trẻ chắc họ sẽ không tìm đến nơi này. Chỉ có tuổi đời như mình mới đi tìm sự tĩnh lặng.
Đinh Cường và tôi ngồi xuống một chiếc ghế băng nhỏ, tưởng chỉ cựa quậy mạnh một chút chiếc ghế - sẽ gãy và sẽ đổ nhào xuống sông. Trong gió có mùi hương thoang thoảng ngây ngất. Tôi hít sâu lồng ngực, nghe xen lẫn mùi cỏ dại, mùi hoa cúc hoang bốc lên từ những gò mối. Gió lùa buồn bã qua tàn cây mang theo những chiếc lá mỏng chạm vào vai tôi dịu dàng. Tôi quay qua nói với Cường :
- Không khí này tôi tưởng chừng quen lắm. Đó là khi tôi còn dạy học ở một thị trấn trên Tây nguyên. Vào đầu thu, ở đó cũng có con suối nước đầy quanh năm. Cũng có bờ cỏ dại với những hoa quỳ vàng. Cũng có chiếc cầu làm bằng chính thân cây bắc ngang hai bờ. Có thể cũng đã có những đôi tình nhân đến ngồi trên những tãng đá và ngắm đất trời chuyển màu theo thời gian. Cũng có gió, có mây bay, có tiếng chim vỗ cánh – và cả tiếng nai cất tiếng táp lên gọi đàn, có những ngày rộn ràng và đêm bình yên.
Chiều hôm đó, tôi và Đinh Cường ngồi ngắm mặt trời lặn và đợi trăng lên. Bầu trời trên đầu chúng tôi trở nên gần hơn. Gió thổi quanh chúng tôi trở nên ấm áp hơn. Tôi tưởng như ý nghĩa thời gian không bao giờ tồn tại trong phút giây ngưng đọng đó !
Sáng
hôm sau, Đinh Cường đưa tôi vào Nhà Triển lãm Nghệ
thuật Quốc gia (National Gallery of Art). Vào tòa nhà chính
là West Building bằng phía dãy công viên cỏ xanh National
Mall, tòa nhà hoàn thành năm 1941 bên ngoài cẩn đá hoa
cương màu hồng lấy từ Tennessee với kiểu kiến trúc
Tân cổ điển, mặt trước là gian nhà theo kiểu
Hy Lạp với 8
cột to chống mái nhà hình tam giác. Hai dãy nhà chạy dài
cân đều hai bên và giữa là gian đại sảnh phía trên có
mái vòm hình bán cầu theo kiểu đền Pantheon ở Rome.
Bên trong tòa nhà phía Tây trưng bày
những họa phẩm sơn dầu của Âu Châu từ thời Trung cổ
cho đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 là những bức
tranh của các họa sĩ Mỹ. Đinh Cường là một họa sĩ,
nhưng tôi thì không am hiểu mấy về nghệ thuật hội
họa. Cường cho biết nơi đây giá trị nhất là những
bức tranh Ý thời Phục hưng nên vừa vào là Cường hướng
dẫn tôi tìm xem các bức tranh thời Phục Hưng. Quả không
sai khu triển lãm tranh thời Phục hưng rất đông du khách.
Tác phẩm lớn nhất là bức Maest
của Duccio di Buoninsegna vẽ năm 1308 đến 1311 là bức
hoành phi để phía sau bàn thờ diễn tả Ðức Mẹ Mary
ngồi bế Chúa Jesus Hài Ðồng.
Đinh
Cường nhìn tôi giải thích : -
Chất liệu bức tranh dầu sơn có đặc tính phản chiếu
ánh sáng (pigment) trộn với lòng đỏ trứng và kim sa
(vàng vụn), nhìn bức tranh óng ánh và thay đổi ánh sáng
khi người xem di chuyển. Nguyên gốc bức tranh là từ
thành phố Siena bên Italy. Tác phẩm khác là Adoration
of the Magi là tranh tròn vào thế kỷ
XV của hai họa sĩ Fra Angelico và Fhilippo Lippi diễn tả ba
nhà chiêm tinh viếng Chúa Hài Ðồng ở Bethlehem, màu sắc
tươi thắm huy hoàng. Cùng chủ đề này ở nhà bảo tàng
cũng có tranh của Botticelli (1445-1510) cũng họa sĩ người
Ý. Bức Adoration of the Shepherds
của Giorgione (1477-1510) tả hai người chăn dê đi viếng
Chúa Hài Ðồng, bức tranh The
Feast of the God của Giovanni
Bellini. Nhìn
thấy tôi có vẻ lớ ngớ, Đinh Cường lại lên tiếng
giải thích khi hướng dẫn tôi đến với bức tranh
Ginevra de' Benci
của Leonardo da Vinci (1452-1519) :
Bức
tranh được vẽ năm 1476, khuôn mặt người nữ cùng tên
thuộc dòng dõi quí tộc được người cùng thời ở
Florence ngưỡng mộ sự thông minh của cô. Bức tranh khổ
nhỏ (14 x 15 inches) này nhìn gần giống như bức Mona
Lisa cùng tác giả đang trưng bày ở
Viện Bảo tàng Louvre Paris, với chất liệu bằng sơn dầu
trên gỗ được Nhà Triển lãm Nghệ thuật mua với giá 5
triệu USD từ Princely House ở tiểu quốc Liechtenstein (Âu
Châu). Ðây là giá cao nhất cho một bức tranh thời đó
được mua từ quỹ của Ailsa Mellon Bruce để lại và là
bức tranh duy nhất của Leonardo da Vinci trên lục địa Mỹ
Châu, hiện ông còn khoảng 17 bức trên thế giới. Nói về
Ailsa Mellon Bruce (1901- 1969) giống như cha là Andrew W. Mellon bà
cũng là
người yêu nghệ thuật, vừa đẹp vừa giàu có. Bà kết
hôn với một người sau này trở thành đại sứ Mỹ ở
Anh quốc nhưng rồi ly dị. Khi bà qua đời năm 1969 để
lại 153 bức tranh phần nhiều của các họa sĩ Pháp và
bà cống hiến tất cả cho Nhà Triển lãm Nghệ thuật
Quốc gia do cha sáng lập. Ở
tòa nhà chính phía Tây còn có những họa phẩm của Jan
Vermeer, Rembrandt van Rijn, Claude Monet, Vincent Van Gogh. Về
tượng điêu khắc ở đây không nhiều như tranh, có các
tác phẩm của hai nghệ sĩ người Pháp là Auguste Rodin và
Edgar Degas. Tòa
nhà mới phía Ðông triển lãm về nghệ thuật đương đại
trong đó có hàng chục bức tranh lập thể của Pablo
Picasso (1881-1973) . Trước đây, ông cũng có vẽ những
tranh cổ điển nhưng sau chuyển sang vẽ theo lối lập thể
dùng hình khối để diễn tả con người và trừu tượng
theo cái nhìn của ông. Ông sang Paris năm 1900 và giao thiệp
với nhiều thi văn nghệ sĩ trong số đó có thi sĩ Max
Jacob người giúp Picasso học văn chương, ngôn ngữ.
Picasso ở chung phòng với Jacob. Vì phòng chật chỉ kê một
cái giường nên thi sĩ Jacob ngủ ban đêm, Picasso phải
thức làm việc vẽ tranh. Vì nghèo không có tiền nên hầu
hết các bức tranh của Picasso vẽ thời đó đều đốt
để sưởi ấm căn phòng ! Ngoài Picasso còn có tác phẩm
của Henri Matisse, Jackson Pollock, Andy Warhol, Roy Lichtenstein
và Alexander Calder, là nhà điêu khắc tạo hình người Mỹ
sáng chế ra nghệ thuật bằng những hình thể treo trên
không (gọi là mobile)… Hôm
khởi hành, mới năm giờ sáng, Thi Huyền, con gái út của
tôi lái xe đưa tôi ra phi trường, vì phải tìm chỗ đậu
xe, nên khi vào đến quầy xác nhận vé, thì đã trễ. Tôi
sốt ruột lên tiếng thuyết phục với lý do sợ trễ hẹn
với người đón. Cô tiếp viên phụ trách thông cảm,
đồng ý chuyển vé thay vì đi Houston, tôi được chỉ
định bay qua Chicago chỉ 5 phút sau đó, và chuyển từ
Chicago đi Washington DC. Lại một trục trặc nữa, chuyến
bay từ Chicago đi Washington DC đã phải mất hơn 4 tiếng
đồng bay vần vũ trên trời trước khi đáp xuống vì một
lý do nào đó mà tôi không được biết. Khi
ra khỏi phòng chờ không thấy Hiệp, tôi điện thoại
liên lạc, thì Hiệp cho biết hiện đang ở phi trường
John Foster Dulles đón vợ chồng Dương Phước Tuấn từ
Houston, Texas đến, và hẹn sẽ quay về đón tôi tức thì.
Nhìn đồng hồ, chuyến đi từ California đến Washington
DC, tôi phải mất đến hơn 9 tiếng đồng hồ, rồi còn
phải đợi trong mưa, những hạt mưa quất vào mặt không
khỏi làm tôi cảm thấy mệt mỏi. Nhưng khi Hiệp và vợ
chồng Dương Phước Tuấn đến, tôi ôm chầm lấy bạn,
nỗi mệt nhọc gần như tan biến sau bao nhiêu năm xa cách
gặp lại, chỉ còn nỗi vui mừng tràn ngập trong trái
tim, tôi tưởng mình như hồi sinh, như trẻ lại, như
những ngày còn đang cắp sách đến trường. Khi chúng tôi
về đến Khách sạn của Hiệp thì đã 21:50h Ngoài trời,
mưa vẫn lất phất bay. Gia
đình Hiệp có một khách sạn nhỏ ở Virginia, những ngày
anh em chúng tôi họp mặt, Hiệp không đón khách để dành
tiếp đón chúng tôi. Khách sạn của Hiệp không lớn.
khoảng 30 phòng nhưng rất tiện nghi và nằm trên một vị
trí thuận lợi. Suốt cả tuần lễ chúng tôi ở đây,
không chỉ được trú ngụ, mà còn được lo ăn uống với
tài khéo léo và quán xuyến của Diệu Túy, vợ Hiệp ;
chúng tôi có được những bữa cơm thịnh soạn và hợp
khẩu vị cũng như đích thân Hiệp lái xe đưa đón chúng
tôi đi tham quan những địa điểm quan trọng ở thủ đô
Washington DC trong suốt thời gian họp mặt. Những
ngày kế tiếp, tôi gặp lại Phan Tiểu Dương, người bạn
đẹp trai, trưởng lớp của tôi những năm ở Quốc Học
từ New Jersy đến. Dương và tôi vẫn thường xuyên liên
lạc với nhau qua email. Hơn nữa, tôi đã có dịp gặp
Dương trong những ngày QUỐC HỌC
ĐỒNG KHÁNH 50 NĂM GẶP LẠI ở San
Jose, California vào tháng 4 năm 2012, tức chỉ mới một năm
trước. Tôi
cũng được gặp lại Nguyễn Cửu Lộc và vợ, từ South
Carolina đến, mặc dù tôi và Lộc đã chia tay từ năm
1963, sau khi từ giã trường Quốc Học, nhưng khi gặp Lộc,
tôi đã nhớ ra ngay, hình như Lộc không có mấy thay đổi,
vẫn khuôn mặt đó, nụ cười và dáng dấp nhỏ nhắn đó
mỗi khi thầy kêu lên bảng trả bài. Nhưng trong cách trao
đổi, nói chuyện Lộc đã không che giấu được vết hằn
của chiến tranh, trong khi bên cạnh Lộc khuôn mặt của
vợ Lộc hồn nhiên và năng động, bộc lộ ánh mắt của
một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Tôi
đã gặp lại Đặng Văn Nghi, người bạn với cá tính
thầm lặng của lớp tôi, hình như Nghi luôn muốn giấu
mình, không muốn ai chú ý đến, nhưng không có nghĩa là
Nghi không sôi nổi, không tranh biện. Nghi từ Maryland đến.
Tôi cũng đã gặp lại Nghi trong cuộc Họp
mặt Quốc Học Đồng Khánh 50 gặp lại
vào năm trước tại San Jose cùng với Phan Tiểu Dương,
Trương Minh Sinh, Hoàng An, Trần Biên cùng với các thầy
cô của chúng tôi như cô Hà Thị Phong, thầy Nguyễn Văn
Lâu, thầy Thái Doãn Ngà, thầy Nguyễn Đức Mai… Và
cuối cùng tôi gặp lại Đoàn Lô từ San Jose, California
qua, Trần Biên từ Los Angeles đến. Đáng lẽ, tôi đã
cùng Trần Biên và Đoàn Lô bay lên Virginia cùng một lần,
nhưng Biên và Lô muốn lên New York trước, còn tôi thì
muốn ở lại với con tôi vài ngày trước khi qua Virginia.
Lê Ngọc Thịnh và vợ từ North Carolina đến, có cả
Nguyễn Ngọc Kính ở Richmond, Virginia. Kính vừa để tang
vợ từ tháng 2.2013, nhưng cũng cố gắng đến cùng anh em
họp mặt. Tất cả không che giấu tuổi đời chồng chất,
nhưng khi ngồi lại với nhau thì vẫn mi mi tau tau loạn xạ
như thời thơ trẻ.
Lần
thứ ba tôi đến với dòng sông Potomac vào tháng 5.2013,
nhân các bạn trú ngụ tại Washington DC và vùng phụ cận
gợi ý tổ chức một cuộc Họp mặt những người bạn
học một lớp ở Quốc Học niên khóa 1960-1963 tại nhà
Nguyễn Hữu Hiệp. Hiệp là bạn thân của tôi hồi còn
đi học. Hồi đó, tuần nào Hiệp cũng lên nhà tôi ở
Phú Xuân, chúng tôi kéo nhau lên chùa Thiên Mụ ăn bánh
bèo cạnh chùa một bụng đầy căng mới chịu về.
Từ
trái qua : Tác giả, Lê Ngọc Thịnh,
Đoàn Lô, Nguyễn Ngọc Kính, Nguyễn Hữu Hiệp, Trần
Biên, Dương Phước Tuấn, Nguyễn Cửu Lộc và Phan Tiểu
Dương
Một
bữa tiệc được tổ chức cho ngày họp mặt đầu tiên
vào sáng chủ nhật 12.5.2013. Ngoài anh em cùng lớp chúng
tôi, còn có bạn bè xa gần chung quanh khu vực Washington
DC, khoảng trên 40 người. Nhìn tất cả những người có
mặt hôm đó tôi không khỏi nhớ những người bạn cùng
lớp thưở ấy vẫn còn sống sau chiến tranh với bao
nhiêu biến đổi của lịch sử đất nước như Nguyễn
Quang Thiệu, Dương Văn Phúc, Lê Văn Thu, Nhiêu Khánh Đàm,
Võ Trọng Đường, Hoàng An, Trương Minh Sinh, Nguyễn Hữu
Nho, Lê Văn Nhơn… mà hôm nay không có mặt. Ban
ngày chúng tôi đi thăm viếng những người thân quen hoặc
cùng nhau đến những địa danh nổi tiếng của Washington
DC. Tối đến, đêm nào cũng thế chúng tôi ngồi lại với
nhau cho đến sáng nhắc lại kỷ niệm của thời niên
thiếu hồi còn học Quốc Học. Trong
chuyến đi này tất nhiên tôi còn gặp lại Đinh Cường.
Chúng tôi gồm vợ chồng Đinh Cường và Châu, con gái
Cường, đã cùng nhau ăn một bữa cơm tái ngộ, sau đó
hẹn Như Hạnh, một nhà văn kiêm dịch thuật hiện dạy
tại Đại học George Mason, Virginia đến Café Starbucks, nơi
chúng tôi vẫn thường ngồi với nhau hằng giờ trước
đây. Rồi
Nguyễn Mậu Trinh (Maryland) một người bạn học trên tôi
một lớp ở Quốc Học mà tôi đã gặp lại ở San Jose
năm ngoái. Tôi đã cùng anh chị Nguyễn Mậu Trinh đến
thăm một câu lạc bộ Võ thuật, nơi mà anh Trinh bảo
trợ. Sau đó, chúng tôi đến thăm chị Ngô Thị Ấn, một
nữ sinh Quốc Học trước chúng tôi mấy năm, và tặng
chị số báo QUỐC HỌC 2013 mà tôi mang theo, trong đó có
bài viết của chị : Chân dung quý
thầy tôi. Một
lần khác, Cường hẹn nhà văn Phạm Thanh Châu mà tôi đã
cùng Đinh Cường gặp năm năm trước đến quán
Le Blédo ở Springfield (Virginia), uống
ly cà phê, cũng như sau đó hẹn cùng
uống café với nhà văn Nguyễn Minh Nửu, nhà văn Phạm
Cao Hoàng, những người đã cùng hợp tác trên tạp chí
Quán Văn. Sau
những lần đến Virginia, đã hòa mình trong sinh hoạt ở
đó, cũng đã gợi lên trong tôi những suy nghĩ làm tôi
không khỏi ray rứt : Cũng như đất nước tôi, vùng đất
Potomac cũng đã diễn ra những trận đánh đẫm máu nhất
của lịch sử nước Mỹ trong cuộc
nội chiến Nam Bắc Mỹ giữa phe Liên hiệp Miền Bắc
(The Union) và Liên bang Miền
Nam (The Confederacy) bắt đầu
vào ngày 12.4.1861 và kết thúc vào ngày 9.5.1865 với hậu
quả của cuộc phân tranh là 970.000 người chết, trong đó
620.000 là binh lính, gần hai phần ba chết do bệnh tật và
ảnh hưởng lên những mặt khác của xã hội. Cuộc
chiến tranh đó đã để lại những
cảm nghĩ khác nhau trong lòng người dân Mỹ và những lý
giải khác nhau cho những nhà sử học. Cho
đến nay nhiều người Mỹ vẫn còn tiếp tục tranh cãi
về nguyên nhân và những khía cạnh của cuộc chiến tàn
khốc này, một số chuyên gia cho rằng cuộc chiến xoay
quanh quyền của các tiểu bang được tách khỏi liên
bang. Nhưng những người khác cho rằng 11 tiểu bang miền
Nam đòi ly khai vì muốn bảo vệ chế độ nô lệ mà Tổng
thống Mỹ Abraham Lincoln thời đó muốn bãi bỏ.
Lại
nói về những trận đánh ở Potomac. Quân
đội Liên bang Miền Nam của Tướng Lee đã vượt Sông
Potomac, từ rạng sáng trận Antietam
mở màn bằng cuộc tấn công của Quân đoàn 1 thuộc Liên
hiệp Miền Bắc (The Union) do Tướng Hooker, biệt danh “Joe
Chiến”, chỉ huy nhằm vào mé trái của quân Liên bang.
Cuộc cận chiến giữa các hỏa tuyến hạn hẹp diễn ra
ác liệt không ngưng nghỉ. Hooker yểm trợ cuộc tấn công
của mình bằng một hàng pháo gần 40 chiếc, phá vỡ hàng
ngũ Liên minh ở phía xa của cánh đồng ngô. Nhưng tất
cả không nằm ngoài những tính toán của Tướng Lee. Ông
đã điều quân từ những đơn vị khác sang hỗ trợ
Jackson phòng ngự ở mé trái. Theo đó, Sư đoàn Texas của
Tướng John Bell Hood đã giáng một cú mạnh vào các trung
đoàn của Hooker và đẩy lùi quân Liên hiệp ra phía bên
kia đồng ngô, giúp vá lại phòng tuyến của Liên minh.
Mãi đến lúc này, Quân đoàn XII của Tướng Joseph
Mansfield (phe Liên hiệp) mới thực sự lâm trận, dù nhiệm
vụ của đơn vị này đáng lẽ phải là tăng cường sức
mạnh tấn công cho Tướng Hooker. Nhưng khi tới nơi, quân
của Hooker đã đánh xong trận và đến đúng lúc phe Liên
hiệp mở một cuộc phản công khiến chính Quân đoàn XII
cũng bị đẩy lùi. Đây
là những diễn biến chủ đạo trên chiến trường
Antietam trong cả ngày hôm đó. Trong khi quân của Tướng
McClellan tham chiến rời rạc, mỗi lần một quân đoàn và
chỉ tấn công vào một vị trí riêng lẻ trong hàng ngũ
của đối phương, thì quân của Tướng Lee di chuyển nhịp
nhàng, hoán đổi vị trí liên tục trong một cuộc thao
diễn chiến thuật khôn lường phát huy tác dụng bảo
toàn lực lượng..
Đến
giai đoạn kết thúc, khi cố gắng bảo vệ Petersburg
thất bại, quân đội miền Nam rút lui nhưng đã bị truy
kích và đánh bại, cuối cùng Tướng Robert Edward Lee phải
đầu hàng Tướng Grant chỉ huy quân đội Liên hiệp tại
làng Appomattox Court House
thuộc Virginia vào ngày 9 tháng 4 năm 1865 – đây là thời
điểm chấm dứt cuộc chiến tương tàn giữa hai miền
Nam Bắc Hoa Kỳ. Nhưng điều tôi muốn nói là cách thức
mà hai bên kết thúc chiến tranh.
Tranh
vẽ lại theo bức ảnh chụp thời đó :
Tướng Grant
(áo sậm) bắt tay tướng Lee (áo xanh nhạt)
Tướng
Lee đã nhắn cho tướng Grant là ông chuẩn bị đầu hàng.
Tướng Grant nhắn lại, đề nghị tướng Lee chọn địa
điểm bàn thảo việc quy hàng. Và căn nhà của một nhà
thương buôn tên là Wilmer Mc. Lean tại làng Appomattox đã
được chọn.
Đến
ngày hẹn, tướng Lee mặc lễ phục mới tinh và đeo kiếm,
còn tướng Grant xuất hiện muộn hơn trong bộ đồ tác
chiến thường ngày còn dính bùn đất hành quân. Hai người
ngồi trong phòng khách của ông Mc. Lean và hàn huyên thân
mật về những kỷ niệm quân ngũ trong cuộc chiến tranh
Mexico. Câu chuyện lâu đến nỗi tướng Lee sốt ruột,
chủ động đề cập đến “mục
đích buổi gặp gỡ của chúng ta ngày hôm nay là bàn về
việc đầu hàng”.
Tướng Grant bèn lấy cây bút chì và tờ giấy trắng viết
vội những điều khoản và trao cho tướng Lee, trong đó
có những nội dung nói về binh lính miền Nam : 1/
Không bị coi là phản quốc và không phải ở tù. 2/ Chính phủ coi binh
lính miền Nam là những công dân bình thường nếu họ
chấp hành tốt luật lệ. 3/ Được mang ngựa
và lừa về nhà để giúp gia đình cày cấy vào mùa xuân. Sau
khi xem qua những điều tướng Grant vừa viết, tướng Lee
nói :
-
Những điều này sẽ có tác động tốt đến quân sĩ của
tôi. Chúng sẽ góp phần quan trọng trong việc hòa giải
dân tộc chúng ta. Tướng
Lee cho biết ông sẽ trao trả những tù binh miền Bắc vì
ông không có đủ lương thực cho họ. Tướng Grant đáp
lại rằng ông sẽ gửi ngay cho binh lính miền Nam 25.000
phần lương thực khô. Ông cũng ra lệnh cho in 28.231 giấy
phóng thích cho binh lính miền Nam. Khi
tin phe miền Nam đầu hàng bay đến doanh trại, quân miền
Bắc định bắn đại pháo chào mừng. Tướng Grant ra lệnh
ngưng ngay lập tức các hoạt động ăn mừng. Ông nói với
các sĩ quan dưới quyền : “Chiến
tranh đã kết thúc. Giờ đây họ đã là đồng bào của
chúng ta”. Ngày
12 tháng 4 năm 1865, quân đội của tướng Lee tiến vào
ngôi làng Appomattox để giao nộp vũ khí. Tướng Joshua
L.Chamberlain của miền Bắc được chỉ định tiếp nhận
binh sĩ quy hàng. Trước hàng quân miền Bắc nghiêm chỉnh,
ông nhìn những binh sĩ miền Nam bại trận đi vào làng. Với,
cảm xúc dâng trào, sau này ông viết lại : “Giây
phút đó làm tôi thực sự xúc động. Tôi quyết định
đánh dấu sự kiện này bằng một hành động, không gì
khác hơn là giơ tay chào kiểu nhà binh. Tôi biết có người
sẽ chỉ trích tôi về cử chỉ này. Tôi đã không xin
phép và cũng không yêu cầu sự tha thứ về hành động
này. Đối diện với chúng tôi là những chiến binh, bại
trận nhưng can trường,
là biểu tượng cho tinh thần trượng phu, không rã rời,
không đau khổ, bất chấp hy sinh và không có gì khuất
phục được họ. Giờ đây, họ là những người ốm yếu
và đói khát, nhưng họ hiên ngang nhìn thẳng vào chúng
tôi, làm sống dậy những ràng buộc thiêng liêng cao cả
hơn bao giờ hết. Không có lý do gì để những đấng nam
nhi ấy không được hội nhập vào Hợp Chủng Quốc vững
vàng của chúng ta”. Sau
đó tất cả hàng ngũ quân miền Bắc thắng trận từ đơn
vị này đến đơn vị khác đều nghiêm chỉnh giơ tay
chào kiểu nhà binh. Vị tướng dẫn đầu đoàn quân miền
Nam đầu cúi xuống trong buồn bã, chợt nhận ra và ngồi
thẳng lại trên lưng ngựa, giơ tay chào đáp lễ. Ông ra
lệnh cho các đơn vị theo sau tuân theo nghi lễ quân
sự khi đi ngang qua đoàn quân miền Bắc. Không có kèn
thắng trận, không có tiếng trống, tiếng hô, tiếng reo
hò mừng chiến thắng, không một lời nói hay tiếng xì
xầm… Một sự im lặng đến nghẹt thở. Từ
sáng sớm đến chiều tối, những người lính miền Nam
đều giơ tay chào khi đi ngang qua hàng quân miền Bắc cũng
đang giơ tay chào. Họ giao nộp vũ khí, những lá cờ trận
rách tơi tả của miền Nam và trở về quê. Gần 100.000
quân miền Nam đã quy hàng ở làng Apppmattox. Vài ngày sau
tất cả rời khỏi nơi này, ngôi làng trở lại cuộc
sống bình thường. Tướng
Lee và tướng Grant đã đi vào lịch sử như những huyền
thoại. Nhưng đằng sau câu chuyện ở làng Appomattox là
bàn tay đạo diễn của Tổng thống Abraham Lincoln, lẽ
đương nhiên cũng là một nhân vật huyền thoại . Ông
thường nói rằng ông mong muốn cuộc chiến kết thúc
trong sự khoan dung. Ông Ron Wilson nói rằng Tổng thống
Lincoln và tướng Grant đã gặp nhau hai tuần trước đó
trên chiến hạm River Queen ở sông James. Họ đã thảo
luận rất lâu về hình thức kết thúc chiến tranh và
những xáo trộn có thể xảy ra trong thời kỳ hậu chiến.
Tổng thống Lincoln đã nói với tướng Grant : “Hãy
để họ buông súng một cách thoải mái”.
Bức ảnh Quân đội miền Nam đang đợi Quân đội miền Bắc đến tiếp thu
Tướng
Robert E. Lee đã đầu hàng quân đội Liên hiệp Miền Bắc
tại Appomattox, bang Virginia. Nhưng điều đáng trân trọng,
chính là thái độ, cách hành xử của phe thắng trận
dành cho vị tướng bại trận miền Nam nầy hết sức
kính trọng, chân thành và không chút hận thù.
Những
câu chuyện được thuật lại trong sử sách về quyết
định khó khăn của tướng Robert E. Lee khi ông từ chối
lời mời giữ quyền chỉ huy trong quân đội miền Bắc
để chọn phục vụ cho miền Nam vì quê quán ông ở
Virginia, một bang miền Nam, cùng những câu chuyện về đức
khiêm tốn của ông trước những chiến tích lừng lẫy
cũng như những thất bại mà ông trải qua. Sau khi quân
đội miền Nam thất trận, tướng Robert E. Lee nói với
các hàng binh dưới quyền ông rằng : “Hãy
từ bỏ lòng hận thù và để thế hệ con cháu của quíý
vị nhớ rằng họ đều là đồng bào, là công dân của
nước Mỹ”. Theo tôi, có lẽ người
Mỹ đã lớn lên, đã văn minh và tiến bộ hơn các dân
tộc khác bởi họ luôn biết gạt bỏ lòng thù hận, biết
coi trọng tình tự dân tộc của mình.
Những
gì mà vị tướng lãnh này đạt được nhưng lại ít
được người Mỹ biết đến là những thành quả trong
những năm sau khi cuộc chiến kết thúc. Ông nhận chức
Viện trưởng một Viện đại học nghèo đang bên bờ vực
khánh tận, Đại học Washington ở Lexington, bang Virginia và
ủng hộ Tổng thống Hoa Kỳ
Andrew Johnson
trong chương trình tái thiết đất nước và hòa giải
giữa các vùng đối địch nhau. Ở chức vụ Viện trưởng,
ông không nhấn mạnh đến những môn học từ chương, cổ
điển nữa, mà chú trọng nhiều đến việc giảng dạy
cho sinh viên những kỹ năng thực tiễn để có thể giúp
tái thiết miền Nam. Chương
trình đầu tiên của nước Mỹ giảng dạy về ngành báo
chí được đem áp dụng ở đại học này là một thí dụ
điển hình. Các khóa dạy về kinh doanh, khoa học và nông
nghiệp là những thí dụ kế tiếp. Được đặt tên là
Washington and Lee University, giờ đây Trường đại học tư
và nhỏ này phát triển một cách rất tốt đẹp và tạo
được dấu ấn đặc biệt. Điều
đau đớn và tiếc nuối của tôi khi kết thúc bài
viết này, vì tôi hiểu rằng chiến tranh Việt Nam
(1955-1975) đã kết thúc sau cuộc nội chiến Hoa Kỳ
(1861-1865) đúng 90 năm, nghĩa là gần một thế kỷ,
nhưng oái oăm thay những người lãnh đạo cuộc
chiến tranh Việt Nam đã không rút được bài học
nào hoặc kinh nghiệm gì từ cuộc chiến tranh tương
tàn đó để đưa đất nước tiến bộ và phát
triển như sự kỳ vọng của nhân dân.
Sâm
Thương
10.2013
Các thao tác trên Tài liệu