Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Giờ là tháng Ninh Nông

Giờ là tháng Ninh Nông

- Đa Huyên — published 11/12/2011 01:30, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Năm nay Nguyên Ngọc bước vào năm 80 tuổi, nhưng nhà văn hoá ấy chưa bao giờ ngừng làm việc, ngừng canh cánh với sự nghiệp "khai dân trí". Mừng thượng thọ nhà văn, tác giả nhớ về những việc được làm chung với ông, và một chuyến đi Tây Nguyên...

   

Giờ là tháng Ninh Nông

   

Đa Huyên

     



Nhà văn và nhân vật (Tây Nguyên, tháng 11.2010)

   

“Tháng Ninh Nông là tháng không làm rẫy, tức là khi mùa lúa trước đã thu hoạch hết rồi, cửa kho đã cài chặt rồi, mẹ Lúa đã ngủ rồi, lễ ăn cơm mới đã làm rồi, một mùa lao động đã xong. Mùa lễ hội bắt đầu. Mùa người ta làm lễ bỏ mả...Lạ lùng nhất là tiếng cồng chiêng”1

Đi với Nguyên Ngọc, ông sẽ đưa chúng ta vào không gian văn hóa Tây Nguyên bất tận, chúng ta sẽ hiểu tiếng vọng từ ngàn xưa vọng về, chúng ta hiểu thêm nguồn cội văn hóa từ tổ tiên, và chắc chắn, sự thiêng liêng, sẽ thức dậy trong ta. Tôi may mắn có một chuyến đi cùng ông, xuyên “lục tỉnh” Tây Nguyên.

Giờ đang vào Tết, ký ức ùa về, tôi lại nhớ ngôi nhà sàn người Ba-na, trong thời buổi đô thị hóa, trơ khốc, gặp một Già làng đã được “cán bộ hóa”, những thiếu nữ Ba-na xinh tươi, với bàn tay trai thô, có dáng vẻ sẵn sàng bước lên sàn Catwalk, hơn là dệt vải, đi rẫy. Họ như đang sống nhờ trên chính mảnh đất mà tổ tiên họ đã khai phá từ ngàn đời. Những đổi thay gây dư chấn, kể cả những tiếng chiêng đã vô hồn vang nơi “ hý trường”...nhưng đó là một câu chuyện dài về Tây Nguyên, mà chúng ta đã, đang và sẽ nghe ông kể.

*

*    *

Đất nước dứng lên!

Điều mà chàng trí thức trẻ - Nguyễn Ngọc Báu2, trưởng thành từ các trường Tây trước đây ở Trung kỳ hằng ấp ủ. Đã hơn 60 năm, “ Đất nước đứng lên”, niềm ấp ủ của chàng trí thức trẻ ấy, gắn liền với danh tiếng Nguyên Ngọc, đã lan tỏa vào nhiều thế hệ, trùng trùng lớp lớp...

Tại căn nhà nhỏ của gia đình tôi ở phố cổ Hà Nội, vào những năm 60, có một ký ức, có lẽ tôi không bao giờ quên, khi tôi dọn giường ngủ của má tôi3, lật chiếc gối của bà, thấy một cuốn sách bìa trắng ngà, hình như của NXB QĐND, tôi để gọn lại bên cạnh gối. Trên trang bìa cuốn sách, có những chữ to đậm, khá mềm mại, dọc theo chiều dài trang bìa : Đất Nước đứng lên. Khi đi làm về, bước vào nhà, nhìn giường ngủ, má tôi đã mắng tôi sao lại để cuốn sách không đúng vị trí –dưới gối! Khi đó, tôi đã nhanh chóng khắc phục, để lại dưới gối. Khi má tôi đi làm lại, tôi nhấc chiếc gối, xem kỹ cuốn sách, thấy tên tác giả: Nguyên Ngọc. Lật tờ bìa, thấy ở góc trái phía trên, dòng chữ viết tay của má tôi, viết xiên từ dưới lên trên : Phan Ngọc Sơn. Tôi thấy lạ, tên thật của má tôi là Phan Thị Sơn, nay chữ Thị lại thay bằng chữ Ngọc? Rất nhiều giả thiết tôi đã nghĩ đến, có thể do ông nhà văn nổi tiếng này là người đồng hương (hai tiếng “đồng hương” hồi ấy quý lắm), chứ lấy trùng danh xưng với Đền Ngọc Sơn ngự giữa Hồ Gươm thì lạ quá... giờ nói kiểu hiện đại, má tôi là một Fan hâm mộ của nhà văn Nguyên Ngọc. Và má tôi, cũng như nhiều người khác, nhất là thế hệ những người kháng chiến có lẽ đều “ đồng vọng”- Đất nước đứng lên!( Tác phẩm của nhà văn Nguyên Ngọc, viết năm 1955, giải thưởng Hội Nhà văn Á-Phi 1973)

*

*    *

Có một suy nghĩ về nhà văn lớn : Nhân vật, câu chuyện của nhà văn, sống “lấp” cả chính nhà văn. Trường tồn. Và thường khi, nhớ đến nhân vật, rồi mới nghĩ về nhà văn sáng tạo ra nhân vật ấy, truyện ấy. Kiều đến trước Nguyễn Du, Chí Phèo đến trước Nam Cao...và Anh Núp đến trước Nguyên Ngọc, đó là thứ tự của “ nhớ và quên”4.

Quả có vậy, Xuân này, khi tham gia giao thông ở Việt Nam, mọi người đều phải cẩn thận các “ anh hùng núp”5. Dân gian hiện đại, chính là tờ báo có tira lớn nhất, mà mọi người dân đọc mỗi ngày, và không phải trả tiền. Từ chữ Núp của làng người Thượng, Kông Hoa- Tây Nguyên đã xuống dưới Kinh, giữa chốn Kinh kỳ thời đô thị hóa, lại đẻ ra nghĩa mới, “không thể hay hơn”! Độc đáo hơn, nó không chỉ dừng lại ở nghĩa tham gia giao thông, nghĩa của nó đã được sinh sôi, nảy nở tỉ lệ theo mức độ gia tăng sự tàn khốc, khốn cùng, nhũng lạm, lợi ích nhóm, giả dối, dấu mặt để hại người ngay, tâm huyết, trí thức hiền tài...Nói gọn, Núp theo Tác phẩm “ Đất nước đứng lên” là một anh hùng kháng Pháp, đã cùng những người Thượng Tây Nguyên, nghe theo cán bộ Kinh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm điều tốt, thiện. Còn “ núp” , theo dân gian hiện đại, thì nói đến những con người, tổ chức, nhóm, “bộ máy”...làm điều xấu, ác. Như vậy, Nguyên Ngọc là cụm từ đã in hằn ăn sâu vào nhiều thế hệ.

Không ăn sâu sao được? Các sáng tác của ông là một phần giáo khoa của biết bao thế hệ: trước, cùng và sau chúng tôi. Những Rẻo Cao, Đất nước đứng lên, Rừng Xà-Nu, Đường chúng ta đi...với một thứ văn chương đẹp và lay động. Đến nay, trong thời đại có sự trợ giúp của Internet, mọi người đều có thể truy cập được dễ dàng nhiều thông tin về cuộc đời, sự nghiệp, tác phẩm, dich phẩm, các công trình do ông chủ biên, những tiểu luận, bài viết, lời nói... của ông, dù chưa thật đầy đủ, cũng có thể cảm nhận được, sức làm việc, tài năng, nhân cách của một con người uyên bác.

*

*    *


"Dấn thân quyết liệt" (Hà Nội 14.8.2011)

   

Có một điều mà những người cầm bút hay nói về ông với nhiều xúc cảm, đó là “ Dấn thân quyết liệt”. Vào thời buổi mà ngòi bút không thể làm “ đòn xoay chế độ6”, mà chỉ “ mua vui được một vài trống canh7”, thì sự dấn thân của ông đã mang đến những thăng hoa mới mẻ, bất ngờ : Trên cương vị Phó TTK Hội Nhà văn Việt Nam, Bí thư đảng đoàn, kiêm Tổng biên tập báo Văn Nghệ, ông đã quan tâm đến tiếng kêu đớn đau từ cuộc sống, sự rực rỡ của sáng tạo8... trên các trang báo, ông đã góp phần cùng một số ít Báo khác, đưa báo chí từ vị thế tiếng nói “ thứ cấp”, trở nên được lắng nghe, coi trọng và chia sẻ. Đọc báo xong, họ không gói quà, hay đem vào chỗ không tiện nói, mà họ đã để dành, cất giữ trong nhà, dù chỉ 7-8 m2 ở. Ông hiểu rõ, con người ta phải thở, phải hít. Tác phẩm sáng tạo là “ bầu không khí thứ hai” trong lành bổ ích . Càng rất cần, khi bầu không khí thứ nhất tù hãm, vẩn đục. Nhiều khi, phải lấy cái thứ hai để đo cái thứ nhất. Những câu thơ trong Di cảo của nhà thơ Chế Lan Viên, liệu có giúp lượng ra một thời kỳ dài?

Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ

Có phải tôi viết đâu!- một nửa

Cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết rồi”

(trích Trừ đi)

“Trong những ngày này, tôi lại càng không thể nào quên sự kiện Đề dẫn của Nguyên Ngọc năm 1979. Tôi muốn nhắc lại, để khẳng định rằng, sự nghiệp đổi mới văn nghệ không chỉ có từ sau Đại hội VI, từ Nghị quyết 05 mà đã có từ trước đó với ngọn cờ đầu Nguyên Ngọc ” (trích Hồi ký Trần Độ, nguyên Trưởng ban Văn hóa, văn nghệ TW). Những dòng quý giá của người có trọng trách trong sự nghiệp Đổi mới. Nghị quyết 05 về Văn hóa văn nghệ, 28/11/1987, còn được nhắc đến là Nghị quyết “cởi trói”, khẳng định tự do sáng tác là điều kiện sống còn để tạo nên giá trị đích thực trong văn hóa văn nghệ, cùng nhiều vấn đề mang ý nghĩa hết sức lớn lao : chức năng của văn học, mối quan hệ giữa văn học và chính trị, việc công bố tác phẩm... Hơn 20 năm sau, một số Nghị quyết, chỉ thị tương tự ra đời, nếu không nói là bước lùi, thì cũng không thấy sáng sủa bằng.

*

*    *

Tôi có may mắn được làm việc cùng ông, thông qua nhiều công trình, đầu sách: Ngok Linh-chuyên đề văn hóa Tây Nguyên (chủ biên) , Tuyển văn Miền Trung Thế kỷ XX, Lời tựa), Tháng Ninh Nông (tập ký và tản văn), Nghệ thuật tiểu thuyết (dịch M.Kundera), Minh triết phương Đông và Triết học Phương Tây (dịch F. Jullien), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới (ông là thành viên trong Ban dịch do Trường Viết văn Nguyễn Du mời), Tính khả tri của văn hóa (hiệu đính bản dịch F.Jullien của Phạm Dõng), Văn hóa Đất Quảng (chủ biên), Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới (hiệu đính và hoàn chỉnh bản thảo của bà Phan Thị Minh), Sang Viễn Đông trở về Viễn Tây (Tham luận tại Colloque F.Jullien, ĐH Huế) v.v., thật khó nhớ cho đầy đủ, đó là chưa nói đến những bài viết, khi mời ông đọc thẩm định bản thảo, trong đó có những cây bút mới, giọng văn lạ. Cũng như mời ông đến truyền thụ, giảng giải những kỹ năng kinh nghiệm sáng tác cho các hội viên văn nghệ địa phương. Tôi đã nhận thêm được nhiều điều từ ông. Tôi nhớ, khi đến thăm nhà văn Nguyễn Văn Bổng, thời gian ông làm chủ biên Tuyển Văn Miền Trung thế kỷ XX, ông có dặn: Công trình này khó lắm, phải mời anh Nguyên Ngọc viết Lời tựa. Và tuyển Văn Miền Trung TK XX đã có một lời tựa đặc sắc , như nó cần phải có.

Chuyến đi “lục tỉnh” Tây Nguyên cùng ông và TS Phan Ngọc Thu, cũng một phần để tiếp tục xê-ri Chuyên đề về Văn hóa Tây Nguyên, mang tên Ngok Linh, mà ông luôn tâm huyết, ấp ủ. Ngok Linh9, vì những lý do khách quan, tạm dừng ở số 4, khi đã định hình...có thể coi đây là một “mối tình dang dở” giữa ông và tôi.

Ông đi nhiều, làm việc quên tuổi tác, giờ vẫn canh cánh với nghiệp “khai dân trí10 ”. Ông kiên quyết rút khỏi giải thưởng Nhà nước, tự rút khỏi danh sách đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh. Nghĩa là ông nhất quán : “Tất cả những gì tôi viết, là do sự nghiệp của nhân dân hối thúc, đòi hỏi, và chỉ có nhân dân mới có quyền trao tặng vinh dự cho những tác phẩm chính họ lựa chọn”. Có bậc túc nho , mượn minh triết Lão Tử , bình rằng : “ Nên việc lui thân/ đó là đạo Trời” .

*

*    *

Tháng Ninh Nông đã hiện ra , mùa lao động đã xong, Mùa lễ hội bắt đầu.Mùa người ta làm lễ bỏ mả. Và , tôi đã nghe thấy, tiếng ầm ì, vang động, sâu thẳm, huyền bí...từ tiếng cồng chiêng của Ama Nguyên Ngọc.

Giờ là tháng Ninh Nông. Một chút ấm áp đã lan tỏa trên khắp núi rừng Tây Nguyên. Trên khắp núi rừng sông biển Việt Nam!


Nhâm Thìn 2012

Đa Huyên

Bài viết mừng nhà văn Nguyên Ngọc năm nay tròn 80 tuổi

Ghi chú:

1. Trích truyện ký “ Tháng Ninh Nông ” (Nguyên Ngọc, NXB ĐN, 1999)

2. Nguyễn Ngọc Báu : tên khai sinh(1932) của Nhà văn Nguyên Ngọc.

3. Bà Phan Thị Sơn, cựu chiến binh Xưởng Quân giới 141 Quân khu 5, bị thương, ra Bắc, công tác tại Cục chuyên gia, Ban Liên lạc đối ngoại TW(thời gian những năm 50, 60).

4. Tên một cuốn sách của nhà văn Nguyên Ngọc.

5. Chỉ tiêu thu 500 tỷ đồng tiền phạt vi phạm giao thông năm 2012 (Tienphongonline).

6. Trích “ Là thi sĩ” (Sóng Hồng).

7. Trích Kiều (Nguyễn Du).

8. Báo Văn Nghệ thời kỳ nhà văn Nguyên Ngọc làm Tổng biên tập, tira luôn cao đến chục vạn bản, một kỷ lục chưa thời kỳ nào đạt tới. Các sáng tác, ký thực sự “gây sốc”, tạo thành nhưng sự kiện đáng chú ý , của các tác giả : Nguyễn Huy Thiệp, Phùng Gia Lộc, Trần Huy Quang...

9. Đỉnh Ngok Linh – là đỉnh núi cao nhất ở Tây Nguyên, được mệnh danh là mái nhà Đông Dương.

10. Hiện ông là lãnh đạo Trường Đại học Phan Châu Trinh (Hội An, Quản Nam)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss