Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Đoạn truyện tưởng đã mất

Đoạn truyện tưởng đã mất

- Nguyễn Đức Tường — published 12/08/2020 17:38, cập nhật lần cuối 12/08/2020 17:38


Đoạn truyện tưởng đã mất


Nguyễn Đức Tường



Lời dẫn nhập: Cách đây ít lâu Diễn đàn Thế kỷ cho đăng truyện ngắn Bay Qua Ba Lê Nghe Nhạc của Nguyễn Vạn An, nhiều độc giả ai đọc cũng thích. Vài người chỉ ra những chi tiết tế nhị, hấp dẫn; vài người khác khen nhẹ nhàng, thanh thoát, đọc có cảm tưởng như có mặt trong gian phòng nhưng vẫn thấy hụt hẫng thế nào ấy, hay có người khen charming, nhưng tiếc rẻ muốn cho Khôi và Thu gặp nhau in a more substantial way (?) Một người khác bảo cứ để câu chuyện kết như vậy nhẹ nhàng, đôi chút luyến tiếc,... vì họ còn gặp nhau nữa kia mà? Cuối cùng có người nói to một mình nhưng tại sao lại có chỗ ghi (..... mất một đoạn.....) và gợi ý kiếm lại đoạn đã mất này? Ah, good idea.

Tôi (người viết lời dẫn nhập này) mạn phép viết kể đoạn đã mất của Nguyễn Vạn An để bạn đọc khỏi thắc mắc...

Lời tiếp của Diễn Đàn: Bạn đọc có thể xem chỉ dẫn ghi trong chú thích cuối bài của tác giả để đọc truyện ngắn của Nguyễn Vạn An, trước khi đọc "đoạn truyện tưởng đã mất" này, hoặc cũng có thể - như chúng tôi, cứ đọc nó trước đã, và khi đã cảm thấy chất thơ thú vị của nó, tìm đọc "bản gốc" của NVA, để trầm mình vào một không khí âm nhạc cổ điển của Paris mà ai cũng có thể thưởng thức, dù trong mùa dịch Covid... 

Bên trong nhà thờ Saint Julien le Pauvre (ảnh DĐTK)

... Ra đường, hai người thả bộ đi về phía nhà thờ Đức Bà. Trời tối, không khí mát dịu. Khôi hỏi Thu có đói không. Thu lặng yên không trả lời. Thu muốn biết đây là ảo hay là thật. Mình đang ở đâu? Nhìn tên phố, nhà thờ Đức Bà, người đi lại, Khôi ngay trước mặt, thì rõ ràng là thật. Nhưng không thể là thật. Nếu đây là thật, thì đã đến lúc phải về. Thu tự hỏi: “Nếu đây là ảo, thì đêm nay có thể ở lại với Khôi không? ”

Gió thổi mạnh, hơi lạnh khiến Thu tự nhiên đi nép mình vào Khôi. Cả hai cùng cảm thấy cơ thể nóng ran. Hai người bước đi trong im lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Nhưng nếu không là ảo thì tại sao Thu phải về? Thu liếc nhìn người thanh niên nàng mới gặp mặt lần đầu mà tưởng như đã là người tình tự thuở nào.

Một buổi chiều cuối tuần mấy tháng trước, Thu lang thang lướt mạng, chợt nghe trong một blog có tiếng như vừa hát vừa ngâm thơ bài Đêm tàn Bến Ngự của Dương Thiệu Tước. Nàng dừng lại nghe và đọc lời ca theo nhau nhảy ra từng chữ một trên màn hình máy tính như karaoke :

Tình xưa sao vẫn chứa chan?
Lặng nghe sóng gió khóc than dạt dào;
Về đây hỡi mối u sầu,
Muốn mơ đi để ngăn bầu lệ tuôn!


Ai về Bến Ngự, cho ta nhắn cùng...

Biết rõ đấy không phải là lời của bài hát Đêm tàn Bến Ngự, nàng viết hỏi. Chủ blog trả lời, kể đấy là mấy câu điệp khúc trong bài thơ dài Le premier regret, ở cuối cuốn truyện tình buồn Graziella của Lamartine mà bạn anh đã dịch:

Mais pourquoi m'entraîner vers ces scènes passées?
Laissons le vent gémir et le flot murmurer;
Revenez, revenez, ô mes tristes pensées!
Je veux rêver et non pleurer!

Chưa hết, một bữa đang đi ngoài đường, câu thơ và bài hát lại hiện ra trong đầu cùng một lúc, anh chàng cất tiếng hát khá to, người đi đường cũng có thể nghe được, thơ và nhạc quyện chặt lấy nhau. Mặc kệ người ta nhìn, anh ta về cho lên blog! Câu thơ và chuyện khùng của Khôi cộng thêm phong cách nói chuyện dễ chịu, hợp ý nhau, đủ để khiến Thu rất hài lòng. Chuyện nọ dẫn đến chuyện kia, thành lệ, tối nào hai người cũng chat với nhau trên mạng, khi mươi lăm phút, khi cả giờ. Cho đến hôm nay, Khôi hứng chí rủ nàng đi nghe nhạc.

Khôi khẽ bóp vai Thu, nàng cọ sát đầu vào vai anh thêm chút nữa. Khôi muốn rủ Thu về chung cư của mình, nhưng phân vân, chưa biết bắt đầu thế nào cho phải?

Đây không là chuyện đùa mà là một chuyện cũ lặp lại. Khôi có cô bạn thân tên Kim Dung, học dưới anh một năm ở trung học. Lên đại học, khác trường, họ vẫn rất thân nhưng thỉnh thoảng hai người mới gặp nhau. Rồi họ cùng xuất ngoại du học song vẫn mỗi người một nơi. Hai năm trước, Khôi tình cờ gặp lại Dung đi thăm bạn trên cùng chuyến xe buýt và phải đổi buýt ở thành phố anh ở. Bạn cũ gặp nhau mừng vô hạn. Ngồi bên nhau trên xe buýt suốt gần hai trăm cây số, nói chuyện huyên thuyên không dứt nhưng rồi đến một lúc cũng vợi chuyện, phải ngừng.

Trong khoảnh khắc yên lặng đó, họ đột nhiên cảm nhận đùi họ chạm sát vào nhau từ lúc nào, cơ thể như bừng cơn sốt. Dung ngồi yên, đầu tựa trên vai Khôi, mắt nhắm làm như ngủ. Thời gian trôi nhanh, đến nơi, cả hai đồng ý về nhà anh để Dung nghỉ, chờ chuyến buýt sau. Vừa bước vào trong nhà, cửa sập lại đằng sau, hành lý vứt trên sàn, hai người đứng ôm chặt lấy nhau.

Tuy say đắm hôn nhau nhưng trong phút điên cuồng ấy, đâu đó trong não bộ Khôi vẫn lảng vảng một ý nghĩ cổ hủ: Dung là bạn thân lâu năm và là một marriageable type trong strata xã hội của anh. Anh cảm thấy như đang chực bước qua một giới hạn cấm kỵ. Hồi lâu, hai người đến ngồi cạnh nhau trên divan. Khôi nhìn Dung, đôi môi nàng hé mở để lộ hàm răng trắng đều với chiếc răng khểnh muôn thuở mà anh từng ngắm nhìn không chán mắt dù chưa bao giờ có ý nghĩ nàng sẽ là người tình của anh, lại càng không thể là bạn đời. Hai người cứ ngồi bất động như vậy, quần áo đầm đìa mồ hôi tháng Bảy. Rồi Dung mở mắt, ngồi thẳng dậy và nói, “Thôi, cho Dung đi tắm một cái rồi ra xe kẻo muộn.”

Đưa Dung ra đến bến xe, Khôi nói, “Thật may, saved by the bell.” Dung hỏi, “Thế nghĩa là thế nào?” Khôi giải thích trong trận đấu quyền anh, khi một người đấm ngã đối thủ thì trọng tài bắt đầu đếm, nếu đếm đến 9 mà đối thủ này không dậy được, tức là bị knock-outđo ván, nghĩa là thua. Nếu may, đang lúc đếm mà chuông kêu hết hiệp thì anh ta thoát, saved by the bell, chỉ bị knock down chứ chưa out. Dung cười khẽ, “À, ra thế!” rồi nói tiếp như một hẹn hò: nếu tiện, có thể nàng sẽ quay lại gặp Khôi trên đường về.

Nhưng rồi Dung không gặp lại Khôi trên đường về. Tuần sau đó, anh nhận được thư cô viết, nói chuyện xảy ra quá bất ngờ, cô chưa kịp chuẩn bị tinh thần. Cô nói hãy bình tĩnh, cố giữ tình bạn cũ thêm ít lâu nữa, xem sao, “Anyway, we are saved by the bell in the first round! ” Khôi không thể đồng ý nhiều hơn với cô bạn lâu năm mà bao giờ anh cũng quý nể. Anh không nhát gái nhưng riêng với những cô gái Việt cùng trang lứa, anh luôn luôn thận trọng. Mới tháng trước đây thôi, Khôi đọc tờ báo tiếng Việt có chuyện hai cô cậu cùng bước vào tuổi 28, gia cảnh tương tự như anh và Dung, muốn làm đám cưới nhưng có vài thắc mắc nên viết thư vấn kế, cuối thư tái bút, “Cũng xin thú thật với cô, chúng cháu chưa có sex với nhau.” Mấy người này còn fossil hơn Khôi nữa, 28 tuổi, thế kỷ 21 mà nói chuyện như tiền bán thế kỷ 20.

Còn Thu, cô chỉ độ tuổi em út của Khôi. Mấy tháng nay, những chi tiết vụn vặt trong câu chuyện hàng ngày, dần dần bồi đắp biến cái avatar Thu trong tâm trí Khôi thành một cô gái linh hoạt có đầy đủ da thịt. Rồi như vì một thẩm thấu, thỉnh thoảng có những từ phảng phất ngụ ý một cái gì bền chặt, vĩnh viễn lẫn vào. Khôi nhớ lại một cử chỉ nhỏ trong buổi hòa nhạc, anh cầm tay đưa Thu ngồi xuống ghế, lúc nhạc bắt đầu Thu kín đáo nhè nhẹ rút tay về. Cô bé là con nhà rất lành. Kim Dung và Huyền Thu, cả hai cùng xinh đẹp, hoạt bát, duyên dáng như nhau, vậy mà tại sao biết Dung bao nhiêu năm trời, Khôi không bị Dung thu hút cùng một cách như với Thu? Ban đêm đi ngủ, chàng chưa bao giờ nghĩ tới Dung. Phải chi Thu có thêm chiếc răng khểnh? Khôi mỉm cười ý nghĩ vô duyên và vô lý của mình. Giản dị là răng khểnh không fit trên khuôn mặt Thu! Khôi đang nghĩ ngợi mông lung thì nghe tiếng Thu hỏi:

- Mấy đứa bạn em hay nói ga Lyon đèn vàng với “Boul Mich ”, phố nào là “Boul Mich ”, hở anh?

- Là phố em đang đi đây; đó là tên lóng của Boulevard Saint Michel.

- Ồ, vậy anh ở gần đây?

- Đúng rồi. Em có muốn đến chỗ anh một chốc cho bớt lạnh không?

Thu yên lặng gật đầu. Đi thêm chừng mươi phút, họ dừng chân trước tòa nhà cũ năm tầng trong một phố ngang, Khôi ở tầng thứ ba. Trèo lên đến căn hộ của Khôi, Thu đứng thở, cười nói: “Bọn bạn em thường tả cảnh trèo cầu thang trong những căn hộ cổ của Paris, bây giờ em mới biết; nghe nói mấy cái mansarde mà mấy anh nghệ sĩ nghèo trong La Bohème của Puccini phải sống còn rùng rợn bằng mấy nữa!” Khôi trả lời anh cũng không giầu hơn mấy anh nghệ sĩ đó bao nhiêu, đủ tiền mua vé đồng hạng concert nhưng chắc không kham nổi La Bohème.

Tuy là trong tòa nhà cổ, căn hộ của Khôi khang trang. Phòng ngoài khá rộng, trần cao, có balcon trông xuống đường. Căn phòng sạch sẽ nhưng không có vẻ tươm tất sửa soạn đón tiếp Thu vì sách vở ngổn ngang mọi nơi, trên bàn, dưới sàn. Thu gỡ khăn quàng cổ và cởi áo khoác đưa cho Khôi để chàng cất đi, lúng túng vài giây rồi nàng đến ngồi trên chiếc ghế trước bàn computer cạnh đó. Không có việc gì làm, thấy cuốn sách trên mặt bàn, nàng lơ đãng mở sách đọc. Khôi trở lại, nói đã để khăn mặt sẵn trong nhà tắm nếu Thu cần; Thu gật đầu cảm ơn, Khôi cẩn thận chỉ chỗ cho nàng.

Hồi lâu, Thu bước ra, vẻ thoải mái, tươi cười nói: “Mới toanh!” Thấy Khôi ngồi trên divan ở cuối phòng, tay cầm cuốn sách nàng vừa đọc, nàng đến ngồi xuống bên cạnh.

- Em biết tác giả này, Freeman Dyson? Ông là một nhà toán-vật lý thượng thặng.

- Em đâu có biết, thấy cuốn sách trên bàn, em mở đúng chương này, Prelude in E-Flat Minor, bèn tò mò đọc. Thì ra đó là tên một Prelude trong The Well-Tempered Clavier của Bach, em đang tự hỏi tác giả là nhạc sĩ mà tại sao lại nói giỏi toán?

- Ồ, ông ta không là nhạc sĩ nhưng anh nghĩ ông có thể sống thoải mái với nghề nhạc chẳng khó gì, nếu ông không muốn kiếm sống bằng nghề khoa học. Những nhà khoa học thế hệ Dyson, nhất là những người Âu, nhiều người có thú tiêu khiển rất sang, đòi hỏi rất nhiều là chơi nhạc cổ điển.

- Em mới đọc chừng nửa trang, tên truyện là tên một bản nhạc, như vậy em đoán truyện chỉ có một chút liên hệ với nhạc thôi?

- Em đoán đúng. Truyện có nhiều tình tiết khá phức tạp, đến cuối truyện, một nhà vật lý trứ danh khác, Edward Teller, có khi em đã nghe tên ông này, ông này là người làm bom khinh khí, ngồi đánh Prelude... với piano ở nhà Dyson. À, em có học nhạc bao giờ không? Em nói em đọc nửa trang đầu, em có thấy điểm vui vui, tế nhị, với cái tên Prelude in E-Flat Minor chứ?

- Em có học flûte à bec. E-Flat hay D-Sharp chỉ khác nhau cái tên nhưng là cùng một nốt nhạc. Em nghĩ chú bé thần đồng Dyson này cắc cớ hỏi ông bố, nhất thời ông không trả lời được. Anh nói nhiều chi tiết phức tạp, vậy chắc truyện ly kỳ lắm?

- Ly kỳ nhưng không ly kỳ kiểu truyện trinh thám hay kiếm hiệp Nhưng thôi, nếu bàn thêm thì hết đêm mất, em còn phải đi về. Bữa khác mình nói tiếp.

Khôi ngừng nói, vòng tay ôm ngang vai Thu. Hình như nàng cũng chỉ đợi có vậy. Thu quay người sang, ôm siết Khôi, hai người hôn nhau không còn trời đất. Anh nói khẽ vào tai Thu: “Em là cô gái Việt đầu tiên anh biết.” Thu âu yếm hôn anh rồi thì thầm: “Anh cũng là người đàn ông đầu tiên em biết.” Trẻ trung, khỏe mạnh, họ vui hưởng những giây phút địa đàng êm dịu của hai làn da lần đầu chạm vào nhau “O Temps suspends ton vol...” Thời gian có ngừng trôi, nhưng chỉ thế thôi!

Hai người ngủ thiếp đi. Lát sau, Thu tỉnh dậy, đánh thức Khôi. Chàng ân cần bảo: “Để anh làm cho em mấy quả trứng em ăn trước khi về.” Thu gật đầu nhưng rồi đổi ý: “Thôi, cho em một cốc chocolat nóng là đủ.” Hai người đứng dậy đi vào bếp. Khôi hỏi cho có chuyện: “Em biết làm bếp?” Thu gật đầu. Sẵn đà, Khôi hỏi thêm mấy câu nữa về chuyện bếp núc. Thu cười: “Thôi đừng tra vấn em về chuyện bếp núc nữa, làm em sợ đấy!”

Ngồi cạnh nhau trên divan uống chocolat nóng, nói với nhau thêm vài ba câu chuyện không đâu nữa rồi Thu sửa soạn đi về. Khôi âu yếm hôn Thu, nàng kéo anh xuống, ranh mãnh thì thầm vào tai anh: “Anh vẫn chưa thể nói là đã biết cô gái Việt nào!” Khôi bẽn lẽn, vội vàng xí xóa: “Không tránh nhanh, tôi cắn mất cái mũi xinh đẹp của cô em bây giờ.” Thu hốt hoảng, đẩy Khôi ra rồi nói giữa tràng cười nắc nẻ, “Anh không làm đâu vì anh sẽ bị thiệt nhiều hơn em.” Hai người đứng dậy, ôm nhau hôn từ giã. Khôi hỏi,

- Cuối tuần sau em trở lại chứ?

- Vâng, em sẽ trở lại nếu không có gì thay đổi.

Thu cầm tay Khôi một lúc. Cảm ơn Khôi đã cho sống một buổi chiều thật đẹp, khó quên. Rồi lặng lẽ chui vào mạng mà trở về với đời thật. Về đến nhà trời đã hửng sáng. Thu bật điện, đun nước nóng pha trà, hâm đồ ăn sáng. Chỉ trong chốc lát, đường phố nhỏ Ba Lê, tiếng dương cầm, nhạc ông Chopin đã xa vời vợi. Thu run run còn thấy phảng phất đâu đây mùi cái áo sang trọng của Khôi, khi Khôi ôm nàng lúc từ giã.....


Gatineau 3/2020

Nguyễn Đức Tường


Chú thích Nếu đang đọc trên máy tính, xin rà chuột vào tên truyện này và làm theo chỉ dẫn ở đó; cũng có thể chép link ở dưới vào dòng địa chỉ ở browser trên máy tính rồi đánh Enter để đọc Bay qua Ba Lê nghe nhạc của Nguyễn Vạn An. Truyện cũng được in lại trong Tập san Khải Định 48-55.

https://www.diendantheky.net/2020/02/nguyen-van-bay-qua-ba-le-nghe-nhac.html

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss