Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Đường Trần

Đường Trần

- Trần Tố Nga — published 21/10/2017 00:45, cập nhật lần cuối 21/10/2017 21:26
trích Hồi ký (Nhà xuất bản TRẺ, 8.2017)


Đường Trần

Trần Tố Nga



bia

LTS – Cuối tháng 8.2017, nhà xuất bản Trẻ đã phát hành Đường Trần, hồi ký của Trần Tố Nga, mà tên tuổi đã trở nên quen thuộc qua vụ kiện Monsanto, Dow Chemical và gần 20 công ti hoá chất đã sản xuất Chất Da Cam (chứa độc tố dioxin), và độc giả Diễn Đàn đã làm quen qua bản hồi ký tiếng Pháp Ma Terre Empoisonnée (nxb Stock, Paris, 2016). Cùng là tự truyện của một tác giả, bản tiếng Pháp do tác giả viết thẳng bằng tiếng Pháp, rồi được nhà báo kiêm nhà văn Phlippe Brossard (giải thưởng Albert Londres) biên tập, bản tiếng Việt do chính tác giả viết cho độc giả Việt Nam, với tựa đề Đường Trần, rất "đắt", vì nó gợi lên những đoạn đường đời gian nan của người phụ nữ năm nay 75 tuổi. Mồ côi cha (sĩ quan quân đội Pháp, đồng thời là "Việt Minh nằm vùng"), làm giao liên cho mẹ, sau 54, từ trường Marie Curie Sài Gòn ra Hà Nội học trường "học sinh Miền Nam", rồi Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1965 "đi B", sống dưới bom đạn và những trận "mưa Agent Orange", năm 1974 bị bắt giam tại Tổng nha cảnh sát Sài Gòn, đẻ con trong nhà giam, đến ngày 30.4.1975 hai mẹ con mới bước ra khỏi nhà tù. Bắt đầu một đoạn đường gian khổ mới. Diễn Đàn cảm ơn tác giả cho phép giới thiệu hai chương sách Những ngày hoà bình đầu tiên (tr. 366-377) và Tôi làm cô giáo (tr. 368-388).


Những ngày hòa bình đầu tiên


Ai từng nếm trải cuộc sống khốc liệt trong chiến tranh, dù ở tiền tuyến hay hậu phương, dù là người lính hay dân thường, dù đứng ở phía bên nào chiến tuyến cũng đều khao khát đến cháy bỏng giấc mơ hòa bình. Đối với họ, hòa bình là tất cả. Là chấm dứt hận thù, bom đạn, chết chóc, tan cửa nát nhà, là để cho trẻ con được sinh ra không đói khát, không mồ côi, và lớn lên không phải để ra trận.

Mẹ tôi (1), người phụ nữ đã sống những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh như hàng triệu bà mẹ trên đời, đã nói với các con mình trong những ngày khói lửa: “Hòa bình về, mẹ sẽ...”. Tưởng như chỉ cần có hòa bình thì mọi việc trên đời sẽ trở nên tốt đẹp với từng con người và với cả dân tộc. Chỉ cần có hòa bình là hạnh phúc và niềm vui sẽ đến.

Cuộc chiến tranh Việt Nam tàn khốc, đẫm máu, dai dẳng đã có một kết thúc có hậu hiếm thấy trong lịch sử chiến tranh. Chiến trường im tiếng súng trong một ngày. Cả một thành phố lớn bốn năm triệu dân, với bao nhiêu công trình xây dựng, nhà cửa san sát được bảo tồn gần như nguyên vẹn, dù rằng ở đó đã tập trung những lực lượng quân sự hùng mạnh bậc nhất của cả hai bên. Điều may mắn này đã xảy ra do nhiều nguyên nhân, nhưng sâu sắc và bao trùm hơn cả là tâm thế và nguyện vọng cháy bỏng của cả dân tộc muốn để lại đằng sau mọi sự hận thù để mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn của độc lập, tự do và hòa giải dân tộc. Như câu hát của Văn Cao, nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng viết trong những ngày hòa bình đầu tiên: “Từ đây người biết yêu người”, nhưng trong đời sống thực thì mọi diễn biến lại phức tạp, quanh co và chậm chạp hơn nhiều.

Việc tiếp thu và quản lý Sài Gòn là một công việc to lớn và phức tạp. Đó chẳng những là đô thị lớn nhất Việt Nam với cả thế giới nổi và ngầm khét tiếng, mà còn là trung tâm quyền lực và sức mạnh của chính quyền đối phương, với hàng triệu binh lính và nhân viên chính quyền cũ rã ngũ tại chỗ, điểm đến của hàng triệu người địa phương khác trôi dạt về sau mấy tháng chiến sự trên toàn miền. Chính quyền mới với một lực lượng mạnh cán bộ cốt cán ở cơ sở đã có từ trước, nay được bổ sung từ những nguồn khác nhau đã giải quyết khá thành công trên những nét lớn việc duy trì trật tự trị an và hàng loạt vấn đề của cuộc sống đô thị.

Nhìn các em học sinh, sinh viên tay mang băng đỏ làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự, tôi nhớ tới một thời chưa xa lắm, ở tuổi các em, tôi cũng hăng hái đi lao động công ích, vui sướng tham gia bất cứ hoạt động nào làm cho xã hội đẹp hơn lên.

Nơi nơi rộn ràng những cuộc mít tinh chào mừng đất nước thống nhất, trống giong, cờ mở, những bài hát cách mạng vang lên sôi nổi. Nhưng cùng với niềm vui hòa bình thống nhất, thì những nỗi lo sợ mới đã sớm len lỏi đến với nhiều gia đình.

Ngay từ ngày thứ hai sau giải phóng, chính quyền đã yêu cầu tất cả quân nhân và nhân viên chính quyền cũ ra trình diện. Đây là điều không thể không làm để bảo đảm an ninh chính trị và trật tự xã hội. Nhưng làm như thế nào cho tốt lại là việc không dễ. Mấy chục năm sống trong chế độ cũ ở Sài Gòn cũng như cả miền Nam, rất nhiều người mưu sinh bằng công việc trong bộ máy của chính quyền cũ, nhiều gia đình có người bị bắt lính, cầm súng ở phía bên kia. Trừ một số ít, rất ít có thái độ thù địch với chính quyền mới, còn đa số mong mỏi và chờ đợi một sự đối xử bao dung trong tình đồng bào để họ có thể bắt đầu một cuộc sống mới, làm người dân của một nước độc lập.

Tôi có những người chú là em bà con của ba tôi, dù có đủ điều kiện để ra đi nhưng đã chọn con đường ở lại. Tôi chưa kịp đến thăm thì các chú đã phải mang túi “đi cải tạo” dài ngày.

Một số cơ sở nội thành của tôi cũng rơi vào tình thế tương tự.

Tôi vừa buồn, vừa hổ thẹn vì có lần đã an ủi họ về một viễn cảnh tốt đẹp hơn, đã hứa hẹn giúp đỡ khi họ đến cầu cứu. Tôi bị những người thân trách móc, có phần oan uổng, nhưng nghĩ cho cùng thì cũng “đáng đời”. Nói gì mặc lòng, trong mắt họ tôi vẫn là người của chính quyền mới.

Trong gia đình tôi cũng lẫn lộn vui buồn. Vui vì thắng lợi và hòa bình, vui vì anh và các em tôi lần lượt trở về: Tuyết và vợ chồng của Quế, các dì Hoàng, Cúc, Mai, các em Sĩ, Dũng từ chiến khu ra, Minh từ trại đào binh, vợ chồng anh Tuấn, Lyly từ miền Bắc về.

Nhưng mẹ tôi thì hoàn toàn không có tin tức.

Ông bà tôi vui sum họp với các cháu, vẫn canh cánh nhớ thương người con gái duy nhất không về. Tuổi già lại thêm nhiều mối lo buồn, nghĩ ngợi.

Ngân hàng nơi ông bà đã gởi toàn bộ tài sản giành dụm mấy mươi năm đã bị đóng cửa. Rạp hát Minh Hiển nhiều năm là địa điểm hội họp của cán bộ kháng chiến nay bị xem là nơi chứa “hoạt động đồi trụy” đã bị tịch thu. Những đồng tiền mặt ít ỏi còn giữ được nhanh chóng vơi dần.

Ông ngoại chép miệng: “Làm sao đây, tiền múc từ trong tô ra, không bao lâu sẽ cạn thôi!”

Chúng tôi đứa từ nhà tù ra, đứa ở rừng về, không một đồng lận túi. Hai lần nhà nước đổi tiền, tôi không có đến một đồng để mang đổi. Tôi không biết làm gì để ông bà ngoại yên lòng.

Ngặt nghèo quá, tôi quyết định đến ngân hàng. Người quản lý là bạn cũ của ba mẹ tôi nại lý do bận để từ chối tiếp tôi. Trong cơn giận, tôi phải thốt lên:“Nếu như bán được chính mình để có tiền nuôi ông bà thì tôi đâu có đến đây cầu cứu các người”. Đến lúc đó người ta mới bảo tôi “làm đơn trình bày hoàn cảnh”.

Kết quả là ông bà ngoại nhận được ba ngàn đồng trong số tài khoản gấp ngàn lần hơn của ông bà có trong ngân hàng!

Tôi đau đớn nhìn ông bà sống trong nỗi lo đói kém.

Có ai đó khuyên ông bà ngoại đóng cửa tiệm bánh đề tránh bị quy thành phần tư sản. Tiệm bánh đóng của, mấy chục người từ bao năm làm ở tiệm bỗng chốc chơ vơ, mất nguồn kiếm sống. Tất cả đành trở về quê, mà ở quê những ngày này cũng đâu có yên ổn gì. Xáo động, chia lìa đã diễn ra trong mỗi gia đình thì làm sao có được trọn vẹn niềm vui thống nhất đất nước?

Người ta đã nói và viết nhiều về công cuộc “cải tạo công thương nghiệp” theo cách làm ở miền Bắc sau 1954. Trong những người bị “cải tạo” có nhiều người đã từng hết lòng giúp đỡ kháng chiến, tham gia những hoạt động công khai, vận động đồng bào biểu tình chống Mỹ trong cái thành phố dày đặc công an cảnh sát đối phương. Nhiều người đã từng mở cửa đón tôi khi tôi còn sống trong bí mật.

Cổ tôi nghẹn đắng trước câu hỏi của họ lúc này về sự đối xử của chính quyền cách mạng.

Chính tôi cũng không tránh khỏi những nỗi nhọc nhằn, khổ tâm riêng. Tôi phải đi học một lớp có tên gọi rất hay là “Lớp chiến thắng” giành cho những cán bộ bị chế độ cũ bắt tù. Mục đích chính là để kiểm tra tinh thần, thái độ và việc làm trong tù của những người này, để xử lý kỷ luật nếu cần và bố trí công việc sắp tới cho họ.

Nhà tù của đối phương là nơi thử thách quyết liệt ý chí và tinh thần con người. Không phải ai cũng vượt qua được những đòn tra tấn, những thủ đoạn dụ dỗ, những sức ép tinh thần và vật chất khủng khiếp trong tù. Làm rõ trắng đen là cần thiết nhưng có hai điều làm tôi băn khoăn về cách làm. Những người chủ trì “lớp học” phần đông chưa từng qua một ngày ở tù, chưa từng bị một lần tra tấn, làm sao có thể hình dung cho được những gì người tù đã chịu đựng, những hoàn cảnh đẩy người ta chọn một cách ứng xử, thậm chí phải khai báo ít nhiều? Liệu việc xét kỷ luật có đảm bảo chính xác không nếu chỉ dựa vào kiểm điểm của đương sự không được kiểm tra đầy đủ hoặc khi tài liệu đã bị thủ tiêu? Có khi kẻ dối trá vẫn được xem là trung kiên, người trung thực kiểm điểm sẽ gánh chịu tội lỗi bởi sự thật thà của họ.

Người ta có hàng trăm lý do để nghi ngại về trường hợp của tôi. Họ nghĩ rằng một phụ nữ trẻ, có nhan sắc, trí thức, không thuộc thành phần cơ bản thì khó mà đứng vững được trong nhà tù đối phương. Khai báo, phản bội là cái chắc. Cả những người thân trong nhà cũng nửa tin nửa ngờ, kể chi người ngoài.

Chú Ba Ngộ khi tiếp quản Tổng Nha Cảnh sát đã khóc vì xúc động khi trực tiếp đọc hồ sơ của tôi do đối phương lập. Chú gọi điện về cơ quan tôi, nói: “Tố Nga nó tốt lắm, đừng có hành nó nữa”.

Vậy mà đâu phải ai cũng tin. Thử thách vẫn tiếp tục đến.

Tôi trở về cơ quan của Ban Trí vận Mặt trận lúc bấy giờ đặt trụ sở tại Hội Việt Mỹ cũ, chỉ được giao việc ngồi phòng thường trực hàng ngày, tiếp người đến trình diện.

Lúc đầu, tôi thấy việc này cũng cần vì đa phần người đến là cơ sở cũ, tôi biết họ rõ hơn nhiều người khác. Nhưng rồi, khi cơ sở đã trình diện đủ, sao tôi vẫn cứ ngồi gác cổng?

Tôi hiểu rằng còn cần kiểm tra thời gian ở tù của tôi! Chẳng lẽ sự an toàn của tất cả những ai có liên hệ với tôi sau khi tôi bị bắt giam không phải là bằng chứng xác đáng nhất về việc giữ khí tiết của tôi trong nhà tù đối phương sao? Tôi đau xót và cũng tự trào cái ngây thơ muôn thuở, cứ nghĩ rằng khi ra khỏi tù, tôi sẽ được ngẩng cao đầu, được khen vì đã giữ vững tinh thần, đã chiến đấu và đã chiến thắng.

Chú ba Trực, Phó ban Quân quản, người đã nhận từ tay tôi chuyển 100.000 đồng của tổ chức khi trước, hiểu hoàn cảnh của tôi. Biết rằng, dù ở Ban Trí vận tôi có những người thân có chức trách cao (2), tôi vẫn khó làm việc do thiếu sự tin cậy, chú xin tôi về Ủy ban Quân quản Thành phố làm việc ở bộ phận tiếp dân.

Công việc mới cho phép tôi tiếp xúc với nhiều người, chứng kiến nhiều việc không vui diễn ra tại thành phố mới giải phóng vừa được đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh. Tôi đã thấy người dân hốt hoảng đến nhờ can thiệp vì số tiền ít ỏi được đổi theo “tiêu chuẩn” bị giữ lại một phần mà không có lý do. Tôi đã thấy người ta đi “tiếp quản các cơ quan cũ” khuân đồ đạc về làm của riêng. Tôi đến cơ quan công an, nơi trước kia là Tổng Nha cảnh sát, yêu cầu họ trả lại chiếc xe bị tịch thu khi bị bắt thì xe đã bị sung công một cách khó hiểu! Sao lại sung công chiếc xe mà chủ nó là tù chính trị danh tánh đầy đủ, đàng hoàng? Không ai trả lời câu hỏi của tôi. “Không tìm thấy là không tìm thấy”. Mãi sau tôi mới được trả lại chiếc xe cũng từ một chuyện tình cờ.

Có những người muốn tặng tôi nhà cửa, xe cộ, áo quần, tiền vàng để cám ơn tôi đã bảo vệ họ khi tôi bị bắt, hoặc muốn nhờ tôi việc gì đó. Tôi từ chối và cay đắng nhận ra rằng, trong con mắt của nhiều người dân thành phố này, cán bộ cách mạng có thể bị sai khiến bằng tiền. Liệu tôi có ngây thơ quá không khi vẫn tin rằng khẩu hiệu “không lấy cấy kim sợi chỉ của dân” vẫn còn giá trị?

Sài Gòn luôn là một thành phố của lực lượng cách mạng. Nhưng đâu phải ai cũng hiểu sâu sắc điều đó, nhất là những ai chỉ mới đến đây sau 30 tháng tư, những người chưa từng biết những hoạt động cách mạng nội đô, chưa từng qua những đêm không ngủ của sinh viên, chưa từng chứng kiến những cảnh đốt xe Mỹ. Thêm nữa, họ còn bị nhồi nhét vào đầu tinh thần “cảnh giác cách mạng” quá khích cộng với sự kiêu ngạo vô lối của kẻ thắng trận, nên đã gây nên nhiều điều đáng tiếc.

Một tối, đi ngang qua Ủy ban Quân quản tôi thấy một đám đông năm sáu bộ đội đang quây một người thanh niên. Họ đổ riệt cho anh này định cướp súng của họ, chỉ vì anh thanh niên vô tình chạm vào người một anh bộ đội. Anh thanh niên vừa sợ hãi, vừa tìm cách giải thích, nhưng tội của anh đã định, anh có ý định “phá hoại cách mạng”. Những người dân đứng vây quanh cảm thấy bất bình nhưng không ai dám lên tiếng. Thấy vô lý, tôi tiến đến gần, nhẹ nhàng nói: “Trước tiên, bộ đội không được dọa nạt dân. Anh này không có lý gì một mình dám cướp súng của sáu người các anh giữa lòng cái thành phố mới gần đây còn đầy nhóc súng đạn ném lại trên đường phố”.

Mấy anh bộ đội quay mũi súng về phía tôi, nhìn tôi từ đầu đến chân, thấy tôi không mặc quần đen áo bà ba, nghĩ rằng tôi chỉ là một người dân thường, nạt lớn:

– Đồ phản động! chị dám bênh họ, tôi bắn chị luôn!

Tôi không biết là với những “chú trống choai này” thì sự việc có thể bị đẩy đi đến đâu, nếu không có một toán cảnh sát quân sự đi tới, nếu không có những người trong cơ quan Ủy ban Quân quản chạy ra cho họ biết tôi là cán bộ của Ủy ban. Có lẽ những người lính trẻ, theo tuyên truyền, chỉ nhìn thấy ở những người dân thành phố một cái gì đó mà họ phải cảnh giác và sẵn sàng trấn áp. Họ không thể nghĩ rằng người thanh niên kia rất có thể đã từng tham gia đấu tranh chống đối chính quyền Sài Gòn, đốt xe Mỹ và từng bị đàn áp khốc liệt khi chưa có họ ở đây.

Mấy người lính đó cuối cùng cũng bị cấp trên của họ khiển trách. Nhưng có lẽ lỗi chỉ một phần ở họ. Lỗi chính là những người chỉ huy và lãnh đạo họ đã không chuẩn bị cho họ có nhận thức và hành động đúng đắn ở một địa phương như thành phố này.

Có lẽ không ở đâu trên trái đất có một cuộc chiến tranh giống như chiến tranh Việt Nam. Trong mấy chục năm chiến tranh khốc liệt rất nhiều gia đình Việt Nam có các thành viên đứng ở hai phía đối lập. Nếu có một sự quả đoán trong chính sách, đủ mức bao dung hòa giải toàn dân tộc thì vết thương chia rẽ, hận thù sẽ mau chóng được hàn gắn. Bảy thế kỷ trước cha ông ta đã từng làm như vậy. Sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông, các vua Trần đã rộng lòng khoan dung, tha thứ, lệnh cho đốt các thư từ giao dịch của những quan chức đã đầu hàng quân xâm lược, nhằm cố kết khối đoàn kết toàn dân đối phó với kẻ địch bên ngoài.

Công bằng mà nói, ý tưởng khoan dung, hòa giải cũng đã được một số người có trách nhiệm đề xuất, nhưng đã không được khẳng định và theo đuổi. Một phần cũng do những mưu đồ thâm hiểm của một thế lực ngoại bang đã dần hiển hiện. Khmer Đỏ đã tiến hành chiến tranh chiếm đảo, xâm phạm các biên giới Tây Nam, tàn sát dã man đồng bào ta, và ở biên giới phía Bắc thì không khí căng thẳng đang nóng lên từng ngày.

Nỗi buồn và nỗi giận của tôi cứ âm ỉ, nhiều ngày sau vẫn không vơi đi được.

Ủy ban Quân quản hết vai trò, cơ quan tôi đổi tên thành Ủy ban Nhân dân Cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh. Trong thời gian này, những người tập kết từ miền Bắc về làm việc ở Ủy ban Nhân dân ngày càng đông.

Khi hành quân trên đường Trường Sơn bom đạn, cũng như bao người bám trụ hàng chục năm trên mảnh đất này, chúng tôi không nề gian khổ, không sợ hy sinh, không bao giờ tưởng tượng ra cái cảnh sau chiến thắng, người ta sẽ tranh chấp nhau từng chỗ ngồi, từng mối lợi. Sao có thể đang tâm làm như vậy, khi bao nhiêu đồng đội ngã xuống vẫn chưa có một nấm mồ, khi mùi thuốc súng chưa bay hết, khi vết thương chiến tranh vẫn đang rỉ máu hàng ngày.

Hình như người ta cũng định dành cho tôi một chức vụ gì đó, nhưng tôi cảm thấy sợ và thất vọng. Tôi muốn đi khỏi nơi này.


Tôi làm cô giáo


Khi không nhận quyết định đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài năm 1965, tôi đã nói với cô Lý Ngọc Kiều, cán bộ tổ chức của Bộ Giáo dục: “Bây giờ tôi xin được đi B. Khi chiến tranh kết thúc, hòa bình trở lại, xin cho tôi nhận lại quyết định cử đi học”.

Tôi tìm gặp cô nhắc lại điều đó. Cô Kiều bảo tôi: “Nga ơi, cháu còn sống, nhưng bao nhiêu bạn của cháu đã nằm xuống. Lúc này, đất nước cần cháu làm việc hơn là đi học, lẽ nào cháu lại quên nghĩa vụ với các bạn đã hy sinh?”

Tôi muốn hỏi cô rằng, chẳng lẽ cô thật bụng nghĩ như vậy sao? Chính vì luôn luôn nghĩ tới các đồng đội đã hy sinh mà tôi muốn mình có kiến thức cao hơn, để ráng làm thêm phần nào công việc họ để lại, tôi muốn trở nên có ích cho đất nước hơn. Nhưng tôi không nói gì, im lặng ra về.

Chuyện đi học bị gác lại, nhưng tôi không muốn về báo Sài Gòn Giải Phóng làm phóng viên, cũng không muốn về lại Thông tấn xã, cơ quan cũ. Tôi muốn quay lại trường đại học và phòng thí nghiệm.

Khi tôi đến Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xin được làm việc tại khoa Hóa thì gặp một người bạn cùng học trước kia. Anh ấy nói: “Cậu chỉ là một viên đá lót đường trong chiến tranh. Cậu đã rời xa khoa học lâu rồi, ở đây cậu không có chỗ đâu, bây giờ là thời kỳ của khoa học, là thời kỳ của chúng tớ”.

Tôi từ chối làm trưởng phòng hành chánh của trường Đại học Tổng hợp, quyết định về ngành Giáo dục.

Ngành Giáo dục sẵn sàng nhận, định giao cho tôi làm hiệu trưởng trường Taberd , một ngôi trường lớn của thành phố. Xét thấy mình không có kinh nghiệm, tôi không nhận việc này. Mượn một chiếc xe của Mặt trận Trí vận, tôi cùng anh Long và vài người bạn đi thăm một số trường nhỏ hơn. Cuối cùng tôi xin được điều về trường Regina Mundi – Nữ vương Thế giới, nằm trong hệ thống các trường công giáo thuộc Dòng Sainte Marie. Trường này đã hiến cho nhà nước, nhưng các xơ vẫn ở lại tiếp tục dạy học.

Nữ vương Thế giới là một ngôi trường nhỏ có ba cấp lớp với hơn 800 học sinh. Đội ngũ giáo viên ở đây có tinh thần trách nhiệm, có trình độ và có nghiệp vụ cao, nhất là trong việc dạy song ngữ.

Tôi đến trường vào một buổi sáng thứ hai. Trường đang chuẩn bị chào cờ đầu tuần, thầy và trò đều đang chờ tôi. Trong chiếc áo dài màu xanh ngọc, tôi đến trường bằng chiếc xe Honda mà công an cuối cùng đã trả lại. Thời ấy, còn ít cán bộ nữ đi xe Honda, nên giáo viên nhìn tôi thấy lạ lạ. Sau lời giới thiệu của cô hiệu phó, tôi chào mấy câu và mời mọi người lên lớp. Tôi nghe mấy xơ nói với nhau: “Chị này giống mình”. Tuy tôi mới chỉ được giáo viên nhận là “giống mình”, chứ chưa phải là “của mình”, nhưng như vậy cuộc “ra mắt” của tôi xem như thành công bước đầu.

Tôi chưa từng học sư phạm, cũng chưa một lần đứng lớp nên tự tôi xác định phải nỗ lực học từ đầu những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho một người hiệu trưởng: Quản lý hội đồng giáo viên, quản lý các bộ môn, lập chương trình, kế hoạch cho năm học, quản lý học sinh... Xây dựng chi bộ đảng, đoàn thanh niên, đội thiếu niên và chăm lo đời sống của giáo viên công nhân viên trong một thời kỳ thành phố rất khó khăn về vật chất cũng rất vất vả. Hiểu rõ tầm quan trọng của ngoại ngữ nên ngoài chương trình chính thức, tôi vẫn tiếp tục duy trì dạy song ngữ trong các lớp tiểu học. Việc này được cha mẹ học sinh tán thành, nhưng lại bị lãnh đạo Sở phê bình, cho rằng đó là “biểu hiện tiếc nuối chế độ cũ”, nên cuối cùng bị dẹp.

Dẹp bỏ dạy song ngữ làm cho đội ngũ giáo viên song ngữ phải chuyển đi các nơi. Sau này, tôi thấy nhiều trường dạy song ngữ được biểu dương. Cùng một việc mà mười năm trước bị phê phán thì bây giờ lại được đề cao! Tôi càng tiếc các giáo viên ngày ấy của trường tôi.

Khi nghĩ đến những tháng ngày đầu tiên làm hiệu trưởng, tôi thật lòng biết ơn các anh chị em giáo viên của trường, những người có tinh thần trách nhiệm cao, rất thành thạo chuyên môn nghiệp vụ, đã chân thành cộng tác, sẵn lòng thông cảm và khoan dung với cả những ấu trĩ của tôi.

Thành phố bắt đầu sống bằng tem phiếu, cơm độn bo bo, các bà mẹ nhiều lúc chỉ mong có được vài trăm gam thịt một tuần, xắt mỏng để chia đủ cho các con đang tuổi ăn, tuổi lớn trong nhà. Vậy mà có lúc tôi còn ngăn cản giáo viên bán đi số tem phiếu ít ỏi để chi dùng cho việc cần kíp hơn, với một lý do ngây thơ, rằng làm thế là “phụ lòng Đảng” (?)

Các thầy cô giáo phải bán dần những gì có trong nhà để sống qua ngày, nhưng không ai bỏ một buổi dạy. Có người ngày mai vượt biên, hôm nay vẫn lên bục giảng như thường lệ. Khác chăng chỉ là cái siết tay chặt hơn một chút chào đồng nghiệp sau buổi giảng cuối cùng.

Ngôi trường đã thuộc về nhà nước, nó không còn là của các xơ như trước, nhưng không phải vì thế mà các xơ kém yêu quý và gìn giữ nó. Một lần có một học sinh đóng đinh lên tường để treo biểu ngữ. Thấy vậy, xơ Agnès ngày thường vốn rất điềm tĩnh la to: “Không được đóng đinh!” Tôi ngạc nhiên trước thái độ khẩn trương của xơ. Xơ nói: “Nếu mỗi người đóng một cái đinh thì còn gì là tường nữa”.

Một xơ khác nói với tôi về nguyên tắc coi thi. Người coi thi không được ngồi mà phải đứng, đi lại, để không bị buồn ngủ và để học sinh đừng phạm lỗi vì sự lơ đãng của mình.

Những việc ấy tuy nhỏ, nhưng giúp tôi hiểu và quý trọng các nữ tu hơn.

Các chị, các anh cũng đã sẵn lòng tha thứ khi tôi không tự kiềm chế được những cơn nóng giận, có lẽ phần nào do hậu quả của những trận đòn tù. Anh Như Long, giáo viên Anh văn có lần đã thẳng thắn nói: “Làm phụ nữ mà nóng tính là xấu. Chị chịu khó kềm chế mình để tụi tôi có thể kính phục trọn vẹn người hiệu trưởng cách mạng như chị”.

Tôi cho xây một bếp ăn để giáo viên dạy hai buổi có thể ở lại, không phải đội nắng mưa đi về giữa chừng. Một nhà giữ trẻ cũng được lập ra để giữ các cháu bé, cho mẹ có thể yên tâm làm việc. Chúng tôi nhận đủ thứ công việc để giáo viên làm thêm như dệt chiếu, thêu giày, đan nón... có thêm thu nhập.

Sở Giáo dục đề nghị đổi tên trường. Tôi đưa các em học sinh về quê hương của Lê Thị Hồng Gấm, nữ anh hùng đã hy sinh ở tuổi 18 để các em suy nghĩ và tự quyết định, liệu có nên lấy tên chị đặt cho trường hay không. Kiến nghị của chúng tôi được chấp thuận, trường chúng tôi từ đó mang tên Lê Thị Hồng Gấm.

Trong hội nghị các hiệu trưởng tổ chức tại Hải Phòng, nhiều cán bộ của Bộ Giáo dục ngạc nhiên thấy một gương mặt hiệu trưởng trẻ đến từ thành phố Hồ Chí Minh. Sau hội nghị, Bộ cử một đoàn cán bộ về thăm trường tôi. Vụ trưởng Vụ Phổ thông tiên đoán rằng tôi sẽ gặp khó khăn. Hỏi tại sao, anh chỉ nói: “Vì cô thật thà, vô tư quá.”

Vào lúc đó, tôi chưa hiểu hết điều anh nói.

Qua hai năm xây dựng trường, càng ngày chúng tôi càng hiểu nhau hơn, chân thành đoàn kết, yêu thương nhau, không phân biệt mới cũ, làm tất cả mọi việc vì học sinh thân yêu. Trường chúng tôi được biết đến như một ngôi trường nhỏ mà tốt, được xếp hạng là trường tiên tiến của thành phố. Chủ tịch thành phố Võ Văn Kiệt đến thăm trường, nhắc tôi không được quên người mẹ đã hy sinh, ráng xây dựng trường ngày một tốt hơn.

Rồi điều tiên đoán của người vụ trưởng nọ dần trở thành hiện thực. Khó khăn và thị phi ập đến với tôi.

Bắt đầu bằng một loạt tin đồn rằng tôi là người do Mỹ gài lại cho kế hoạch hậu chiến nên đã được ngụy tạo một hồ sơ tù quá tốt; rằng tôi không có lập trường giai cấp khi để cho một người tư sản làm hội trưởng hội cha mẹ học sinh của trường; tệ hơn nữa, tôi dùng nhan sắc để lung lạc mọi người nên không có nghiệp vụ giáo dục mà vẫn được Sở đánh giá là hiệu trưởng giỏi...

Mối nghi ngờ bất công đó vẫn đeo đẳng trong đầu của một số người, trong đó có những người của Sở Giáo dục. Kể cả khi tôi đã có trong tay bản sao nguyên văn hồ sơ ở tù, minh chứng cho sự trong sạch của mình. Buồn trong lòng, nhưng tôi không để công việc bị ảnh hưởng. Giáo viên, học sinh cả trường đang nhìn vào tôi, như một điểm nhìn để đánh giá chế độ mới.

Trong một buổi kiểm điểm, ông Lê Quang Vịnh, giám đốc Sở Giáo dục, đã thốt lên rằng ông: “Tôi ân hận đã để đồng chí mình chịu tiếng oan quá lâu”. Bạn tôi có người nói: “Tao mà là mày chắc tao tự tử rồi”. Câu nói này, tôi còn nghe thêm nhiều lần nữa trong những trường hợp oan trái khác.

Nhưng tôi đã chịu đựng được, đã đứng vững. So với những tháng ở tù thì sự chịu đựng này có khía cạnh nghiệt ngã hơn vì nó do những người đồng chí gây ra cho tôi.

Tôi được quyết định chuyển qua trường Marie Curie dù tôi vẫn muốn ở lại trường Lê Thị Hồng Gấm.

Thế là tôi trở về ngôi trường mà hơn ba mươi năm trước, lần đầu tiên tôi bước vào khi còn là một cô bé bảy tuổi, còn bú ngón tay cái.

Marie Curie là ngôi trường duy nhất ở Sài Gòn giữ được tên cũ. Tôi bồi hồi nhìn lại ngôi trường thân yêu. Vẫn hàng cây cao su đó với những vết cạo mủ nay đã thành những khối u trên thân. Vẫn những dãy lớp học, nơi tôi lần lượt qua tiểu học rồi trung học, những phòng thí nghiệm xưa kia đầy đủ vật dụng để làm những thí nghiệm lớn. Vẫn hai cái sân rộng lớn nơi tôi đã từng chơi banh tù với các bạn.

Marie Curie là một trường phổ thông trung học lớn, có bề dày lịch sử gần một thế kỷ, được xây dựng khá hoàn chỉnh theo phong cách giáo dục của Pháp. Thời kỳ tôi tôi làm hiệu trưởng ở đây, có lúc học sinh trường lên đến hơn ba ngàn em với hơn 50 lớp. Tập thể giáo viên hơn 100 người, gồm nhiều thầy cô giáo rất giỏi, đã vượt qua những khó khăn thiếu thốn về vật chất và tinh thần để làm tròn trách nhiệm của người thầy. Tôi biết có những giáo viên bụng đói đứng lớp.

Tôi thường nhớ lại chuyện chúng tôi đã thực hiện chủ trương của Sở về việc tổ chức lao động chân tay hằng tháng cho giáo viên. Giáo viên không ai phản đối ra lời, nhưng tôi thấy những buổi lao động như vậy chẳng có ý nghĩa gì đối với các thầy cô. Không có chúng thì họ cũng đã cực lắm rồi. Nhưng không thể không chấp hành chủ trương của Sở. Tôi nảy ra một “sáng kiến” tổ chức trồng khoai trên mảnh đất sau trường. Cuốc xới, đào bới một mảnh đất cằn cỗi, đầy sỏi đá như mảnh đất này với tôi là việc đã quen, nhưng với các giáo viên thì quả tình rất cực, nhất là trong điều kiện ăn uống thiếu thốn, cơm độn bo bo không đủ no. Nhưng rồi chúng tôi cũng lên được luống, cũng cắm được dây khoai và giao lại các bác lao công chăm bón tiếp.

Sự nghiệp lao động chân tay của chúng tôi dừng tại đó, Sở cũng chưa bao giờ yêu cầu tổng kết phong trào giáo viên làm lao động.

Làm theo Makarenko, nhà sư phạm Nga nổi tiếng một thời, tôi rất quan tâm việc tổ chức “sinh hoạt ngoại khóa” cho học sinh, như sinh hoạt “Ngọn cờ trên tháp” có trống, có kèn, có những nghi thức hấp dẫn cho tuổi trẻ thời đó. Không quản những khó khăn vật chất, chúng tôi thường xuyên tổ chức cho học sinh đi dã ngoại xa thành phố, tổ chức những đêm đốt lửa trại toàn trường. Những hoạt động đó làm cho học sinh thêm gắn bó với trường, thêm thương yêu nhau và cố gắng học tập đàng hoàng. Nhiều năm sau, lớp học sinh ngày đó đã là những ông bố bà mẹ tròm trèm ngũ tuần nhưng vẫn gắn bó với nhau, vẫn tưng bừng nhắc lại những kỷ niệm đời học trò Marie Curie năm nào.

Vẫn còn đây những bác lao công làm việc từ khi tôi còn là học sinh mới bước chân vào trường này. Tôi luôn biết ơn các bác, những người bảo vệ trung thành, tận tụy nhất của ngôi trường, đã giành cho tôi những tình cảm chân thật, thủy chung, luôn đứng bên tôi trong những lúc gian nan, cơ cực.

Khi đến thăm trường, ông Tổng bí thư Lê Duẩn rất hài lòng khi thấy mấy nghìn thầy trò trường này, giữa trưa nắng chang chang vẫn kiên trì nghe ông dặn dò và đồng thanh “vâng” rất to theo hiệu của cô hiệu trưởng.

Năm 2018 trường Marie Curie sẽ tròn 100 tuổi. Từ mấy năm nay, các thế hệ thầy trò Marie Curie đã náo nức chuẩn bị một chương trình hoạt động kỷ niệm rất phong phú, nhiều ý nghĩa và rất “Marie Curie”. Chúng tôi háo hức hẹn hò với nhau, dù gì thì cũng không ai vắng mặt trong ngày đó.

Ngày ấy, tôi sẽ xin với nhà trường và các thầy cô giáo nhường cho cô “hiệu trưởng đánh trống đẹp” năm xưa vinh dự được đánh trống trường. Và nếu được Ban giám hiệu đồng ý, cô trò chúng tôi sẽ chế tạo một trái banh bằng mủ các cây cao su trong sân trường, để gởi tặng trường, như một kỷ niệm về lứa học trò trên sáu mươi năm trước.


danhtrong




Chú thích của Diễn Đàn :


(1) Bà Nguyễn Thị Tú, liệt sĩ.

(2) Lúc này (cũng như trong suốt thời gian chiến tranh) Ban trí vận do ông Tạ Bá Tòng (cha dượng của tác giả) phụ trách. Ít lâu sau đó, ông bị thuyên chuyển về nông trường Lê Minh Xuân, trước khi bị chế độ mới giam tù gần một năm (1991-1992, ông bị bắt khi chính quyền đàn áp Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến mà ông là một lãnh đạo chủ chốt).


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss