Nợ đồng lần
Nợ đồng lần
Tản văn
Lê Minh Hà
Nơi đây trời lại nắng.
Không phải cái nắng sau bão càng rực rỡ bao nhiêu càng làm rõ thêm cảnh đổ nát tan hoang. Mà là nắng cuối thu xứ lạnh, vàng ngời. Trời thì cao, nắng thì sáng, gió hơi hơi se sắt, cây hai bên đường đồng loạt trở màu lá đỏ cháy rực. Một ngày như hôm nay, ngồi bù khú trên một cái chiếu nhựa rải thẳng lên mặt cỏ thì khí lạnh. Nhưng mà túm tụm quanh cái lò nướng chờ trở từng xâu thịt cho vàng hơn, cháy cạnh hơn, và nhấm nháp cốc rượu vang đỏ óng thì sướng.
Tôi đang chuẩn bị tham dự một buổi nướng thịt họp mặt cha mẹ học sinh người Việt ở lớp con tôi đang học như thế. Tất cả đã đầy đủ : người để ăn thịt, thịt để người ăn, rượu bia nước ngọt. Chỉ chờ nắng lên để đi qua mùa thu này bằng một buổi ăn uống nói cười hoành tráng.
Nhưng quê nhà, đúng vào những ngày chúng tôi chờ nắng để tụ bạ thì đang bão, cơn bão mạnh chưa từng có kể từ ba mươi năm qua.
Gia đình tôi sống ở Hà Nội, nơi thường chỉ chịu ảnh hưởng của bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Nhưng suốt mấy hôm vừa rồi, cứ mở mắt là chúng tôi ngồi vào máy, mò trên mạng xem tin bão được cập nhật. Buông máy tính lại vồ lấy điện thoại. Không, có nói gì chuyện bão lũ đâu. Toàn hỏi nhau đã mua thịt chưa. Rượu đã sẵn mấy chai rồi, mua thêm bia hay gì nhỉ ? Cocacola dĩ nhiên là không tốt, nhưng có nên dịp này cho trẻ con được xả láng chút chút không ? Than ! Ừ, than mua dư một chút, nướng thịt cho ba mươi cái miệng thiếu than là rách việc đấy. À, quên, trùng đúng trung thu, sai ông nào chạy ra khu chợ Việt Nam thỉnh về mấy hộp bánh nướng bánh dẻo. Cho người lớn ăn mà nhớ nước chứ trẻ con chúng nó chẳng ăn đâu.
Trong lúc mồm năm miệng mười những chuyện liên quan đến cái mồm, đầu vẫn quay quay toàn chuyện bão. Bão đổ vào Đà Nẵng. Người cứu người trong gió giật. Xe máy gió cuốn quăng sóng soài trên đường. Cơ nghiệp mỗi gia đình Việt, là cái nhà chui ra chui vào, ngay trong cơn bão chỉ còn là một đống gạch ngói.
Huế ngập.
Quảng Bình…
Những mặt người khắc khổ túm tụm ở nơi được đưa dồn về tránh bão.
Anh có bao giờ để ý mắt trẻ con trong khổ sở, nguy nan ?
Chúng không căng thẳng, không bình thản, mà hoang vu. Mắt trẻ ở châu Phi. Mắt trẻ Việt trên những tấm ảnh chụp trong cơn bão.
Những người hàng xóm của tôi, một cặp vợ chồng đậu gạo nấu chung, anh Quảng Bình thì thầm kể cho tôi vừa gọi điện về, vợ con ở nhà yên cả, chỉ có cái vườn là nát. Hất đầu về phía người vợ không hôn thú bây giờ, anh nhỏ giọng thêm : Cô ấy đang hoảng lắm. Chồng chết, hai con gửi họ hàng ở Đà Nẵng, gọi về không được.
Lúc tôi đi ngang quầy bán quần áo của anh chị, thấy vắng người đàn bà. Hỏi, anh bồn chồn : cứ nhãng khách ra là cô ấy chạy ra chỗ điện thoại công cộng. Điện thoại vẫn không thông.
Tôi không dám kể về những gì vừa đọc và thấy ở trên mạng. Chỉ cố tìm lời an ủi. " Vâng, cơn bão này mạnh thật. Nhưng hậu qủa chắc không thể nặng hơn hậu quả… bão Chanchu. Vâng, lần này nhà nước chuẩn bị giúp dân tránh bão có phần kĩ càng chưa từng có." Chao ơi là đất nước. Chao ơi là miền Trung. Dẹp lép giữa biển với rừng, hết gió Lào lại bão lại lũ. Sau cơn bão này, bao gia đình mất nhà mất cửa ? Bao đứa trẻ sẽ thôi không được đến trường ? Bao người đàn bà còn giữ được nụ cười. Sau cơn bão, sẽ là bao nhiêu cảnh đời giông bão ?
Người đàn bà tôi quen vừa quay về. Nắng lạnh ngời trên phố. Khuôn mặt chị xa vắng đến mức gần như là bình thản. Và, sao, tôi thấy chị đi đúng cái dáng có lần chị kể tôi nghe phải cố công lắm mới bỏ được sau bao năm bươn trải quê nhà quê người : Thân lao về phía trước, hai tay đánh xa thật mạnh ra phía sau lưng. Cái dáng đi khổ ải của những người đàn bà miền biển, bấm chân trên cát mà ngược gió. Hướng về hai cái nhìn dò hỏi của tôi và chồng, chị nhếch đôi môi tái : " Người không làm sao, nhà cậu mự thì đổ. Nhưng còn một nhà nữa vẫn chưa biết ra sao. Cùng ở Đà Nẵng mà cậu mự kể cũng chưa liên lạc được." Sao lúc này tôi thèm được như những người Âu quanh mình, vui buồn gì cũng có thể ôm choàng lấy nhau, cười, khóc. Còn dân Việt mình, chỉ gồng vai gầy chịu đựng, một mình.
Tôi không có người thân ở vùng bão. Nhưng đọc tin Đà Nẵng, lại thương nơi đấy mình có một người bạn gần hai mươi lăm năm nay không gặp lại, nhưng năm ngoái về Việt Nam gọi cho nhau, chưa xưng tên đã gọi đúng tên nhau. Bạn tôi đang là trưởng một khoa ở bệnh viện Đà Nẵng. Tôi biết, kiểu người như bạn, những hôm bão lũ khủng khiếp vừa rồi, bạn sẽ không làm gì khác hơn là bám trụ ở bệnh viện, và, trong khi cấp cứu cho người khác, chắc lòng bạn rối bời vì nỗi cha mẹ già, vợ yếu và con dại. Bạn chẳng thể nào biết được, nơi này, tôi cũng đang rối bời vì nỗi bạn, đang nhớ giọng nói của bạn, giọng Đà Nẵng, đã mềm đi rất nhiều nhẹ đi rất nhiều vì âm hưởng Hà Nội, miền đất bạn và tôi đã gặp nhau, giọng nói luôn làm tôi bình tĩnh lại những ngày xa xưa ấy. Nhớ, và bất lực, chẳng sẻ chia được gì với bạn mình.
Tôi không có người thân ở vùng có bão. Tôi đang trên đường đi tới một buổi liên hoan. Chưa có mặt tôi đã biết những đứa trẻ của chúng tôi sẽ hào hứng thế nào khi gặp nhau. Chúng sẽ chẳng ăn đâu, dù bị ép hay được cào khan cào vã. Chúng không biết ở quê nhà, ở dải đất nghèo kia có những đứa trẻ bằng tuổi chúng đang chia nhau nhai sống mấy sợi mì ăn liền, trong bão. Chúng không biết, bão đã tan rồi, nhưng chỉ vừa mới hôm qua, dưới bến đò ở một vùng quê xa, có những đứa trẻ như chúng không đến được trường mà chìm dưới dòng nước lũ, trôi mất xác. Chúng không biết, bởi vì mấy ai trong chúng tôi nhớ để kể cho con nghe về những cảnh đời như thế. Một điều chắc, chúng tôi cũng sẽ không nói nhiều với nhau về những chuyện này đâu. Tâm bồ đề ở mỗi chúng ta thường phát khởi bằng việc quyên góp chút chút cho nạn nhân mỗi mùa bão lũ, gửi tiền giúp gia đình (nhiều hơn) nếu gia đình ở đúng vào vùng đất khổ đó, thế là dường như đã đủ để vuốt ve con lương tâm đừng cắn rồi.
Và điều đó là bình thường. Chứ còn sao nữa. Đời sống nơi nào có nhịp điệu riêng nơi đó. Thân mình sống chưa ra thể thống gì thì lo được cho ai. Biết vậy, mà vẫn không toàn tâm toàn ý được với buổi gặp mặt vui vẻ sắp diễn ra. Chắc mọi người như chúng tôi thôi, cũng vậy, chả biết làm sao vượt qua được sự bất lực của mình.
Bất lực. Mà vẫn chạnh lòng. Thời buổi số hóa, cứ mở mạng là thấy như mình đang ở nhà. Rời bàn máy bước chân ra phố lập tức chuyển qua một đời sống khác, thừa thãi cái được hưởng cho tới cái bị đòi.
Ở đây chỉ thiếu độc một thứ : ba chữ " nợ đồng lần ". Tôi đọc sách tây, sách tàu, không thấy dân tộc nào khổ vì thứ nợ này. Chẳng nói tây làm gì cho xa, thử đơn cử một nước tàu : ấn tượng các nhân vật văn chương của họ thật là mãnh liệt : ai cũng sẵn sàng xả thân trả nghĩa. Có đi có lại, hai chiều. Yêu Li giết Khánh Kị là vì nghĩa. Kinh Kha sang sông Dịch là vì nghĩa.
Còn người Việt : nợ đồng lần, nợ ơn nợ nghĩa không phải của riêng ai, mà là của toàn thiên hạ, của cuộc đời này.
Tôi cứ nghĩ người Việt mình vất vả chính là vì ý thức nợ đồng lần này. Nhờ thế mà biết chạnh lòng, biết thấu, biết cảm những cảnh đời không hề phải sống.
Bão ở quê nhà đã tan rồi. Ngoài biển xa một cơn bão nữa lại hình thành. Từ đây hết mùa thu, còn bao nhiêu cơn bão nữa đổ vào dải đất gầy cong cong hình chữ S vẹo vọ ?
Lê Minh Hà
Các thao tác trên Tài liệu