Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Đưa em về quê hương

Đưa em về quê hương

- Khánh Tiên — published 29/12/2015 00:20, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

Đưa em về quê hương


Khánh Tiên



Tôi làm quen anh Thi trong một dịp về thăm gia đình Hồng ở Long Xuyên. Hồng là cô bạn thân của tôi và Kh. Chúng tôi quen nhau ở Sàigòn năm 1997, làm việc chung với nhau trong việc cấp học bổng cho các trẻ em nghèo, hiếu học. Hồng mất năm 2000 vì bị ung thư. Sau khi Hồng mất, chúng tôi đặt tên “chương trình bảo trợ Lê Thị Hồng” để vinh danh bạn. Từ đó, khi về thăm nhà, chúng tôi bao giờ cũng dành ra một vài ngày để về thăm mộ Hồng và thăm gia đình bạn. Ở đây chúng tôi được gia đình Hồng đón tiếp như những đứa con. Như mọi gia đình người miền Nam, bao giờ cũng có những buổi ăn nhậu tưng bừng.

Anh Hai Thi là một người bạn của Bình, em út của Hồng. Nhìn dáng bên ngoài anh ở vào tuổi tôi, tóc muối tiêu, đen, khắc khổ. Tôi ngờ ngợ đã gặp anh ở đâu nhưng không thể nghĩ ra và cũng không hỏi; sau buổi tiệc đoàn tụ, tôi hỏi Bình. Anh Hai Thi lưu lạc từ Cần Thơ. Anh có một người em vợ bị cụt một chân trong chiến tranh. Thi làm mọi nghề, ai thuê gì cũng làm. Vì thế mà gia đình anh cũng đủ sống. Tôi nói với Bình cảm giác đã gặp anh ấy ở đâu đó, nhưng không thể nhớ ra. Bình rủ tôi tới thăm anh.

Nhà anh nho nhỏ, trung bình, bình thường như mọi gia đình VN “sống được”. Nhà anh cũng là một quán cà phê gia đình.

– Anh Hai, năm nay bao nhiêu tuổi, quê quán ở đâu ?

Anh nghĩ một chút, như muốn đo sự thân quen để tìm câu trả lời.

– Mà anh thứ mấy để tui tiện xưng hô ?

Tôi trả lời:

– Tui thứ ba, trên tui chỉ có một người chị.

Anh thở dài và nói :

– Nói thiệt với anh tui cũng không biết tui mấy tuổi nữa. Ngay cả cái tên cũng không phải là của tui. Nghe Bình kể là anh Ba cùng làm việc chung với chị Sáu (Hồng, thứ sáu trong gia đình). Chị Sáu mất rồi mà anh chị vẫn giữ nguyên tình cảm, mỗi lần về đều về thăm gia đình chỉ.

Anh ngừng một chút.

– Hồi đó, năm 75, một bữa, khi tỉnh dậy thấy mình nằm trên giường ở một nhà thương lính, đầu băng kín và không nhớ gì về đến quá khứ và cũng không biết tại sao mình lại nằm ở đó. Tui có hỏi chung quanh thì người ta biểu là hoặc tui là lính hoặc là một người dân nào đó bị thương rồi được chuyển về đây. Không có giấy tờ và cũng không có thẻ lính nên không ai biết gốc gác của tui.

Mấy ngày sau, tui lang thang trong bệnh viện giúp bác sĩ, y tá ở đây chăm sóc người bệnh. Tui chăm sóc em Thơ, cậu em bị cụt chưn, mà anh Ba vừa mới gặp ban nãy. Tụi tui nhận nhau làm anh em kết nghĩa nên ở nhà thương họ đặt tên tui là Thi và lấy thứ Hai.

Sau khi ra khỏi nhà thương, Thơ nói thôi anh Hai về với gia đình em đi chứ bây giờ nhà thương giải tán rồi, làm sao anh sống. Không biết “người ta” có cho mình sống không?

Thương Thơ tàn tật, mà lúc bấy giờ chỉ có nạng cây. Hơn nữa tui một thân một mình nên tui đồng ý, hai anh em dắt nhau về lại gia đình.

Anh ngừng kể. Bình hình như không thể chịu đựng nổi câu chuyện mà cũng có thể là bận nên nói.

– Hai anh ngồi nói chuyện với nhau. Em đi một chút em trở lại.

Anh đi lấy bình trà, rót vào ly cà phê đã hết, rồi nói.

– Anh Ba ở đây chơi đi, lâu lắm rồi tui không có dịp nói lại chuyện xưa. Chú Út lớn lên sau này nên tui cũng không kể chuyện quá khứ làm gì.

Tui về sống với gia đình của Thơ và trở thành anh rể nó sau đó mấy năm. Bà xã tui là chị của Thơ, có chồng trước là lính chết trận.

Sau khi cha mẹ nuôi chết, sống ở Cần Thơ cực quá nên tụi tui bán hết rồi lưu lạc tới Long Xuyên này. Chắc cũng mới được mười mấy năm thôi.

Đắn đo một chút, như để nhớ lại những ngày cơ cực, rồi anh nói:

– Mà chắc cũng 20 năm rồi, anh Ba à.

Có tiếng khách vào quán, anh chạy đi tiếp. Tôi ngồi đợi anh trở lại kể tiếp câu chuyện đời.

...

Chợt có tiếng xe máy dừng trước nhà, một đứa bé ba bốn tuổi chạy vào nhà gọi

– Ngoại ơi ngoại.

Tôi nhìn cháu, bàng hoàng, và đoán ra tại sao tôi thấy anh quen quen.

Không thể tưởng tượng được, cháu giống như in như đúc cậu em trai của tôi, Lộc, cậu em mất tích của mình ngày 20.4.1975 tại Chương Thiện.

Phần xúc động, phần anh bận khách, tôi đứng dậy nói với anh.

– Anh Hai, khi khác tui ghé thăm anh, mình tiếp tục câu chuyện nha, bây giờ anh bận.

Anh trả lời:

– Dạ, anh Ba về. Hôm nào ghé chơi nha anh.


*


Trên đất Pháp, vào những lần gặp mẹ.

– Mẹ à, năm nay đã là 40 năm, đã rất lâu rồi, em Lộc không về nữa đâu, mẹ. Mẹ hãy xem như em đã mất rồi. Mẹ để ảnh em lên bàn thờ, để em được giải thoát, nha mẹ.

Mẹ tôi lặng thinh, rồi mẹ nói:

– Không được đâu con, bao lâu chưa có tin em, mẹ không thể xem như em đã mất. Không ai thờ người sống con à. Mẹ có thấy trên Tivi, có một bà ngoại cảm có thể tìm ra nơi người mất tích. Hay là mình nhờ bà ta.

– Làm sao được mẹ, mình không có chi tiết cụ thể em mất tích ở đâu và em là lính nguỵ, ai cho mình tìm. Đừng mẹ à. Giả dụ như em còn sống thì em đã tìm về với gia đình. Đã bốn mươi năm rồi. Nếu mẹ không vì em thì mẹ hãy vì mình, để mẹ được thanh thản.

Như mỗi lần, mẹ dứt khoát:

– Không, ngày nào không có tin em,

Ngập ngừng một chút, mẹ tiếp:

– mẹ sẽ không làm như con nói.

Đã lâu lắm rồi, mẹ không kể về quá khứ của em. Em tôi như một con chim lạc đàn, một con vịt trong đàn gà của mẹ.


*


Tuổi thơ hiện về.

– Đây con, tiền cho các em ăn quà trưa, và đây là tiền các con đi xích lô chiều về. Con giữ tiền cẩn thận và nhớ trông em. Con lớn rồi, phải biết lo cho các em. Ăn sáng thì đã có cơm rang mẹ đã làm sẵn. Nhớ buổi trưa, đánh thức các em dậy, rửa mặt và mua quà cho chúng nó

– Vâng, con nhớ.

Mẹ tôi dặn thêm:

– Nhớ để ý đến Lộc.

Năm 1966, tôi và hai em học trường Lasan Đức Minh ở Tân Định, bán trú. Tôi học đệ thất (lớp 6 bây giờ), Lộc học lớp nhì (lớp 4) và Tấn học lớp ba.

Một buổi trưa, Lộc xin:

– Anh Ba, cho em tiền ăn cà lem cây.

Tôi trả lời:

– Tiền đâu cho tụi bây ? Hồi sáng giờ ra chơi, anh đã cho rồi mà. Tụi bây hứa là không xin sau giờ ngủ trưa mà !

Lộc lém lỉnh:

– Hồi sáng mẹ có cho, em thấy mà. Em biết anh Ba còn tiền mà.

Tôi nói:

– Tiền còn lại là để đi xích lô chiều về chứ. Hồi sáng tao đã nhịn phần của tao cho tụi bây rồi.

Lộc đề nghị:

– Thì mình đi bộ về, anh Ba.

Tôi từ chối:

– Xa quá từ đây tới ngã Sáu, Phạm Hồng Thái, làm sao tụi bây đi bộ được ?

Lộc nhất định:

– Được mà anh.

Tôi cương quyết:

– Không được, ba mẹ biết thì cả ba đứa bị ăn đòn. Ba đánh đau lằm, tao không chịu được. Hồi trưa thầy Mai mới nhắn tao là mày bị phạt vì nói chuyện trong lớp, không chịu học. Thầy nói mày mà bị một lần nữa thì thầy gọi ba mẹ vô trường. Tại sao mày không biết nghe lời, hả ?

Lộc nhăn nhó:

– Tại thầy hay đánh tay em, đau lắm. Thầy hay nói em học dở và kể anh đứng đầu lớp và năm đó anh được phần thưởng cuối năm.

Tôi bực mình:

– Thì mày ráng học để khỏi bị đòn và thầy khỏi nhắc.

Em trả lời:

– Nhưng nếu mình đi bộ về mà anh đừng kể cho ba mẹ thì đâu ai biết.

Tôi nhất định:

– Hông được.

Mỗi trưa là y như rằng có câu chuyện trên giữa hai anh em tôi và không phải lúc nào tôi cũng giữ được lập trường “cứng rắn”.

Có những buổi chiều đi bộ hơn một tiếng mới về đến nhà với các em qua đường Huyền Trân Công Chúa, nghe ve sầu, lượm me.

Ba tôi bận bịu, không phải lúc nào cũng để ý việc đi bộ về này. Sau này lớn lên, tôi hiểu ra: mẹ tôi biết, giấu ba tôi và chỉ sợ chúng tôi bị tai nạn.

Suốt những năm thơ ấu, các em tôi phải chịu nhiều áp lực ở trường và ở nhà chỉ vì tôi là con trai lớn, ngoan (biết sợ) và học giỏi.

Năm sau, tôi chuyển trường học theo ý muốn ba mẹ, hai em ở lại. Tôi không còn dịp đi và về học chung với các em. Vài năm sau, phải ở lại lớp hai lần, Lộc cũng đã rời trường đi học nội trú ít khi ở nhà.


*


– Anh Ba hút thuốc con mèo không ?

Tôi hỏi:

– Ở đâu mày có ?

– Em mua.

– Tiền đâu mày mua ?

– Tiền em để dành.

– Mày xạo.

Mấy ngày sau, ba tôi giận dữ trong bữa cơm, vì hộp thuốc lá bị lấy lén. Bị lộ, em bị đòn rất đau.

...

– Xe gắn máy, tao mượn tại sao lại trầy trụa, móp mép hết vậy.

Ba tôi quát, cả nhà sợ sệt.

– Tao đã cấm không đứa nào được rớ vô mà! Thằng Lộc đâu ?

Vừa la, ông vừa chụp roi mây và chưa bao giờ tôi thấy ba tôi giận dữ đến như thế. Cây roi mây bị giập nát mà em thì mới bị té xe, người đầy thuốc đỏ.

Em cắn răng chịu đựng và cặp mắt như một con thú dữ, đầy hận thù.

Đau quá em vùng chạy, chân khập khiểng, bỏ nhà đi mấy ngày.

Mẹ tôi khóc hết nước mắt và em càng ngày càng xa tôi từ tính tình, cuộc sống.

17 tuổi, tôi đi du học và từ đó không bao giờ gặp lại em nữa.

Khi tôi đi rồi, càng ngày em càng bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc đời cho đến ngày em đi quân dịch và đối diện với sống chết.


*


Chương Thiện ngày 20.4.1975.

Thưa mẹ,

Con viết thư cho mẹ giữa cuộc hành quân. Ngày mai con sẽ tiếp tục ra trận. Bây giờ con đã biết đá biết vàng.

….

Tôi chỉ còn nhớ mấy câu, thơ của Lộc do mẹ gửi sau 75, khi tôi đã liên lạc lại được với gia đình bằng thư từ. Mẹ chỉ chuyển thư và không bình luận gì cả. Mẹ sợ.

Tôi không còn giữ được thư Lộc qua nhiều lần dọn nhà.

Em tôi, một người lính Việt Nam Cộng Hoà, mất tích, mười ngày trước khi chiến tranh chấm dứt. Em chưa được hai mươi. Nỗi đau đớn mất mát của mẹ không bao giờ và không có gì có thể bù đắp được và nó hằn sâu mãi trong tâm hồn chúng tôi.

Bốn mươi năm đã đi qua, bao nhiêu người mẹ chỉ cầu mong được tin con mất. Mẹ tôi sẽ không bao giờ được toại nguyện.

Chỉ riêng em và mẹ tôi ? Không, biết bao nhiêu người mẹ đã cắn răng, nén nỗi đau, chịu đựng, giấu giếm để sống chỉ vì lý lịch có con là lính nguỵ. Còn ai trên đời này quan tâm đến những người lính bại trận mất tích ?


*


Tôi suy nghĩ rất nhiều về câu chuyện của anh Hai Thi.

Tôi nhớ ra Thi là tên bác tôi, mất vào năm 17 tuổi, khi mẹ chúng tôi còn nhỏ. Không biết có phải như con bướm, hồn của người vợ trong truyện ngắn của Nhất Linhi báo cho chồng, người lái xe lửa, hiểm nguy phía trước ?

Phải chăng bác tôi đã ăn chén cháo lú để nhập hồn vào em tôi, trả lại cho em cuộc đời mà số phận, chiến tranh đã lấy mất đi ở em.

Tôi có nên gặp lại anh Hai Thi, tiếp tục nói chuyện với anh và kể cho anh trường hợp của Lộc ? Anh và tôi, hai người xa lạ như cuộc đời đã đẩy anh em chúng tôi vào sự xa lạ, xa cách để mỗi người một ngả đường! Mẹ tôi sẽ ra sao nếu tôi kể chuyện này cho mẹ nghe ?

Tôi không trở lại tìm anh Hai Thi, để anh được yên tâm sống cuộc đời của mình và tôi chấp nhận số phận: mẹ tôi sẽ mãi mãi không bao giờ có tin của em.

Trong tôi, tiếng hát của Miên Đức Thắng bài hát của Phạm Thế Mỹ ii :

Đưa em về quê hương đường khuya xoay giấc ngủ
Hàng cây xanh tóc rủ ven đường
ôi buồn sao, ôi buồn sao
Ôi ngày vui,
tuổi thơ anh yêu dấu đâu em
Con đường phố xưa êm đềm,
…..
Đưa em về quê hương hỏa châu giương mắt đỏ
buồn đong đưa soi xóm nhỏ
tâm hồn
Không còn chi, không còn chi
đã từ lâu từng đêm nghe tiếng súng tiêu hoang
đem đạn cắm trong tim người

…..

Ôi nhạc thơ anh máu chảy nhiều rồi
Và quê hương khốn khổ lâu rồi
Thôi, thôi xin em đừng nhắc,
Cho anh được thấy, thấy sớm mai tuyệt vời,
Mặt trời lên, mặt trời lên xua đi tăm tối
Cho em nụ cười
Cho anh mơ thấy quê hương ngày mai
Hoa nở trên môi em
Chim ngủ trên tay em.


Khánh Tiên

Borex, 25.12.2015


i Bóng người trên sương mù

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss