Đôi giày
Đôi giày
Ninh Kiều
Loan phân vân trước bốn chục đôi giày đàn ông số 42 cũ mèm, không biết nên chọn đôi nào vì chúng rất giống nhau : tơi tả, bụi bặm, mòn gót, rách mũi, đứt dây.
Moi móc khắp các hóc kẹt, Loan chú ý xem ở đâu có để nhân dịp nhà vắng vẻ, gom lại một đống thù lù giữa phòng khách. Thực trạng như vầy mà còn dự tính đem đi cho, cũng may chưa kịp đóng gói gửi về Việt Nam.
Chỉ vứt một đôi giày thôi đã thấy khó huống gì dọn trống cả một tầng hầm chứa đồ cũ ngổn ngang đầy mạng nhện, vậy mà cô em dâu của Loan làm được. Thằng chồng có cằn nhằn thì nó quắc mắt “Tôi chưa liệng ông vô thùng rác là may!”. Loan thấy tội nghiệp cho thằng em trai hiền lành, mỗi khi bị vợ rầy chỉ biết cụp mắt ngó xuống và nói lí nhí.
Loan nhận thấy dường như mỗi gia đình có nếp sống riêng, hình thành y như nếp áo quần, một khi có người lấy bàn ủi thật nóng chần mạnh lên, rồi chà qua chà lại nhiều lần cho thành nếp gấp chết thì không cách nào sửa đổi, làm thẳng ra được.
Như chuyện sách báo lúc mới lập gia đình. Những chồng báo cao quá đầu người, chiếm chỗ mấy năm trời trong căn hộ bốn mươi mét vuông. Lúc đầu chỉ một đống để cạnh máy truyền hình, sau nó cao dần đổ lên đổ xuống nên phải thêm đứa em núp sau cánh cửa bếp. Thằng này lớn rất nhanh để có em đứng bên cạnh lúc nào chẳng hay cho đến khi thằng thứ tư xuất hiện thì hết chỗ ở phòng khách nên nó phải lớn lên trong cầu tiêu. Bốn anh em chồng báo mau cao nhưng không khoẻ, chúng ngày càng vàng vọt, đụng vào dễ rách. Vậy mà nhiều khi cần tờ giấy xấu xấu để gói ruột cá mà khó khăn lắm mới xin được vài tấm.
Rồi có ngày đang nấu ăn trong bếp thì Loan nghe con gái đầu lòng ba tuổi ré lên khóc. Hoá ra nó bị chồng báo ngã đè trong cầu tiêu, hai tay còn chõi lên bàn cầu, chưa lọt lỗ. Thế là phải moi ra từng tờ mới mở được cửa. Có lẽ thấy tính mạng con mình bị hăm doạ bởi mấy chồng báo cao ngất ngưởng, nghiêng ngả, Loan đâm ra mạnh mẽ âm thầm toan tính chuyện thủ tiêu chúng và cả đi đến thực hiện ý đồ vì…thật ra không còn cách nào khác.
Trước hết Loan xin đứa em lập trình viên máy tính, cái thằng hay bị vợ rầy, một mớ listing(1) đã in một mặt. Loại khổ lớn, trắng tinh, dày, bền và xếp nếp như đàn phong cầm. Sau đó Loan cắt tất cả các bài báo dính líu tới «Chiến tranh Việt Nam» dán vào, bài nào có đoạn sau nằm chỗ khác thì đi tìm để kèm thêm bên cạnh. Vào những ngày cuối, Loan thức suốt mấy đêm liền vì nhà sắp hết vắng vẻ và rồi cũng xong: một xấp listing xếp chồng lên nhau cao cả sáu bảy tấc, dán đầy tin tức.
Bốn chồng báo biến mất khiến có người âm thầm vui và cũng có người bứt đầu bứt cổ, dậm chân kêu trời vì không ngờ có kẻ dám tự tiện quyết định một việc quan trọng mà chẳng thèm hỏi ý kiến người trong cuộc. Thế là viễn ảnh nằm võng đọc báo về «Chiến tranh Việt Nam» lúc về hưu sẽ mãi mãi không bao giờ có. Từ ấy, bất cứ thứ gì đã vào trong nhà, đều có chỗ cư trú vĩnh viễn mặc dù về lí thuyết, chỉ ở tạm thời. Và những gì muốn ra khỏi nhà phải có sự đồng thuận của các thành viên trong gia đình sau khi bàn cãi dân chủ. Nhưng các sự kiện này chẳng bao giờ xảy ra vì không ai điên khùng đến độ trời đang nắng đẹp lại muốn cho mây đen, gió bão đùng đùng kéo tới nhất là khi có người cảm thấy mọi thứ trong nhà đều đầy đủ lí do chính đáng để tồn tại.
Cái quần cụt bằng vải pô pờ lin Má may lúc đi Tây, nằm trong tủ cao hai mét, đầy ắp quần áo chẳng bao giờ rớ tới, là một ví dụ nhỏ điển hình.
Mấy con đinh ốc nằm trên kệ sách không ai được dời đi vì chúng tuyệt đối cần thiết cho cái máy gì đó.
Xấp vé tàu ngầm xài rồi và chưa xài, mớ thẻ điện thoại công cộng mới và cũ, mấy tờ giấy vụn trên đó viết nhiều số không đề tên hay hàng chữ ngoằn ngoèo khó đọc…nằm rải rác trong nhà chờ người đầy đủ thẩm quyền, dành chút thời giờ rảnh rỗi thường chẳng bao giờ có, để quyết định số phận của chúng.
Tuy đồ ngày càng nhiều nhưng nhà lại rộng hơn, từ bốn mươi mét vuông, lên bảy mươi và cuối cùng vọt lên một trăm hai chục không kể tầng hầm và tầng gần nóc. Nhưng ở đâu cũng đầy ắp, thùng thùng chồng chất, tất cả các kệ đều đầy ứ, chai hũ, máy móc, điện thoại, chén dĩa, nồi niêu, máy đánh chữ… hết xài nhưng còn tốt. Kệ dọc theo cầu thang xuống tầng hầm, kệ dưới hầm, kệ trước cửa và trong cầu tiêu. Đồ còn tràn ra khỏi nhà vì có chiếc xe cũ bạn cho để cả năm ngoài đường đang bị hàng xóm thưa kiện.
Phiền hà nhất là hai bàn lớn bề bộn trong phòng khách. Bàn đặt trong góc chứa tất cả gì chưa có thời giờ giải quyết, nhưng sẽ giải quyết, thế nào cũng phải giải quyết cho đến khi được đem ra giải quyết thì thường không còn nhớ đã để chúng ở đâu. Trên bàn này, ngoài thư từ, đinh ốc, kìm, búa, kéo, keo, bút viết còn giấy tờ đủ loại và cả mấy phong bì của thừa phát lại, đợi người mở, chắc có dính líu tới vụ chiếc xe nằm quá lâu ngoài đường. Đó là chiếc bàn bất khả xâm phạm. Còn cái lớn mười bốn chỗ dùng làm bàn tiệc đãi khách, cũng không bao giờ trống, chứa toàn sách báo, tờ rơi quảng cáo và vô số hồ sơ dày có mỏng có, bề ngoài trông lộn xộn nhưng thật ra vẫn có thứ tự, với điều kiện đừng ai dọn dẹp làm mất dấu dù chỉ sắp đặt lại ngay ngắn.
Nhà chia ra hai khu. Khu trên lầu dành cho mấy nhỏ răm rắp nghe lời mẹ dặn. Khu dưới thì cái gì để đâu để đó và khi có ai hỏi gì thì Loan vui vẻ trả lời “Em không biết”, “Em không thấy”, “Em không đụng tới”. Thường chuyện ai nấy lo tuy cũng có những tình huống bắt buộc Loan phải can dự vào. Như hôm cô con gái lớn, con nhỏ bị báo đè đó mà, rơm rớm nước mắt đợi bố đưa ra sân bay trong khi bố nó nãy giờ chổng mông trố mắt tìm kiếm cái gì đó trong mấy chồng hồ sơ cao nghệu trên bàn lớn, hơi nóng trong người toát ra hừng hực như có thể đốt cháy bất cứ thứ gì xáp lại gần. “Kiếm cái gì”, Loan hỏi đầy thiện chí và được trả lời “Cái carte(2)”, và Loan nhanh nhẩu hỏi thêm “Màu gì” và liền bị nạt “Em ở bên Tây mấy chục năm mà không biết carte grise(3) màu gì sao?”. Như có phép lạ, liền sau đó sở hữu chủ thò tay rút tấm thẻ đăng kí xe màu xám ló ra giữa hai hồ sơ.
Bị rầy oan uổng nhưng Loan chẳng lấy đó làm phiền, vui vẻ vẫy tay từ giã con gái đang được bố lái xe vọt ra đường đạp thắng kêu ken két như bị rượt.
Tuy bề ngoài có vẻ thụ động, nhún nhường nhưng thực ra Loan rất linh động. Muốn vứt bớt thứ gì trong nhà, Loan để hết vào túi nhựa rồi cất giấu trong mấy tháng ở một nơi kín đáo cho đến khi không thấy ai hỏi han tới, Loan mới len lén nhét dưới đáy thùng rác. Tuy cẩn thận mà đôi lúc cũng bị hớ, khiến Loan phải lật đật trả lại gần chỗ cũ món đồ đang được tìm kiếm ráo riết và vui vẻ hô hoán lên là đã tìm ra nó rồi.
Khó khăn nhất là vứt sách. Hai mươi mấy cuốn về tổng thống Mitterrand tốn một Euro được hớn hở đưa từ chợ trời về nhà. Người mua, vui đã đành nhưng chắc người bán cũng mừng. Nghe đâu có hai trăm cuốn viết về nhân vật chính trị này. Ít lâu sau lại có mười mấy cuốn về kế toán của những năm 50, 60 cũng được tậu về với một Euro. Vậy mà chỉ trong vòng một năm, Loan vứt hầu hết vào thùng rác của hàng xóm một cách êm ắng và không quên giữ lại vài cuốn phòng hờ.
Phiền nhất là khi nhà có khách cần cái bàn ăn mười bốn chỗ luôn bề bộn mà người duy nhất có thẩm quyền dọn dẹp nó lại thêm nhiệm vụ là lái xe đi đón cô em dâu mắt sáng quắc của Loan và thằng chồng hiền lành của nó. Đôi khi, mười hai giờ chuông reo ngoài cổng mà cái bàn này vẫn chưa trống. Tuy bực mình nhưng Loan không dám thúc dục ai cả vì có khả năng là sẽ chẳng có người dọn bàn và cũng không có ai đi đón vợ chồng thằng em.
Bởi luôn ở trong tình thế vụng trộm, âm thầm tính toán nên Loan hay giật mình hốt hoảng vô cớ đến nỗi chị bạn thân nhìn thấy và khuyên Loan nên đi gặp một nhà tâm lí học miễn phí vì khu vực nào cũng có, nhất là vùng ngoại ô nhiều di dân đủ sắc tộc khác nhau như chỗ Loan đang ở.
Bà tâm lí học chỉ nói mỗi một câu “Tôi nghe đây” rồi lặng thinh khiến Loan bắt buộc phải kể lể chuyện chồng báo và cái bàn mười bốn chỗ. Loan nói hết sức khó khăn, ngượng ngập không phải do phải diễn đạt bằng tiếng Pháp vì cho dù bằng tiếng Việt, cũng sẽ chẳng tốt hơn. Phải nói về mình mà tâm trí Loan cứ nhớ những mẩu chuyện được nghe trong lúc chờ tới phiên trong phòng đợi toàn phụ nữ và con nít. Một bà hay cắn hột bí kể chuyện đang sống với ông chồng thứ ba mà như sống với hai người: một người tình tuyệt vời si mê bà và một thằng say đánh đập bà tàn nhẫn để khi tỉnh rượu thì liền biến thành người tình vừa chăm sóc các vết thương trên người bà vừa khóc lóc, xin lỗi, hứa hẹn. Khó cho bà ta là hễ bắt thằng say ở tù thì mất người tình, mất luôn cả một đầu lương, lấy gì nuôi bầy con. Có lẽ chuyện vớ vẩn của Loan chưa nguy hại tức khắc đến an ninh gia đình nên bà tâm lí học chỉ kết luận một câu ngắn gọn “Đó là một con người cứng nhắc”. Nghe nhẹ tênh.
Trên đường về nhà, Loan thấy hạnh phúc vì cảm nhận mình đang sống với một người, tuy không là người tình tuyệt vời có lúc khóc lóc, xin lỗi, hứa hẹn nhưng cũng chẳng bao giờ say rượu đánh đập vợ con. Một người kiên định, cái gì để đâu để đó mà bà tâm lí học cho là “cứng nhắc”: chỉ hớp một ngụm rượu là đỏ mặt tía tai, giận vợ giận con thì ăn bánh mì khô với chuối trừ cơm, mua sắm giày dép, quần áo, mắt kiếng thì ra chợ trời rồi còn lùng kiếm thức ăn khô hạ giá đem về nhà chất đống chờ hết hạn… Có thể nói là một người hoàn toàn sống với vợ con theo ý mình. Và những điều vụn vặn ấy chẳng là gì so với hoàn cảnh không lối thoát của bà mặt mày sưng vù hay cắn hột bí trong phòng đợi.
Rồi Loan chịu khó tìm kiếm thông tin về “Con người cứng nhắc” trên Internet cùng các phương cách đối phó. Càng tìm hiểu, Loan càng bối rối vì con người này được tâm lí học mổ xẻ, phân tích có những khía cạnh đáng lo ngại trong khi “Con người cứng nhắc” của Loan tuy có vẻ cứng rắn nhưng thực chất là thiếu tự tin, đa nghi, tình cảm cần phải được đối xử dịu dàng, kiên nhẫn và nhất là mọi sự phải rõ ràng, trong sáng. Loan thấy vậy.
Thế rồi Loan thay đổi, thành người mới. Cụ thể là Loan lên kế hoạch bỏ thùng rác một đôi giày, một đôi thôi vì đứng về mặt tâm lí, có cái chẳng nghĩa lí gì đối với Loan nhưng có thể quan trọng đối với người khác. Biết đâu đôi này đã chứng kiến những ngày cơ cực của tuổi trẻ vừa học hành vừa tự kiếm sống hay kỉ niệm một cuộc tình đổ vỡ… Rứt ra một lần nhiều đôi quá không nên. Và nhân một bữa ăn tối vui vẻ, Loan nhẹ nhàng gợi ý cần bỏ bớt một ít đồ vì nhà sắp có máy truyền hình phẳng thay cái cũ cồng kềnh. Kết quả là “Em cứ soạn sẵn trước đi”.
Ngồi trước đống giày cũ, Loan bỗng nhớ chuyện suýt có thêm hai đôi mới tinh cho mình, ngoài chợ trời. Một đôi màu kem sữa rất xinh số 37 mà chân của Loan là 38. Đang do dự thì nghe nhỏ nhẹ bên tai “Da thật, mềm, em chịu khó mang chật một chút rồi từ từ nó sẽ rộng ra”. Loan còn lưỡng lự thì có tiếng reo “Đôi màu đen này cũng đẹp quá, số 39, nhưng không sao, về nhà anh lót giấy thì em sẽ mang vừa ! Lấy cả hai đi. Có anh đây, em sợ gì!”. Loan bỗng nhớ đến bà hay cắn hột bí ở chỗ bà tâm lí học mà tưởng chừng như mình cũng có một người tình tuyệt vời như bà ta. Ôi! biết bao người đàn bà trên cõi đời này chỉ mong có người đàn ông nói với mình “Có anh đây, em sợ gì!”. Vậy mà cuối cùng Loan không chịu mua hai đôi giày lịch sự mới tinh chỉ có 5 Euro, có lẽ vì nhớ đến đống sách Mitterrand và kế toán.
Nhưng chẳng hiểu tại sao, Loan lại có giấc mơ lạ lùng là thấy nhà mình cháy, chắc tại tình cờ đọc trên Internet về vụ thành phố Londres ngập trong biển lửa năm 1666 sáu ngày đêm khiến các khu phố ổ chuột biến mất và Londres được xây dựng lại đẹp đẽ từ đống tro tàn. Người ta thì vậy chứ người mình chưa chắc, hoàn toàn có khả năng biến biệt thự thành ổ chuột. Như cái lâu đài nhỏ gần bờ biển Đại Tây Dương của vợ chồng anh chị bạn, từ xa đi tới thấy nó ngự trị hoành tráng trên ngọn đồi giữa rừng thông nhưng khi đến nơi mới hỡi ôi nào bồn tắm, tủ lạnh, thùng thiếc, xe đạp, bàn ghế, bánh xe hơi, cũ kĩ, sứt mẻ, sét rỉ nằm dài dài dọc theo tường gần cửa chính cùng với cỏ dại, dây leo trông tiêu điều như nhà hoang có ma. Đúng là có người biến nhà đẹp thành nhà xấu, nhà rộng thành nhà chật mà vẫn thấy bình thường.
Rồi Loan còn chiêm bao mình lững thững kéo chiếc va li ra đường và tự biết một khi bước ra khỏi cổng là để lại sau lưng tất cả, mấy chục cuốn anbom, sách quý, thư từ kỉ niệm, rồi giày dép, quần áo, chén bát, chai hũ, nồi niêu, thùng thùng dọc cầu thang, trước cầu tiêu, trong cầu tiêu, dưới tầng hầm, trên tầng nóc và cả chiếc xe cũ để ngoài đường bị cảnh sát phạt... Vậy mà Loan cứ thảnh thơi xăm xăm ra đi, nhẹ nhõm, phơi phới với chiếc va li y như hồi mới qua Paris mang theo giấc mơ thành đạt, tự do, độc lập của tuổi trẻ. Thức giấc Loan đâm ra thảng thốt, cảm thấy không yên tâm vì dường như có cái gì đó nổi dậy trong lòng!
So với bà mặt mày sưng vù hay cắn hột bí, Loan như người khó ở vì thỉnh thoảng trở trời bị sổ mũi trong khi bà này thường xuyên gặp bão tố, sóng thần, động đất, núi lửa với đàn con nheo nhóc khóc la để sau đó bà ta xin được tư vấn tâm lí và nhân thể lấy hẹn lần tới.
Gặp được một con người tuy cứng nhắc nhưng đạo đức, có tinh thần trách nhiệm đối với gia đình, xã hội đâu phải dễ cho nên Loan vui vẻ sắp ba mươi chín đôi giày ngay ngắn vào ba thùng giấy có nắp đậy và để riêng ra ngoài đôi có đầy đủ tiêu chuẩn vứt vào thùng rác.
Nhà tĩnh mịch, vắng vẻ.
Tự nhiên Loan ngắm đôi giày sắp vĩnh viễn ra đi và cảm thấy tội tội. Chắc có một thời nó bước ngang dọc, xông xáo để rồi bị bỏ xó mấy mươi năm không ai đoái hoài tới trong khi đã chứng kiến bao nỗi buồn vui thăng trầm của gia đình này. Mấy lần dọn nhà, nó đều đi theo.
Bữa ăn trưa đã chuẩn bị sẵn, có nhiều món đặc biệt như thể để ăn mừng lần đầu tiên Loan vứt một món đồ trong nhà một cách đàng hoàng, không lén lút sợ hãi.
Rồi mấy cha con ào vào nhà, rộn ràng, vui vẻ. Loan cảm thấy hạnh phúc và tự tin.
“Em tính bỏ đôi này, anh thấy sao?”.
Và Loan được trả lời bằng một giọng nói cực kì dịu dàng :
“Em à, mình có cần phải làm ngay bây giờ không em? Có cần phải làm đúng ngày hôm nay không em?”.
Ninh Kiều
Paris mùa đông 2017
(1) Listing : loại giấy có đục lỗ hai bên dùng để in bằng máy in điện tử.
(2) Carte : thẻ.
(3) Carte grise : thẻ đăng kí xe ở Pháp in màu xám.
Các thao tác trên Tài liệu