Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Gieo hạt mùa âm

Gieo hạt mùa âm

- Vũ Ngọc Thăng — published 10/01/2015 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

Vũ Ngọc Thăng


Gieo Hạt Mùa Âm

(Làm thế nào để nghe nhạc?)


Khi nghĩ về cái sức tác động có khi được cho là “màu nhiệm” của âm nhạc, và tìm đọc một sự viện dẫn liên quan, tôi đặc biệt thú vị với “mục châm ngôn” này của Nietzsche trong Buổi hoàng hôn của những thần tượng :

Cần ít biết bao để có hạnh phúc! Tiếng sáo mục tử. - Không âm nhạc cuộc đời sẽ là một lỗi lầm. Người Đức còn tưởng tượng ngay cả Thượng Đế như một người đang ca hát nữa.i

Xin có một cách hiểu như sau: bằng một ngòi-bút-chạm-lộng, tác giả trong tư cách triết gia - nhà soạn nhạc - người nghe, một cách phúng dụ, có lẽ muốn khắc họa nên một vị “thần tượng” còn trong ông: thuần phác, tồn-tại-hân-hoan, siêu nghiệm; và đó chính là âm nhạc, một loại hình nghệ thuật có khả năng khơi gợi một cách đa dạng nhiều chiều kích thụ cảm thẩm mĩ trong chân-trời-đón-đợi của người nghe.

Song một cách cụ thể, theo ý kiến của Aaron Coplandii, âm nhạc có thể tác động lên người nghe trên ba bình diện: cơ thể (nhún nhảy, gõ nhịp…), cảm xúc (khơi dậy quá khứ, vui tươi, thương nhớ…), tri thức (ý thức về giai điệu, tiết tấu, hòa âm, cấu thức, bối cảnh …), và theo tôi, ta có thể kể thêm, chẳng hạn, bình diện tư duy trừu tượng (tính tương phản, tính nhất quán, tính trò chơi...).

Tất nhiên, miền đất thụ cảm thẩm mĩ âm nhạc trong người nghe, để có thể đón nhận đa chiều đa dạng như thế, trước tiên cần được Gieo Hạt, và sau đó, khi càng được tưới bón, thì cái Mùa Âm nẩy nở trên đó hẳn sẽ càng sum suê. Gieo Hạt ở đây có nghĩa là được tiếp xúc, học hỏi âm nhạc từ sớm (đặc biệt là với dòng nhạc cổ điển), và nếu có thể, chơi được một nhạc cụ nào đó thì càng tốt (ở điểm này nhà trường và gia đình hẳn là có một vai trò trội bật).

Ở góc độ người mới tiếp xúc, có lẽ điều cần đến trước tiên là cái thái độ “toàn tâm” trong khi nghe, như nhạc sĩ dương cầm nhạc trưởng Daniel Barenboim đề nghị trong bài nói chuyện “Làm thế nào để nghe nhạc?” này iii:

Tôi được đề nghị nói đôi lời về việc làm thế nào để nghe nhạc. Điều này rất khó, bởi vì âm nhạc hàm nghĩa khác nhau với những người khác nhau; và âm nhạc hàm nghĩa khác nhau với cùng một người ở những thời điểm khác nhau. Song có điều chắc chắn là, bạn có thể sử dụng âm nhạc để “quên đi”, để hiểu biết, để vui thú, để nuôi dưỡng sở thích hoặc tăng trưởng niềm đam mê.

Nói để “quên đi” là chẳng hạn, bạn về nhà sau một ngày phải đối phó với đủ các vấn đề, nào là phải khai thuế lại, nào là đi nha sĩ, rồi trăm thứ bà giằn khác, có thể là một mối bất đồng trong gia đình hoặc giữa bạn bè. Hết sức mệt mỏi, về đến nhà, bạn đặt một đĩa nhạc lên nghe, hoặc bấm tìm các ứng dụng kỹ thuật số để chọn ra một bản nhạc mình đặc biệt thú vị, thế là bạn “quên đi” mọi rắc rối của mình.

Cho nên, âm nhạc có thể được sử dụng để “quên đi thế giới” và điều này không có gì là sai, nhưng tôi nghĩ, âm nhạc bao hàm nhiều hơn thế, và tôi không cho rằng các nhà soạn nhạc vĩ đại ở những thời trước hay ở thời nay: Bach, Beethoven, Verdi, Wagner, Debussy, Boulez, hoặc những vị nào đó mà bạn muốn, viết nhạc cho chúng ta nghe đơn giản chỉ là để chúng ta “quên đi” những nỗi bực dọc. Vấn đề là âm nhạc có thể đem lại những gì cho chúng ta và chúng ta phải làm gì để nhận được những điều ấy.


Âm nhạc có thể mang lại nhiều điều, âm nhạc có thể mang lại niềm vui cho chúng ta, một nhân tố rất quan trọng. Ngay cả khi âm nhạc thể hiện một nỗi đau, chúng ta cũng thú vị. Một số lần các nhạc sĩ trong dàn nhạc nói với tôi là hôm nay họ hết sức thú vị khi trình tấu bản hành khúc tang lễ.

Vậy là ngay cả một hành khúc tang lễ cũng mang lại một niềm thú vị nào đó, nghe có vẻ quái đản, song tất nhiên không phải thế, đấy chính là vì âm nhạc là muôn điều cùng lúc. Âm nhạc không bao giờ cười. Âm nhạc không bao giờ khóc. Âm nhạc luôn luôn cùng lúc, khóc và cười.

Âm nhạc giúp chúng ta trải nghiệm những điều chúng ta không thể trải nghiệm nếu không có cái vũ trụ tuyệt vời dệt-âm-thành-nhạc này. Do đó tôi nghĩ rằng sự nhập tâm hoàn toàn khi nghe nhạc là rất quan trọng.

Đừng bao giờ bạn để mình phải bận tâm, ồ ta phải tắt cái điện thoại di động đi để nghe bản nhạc, ồ ta phải nhớ mà mở nó lên khi bản nhạc hết, hãy để đến lúc đó bạn sẽ tự động làm, như thế bạn có thể đắm mình trong âm nhạc. Và trước khi nghe một tác phẩm, bạn cần phải giữ một vài giây im lặng trước khi nó bắt đầu, rồi bạn hãy đu bám theo cái nốt nhạc đầu tiên, và không nên rời nó ra để suy ngẫm về những thứ khác, như: về mẹ mình, về cô bạn gái, về danh sách mua sắm, về đồ giặt v.v…

Bạn đu bám theo nốt nhạc đầu tiên và bạn sẽ bay cùng âm nhạc cho đến nốt cuối cùng, và niềm vui nhận được sẽ tuyệt đối độc đáo, không gì khác trên thế giới, không gì khác trong cuộc sống có thể cung cấp cho bạn kiểu vui hưởng này (tất nhiên với điều kiện là bạn đã trao mình cho nó). Bạn không cần phải là một chuyên gia của nhạc Barốc, của nhạc thế kỷ mười chín hay của nhạc đương đại, nhưng bạn phải có quyết tâm, cái ý chí đắm mình trong âm nhạc,

Đương nhiên, bạn sẽ nghe nhạc giao hưởng, nhạc kịch, nhạc dương cầm, hay nhạc thính phòng theo những cách khác nhau. Song một khi bạn thực sự học được cách trao mình cho âm nhạc theo cùng cái cách mà bạn trao mình cho một người khác, bạn sẽ tìm được những loại nhạc hấp dẫn mình hơn, như bạn tìm được những người hấp dẫn mình hơn, về phương diện hàn huyên hoặc về bất cứ phương diện nào đó.

Rồi bạn sẽ nghiệm ra mình vui hưởng nhiều ở thể nhạc nào: nhạc thính phòng, nhạc giao hưởng, hay nhạc dương cầm. Song thật ra trước tất cả các cơ hội ấy, hãy tin tôi, bạn đều thực sự cần phải hoàn toàn tập trung, điều không gì khác hơn là trao mình cho âm nhạc. Và khi bạn càng trao, thì bạn càng nhận.

Cuối cùng, bạn nào muốn tìm hiểu thêm việc nghe nhạc có thể vào đây theo dõi loạt bài giảng do đại học Yale truyền bá: http://oyc.yale.edu/music/musi-112/lecture-1


Vũ Ngọc Thăng

Xuân Ất Mùi 2015

 


i Phần “Châm ngôn và Tên nhọn”, Mục 33, Bản dịch của Nguyễn Hữu Hiệu.

ii Aaron Copland (1900 – 1990): nhà soạn nhạc người Mỹ.

iii Toàn bài tiếng Anh: https://www.youtube.com/watch?v=LCKZDSIHV80

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Ất Mùi
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss