Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Dương Tường - huân chương văn hoá Pháp

Dương Tường - huân chương văn hoá Pháp

- Châu Diên — published 05/01/2009 01:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19

“Lạ sao chuyện mặt trời khuất” *


CHÂU DIÊN 


Đầu năm, đúng ngày 16 tháng 1 năm 2009, Dương Tường được mời đến sứ quán Cộng hòa Pháp tại Hà Nội để nhận “Huân chương Văn học Nghệ thuật bậc Hai”, cùng là khách mời có vợ là Nguyễn Thị Trinh, và con trai con gái con dâu con rể. Đóng bộ áo quần vào, nom Dương Tường hệt một cậu học trò Hà Nội thời xưa. Chưa hết, vợ rồi con rồi cháu vẫn còn chưa yên tâm, còn sửa sang tóc tai cho. Chú học trò ngoan ngoãn để cho “người lớn” nắn nót…

… Và nếu bạn từng thấy Dương Tường hồi đã bốn năm chục tuổi đầu, thấy mẹ ăn phở cũng sà vào “em một miếng”, thì bạn sẽ hiểu “định kiến đẹp đẽ” này của tôi: suốt đời Dương Tường chỉ là đứa trẻ, lúc nào cũng ngơ ngác như trong thơ Philippe Souppault, “Lạ sao sự lạ trên đời / lạ sao chuyện mặt trời khuất” (“Singulière singulière histoire / histoire du soleil couchant”).


DT

Dương Tường, Nimes 11.2008

Hôm nay, một sự kiện xác nhận Dương Tường thành người của công chúng. Một vị trí “bỗng dưng” được tạo ra, không một chút cố gắng từ phía công chúng đã đành, với Dương Tường cũng vậy, hoàn toàn không có lấy một tí gì gọi là gắng sức. Bảy mươi bảy tuổi, từng đi bộ đội, rồi làm báo Thông Tấn Xã, rồi dịch cơ man tài liệu về tội ác chiến tranh Mỹ ở Việt Nam, vậy mà lại có trong hành trang chừng dăm chục tác phẩm dịch, vẫn có dăm ba tập thơ mà mỗi tập là một cách tân, “tình cờ” cũng lại có cả một tập tiểu luận văn chương nghệ thuật, chưa hết, bạn bè ới một cái là đi chơi, đang ở Hà Nội có bạn rủ vào tận Hội An họp mặt các nhà thơ trẻ cũng đi, … lấy đâu ra năng lượng cho một con người ấy, với một quỹ thời gian hữu hạn như mọi người, vẫn làm được chừng ấy công việc? Một nhà sư phạm sẽ nói, hắn lao động như con trẻ chơi nhong nhong với cây gậy, chơi ẵm em với mớ giẻ bỏ đi… chơi suốt ngày không mệt, chỉ vì đứa trẻ hoạt động vô lo vô lự, làm mà như chơi, đơn giản thế thôi.

Hình như ông đại sứ cộng hòa Pháp tại Hà Nội cũng biết, long trọng đến đâu thì Dương Tường cũng chỉ có thể sống trong sự long trọng thân tình. Trước dăm chục quan khách, ông đại sứ Hervé Bolot giới thiệu người sẽ nhận huân chương, nhưng cách ông nói lại như thể đang trò chuyện cùng đương sự. “Ông từng là dịch giả?... là nhà thơ, phóng viên? … là nhà phê bình nghệ thuật, sân khấu, văn học, âm nhạc, điện ảnh? Thành tích chủ yếu là dịch phẩm, nhưng ông đại sứ dừng lại lâu với phần Dương Tường thơ: “Ông đã công bố “36 bài thơ tình”, “Đàn – Thơ thị giác”, “Mea Culpa – xưng tội – và các bài thơ khác”…?

Nói cho thật đúng, Dương Tường không chỉ đóng góp riêng cho sự kiến tạo chỉ một cây cầu nối hai nền văn hóa Pháp – Việt.

Hà Nội còn có Viện Goethe của Cộng hòa Liên bang Đức, cũng là một cầu nối văn hóa Đức – Việt Nam. Trong hoạt động của Viện này, khi cần tung ra cuốn sách có trọng lượng đầu tiên, người ta nghĩ đến nhà văn Đức giải Nobel Gunter Grass, và đã có ngay một Cái trống thiếc dịch qua tiếng Anh của Dương Tường.

Cũng ở Viện Goethe này, khi cần giới thiệu các nhà văn Việt Nam đương thời một cách có hệ thống, người ta lại mời Dương Tường mở đầu, và Dương Tường cũng chính là người đủ tư cách nhất để giới thiệu Bùi Ngọc Tấn bạn mình. Ngắn gọn súc tích như một nhà thơ – cũng chẳng “như là” gì hết, đó chính là một nhà thơ – nhà thơ Dương Tường đã giới thiệu bạn mình và đưa ra một định nghĩa không còn gì chắt lọc hơn, nhưng lại là một thứ chắt lọc của tình thơ và lý thơ:

Người đầu tiên nhận lời tham gia sinh hoạt này là nhà văn Bùi Ngọc Tấn đến từ thành phố cảng Hải Phòng. Nếu hạnh phúc là tổng hoà của những vui sướng và đau khổ, tủi nhục và an ủi, hy vọng và tuyệt vọng, hạnh ngộ và bất hạnh, cũng như ký ức không phai nhạt về tất cả những trải nghiệm ấy, thì Bùi Ngọc Tấn có thể coi là một người hạnh phúc. Tôi thì tôi ưng gọi Bùi Ngọc Tấn là người chưng cất nỗi đau thành hy vọng.”

Hà Nội cũng có Hội đồng Anh và cũng có cơ quan văn hóa Hoa Kỳ. Thế nhưng, ngay từ ngày đầu trước khi các tổ chức này được thành lập, thì đã có một Dương Tường vô tư như một nhà thơ, lặng lẽ chơi với chữ nghĩa như một bé ngoan của chữ nghĩa – nhà phê bình Đặng Tiến từ Orléans sẽ đặt tên Dương Tường là “Kẻ Chữ”, nhang nhác tiếng ta gọi “Kẻ Sĩ”– để sau này cùng nhiều dịch giả khác tạo ra một Tuyển tập Shakespeare cho Việt Nam, cùng với Đồi gió hú (của Emily Bronte, Anh), lại còn có cả Cuốn theo chiều gió (Margaret Mitchell, Mỹ) và Cội rễ (của Alexx Haley, Mỹ), và để có được cả những đêm diễn Shakespeare song ngữ trên đất Mỹ, đó mới chỉ kể ra vài thí dụ.

Lần theo con đường đó, hẳn ta sẽ còn thấy có mặt Dương Tường trong việc dịch và giới thiệu Alexis Zorba (của Nikos Kazanzakis, Hy Lạp), Đất Dữ (của Jorge Amado, Brazil), Anna Karenina (của Lev Tolstoi, Nga), Thư của người đàn bà không quen biết (của Stefan Zweig, Áo)… Mà này, những người Hungary, những người Do Thái, những người của Loài Người, hẳn cũng phải xúc động khi đọc Dương Tường dịch Imre Kertecz nhà văn sống sót khỏi lò thiêu người và sau này được giải văn chương Nobel, được nghe những tiếng gào mà chỉ một nhà thơ sẵn lòng như một Nguyễn Du khéo dư nước mắt khóc người đời xưa mới cảm thông ngay lập tức bật ra những lời phẫn nộ này:

Không!” – tôi sẽ không bao giờ có thể là cha, là định mệnh, là thượng đế của một kẻ khác,

Không!” – không bao giờ có thể để xẩy đến với một đứa trẻ khác những gì đã xẩy đến với tôi trong thời thơ ấu của tôi,

Không!”

Đóng góp của Dương Tường như vậy là không chỉ dừng lại ở một cầu nối văn hóa Pháp – Việt Nam. Thế mà, nước Pháp lại trao tặng cho Dương Tường Huân chương Văn học Nghệ thuật bậc Hai, đó là điều ngẫm nghĩ kỹ mới thấy thật là thi vị.

Nước Pháp đã trao tặng cho Dương Tường huân chương, và trong lời đáp từ gọn nhẹ, nhà thơ Việt Nam bảy mươi bẩy tuổi này, người tự biết rõ “lý sự không phải thế mạnh của tôi”, đã thú nhận rằng:

Cả đời, tôi được nuôi dưỡng bằng nền văn hóa Pháp.”

Nền văn hóa đó đã đến với Dương Tường như thế náy:

Ngay từ buổi thiếu thời, chính những lý tưởng tự do và dân chủ được Jean-Jacques Rousseau tuyên ngôn đã đưa tôi đến với cuộc Cách mạng Tháng tám giải phóng dân tộc tôi khỏi ách thực dân Pháp.

Và đúng như Dương Tường tâm sự,

Năm 1949, tôi đã lên đường chiến đấu chống quân xâm lược Pháp mà trong ba-lô đeo vai có cuốn từ điển ngôn ngữ Pháp cùng tập thơ “Con Tàu Say” của Arthur Rimbaud”.

Nói đến chống Pháp giữa một buổi ăn tối long trọng của các đại sứ Pháp ngữ có mặt ở Hà Nội chứng kiến việc trao huân chương cho Dương Tường, vậy mà điều đó không hề gây sốc cho ai hết! Tấm huân chương gắn cho Dương Tường hôm nay càng thể hiện cái tinh thần độ lượng và cách hành xử cao cả hết sức tiêu biểu cho nền văn hóa Pháp như thế.

Và nó cũng xác nhận cả điều này: cái tinh thần chiến đấu của một nền văn hóa Pháp hiền lành đã đưa Dương Tường đến những cuộc chiến đấu xa hơn, cao hơn, dai dẳng hơn là chỉ một cuộc chiến đấu chống xâm lăng.

Nó xác nhận rằng, việc thấm nhuần tinh thần văn hóa và ngôn ngữ Pháp đã giúp Dương Tường hiểu kỹ hơn tiếng Anh và cả tiếng mẹ đẻ của nhà thơ.

Nó xác nhận rằng, nhà trường Pháp đã trao vào tay nhà thơ Dương Tường một ngôn ngữ để chuyển những tinh hoa văn chương Pháp đến bạn đọc Việt Nam, không chỉ có vậy, tiếng Pháp còn là cầu nối giúp Dương Tường chuyển văn hóa thế giới đến bạn đọc đồng bào mình: ta chớ nên quên Dương Tường đưa tiểu thuyết Nga cũng như Brazil cũng như Hy Lạp và Áo vào Việt Nam bằng ngôn ngữ Pháp.

Nó xác nhận rằng, những hoạt động hồn nhiên, vô tư mà đầy tác dụng văn hóa trong những cuộc giao lưu mà đêm thơ - sắp đặt - trình diễn Le soir est tout soupirs với Bảy mươi ba cái cối đá là một điển hình tiêu biểu không thể nào quên cho những ai từng sinh hoạt tại trung tâm L’Espace ở Hà Nội.

Và ta sẽ hiểu vì sao trong bài diễn từ ngắn đọc trong đêm trao phần thưởng, Dương Tường đã kết thúc

Vâng, vinh dự này cho tôi phần lớn là nhờ các nhà tư tưởng lỗi lạc của Pháp.

Cho tôi được gửi đến các vị đó, đến nền văn hóa Pháp, tấm lòng biết ơn sâu xa của tôi”.   

Châu Diên

Hà Nội, 17-01-2009


* Bài viết theo đề nghị của báo Carnets du Việt Nam, tác giả dịch sang tiếng Việt.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss