Hà Nội tháng 7 năm 2011
Hà Nội tháng 7 năm 2011
Phan Thị Vàng Anh
Sau gần năm năm, quay trở lại lần này, anh bảo, “ Hà Nội làm tôi thất vọng ! ”. Ngoài chuyện đường đông nghẹt, khói bụi bẩn thỉu, còn có chuyện phụ nữ Hà Nội hè này đồng loạt mặc áo chống nắng và các quán xá Hà Nội bỗng đắt đỏ hơn cả nơi anh ở, là nước ngoài.
Chuyện đắt đỏ thì đến tôi đây ra hàng tháng mà vẫn còn sửng sốt. Làm sao mà chỉ mấy quả cà chua, vài quả sấu, quả me để nấu nồi canh chua mà gần hai mươi nghìn... Người nghèo sẽ sống cách nào ? Nhưng ngoài phố, dân nhập cư vẫn ùn ùn. Vào làm móng, cả tiệm là các cô gái ngoại tỉnh, tác phong tự tin đến hỗn xược, giọng vẫn còn thất thanh như nói chuyện trên đường đê. Không cô nào muốn về lại quê.
Không ai bỏ Hà Nội, kể cả có bị nó làm cho thất vọng, ê chề.
*
Hà Nội vào tháng bảy đâu đâu cũng có vải và bắt đầu có nhãn. Quất hồng bì lác đác vài mẹt, sấu thì đầy các hàng rau ; những lúc nhẩn nha các chị bán hàng còn gọt sẵn, trụi thùi lụi, nhưng đến mức ấy rồi mà đến các nhà vẫn không có món sấu ngâm như ngày xưa. Cũng thế, trám đã luộc sẵn, bổ sẵn, bán sẵn, nhưng món trám dầm nước mắm hình như chỉ có mặt ở những gia đình còn có cụ bà trên 70. Phụ nữ Hà Nội ngày nay, cũng như phụ nữ trong cả nước này, ai nấy đi những chiếc xe tay ga khổng lồ, nặng nề, ngật ngưỡng chống chân xuống đất trên đôi giầy gót nhọn, dừng lại mua được mớ rau, vài lạng tôm, thịt... sau giờ tan tầm đã là cả một kỳ công, những thứ bình dân mà tinh tế kia đọc sách về Hà Nội hình như cũng đã đủ rồi, không cần làm nữa.
Tôi nghĩ, rồi phụ nữ nước mình đến hỏng cả cột sống mất thôi, cứ căng mình điều khiển những chiếc xe to đến thế kia, phanh thắng dồn cả vào đôi tay, yên tuy cao mà vẫn thấp, lưng cứ bè ra, khọm xuống. Nhìn ngượi bạn loay hoay dắt chiếc xe ra khỏi bãi mà thương, một ngày bốn lượt thế này thì khác gì một ngày bốn lượt bưng thùng gạo nặng.
Nhưng phụ nữ gồng mình chạy chiếc xe to, cũng như nam giới căng đầu điều khiển xe hơi luồn lách trong một thành phố mà đi xe ôm là tiện nhất, là những việc “ phải làm ”. Cuộc chạy đua về hình thức không từ một ai, và cũng dễ hiểu, khi mà đời sống tinh thần đã quá sẵn sàng, chỉ cần có điện và máy tính là có tất. Ai ai cũng bình đẳng trước tri thức, mà con người lại cần phân biệt thứ hạng rõ ràng, nên một khi tri thức về độ vỡ lòng đã sàn sàn ngang nhau thì hình thức bước vào tranh đua khốc liệt là điều phải có.
Nhất là Hà Nội, nơi một ông lái xe cũng có thể nói năng thông minh như một quan chức, hay ngược lại, thì bề ngoài cũng cần phải rõ ràng để phân biệt đẳng cấp.
*
Trong cuộc chạy đua về hình thức, giữ gìn hình thức là một công đoạn tất yếu. Không được để da đen, không được để quần áo khét nắng khi đến sở..., đó là những yêu cầu chính đáng. Những người cả tuần mới phải ra phố một lần, nhưng người một bước là lên ô tô, xuống ô tô có thể cười chị em Hà Nội mùa này trông giống nhau như tạc : váy ngắn hở đùi nhưng bên trên là áo chống nắng tùm hum, có mũ lụp xụp và manchette phủ dài qua hết hai bàn tay, mặt đeo khẩu trang, mắt đeo kính râm. Trông các chị, các cô rất xấu, nhưng có đi làm mỗi ngày mới hiểu được vì sao phải thế : nắng những năm này hình như có trộn cả hơi xăng, muội than, và da dẻ phấn son rồi không thể mỗi lúc mỗi rửa như thời còn để mặt mộc là căn bản.
Nếu như ở miền Nam, các cô gái đi tắm trắng để được trắng, thì ở Hà Nội đây, chỉ cần giữ cho không đen là đã trắng rồi. Áo che nắng mới cách đây một tuần đã tiến thêm một bước đi kèm váy chống nắng : quấn quanh thân dưới như xà-rông, những chiéc váy này may bằng vải rẻ tiền càng làm cho thành phố thêm nhếch nhác. Cả thành phố như đầy những đống giẻ di động, bắt buộc và có lý, chẳng trách người như anh chỉ biết thất vọng. Anh vốn công bằng, không thể trách ai mà cũng không biết trách ai.
*
“ Mất bản sắc thế này thì ở Sài Gòn còn sướng hơn ! ” anh vừa so sánh vừa cười cười nửa đùa nửa thật. Nghe thì thấy trong mắt anh Sài Gòn cũng là một nơi tệ hết chỗ nói, và chỉ được viện ra để cho thấy Hà Nội nay đã tệ đến thế nào.
Nhưng bản sắc của Hà Nội là gì ? Mất bản sắc có phải chỉ là đông người lên, đắt đỏ thêm, phụ nữ che kín mít... hay còn gì nữa ?
Bản sắc của một người, một nơi, nếu liệt kê phăm phắp ra ngay được bằng những gạch đầu dòng, chắc sẽ không còn là bản sắc.
Bản sắc, tôi cứ nghĩ, là cái không khí mà nơi ấy, người ấy, vùng đất ấy đem lại ; nó là tổng hoà của những thứ quấn lấy các giác quan ta để rồi cho ta một cảm giác rút cục là khó biểu đạt, hoặc đúng hơn là không đủ biểu đạt bằng từ ngữ.
Tôi ra Hà Nội, ở đó, đi rồi về... cũng đã gần mười năm rồi. Lần nào xe từ sân bay chạy vào đến những con đường “ bắt đầu phố ” cũng thấy chộn rộn. Nếu mùa hè là cảm giác mọi thứ trong mình nở ra khi thấy những hàng bằng lăng tím trộn với phượng đỏ rực trong nắng nóng, thì mùa đông là cảm giác trĩu xuống nhưng vẫn ấm cúng trước bầu trời xam xám thấp, và nghĩ ngay tới việc phải rủ ai đi uống rượu táo mèo tối nay.
Phải rồi, bản sắc của Hà Nội là một nơi khiến người ta nghĩ nay tới việc đàn đúm với bạn bè. Ta không muốn ngồi trong nhà ; xuân, hạ, thu, đông đều thế, muốn ra phố, có bạn thì càng tốt, không thì một mình cũng được, miễn là ra phố. Nếu như ở Sài Gòn có có cảm giác cái gì cũng “ ngoài ” ta, xa ta, thì ở Hà Nội cảm giác cái gì cũng sát vào ta, cô đặc hơn : trời, cây, người, sự soi mói của con người, sự thân mật và du đãng của con người, tiếng người... cái gì cũng như “ nước cốt ” không ngừng làm ta ngạc nhiên và hơi sợ hãi vì nó quá gần ta.
Cái sự gần, sự sát ấy, nếu như mới cách đây khoảng 5 năm còn là ở mức dễ chịu vì xe chưa đông lắm, người chưa đổ về nhiều lắm, thì đến năm nay đã trở thành khó chịu. Thứ nước cốt kia đã thành đậm đặc vì mật độ dày ken của tất cả mọi thứ, trở nên ngột ngạt mồ hôi người. Từng ấy sự soi mói được nhân lên, từng ấy giọng nói Hà Nội nhân lên, sự cau có hay ngọt ngào giả tạo cũng nhân lên... làm người phương xa như trúng nắng, xây xẩm. Muốn ra đường gặp một người quen thì phải cọ xát với cả tá người dưng, nhất là hẹn ở những phố trung tâm thì người dưng vừa đông, vừa vô hồn.
Vô hồn là phải, vì đám đông kia tuy sống nhờ Hà Nội, không muốn rời Hà Nội, nhưng Hà Nội chỉ là một phương tiện, không phải là nhà. Cứ nhìn những cuộc bia của hội đồng hương Nghệ An hay Thanh Hoá là hiểu : họ yêu quê họ biết bao nhiêu – nơi mà họ quyết tâm ra đi... Đó, ngày nay ta sống trong Hà Nội là sống với các hội đồng hương khổng lồ và ồn ã. Người Hà Nội gốc với những bà cụ áo phin nõn rót nước vối ủ cho ta uống, những ông cụ (luôn luôn đi cùng các bà cụ kia) áo may ô tinh tơm mắt lấp lánh tủm tỉm cười... ngày càng vắng. Người Hà Nội cổ cũng như cà cuống đồng, biến đâu gần hết, thỉnh thoảng bắt được một bà / một ông / một con tưởng như bắt được linh hồn của một thời.
Nhưng đó là tại anh cứ loanh quanh với những phố Hàng Hành, Hàng Trống, Hàng Gai thì mới buồn. Những nơi ấy, người Hà Nội gốc nhường lại cho những người ngoại tỉnh thì phải, còn bản thân họ rút về những khu phố nho nhỏ, thường cũng có bằng lăng mát rượi trong những đường nội bộ vắng xe, các nhà trong khu ấy thường ba, bốn tầng, có cửa sắt kéo, đầu khu phố có hàng trà lá, trong khu có hàng cà phê ấm áp... Trong mỗi căn nhà là một gia đình Hà Nội cố thủ, bảo vệ sự yên tĩnh của ngày xưa. Muốn thấy Hà Nội của năm mười năm trước, sao anh không chịu khó vào những khu phố nho nhỏ ấy ? Nào có khó kiếm đâu, đi trên bất kỳ con đường sáng sủa nào, thấy một cái ngõ có vẻ rộng cũng cứ thử chui vào xem, anh có thể gặp lốm đốm da báo những khu phố bảo-tồn-không-khí kiểu ấy, từ Nguyễn Chí Thanh, Nguyên Hồng, đến Sơn Tây, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Nam Đế... đâu đâu cũng có những chỗ để ta ngoặt vào, thoát khỏi không khí phi-Hà-Nội mà ta ghét, hít thở không khí Hà Nội vừa ấm cúng vừa sỗ sàng và tinh vi mà ta nhớ, rồi lại chui ra. Không đi tìm rồi thất vọng, rồi trách... hình như là “ bệnh ” của những người ở xa mà không đủ yêu Hà Nội.
Còn những người Hà Nội ngày ngày phải ra đường họ như đành chấp nhận chịu mất thành phố vào những ngày thường, họ đổ cáu gắt oán giận lên đám các chị buôn thúng bán bưng, các chị chè chai, các chị giúp việc giữ em ở nhà. Họ chỉ lấy lại được thành phố của mình vào những ngày đầu Tết, khi dân ngoại tỉnh đã về hết, và những linh hồn Hà Nội lúc đó thong dong lượt là di chúc Tết nhau.
*
Ra Hà Nội đúng vào thắng nắng nhất, oi nhất cũng khổ ngang với ra vào tháng rét nhất. Cô bạn tôi từng nói, người ta mau quên về thời tiết nhất. Mới khốn khổ khốn nạn vì rét mướt đó hồi tháng Giêng, đến tháng Bảy đã chỉ mong sao trời rét lại. Cũng như chắc chắn chỉ vài tháng nữa thôi, người Hà Nội sẽ lại nhớ nhung mùa hè như là một mùa của thiên đàng. Còn bây giờ cứ khổ vì hè cái đã.
Bằng lăng và phượng trên phố đã tàn bớt, thảng bảy lá xanh, không khí ẩm. Vừa chui từ nhà tắm ra mướt mồ hôi. Ngồi trong taxi máy lạnh mở kém một chút cũng mướt mồ hôi. Ở đâu cũng quạt, cũng máy lạnh, chĩa thẳng vào người, thốc thẳng vào mặt chỉ để xua được cái nóng ra khỏi một vùng vừa đủ thân mình.
Nhưng không như mùa đông nấn ná mãi chẳng ra được khỏi giường, lịch xịch mặc áo, đi tất khiến ngày thành ngắn ngủn, mùa hè lại có niềm vui của ngày dài, làm được nhiều việc. Mới 6 giờ đã sáng bét, dưới chợ chồm hổm chạy quanh co những khu nhà tập thể đã đầy tiếng xe, tiếng còi xe, tiếng người, tiếng chặt thịt... Ai nấy áo quần phóng túng, hở hang, tóc tai gọn gàng tránh nóng, chọn mua toàn những thứ nấu được những món có nước, chua chua. Tháng này không có me. Hiếm hoi tìm cả chợ ra một quả me tươi giá những tám nghìn đồng. Tháng này mọi người ăn khế, ăn sấu, ăn đậu phụ luộc cho mát. Có một hàng đậu phụ ở đầu chợ sáng nào cũng đông người mua, từng dây đậu nóng được trải ra, mỗi người mua một vài bìa, kèm theo túi sữa đậu nành. Trông quả thực giống hệt Tàu, dù chủ nhật nào tháng Bảy cũng có một đoàn người đi biểu tình quanh Hồ Gươm để chống Tàu. Tôi vẫn chưa được xem lần nào, toàn nghe những tường thuật miệng và đọc blog, khi đọc vừa hơi ngượng (cái thói người Việt mình quen bảo vệ hình ảnh, chỉ dám phản đối âm thầm), lại vừa chảy nước mắt vì cảm động. Các anh chị này tôi biết và tôi quen, các nhà văn nhà thơ, nhà phê bình văn học..., trong lúc sáng Chủ nhật tôi đi thăm họ hàng hoặc rúc ở nhà tránh nóng thì họ đứng ngoài trời oi ả, giương biểu ngữ chống đường lưỡi bò, đòi Trung Quốc tôn trọng Hoàng Sa - Trường Sa, hoặc những bảng tên liệt sĩ đã hy sinh ngoài biển...
Khắp nơi chống Tàu nhưng đâu đâu cũng hàng Tàu, giống Tàu. Tối Chủ nhật chui vào một bar trên Bảo Khánh của một nghệ sĩ cũng chống Tàu, thấy ghế trong bar bọc phải in hoa phù dung – loại hoa chỉ để chim tước Tàu đậu hay trang trí trên mũ các cô gái Vân Nam. Những chiếc bàn kính bên trong là những khối nhựa đúc hình người béo ú kiểu con giòi, cũng đặc Tàu nốt. Một không khí Tàu cố gắng đương đại bao trùm. Tranh của hoạ sĩ thì hệt Tàu, khỏi nói. Lại nhớ một lý thuyết rất phổ biến : ta thường chống lại mạnh nhất là chính ta : Hitler giết người Do Thái mà (hình như) y là người Do Thái, Harry Potter chống lại Voldemort khi trong người mình có ít máu thịt Voldemort !
Nhưng thế cũng là kiên cường quá rồi, và tính cách Việt Nam vừa lôm côm vừa mềm dẻo, chẳng ai đồng hoá nổi. Bạn cứ đi Tàu đi rồi biết, ta có vẽ tranh giống nó, dùng xe của nó, vải của nó, gạo của nó, kẹo của nó, đến cả tăm của nó thì ta cũng không biến thành nó được. Ta vui những cái tầm tầm, còn nó thì kiếm những cái cực đoan. Ta lấy tầm tầm, bình tĩnh mà chống nó, đua theo cái cực đoan thì chỉ đổ máu con cái nông dân. Cho nên những buổi tuần hành vào mỗi sáng Chủ nhật của tháng Bảy có khi kết thúc bằng chầu kem Thuỷ Tạ là một hình thức nghĩ lại thì vừa đáng yêu, vừa khôn ngoan chừng mực, vừa đúng tình trạng nắm vững thời sự của Hà Nội – nơi gần Trung ương và gần Tàu nhất.
Phan Thị Vàng Anh
NGUỒN : trích từ GHI CHÉP NHỎ CỦA NGƯỜI CƯỠI NGỰA (tr. 5-17),
tản văn, Nhà xuất bản Trẻ, 2016.
Các thao tác trên Tài liệu