Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Duyên

Duyên

- Hoa Liên — published 02/05/2020 22:35, cập nhật lần cuối 03/05/2020 10:47

DUYÊN


Hoa Liên



Chữ Duyên

Tôi có nghiệp duyên – rất nhiều – với văn học nhưng không có duyên dài lâu với những cuộc gặp để đời.

Văn học không chỉ là một khái niệm, nó là một cái gì rõ ràng và cụ thể. Người ta thường nói, cái làm nên nền văn học của một nước là tiểu thuyết chứ không phải truyện ngắn. Loại gì thì cũng đều viết về các cuộc đời khác nhau. Tiểu thuyết là con thuyền rong chở theo bao nhiêu mảnh đời sướng khổ. Quá ít hạnh phúc giữa cuộc đời nghiệt ngã. Nhiều hoặc ít nhân vật, thiện và ác đan xen trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định, một bối cảnh xã hội nào đó.

Một ngày trong khi ngồi ngẫm nghĩ lại những tác phẩm mình đã phải dạy trên lớp ở một trường cấp ba tuyến huyện sau 75, tự hỏi không biết văn Việt rồi sẽ về đâu. Lúc ấy tôi nhớ ra, có một người gởi cho mình một trang mạng gọi là AMVC.

Cái tên kì cục ấy được người đó giải thích. Một người không còn trẻ. Một thời gian sau gặp Mai Ninh, Miên, anh Bửu Ý có giới thiệu tôi với anh Đặng Tiến, trong căn phòng treo đầy tranh của Lợi (vợ anh Bửu ý), còn có Thanh Nhã. Cả hai đều là bạn học cùng lớp và cùng lứa.

Đó là một cuộc hội ngộ đáng nhớ giữa hai bờ đại dương.

Tôi vừa tặng (Hàn Thủy một cuốn) vừa giao cho anh Hàn Thủy mang tập truyện ngắn của tôi "Khi vò chín khúc” về Pháp nhờ đưa lại cho anh Phan Huy Đường.

Thật không ngờ anh trả lời. Không những thế còn ý kiến. Tôi không mở mail vẫn có thể nhớ lại được. "Cám ơn chị…Tôi đọc thì trong 7 truyện ngắn có đến ba truyện mang dấu ấn của Âm nhạc! Tuy nhiên tôi lại có đôi tai của ngôn ngữ ”. Và anh đưa lên trang Web? Của tôi, truyện ngắn "Sơ Therese”.

Sơ Therese là truyện khởi hứng từ những nhân vật của tôi trong cuốn BÌNH MINH ƠI TRỞ LẠI tôi in năm 1998. Có hai chương viết từ năm mười chín tuổi., tổng cộng kể cả khi còn con dại, đó là cuốn sách tôi viết hơn mười năm, để dịu lòng mỗi khi đọc lại. Một cảm giác rất đỗi dịu dàng khi mình đọc lại những gì mình viết. Đọc lại những gì mình thích.

"Hãy viết trong say sưa, và chay tịnh khi đọc lại”. Đó là một câu của nhà văn lừng danh Pháp André Gide tôi đọc để kết thúc buổi phỏng vấn mình trên đài TRT (kênh truyền hình Huế).

Chúng tôi không trao đổi nhau nhiều, những email anh viết cụt lủn, khi cần có ý kiến về một bài nào đó. Tôi nói tôi sẽ gởi anh cuốn BÌNH MINH nhưng những chương viết thêm bổ sung cho phần bị kiểm duyệt chưa xong. Nó chưa xong sau khi mẹ tôi mất, nỗi buồn khiến tôi buông cây bút. Rồi liên tiếp giữ trẻ trong nhiều năm.

Có một lần anh viết trong email năm 2016, khi tôi nói tôi đang bận sửa lại vài truyện ngắn và một truyện dài của mình, anh viết: "Tôi cũng vậy. Chỉ không còn biết bao lâu nữa” !?!

Anh báo tin trong email chắc là gởi chung: "Máy tính của tôi bị hư không thể liên lạc nhưng AMVC bạn vẫn nhận được” ?! Lần này tôi nghĩ ngay đến chuyện anh bị một chứng bệnh nào đó đối với tuổi lớn.

Nếu không vì những đứa cháu nhỏ tôi phải trông, không vì chuyện chồng tôi làm lại nhà thờ năm 2011, không vì cái chết của mẹ, không vì chuyện giữ trẻ và dạy cho hai đứa nhỏ, chúng quá nhỏ với chương trình đào tạo siêu nhân của ông Hồ ngọc Đại?

Lụt thủy điện và lụt thiên nhiên hàng năm khiến dân tình khốn khổ. Chúng tôi phải đành liều sửa lại nhà dưới, sau khi vội vàng hối hả in xong cuốn sách. Đến mùa mưa lụt, cứ nửa đêm nước lại tràn vào nhà khi nhân viên trực gác hồ thủy điện xả lũ bởi không còn cách nào khác. Khốn khổ cho chúng tôi là người chị ruột chồng tôi ấy. Nửa đêm gọi điện thoại, sáng sớm đã lê thân qua. Hai nhà chúng tôi chung một vườn. 12 giờ khuya đi ngoài vườn té ngã, tiếng chó sủa thức chúng tôi dậy. Đưa về nhà chị ấy lại đi ra, lần này té vào bụi hồng gai. Đành đưa luôn chị ấy về nhà mình. Chị không bao giờ để chúng tôi yên với cái tánh quái ác – khi đi ngoài vườn ban ngày hay lúc nửa đêm chị vẫn biết chuyện mình làm – một kẻ luôn muốn được người khác chú ý. Chị quậy tới bến, cả khi tôi tưởng chị ngủ, mới ngồi vào bàn viết. Hình như không bao giờ con người đó tịnh và để cho người khác được yên. 1, 2 giờ sáng chị dậy đi quanh nhà rồi mở tung cửa sau – chúng tôi chỉ gài một thanh ngang – sau này tôi khóa luôn. Chị vừa đi vừa hét vừa kêu chúng tôi. BS nói đó là chứng tâm thần phân liệt.

Nếu không vì tất cả những cái đó làm cho một phụ nữ từ bốn tám (48) kilo trụt xuống còn bốn chục cân(40) thảm hại. .. Liệu tôi có đủ sáng suốt để biết rằng đó là một lời nói gở, hay một điềm báo không?

Mặc dù bao nhiêu việc nhà rối ren – cuốn sách, sau nhiều lần chỉnh sửa, viết thêm đã hoàn tất. Nó không dày hơn cuốn BÌNH MINH nhưng tuyến nhân vật nhiều hơn. Nó là tác phẩm làm khổ tôi nhiều nhất. Nó là cuốn thứ năm ( 5) mà tôi, lẽ ra đã bỏ phế nó, nếu như một người bạn khá thân không ngày đêm nhắc nhủ. Phần kết thúc …nhân vật chính chết. Người bạn thân duy nhất của tôi, người đọc bản đánh máy đầu tiên đã nhận xét, nên có một kết thúc có hậu ( nguyên văn câu bạn nói: "viết tiếp truyện Vườn Mộng” ) không chỉ một lần mà nhiều lần và tôi hiểu ngay. Để tiếp tục cho những nhân vật còn lại không biết tôi đã đi xem biểu diễn thời trang mấy lần, đã tìm đọc tạp chí viết về ngành này, đi tìm một nhân vật có cá tính nổi bật v.v. Tôi đã vất vả đến nỗi muốn tung hê luôn cho rồi, trong khi vẫn tiếp tục viết các loại khác. ( Mọi bản thảo của tôi đều viết tay. Chữ tôi rất xấu – do ảnh hưởng thói ghi tốc ký thời học với cha Lê Tôn Nghiêm, vị GS chuyên dùng tiếng Đức, với GS Nguyễn vũ Uyên, khóa giảng về Descartes thinh thoảng lại dùng tiếng Pháp. GS. Nguyễn đình Hoan chưa ngồi yên chỗ đã đều đều một giọng giảng tiếng Việt cours về Kant khi chúng tôi còn chưa kịp đứng lên để chào Thầy! ). Tuy nhiên, tôi không tâm sự với bất cứ ai khi định viết cái gì. Thâm tâm tôi thỉnh thoảng có nghĩ đến một người đang "Không biết mình còn bao lâu nữa” ?!

Bản thảo viết tay tôi không buồn chép lại trên giấy trắng cho rõ ràng, giống như hồi sinh viên tôi vẫn thường làm để cho bạn cùng lớp nghe cours không kịp, mượn.

Đã nói văn chương là cái Nghiệp mà. Cái bìa sách rất đẹp và bắt mắt.

Giá tôi cứ gởi quách Bưu Điện! Nếu như trong một năm liên tiếp (của hơn hai mươi năm trước đây) – những lá thư chị tôi gởi về luôn trong tình trạng ĐƯỢC BAO VÀ DÁN LẠI với hàng chữ "ĐN MỞ RA HUẾ DÁN LẠI” ?!!

Đủ hiểu chưa MN, người bạn dễ thương tôi gặp – mà vẫn còn nhớ như in – hình dáng thanh mảnh, hơi gầy và có phần yểu điệu của bạn.

Vậy là cuốn sách cuối cùng được đứa cháu gái mang về Pháp gởi đi bằng đường Bưu Điện, Cuốn sách gởi đi rồi tôi đợi hồi âm từ người nhận cho đến một ngày. Cái ngày đáng ghét tôi dở lại những trang thư điện tử, vốn chỉ đếm trên đầu ngón tay với một linh tính kì lạ.

Anh mất là một mất mát lớn cho những tác giả được anh dịch thẳng tác phẩm ra tiếng Pháp, giới thiệu với thế giới. Anh cũng đã giới thiệu tôi trên trang nhà của AMVC đó thôi. Tôi đọc và thường gởi lời cám ơn đến người gởi. Có thể hình dung được, về đêm khi còn lại một mình tôi. Trong tưởng tượng…tất nhiên rồi. Một người ngổi bên máy tính, bây giờ có thể anh không ngồi được nữa và biết đâu…đang chờ cuốn tiểu thuyết của tôi! (Sau khi cuốn sách in xong tôi có cho anh biết ).

Trong liên tiếp năm tháng làm lại căn nhà dưới tránh lụt, bão (bão 1985 xô đổ nhà bếp một lần rồi), sau đó hàng ngày phải đến Bệnh viện làm việc với chuyên gia Vật lý trị liệu do khớp vai sưng phồng khi té ngửa ngoài ban công – chỗ xương gãy hai lần bị rời ra. Tôi quên mất chuyện cuốn sách.

Duyên của chúng tôi đến đó là hết.

Bây giờ anh đã tới bến.

Là con nhà Phật, tôi chỉ biết ngậm ngùi thắp nén tâm hương – dù muộn màng – cầu cho vong linh anh được siêu thăng miền Tịnh Độ.

Huế tháng 4/2020

Hoa Liên


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us