Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / ĐÓN XUÂN NÀY NHỚ XUÂN XƯA…

ĐÓN XUÂN NÀY NHỚ XUÂN XƯA…

- Xuân Sương — published 01/11/2015 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

ĐÓN XUÂN NÀY NHỚ XUÂN XƯA(*)


Xuân Sương



hoamaiNhững ngày cuối năm bên ta giống gần Giáng Sinh Âu-Mỹ. Ở Pháp năm nay chợ Giáng Sinh trên đại lộ Élysée và các cửa hàng vắng người. Mall bên Mỹ thì vẫn tấp nập. Nhưng họ chỉ rộn ràng sắm quà cho gia đình, bạn bè thân, không bao đồng anh chị sui ông bà hàng xóm hoặc thầy cô của con hoặc sếp to sếp nhỏ hoặc dân làm ăn thì còn cả anh công an phường và anh chị nhà băng. Cuối năm phải thanh toán linh tinh triệu thứ mà nhà băng phán “tiền chưa thấy về” thì phải nhạy bén hiểu ngay là bao nhiêu phần trăm cho họ… thay thủy tinh thể và tậu mục kỉnh “khủng” để nhanh chóng “thấy” tiền về. Mình ngu, nghe kể thì buột miệng “thiệt hả”. Sao không thiệt.

Chẳng biết ông bà có xin được visa chu du Tây-Mỹ ăn tết với con cháu không, nhưng chúng sanh của khúc ruột tòng teng nghìn dặm vẫn cúng kiến cầu thỉnh các cụ, nếu không thì nhồn nhột chẳng an, ngại thuộc dạng nằm ngoài danh sách hai mươi bốn gương hiếu đễ.


Mỗi nơi…


Ở Pháp, quý bà tung tăng chợ Tàu, rủng rỉnh bao lì xì và cành đào cành mai giả, cứ hoa Liên kiều vàng vàng Trời dạy nở đúng mùa tết bên nhà, là các cụ cõi trên dù mang mục kỉnh vạn năng vẫn ngỡ là mai, cõi Ta Bà đó thì… sắc tức thị không không tức thị sắc, là chiêu lừa của mình đã đạt. Với lại các cụ đâu từng sống ở Tây, tưởng mai Tây nó vậy. Dân còn đi cày thì cứ tiềm tiệm hoa quả bánh mứt, cũng đặt bàn thờ ông bà, cho cả cô bác ngoài sân. (Chuyện, gì thì cũng là đất đai người ta đã từng sinh sống, giờ mình chiếm, nên theo môn thể thao quốc gia, mình hối lộ chút đỉnh mới vui). Vàng bạc cháy vèo vèo, nhận từng đó thì cô bác thành đại gia phải biết, nên đặt điều kiện là tui nhớ thì cúng, không nhớ thì thôi, quý vị đừng chờ đợi đừng trách móc gì hết, vì tui chẳng xin xỏ quý vị cái gì. Cô bạn ở Việt Nam nghe vậy nói chị ơi, chị nói em sợ quá nổi da gà đây nè, cô bác thiêng lắm nghe chị. Thiêng, nên dù thủ vàng bạc đầy túi, chư vị vẫn dỗi, chẳng cho tết ta lên danh sách ngày nghỉ của Tây, thì mình tự đặt lễ cho mình, nói với sếp là nếu đi cày ngày này, quanh năm chẳng lẽ tui bị đi cày hoài thì hơi bị khó coi. Sếp nghẹn. Mình bèn thoải mái ngồi nhà rung đùi vuốt cằm, nhâm nhi trà Thái Đức.

Riêng dân U90 sang Tây từ thời mà trong thang máy, thấy phụ nữ bước vào là quý nam nhi vội ngả mũ chào, thì vẫn cố giữ nếp xưa, lụm cụm cũng ráng cho ra bữa ăn hoành tráng trước tưởng nhớ cụ kỵ, sau cho con cháu sum vầy có cái để bụng, níu kéo nhắc nhở cho chúng thế nào là truyền thống Việt, dù An Nam đối với chúng là xứ… đàng ngoài.

Chẳng nghe ai sang “mẫu quốc” ăn tết ta, mà có mốt chạy sang Hoa Kỳ rước ông bà. Sẵn nhà cửa đã sắm cho cậu ấm cô chiêu du học có nơi đậu xe, đánh vợt. Vừa thăm con vừa hưởng cái “không khí tết” chỉ ở Cali mới đủ bộ lệ. Chợ tết trăm hoa đua nở, người nườm nượp hí hửng chẳng ai bị móc túi hay giật bóp. Dân Mỹ chẳng thèm chơi ba cái trò tiểu nhân đó, chỉ chơi thứ thiệt súng ống buồn buồn nã chơi, nhưng khu cư dân mắt phượng nhà mình chưa đến nỗi bị cơn lo này ám ảnh.

Chùa chiền thì khỏi nói, những ngày này mới thấy con Phật ở đâu mà lắm thế, rộn rộn ràng ràng sì sụp vái van. Pháo thì treo từ nóc xuống đụng mặt sân, hoặc dựng hẳn một cái giàn giăng bảy tám dây cho chúng tha hồ “nổ văng mảnh”. Gặp thời khủng bố, tiếng pháo tưởng nhầm tiếng súng nhưng chắc Phật vẫn từ bi ngự. Đúng là vui hơn tết, hoặc chữ thời thượng là… siêu vui. Thứ nhất nêu cao, thứ nhì pháo kêu, chuyên trị tà ma quỷ dữ.

Ngoài múa lân múa rồng trống chiên rộn rã, khu Quận Cam còn có xe hoa của hãng nọ tiệm kia chạy loanh quanh nhắc nhở “Tui đây tui đây”. Con gái xinh như mộng ngồi vẫy tay kiểu đệ nhất phu nhân giáng lâm. Các mục này thì tết ta bên Tây chưa bằng đốt tay bên Mỹ. Lại nữa là nhiều hội đoàn tổ chức, bên Tây tết tả-tết hữu đề huề, bên Mỹ chỉ có tết hữu thôi.


hoado


Về mục xin xăm thì khỏi nói. Bên Tây ít nghe, chớ bên Mỹ chùa nào cũng có nhiều ống xăm, trong nhà ngoài sân. Bà kia nhang khói, lạy, cầu, lắc, rớt. Nhưng bất mãn. Đầu năm mà Thánh biểu phải kinh qua chuyện không vui, khó xử. Thánh thiệt thà quá, chẳng biết nịnh đầm đưa đẩy chúc mọi sự lành. Bèn tái bản, quỳ, lạy, cầu, lắc, rớt. Lại biểu phải kiên nhẫn chờ cho hết mùa thu mới thấy… ánh sáng cuối đường hầm. Trời, thời buổi điện tử phóng nhanh hơn tia mặt trời mà đầu xuân phải dài cổ rình tới đầu đông thì đâu còn sức lực để hưởng thứ ánh sáng ma quái đó. Chắc Thánh phán nhầm cho ai. Hay Thánh mất gốc rồi, chẳng còn hiểu tiếng Việt? Tái bản. Xổ luôn tiếng Mỹ. Lần này chắc tới phiên Thánh bực thí phứt cho nó một que, hoặc từng kinh qua ngôn ngữ Harvard, vừa lắc cái một là que xăm hùng dũng nhảy phốc ra ngay, tốt cực kỳ: con cứ thoải mái ngồi rung đùi và mọi việc sẽ nằm trên thảm điện chạy ro ro. Dám nhà còn thêm người. Có thế chứ. Cái mục nhân sự thì chẳng lo, ông Niu Tơn có nằm dài ngỏng cổ chờ cả đời trứng cũng lắc đầu ngưng rụng. Mở cái ngoặc: quên nghĩ là biết đâu, phu quân về Việt Nam lại gặp một… quý nhân rồi ẵm về quý tử?

Một lần về ăn tết, nghe lời anh bạn bấm độn, sáng mồng một xuất hành tính kiểu gì nhầm hướng nên đi ngang nhà cặp vợ chồng ở Mỹ về sống mỗi năm ít tháng ở Việt Nam, được họ hỉ hả mời vào ăn sáng. Bà chủ xăng xái kéo xuống bếp chỉ nồi thịt kho tàu. Đáng mở trường nữ công gia chánh. Một lớp mỡ trong veo lặng lờ bên trên, thịt và trứng to ngang nhau lặng lẽ ôm ấp bên dưới. Rồi bà bày ra bánh chưng xẻ bốn thịt áp đảo đậu xanh, lấn luôn địa phận của nếp, đĩa củ kiệu dưa hành thơm lừng hộ tống đĩa thịt kho tàu. Đình đám. Hiểu rồi, chẳng cần hỏi ăn gì to lớn đẩy đà làm sao nữa. Bà nói bên Mỹ bà nhảy aerobic mỗi ngày. Coi bộ chẳng hiệu nghiệm. Thảo nào thiên hạ bảo dân bên đó thường bị “3 cao 1 thấp”. Nôm na là cao đường, cao mỡ, cao máu, và thấp khớp. Hãi quá, bèn thoái thác là “ăn chay” chớ con Chúa mà chay tịnh nỗi gì, và khẽ khàng giẻ tí xíu góc bánh chưng không nhưn nhị, uống ly cà phơ lấy tình đầu năm. Chúc anh chị sức khoẻ vạn năng.


sung


Chúc tụng


Cái mục này mới kinh. Hồi bữa suýt túm tóc nhau bữa nay cũng dọn nụ cười hoa hậu hoàn vũ đon đả mang tất cả cái lành thế gian dâng tặng. Bởi vậy có người cho là giả dối. Nhưng chỉ ba ngày đầu xuân thiên hạ mới có thể nói những lời hoa mỹ ngọt ngào dù trước và sau đó có thể nguýt nhau, thì cũng là điều thiện lành, ít nhất trong ba ngày thiên hạ quên bớt sân si. Chớ nghĩ cho cùng, kiểu chúc đầu năm sinh trai cuối năm sinh gái là chúc đểu cho vợ chồng trẻ cày cục với đồng lương còm rồi; chúc cán bộ tiền vô như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin là mỉa mai chửi khéo kiểu bà Huyện Thanh Quan rồi; làm ăn bán buôn chân chính mà chúc tài lộc dồi dào đã là điều chua chát; chúc người ôm giường sức khoẻ, sống lâu trăm tuổi thì đích thị là rủa họ rồi!

Bên Tây, các vị có vợ đầm thì sau buổi tiệc bắt con gà tây chui vào lò rồi vỗ cánh nhảy lên bàn, thì ngày dưa hành bánh tét là ngày nào cũng cóc biết. Một hôm ông rể tây đang say sưa giấc điệp, điện thoại reng, 12 giờ đêm giao thừa, người bạn từ thuở nào gọi chúc tết. Bị quở anh có biết bây giờ là mấy giờ rồi không… Bên Mỹ mắng kiểu khác. Biểu thằng con đốt nhang mừng tuổi ông bà, nó “Ờ hớ” kiểu Mỹ, cha nó lên nòng AK: mày dẹp cái tiếng ờ hớ đó cho tao, ông cố nội mày bảy tám đời là dân Mỹ chắc. Một đứa con gái thắng bộ cánh da đen bóng bẩy, cha nó tru tréo: mày ăn bận như người dơi, ông bà nào dám về ăn tết!

 Thôi thì cứ tậu một tấm thiệp ảo đầy rẫy trên mạng, lốc cốc ít dòng cũng ảo luôn (chúc toàn cái tốt thì làm gì mà chẳng ảo), sai con chuột làm giao liên tới một mèo hoặc cả nhóm mèo, là tiện lợi trăm bề, bạn rảnh lúc nào sai chuột mang thư ra lúc đó, đọc xong vui miệng có… chửi thề mình cũng chẳng nghe. Là thượng sách!


Sungchin


Lo Tết


Bên các xứ này chẳng bao giờ sống với cảm giác hớt hơ hớt hải cảnh chợ chiều ngày Giáng sinh hoặc cuối năm, các cửa hàng cũng chẳng là nơi “đỏ đen” rình chờ bữa cuối cùng tăng hay giảm giá. Có cái thiên hạ cũng điên đầu vì chọn quà, cô đồng nghiệp bực bội mày coi, bạn mẹ nó cho nó cái laptop, thì tao là mẹ đỡ đầu biết cho cái gì. Và năm nhuận hay không chỉ 4 năm mới có dịp thêm được một ngày vào tháng 2, chẳng ai phiền hà tháng thiếu tháng đủ như bên mình. Ông Trời ở các xứ này đỡ nhức đầu hơn bên châu Á.

Giáng sinh là ngày gia đình, con cháu giang hồ sinh sống đâu đâu cũng ráng “tranh thủ” về xẻo miếng gà tây, 1-2-3-zô ly sâm banh với bố mẹ. Hun hít. Mở quà. Ngày đầu năm dành cho bạn bè, bên Tây một số các cụ thường tổ chức nhâm nhi rồi chực mi-cà-rô tới phiên mình làm ca sĩ, hoặc tới những nhà hàng chuyên tổ chức nhảy cò cò mệt nghỉ. Thương cái bên nhà dù đầy rẫy khổ đế, ai cũng ráng chắt bóp mua cho ra cái vé, đứng lom khom trong xe đò chất như cá hộp vẫn vui, về thăm quê cho được, thắp lên bàn thờ ông bà nén nhang, chào bà con họ hàng một tiếng, vậy là mãn nguyện. Mấy hôm sau lại hồn nhiên chồm hổm dọc đường đội nắng, đón xe vào thành phố, có khi cả mấy ngày mới được đi. Thương quá là thương. Tết là cái gì mà thiêng liêng, ý nghĩa với con người quá vậy!


*


Hoagiay


Đón xuân này nhớ xuân xưa: Ông anh học trường Quốc Học ở Huế, một lần về tết, mua cho hai em hai cây dù nhỏ. Trời ạ, tinh mơ mồng một hai chị em tôi dậy sớm, siêu sớm, thắng bộ cánh tết, dương dù hiên ngang, trực chỉ vào phố. Lác đác trẻ con cũng tinh tươm sắc màu, nhưng thua xa mình cây dù (làm gì mà có được dù?), cho nên mình uyển chuyển bước đi cứ như người mẫu chân dài, chúng bạn lân la sờ cây dù dám còn bị hất tay (là đoán vậy), hai chị em yểu điệu thục nữ chẳng khác… Tây Thi-Phạm Lãi trước những con mắt non choẹt thèm thuồng. Nhất nhan em bậu rồi. Đi vòng vo khoe mãi, hy vọng bà con bạn bè đã thấy tài sản “siêu khủng” của mình rồi, ông Trời mới chịu khó ló mặt ra, và bốn gót sen mới chịu lững thững quay về.

Chúc tụng là thông lệ chớ chẳng ai tin tưởng gì, nhưng lời nói chẳng mất tiền mua, chúc chị phát tài thì dễ nghe hơn chúc chị phát phì, chẳng khác dân Tây luôn chúc ngon miệng dù bữa cơm căng tin dở ẹc hoặc khi ăn mình có bị hóc xương hay nghẹn ngào tắt thở bất đắc kỳ tử, lại là chuyện khác.

Thôi thì đầu năm con Thân, cái con ưa bắt chước, mình cũng làm khỉ đội lốt cụ Tế Xương:

Bắt chước ai ta chúc mấy lời:
Chúc cho khắp hết ở trong đời,
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước,
Sao được cho ra cái giống người.”

Xuân Sương

Tết Bính Thân 2016.

(*) tựa một bản nhạc của cố nhạc sĩ Châu Kỳ (1923-2008).


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Bính Thân
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss