Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Hai đoá hoa quỳnh

Hai đoá hoa quỳnh

- Hoàng Phủ Ngọc Phan — published 07/06/2012 16:42, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20


Hai đóa hoa quỳnh


Hoàng Phủ Ngọc Phan



Mùa khai giảng năm ấy, tôi vào học trường Quốc Học Huế. Tôi được xếp ngồi ở đầu dãy bàn thứ hai, gần cửa ra vào. Bọn con trai, những đứa ít thuộc bài, hay nói chuyện, quậy phá, ngủ gục hoặc những anh chàng to lớn dềnh dàng, bị học “ đúp ” (lưu ban)… thường không dám ngồi phía trước vì sợ các thầy “ chiếu tướng ”. Họ thường tự động tìm những chỗ ngồi kín đáo, hình thành một “ xóm nhà lá ” ở mấy dãy bàn sát vách tường phía sau cùng. Đặc biệt, những dãy bàn đầu bao giờ cũng ưu tiên cho nữ sinh. Lớp tôi có tám bạn gái, tôi đều phải gọi bằng chị. Nguyên tôi vừa nhỏ tuổi, vừa nhỏ con nên bị coi như còn con nít. Còn các cô coi vậy chứ người nào cũng có thể gả chồng được rồi.


hoachau

(Bài ký này phỏng theo chuyện kể của thầy Phạm Kiêm Âu – Trường Quốc Học Huế. Tên của các nhân vật đã được thay đổi). Trích từ Dưới anh hỏa châu của Hoàng Phủ Ngọc Phan, nhà xuất bản Trẻ, 2012.


Ngồi ở bàn trước mặt tôi là hai đóa hoa bậc chị, cả hai điều có tên là Quỳnh. Một chị tên Nguyễn Thị Quỳnh, bọn con trai ở xóm nhà lá gọi là Quỳnh ngắn, vì cái tên ngắn ngủn một cách bình dân. Ngồi kế bên Quỳnh ngắn  là Công Tằng Tôn Nữ Bội Quỳnh cái tên sáu chữ rất lục bát, rất quí tộc và rất Huế như thế mà bọn xóm nhà lá cũng chỉ gọi vắn tắt là Quỳnh dài. Quỳnh ngắn có một cái răng cửa bị mẻ mất một miếng lớn, như cánh cửa sổ bị khuyết mất lá sách, nên còn gọi là Quỳnh hở. Quỳnh hở ít khi cười mà mỗi lần lỡ cười, chị thường ý tứ, xòe bàn tay che miệng. Còn nữa. Trong hai con mắt của chị, hình như chỉ có một con là nhìn được. Con kia, con mắt trái cùng bên với cái răng sứt chỉ là con mắt giả, trơ như hòn bi ve và xanh xanh như mắt mèo. Vì vậy, chị có tên là Quỳnh mắt mèo... Tóm lại, Nguyễn Thị Quỳnh, tức Quỳnh ngắn, Quỳnh hở, Quỳnh mắt mèo có thể gọi bằng cái tên tổng hợp là Quỳnh xấu.


Ngược lại, Công Tằng Tôn Nữ Bội Quỳnh hoàn toàn có đủ tiêu chuẩn để thi sắc đẹp, làm mẫu vẽ tranh, chụp hình lên lịch, lên bìa báo tết… Vì chị ngồi trước mặt tôi suốt cả niên học cho đến nay, dẫu đã mấy chục năm không gặp lại nhưng tôi có thể mô tả nhan sắc của chị một cách tỉ mỉ và đầy cảm hứng nghệ thuật. Nhưng xét ra điều đó không cần thiết trong câu chuyện hôm nay, nên cũng chỉ xin gọi Quỳnh dài bằng cái tên tổng hợp là Quỳnh đẹp.


Thói thường ai cũng thích cái đẹp chứ mấy ai thích cái xấu. Tôi cũng vậy lúc đầu, tôi cũng có xu hướng thiên ái Quỳnh đẹp và coi thường Quỳnh xấu. Chị Quỳnh xấu ơi! Không biết bây giờ chị ở đâu. Nếu như lúc này mà chị còn sống ở đâu đó và đọc đến đây, xin chị đừng buồn tôi nhé. Không biết chị sẽ nở một nụ cười rộng lượng hay là sẽ nhỏ một giọt nước mắt – giọt nước mắt lẻ loi của con mắt bên phải, như hình ảnh sau cùng mà chị để lại trong tâm tưởng của bạn bè.


Tôi cũng không thể không nói đến một điều khác biệt quan trọng giữa hai Quỳnh khiến cho dù họ ngồi gần nhau trong gang tấc mà vẫn nghìn trùng cách biệt. Đó là sự khác biệt giàu nghèo. Quỳnh dài là con một thương gia giàu có; thế lực nhất nhì trong thành phố. Chị đi học bằng xe hơi, hằng ngày có tài xế đưa rước, khi nào bước vào lớp cũng thơm tho và sạch sẽ như một đồng xu mới. Quỳnh ngắn thì nghèo, nhà ở tận bến đò Than, một địa danh gần dưới chân núi Kim Phụng. Hằng ngày, Quỳnh ngắn đạp chiếc xe cọc cạch đi về từ phía ngọn núi xanh xanh ấy. Buổi trưa chị ở lại trong trường. Mùa đông xứ Huế, trời mưa tầm tã và rét buốt tận xương. Không hiểu Quỳnh ngắn đi đứng cách nào mà đến lớp vẫn đúng giờ, có điều chị thường bị ướt đến nửa cả người, ngồi học phải co ro khép nép cố giấu hai ống quần ướt sũng dưới gầm bàn.


Có một lần vào đầu giờ Quốc Văn (bây giờ gọi là môn Văn), Quỳnh ngắn mở cặp lấy sách vở, vô ý thế nào để trong cặp lăn ra mấy củ khoai lang. Tôi thấy chị kín đáo nhìn theo mấy củ khoai lang bối rối nhưng không dám lượm. Một củ lăn vào bàn chân tôi, nghe ấm ấm. Tôi hiểu rằng những củ khoai này là bữa ăn trưa của chị nhưng tôi không dám nhặt lên đưa lại, sợ chị mắc cỡ. Củ khoai lăn xuống chỗ xóm nhà lá thì bị đưa ngược lên như trái banh, gây thành một vụ lộn xộn. Lúc ấy nhầm giờ Quốc Văn do thầy M. phụ trách. Con người  này đúng ra không nên làm nghề giáo. Không hiểu sao lại đi dạy mà lại dạy môn Văn. Dạy truyện Kiều có câu: “Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa – ông giảng: “Vào trong phong nhã nghĩa là khi vào trong nhà thì nó rất phong nhã. Còn ra ngoài hào hoa là khi ra đường thì nó cũng rất hào hoa”. Bài Ngày khai trường của Thanh Tịnh có câu : Hằng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc… Ông giảng: “ Bàng bạc là nó… nó bàng bạc-nghĩa là nó cứ bàng bạc bàng bạc…”. Dạy dỗ vớ vẩn như thế nhưng đối với học trò thì rất hắc búa. Bữa đó, thấy củ khoai lăn ra, ông quay lại quắc mắt quát;


 –  Người nào mang khoai vào lớp ?


Cả lớp im thin thít. Tôi thấy Quỳnh ngắn đỏ mặt cúi gầm xuống. Chị nhấp nhỏm tính đứng lên rồi lại ngồi yên. Thầy M. quát đến tiếng thứ ba thì tôi nổi máu nghĩa nghiệp đưa tay lên mạnh dạn đáp :


 –  Thưa thầy, đó là khoai của em.


Ông M. ném vào tôi một cái nhìn gay gắt nhưng không nói tiếng nào mà bước đến bàn, mở sổ điểm ghi cho tôi hai con số 0 gọn ơ. Đến lúc này, bỗng chị Quỳnh ngắn đứng bật dậy như cái lò xo. Chị dõng dạc nói :


 –  Thưa thầy, đó là khoai của em mang theo để ăn trưa, vô ý bị rớt ra. Vậy thầy cứ cho em điểm “0”  –  đừng phạt trò ấy.


Nói xong, chị thản nhiên bước ra khỏi chỗ ngồi, ung dung cúi nhặt củ khoai mang về bỏ vào cặp.


Thầy M càng nổi cáu :


 –  Vậy sao nãy giờ không chịu nhận, làm mất thì giờ.


Ông lại hùng hục mở sổ ghi cho chị Quỳnh hai con số “0” mà vẫn không xóa điểm phạt của tôi. Trong bụng tôi tức lắm nhưng bề ngoài tôi vẫn giữ bộ mặt lãnh lẽo, làm như chẳng mấy quan tâm đến cái điểm quỉ quái của ông ta. Câu chuyện tới tai thầy Kiêm, giáo sư hướng dẫn (bây giờ gọi là giáo viên chủ nhiệm) của lớp.


Thầy Kiêm người Nam bộ dạy môn Pháp văn, nguyên là hiệu trưởng một trường trung học ở Sài Gòn. Nghe nói mấy năm trước, ông tham gia phong trào Trần Văn Ơn, bị chính quyền thuyên chuyển ra Huế dạy học và chỉ định cư trú luôn tại thành phố này. Thầy là nhà giáo dạy giỏi, tận tụy, yêu nghề và thương yêu học trò như cha con. Thầy không bao giờ hò hét mà lớp học khi nào cũng vui vẻ ấm áp. Mỗi năm học, thầy sắm một quyển sổ lưu niệm. Mỗi học sinh điều được yêu cầu tặng cho thầy một tấm ảnh căn cước để dán vào sổ bên cạnh những trang viết gọi là lưu bút kỷ niệm trước khi nghỉ hè. Đó là người thầy đáng kính mến nhất trong đời học sinh của tôi.


Hôm ấy, vào giờ ra chơi, thầy Kiêm gọi tôi và chị Quỳnh ngắn đến hỏi đầu đuôi câu chuyện củ khoai. Nghe xong, thầy an ủi :


 –  Các trò không có lỗi gì cả. Nếu cần, tôi sẽ xin thầy M xóa điểm “0” cho các trò. Nhưng cả tôi và chị Quỳnh đều lắc đầu :


 –  Thưa thầy, không cần đâu. Xin thầy đừng nhọc lòng vì chúng em.


Thầy mỉm cười gật đầu :


 –  Tốt. Nhưng mà… Thầy nhìn chăm chăm vào mặt chị Quỳnh, hạ giọng nói nhỏ  –  Hãy cẩn thận, thầy M. là một con người nguy hiểm. Tôi nói nguy hiểm. Hiểu không ?


Tôi gật đầu nhưng không hiểu gì cả. Chị Quỳnh cũng khe khẽ gật đầu và hơi nhíu mày. Hình như chị có hiểu.


Độ một tháng sau ngày khai giảng, là lễ Quốc Khánh của chế độ Ngô Đình Diệm, nhăm ngày 26 tháng 10. Lúc này lực lượng võ trang của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam hoạt động mạnh ở nông thôn và vùng núi.Lực lượng cố vấn Mỹ và lính Mỹ bên cạnh quân đội Sài Gòn đã lên đến con số đáng kể. Họ ráo riết xây dựng một dãy tiền đồn tình báo chiến lược ở vùng núi A Sầu – A Lưới thuộc biên giới phía Tây tỉnh Thừa Thiên.


Một buổi sáng, thầy M. vào lớp phổ biến :


 –  Theo chỉ thị của Nha Học Chánh nhân dịp lễ Quốc Khánh mỗi trường phải cử vài nữ sinh tham gia phái đoàn đại diện đồng bào thành phố đi ủy lạo và quàng vòng hoa cho quân đội Cộng Hòa và đồng minh Hoa Kỳ tại tiền đồn biên giới. Tôi chịu trách nhiệm cầm đầu phái đoàn. Riêng tại lớp này, tôi sẽ chọn cô Quỳnh đi theo phái đoàn để quàng vòng hoa.


Chị Quỳnh ngắn bỗng giật mình. Chị đứng dậy phản đối với giọng gay gắt :


 –  Thưa thầy Quỳnh nào ạ ? Nếu là tôi thì… tôi không thể làm việc đó. Tôi đến đây để đi học chứ không phải đi quàng vòng hoa cho lính Mỹ.


Thầy M. ném một cái nhìn khinh bỉ, gằn giọng :


 –  Biết rồi ! Nhưng không ai thèm nhờ tới cô. Cái bộ mặt Chung Vô Diệm của cô mà đi quàng vòng hoa thì không cần Việt Cộng đánh, người Mỹ cũng phát hoảng, đạp nhau mà chạy.


Lác đác ở dưới xóm nhà lá bật lên vài tiếng cười vô ý thức, nhưng rồi họ kìm lại được. Giữa bầu không khí nặng nề đó, thầy M lại tiếp tục :


 –  Hồi nãy tôi nói cô Quỳnh, tức nhiên là Bội Quỳnh ấy. Cô hãy chuẩn bị, có lệnh là đi.


Nguyên chị Bội Quỳnh đã xinh đẹp lại rất hoạt bát, tự tin. Chị là ngôi sao của sân khấu học đường. Mỗi năm đến ngày lễ Phụ Nữ, chị thường hóa trang đóng vai Bà Trưng, ngồi trên mình voi diễn hành qua lễ đài để quay phim, chụp ảnh. Đối với những công việc cần đến thế mạnh duyên dáng của chị, Bội Quỳnh thường vui vẻ nhận lời. Lần này thầy M. chọn Bội Quỳnh đi quàng vòng hoa là đúng người rồi. Quỳnh đẹp mỉm cười kiêu hãnh liếc sang Quỳnh xấu, lúc ấy đang cúi gầm mặt xuống. Đối với Quỳnh xấu, những lời mạt sát vừa rồi của thầy M. còn đau hơn những cái tát. Từ con mắt bên phải của Quỳnh xấu, một giọt nước mắt ứa ra lăn dài xuống gò má. Con mắt bên kia đúng là mắt giả. Nó không chảy nước mắt được. Nhìn thấy giọt nước mắt này, nụ cười kiêu hãnh của Quỳnh đẹp vụt tắt. Bàn tay của Quỳnh đẹp kín đáo tìm đến bàn tay của Quỳnh xấu ở dưới hộc bàn siết chặt. Cử chỉ ấy ngọt ngào như những lời an ủi. Lần đầu tiên tôi thấy hai đóa hoa Quỳnh này thật thân mật và dễ thương đến thế.


Thầy M. lại tiếp tục phổ biến :


 –  Vòng hoa thì nhà trường sẽ chuẩn bị. Bội Quỳnh chỉ cần đến đúng giờ, sáng đi chiều về bằng máy bay trực thăng. Nhớ mặc áo dài trắng.


Bỗng Quỳnh đẹp đứng lên lạnh lùng trả lời :


 –  Thưa thầy, cả em cũng vậy, em cũng không thể làm việc đó.


Thầy M. ngạc nhiên hỏi lai :


 –  Vì sao ?


Quỳnh đẹp ngồi im không trả lời. Tuy vậy, thầy M. không hề nổi giận với cô học trò này, chỉ nhẹ nhàng đưa ra lời khuyến cáo :


 –  Cô đã nghĩ kĩ chưa ? Nên nhớ nếu tôi báo cáo thái độ của cô với bên an ninh thì sẽ có chuyện phiền phức đấy.


 Quỳnh đẹp trả lời lễ phép nhưng rất rõ ràng :


 –  Xin thầy vui lòng tìm người khác, cho phép em được vắng mặt hôm ấy.


Thầy M. bối rối quay sang dãy bàn nữ sinh bên cạnh cầu cứu :


 –  Ai tình nguyện đi thay Bội Quỳnh ?


Cả sáu cô bạn còn lại điều im lặng. Kể ra trong sáu cô này cô nào cũng khá duyên dáng, tuy không bằng Bội Quỳnh nhưng đều có nhan sắc trên trung bình. Bình thường có lẽ các cô cũng vui vẻ nhận lời đi quàng vòng hoa nhưng không khí nặng nề hôm ấy khiến ai cũng mất cảm hứng. Thầy M chỉ vào ai thì người đó liền lắc đầu.


Ma xui quỷ khiến sao, lúc ấy từ cổ họng của tôi phát ra mấy tiếng cười khành khạch đầy vẻ thích thú, khiến cả lớp cười theo cái rần.


Tức thì, thầy M. lồng lộn lên, đập bàn rầm rầm quát :


 –  Cười cái gì ? Các người cười ai ?


Ông ta đập bàn mạnh quá, không hiểu vô tình hay cố ý, cái cặp táp của ông văng xuống đất vang lên tiếng kêu loảng xoảng. Từ trong cặp văng ra một cây súng ngắn. Cả lớp ngạc nhiên và hoảng sợ ngơ ngác nhìn nhau. Tôi chợt hiểu câu nói hôm nọ của thầy Kiêm : “ Hãy cẩn thận. Thầy M. là một con người nguy hiểm ”. Té ra ông M là một tên lính kín. Khẩu súng ngắn văng tới dưới chân tôi cũng như củ khoai lăn tới hôm trước. Tôi đưa chân hất nhẹ nó ra ngoài một chút để ông tự đến mà nhặt lên. Thú thật, tôi cũng rất sợ thầy M. và sợ cả cây súng lục này. Nhưng tôi khinh bỉ ông ta nhiều hơn.


Một tuần lễ sau, cũng vào giờ Văn của thầy M. chúng tôi đang ngồi học thì có giấy mời chị Quỳnh xấu xuống văn phòng. Chị đứng dậy toan bước ra khỏi lớp thì thầy M. bảo :


 –  Khoan đã. Sách vở dụng cụ có gì mang theo hết luôn. Đi lâu đấy.


Rõ ràng thầy M. đã biết trước việc này. Chị Quỳnh xấu không phải vào văn phòng. Một chiếc xe bít bùng của cảnh sát đã đậu sẵn bên thềm. Sau này, tôi được thầy Kiêm cho biết thêm :


 –  Cô Quỳnh này (Quỳnh xấu) trước đây đã một lần ở tù vì hoạt động cách mạng trong thời chống Pháp. Con mắt bị hư và chiếc răng bị mẻ của cô là hậu quả của những trận đòn tra tấn trong tù. Nếu không bị nhà tù tàn phá nhan sắc thì Quỳnh xấu là một cô gái hoàn hảo, đẹp nết đẹp người, dễ đã mấy ai sánh kip.


     Khi biết được điều đó, tự nhiên tôi nảy sinh lòng kính trọng và thương cảm Quỳnh xấu vô cùng. Nhưng muộn rồi. Quỳnh xấu không bao giờ trở lại dưới mái trường. Hôm ấy là buổi học cuối cùng của chị. Đôi khi trong giờ học tôi lơ đãng nhìn qua khung cửa sổ, nhìn ngọn núi Kim Phụng ở phía bến đò Than hiện ra một màu xanh thăm thẳm, tưởng thấy bóng dáng Quỳnh xấu lẽo đẽo đi về một mình trên đường mưa gió. Cho đến nay, đã mấy chục năm xuôi ngược đường đất đường đời, tôi chưa hề có dịp gặp lại Quỳnh xấu. Còn Quỳnh đẹp ? Đã đẹp lại giàu có, thế lực  –  thầy M. không dám đụng đến một cái móng tay móng chân của chị. Chị thi đỗ tú tài, lấy chồng bác sĩ rồi an phận sống trong tháp ngà. Tuy nhiên mỗi lần gặp lại bạn cũ, khi nào chị cũng mừng rỡ hồn nhiên như hồi còn đi học.  Thầy M. với tính cách lính kín, không thể ở lâu trong nghành giáo dục. Mấy năm sau, thầy được bổ nhiệm làm chức Trưởng Ty Cảnh Sát Đặc Biệt. Trong những mùa sinh viên Huế xuống đường tranh đấu, thầy trò tôi đã nhiều lần đối diện nhau qua hàng rào kẽm gai và làn khói lựu đạn cai mù mịt. Bên này chúng tôi vẫn là màu áo học trò hiền lành trong trắng. Bên kia là ông thầy cũ, nón biệt kích, áo quần rằn ri nghênh ngang đi lại giữa bọn lính mang mặt nạ đầu heo và những con chó bẹc giê sẵn sang xông trận.


Chỉ riêng thầy Kiêm là gắn bó với nhà trường lâu nhất. Một lần sau ngày giải phóng, tôi trở về Huế tìm đến thăm thầy. Thầy mở quyển sổ cho tôi xem lại những dòng lưu bút của tuổi học trò. Tôi bồi hồi nhìn vào bản đồ lớp ngày ấy. Thời gian qua, khuôn mặt mọi người điều thay đổi nhiều. Thầy trò chúng tôi, mỗi người có một con đường, một số phận nhưng hình như ai cũng đã có sự lựa chọn và đã đi đúng con đường của mình.


Hoàng Phủ Ngọc Phan

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us