Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Đường Trần (2)

Đường Trần (2)

- Trần Tố Nga — published 27/10/2017 22:22, cập nhật lần cuối 27/10/2017 22:22


Đường Trần (2)


Trần Tố Nga


Được phép tác giả, Diễn Đàn giới thiệu thêm hai chương hồi ký (Đường Trần, nhà xuất bản Trẻ, 2017, tr. 23-42)


Ngọn lửa không bao giờ tắt


Anh chị em chúng tôi sống với ông bà ngoại từ tấm bé, nhất là sau khi ba tôi mất, mẹ tôi lao vào công tác cách mạng, rồi liên tiếp ở tù nhiều năm. Lớn lên, chúng tôi đi theo con đường của mẹ, lần lượt rời xa ngôi nhà của ông bà, ngôi nhà tuổi thơ. Ra đi, lòng đầy vơi thương nhớ, chúng tôi luôn hướng về ông bà, đinh ninh những gì ông bà dạy bảo, bằng lời nói, việc làm hàng ngày, lúc thường cũng như lúc biến.

Những năm tháng được sống bên ông bà và chính cuộc đời của ông bà không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi, đã ảnh hưởng sâu sắc đến việc hình thành tính cách, nhận thức và hành vi của tôi, từ khi tôi còn là một cô bé học trò nhỏ xíu cho đến tận ngày nay, khi ông bà khuất núi đã lâu, còn tôi thì đã bước vào tuổi già.

Ông tôi xuất thân là một điền chủ ở Cần Thơ, cao to, gương mặt phúc hậu, tóc rất dầy, đến già vẫn đẹp lão. Khi còn nhỏ, tôi thường được ông bồng đi chơi trong vườn măng cụt của ông bà, rộng bạt ngàn, trĩu quả. Tôi được thừa hưởng từ ông tình yêu thiên nhiên, cây cỏ.

ong

Bà ngoại tôi là một nông dân, không biết đọc, không biết viết, chỉ biết ký một chữ Mẹo run run, xiên xẹo. Mẹo là tên của bà, vì bà mang tuổi con mèo. Ông nội của bà là tướng quân Lê Văn Sanh vì có công với nước, được vua Thiệu Trị sắc phong Phó Vệ Thủy, có miếu thờ Vệ Thủy ở Châu Đốc cùng với ông chánh Vệ thủy Đỗ Đăng Tàu, cả hai đều người gốc Minh Hương.

Bà ngoại là một phụ nữ truyền thống, nề nếp, lễ giáo, nhân ái, giàu lòng tự trọng và tinh thần trách nhiệm không chỉ trong phạm vi gia đình. Bà là trụ cột trong nhà, yêu thương và chăm lo chu đáo cho ông ngoại, cho mẹ, cho ba Tân và ba Tòng, cho anh chị em chúng tôi và cả các con của chúng tôi nữa. Nhà ông bà là cơ sở liên lạc, là nơi tá túc và tiếp tế cho nhiều cán bộ cách mạng.

ba

Gây dựng cơ ngơi bằng sức lao động và tài năng của mình, ngay từ trước cách mạng, ông bà đã có một sản nghiệp vững vàng, đủ để mẹ tôi, người con gái duy nhất của ông bà được học tại những trường danh giá bậc nhất thời đó ở Sài Gòn. Cũng chính vì để bảo vệ con gái mình, hơn nữa, để bảo vệ danh dự của gia đình, ông bà đã không quản khó khăn, đưa mẹ tôi sang học ở Phnom Penh, những mong cách ly mẹ với sự theo đuổi của ba tôi, một thanh niên xuất thân gia đình giàu và có địa vị xã hội.

Ngay từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, ông bà tôi đã hiến cho kháng chiến gần hai mươi mẫu vườn, để rồi bằng lòng sống trong một chiếc ghe chạy loạn. Chiếc ghe, như tấm lòng nhân ái của ông bà, đủ lớn để chứa không chỉ chúng tôi - các cháu ngoại của ông bà, mà cả dân tản cư khác đã mất hết tài sản vì cả hai bên trong chiến tranh.

Sau những mất mát dồn dập xảy đến, cái chết oan uổng của em Trân cùng với việc ông ngoại mất một chân, rồi cái chết đau đớn của ba tôi, ông bà trở thành chỗ dựa duy nhất của mẹ con chúng tôi về tinh thần, tình cảm và vật chất. Theo yêu cầu của cuộc sống và của kháng chiến, mẹ con tôi dời lên ở Sài Gòn. Ông bà ngoại bán nốt căn nhà ở Cần Thơ, lẳng lặng thu vén, theo con cháu chuyển lên Sài Gòn, tách khỏi nguồn sống và nếp sống quen thuộc, ruộng vườn, sông nước...để sống cùng và lo cho người con gái góa bụa với bầy cháu nhỏ lít nhít.

Ông bà khởi nghiệp lại bằng một tiệm cà rem cây ở căn nhà số 94 đường Nhà Thờ, Chợ Quán, Quận 5, vừa bỏ mối, vừa bán lẻ cho con nít quanh xóm. Cậu Tiểng, người em bạn dì của mẹ, từ nhỏ đã gắn bó với ba tôi, đi bán từng cây cà rem góp tiền nuôi cháu. Xấu hổ vì là con trai mới lớn, cậu mang thùng cà rem, lựa chỗ vắng người hay chui vào đường hẻm để rao “cà rem, cà rem cây, ai ăn cà rem không”. Một năm sau, một tiệm bánh mang tên Trần Thượng ra đời. Tiệm bánh mang tên họ của ba chúng tôi, không chỉ như một sự tưởng niệm về ba, mà là một lời hứa hẹn của những người còn sống nhất định nuôi dạy nên người các con của người đã khuất. Mẹ tôi tuy đứng tên chủ tiệm nhưng người ta ít khi được gặp. Ông ngoại tôi đứng một chân lành sau tủ kiếng, lặng lẽ bán cà rem cây, bán bánh.

Tiệm bánh Trần Thượng ngày một phát đạt, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động, nhất là những bà con họ hàng có hoàn cảnh khó khăn. Tiệm bánh trở thành địa điểm liên lạc giữa kháng chiến với những người hoạt động nội đô, nơi đi lại của rất nhiều cậu, nhiều dì, những cán bộ chủ chốt, những cơ sở nằm vùng, mà sau 1975 ra công khai, giữ những vị trí quan trọng. Họ đến không để mua bánh, nhưng luôn ra về với một túi bánh to trên tay. Trần Thượng đã đi vào kháng chiến như một gạch nối giao liên của hầu hết các nhân vật lãnh đạo từ ông Huỳnh Tấn Phát, ông Nguyễn Hữu Thọ, ông Võ Văn Kiệt, đến những anh hùng thầm lặng của Mặt trận Trí vận Sài Gòn – Gia Định. Cậu Hai, cao, đẹp, trẻ, và hiền từ, nói nhỏ nhẹ, đến và thường lưu lại ở tiệm lâu hơn các dì, các cậu kia một chút. Trong cả hai thời kỳ kháng chiến, Trần Thượng đã tiếp tế những giỏ thức ăn, bánh trái cho kháng chiến từ nội đô, trong sự rình rập của đám tay chân đối phương.

Tôi trở thành người đưa thư, liên lạc của các dì, các cậu lúc nào không hay. Ông ngoại tôi, im lặng đứng sau tủ bánh trên chiếc chân lành, kín đáo quan sát đám công an chìm luôn lảng vảng bên ngoài. Đôi mắt ông nhìn ngay ra đâu là kẻ gian, chẳng mấy khi lầm. Rồi ông cho khoét một lỗ trong tường để dễ dàng theo dõi những bóng dáng lảng vảng đó. Sức khỏe của ông ngày một yếu, một chân đã mất, ba viên đạn vẫn nằm trong người, những khi trái gió trở trời lại càng đau buốt. Ông ngày càng ít nói, hút thuốc ngày càng nhiều, nhưng vẫn gắng sức lo chu toàn công việc bán buôn của tiệm bánh và làm sổ sách. Ông ngoại lo lắng về sự an toàn của con cháu, nhưng chưa bao giờ cản ngăn việc giao liên thường xuyên đến tiệm, chưa bao giờ ngăn bà ngoại xách giỏ đi tìm con, nuôi cháu từ nhà tù này đến nhà tù khác. Chúng tôi khi ấy còn quá nhỏ, có khi nghịch ngợm sờ lên ba cục u nổi cộm trên bụng ông, không biết rằng như thế là làm ông đau. Nhưng ông vẫn không nói gì.

Bằng lao động cả đời, ông bà tôi đã tích lũy được một tài sản không nhỏ. Ông bà đã không sử dụng tài sản đó cho mình. Suốt đời, ông bà đã sống đơn giản, tiết kiệm trong cái ăn, cái mặc và mọi chi tiêu riêng. Sản nghiệp của ông bà dùng để thay mẹ tôi nuôi dạy chúng tôi - những đứa trẻ mồ côi cha, mẹ thì đi làm cách mạng. Đã hiến đất thời kỳ đầu kháng chiến, ông bà lại dùng tài sản của mình để nuôi con và các đồng chí của con ở trong tù, trên cứ. Tiệm bánh của ông bà cũng là nơi tạo ra công ăn việc làm, trở thành nguồn thu nhập kiếm sống của nhiều người. Vậy mà, sau năm 1975, ông bà tôi lại một lần nữa rơi vào cảnh trắng tay.

Nhưng đau đớn nhất là cho đến tận khi từ biệt cõi trần, ông bà ngoại vẫn không có tin tức gì về số phận, sinh mệnh và thanh danh của mẹ tôi. Ông bà ngoại đã hiến dâng cho Tổ quốc điều quý giá nhất của mình là người con gái duy nhất đã được ông bà chăm chút từ nhỏ, nơi ông bà gửi gấm tất cả tình thương và hy vọng. Khi mẹ tôi dấn thân vào con đường cách mạng đầy hy sinh bất trắc, ông bà đã không cấm cản mà lặng lẽ theo dấu bước chân của mẹ tôi, thay mẹ tôi nuôi dạy chúng tôi, có mặt bên mẹ tôi vào những lúc gian nguy, tù đày, giúp đỡ mẹ tôi và đồng chí của mẹ bằng những việc làm thiết thực nhất. Ngược lại, mẹ tôi cũng không bao giờ phụ lại lòng tin của ông bà ngoại. Nhưng mẹ tôi đã không bao giờ có thể trở về nữa, dù chỉ để cho ông bà tôi được an lòng trước lúc lìa trần.

Trong suốt hai cuộc chiến tranh ông bà ngoại chỉ là những người Việt Nam bình thường, không trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ gì, trong bất cứ tổ chức nào của kháng chiến. Nhưng chính những người như ông bà đã tạo ra những điều kiện thiết yếu nhất cho thắng lợi của kháng chiến.

Phẩm chất và bản lĩnh kiên cường của những người bình thường ấy chỉ bộc lộ đầy đủ vào những lúc gian nguy.

Khi Trân và ông ngoại tôi bị nạn trên đường thì hai bà cháu tôi đang ngồi ở ngưỡng cửa nhà Cần Thơ, bà ngoại đang vạch tóc bắt chí cho tôi. Bỗng có người chạy tới la thất thanh:

- Dì Ba, dì Ba ơi, chạy ra nhà thương mau đi, dượng Ba bị thương nặng lắm.

Bà ngoại đứng dậy, nói:

- Nga nè, bà ngoại phải đi nhà thương coi ông ngoại và em Trân của con ra sao. Con ở nhà, còn một miếng cơm trong nồi, nếu đói thì con ăn nhen. Ăn rồi, nhớ đánh răng, leo lên ván mà ngủ. Đừng sợ nhen con, con gái lớn rồi, không được sợ.

Bà ngoại bình tĩnh khóa cửa, để đứa cháu bốn tuổi ở nhà một mình. không để đèn, sợ không may có tai họa. Tuy vậy, tôi cũng không thấy sợ, vì đã được bà xem như một đứa con gái lớn mà. Tôi ăn cơm, đánh răng rồi leo lên tấm ván, ngủ mê trong căn nhà tối om. Rạng sáng, từ nhà thương trở về, bà ngoại tìm mãi mới thấy tôi ngủ co trong chiếc cần xé đặt ở góc giường, mà tôi đã rớt xuống từ giường khi ngủ mê.

Bà ngoại gọi tôi dậy, nói chậm rãi:

- Nga à, Trân chết rồi, bà ngoại chôn em rồi. Ông ngoại bị thương, mất một chân rồi, bây giờ bà ngoại phải trở lại nhà thương lo cho ông ngoại. Con ở nhà đừng khóc nhen.

Tôi còn quá nhỏ để hiểu cho hết cái ác độc của những chữ “chết”, “bị thương”, “chôn”, nhưng còn bà ngoại tôi, bà lấy đâu ra nghị lực để không khóc khi chôn em Trân, khi chứng kiến người ta cắt phần da thịt đang giữ cái chân bị nát vì đạn của ông ngoại? Còn ba viên đạn xuyên qua thân hình bé nhỏ của em Trân tôi, nằm lại trong vùng bụng của ông ngoại, bà lấy sức đâu mà nhìn, mà chấp nhận? Đến lượt tôi trở thành mẹ rồi thành bà, đã bao nhiêu lần tôi tự hỏi: Có lúc nào nước mắt tuôn ra từ cặp mắt nhân từ ấy không? Nếu có, bà trốn ở góc nào để khóc khi chúng tôi chỉ luôn nhìn thấy gương mặt trầm tĩnh, nhân hậu của bà?

Cho đến một buổi sáng chủ nhật năm 1951. Sớm lắm, bà ngoại đánh thức tôi dậy, thầm thì: “Dậy đi con, lính đang ở trong nhà”. Bà ngoại nhét vào tay tôi một ít tiền, bảo chạy lên Tân Định báo cho mẹ là lính đã bao vây tiệm bánh. Trong cơn nguy, bà ngoại đã trao cho cháu mình - đứa bé chín tuổi một nhiệm vụ nặng, cũng là trao cho cháu ngoại lòng can đảm, đưa cháu vào đời bằng sự bình tĩnh của mình. Nhiều ngày sau, khi lính đã rút khỏi, bà ngoại đi từng nhà người thân, người quen tìm cháu. Đến nhà cậu ba Đãnh, cháu của ông ngoại, thấy cháu đang ngồi buồn một mình, bà ôm cháu, khóc. Đó là lần hiếm hoi bà ngoại khóc..

Ông bà ngoại không bị địch bắt tù, nhưng nhà tù không hề xa lạ với ông bà. “Sự nghiệp nuôi tù” của ông bà tôi bắt đầu từ khi cậu Hai, khi ấy đã kết hôn với mẹ, bị địch bắt giam. Mỗi thứ ba, thứ sáu, ông đứng một chân xếp bánh, bà đi chợ về làm thức ăn, xếp mọi thứ vào những cái giỏ to để con gái đi thăm nuôi chồng ở khám Chí Hòa. Mà nào có phải chỉ nuôi một người. Các giỏ xách của bà có thể nuôi rất nhiều người, ba tôi có thể chia xẻ với các bạn tù không chỉ thức ăn mà cả tình thương mà ông bà tôi đã gởi gấm trong đó. Rồi mẹ tôi, dì tôi, em tôi, tôi và con tôi, ba thế hệ nhà tôi vào tù... Ông bà ngoại tiếp tục xếp giỏ đi khắp Chí Hòa, Phú Lợi, Thủ Đức, Tân Hiệp, Phú Quốc, Côn Đảo, Nha Đô Thành, Tổng Nha. Nhà tù nào có mặt một trong chúng tôi thì ở đó có bóng dáng của bà, có bàn tay chăm chút của ông. Anh em tôi đứa ra Bắc, đứa vào chiến khu, ông bà ở lại vò võ một mình. Tiệm bánh lúc nào cũng bị công an rình rập, nhưng giao liên vẫn thường đến tiệm, trao chuyển thư, lấy bánh trái tiếp tế, nhiều lần đưa mấy đứa chắt sinh ra trong chiến khu gởi về cho ông bà cố nuôi. Sơn em tôi, Lâm, Tuyết Vân con em Tuyết, và các con tôi, Việt Hải, Việt Hồng lần lượt về trong vòng tay yêu thương của ông bà cố. Sơn, Lâm, Tuyết Vân làm con của bà Năm Dung, Việt Hồng làm con của chú Sinh, Việt Hải đau tim được bà Ba Muối nuôi cho đến khi cháu tắt thở, Việt Liên ra đời trong tù được bà Năm Dung bất chấp nguy hiểm đến tận nhà thương tù thăm và tiếp tế thuốc, sữa cho cháu...

Ông bà tôi chỉ mong được sống yên vui bên con cháu, trong tình thương và hòa với mọi người. Chúng tôi được ông bà nuôi nấng và dạy dỗ, không phải để cầm súng đi vào chiến tranh, không phải để trằn mình chịu bom napan và chất độc dioxin, không phải để sống trong tù ngục, chịu những đòn khảo tra man rợ về thể xác và tinh thần. Ông bà dạy chúng tôi mọi điều để làm người phụ nữ trong một gia đình hạnh phúc: Đảm đang, dịu dàng, đoan chính, biết chăm sóc chồng con và hưởng hạnh phúc của người vợ, người mẹ.

Từ năm tôi mới sáu tuổi, bà ngoại đã dạy tôi để có thể trở thành một người phụ nữ như vậy trong tương lai.

Bà ngoại dẫn tôi ra chợ, mượn của người bán một con cá:

- Nga, con coi nè, muốn biết cá có tươi hay không, không được sợ dơ tay. Con bắt con cá, lật mang nó lên, nếu mang đỏ thì cá tươi. Mua rau, mua thịt cũng vậy, không được sợ dơ tay.

Nhìn tôi quét nhà, bà nói:

- Quét nhà mà lưng cứ thẳng đơ là con gái hư. Phải cúi xuống mới thấy rác ở các góc kẹt, nhen con.

Rồi: Con gái không được nằm ngửa, xấu lắm, còn không thì phải lấy một tấm chăn đắp ngang bụng. Nhớ nhen, không được nói to, cười to ngoài đường, người ta nhìn vô nói là con gái không có ý tứ..Nga nè, phơi áo quần phải kín đáo, giũ cho thẳng, xếp cho kỹ, không mất công ủi.

Bà nhắc lại câu ca: “Người mà chưa nói đã cười, chưa đi đã chạy là người vô duyên”.

Tôi lớn lên theo từng cái “Nga nè”, với những lời khuyên bảo, những câu ca dao bà ngoại nhắc. Tôi cũng đã dạy con gái mình những điều đó, và con tôi đã được mẹ chồng vui vẻ đón nhận cũng có phần vì vậy.

Bà tôi giữ lễ nghĩa, chu đáo, phân minh trong mọi việc. Trong chiến tranh, anh em chúng tôi vắng nhà, mỗi người một nơi, không có điều kiện làm giỗ ba. Hằng năm, vào ngày giỗ ba, bà ngoại luôn sắm sửa một mâm cúng đầy đặn đưa sang bên nội để thay chúng tôi cúng ba, giúp cho chúng tôi giữ đạo làm con theo đạo nghĩa truyền thống.

Ông bà tôi không sinh ra để làm anh hùng, cũng không dạy con cháu mình sống trong chiến tranh. Nhưng khi đất nước cần, theo sự mách bảo của lương tri, ông bà đã lặng lẽ làm tất cả những việc cần làm, không quản vất vả gian nguy, không tính toán thiệt hơn, cũng không trông mong đền đáp.

Là con cháu của ông bà ngoại, cùng với thời đại của mình, chúng tôi đã phải đối mặt với những thực tế khắc nghiệt nhất của chiến tranh, của mất mát và cả cái chết. Ông bà ngoại luôn là một nguồn sức mạnh giúp chúng tôi giữ trọn phẩm chất làm người vượt qua thách thức.

Nghĩ đến ông bà ngoại, tôi thường nghĩ đến hình ảnh chiếc bếp lửa. Ở miền núi phía bắc, nhiều dân tộc ít người có tập tục giữ lửa trong bếp không bao giờ để tắt. Bếp lửa để nấu nướng, cho thức ăn, cho ánh sáng và hơi ấm. Những người dân Việt Nam như ông bà tôi, bình dị, thuần phác, nhiều khi chẳng có mấy chữ nghĩa và lý lẽ cao siêu, nhưng đã là những bếp lửa như vậy trong đời sống tinh thần của dân tộc ta, những bếp lửa đã luôn lưu giữ trong mình và truyền lại cho đời sau những giá trị cao đẹp và sâu xa nhất của dân tộc, nhân ái, giản dị, tự trọng, sẻ chia trong cuộc sống hàng ngày, nhưng cũng sẵn sàng bùng lên rực cháy khi cần thiết.

Không thể nói hết lòng yêu thương, kính trọng của chúng tôi đối với ông bà ngoại tôi. Nhưng chúng tôi đã không chăm lo được cho cuộc sống vật chất và tinh thần của ông bà một cách xứng đáng, theo đúng những gì mình mong muốn. Trong chiến tranh, chúng tôi đều đi kháng chiến xa nhà, đã đành là không có điều kiện. Nhưng trong hòa bình cũng chẳng khá hơn. Đó là chưa kể sau 1975, ông bà ngoại lại có thêm những vất vả, những mối lo mới trong đời sống hằng ngày. Dân gian có câu “nước mắt chảy xuôi”. Dù cố nghĩ như vậy, nhưng tôi vẫn không nguôi day dứt trong lòng, khi nhận ra rằng, ngoài tình yêu kính, chúng tôi đã không làm được gì nhiều để báo hiếu ông bà ngoại. Chúng tôi sẽ không bao giờ còn có thể làm được điều đó.



Trường Marie Curie


Từ khi ba mất, chị Ba vú nuôi của tôi về quê, tôi bắt đầu bú ngón tay cái, lâu dần làm nó bẹp dí. Dù nhiều lần bị đánh đòn tôi vẫn không sửa được tật này. Tháng 8 năm 1949, tôi đi thi vào trường Marie Curie. Đây là trường vốn dành cho con gái người Pháp hay công chức người Việt làm cho chính phủ Pháp. Tôi đi thi vào lớp 10 (lớp 3 theo hệ thống giáo dục của ta). Mẹ đứng chờ ngoài cửa, thấy trẻ em dự thi đã ra hết, mà không thấy con gái. Thật ra tuy thi đã xong nhưng cơn ghiền bú tay sau ba tiếng làm bài đã giữ chân cô bé lại. Chờ các bạn ra hết, rất từ từ, ngón tay cái trong miệng, cô lần bước chậm rãi, đàng hoàng đến gặp mẹ.

Học được một tháng, tôi tự bỏ cái tật bú tay khi nhìn thấy một bạn trong lớp vừa bú tay, vừa mân mê lỗ tai. Tôi nhận ra cái hình ảnh này thật là xấu.

Tôi học không xuất sắc, nghịch ngầm, giống tính con trai nhiều hơn dưới cái vẻ bề ngoài con gái nhút nhát. Mang thêm một cái tên Pháp là Hélène theo quy định của trường, nhưng không vì thế mà tôi giống đầm con. Tôi có nhiều bạn, nhưng thân nhất với Claudine Quyên. Minh Quyên học dưới tôi một lớp nhưng lanh lẹ, mạnh mẽ, hay bắt nạt đầm con hơn là chịu để đầm con bắt nạt. Chúng tôi sẽ còn bất ngờ gặp lại nhau tại Hà Nội vào năm 1956, khi Quyên từ Khu học xá Trung ương trở về.

Tôi lớn dần lên tại trường Marie Curie, học lịch sử nước Pháp “tổ tiên ta là người Gaulois” đồng thời học lịch sử Việt Nam do mẹ dạy. Tôi học về những cuộc chiến tranh chống xâm lược Trung Hoa ngày trước và cuộc kháng chiến chống Pháp hiện thời. Những lúc hiếm hoi mẹ ở nhà, tôi kể mẹ nghe những điều đã học ở trường, mẹ bổ sung bằng những bài học của đời. Có một bài hát học mà tôi rất thích, tôi về nhà dạy lại cho mẹ. Từ đó, đêm đêm, mẹ ru chúng tôi bằng bài: “Một bài hát êm đềm” (une chanson douce). Giọng mẹ và bài hát ấy đã đi cùng tôi suốt đời.

Tôi thích nhiều trò chơi con trai, nhưng thích nhất vẫn là chơi banh tù. Chúng tôi tự làm banh từ mủ cao su cạo được từ các cây cao su bên đường. Chúng tôi trét mủ lên cặp, chờ nó khô đi rồi quấn lớp nọ lên lớp kia, lớn dần thành trái banh. Để chơi banh tù, chúng tôi chia thành hai phe, ném banh sát phạt nhau, chạy, nhảy, hò hét khi thắng cũng như khi bị làm tù binh, quên giờ, quên mệt. Khi có giờ trống, thay vì học bài theo nội qui, chúng tôi trốn cô giám thị, ra sân hò hét, liệng banh. Bị cô rượt, chúng tôi chui vào nhà vệ sinh (may mà nhà vệ sinh luôn sạch), và trốn ở trong đó đến giờ ra chơi, thoát nạn. Cuối cùng, để không phải trốn vào nhà vệ sinh, chúng tôi trốn ra chơi ở bên hẻm đối diện trường, không hề nghĩ đến mối nguy hiểm có thể gây ra cho cả người chơi banh lẫn người đi đường. Một lần trái banh bị bắt hụt lăn ra đường, một người Pháp đi mô tô cán lên, té xe, lộn ba bốn vòng. Người té xe may không bị thương, cầm banh vào trường mét. Còn lũ thủ phạm là chúng tôi thì đã nhanh chân chạy mất tăm. Tôi cám ơn Trời Phật đã cứu người đi đường khỏi thương tích và cứu tôi khỏi một nỗi ân hận lớn. Cũng từ lần đó, tôi bỏ hẳn việc chơi banh tù kiểu này.

Có một chuyện mà tôi nhớ mãi. Tôi quan sát các bạn xung quanh và rất lấy làm lạ là có nhiều bạn rất dễ ngất xỉu. Chụp một trái banh, ngất. Tiêm một mũi thuốc cũng ngất. Điều này chưa hề xảy ra với tôi nên tôi thật sự tò mò, muốn biết cái cảm giác ngất xỉu ấy nó như thế nào. Cơ hội đến với tôi vào ngày chích ngừa. Thấy nhiều bạn được khiêng lên bịnh xá vì xỉu sau khi chích, tôi cũng giả bộ than mệt, kêu khó chịu, và cũng được đưa lên bịnh xá. Ở đó, tôi được đặt nằm trên một giường nệm trắng muốt. Nhìn quanh, các bạn ngoan ngoãn nằm im, còn tôi thì ngán, lặng lẽ bỏ đi sau vài phút. Hóa ra, ngất xỉu và nằm bệnh xá, ngoài cái giường nệm trắng muốt, chẳng có gì hay.

Trường Marie Curie có chế độ nội trú giành cho các bạn ở xa. Các bạn nội trú được ngủ giường nệm có ra  trắng, giờ ra chơi buổi chiều, được ăn nhẹ, thường là một cây kem bọc chocolat. Tôi rất muốn biết mùi vị của cây kem đó như thế nào, nhưng không bao giờ có đủ tiền để mua. Mãi mấy chục năm sau, khi lần đầu đặt chân lên đất Pháp, tôi mới có điều kiện giải đáp thắc mắc về vị kem bọc chocolat. Món quà đầu tiên trên đất Pháp tôi tự mua tặng mình là cây kem Esquimeau! Hóa ra mùi vị của nó cũng chẳng “ghê gớm” gì.

Năm 1953, lên cấp hai, học lớp sáu, tôi chọn học thêm tiếng la tinh, một ngôn ngữ chết, những mong làm giàu cho vốn tiếng Pháp của mình. Đến nay tôi chỉ còn nhớ được một vài chữ, trong đó có chữ “mater” là mẹ, pater là cha. Ngoại ngữ thứ nhất là tiếng Anh, môn tự chọn thứ hai, buồn thay cho cô bé người Việt, lại chính là tiếng Việt. Cô giáo dạy tiếng Việt ra quy ước phạt năm đồng những ai nói tiếng Pháp trong giờ Việt ngữ của cô. Tiền phạt bỏ ống heo, cuối năm học đập ống, sẽ được dùng để tổ chức một bữa tiệc chung. Do học sinh quen nói tiếng Pháp, nên ống heo đầy lên rất nhanh. Tôi không bị “góp” đồng nào, dù chúng tôi canh chừng nhau gắt gao để bắt phạt. Tôi quý cô giáo của tôi, không muốn cô buồn nên đã cố không buột miệng nói một tiếng Pháp nào trong giờ tiếng Việt. Cô tên là Trần Thị Lành, cô Tám Lành của chúng tôi với tà áo dài thướt tha và bới tóc đen nhánh sau lưng, đẹp như mẹ tôi. Hơn 60 năm sau, tình cờ được gặp những người cháu của cô tại Pháp, tôi cảm thấy như gặp lại người thân trong gia đình. Anh David Trần, cháu của cô Tám Lành hiện là một bác sĩ hết lòng cống hiến sức mình cho những chuyến thiện nguyện về chăm sóc bịnh nhân Việt Nam. Kim Phạm, cháu nội của cô Tám là một sinh viên đang tích cực động viên các bạn của mình ủng hộ những cuộc đấu tranh chống tội ác của tập đoàn Monsanto sản xuất hóa chất tiêu diệt sức khỏe của nhân loại và của nhân dân Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ.

Lên năm thứ tư, tôi được học thêm tiếng Tây Ban Nha, cũng không có khó khăn gì. Nhiều người nói anh chị em tôi thừa hưởng của mẹ cha cái “bướu ngoại ngữ”.

Năm 1954, chiến tranh Đông Dương đến hồi kết với chiến thắng Điện Biên Phủ. Hiệp định Genève ký ngày 20 tháng 7 năm 1954 tạm chia đất nước thành hai miền Nam - Bắc, lấy sông Hiền Lương và vĩ tuyến thứ 17 làm ranh giới tạm thời.

Khi đó chẳng mấy ai nghĩ rằng, sự kiện này sẽ làm đảo lộn cuộc sống của cả đất nước và số phận của bao nhiêu gia đình, bao nhiêu con người.

Theo Hiệp định, hai năm sau, sẽ có Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng cuộc tuyển cử đã không bao giờ có. Để rồi trong suốt hai mươi năm sau đó, đất nước đã chịu bao nhiêu hy sinh, mất mát, tàn phá; rất nhiều máu đã đổ, rất nhiều người đã chết, rất nhiều gia đình đã tan nát. Nhiều vết thương cho đến ngày nay vẫn không chịu lành.

Một cô bé mười ba tuổi như tôi lại càng không thể hình dung ra những điều đó, khi bỏ giữa chừng năm học ở Marie Curie, leo lên một trong những chuyến bay Sài Gòn - Hải Phòng cuối cùng, để đến với Hà Nội, thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chuyến bay đó đã chấm dứt đoạn đường đời mười mấy năm ngắn ngủi sống hạnh phúc trong vòng tay che chở của ông bà ngoại, dưới mái ấm gia đình yêu thương. Một trang khác trong đời tôi đã được mở ra.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss