Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Giọt nước...

Giọt nước...

- Ninh Kiều — published 15/10/2009 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
truyện ngắn


Giọt nước...

Ninh Kiều


Bầu trời xanh lơ mà không hiểu sao có giọt nước rơi trên tóc. Tôi kêu “ Ông Ngoại, mưa ”.


Mỗi lần tôi nói tiếng Việt, dù chỉ một chữ thôi, bằng cái giọng đầm con của tôi, Ông Ngoại và Bà Ngoại mừng rỡ vỗ tay khen “ bravo ”. Mỗi ngày tôi được dẫn ra vườn hoa chơi cầu tuột, trong lúc Ông Ngoại ngồi trên ghế đá với Bà. Hôm tôi nói “ Đi gặp Bà ”, Bà Ngoại hỏi “ Đi gặp Bà nào vậy ”, Ông Ngoại trả lời “ Tình cờ gặp một bà ngoài đường ”. Tôi cãi “ Non, đi gặp Bà ” nhưng nhằm lúc Bà Ngoại đổ rau vào chảo nóng kêu xèo rất lớn nên không nghe và Ông Ngoại nhìn tôi, lạ lắm, nên từ đó tôi không bao giờ nhắc đến Bà trước mặt Bà Ngoại nữa.


Ăn cơm trưa xong, tôi phải ngủ từ một giờ rưỡi đến ba giờ rưỡi.


Bà Ngoại chỉ cần đứng nhìn tôi nằm trong giường là mắt tôi nhắm khít cho đến khi nó mở ra thì Bà Ngoại đã biến mất, Ông Ngoại hiện ra, quần áo chỉnh tề. Lúc trước tôi ăn quà rồi mới ra vườn hoa, song từ khi có Bà, Ông Ngoại để những món tôi thích vào một cái túi nhỏ.


Đúng bốn giờ, tôi nắm tay Ông Ngoại ra khỏi cửa.


Đúng sáu giờ, Ông Ngoại bồng tôi lên cho tôi bấm chuông. Nhiều khi chưa kịp bấm, cửa đã mở : Bà Ngoại núp sẵn sau cánh cửa nhưng không hù cho tôi giật mình mà lại nhìn đồng hồ.


Mỗi sáng tôi đến nhà Ngoại, chiều về với Papa Maman trong khi chờ đợi trường mở cửa cho tôi vào học mẫu giáo.


Lúc đầu, Bà ngồi một mình trên ghế đá, vì không có cháu để giữ. Sau đó không thấy Bà nữa. Rồi lại thấy Bà. Ông Ngoại đứng lên qua ngồi bên Bà. Rồi từ đó Bà ngồi chờ trên ghế đá, mỗi xế chiều đúng bốn giờ mười phút với cái giỏ có nhiều món ăn rất lạ.


Từ ngày có Bà, Ông Ngoại hay nói, hay cười, cười thành tiếng và không phải lấy sách ra rồi cất sách vào nữa.


Ban đầu tôi không cho Bà sờ, đừng nói đến chuyện hôn. Nhưng dần dần tôi không thích để Bà ngồi riêng với Ông Ngoại. Tôi chạy chơi một lúc rồi leo lên lòng Ông Ngoại cho đến khi Bà nắm tay tôi và tay Ông Ngoại lúc nào tôi không hay.


Dần dần, tôi ăn các món lạ của Bà, bánh ngọt mà không ngọt, hơi mằn mặn. Vừa ăn, tôi vừa nghe hai người nói chuyện.


Bà nói vừa đủ nghe, không như Bà Ngoại, hét rất to. To đến nỗi, làm run cái ly trong tay Ông Ngoại, nước tràn ra ngoài. To đến nỗi Ông Ngoại mở miệng nhưng tiếng nói bị đẩy lùi vào, không thoát ra được.


Để Bà Ngoại không phải la to, Ông Ngoại và tôi làm đúng những gì Bà Ngoại bảo. Nhưng đôi lúc Bà Ngoại cũng vẫn la thật to.


Như hôm làm lễ ở nhà Thờ, Bà Ngoại la to khi Maman tỏ ra không bằng lòng thấy Ông Ngoại ngồi ngủ gục trên ghế vì phải dậy sớm để Bà Ngoại làm giường bởi Bà Ngoại có hẹn làm tóc lúc bảy giờ sáng. Bà Ngoại giống cái đồng hồ điện tử hiện đại, chỉ sai vài phần trăm giây. Cái giường của Bà Ngoại và Ông Ngoại thẳng băng, giống như có hai khúc gỗ nằm chung, không như Papa Maman, gối mềm tung ra như chơi trò đánh nhau cả đêm. Tôi thích nghe mùi Papa trên người Maman. Tôi thích nghe mùi Ông Ngoại, thơm tho. Bà Ngoại thì không nghe thấy mùi gì. Ở gần Bà Ngoại, nghe mùi « bị rầy ».


Ông Ngoại và Bà Ngoại suốt đời làm việc theo như lời kể của Papa Maman, Tata Tatou, Tonton Tom. Ông Ngoại đi làm việc xa lắm, cuối tuần mới về. Bà Ngoại thì lo việc nhà. Bây giờ thì Ông Ngoại hết làm việc ở ngoài nhưng không có việc gì làm trong nhà vì cái gì Ông Ngoại làm, Bà Ngoại cũng không vừa ý. Bà Ngoại hay nói “ Để yên cho tôi làm, làm rồi tôi cũng phải làm lại ”. Cũng may có tôi, không thì Ông Ngoại… thất nghiệp. Tôi sợ Bà Ngoại nên vâng lời nhưng với Ông Ngoại, tôi ngoan vì thương.


Ông Ngoại có đôi mắt thay đổi tuỳ lúc, tùy người, tuỳ nơi. Với tôi, đôi mắt trở nên thánh thiện, nhìn vào thấy bình yên. Với Bà Ngoại, đôi mắt ấy tối sầm, u uất. Với Bà, đôi mắt có ánh lửa, sáng óng ánh, xuyên thấu.


Như tôi đã kể trên, trời xanh lơ mà có giọt nước rơi trên tóc, tôi kêu “ Ông Ngoại, mưa ” và sau đó nhiều giọt nước tiếp tục rơi… trên mặt vì tôi ngẫng đầu nhìn lên thì thấy mưa rơi từ mắt Ông Ngoại và mắt Bà.


Mấy ngày nay, không hiểu sao tôi lại thích ngồi trong lòng Ông Ngoại để lắng nghe Bà nói.


Trong câu chuyện của Bà, có chiếc thuyền khẳm vì đông người. Bà ngồi trên ấy với một cô bé cũng học mẫu giáo như tôi. Đã nhìn thấy bờ. Người ta xôn xao kéo thuyền vào sát bờ hơn nữa. Bỗng thuyền rùng mình, lật úp. Bà rơi tõm xuống biển, tuột tay mất cô bé. Bà sờ soạt tìm kiếm, nước đục ngầu. Bà đi tìm, tìm mãi cho đến khi vùi được xác con trên bãi cát trắng. Bà không khóc như bây giờ vì lúc ấy có những mất mát, lớn hơn của bà. Đâu đâu cũng khóc, giống như làng mạc sau trận bom bi, bom napan, bom tấn, bom hút hết không khí… Nhưng lúc ấy Bà còn sống bình yên ở Sài Gòn, có nghe nói chứ chưa bao giờ thấy cái chết trước mắt. Từ đó, mỗi năm vào giữa tháng 11, Bà thắp hương cúng cô bé và cố nhớ lại đã vùi xác con ở chỗ nào. Nếu ngày nào đó trở lại, có tìm được không ? Bãi cát giống bãi cát, hàng dừa giống hàng dừa. Tìm đâu ?


Bà có giọng nói ấm, dịu dàng và có cả im lặng rất dễ chịu. Không như Bà Ngoại, gặp Bà Ngoại tự dưng cảm thấy mình phạm lỗi. Lỗi đã để Bà Ngoại phải lo lắng vì đi về trễ năm phút. Lỗi đã tắm làm văng nước ra ướt cái khăn chùi chân, khiến Bà Ngoại phải thêm công việc, những công việc mà Bà Ngoại đã làm suốt cả đời không ngừng nghỉ. Những lời Bà Ngoại nói, làm không khí đặc lại vì tôi thấy Ông Ngoại khó thở, và có sức nặng vì Ông Ngoại như ngắn lại, thấp xuống.


Hồi trẻ Bà Ngoại đã la rất to khiến Ông Ngoại nhiều lần bỏ nhà ra quán cà phê ngồi tới khuya. Tôi và Bà có đi đến quán đó để Ông Ngoại uống cà phê loãng, Bà uống cà phê có sữa và tôi ăn kem. Bí mật ! Bà Ngoại không thể biết được. Hôm ấy Ông Ngoại nói với Bà là đã có lúc bỏ nhà đi ở khách sạn rẻ tiền. Song nhớ các con quá, trở về, nghe tiếng con qua cánh cửa, Ông Ngoại đứng khóc trên thềm. Sau đó Ông Ngoại đi làm xa, cuối tuần mới về. Nhà trở nên vui vẻ hơn vì Bà Ngoại mắc lo mừng.


Trước khi Ông Ngoại về hưu, Bà Ngoại ở một mình nhiều năm. Ai cũng bảo Bà Ngoại hay thương người, hay giúp đỡ nhưng không hiểu sao Bà Ngoại không có nhiều bạn. Bà Ngoại không bao giờ thanh thản, lúc nào cũng bận rộn. Cái gì nằm trong tầm tay của Bà Ngoại, cũng phình ra, đầy việc cho Bà Ngoại lo lắng và la to.


Bà thì khác hẳn. Cạnh Bà, tôi cảm thấy bình yên. Ngay cả khi Bà kể chuyện sóng gió ngoài khơi. Ngay cả khi Bà lập lại lời nói đã làm cho Bà đau “ Em đem con đi giết ngoài biển ”. Tôi lại hứng mấy giọt nước rơi trên tóc. Tôi không kêu “ Ông Ngoại, mưa ” mà cứ để cho giọt nước rơi ướt đầu vì tôi không biết phải an ủi Bà như thế nào. Tự nhiên tôi leo qua ngồi lọt thủm trong lòng Bà để Bà dụi gương mặt đẫm nước vào cổ tôi và ôm siết tôi nhè nhẹ như sợ tôi không bằng lòng. Ngồi trong lòng Bà, tôi nghe mùi Ông Ngoại, thơm tho, dễ chịu.


Họ nói với nhau nhiều chuyện mà tôi không hiểu hết nhưng tôi vẫn thích nghe. Họ kể cho nhau về những cuốn sách họ đã đọc, những kỉ niệm và cả những chuyện vui, để cùng cười rũ rượi. Thường chưa nói hết mà họ đã phải chia tay nhau. Bà nhắc giờ, sợ hai ông cháu bị rầy. Buổi chia tay ngày thứ sáu bao giờ cũng bịn rịn hơn những ngày khác vì thứ bảy, chúa nhật, tôi về với Papa Maman. Ông Ngoại hay nói “ Anh trông mau đầu tuần để được gặp em ”. Và Bà thì hay nói “ Em nhớ cái gáy trí thức của anh ” với giọng cảm phục vì Bà thường đưa tay vuốt ve.


Khi mùa thu tới, Ông Ngoại đến trường đón tôi đi học về lúc bốn giờ rưỡi, đưa tôi đi ngang qua vườn hoa có Bà đứng đợi để Bà hôn tôi, cho tôi cái bánh đủ to để về gần tới nhà Bà Ngoại thì nuốt miếng cuối cùng. Nhưng dần dần trời sụp tối sớm, gặp Bà trong nắng sắp tắt, vội vã, gò má của Bà lạnh ngắt.


Rồi không thấy Bà đứng đợi nữa. Ông Ngoại bảo Bà bị ốm nặng, nằm nhà thương.


Tôi còn quá bé bỏng lúc ấy để lo chuyện của người lớn nhưng cũng đủ thông minh để giữ kín chuyện riêng của Ông Ngoại.


Rồi tôi lớn lên, lập gia đình, gặp phải người chồng la to như Bà Ngoại. Tôi li dị. Từ đó, tôi mong mỏi gặp một người như Ông Ngoại, để tôi được biến thành Bà. Để được yêu, để cảm phục và vuốt ve “ cái gáy trí thức ” và để suốt đời cảm thấy gặp nhau bao nhiêu cũng không đủ.


Ninh Kiều

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss