Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Gió mặn cát bồi

Gió mặn cát bồi

- Đào Vũ Hoài — published 11/12/2008 13:19, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19

Gió Mặn Cát Bồi


truyện ngắn

 Đào Vũ Hoài

 

    Ngẫu nhiên run rủi tôi gặp lại nó ở M’ba-veớt, một thị trấn đất đỏ bụi bặm bên kia biên giới. Nhiều năm qua rồi ngẫm nghĩ lại, tôi vẫn không chắc mình thật sự đã tin vào cuộc hội diện bởi tình cờ, cho dù, cứ theo cái lý mà xét, tôi không thể bằng vào căn do nào khác nói nghịch lại. Lúc đó tôi nào ngờ sẽ chẳng bao giờ tôi rời khỏi hàng quán nhà nó trên mảnh đất Cao Mên này. Thiệm vén ngực áo cho con bú, quay bảo tôi vạn sự rốt cũng không nằm ngoài hai chữ định mệnh. Thiệm xưa nay vẫn đem cái thuyết tiền duyên giải thích mọi chuyện trên trời dưới đất, lại ham mê những tấn tuồng lâm ly bi đát. Nhưng đó là chuyện về sau. Ngay lúc này đây chồng Thiệm chưng hửng nhìn tôi mất một đỗi, như cố lục lõm cho ra mớ nhân ảnh lu mờ trong ký ức, à một tiếng mừng rỡ nắm tay tôi :

    - Prơah ạoeyơ ! Mày ! Bao năm rồi !

    - Tao tự hỏi sao không thấy tên mày trong Niên Lịch Mục Vụ.

    Nó toét miệng cười, trái tai đỏ ửng :

    - Ấy thế mà tao ở lại, hai năm sau xin được khấn tạm, khoác áo vào đại chủng viện. K’nơa đây ăn cơm nhà dòng cũng đến chức Phó Tế chứ ít gì.

    - Thế vì sao...?

    Nó tránh ánh mắt soi mói của tôi :

    - Thế thời thôi, thời thế đà quá đủ ; mãn hạn tao về với gian trần. Nhưng lỡ bước sẩy vời vẫn đường đường đi cổng trước ; ai như mày ấy, h’ơ haeng ! Dạo đó mày nghĩ thế nào không đợi trời sáng thầy Gregory chở ra ga, lại lén lút bỏ đi cứ y ông thánh Phê-rô chối Chúa. Tao còn nhớ, Cha Bề Trên ông ấy băn khoăn cả buổi, hỏi đi hỏi lại có chuyện gì không phải. 

    - Tao ra đến cổng là lúc gà gáy hết một trỡ, về đến Luân Đôn đúng ba choen.

    Nó dang hai tay, ngước mặt nhìn trời như thể đang tâu rỗi cho tôi. Tôi nhếch nhác bật lửa hút thuốc, quáng nắng xiên khoai xoạc khóe mắt. Ngày thập thững đổ nghiêng.

    - Mày có dáng cha sở lắm chứ phải không, ngặt mày trượt căn tu.

    Nó lại cười hềnh hệch, tay khoác vai tôi tay chỉ hàng quán :

    - Vào đây! Khẩu khiếu như mày lên bục giảng con gái nhà lành quên thiện hạnh. Thà để mày sống xa bầy.

    - Những con chiên đi lạc được Người đặc biệt quan tâm.

    - PhảI ! Ngồi xuống, ngoan tao vào gọi vợ tao.

    Tôi ném mẩu thuốc, bải hoải sau một ngày đường. Từ Gò Dầu tôi leo xe đò theo quốc lộ 22 đến Mộc Bài. Qua biên giới quá giang xe hàng đến đây, hy vọng có xe khách đi Svay Rieng hoặc đi thẳng Phnom Penh. Vẫn biết cật chẳng đến trời, chân tôi long đong bén đất toan bôn tẩu trên những nẻo đường xứ chùa tháp, đến Angkor chạm tay lên mặt đá thâm nghiêm của linh hồn Khmer

    Bảng lảng tôi nhìn cuộc sống nhám nhúa quanh đây. Dọc hai bên con lộ lở lói và lởm chởm đá răm nhà khít vách nhà, lùi xùi hàng quán, bến xe, phòng trọ. Một vùng đồng khô cỏ cháy; nắng đỏ đòng đọc thiêu đốt cả. Chiều xuống nặng trĩu tán lá me. Ruồi nhặng thính hơi người bay nhắng nhít. Giữa đồng, cây thốt nốt xác xơ một thân bên cái lung thả sen nước đen ngòm, lều bều những rác. Ở cuối bến chợ ô tạp này vợ chồng bạn tôi tậu được ngôi nhà đúc hai tầng thoáng mát ; lầu trên là buồng riêng, gian dưới mở quán cơm. Khách phần nhiều lũ lĩ con buôn hoặc thi thoảng ít nọn du lịch hạng mèng. Nhập nhèm tối bọn dân vệ và cảnh sát địa phương ghé vào lai rai vài chai srơ biyer khai mào (hiển nhiên là do chủ nhân hảo tâm kính mời), cốt chỉ nhắc nhở quán nhà chớ mà chểnh mảng phận sự vùa công giúp của lo lợi ích chung, trước giờ quan viên chức trách tạt qua thăm xóm nhà thổ sát lưng phố chợ. Xóm ấy thì ti toe thác loạn, theo cho kịp lối văn minh tạp chí ửng hình sặc sỡ trên mặt giấy láng lượm nhặt ở đâu đó. Cái vẻ phồn vinh hăm hở làm dáng hải ngoại, nhoang nhoáng xanh xanh đỏ đỏ trông mới não nuột làm sao ; đèn màu chớp nháy vẫy dụ thú tính lóc lẻm gầm gừ khi bóng tối khuỳnh khoàng đè lên ráng chiều nhom nhếch.  

    Tôi nhận lời vợ chồng người bạn ở lại chơi ít bữa. Tôi không nơi chốn cố định phải vội đi vội đến, không nằm tơ nhả kén để phải vương vấn điều chi buộc tôi gấp ngặt đi tìm. Cuộc đời tôi rưng rỗi tháng ngày đã lâu, thảng mảng trôi giạt bến sông bãi chợ riết rồi cũng thế. Tầm ruồng mụ mị giữa những nẻo hiêu trần, tôi biết đâu là duềnh ngược gió chướng. Lắm lúc thần phách tôi cũng nuổng, nhưng đã có làm sao. Không chống chọi giằng co, không dự liệu suy tính, tôi phó thân tôi lưu vóng xoay vận theo cảnh huống phù bạc. Tôi không đánh cuộc với cõi nhân duyên nên biết thế nào được thua. Ừ, thì ở lại. Bạn tôi vợ đến hồi ốm nghén, tôi lóng ngóng đỡ nó một tay trong bếp. Thằng, biết làm ăn ra phết. Tôi cười nó phận dâu trăm họ tháo vát đảm đang, là báu trong nhà, là gấm thêu hoa. Thuở vào đời chúng tôi đồng sõng đồng xuồng, cùng xeo giầm hết hoát lại cạy ; chúng tôi loi ngoi day ngang nạy ngược giữa những ngọn triều tù mù của tuổi trẻ, ba bận nổi nênh chìm hết bảy, chín lượt lảo đảo đem bỏ làm mười vẫn mãi lênh đênh. Tôi mừng vì ít ra trong hai đứa tôi nay nó tẽ khém cắm sào. Thằng này rày thì rào thửa thân phận trên đất người, dẫu đứng sân thượng nhà nó đây vẫn thấy xa kia đất Tây Ninh sum sia một giải xanh ngắt là xanh. Quê hương đó, quê hương trù phú kẻ lề diệp lục hãm nền trời. Chuyến xe đò cuối ngày về Mộc Bài đưa nốt năm ba người khách trễ đường đi khỏi thị trấn. Bến chợ lử khử đóng cửa dọn hàng, nhà ai nấy lo bữa cơm tối. Con gió khan cộc đi qua thốc tung hơi nóng chiều đỏ mù còn phất phơ trên ngọn muỗm già, xẵng đắng rượt đuổi theo bóng xế. Đến bữa Thiệm thấy trong mình khó ở, ăn chập chuội lưng cơm rồi đi nằm. Bạn tôi vẻ mặt hún hớn, nách ôm vại sành, rủ tôi lên sân thượng hóng mát.

    - Mày nghe xem, trong ngọn gió xấm xát kia vẫn thoảng một chút quê hương thơm ngọt.

    - Vợ chồng mày chưa có ý định quay trở về bên kia sinh sống ?

    - Hiện thời chưa. Vợ tao không muốn; nghĩ đến quê nhà Thiệm buồn tủi lắm. Trách sao được, mười hai tuổi cha mẹ Thiệm đem con đi bán. Tao gặp Thiệm ở cái xóm dưới kia. Năm đó Thiệm mười bảy, ốm yếu hen suyễn nên ít khách. Tao bỏ tiền xin cưới chuộc, mụ thâw kaê chịu ngay. Có thể rồi vợ chồng tao cũng sẽ về. Một ngày nào đó. Ông bà cụ tao vẫn còn mảnh đất ở Hố Nai. Mày biết đấy, ngày còn định cư bên Na Uy tao có đầu đơn xin đoàn tụ gia đình, nhưng hai cụ nhất định không đi.

    - Mà, ông tơ vung búa chày vồ tháp mối làm sao để mày đoạn trường, bà nguyệt lên dây tố lan thể nào để mày tân thanh triến mí với đất Miên này ?

    - Khiếp, véo von là thế ! Bấy giờ đài truyền hình quốc gia Na Uy đang muốn thực hiện thiên phóng sự tố giác tệ nạn buôn dâm trẻ em vùng biên giới này, và họ cần một chân thông ngôn. Thằng Thorvald, mày nhớ thằng Thorvald lớp mình không ? Con vợ nó trong ban biên tập, nó giới thiệu tao. Nửa năm sau tao quay lại cưới Thiệm. 

    - Thông tấn xã đi rồi, chợ trần gian quỷ sứ quen hơi người hưa chân ? 

    Thằng bạn tôi chua chát :

    - Còn phải nói ! Loài ma vương sợ ánh sáng, lặng lẽ trốn nhủi dưới sình dưới vũng, nhẫn nại chui nằm mà bên mép mương bờ rạch. Bọn chúng được đám quan chức địa phương một nhòng bao che cho. Cao ủy quốc tế làm áp lực với cả chính quyền trung ương, mấy laúk ừ hữ chìa tay xin tiền viện trợ. Lừng khừng vài đợt càn quét trây trả lập lờ lấy lệ, vờ vịt không bẽn mặt. Chán rồi chúng theo mửng cũ khểnh khơi mặc quan hệ cung cầu tự phát tác động thị trường, tạo giá trị thặng dư hòng phát triển kinh tế địa phương. Vải thưa sao che được mắt thánh. Nhưng bần cùng thánh ngồi tủ thờ cũng hết thiêng ; quẫn bách quá người ta nghĩ đem bán đứa con chí ít nó có cái ăn hằng ngày. Đau lòng lắm.  

    - Mày lại muốn tát cạn Thái Bình Dương bằng gáo dừa.

    Bạn tôi cúi mặt thở dài :

    - Cũng bởi cái nghèo cái đói mà ra.

    Mé tây ráng chiều còn sót lại cái ngù đồng chóe lóe đỏ; trời loang lưỡi diệp tím hồng đánh khển một biền cam ủng mốc, chắt ra lớp ánh sáng mỡ gà đóng váng trong khoảng xanh lơ còn thừa ở cuối điểm trục hoành. Lảng bảng mây tía thùa lơi chạy bối bừa rất mỏng. Đằng đông giữa thăm thẳm nền chàm sao hôm leo lắt buồn. Tôi làm thinh đưa tay vói cái vại, khệ nệ rót thêm cho nó, rót cho mình. Thằng này mát tay không ngờ, rượu đế nó cất cứ nhấp một hớp mắt trợn tròng, lung liêng trẹo cân não. Lưng áo tôi ướt nhẫm mồ hôi. Tôi bứt rứt ngồi đó, quả tim trứu hạt tắc nghẹn. Lát lâu tôi nghe nó hắng giọng :

    - Này, hỏi thật, hồi đó tại sao mày bỏ về ?

    Tôi phì cười :

    - Thật, tao... không biết.

    - Cuộc sống mày rồi ra sao ? Có được như ý mày mong đợi ?

    - Tao không biết.

    - Thế mày biết những gì ?

    - Đéo biết.

    - H’ơ pibâk tchét ! H’ơ krạ lomb’ơ !

    - Mày chửi tiếng Miên nghe cứ giòn ràu rạu. Nghĩa làm sao ?

    - “ Rõ khổ cái đời em tôi ! ” 

    - Đem diễn nôm, ý bảo tao khốn kiếp ư. Ừ, phải đấy.

    - Phải là thế nào ?

    - Đéo...

    - Cấm! Lặp lại đâm nhàm.

    - Ừ, phải đấy. 

    - Mày có bất mãn đời không đấy, thằng kia ?

    - Bất mãn chó gì.

    - Nhìn mày khó bảo đời đáng yêu.

    - Có chó gì mà yêu.

    Tôi ngửa cổ nốc cạn ly, men cay dộng ngược nhót đỉnh đầu. Phần tôi, tôi thôi không hỏi lại bằng được vì sao rốt cuộc nó cũng bỏ chủng viện Saint Anselme ở Canterbury, nơi chúng tôi một thời cùng đến gõ cửa trong niềm tin mình được Ơn Tuyển Chọn. Hỏi, nó chắc đã biết phải phân giải thế nào, hoặc thảng như tôi, nó mãi nhặm nhụa không yên bởi chưa có được câu trả lời. Tôi đoán, hẳn có khác gì tôi, nó hoàn lại chiếc áo tu sĩ với nỗi lòng lắm quật quã. Chúng tôi đã khước từ Lời Mời Gọi, thoái thác sự quan phòng sắp đặt. Chúng tôi như những đứa con đi hoang. Tày khôn và bội bạc. Những đứa con tự chuyên và phản phúc của Giáo Hội, bỏ mặc mảnh ruộng hậu tự lúa chín không người gặt. Riêng tôi, tôi nguy nguẩy rảo bước đi tìm hương gió từ xa xăm một miền thảo lai lồng lộng nào đó trong tôi. Tôi nào ngờ trước mặt chỉ là sa mạc vô tận, tít tắp bốn bề cát xô những triền cát. Song tôi vẫn đi, vật vã tôi đi, cứ thế, chân giẵm lên dấu chân của chính mình.

    Trời chiều thoáng chốc tối sâm sẩm, ngày chực tắt ngúm trên khuôn mặt hai đứa tôi. Muỗi bay vo ve đan mặt võng, chúng đói. Khói thuốc lá khiến chúng cáu kỉnh. Trong bóng tịch luốc nhuốc dường thể bạn tôi gượng hãm tiếng than van ; tôi nghe tựa hồ nó vẫn ngầm nguột đợi ở nơi tôi một lời bộc bạch, hòng thằng tôi đây một kẻ đồng lõa. Nó như tôi đã quá đơn côi với niềm tự vấn. Tôi chợt thấy chân tay rã rượi mỏi, miệng tôi nhầy nhợt đắng. Cuộc đời đó, đáng yêu chăng, tôi thật đã biết lấy đâu bảo rằng có. Tôi không vọng tưởng một cõi địa đàng tổ tông loài người xưa đánh mất. Tôi nhọc nhằn cất bước trên tháng ngày mốc mếch cháy nám, trái cấm trên tay già háp, bộng rữa tự bao giờ. Phàm nhân loại có tội sẽ phải cúi mặt đi trong thung lũng tối tăm, đi như một hành động tuyên xưng đức tin mỏn mọn, lòng khát khao yêu và đáng được yêu.  

    Đột ngột đêm mở toang vũ trụ, bùng tỏa li ti muôn vạn pháo hoa trong câm nín vô cùng. Tôi muốn nói điều gì đấy để giữ lấy bạn tôi đang ngồi khuất vào bóng tối sát cạnh tôi đây. Nó im lặng suy tư; đêm đen hõm vào một khoảng cách bỗng đâu sâu vời vợi. Chặp sau nó huých khuỷu tay tôi :

    - Uống đi, rồi đi với tao.

    - Đi đâu ?

    Xóm đĩ nhà sát vách nhà, phên dứng đóng mốc xiêu vẹo bên này như muốn đổ lên tấm vách thưng gỗ tạp căn bên kia; bũm thũm mái tôn hoen rỉ trịnh mái tôn, quen quén chắp dãy trong con hẻm đất thín. Rãnh cống thềm trước dẫn ra cái mương đào mé sau. Ven con nước ủng ngập ngụa rác lắm nhà xới luống trồng rau, rào lưới mắt cáo nuôi thêm dăm con gà bên cái lu gốm dùng hứng nước mưa. Khóm chuối già sâu bọ ám quắt queo lại, tàu lá rách bướp báp, rục thụng xuống đu đưa quét nền đất lầy. Ở mặt hẻm, mỗi nhà chăng bạt nối mé hiên ra lối đi bày bàn ghế xệch xạc bán hàng giải khát, bày bán những thân phận thừa. Gái chờ đi khách phần nhiều ở tuổi vị thành niên, gầy yếu đen đủi, chân tay dính cáu sinh meo, son phấn bôi lam nham lên mặt, váy guốc nhăng nhố hàng chợ biên giới. Những đứa bé gái, đứa đứng tựa cột hiên, đứa ngồi song cửa, héo hắt phô cái xác buồn tẻ. Tuổi thơ vô hồn thối vữa ra. Đố vách đố cửa chăng đèn xanh đỏ nhắng nhít, chớp nháy sàm sỡ. Nhạc kích động giã thình thịch vào tai đâm nhuyễn chút lấn cấn lương tâm, nện tróc bằng hết chút hổ thẹn thỏn mỏn đang còn đóng ứ. Từ ánh đèn đường vàng vọt bóng tối nở ra chài mồi. Cỏ lưỡi mèo bậm đất mọc chen những lùm gai khô xám bên chân cột đèn. Lũ chó lở ghẻ lon bon luồn chân người, nhác ăn cái đá kêu ăng ẳng. Bọn thanh niên say rượu nói cười hơ hớ, hai ba thằng đèo nhau trên chiếc xe gắn máy bấm còi inh ỏi sấn lối. Chen vai giữa đám người, bạn tôi níu áo tôi lôi đi, miệng làu bàu : 

    - Ba’yợ đák tong...!

    - Mày dắt tao ra đây làm gì ?

    - Muốn để mày có cơ hội chiêm nghiệm cảnh giới của Hý Khúc Huyền Nhiệm hồi thứ nhất, đi dăm bước thấy đủ chín tầng địa ngục. Xóm này dành cho đám dân cư ở những thôn mạc trong vùng. Bọn mối lái chọn hàng xịn đem đi Phnom Penh, có khi đem bán sang Bangkok.

    Nó rít qua kẽ răng :

    - Nhìn đấy, bên trong những nơi chứa kia mọi hành vi hung bạo và man rợ đều được dung thứ. Thiếu khối thằng phải nhìn thấy con bé gào khóc van lơn nó mới thỏa. Lậm men chúng chửi mắng, trói cổ tra roi con đĩ khốn nạn ; có đứa nổi cuồng đấm đá, nhận nước... được tất. Nhỡ tay đánh chết đứa bé, mụ trùm đòi tiền bồi thường, thêm chút đỉnh bõ công bọn này đem cái xác vào rừng vất đâu đó. Chơi thế bảo sao không sướng ; cái đứa mạt kiếp vẫn có quyền trên sinh mạng kẻ khác cơ.  

    Tôi váng đầu, ợ chua chất cồn. Bữa rượu ban nãy tôi uống đã không biết cầm chừng. Tôi trương sình lên, bệu nhũn.

    - Về thôi, mày...

    Thằng bạn tôi vẫn hăm hở lủi qua con hẻm :

    - Tao hỏi mày, sống buồn nản được tích sự gì ? Cõi người đày đọa thối tha lắm, khóc than thế nào cho xiết ? Đấy, nhìn cho kỹ.

    - Để hôm khác...

    - Nói thật với mày, sống kiếp này cứ phải nuôi lấy lửa lòng, vác trạnh vác mỏ đối mặt tà đạo ma chướng. Bảo dại cũng được, khùng nữa là khác. Yêu đi, sợ đếch gì. Máu còn tòi lên tống tình tức còn biết hy vọng ; còn mong ước nhiều là bởi trời cao vẫn chưa bỏ mặc nhân loại, mày hiểu không ? Chỉ cần nhen nhúm một tia sáng trong lòng mọi người.

    - Tao thấy trong người tao không ổn...

    - Đừng tưởng tao những là giỏi nói suông ; ăn no rồi bàn cãi vu vơ thì cũng vất đi. Bấy lâu tao vẫn liên hệ với vợ chồng thằng Thorvald thúc giục chúng nó tận dụng guồng máy thông tin, thêm uy tín của ông bố vợ nghị sĩ, huy động các ủy hội cứu trợ trẻ em, các tổ chức ngoại viện của chính phủ bên kia. Tương lai từ trụ sở ở Phnom Penh họ sẽ phái người về đây tìm phương cách tuất bần, đặt kế hoạch khẩn điền, mở trường dạy học dạy nghề. Vợ thằng Thorvald hứa với tao sẽ có cả một trạm y tế. Tao muốn mày ở lại với tao, vài năm rồi hẵng... Mày sao thế?

    Tôi chống tay cột đèn, gập người nôn hết bữa cơm chiều. Lũ chó từ xa thấy có ăn chạy xô tới. Đấy là lúc từ một góc sân tối áng sau bụi cúc tần chúng tôi nghe con bé la hoảng :

    - Con lạy chú! Chú đừng giết con! Con lạy chú, chú ơi!

    Bạn tôi đạp cổng rào lao về hướng ấy. Tôi kịp nhận thức tiếng đứa bé gái khóc thét lên át tiếng người xô xát ; con mụ nhà chứa ra sân hô hoán, người đi ngoài ngõ khựng bước, nháo nhác tụm năm tụm bảy. Tôi quáng quàng tẽ đám người, sấp ngửa chạy giấn vào. Đứa bé ngồi thu lu bên hàng giậu chi chít dây mã đề, nấc lên từng chập kinh hãi, mắt trợn dộc nhìn bạn tôi nằm sõng soài dưới đất. Tôi nhoài đến đỡ lấy nó, máu nó loang từ vết thương ở phần ức giữa hai bẹ sườn ướt áo tôi. Con mụ trùm hai tay chống nạnh đứng ngó, miệng lẩm bẩm rủa. Đám con gái nhà mụ thì thào nép vào nhau ở mé sân. Tôi mếu máo kêu gào, ai thương giùm chạy tìm cách cứu bạn tôi. Khốn nạn, trong nhà ngoài ngõ một lũ lố nhố chen chúc nhau nghển cổ đợi giây phút tống ôn. Bạn tôi bật người hộc máu mồm ; tay túm ngực áo tôi, mắt nó đỏ lờ quăm quắm nhìn:

    - Thôi... Giúp... giúp tao dọn mình.

    - Đừng...

    - Muộn... Mau... mau đi.

    Tôi nghẹn họng, run rẩy tháo sợi dây chuyền có chiếc Thánh Giá dúi vào tay nó:

    - In... in nomine Patris, et Filii, et Spiritu Sancti. Mày... Lạy Chúa tôi, đừng...

    - Mau...

    - Mày... mày có dốc lòng thống hối mọi tội lỗi ?

    Nó chớp mắt, miệng lại sặc sụa ho ra máu. Tôi nức nở :

    - “Chúa phán : Ta chính là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dẫu chết cũng sẽ sống, và mọi kẻ sống cùng tin vào Ta sẽ không phải chết bao giờ”.

    - A... amen.   

    Tôi thều thào làm phép giải tội.

    - “Hãy vui mừng và chúc tụng Thiên Chúa, hãy nhớ lại lòng lân tuất và lượng từ bi Chúa muôn đời ; Người đã tha thứ mọi điều sai lỗi chúng ta”.

    - A... m... a...

    - Amen.

    Tay nó vẫn bíu chặt cổ áo tôi :

    - Thiệm...

    Tôi ôm nó vào lòng, cúi sát mặt :

    - Tao sẽ bảo bọc cho Thiệm và đứa bé Thiệm đang mang. Giờ...

    Ánh mắt thằng bạn tôi dịu đi ; nó mỉm cười, ngoẹo đầu vào ngực tôi. Tôi ghì chặt xác thằng bạn.

    “Chúa là Đấng cứu chữa những kẻ dập nát tâm can, và ràng rịt vết thương lòng họ. Chúa ấn định con số các vì sao sáng và gọi đích danh hết thảy từng ngôi một”.

    Đèn đường xóa nhòa một trời đêm tội nghiệp. Tôi chỉ còn tôi, và quanh đây người người vẫn nhí nhoẻn nói cười.      

 

Đào Vũ Hoài


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss