Giới thiệu sách mới
Giới thiệu sách mới
THUẬN
B52 ou celle qui aimait Tolstoï

Đây là tác phẩm đầu tiên viết thẳng bằng tiếng Pháp của Thuận, một tác giả “hải ngoại” quen biết với độc giả Việt Nam (kể cả người trong nước vì một vài cuốn đã được tái bản và phát hành trong nước ; và bạn đọc Pháp ngữ vì nhiều cuốn đã được dịch).
Khác với hầu hết các tác giả “Việt kiều”, Thuận sinh trưởng và lớn lên ở miền Bắc, rồi học đại học ở Liên Xô, sau đó mới định cư và lập gia đình ở Pháp. Thế giới tiểu thuyết của Thuận do đó vừa “toàn cầu”, từ hai nước trong “phe” xã hội chủ nghĩa sang “phe” tư bản, vừa thu hẹp trong tầng lớp xã hội và thế hệ của mình. Với giọng văn cá tính, hai nhân tố trái nghịch nói trên mang lại cho người đọc những nhận xét tinh tế, hay chua cay, thông cảm hay xung khắc với những sự việc, những con người. Thích hay không thích, người đọc không thể dửng dưng với văn của Thuận.
“B52 hay người đàn bà yêu thích Tolstoi” đưa ta đi từ nhà tù Hỏa Lò (mà phi công Mỹ năm 1972 gọi là “khách sạn Hilton Hanoi”), cuộc tình giữa một tù binh Mỹ, phi đoàn viên B52 người Mỹ gốc Nga – trùng tên trùng họ với ông hoàng trong tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình của L. Tolstoi – và một nữ bác sĩ Việt Nam được cử vào chăm sóc “giặc lái Mỹ”, nhân vật “tôi”, cũng là nhân vật chính của tiểu thuyết. Chúng ta sẽ theo cô sang Pháp, thậm chí vào nhà tù Pháp, gặp những loại “giặc” khác – tôi cố ý dùng chữ “giặc” trong bối cảnh đa số cử tri Pháp đang ngả theo xu hướng co cụm, bài ngoại, chán ngán mọi thứ đảng phái tả hữu cổ truyền mà theo họ, đang để cho nước Pháp bị tràn ngập bởi những làn sóng da màu, đen nâu vàng đỏ.
Giữa nhà tù Hỏa Lò Hà Nội và nhà ngục La Santé Paris, là một chuỗi nhân vật, một chuỗi tình huống, những mối tình ly kỳ, kể cả những mối tình của nhân vật “tôi”, người viết xin để bạn đọc trực tiếp theo dõi, cảm thông hay dị ứng. Riêng cá nhân người viết chưa trả lời được câu hỏi : ý tưởng một cô gái Hà Nội say mê Tolstoi gặp một “giặc lái Mỹ” mang cái tên tiền định là một ý tưởng độc đáo, nhưng từ đó, tác giả dựng nên những tình huống độc đáo theo óc sáng tạo, dựa trên trải nghiệm cá nhân, hay chỉ để đáp ứng sự tò mò của độc giả Pháp ngữ giả định của mình ?
Bất luận thế nào, xin hoan nghênh tác phẩm đầu tay bằng Pháp văn của tác giả và mong Thuận tiếp tục dòng sáng tác song ngữ, làm giàu cho văn học Việt Nam thế kỷ XXI.
(Nhà xuất bản ACTE SUD, tháng 3.2025, 160 trang, 18 EUR)
Bảo Ninh
Le violon de l’ennemi
bản dịch của Đoàn Cầm Thi

Đây là bản dịch Những truyện ngắn
của Bảo Ninh (Nhà xuất bản Trẻ, 2023). Năm truyện : Tiếng vĩ cầm của quân xâm lăng, Hà Nội lúc
không giờ, Trại Bảy chú lùn, Thời tiết của ký ức, Khắc dấu mạn thuyền.
Cũng như Nỗi buồn
chiến tranh, tập truyện dài nổi tiếng, chủ
đề của các truyện ngắn này là chiến tranh – ba cuộc chiến tranh Nhật,
Pháp, Mỹ – qua trải nghiệm và kỷ niệm của các nhân vật, đặc biệt là phụ
nữ.
Về bản dịch của Đoàn Cầm Thi, có lẽ không cần nói nhiều : thanh thoát, không câu nệ đi sát nguyên tác nên vì thế mà trung thành với tinh thần văn bản. Mừng cho Bảo Ninh đã có hai dịch giả xứng đáng : Phan Huy Đường với Le chagrin de la guerre và bây giờ, Đoàn Cầm Thi với Le violon de l'ennemi.
(Nhà xuất bản Decrescenzo éditeurs, 2025, 250 tr, 16 EUR).
Christina Võ & Nghĩa M.Võ
VIỆT NAM CỦA CON
VIỆT NAM CỦA CHA

Nhiều người trong chúng ta có dịp quen những gia đình Việt Nam bên Mỹ, trải nghiệm sự khác biệt giữa thế hệ cha mẹ và thế hệ con em trong cái nhìn về xã hội Mỹ, và nhất là cái nhìn về quê hương Việt Nam. Nguyễn Thanh Việt (viết theo kiểu Mỹ là Viet Thanh Nguyen) với tiểu thuyết The Sympathizer (giải Pulitzer) và các tập truyện ngắn, nghị luận là một trường hợp điển hình.
Chúng ta biết rằng thân sinh Nguyễn
Thanh Việt – ông cụ từ trần cách đây không lâu – một người Công giáo di
cư, không đọc tác phẩm của con trai mình. Cũng như nhiều gia đình Việt
Nam, giữa cha mẹ và con cái không hề có sự đối thoại, càng không có ý
muốn tìm hiểu và cảm thông. Thậm chí có những bi kịch khi người con
ngây thơ mang về nhà lá quốc kỳ (cờ đỏ sao vàng) khi người cha chỉ biết
và tôn thờ lá cờ vàng ba sọc đỏ. Ở những nơi tập trung người Việt như
Orange County hay San Jose, nơi mà cờ vàng ba sọc đỏ nhan nhản như logo
quảng cáo McDo, KFC, DHL... thì không, nhưng ở những bang ít người
Việt, không có những “sự kiện” lịch sử được diễn lại như “ngày quốc
hận” 30-4, “ngày quân lực VNCH” 19-6, cuộc “đụng độ” giữa hai lá cờ là
một bi kịch xảy ra một cách phổ biến. “ Việt Nam của con / Việt
Nam của cha” đúng là “hồi ký
song đôi” giữa người “cha chạy
khỏi quê hương” và người “con
tìm về đất tổ”.
Ít nhất điều này đã xảy ra cho cô Tuyết
- Christina Võ và thân sinh của cô, bác sĩ phẫu thuật Nghĩa M. Võ. Hai
cha con chưa bao giờ có một cuộc chuyện trò, mặc dầu cả hai đều có ý
muốn, nhưng mỗi người thể hiện ý muốn của mình bằng cung cách ứng xử,
bằng sự im lặng chờ đợi mà người kia không hiểu. Suốt mấy chục năm
trời, cuộc đối thoại bằng lời chưa bao giờ xảy ra. May thay – nhất là
cho độc giả – cuộc đối thoại đã diễn ra bằng những trang viết, những
trang nhật ký của Christina trên đường “đến” Việt Nam, làm việc ở đó,
gặp bạn bè nước ngoài, bạn bè đồng nghiệp “Việt kiều” hay người trong
nước, họ hàng mà trước đó cô chưa hề nghe nói tới, những trang hồi ký
hay diễn từ của bác sĩ Nghĩa, lúc đầu viết cho đồng nghiệp, rồi cho một
công chúng rộng hơn.
Nếu sự hòa giải – hòa hợp trong một gia
đình hay một dân tộc phải bắt đầu bằng sự lắng nghe, tìm hiểu, tôn
trọng nhân vị “người kia”, thì cuốn “ hồi
ký song đôi” này chính là một bước đầu – vạn sự khởi đầu nan. Chúng ta cảm
ơn hai tác giả (và dịch giả), và mong rằng dòng văn học “hồi ký song đôi” này sẽ phát triển
mạnh mẽ.
(Tác giả Christina Võ & Nghĩa M. Võ, dịch giả Kalynh Ngô, The Three Rooms Press, 3/2025. Nguyên tác tiếng Anh : My Vietnam, Your Vietnam )
KIẾN VĂN
Các thao tác trên Tài liệu