Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Hành đạo trà

Hành đạo trà

- Trần Tuấn — published 07/04/2017 22:50, cập nhật lần cuối 07/04/2017 22:39

Hành đạo trà


Trần Tuấn


Hành đạo là việc thường của kẻ có đạo. Tín đồ đạo Phật, đạo Kitô, đạo Bà La Môn, đạo Khổng, đạo Lão ... tất thảy tuân thủ những giáo lý nghiêm mật riêng của bổn đạo, cũng là cách thể hiện nhân sinh quan cuộc sống. Những kẻ theo đạo Trà thì đương nhiên là hành đạo Trà, mà rõ ràng, Trà đạo (Cha do) thì không ai qua nổi người Nhật. Họ là những tín đồ có một không hai. Điều khác biệt ở đây là những thiện nam tín nữ của các đạo giáo khác hoàn toàn có thể thoải mái bước vào và ngồi xuống tham gia hành đạo tại "giáo đường" kỳ thú của đạo Trà mà không hề lo ngại bị các bậc tổ đạo của mình rầy la. Trong 4 chữ làm nên tinh thần Trà đạo: Hoà (Wa), Kính (Kei), Thanh (Sei), Tịch (Jaku), thì đây là chữ đầu tiên - chữ HÒA. Okakura Kakuzo - nhà trà học nổi tiếng người Nhật từ ngót một trăm năm trước đã nói rất hay về điều này: "Trong làn nước màu hổ phách, đựng vào chén sứ sắc ngà ngà ấy, kẻ thụ giới có thể nếm cái thanh tao kín đáo của Khổng Phu Tử, ý nghĩa thâm trầm cay đắng của Lão Tử, và cả làn hương thuần khiết của Đức Thích Ca Mâu Ni nữa ...".

... "Giáo đường" hành lễ đạo Trà phái Urasenke (Nhật Bản) hôm nay mượn tạm hội trường tầng hai của Khách sạn Hội An. Căn phòng lớn, mới, sạch, đẹp và nhã, từ nền gạch, ve tường, rèm cửa, khăn bàn cho tới màu hồng nhạt của nệm ghế. Nhưng cho dù có nhã đến mấy, thì đây cũng không thể gọi là “trà thất” (sukiya) theo tinh thần Trà đạo được khi máy lạnh rì rầm, đèn néon rắc xuống từng chùm ánh sáng công nghiệp xanh xao lạnh lẽo, khách đứng ngồi đi lại lao xao. Trà thất, trong cái nhìn của người Nhật, đó phải mang chứa cái nghĩa phù du của sự vật, từ mái rơm, cây cột tre mảnh dẻ, vẻ vô tư bên ngoài do những vật liệu tầm thường, mà nơi đó, thân thể ta cũng chỉ là túp lều trống trải... Ánh sáng trong trà thất cũng chủ yếu toát ra từ nội tâm chủ và khách.

Nhưng thật khó mà cầu kỳ, cũng không thể cầu kỳ hơn, khi lễ hành đạo Trà hôm nay mang tính chất là buổi trình diễn nghi thức trà đạo Nhật Bản trong chương trình Lễ hội giao lưu Văn hoá - Nghệ thuật Việt-Nhật. Như vậy thì không chỉ có nhị vị chủ khách, mà còn có đông đảo khách thập phương đến chiêm ngắm. Lần đầu tiên tại Việt Nam và Hội An, nghi lễ Trà đạo được chính những trà sư Nhật Bản trình bày, nên người xem đông, khó tránh khỏi những ồn ào khiến xao nhãng đi chữ TỊCH. Mà đã sao, khi tâm niệm của những tín đồ đạo Trà, nói như trà sư Shizuo Mochizuki - Trưởng tràng của Nhóm trình diễn Trà đạo tại phố cổ Faifo hôm nay - là sùng ái cái “chưa viên mãn”, và cố gắng làm tròn cái có thể được trong cái không thể được. Cái chưa viên mãn, tức là Đời vậy!

kimono

Kimono Nhật Bản tại Hội An trong ngày trà đạo. Ảnh Trần Tuấn

Trên bậc gỗ, trà sư Shizuo Mochizuki bước ra cúi đầu chào khách, cùng nhóm nữ nghệ nhân trong trang phục kimono truyền thống cực đẹp. Điều lạ là cả 30 bộ kimono nam và nữ kia, về màu sắc không hề trùng nhau. Đây thể hiện rất rõ tinh thần Trà đạo Nhật Bản: Không tạo ra hình ảnh của sự lặp lại ! Như đã có bông hoa đỏ thắm công phu mang về từ Thánh địa Mỹ Sơn được cắm rất khéo trên chiếc lẵng tre để ở vị trí trang trọng nhất của “trà thất” kia, thì trong bức thư hoạ (kakeiku) viết mấy chữ “Nhất trản sinh bình hoà (Một chén trà đem lại Hoà Bình) - thủ bút của “Vua trà Nhật Bản”, cựu Trưởng môn Trà đạo Uraseke - cụ Sen Genshitsu (người hôm nay cũng đang có mặt tại Hội An) - treo phía trên kia không hề vẽ hoa. Giả dụ có thêm hàng chục hoạ phẩm khác được treo, thì cũng sẽ không hề thấy bóng dáng của hoa trong đó. Tương tự, trong các trà cụ (dụng cụ pha trà) đặt ở bàn bên trái - phía ngồi của gia chủ kia, chiếc ấm đun nước bằng sắt (kama) màu sậm mang dáng ngọn núi Phú Sĩ tượng trưng cho dương tròn rộng phía dưới vuốt thon lên trên, thì bình đựng nước lạnh (tượng trưng cho âm) bằng gốm phải có màu sáng và có góc cạnh, miệng vuông lớn ở phần trên thon dần xuống. Chiếc gáo múc nước (hishaka) xinh xắn hình trụ bằng tre trắng ngà, thì cái đài đặt gáo (futaoki) màu xanh ngọc tạo dáng gân guốc của một gốc tre làm bằng gốm. Hộp đựng trà (natume) bằng sơn mài màu nâu miệng tròn rộng đặt cạnh ống đựng dụng cụ khuấy trà cao, miệng khum nhỏ màu cổ đồng...

Khách khoan thai bước vào trà thất, tiến lại phía bức hoạ và bình hoa. Khom lưng nhưng không thấp đầu, không gập gối, khách khiêm kính cúi chào hoa và thư hoạ rồi về nơi an toạ. Chủ bước vào, mang khay bánh tới bàn khách. Đây là hai loại bánh cổ truyền của Nhật Bản, là bánh nướng Kyoto và bánh thạch rong biển, được gói trong một hộp giấy tròn theo nghệ thuật xếp giấy origami nổi tiếng. Chủ cúi chào một cách khiêm cung, khách cũng đứng lên cúi chào đáp lễ. Đôi bên yên vị, bắt đầu một cuộc hội trà.

Loại trà được trình bày hôm nay là trà bột Matcha, vẫn chủ yếu được dùng trong nghi lễ trà đạo. Matcha cao cấp ngang với loại trà lá hàng đầu Gyokuro, nhưng được hấp bằng hơi, sấy khô, đem hong gió rồi nghiền thành bột, vẫn giữ nguyên màu xanh non đẹp đẽ. Một nghệ nhân trà kiêm phiên dịch ngồi bên giảng giải tôi nghe: Trà trong Trà đạo chia theo hai cấp độ đậm và nhạt. Nhạt không đồng nghĩa với loãng. Tinh tế của Trà đạo là vậy. Một thời gian dài, trong ngôn ngữ người Nhật, “trà” đã trở thành một tính từ thú vị: “Anh thiếu trà quá”, có nghĩa anh là một kẻ vô tâm, vô vị. “Anh nhiều trà quá”, tức là anh đã thái quá trong nói năng, ứng xử rồi đấy !

Nữ gia chủ khéo léo dùng gáo tre múc nước sôi chế vào chén sứ có chứa bột trà, sau đó dùng một dụng cụ đặc biệt bằng sợi cước để khuấy trà. Khuấy đều và thật nhuyễn trong vòng một phút, sau chế thêm một lần nước sôi. Nước được đun trên bếp điện cách điệu dưới hình thức một lò than xinh xắn. Người Nhật giải thích cho tôi hay rằng, nếu ở trong một trà thất tĩnh lặng hơn, bạn sẽ thú vị khi được nghe tiếng nhạc lanh canh phát ra từ chiếc ấm sắt trên bếp lò. Đơn giản vì người ta chủ ý đặt vào trong ấm những miếng sắt nhỏ để tạo nên âm thanh đặc biệt. “Âm thanh ấy, với sự tĩnh tại và buông xả vô biên của nội tâm, trà khách có thể nghe ra những âm vang dịu nhẹ của mây bay, tiếng thác nước, tiếng biển xa vỗ vào đá, hoặc cơn mưa đang quét một rừng tre, hoặc tiếng than trên đồi thông xa xôi ...”.

Trà đạo NB tại Hội An

Trà đạo Nhật Bản tại Hội An. Ảnh Trần Tuấn

Trước khi pha trà, một chiếc khăn màu hồng sạch sẽ xếp theo hình chéo tam giác được nữ chủ cẩn thận căng ra nâng lên trước mặt, biểu hiện cho sự thanh khiết. Những động tác chùi tay luôn thường xuyên và kín đáo với chiếc khăn bông trắng muốt được giắt khéo léo trong vạt áo kimono. Một trong những đức tính quan trọng nhất của trà sư là biết cách quét, lau và rửa. Trà pha xong, chủ bưng sang bàn khách, trước khi đặt chén xuống chủ khẽ xoay chén ba vòng. Vẫn những cái cúi đầu tao nhã. Khách nâng chén trà, tay trái đỡ bên dưới, tay phải áp ngang thân chén khẽ xoay chén trà rồi nhấp từng ngụm với vẻ cảm khoái. Nước pha trà sau khi sôi giòn, thường được hãm ở khoảng 60 độ C, nên khách có thể dùng ngay. Dùng xong trà, khách dùng hai ngón tay trỏ và cái miết nhẹ vào miệng chén nơi vừa đặt môi, lau ngón tay vào khăn bông trắng giắt trong vạt áo kimono, rồi nâng chén lên ngắm nghía vẻ đẹp của nó. Trước khi đặt chén xuống bàn, khách lại khẽ xoay chiếc chén ba vòng. Động tác xoay chén trà biểu hiện tinh thần Trà đạo, đó là sự trân trọng của chủ và sự khiêm nhường của khách.

Shizuo Mochizuki giải thích: Khi chủ mang trà đến, khách phải quan sát vị trí mà chủ khi xoay chén dành cho mình, và khi uống, khách cũng phải xoay để tránh vị trí ấy. Uống xong, khách lại xoay chén để cầm đúng vào nơi mà gia chủ ưng ý. Chủ và khách bây giờ mới cất lời đàm đạo về hương vị của trà, về vẻ đẹp của hoa, của tranh... Trong câu chuyện, họ nhắc tới chữ "Hoà" trong "Nhất trản sinh bình hoà" của "Vua Trà đạo" Sen Genshitsu đang treo giữa trà thất.

"Vua Trà đạo" Sen Genshitsu - người kế tự chức Trưởng môn đời thứ 15 của phái Trà đạo lừng lẫy thế giới Urasenke từ cụ tổ Sen Rikyu (1522-1591). Chiều hôm nay (14.9), giữa Hội An, tôi vinh hạnh được chiêm ngắm cụ thuyết giảng về Trà đạo tại Hội thảo “Bảo tồn di sản thế giới và hợp tác quốc tế”. Cốt cách đạt đạo của một Thiền sư nhiều năm tu luyện đạo Trà, cụ nói: "Nếu không ai dạy ta biết ơn những gì đã cưu mang ta, thì trong Trà đạo dạy ta điều đó. Nó dạy cả những điều lớn lao về sự tồn tại của con người. Vì vậy nó mang lại cho con người nhận thức: Luôn giữ chữ “Hoà”: “Hoà, kính, thanh, tịch”. Tôi sẵn sàng đi đến mọi nơi để nói chuyện trà, kể cả những nơi xung đột nhất như I-rắc, bởi ở đó, trái tim con người đã cằn cỗi, bị dục vọng lấn át, họ không nghĩ đến những điều lớn hơn là tình thân ái, yêu thương nhau. Theo tôi, Trà đạo sẽ làm trái tim họ thanh thản ...".

Một nghệ nhân Urasenke khẽ đặt trước tôi chén trà nước xanh nhức toả khói. Chén trà ấy có tên Thiện Tâm (Yokikokoro). Dậy lên mùi hương lạ. Lục Vũ, thi bá đời Đường xưa tả chuyện uống trà nghe mới ... ghiền làm sao: "Tách đầu thấm vào lưỡi và cổ họng ta; tách thứ hai đánh tan cảnh cô đơn; tách thứ ba nhập vào gan ruột và khuấy lên muôn vàn ý niệm kỳ diệu; tách thứ tư làm thoát ra một chút mồ hôi và tất cả cái tục của đời ta biến theo ra ngoài lỗ chân lông; tới tách thứ năm ta đã thấy thanh thoát rồi; tách thứ sáu đưa ta lên bồng lai của thần tiên bất tử. Tách thứ bẩy ! Chà ! Tách thứ bẩy ... thôi ta không uống được thêm nữa ! Ta cảm thấy luồng gió lạnh thổi vào trong ống tay áo. Thiên đường là đâu ? Chao ôi ! Ta cưỡi lên cánh gió nhẹ để chơi vơi đưa ta đi !".

Tôi thì không vinh hạnh có đủ "cơ số" bẩy tách trà như Lục Vũ để mà cưỡi lên cánh gió. Nhưng mà, trà ngon quá, lạ quá, hơi chát, lại hơi ngọt, lại hơi ... gì nhỉ, thật không biết diễn tả thế nào. Và rồi cạn chén một lúc, đã nghe xôn xao đâu đó.

Tôi biết rồi, chén trà Nhật Bản đang tìm cách trò chuyện làm quen với tô mì Quảng ban sáng.

Và tôi cũng biết, với tôi, trà đạo và trà ... đá đều trác tuyệt ngang nhau. Bởi tôi là tín đồ của đạo Trần Gian ...


Faifo, 15.9.03

Trần Tuấn

Nguồn: Tác giả gửi Diễn Đàn.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss