Đọc LA TAILLE DES ARBRES của Fabien Trương
Giới thiệu sách mới
Đọc “ La taille des arbres ”
của Fabien Trương
Nhà xuất bản Rivages, Paris, 2022.
294 trang.
Tựa đề cuốn sách không thể nào dịch : arbres là cây cối, nhưng taille
có hai nghĩa : tầm cỡ (chiều cao) và sự cắt tỉa (cho cây lớn lên). Cây
cối ở đây hiểu theo nghĩa bóng, ám chỉ những cô cậu học sinh những năm
cuối trung học ở trường Paul Eluard, thành phố Saint-Denis tỉnh 93,
ngoại ô bắc
Paris. Chỉ nói như vậy, đối với ai ở Pháp hay theo dõi tình hình nước
Pháp,
cũng biết đó là những loài “cây” khó trồng, mọc hoang dại trong cánh
rừng ngoại ô bình dân phía bắc và đông bắc thủ đô Pháp, nơi tỷ lệ người
nhập cư từ châu Phi, Bắc Phi và các nước thuộc địa cũ của Đại Pháp cao
nhất, cũng như tỷ số người thất nghiệp, nhất là tỷ số thanh niên thất
nghiệp cao nhất Pháp. Dạy học ở tỉnh Seine - Saint-Denis (mã số 93) là
sự bất hạnh, hay liều lĩnh nhất của giáo chức.
Đó là sự chọn lựa của chàng trai Fabien
Trương khi vừa tốt nghiệp Ecole Normale Supérieure phố Ulm. Trong năm
năm trời, anh đã dạy ở Paul Eluard và những trường trung học thuộc tỉnh
“93”. Không biết nhà giáo trẻ đã “cắt tỉa” ra sao, nhưng như một nhà
khoa học quan sát, nghiên cứu, anh đã mang lại những công trình xã hội
học gây tiếng vang lớn về “ giới trẻ bên lề ”, kể cả những thanh niên
Hồi giáo cực đoan (islamistes)
:
- Des capuches et des hommes, Buchet-Chastel, 2013
- Jeunesses françaises, La Découverte 2015, La Découverte Poche 2022.
- Loyautés radicales, La Découverte 2017.
Sau năm năm “gõ đầu trẻ”, và say mê
chơi nhạc, sáng tác nhạc rock, Fabien Trương
dành toàn bộ nghiệp vụ cho nghiên cứu và giảng dạy xã hội học tại Trường đại học
Paris 8 (tất nhiên vẫn ở tỉnh 93).
La taille des arbres thuộc thể loại bút ký, tác phẩm văn học đầu tiên của Fabien Trương.
Đó là những trang bút ký ghi lại hai chuyến đi “ngoại khóa” của 20 học sinh Paul Eluard (trở thành một tập thể mang danh từ chung pauleluard) đi thăm Tân Đảo (Nouvelle Calédonie, “lãnh thổ hải ngoại" Pháp, đang trong quá trình trưng cầu dân ý để quyết định độc lập hay tự trị, đồng thời là cái mỏ nickel lớn nhất thế giới mà Bắc Kinh đang tìm cách chiếm lĩnh) và Việt Nam (“Đông Pháp” một thời). Chuyến đi do “Pierrot”, một giáo sư sử học tổ chức, rủ Fabien đi cùng, tuy anh không còn dạy ở đây.
Hai chuyến đi nửa vòng trái đất, tổng cộng khoảng một tháng, quá ngắn cho một khảo sát xã hội học, nhưng đầy ắp cảm giác và cảm xúc, trái nghịch nhau, cộng hưởng với nhau, thúc đẩy tác giả dùng hình thức văn học để thể hiện những trải nghiệm tập thể và cá nhân.
Độc đáo là vị thế “hai mặt” của mỗi học
sinh, và của cả quan sát viên là tác giả. Lấy một thí dụ cụ thể : ngay
tại sân bay Charles de Gaulle, Fabien nghe một cặp vợ chồng du khách
nói với nhau về hai cậu học sinh : “Chúng nó là người Ả Rập”. Máy bay
hạ cánh xuống Nouméa, hai cậu “Ả Rập” đó, cũng như các bạn đồng hành,
được tiếp đón, ở trụ sở chính quyền, cũng như làng xóm của những bộ
tộc, như “phái đoàn học sinh Pháp”, từ “chính quốc” đến thăm. Và đối
diện với người dân Tân Đảo, người Kanak bản địa, cũng như người
Caldoche (gốc da trắng), nếu phải chọn, thì tất nhiên hầu hết đều nhận
mình là “Kanak” hơn. Ở Việt Nam, giữa mùa bóng đá quốc tế, tác giả, với
bộ mặt “tây” và mái tóc dài, được đồng nhất hóa với cầu thủ đội tuyển
quốc gia Pháp và gọi là Em-ma-nu-en-pơ-tí.
Cửa máy bay mở ra trên phi đạo Tân Sơn Nhất, cái nóng cái ẩm ập vào,
chàng trai da đen sinh đẻ ở Saint-Denis, vĩ tuyến 49, mồ hôi ròng
ròng, lui bước, còn Fabien Trương, sinh trưởng ở vùng quê Beauce, lại
như cảm thấy mình “ở nhà” trên đất nước mà anh đặt chân tới lần đầu,
đất nước đối với anh, chỉ là “á quốc” (demi-pays)
– Việt Nam cho đến lúc đó, chỉ là những âm thanh tiếng Việt (mà anh
không nói), là mùi vị các món ăn của bà nội.
Ở Tân Đảo cũng như ở Việt Nam, “phái đoàn” pauleluard trực diện với chủ nghĩa thực đân, chiến tranh đế quốc, còn tồn tại trong quan hệ xã hội ở đảo, còn đập vào mắt ở Việt Nam, không chỉ ở địa đạo Củ Chi, chuồng cọp Côn Đảo, mà trong những em bé dị tật, thế hệ 2 hay 3 của Chất Da Cam Dioxine. Riêng với Fabien, chuyến đi Việt Nam còn là cuộc kiếm tìm nguồn gốc. Ông nội mà anh chỉ còn chút kỷ niệm thơ ấu, là Trương Văn Chình, tác giả một công trình giá trị về ngữ Pháp tiếng Việt (1), đồng thời cũng là người đã tham gia các hội nghị Đà Lạt và Fontainebleau (1946). Một ngôi nhà đã biến đổi, một cuốn sách in từ năm 1951 (Hội nghị Fontainebleau, viết dưới bút hiệu Trình Quốc Quang) tìm mua ở một quầy sách cũ vỉa hè. Những hiện vật câm lặng (Fabien không đọc được tiếng Việt) nhưng sẽ là chìa khóa mở ra những cuộc đối thoại với người cha, sau bao nhiêu năm im lặng về quá khứ – đây cũng là câu chuyện “thường ngày ở huyện” đối với thế hệ 2 (xem, chẳng hạn, Le silence de mon père của Đoan Bùi, và có lẽ không chỉ những gia đình này).
Tôi xin không nói gì thêm về văn phong La taille des arbres, ngoài một câu
: đây là một tác phẩm văn học độc đáo, với ngôn ngữ của tiếng Pháp hiện
đại (điểm xuyết bằng một vài biệt ngữ của tuổi trẻ 93), thi thoảng có
một vài trang điểm lại lịch sử (thí dụ như vụ hang Ouvéa và cái chết
của lãnh tụ Djibaou) không phải để làm sách giáo khoa, mà để soi sáng
bối cảnh cho những nhân vật hôm nay, khi “lịch sử cá nhân” hòa vào
“lịch sử lớn”, những trang văn với tiết tấu của diễn ngôn cá nhân hay
tập thể, một phong tục tuyệt vời của người Kanak.
Hai chuyến đi xa, tốn kém, cho hai chục học sinh không có phương tiện tài chính. Đó là kỳ công của “Pierrot”, giáo sư sử địa Paul Eluard, vận động các cấp chính quyền vùng, tỉnh và thành phố. Nhưng có lẽ đó là thời “trước”. Trước đại dịch Cô Vi, với những chuyến bay low cost. Bây giờ chắc chỉ có thể đi gần, một ngày đường xe ca. Chẳng lẽ – bao giờ ¿ – đi Ukraine ?
Nhưng xa hay gần, chúng ta chờ đợi những tác phẩm văn học khác của Fabien Trương.
Nguyễn Ngọc Giao
16.3.2022
(1) Khảo
luận về ngữ pháp Việt Nam (viết chung với Nguyễn Hiến Lê, Đại
học Huế, 1963), Structure de la
langue vietnamienne (Librairie orientaliste Paul Geuthner, Paris
1970). Người hướng dẫn của Fabien – một Việt kiều hồi hương – không
biết tác giả, dạo trên Google không ra, nên đã vội khẳng định với tác
giả là các tác phẩm của Trương Văn Chình không có trong các thư viện
đại học. Nhờ hai người bạn ở Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã tìm ra
trong danh mục Thư viện Đại học Quốc gia TP. HCM, và tái bản 2014 của
Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM.
Các thao tác trên Tài liệu