Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Giọt nước mắt của văn chương

Giọt nước mắt của văn chương

- Kiều Giang — published 17/05/2020 17:47, cập nhật lần cuối 17/05/2020 17:47

Truyện ngắn


GIỌT NƯỚC MẮT CỦA VĂN CHƯƠNG


Kiều Giang



“Cuộc nhân sinh thực sự, mà cuối cùng sẽ được hiển lộ,
cuộc nhân sinh duy nhất được sống một cách trọn vẹn,
là văn chương.” 

MARCEL PROUST


Mới 6 giờ sáng mà người qua lại trong các hành lang bệnh viện HĐ đã rộn ràng, một cô y tá chen vào đám đông, hớt hải xông vào phòng bác sĩ trực, không kịp gõ cửa, báo rằng đêm qua một nam bệnh nhân bị bệnh tai biến tên H.K. giường 19 phòng 207 trong ca trực của cô, đã đột nhiên biến mất, cô đề nghị bác sĩ xem giúp lại hồ sơ bệnh án của bệnh nhân và các thông tin khác.

Vị bác sĩ hình như còn ngái ngủ, sau một lúc lâu, ông mới gọi cô y tá lại, rồi có vẻ nghiêm nghị, đọc hồ sơ bệnh án: “ Ông H.K, nghề nghiệp viết văn, bị tai biến, nằm viện đã 35 ngày, tình trạng sức khỏe hiện tại ổn định, đôi chân còn yếu, đi phải có người đỡ hay ngồi xe lăn, chiều qua có người nhà đến xin về điều trị ngoại trú, đã thanh toán xong các khoản viện phí, chờ sáng nay xuất viện”. Ngưng một lát, người thầy thuốc nói tiếp “ Camera an ninh phòng bệnh cho thấy đêm qua, khoảng một giờ sáng, có một cô gái còn rất trẻ, ăn mặc lịch sự đến đưa bệnh nhân ra khỏi phòng bệnh bằng xe lăn”. Ông ngước nhìn cô nhân viên của mình, vẻ thăm dò, rồi buột miệng: “Lạ thật. Hơn 20 năm làm nghề y, tôi chưa gặp trường hợp “xuất viện” kỳ lạ như thế này bao giờ”. Nét mặt của ông căn lên rồi lại giãn ra, chặn một nụ cười nửa miệng.


Một tháng sau ngày bệnh nhân, nhà văn H.K mất tích đầy bí ẩn ở bệnh viện HĐ, bà Diệp Thảo, giám đốc một xí nghiệp kinh doanh nước giải khát khá nổi tiếng, đưa đơn lên tòa án xin ly hôn với người chồng, mà theo bà là một thứ “lãng tử khố rách”. Nói câu đó, vì bà nghĩ đến Karl Marx thời gian ở Luân Đôn, khi ra đường thì đóng veston rất tươm tất, nhưng trong túi chẳng có xu nào. Bà không thích đường đi của những nhà tư tưởng. Với bà, giá trị của một con người là túi tiền và cái hòm chìa khóa.

Bà giám đốc, tuy tuổi đã quá ngũ tuần, nhưng nhan sắc còn rất mặn mà, nhìn bà, người ta đều phải kéo lùi thời gian đã phủ lên cái mái tóc còn xanh mượt, lên đôi môi còn rất mọng của bà, đến hơn 10 năm, đó là chưa nói đến 3 cái vòng eo đầy khêu gợi, soi trên chiếc Mercedes bóng lộn. 

Trong đơn, bà tố chồng với đủ thứ tội mà cả đến Thượng đế khi đuổi Adam và Eva khỏi vườn địa đàng, còn gán ít tội hơn. Bà nói rằng ông H.K rất tệ bạc với bà, trong rất nhiều tác phẩm của ông, thơ cũng như văn, đều có thấp thoáng bóng dáng những nhân vật là những phụ nữ trẻ đẹp, mà bà tin chắc đó là những người tình của ông. Đã nhiều lần bà đã cảnh cáo ông, nhưng ông vẫn chứng nào tật nấy, và luôn miệng biện hộ rằng đó là những nhân vật hoàn toàn có tính hư cấu. Đúng là, mặc dù bà đã cho người theo dõi, nhưng bà cũng không nắm được một bằng chứng xác đáng nào. Hay là ông chỉ yêu những người đàn bà trong mộng, và chẳng lẽ những nàng Mona Lisa kia cũng chỉ là do trí tưởng tượng của ông nặn ra, không phải của Leonado Da Vinci mà là của thế kỷ 21? Bà cũng không thể hiểu nổi tâm lý oái ăm phức tạp của các nhà văn! Mà nếu chỉ như thế cũng không được, vì dù ông chỉ phiêu lưu trong cái thế giới tưởng tượng đó, cũng đủ để kết luận là ông đã phản bội bà. Đã là chồng bà thì ngay cả những dây thần kinh ngoằn nghèo trong đầu ông, dù là chất trắng hay chất xám cũng đều là sở hữu của riêng bà. Nhiều đêm, nằm bên bà, dù mắt ông cứ mở thao láo, nhưng bà phải lay đến mấy lần, ông mới quay về với thực tại, và như thế thì những cảm xúc ham muốn đang dâng trào làm người bà nóng rang cũng tắt ngấm đi rồi. Bởi thế, bà thầm nguyền rủa sự trớ trêu của cuộc sống phòng the với ông H.K trong những tháng ngày sóng gió đời bà, và những lúc đó bà lại thầm nghĩ đến Nam, một trưởng phòng của công ty bà, trẻ trung, lịch lãm, đầy sức sống, lúc nào cũng như cuốn hút, mời mọc bà. Ngày xưa bà yêu ông K, cũng gần giống với cái cảm giác bây giờ khi bà nghĩ đến Nam. Nhiều khi bà không hiểu nổi cách định nghĩa tình yêu trong sách vở mà bà thường đọc, nhưng bà lại không thích người ta nói với bà rằng, tình yêu chỉ là sự thăng hoa, hóa thân của Libido! Tình yêu của bà sẽ rất cao thượng, đẹp đẽ và bà không muốn nghe ai đó vật chất hóa tình yêu !

Bà còn mạnh miệng tố rằng, ông H.K là người đàn ông lười biếng, vô trách nhiệm với gia đình, suốt ngày ôm cái máy vi tính, miệt mài gõ trên bàn phím, với đồng lương hưu chết đói và những đồng tiền còm cõi bán bản quyền các tác phẩm mà bà cho rằng nó mang đầy tính chất không tưởng, bà cũng không sao nuốt nổi. Ngày xưa bà yêu cái “mác” thầy giáo, nhà văn của ông bao nhiêu, thì bây giờ bà thù ghét nó bấy nhiêu. Ngày ấy bà rất thích thú khi nghe ông nói rằng “văn chương là sợi dây huyền diệu kết nối trái tim với trái tim, quá khứ với hiện tại và tương lai, kết nối các nền văn minh của nhân loại, không có văn chương, trái đất chỉ là sa mạc, loài người sẽ mất đi màu xanh của tình yêu và lẽ sống, không có văn chương, nhân loại sẽ không còn tính sáng tạo nghệ thuật và chỉ còn đố kỵ và hận thù”. 

Đúng như người đời thường nói, “con đường đi vào trái tim của người đàn bà qua ngả lỗ tai”, bà đã yêu ông bằng những lý thuyết vô bổ về triết học, văn chương, về những giá trị nhân bản và những gì gì nữa bà không nhớ hết, bây giờ nhìn lại, so sánh đồng tiền mà mỗi người kiếm được, những thứ mà bà tin vào thời đó, để mê ông, bây giờ đã trở thành xa lạ, nếu không nói là thù địch. Và cũng vì thế mà ngoài những cuốn sách giáo khoa thời phổ thông và những tờ lịch treo tường, bà không còn lật bất cứ một quyển sách nào nữa. Có lần bà hỏi ông “văn chương xuất phát từ đâu, và sẽ đi về đâu mà ông mê lắm vậy”? Ông trả lời một cách hết sức “mơ hồ, vô nghĩa” rằng “Bởi khởi thuỷ của văn chương là huyền thoại, và tận cùng của nó thì cũng vậy.”*

Cho nên nhất định, bà phải quên, quên hết những gì mà ông đã từng mê hoặc bà, quên những đêm mà ông đã từng đưa bà quằn quại, rên rỉ trên đỉnh thiên sơn, những việc mà bà đã cho rằng ông từng hi sinh cho bà, những khi bà gặp hoạn nạn, bây giờ chỉ là nhảm nhí, vô bổ, đáng ghét. Trước mắt, bà phải theo đuổi một con đường khác, con đường không có ông, không có bóng dáng phù phiếm của văn chương.


Huyền My ngồi trên giường, chân buông thõng, hai tay chống lên thành giường, tinh nghịch thích thú nhìn người đàn ông trên chiếc xe lăn, hình như đang đăm đăm nhìn những tia nắng mai nhảy múa trên cái giàn hoa thiên lý trước sân:

–Thầy nhìn gì mà đăm chiêu quá vậy?. 

Ông H.K giật mình quay lại, nhìn cô học trò năm nào, đôi mắt long lanh, vẻ trìu mến tinh nghịch, ông cười mỉm:

– Thầy có nhìn gì đâu !

Rồi như để chữa thẹn cho câu nói vô tình của mình, ông chia sẻ:

– Hôm nay nắng đẹp, phải không em?

–Thầy đã thấy nắng đẹp, em rất vui, vì em biết thầy đã khỏe lại, xin cảm ơn màu nắng hôm nay và em cảm ơn thầy.

– Cảm ơn phải là từ để dành cho thầy nói với em chứ? Không có em, cũng chưa biết điều gì đã xảy ra… với thầy! 

Hình như ông H.K hơi nghèn nghẹn.

Huyền My lấy cây gậy trúc mà chiều hôm qua cô đã mua được trên đường đi làm về, tiến đến trước mặt người đàn ông vừa mới bước qua bờ sinh tử, nước da đã hồng trở lại, cô nhìn sâu vào mắt người thầy và đề nghị:

– Bây giờ em sẽ tập cho thầy đi nha! Thầy hãy vịn vào một đầu gậy, em vịn chắc đầu bên kia, thầy nhích từng bước theo em !

Ông H.K thoáng nhận ra sự khác lạ từ ánh mắt của Huyền My, nhưng ông không dám đưa ra một phán đoán nào từ đôi mắt như đang muốn nói một điều bí ẩn gì đó với ông !

Huyền My đỡ cho ông đứng lên, ông hăm hở làm theo lời hướng dẫn tỉ mỉ của cô học trò. Mới đi được khoảng 5 mét, ông H.K bị ngã nhoài người về phía trước. Nhờ trong tư thế đi lui, Huyền My mới kịp nhào ngược lại ôm ông vào lòng. Trong giây phút bàng hoàng ấy, tự nhiên như có một luồng khí nóng chạy qua người cô, một sự rung cảm đầu đời mà cô chưa từng gặp. Cô rùng mình. Còn ông H.K cũng siết chặt Huyền My vào vòng tay của mình. Mùi hương con gái thoảng vào thần kinh, làm ông ngây ngất, bất giác, ông nói khẽ “thầy cảm ơn em!”.


Ngày ấy Huyền My bắt đầu để ý đến thầy H.K khi ông tham gia vào một số giờ thỉnh giảng ở Trường ĐHKHXHVNV. Trong bài thuyết trình với đề tài: “Những kinh nghiệm sáng tác của các nhà văn”. Huyền My thấy thích thú về những đường nét tư duy, về cách biến hiện thực thành những tưởng tượng tiên nghiệm đầy tính sáng tạo của các nhà văn, qua những trải nghiệm sống động của họ, mà một cô sinh viên tập tò trong nghề viết như cô cần học hỏi… Thời gian sau đó cô thường lui tới nhà thầy để được truyền dạy những kinh nghiệm thực tế mà cô chưa vận dụng nổi từ sách vở. 

Đã gần mươi năm nay, sau khi tốt nghiệp, cô xin được một chân quản thủ thư viện trong một trường đại học, cũng là thời gian cha mẹ cô được bảo lãnh sang Mỹ. Cô không muốn đi vì cô thầm nghĩ, một xã hội văn minh kỹ thuật như ở Mỹ, chắc không thích hợp với tâm hồn cô, và cô ở lại để giữ căn nhà nhỏ ngoại ô thành phố, mà theo lời người cha, đó có thể là nơi mà ông sẽ trở về, là nơi ở cuối của đời ông. Cuộc sống êm ả trôi qua với sách vở cùng gió trăng, không hiểu sao cô lại không có một ước muốn kết thân với bóng dáng của một đấng mày râu trai trẻ nào, mà cô thấy thầy H.K sẽ là người đem lại sự ấm áp cần thiết cho tâm hồn cô.


Hôm ấy một buổi sáng cuối đông, trời nhiều sương mù và se lạnh, đoàn xe đưa tang nối đuôi nhau nhích từng bước vào trong khuôn viên của nghĩa trang chùa Hoằng Pháp. Huyền My dìu ông H.K lê từng bước sau xe tang, tiến vào vãng sanh đường, người nằm trong chiếc quan tài sang trọng kia, đáng lẽ là ông, nhưng không phải, mà chính là người vợ đã cùng ông đầu ấp tay gối suốt 35 năm ròng. Nỗi xót xa cay đắng phận người đang đè lên từng bước chân của ông. Ông quay sang đứa con gái đi bên cạnh:

– Ba nghe nói, sức khỏe mẹ con vẫn tốt sau ngày tòa chấp thuận cho chia tay với Ba kia mà?

– Gần đây thấy mẹ thẫn thờ buồn, thường mất ngủ và hay cáu gắt, con có hỏi, nhưng mẹ chỉ lắc đầu.Tối hôm ấy, con gặp chú Nam với một cô gái trẻ đẹp ở dancing, con gọi về nói với mẹ. Không ngờ, khi con về đến nhà thì không còn kịp nữa!

– Sao con lại làm thế?

– Lúc đó con cạn nghĩ, con có lỗi với cả ba lẫn mẹ !

Ông H.K thoáng thở dài rồi vuốt đầu đứa con gái:

– Thôi, tất cả đều là duyên phận, con gái yêu của ba! Con đừng tự trách mình nữa. Dù không ai muốn, nỗi bất hạnh vẫn mãi đeo đẳng con người, hãy lấy tâm đức và trí tuệ để thắng nó. Con đường trước mặt của con còn rất dài và trách nhiệm với mẹ thì rất nặng nề, hãy tránh vết xe đổ mà ba mẹ đã đi qua…

Ông H.K cố lấy hết sức, hai tay bợ vòng hoa hồng trắng với dải băng lụa tím mà chính ông lựa mua sáng nay, đặt lên mộ vợ, cúi nhìn bát hương nghi ngút một lúc lâu, rồi chậm rãi quay lại cùng người con gái đi về phía cổng chùa. Một hồi chuông đổ dài tiễn đưa người quá cố dội vào lòng ông, làm cho ông vừa đi vừa cúi xuống ôm ngực. Ông cố nén giọt nước mắt muốn trào ra khi Huyền My mở cánh cửa taxi cho ông.

Kiều Giang, 

ngày 6-5-2020.



* Ngụ ngôn của Cervantes và cuốn Quixote – Jorge Luis Borges


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss