Giới thiệu Tuyển tập thơ thiền Lê Nguyễn
Lời Giới Thiệu
Tuyển Tập Thơ Thiền Lê Nguyễn
Thích Phước An
Trong tác phẩm Lịch sử tư tưởng Việt Nam tập VI, cố Nhà giáo Nguyễn Đăng Thục đã phê phán vua Lê Thánh Tông, vị vua được hầu hết các sử gia xưa nay ca tụng là “bậc anh quân vĩ đại nhất của triều Lê” như thế này:
“Vua Lê Thánh Tông chỉ tin vào Nho giáo, chê nhà Lý mê tín Phật Giáo, nhưng sau một đời hoạt động tích cực cho quốc gia, khi sắp từ giã cuộc đời đã thốt ra những lời đầy hoang mang”:
Ngũ thập niên
lai, thất xích khu
Cương trường
như thiết khước thành nhu
Nghĩa là :
Năm mươi năm
bảy thước thân trai
Dạ sắt lòng
gang chợt yếu rồi
Nhưng phải đợi đến hai câu thơ trong bài Đề Tu Mộng Tự trụ khắc, thì ta thấy không còn là hoang mang hay giao động nữa, mà gần như đau khổ đến cùng cực, khi nhà vua thốt lên với vị sư trụ trì chùa Tu Mộng:
Đại giác hải
trung quân dị độ
Vô cùng môn lý
ngã nan hành
Nhà thơ Nguyễn Duy dịch:
Thầy qua biển giác
bình yên
Còn ta vất vả
triền miên giữa đời
Đây có phải là lời ân hận của nhà vua vì đã đối xử bất công với Phật Giáo, một tôn giáo đã có mặt từ những ngày đầu dựng nước? Thật khó để chúng ta khẳng định nhất là đối với những tâm hồn được gọi là vĩ đại, vì càng vĩ đại bao nhiêu thì càng phức tạp và khó lường bấy nhiêu. Nhưng có một điều ta có thể khẳng định được là, một ông vua bài xích Phật Giáo thì cuối cùng cũng phải trở về một ngôi chùa Phật Giáo để tâm sự về những đau khổ, những dằn vặt của chính mình.
Trong ba mươi tác giả của ba mươi bài thơ trong tuyển tập này, ta có thể thấy đủ mọi thành phần trong xã hội vào thời Lê - Nguyễn.
Ngoài các Thiền sư ra, thì còn có vua chúa, giới quý tộc, những bậc anh hùng đánh đuổi giặc phương bắc xâm lược như Nguyễn Trãi, Ngô Thời Nhiệm, nhà hiền triết Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy thuốc Thái Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, thi hào Nguyễn Du, nữ sĩ Hồ Xuân Hương, nhà Nho vui thú điền viên Nguyễn Khuyến, đến cả kẻ nổi loạn chống lại triều đình như Cao Bá Quát v.v…. Nghĩa là tất cả đều lấy cảm hứng từ Phật Giáo hay những ngôi chùa của Phật Giáo.
Nhưng tại sao Phật Giáo lại được giới trí thức, Nho sĩ đón nhận một cách nồng nhiệt như vậy? Trong khi hai triều đại này đặc biệt là nhà Lê đã đưa ra những khẩu hiệu đầy cực đoan để bài Phật Giáo như “ Tịch Thích Lão,” “Tịch Phật Lão,” nghĩa là phải bài trừ Phật Giáo và Lão Giáo đến tận gốc.
Sau khi đoạn tuyệt với ý thức hệ Tam Giáo của Thiền Tông Lý-Trần mà người đại diện cuối cùng là Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc (19/09/1442) thì nhà Lê đã lấy ý thức hệ Nho giáo để cai trị quốc gia.
Dĩ nhiên, độc quyền thì lúc đầu rất hùng mạnh, vì là con trời “ Thiên tử” thì không ai dám động đến, nhưng sau khi vua Lê Thánh Tông qua đời, Lê Uy Mục lên kế vị làm rối loạn triều đình, giết anh em chú bác trong hoàng tộc, đến vua Tương Dực cũng chẳng có gì khá hơn, nghĩa là cũng huynh đệ tương tàn để tranh quyền đoạt vị. Cuối cùng thì nhà Lê mất vào tay Mạc Đăng Dung.
Chắc chắn không phải là ngẫu nhiên khi một nhà Nho chân chính là Nguyễn Bỉnh Khiêm, được ca tụng là “Cây đại thụ của thế kỷ XVI” đã tìm đến thăm chùa Phổ Minh của vương triều Trần ở làng Tức Mặc phủ Thiên Trường, nơi phát tích của nhà Trần oanh liệt, với hai câu thơ đầy xúc động vừa ngậm ngùi cho một triều đại thạnh trị đã qua, vừa xót xa cho thời đại hôn ám mà mình đang sống:
Bi văn tước lạc
hòa yên bích
Phật nhãn thê
lương chiếu dạ thanh
Nhà giáo Nguyễn Bá Chung dịch:
Bia văn khói biếc
bóng mờ
Sầu vương mắt
Phật sáng bờ đêm thâu
Đó có lẽ là lý do các nhà Nho trí thức chân chính chỉ còn tin vào Phật Giáo chăng?
Sỡ dĩ Lý-Trần đưa đất nước thịnh trị đến gần năm thế kỷ là vì hai triều đại này không lấy Phật Giáo làm ý thức hệ độc tôn mà biết tôn trọng các hệ tư tưởng đương thời để đoàn kết với Phật Giáo, xây dựng một nước Đại Việt phú cường.
Bao dung, đó chính là tinh thần cốt lõi của Phật Giáo. Lịch sử truyền bá hơn hai nghìn năm của Phật Giáo đã chứng minh cho điều ấy.
Muốn có được tinh thần bao dung thì chúng ta không nên nô lệ vào bất cứ ý thức hệ nào, hệ tư tưởng nào, lý thuyết nào như Đức Phật đã khuyến cáo các đệ tử của Ngài trong Kinh Samyutta Nikaya:
“Này Kaccayana, thế gian phần nhiều lần mò đi tìm những hệ thống, và bị trói buộc bởi những tín điều. Những người nào không đi tìm những hệ thống, không cần những lập trường lý thuyết, không theo những tín điều, không coi các tín điều như pháo đài. Người ấy sẽ không có sự hoài nghi và do dự, vì người ấy không phụ thuộc kẻ khác để hiểu biết, sự hiểu biết của người ấy, phải từ thực chứng của chính mình. Đó mới là quan điểm chân chính.”
Và dường như Đức Phật đã tiên đoán được những lý thuyết cực đoan sẽ gây đau khổ cho nhân loại trong những thiên niên kỷ sau khi ngài nói:
“Mỗi quan điểm là một bui rậm, một sa mạc, một mê cung, một sự nô lệ, một sự trói buộc tri thức, chỉ đem lại đau đớn và thống khổ.”
(Majjhima Nikaya)
Đọc những lời trên của Đức Phật khiến tôi nhớ đến Hương Hải Thiền sư ở đời Lê cũng khuyến cáo chúng ta không nên “đi tìm tri thức trong mộng” mà nên tìm những giá trị tâm linh siêu việt từ chính mình:
Phản văn tự kỷ
mỗi thường quan
Thẩm sát tư
duy tử tế khan
Mạc giáo mộng
trung tầm tri thức
Tương lai diện
thượng đồ sư nhan
Nhà giáo Nguyễn bá Chung dịch :
Từng giây phút
tự xét mình
Suy đi nghĩ lại
tâm hình rõ ra
Chớ tìm tri thức
trong mơ
Mặt thầy sẽ
hiện trong ta sáng ngời
Bài thơ trên được trích từ tuyển tập thơ thiền Lê Nguyễn do nhà giáo Nguyễn Bá Chung và nhà thơ Nguyễn Duy tuyển chọn và dịch thuật. Nhà giáo Nguyễn Bá Chung đã sống và giảng dạy tại Mỹ gần nửa thế kỷ qua. Dù sống xa tổ quốc nhưng lúc nào cũng nặng lòng với tổ quốc. Trong một điện thư gửi cho tôi mới đây, ông tâm sự: “thơ Thiền là một tinh túy của văn hóa Việt Nam, không có nó Việt Nam đã không thể tồn tại được cả ngàn năm qua. Nhờ nó, Việt Nam đã hóa giải được tất cả những mâu thuẫn, những khổ đau, những ngang trái suốt quá trình tồn tại của mình.”
Như vậy, theo quan điểm của nhà giáo thì Thiền không phải chỉ thuần túy là biểu tượng cho cái đẹp trong đời sống tâm linh mà còn dính chặt đến sinh mệnh sống còn của dân tộc Việt Nam chúng ta nữa. Còn nhà thơ Nguyễn Duy thì rất được kính trọng vì những bài thơ của thi sỹ đã chứa chan những yêu thương, những âu lo, những xót xa cho quê hương đất nước.
Một nhà nghiên cứu và một nhà thơ cùng hợp tác với nhau để dịch thì, theo thiển ý của tôi, tập thơ đó chẳng những rất nghiêm túc về chữ nghĩa mà còn tràn đầy tinh thần thi ca nữa.
Trong tuyển tập này, ba mươi bài thơ Thiền được Sam Hamill, người sáng lập nhà xuất bản Copper Canyon danh tiếng ở Hoa Kỳ, dịch sang tiếng Anh. Cũng cần nói thêm là Sam Hamill đã từng dịch sang tiếng Anh nhiều thơ Trung Quốc và thơ Nhật Bản.
Với thơ Thiền Lý Trần, chúng ta đã có bộ thơ văn Lý Trần đồ sộ, do viện văn học thuộc Ủy Ban khoa học xã hội Việt Nam xuất bản vào năm 1983. Còn đây, lần đầu tiên một tuyển tập thơ Thiền Lê Nguyễn được xuất bản tại Việt Nam. Điều này theo tôi rất quan trọng, vì lâu nay chúng ta chỉ biết đến Lý Trần là hai triều đại cực thịnh của Phật Giáo, còn Lê Nguyễn là hai triều đại được các sử gia gọi là “độc tôn Nho Giáo.” Nhưng nếu đọc ba mươi bài thơ trong tập này thì chúng ta sẽ thấy rằng, nói theo giáo sư Lê Mạnh Thát: “Phật Giáo biết bám vào sức sống của Dân Tộc để tồn tại, còn triều đại nào không hợp lòng dân thì triều đại đó sẽ bị loại bỏ.”
Bằng tất cả sự xúc động trước tấm lòng của nhà giáo Nguyễn Bá Chung và nhà thơ Nguyễn Duy đối với văn hóa Phật Giáo nói riêng và dân tộc nói chung, tôi xin được trân trọng giới thiệu tuyển tập này đến với Phật tử và bạn đọc trong và ngoài nước.
Nha Trang, cuối năm Mậu Tuất
(2018)
Thích Phước An
Các thao tác trên Tài liệu