Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Hậu phương lớn

Hậu phương lớn

- Sâm Thương — published 23/10/2014 12:33, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

Truyện ngắn


Hậu phương lớn


Sâm Thương



Ánh nắng của buổi chiều hắt qua ngọn cau, bóng đổ dài xuống mảng sân gạch. Ông Cầm vừa từ văn phòng Bí thư xã về. Bước vào nhà, ông mở toang cửa, rồi gọi với xuống nhà dưới:

– Nước sôi chưa Ly ?

– Dạ !

Tiếng trả lời từ dưới bếp vọng lên, rồi đứa con gái út hơn mười tuổi đang ngồi xắt chuối cho heo ăn, xách siêu nước nhôm, miệng siêu còn bốc khói bước lên. Con bé Ly luôn nhanh nhạy và khéo léo trong mọi việc để phục vụ ông bố đầy quyền uy. Cái Ly rót chén nước để trước mặt bố, rồi nhảy chân sáo đi xuống bếp.

Mùi trà ướp hoa ngâu tỏa lên thơm ngát. Cầm đưa chén nước lên miệng, uống một ngụm, tự nhiên Cầm nhớ lại cử chỉ của cụ Cẩn, thân sinh của ông mỗi khi cụ cầm cái chén lên uống nước trà. Hình ảnh ấy như hiện rõ  mồn một trước mắt ông, không thể nào nhạt phai được.

*

Hồi cải cách ruộng đất, ông cụ Nguyễn Huy Cẩn bị quy là địa chủ. Lúc ấy, Cầm đang là bí thư đoàn Thanh niên toàn xã, Cầm vốn đã được kết nạp Đảng từ mấy năm trước, khi còn hoạt động du kích.

Sau khi, trên toàn miền Bắc bắt đầu râm ran rộ lên phong trào Giết chó ! Cẩm phong thanh thu nhận được từ những thông tin nội bộ, trong những dịp tiếp xúc trao đổi với những cán bộ đoàn vào những dịp về Hà Nội hội họp. Cầm hiểu được mục đích trong việc tận diệt chó. Dưới mắt Đảng, lũ chó không khác gì bọn Việt gian phản động, ban đêm khi cán bộ của Đảng được lệnh bí mật lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm tìm hiểu, phân định rõ ai là đối tượng của cuộc giảm tô, cải cách ruộng đất, thì lũ chó nghếch mũi phát hiện, cất tiếng sủa um lên, đẩy cán bộ vào tình trạng dở khóc dở cười không thể che giấu, né tránh vào đâu được. Do đó Đảng có chủ trương phải giết sạch lũ chó mới mong tung người ra hoạt động hiệu quả.

Từ hiện tượng Giết chó, Cầm đã lượng đoán được tình hình sắp diễn ra trên nông thôn miền Bắc: nói là phương cách chính yếu mà Đảng lập lại công bằng xã hội, đồng thời thiết lập nền chuyên chính vô sản nhằm tiến lên chủ nghĩa xã hội một cách nhanh chóng, thực chất của việc giảm tô, cải cách ruộng đất, tiêu diệt địa chủ... là để nắm chặt cái hầu bao của nhân dân, tập trung quyền lực vào tay Đảng... Cảm nhận được điều đó, Cầm nhanh chóng tìm cách đối phó, để chứng tỏ mình không bị giai cấp địa chủ nhuộm đen. Cầm đã ly khai nguồn gốc xuất thân, cắt mọi liên quan đến kẻ bóc lột, vợ chồng Cầm tách ra ở riêng.

Năm ấy, hình như mùa hè đến sớm hơn mọi năm. Chưa hết tháng ba mà hoa soan đã rụng đầy ngõ. Khắp nơi, ngay đến những ngọn gió thổi cũng nhuộm chung một màu đỏ sặc sỡ... bởi những lá cờ, những biểu ngữ xuất hiện trước cổng chào, trụ sở, trên tay của những cô thôn nữ đang được huy động đón những anh Đội Cải cách về làng.

Tất cả sinh lực của xã lúc này đổ dồn cho khẩu hiệu. Người người khẩu hiệu. Nhà nhà khẩu hiệu. Khẩu hiệu được dán lên nong, lên nia, trên thúng, trên mủng... Chỗ nào trống thì khẩu hiệu lấp vào. Chữ đẹp viết, chữ xấu, nghuệch ngoạc như gà bươi cũng viết, cũng kẻ. Không đủ giấy mực thì lấy kim, lấy đinh, lấy dùi nhọn tỉ mỉ đâm thủng vỏ cây, lá cây cho thành khẩu hiệu...

Chiều hôm đó, đội thiếu nhi xóm, cờ trống rộn ràng, khăn quàng đỏ thắm, rồng rắn, lũ lượt len lỏi khắp hang cùng ngõ xóm, trên những con đường làng, vừa đi vừa hát “Anh em ơi công ta cấy, công ta cày, mà ta không được bát đầy. Bởi vì địa chủ đêm ngày hại ta” hoặc “Có khổ, tố khổ - Nông dân vùng lên”. Đội tổ chức cho dân làng đấu tố Nguyễn Huy Cẩn, địa chủ có 6 mẫu ruộng (khoảng 2 hecta), 4 con trâu cày, ngày mùa ngày vụ, ông Nguyễn Huy Cẩn còn phải thuê gần cả chục nhân công để công việc nhanh chóng hơn. Mặc dù ông Cần, cũng ngày ba bữa, làm quần quật như trâu. “Nhưng, đó là âm mưu của tên địa chủ lưu manh, biết cách ngụy trang, che đậy đội và nhân dân. Nó làm vậy, mục đích ép buộc những người vô sản không có tư liệu sản xuất phải đi làm thuê làm mướn kiếm ăn bị những tên cường hào ác bá như những cái vòi của con bạch tuộc bóc lột đến tận xương tủy. Ta phải vạch trần tư tưởng đen tối của chúng, không có quyền được mơ hồ, lẫn lộn bỏ sót người, bỏ sót tội”. Đồng chí đội trưởng Đội Cải cách đã phân tích sâu sắc cho mọi người hiểu như vậy.

*

Đêm đó, cuộc đấu tố được tổ chức ngay tại cánh đồng, bên bờ đê sông Cấm. Đây là vụ xử thí điểm nên thành phần tham dự có nhiều quan chức Liên đoàn ủy, Đoàn ủy cải cách ruộng đất và các chuỗi rễ, những cố nông được đôn lên thành cán bộ khắp toàn huyện và một vài huyện kế cận. Đặc biệt có hai người cao to, đeo kính đen cùng với cô phiên dịch tiếng Hoa đã đến Huyện từ mấy hôm trước. Đó là hai chuyên gia Trung Quốc, từng giúp Ban chỉ đạo Cải cách ruộng đất Trung ương xử thí điểm vụ Chánh tổng Phúc ở Nam Định.

Chính giữa cánh đồng là một cái hố đã được đào sẵn từ hôm trước trong ánh sáng hắt lên bập bùng từ những ngọn đuốc cầm trên tay của những người tham dự. Hai vợ chồng ông Cẩn cùng mấy đứa con, tức là mấy người em của Cầm chưa vợ chưa chồng, vẫn ở với bố mẹ, tất cả bị trói hai tay quặt ra sau lưng, được lùa ra giữa sân, ngồi bệt xuống giữa đám đông dân làng vòng trong vòng ngoài.

Vợ Cầm cũng là một đoàn viên Thanh Niên, vốn xuất thân là giao liên trong thời chiến tranh. Cô ta cầm cái liềm nhảy choi choi trước những kẻ bị gán cho cái tội bóc lột, cái mỏ liềm cứ mổ trước mặt Nguyễn Huy Cần, vừa mổ vừa kể tội gia đình ông Cẩn và đặc biệt bản thân ông Cẩn đã bóc lột, hiếp đáp cô ta thế nào :

– “(...) Bọn chúng không chỉ nhúng tay vào những tội ác như tôi đã trình bày, tên địa chủ Cẩn còn bóc lột cá nhân tôi, bắt buộc tôi phải làm việc quần quật như vợ và con cái hắn. Ban ngày, tôi phải làm việc ngoài đồng, tối về, hắn còn bắt tôi phải học, nói là để mở mang kiến thức, tránh giẫm theo vết chân hắn mà trở thành ngu dốt, thiếu học. Lời lẽ của hắn ngọt ngào, nhưng chứa đầy gươm dao. Thật ra, mục đích của hắn chỉ muốn hành hạ, kềm kẹp tôi cho hả lòng hận thù đối với tôi vì tôi đã cướp mất tình thương của con trai hắn, là anh Cầm, chồng tôi...”

Nghe vợ Cầm kể lể đến đây, đội trưởng Đội cải cách không chịu nổi phải đưa tay ra hiệu cho cô ta ngừng nói.

– Cám ơn chị Cầm, tội hắn như vậy đã đủ để kết án rồi. Yêu cầu chị tạm ngưng cho người khác tiếp tục.

Vợ Cầm bẽn lẽn đi xuống.

Sau đó, đến lượt Cầm bước ra giữa sân, đến trước mặt ông Cẩn. Ở một góc sân phía xa, hai người ngồi cạnh nhau đang to nhỏ. Người có nước da ngăm đen hích tay nói với người bên cạnh :

– Đó là con trai ông Cẩn phải không ? Sao hắn đấu tố cha, đạo lý nào như vậy?

Người bạn bên cạnh ghé tai nói:

– Anh thận trọng một chút, bọn chúng nghe được thì khốn nạn cả đám.

– Một xã hội mà đối xử với nhau còn hơn dã thú, con đấu cha, vợ tố chồng, làng xóm nghi kỵ lẫn nhau, không còn có chút đạo lý, thì có khác chi địa ngục. Liệu mình có sống được không ?

– Không muốn sống cũng phải sống !

Giữa sân, Nguyễn Huy Cầm nhìn ông Cẩn bắt đầu bằng câu hỏi:

– Địa chủ Cẩn, mầy có biết tao là ai không ?

Ông Cẩn ngước lên nhìn thẳng vào mặt Cầm :

– Dạ thưa ông Bí thư Chi đoàn Thanh niên tôi biết ông, vì tôi vô phước đẻ ra thằng con lộn giống như ông.

Đồng chí đội trưởng đang ngồi ở bàn chủ tọa, đấm mạnh tay xuống bàn, đứng dậy :

– Điạ chủ Cẩn không được ăn nói xỏ xiên.

Ông Cẩn ngước sang nhìn đội trưởng :

– Thế ngài đội trưởng bảo tôi nói sao, nếu ngài cũng có đứa con trời đánh như tôi ?

– Đây chính là bằng chứng ngoan cố của giai cấp bóc lột.

– Đá đảo tên địa chủ Nguyễn Huy Cẩn xỏ xiên !

Một thanh niên trong đoàn Thanh niên liền hét lớn, tiếp theo là tất cả đám người đã được bố trí đứng rải rác trong đám đông dân chúng ầm ầm như vỡ chợ, đưa tay múa chân khích lệ dân chúng hô to :

– Đá đảo địa chủ !

Và cả dân làng miễn cưỡng nhảy lên cùng hô:

– Đá đảo địa chủ ! Đá đảo địa chủ ! Đá đảo địa chủ !

Ngay sau những tiếng “đá đảo”, Ông Cẩn hứng chịu một trận mưa đá đủ loại lớn nhỏ ném thẳng vào người ông tới tấp không thương tiếc của đám người do đội trưởng Đội Cải cách trực tiếp điều động và chỉ huy. Người ông Cẩn đầy những vết thương tích và máu nhuộm đỏ cả người, trên mặt, nhưng ông Cẩn vẫn hiên ngang đứng thẳng dậy, nói lớn :

– Thưa bà con, gia đình tôi từ nào đến giờ không bức hiếp ai, không cướp của ai, chỉ biết đem sức lao động và mồ hôi nước mắt đổi lấy bát cơm, thậm chí, lại còn nuôi con chống Tây, đi làm cách mạng... Thật tình mà nói, duy nhất tôi có cái tội, mà bà con khó thể tha thứ được là tôi đã lỡ đẻ ra thằng con bất hiếu, cô con dâu mất nết đã làm đảo lộn luân thường đạo lý.

Đội trưởng Đội Cải Cách mặt đỏ bừng vì giận dữ, đứng dậy xông đến xô ông Cần ngã xuống miệng hố.

– Không thể để cho tên địa chủ phản động phát ngôn bừa bãi !

Đám đông dân chúng ồ lên. Còn những người trong gia đình ông Cẩn đang ngồi bệt dưới đất bất ngờ vùng dậy, xông tới trước miệng hố gào lên một cách tuyệt vọng:

– Ông ơi ! Bố ơi ! Bố ơi !

Và sau cái đưa tay làm dấu của đội trưởng đội Cải cách, một toán thanh niên đã được chuẩn bị sẳn, cầm cuốc xẻng đào đất lấp lên người ông Cẩn, chỉ còn chừa cái đầu lú ra khỏi mặt đất, dính đầy bụi đất.

Ông Cẩn vẫn bình tĩnh đưa mắt nhìn thẳng vào mặt đội trưởng, gắng gượng thét lớn:

– Một ngày nào đó tội ác của chúng bây sẽ phải được xét xử trước nhân loại!

Tên thanh niên trong Đoàn Thanh Niên lúc nãy hùng hổ xông tới lấy chiếc khăn quàng đỏ bịt chặt miệng ông Cẩn lại, rồi mỉm cười nhìn ông Cẩn thách thức.

– Giờ mày nói đi ! Chửi rủa nữa đi !

Ông Cần ngúc ngắc cái đầu trên mặt đất lởm chởm, tỏ lộ thái độ phản đối nhưng đành bất lực, chỉ còn biết trợn tròn đôi mắt phẫn nộ lên nhìn thẳng vào mặt hắn. Đội trưởng đội Cải cách ruộng đất, mặt đỏ bừng, mồ hôi ướt đẫm trên trán, mũi ứa ra máu chảy từng dòng... một lát, ông nghẹo đầu sang một bên tắt thở...

*

Ông Cầm bất giác giật mình khi nghe tiếng của cái Ly nói bên tai:

– Bố, có khách đến tìm bố.

Ông Cầm quay lại :

– Khách là ai vậy, cho mời họ vào đây.

– Vâng ạ!

Cái Ly chưa kịp bước ra thì một phụ nữ còn rất trẻ, rụt rè bước vào :

– Thưa đồng chí Bí thư !

Cầm đưa mắt nhìn người phụ nữ, ông chợt giật mình, vì người phụ nữ có dáng cao cao, khuôn mặt xinh xắn, da ngăm ngăm mịn màng, đôi mắt to tròn đen nhánh, lông mi dài. Cặp môi hơi dày, nhưng cực kỳ gợi cảm không kém gì đôi mắt của cô, cái mũi thanh tú họp thành một tổng thể hấp dẫn và sống động. Hai bím tóc đen dài kẹp lại làm một, buông thả sau lưng áo hoa.

Cầm không dám nhìn thẳng vào người phụ nữ, lên tiếng hỏi.

– Cô có việc gì ?

Người phụ nữ khép nép, đưa một xấp hồ sơ ra trước mặt Cầm

– Dạ thưa, em đến để xin đồng chí Bí thư xác nhận cho em làm giấy tờ, chồng em đã hy sinh trong Nam.

Cầm giật mình, nhìn thẳng vào mặt người phụ nữ trẻ:

– Chồng cô đã hy sinh, bao giờ ?

Người phụ nữ mân mê góc áo:

– Dạ thưa, tin đưa về hơn tháng nay,

Mắt người phụ nữ như chợt khóc, nói trong nước mắt :

– Chúng em cưới nhau có được 3 ngày thì anh ấy đi Nam,

Cầm lén nhìn người phụ nữ, bước tới vẻ nghiêm trang :

– Tôi chia sẻ nỗi đau của cô, nỗi đau nầy thật sự không có gì bù đắp được. Nhưng cô phải biết biến nỗi đau đó thành lòng căm thù. Chồng cô mất đi nhưng đồng đội của chồng cô vẫn phải tiếp tục chiến đấu, đồng bào của chúng ta mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi vị trí vẫn không ngừng chiến đấu. Cô phải biết thắp sáng sự hy sinh của chồng cô đến mọi người. Tôi hy vọng cô sẽ hỗ trợ chúng tôi, cùng chúng tôi góp phần vào phong trào Hậu phương lớn, tiền tuyến lớn... Sáng mai, cô có thể đến văn phòng Đảng ủy Xã, tôi sẽ tìm cách giải quyết những yêu cầu của cô. Hiện tôi không giữ khuôn dấu ở nhà. Vả lại, trên nguyên tắc tôi còn phải cho Công an xác minh

– Cầm tặc lưỡi : Chuyện nầy mới gay...

Như chợt nhớ, Cầm nhìn thẳng vào đôi mắt long lanh của người phụ nữ:

– À, tôi quên chưa hỏi, cô tên gì ?

Người phụ nữ cúi thấp đầu, nói vừa đủ cho ông Cầm nghe.

– Dạ, em tên Ái.

Ông Cầm đứng dậy nắm lấy bàn tay cô gái:

– Ái biết không? Người cô đã xinh đẹp, tên của cô lại càng đáng yêu hơn !

Người phụ nữ mở tròn đôi mắt nhìn ông Cầm.

– Dạ, em...

Đôi mắt của Ái còn đẫm nước, lúng túng cố tìm cách rút khỏi tay Cầm, nhưng tay cô đã bị giữ chặt tưởng chừng như một gọng kềm

– Chúng tôi sẽ bảo vệ cô... sẽ giúp đỡ cô !

Ông Cầm lén nhìn xuống nhà dưới, hơi e dè không biết bà vợ ông có núp sau cánh cửa dõi theo hành vi của mình không ? Dù sao, tư cách một ông Bí thư Đảng ủy, ông vẫn phải dè dặt. Ông đằng hắng một tiếng, cất giọng nói lớn :

– Cô có thể về, cần gì mời cô đến văn phòng và nhớ mang theo hồ sơ

Rồi ông cúi xuống, nói chỉ vừa đủ cho Ái nghe :

– Hy vọng cô hiểu, tôi rất có cảm tình với cô !

– Dạ !

Tiếng nói nho nhỏ vừa đủ để ông Cầm nghe được phát ra từ cửa miệng xinh xắn.

Người phụ nữ rời đi, ông Cầm tưởng chừng như một phần đời mình bị vuột mất. Ông hụt hẫng nhìn theo dáng đi uyển chuyển của Ái với nỗi khát thèm đến kỳ lạ.

Ra khỏi trụ sở, Ái bước thật nhanh, như đã có chủ định, cô đi thẳng tới giếng nước phía bên trái, cô bước vội đến miệng giếng, kéo gàu lên, vốc nước rửa hai bàn tay.

Cô hậm hực kỳ cọ hai bàn tay rất lâu trước khi quay người đi thẳng, không nhìn lại.

*

Từ bến xe, được chỉ dẫn, Vân hăm hở bước đi, mặc dù chân bị tật phải đi cà nhắc, nhưng bước chân của Vân vững vàng, tự tin gần như thách thức Đây là lần đầu tiên kể từ khi tốt nghiệp Vân chính thức được giao nhiệm vụ làm một bài phóng sự xã hội. Không giống như những phóng viên lâu năm trong nghề, mọi việc đối với anh còn quá mới mẻ, trong lòng anh còn đầy ắp lý tưởng. Viết đối với anh không chỉ là một nghề kiếm sống mà là một nghĩa vụ thiêng liêng, anh không phải đi nghĩa vụ, bổ sung cho chiến trường miền Nam, vì Vân là một người khuyết tật, anh không được cầm súng chiến đấu, nên anh coi ngòi bút như vũ khí. Anh hiểu rất sâu sắc những người cùng trang lứa với anh, đang cầm súng đối diện với kẻ thù, còn đối với anh, cầm bút không khác gì cầm súng. Anh thực sự muốn khám phá xã hội, cũng như khám phá chính mình bằng trái tim trung thực, bằng lý tưởng của người Cộng sản mà anh được giáo dục.

Anh lần theo trên con đường được tráng nhựa đã nhiều năm, dọc theo những dãy nhà, đi qua một cánh đồng, trước khi thẳng đến văn phòng Đảng ủy và Văn phòng Ủy ban, nằm riêng lẻ.

Ngay từ ngoài trụ sở, Vân đã thấy tấm biểu ngữ bằng vải dài màu đỏ chói, với hàng chữ : HẬU PHƯƠNG LỚN, TIỀN TUYẾN LỚN treo trước cổng, hai bên là những dãy phướn phất phới trong gió.

Vân định bước vào văn phòng ông Bí thư Đảng ủy xã, nhưng khi nhìn qua cánh cửa, Vân thấy ông Cầm đang có khách, bận trao đổi với mấy người phụ nữ, nên Văn đứng lại ở bên ngoài chờ đợi.

Trong phòng, Ông Cầm nhìn bà nhân viên:

– Trong khi ở tiền tuyến, con em chúng ta đang phải vật lộn với cái sống cái chết từng ngày, từng giờ...

Người phụ nữ nhìm Cầm nói như cầu khẩn :

– Hơn hai tháng trước đói quá, em có đến giật nóng bác gái ít tiền, nhưng bác gái bảo tới chiêm phải trả bằng thóc với giá 12 nghìn một tạ mới cho vay. Vậy là chúng em phải bán lúa non đấy ạ ! Hôm qua bác gái có nhắn cho mấy chị em đây là chiều nay chúng em phải giã thóc để bác dùng. Cho nên mấy chị em cùng phải bán lúa non kéo nhau đến đây có lời xin bác, thôi thì lá lành đùm lá rách, một miếng khi đói bằng cả gói khi no, bác làm lãnh đạo đã thương chúng em thì thương cho trót ! Cho chúng em được gửi lại bằng tiền ! Vì giá cả bây giờ leo thang nhanh quá. Nên chúng em chả dám để bác quá thiệt. Chúng em xin trả bác thêm mỗ tạ 8 nghìn, vị chi rằng vay 12, thì bây giờ chúng em xin trả 20, chứ bắt chúng em trả thóc thì chúng em có về thăm Diêm Vương. Trông mỏi mắt mới được mấy nồi thóc, lại mang trả nợ hết thì biết sống bằng gì ?

– Chuyện nầy mấy bà đi gặp bà nhà tôi, chứ sao lại bắt tôi giải quyết ?

– Em cũng biết vậy, nhưng liệu bà nhà có thông cảm cho chúng em không. Bác hiểu cho hoàn cảnh chúng em, ông chồng em lại què một chân...

– Ai bảo bà đẻ cho lắm vào ? Thóc gạo đã ít, lại đẻ gấp đôi gấp ba người ta còn kêu.

Người đàn bà mỉm cười phát tay lên vai ông Cầm:

– Khổ lắm chú ơi ! Nhà người ta còn có đài, có máy hát để nghe nhạc nghe nhiếc cho giãn gân giãn cốt, chứ nhà tôi không có những thứ giải trí thì đêm biết làm gì ?

Ông Cầm quay qua nhìn người đàn bà:

– Cái bà nầy cũng bạo mồm bạo miệng.

– Thôi thì cái khó bó cái khôn ! Bác có trách chúng em, có chửi mắng chúng em, thì cũng cứ là sống tết chết giỗ mang ơn bác ! Bây giờ chị em chúng em xin chào bác. Từ giờ đến khi mặt trời lặn là chúng em xin chạy đủ tiền mang đến hầu bác. Xin chào bác ạ !

Chưa dứt lời, cả bốn người đàn bà đã nhón chân bước ra cửa như chạy trốn. Đến thế dù Uất Trì Cung có sống lại cũng không cáu nổi !

Lát sau ông Cầm mới thở ra đau đớn :

– Thế là mấy con mẹ thối thây nầy mượn dao mụ Cầm giết chết ta rồi !

Vân chờ cho người đàn bà bước ra đến hành lang, anh gõ cửa.

Ông Cầm đưa mắt nhìn ra:

– Ai đó, mời vào.

Vân bước vào phòng, nghiêng người chào ông Cầm. Ông hơi ngạc nhiên khi nhìn thấy Vân, vì ông nhận ra Vân không phải là người địa phương. Vân vội vàng tự giới thiệu:

– Thưa đồng chí bí thư, tôi là phóng viên báo, ở chỗ ông Bá, Trần Huy Bá...

Vân lấy từ trong cặp ra lá thư của ông Bá trao cho ông Cầm.

Ông Cẩm niềm nở cầm lá thư, và đứng dậy kéo chiếc ghế trước mặt cho Vân ngồi xuống.

– Ai, chứ đồng chí Bá là chỗ quen thân với tôi từ thời còn là Đoàn viên Thanh Niên.. Chúng tôi thỉnh thoảng vẫn liên lạc với nhau.

– Tôi được đề cử đi thực tế ở xã của đồng chí để tìm hiểu và viết bài biểu dương phong trào Hậu phương lớn, Tiền tuyến lớn.

Ông Cầm nhìn thẳng vào mặt Vân nói:

– Xã tôi không giàu có gì, phương tiện thiếu thốn, nhưng trong thời gian ở đây, đồng chí có thể ăn ngủ và sinh hoạt ở phòng sau, Lát nữa tôi sẽ cho người sắp xếp, nếu có yêu cầu gì đề nghị đồng chí cho tôi biết.

Vân ngước nhìn ông Bí thư :

– Cám ơn đồng chí đã có lòng giúp đỡ, tôi có thể tự giải quyết được.

Ông Cầm lại nhìn Vân nói:

– Đồng chí nói vậy, chứ đồng chí đã đến công tác ở đây, chúng tôi có trách nhiệm giúp đỡ đồng chí. Còn về tình hình và số liệu của phong trào, đồng chí có thể trực tiếp hỏi tôi.

Bất ngờ, một phụ nữ, có lẽ là nhân viên của văn phòng Đảng ủy xã từ ngoài bước vào, hơi nghiêng người chào ông Cầm và Vân rồi đi thẳng vào góc phòng, nơi đặt chiếc tủ đựng hồ sơ. Ông Cầm nói lớn :

– Xin giới thiệu với chị Hà, đây là đồng chí Vân, phóng viên của báo đến xã ta công tác. Tôi nhờ chị thu xếp căn phòng phía sau, cạnh phòng nghỉ trưa của tôi cho đồng chí ở tạm trong thời gian công tác.

Người phụ nữ vừa nhìn Vân, vừa nhìn ông Cầm mỉm cười gật đầu :

– Vâng !

Ông Cầm nhìn Vân nói :

– Đồng chí có thể theo chị Hà,

Vân đứng dậy :

– Cám ơn đồng chí Bí thư !

Nói xong Vân cùng người phụ nữ bước ra khỏi phòng.

*

vừa bước ra, ông Cầm ngồi xuống, giở tập hồ sơ trên bàn tìm kiếm, rồi cầm một hồ sơ để trước mặt. Bóng của cô Ái lấp ló ở cửa, ông Cầm nhìn thấy, mắt chợt sáng lên, đứng dậy bước ra cửa niềm nở :

– Mời cô Ái vào, tôi đang băn khoăn không biết cô Ái có đến không ?

Người phụ nữ trẻ lúng túng bước vào, đưa mắt nhìn lên tường, hàng chữ đỏ nổi rõ dưới bức ảnh của Hồ Chủ tịch: BÁC HỒ SỐNG MÃI TRONG SỰ NGHIỆP CỦA CHÚNG TA.

Cô Ái cúi đầu chào ông Cầm :

– Thưa, tôi đâu dám

Ông Cầm chợt nhớ ra thái độ nồng nhiệt của mình, nói chữa :

– Nói vậy chứ tôi biết thế nào cô cũng đến.

– Tôi chỉ mong đồng chí Bí thư giúp đỡ giải quyết sớm cho.

Ông Cầm nhìn thẳng vào đôi mắt to tròn và long lanh của cô Ái :

– Tôi còn phải cho bên Công An xác minh. Nhưng cô an tâm, tôi coi đây là trách nhiệm của tôi đối với người đã hy sinh, cũng như đối với cô Ái.

Cô Ái đặt hồ sơ lên bàn trước mặt ông Cầm, giọng nhẫn nhục

– Mong đồng chí bí thư hiểu cho hoàn cảnh của tôi !

Ông Cầm mỉm cười gật đầu, nheo mắt nhìn cô Ái:

– Tất nhiên tôi phải là người hiểu và chia sẽ hoàn cảnh của cô Ái. Tôi sẽ cố gắng giải quyết việc nầy, chỉ mong cô Ái hiểu cho, không phải với bất cứ ai... nhưng vì... tình cảm đặc biệt dành cho Ái đó.

Cô Ái cúi xuống vân vê tà áo trên đầu những ngón tay.

– Dạ, em hiểu

Ông Cầm mỉm cười nhìn cô Ái:

– Chỉ đặc biệt với người đẹp như Ái thôi, Cô cũng nên thông cảm, tôi cũng là con người mà làm sao không mềm lòng trước một người đẹp như Ái được.

Ông Cầm ấn cô Ái ngồi xuống ghế, và rồi một tay đặt lên vai, một tay nắm lấy tay Ái :

– Cô Ái, từ lần gặp Ái đầu tiên, hình bóng Ái luôn luôn gợi lên trong tôi một niềm cảm xúc kỳ lạ. Tôi phải thành thật nói với Ái rằng, tình cảm ban đầu của tôi dành cho Ái, phát xuất từ một tình cảm thiêng liêng và lớn lao hơn : vì độc lập tự do dân tộc mà chồng Ái và những người trai trẻ đã vào Nam chiến đấu. Tôi biết ơn vô cùng về điều đó. Tất cả mọi nỗ lực mọi cố gắng của tôi trong công việc hằng ngày ở đây cũng chỉ vì mục đích đó. Tôi hy vọng Ái hiểu được tấm lòng của tôi dành cho Ái.

Ái ngước lên nhìn ông Cầm, cố làm ra vẻ xúc động:

– Dạ

Ông Cầm đột nhiên kéo Ái sát vào người mình, nhưng Ái gượng người nhích ra khỏi vòng tay ông Cầm. Bất ngờ Cầm buông Ái ra, hụt hẫng khi nhìn thấy bà Hà quay trở lại ở ngưỡng cửa. Cẩm bình tĩnh lên tiếng nói :

– Cô cứ để giấy tờ ở đây, tôi sẽ xem xét. Khi nào có kết quả chính thức tôi sẽ thông báo cho cô. Ái gật đầu lí nhí :

– Dạ !

Giọng ông Cầm nghiêm trang.

– Bây giờ cô có thể về được rồi.

Lúc đó, bà Hà đi thẳng vào chiếc tủ gỗ, thản nhiên sắp xếp hồ sơ.

Ông Cầm bước theo Ái đến cửa, nói nhỏ vào tai Ái, giọng vừa đủ nghe :

– Nếu có thể em đến đây vào buổi trưa, giờ đó không có ai. Tôi sẽ trao kết quả cho em. Em phải đến nghe.

Cô Ái cúi đầu.

– Dạ!

Nói xong, Ái bước nhanh ra khỏi văn phòng, tay níu lấy vành nón như muốn che khuất khuôn mặt đỏ ửng vì e thẹn.

*

Những đêm trăng như đêm nay, cầu Đá là nơi các cô gái làng tụ tập đùa giỡn. Còn mấy ông già mang vó thả kiếm cá nấu riêu.

Vân đang định đi ra Hợp tác xã Nông nghiệp đề được nhìn thấy sinh hoạt của người dân ở đây vào ban đêm với ý định tìm một vài người phỏng vấn bổ sung cho bài viết. Nhưng khi đi ngang qua cầu Đá nhìn thấy từng toán người tới lui, tiếng cười đùa của bọn con gái.

Bạt đang cất vó dưới sông nói vọng lên :

– Chúng mày ngấy đực hay sao mà cười dữ vậy? Mẹ kiếp, chúng mày cười làm cá trong vó tao nó phải sợ co vòi lại.

Giọng một cô gái :

– Khiếp, cái nhà chú Bạt nói bậy.

Bọn con gái nhao nhao phản đối :

– Thế mà ngày xưa, ông ấy cũng làm Chủ tịch cơ đấy.

– Cũng may chú ấy làm Chủ tịch có ba tháng, chứ ba năm thì làng ta có mà biến thành nghĩa địa.

– Chú Bạt ơi! Chú bất lịch sự lắm. Chúng cháu ngắm trăng đẹp thế này mà chú bảo...

– Ngắm trăng

Chú Bạt hậm hực

– Có mà ngắm trai. Nhưng con trai bây giờ có đứa nào ở nhà mà ngắm, nên phải ra đây chọc mấy lão già. Rõ dơ chửa ?

Đám con gái biết chú Bạt cáu nên im thin thít. Đứa nào cũng trơn tru cửa miệng vậy thôi, trong bụng cô nào cũng phải công nhận chú Bạt nói đúng. Cả xã bây giờ bói cũng chả còn đứa con trai nào nhìn cho ra người. Đứa nào không cụt tay què chân, không sứt môi, gảy gọng, thì mười bảy tuổi đã bị kêu đi khám nghĩa vụ đưa vào miền Nam chiến đấu.

Vân hy vọng có thể phỏng vấn một vài người giải quyết công việc của mình cho xong sớm, Vân đi vào giữa đám đông, nhìn quanh một lượt tìm kiếm, trước khi đến bên một phụ nữ trung niên và một cô gái trẻ đang ngồi ở cạnh chân cầu. Vân bước tới trước mặt hai người , mở lời với người phụ nữ trung niên :

– Xin phép bà và cô, tôi là phóng viên của báo, tôi muốn được trao đổi với bà và cô để tìm hiểu phong trào Hậu phương lớn, tiền tuyến lớn của xã ta.

Người phụ nữ trung niên quay nhìn Vân:

– Chuyện đó, chúng tôi biết gì mà nói.

Vân mỉm cười :

– Thì bà cứ phát biểu một cách trung thực, bà biết gì nói nấy, có ai bắt bà nói dối đâu.

– Anh thì không thể bắt tôi nói dối, nhưng nhà nước thì có bao giờ muốn tôi nói thật. Anh muốn viết gì, nên hỏi ông Bí thư Đảng ủy hoặc Chủ tịch xã .

– Tất nhiên tôi sẽ trao đổi với những người có trách nhiệm, nhưng tôi muốn được biết tâm lý và phản ứng của quần chúng.

– Ý kiến của quần chúng như chúng tôi thì có ý nghĩa gì, họ bắt buộc chúng tôi làm gì, chúng tôi dám cưỡng chống được à. Chúng tôi giống như đám cừu non, họ đẩy chúng tôi đi đâu làm gì thì chúng tôi cứ thế mà thi hành. Như việc họ đưa con em chúng tôi nướng trong chiến trường miền Nam, nhưng lại tuyên bố với báo chí quốc tế, không hề có bộ đội miền Bắc tham chiến. Ấy chết, tôi lại nói lung tung. Những điều tôi vừa trình bày, anh nghe thì để bụng, chứ không viết lên báo được đâu... Những điều tôi vừa nói, thì có báo nào dám đăng, mà lỡ có đăng thì người đăng, người viết đi tù, tụi tôi, người nói cũng đi tù.

Vân quay về phía cô gái trẻ :

– Gia đình và bản thân cô có đóng góp gì cho phong trào HẬU PHƯƠNG LỚN, TIỀN TUYẾN LỚN không?

– Tôi cũng như phần lớn gia đình ở trong xã nầy. Chúng tôi đều có anh em bà con được đưa đi vào Nam chiến đấu. Nhà báo thấy đó, ở đây, chỉ còn phụ nữ, ông già và những thương binh tàn tật. Đó có phải là đã ủng hộ TIỀN TUYẾN không thưa ông nhà báo ?

Vân gật đầu :

– Đó là cách ủng hộ cao cả nhất, vì đem mạng sống phục vụ tổ quốc.

Cô gái quay ngoắc lại :

– Nhưng thưa ông nhà báo hy sinh như thế để làm gì ?

Vân mỉm cười:

– Cô không nghe Đảng đã xác định mục tiêu chiến đấu là để giành lại độc lập tự do cho dân tộc.

– Độc lập dân tộc đâu tôi không thấy, chỉ thấy bọn Tàu xuất hiện trong chính sách, trong đời sống hằng ngày, đẩy chúng ta vào công việc bắn giết anh em ruột thịt chúng ta. Tôi thật sự không tin vào mục đích chiến đấu của chúng ta như Đảng nói, tôi không sống đến ngày mai để bước vào thiên đường xã hội chủ nghĩa. Tôi không tin có thiên đường đó. Nếu có thì thiên đường đó thuộc về những người cầm quyền chứ không thuộc về quần chúng.

– Tôi nghĩ là cô bi quan.

Cô gái trẻ đỏ bừng mặt :

– Đúng là tôi bi quan. Bởi vì làm sao tôi có thể lạc quan khi tôi phải sống trong một xã hội không có tình người, trong đó, người với người nghi kỵ và dối trá lẫn nhau. Tôi sống như một con nộm vật vờ chịu sự sai khiến của Đảng, bị tước đoạt phẩm giá và quyền tự do của con người.

Người đàn bà trung niên đưa bàn tay giữ lấy cô gái, dịu giọng :

– Xin lỗi anh nhà báo, có thể do kiềm chế lâu ngày, chúng tôi phẫn uất nói ra những lời nặng nề, không phải với anh. Vì trách nhiệm về hiện tại nầy không phải do anh, anh cũng như chúng tôi thôi, chúng ta đều là nạn nhân của một chế độ phi nhân. Tôi mong anh cảm thông cho chúng tôi.

Hai người đứng dậy bước đi.

Vân ngơ ngác nhìn theo bóng dáng hai người phụ nữ mà không biết mình phải làm gì.

*

Ái đưa mắt nhìn căn phòng một lượt, nàng nhớ tới căn phòng nhỏ của gia đình chồng dành cho hai đứa khi hai vợ chồng nàng mới cưới nhau. Rồi nàng đưa mắt nhìn ông Cầm đang ngồi trên chiếc giường tre lặng yên nhìn nàng, rồi ông ta bước về phía nàng

– Ông có biết làm như thế nầy là tôi có lỗi với anh Quốc, chồng tôi hay không ?

Trong lúc nói, Ái quay nhìn ra hàng tre, ông Cầm đang đứng bên cạnh không trả lời nàng, ông quàng tay ôm eo nàng và công nhiên hôn môi nàng. Trước đây, Quốc và nàng đều còn quá trẻ, không có một chút kinh nghiệm gì về chuyện vợ chồng, nhưng với ông Cầm thì khác, Đôi môi ông Cầm chai sạn và nồng nhiệt làm sao, ông biết cách kích thích nàng, kích thích ham muốn của nàng, làm nàng bỡ ngỡ, có cảm giác vừa sợ hãi, vừa thích thú. Nhưng điều ông làm mới thật táo bạo. Ông lấy đầu lưỡi tách môi nàng ra hôn thật mạnh rồi ông ôm nàng bằng cả vòng tay rắn chắc. Nàng không biết nàng cảm thấy gì, nàng mơ màng ông đang nhẹ nhàng dìu nàng đi, môi ông vẫn ép chặt môi nàng ; và nàng cảm nhận rõ ràng thân thể ông như có lửa đang hừng hực cháy bên trong, rồi nàng thấy mình được ông đặt nằm xuống trên giường.

Ái bất giác cảm thấy nỗi thống thiết lạ lùng trong tâm can mình khi nhớ lại cử chỉ vụng dại cùng chồng trong đêm đầu tiên ở bên nhau. Nàng bất thần đưa những ngón tay bấu chặt lấy đôi vai trần của ông Cầm.

Ông tiếp tục xoắn lấy người Ái, miệng vẫn không ngừng nói, gần như đang đọc bài diễn văn trước đám động, đám đông nô lệ của ông:

– Em đừng bao giờ quên rằng : Trong kháng chiến chống Mỹ hiện nay, với việc phát triển vững mạnh về mọi mặt từ kinh tế, xã hội đến tiềm lực quân sự, quốc phòng, khoa học kĩ thuật, tư tưởng, văn hoá... miền Bắc đã trở thành chỗ dựa về vật chất, tinh thần cho tuyền tuyến lớn miền Nam. Sự chi viện kịp thời, toàn diện cả về sức người, sức của từ miền Bắc vào miền Nam đã làm cho người dân miền Nam đặt niềm tin vào miền Bắc Xã chủ nghĩa, vào tương lai của dân tộc. Miền Bắc là tấm gương, thể hiện sự ưu việt, thể hiện sức sống mạnh mẽ của chế độ xã hội mới, tiến bộ, để nhân dân miền Nam noi theo và chiến đấu. Cuộc sống xã hội của nhân dân miền Bắc thực sự là vùng sáng lấp lánh cho nhân dân miền Nam hướng tới. Đó là một xã hội dẫu còn nhiều thiếu thốn, gian khổ nhưng “người yêu người, sống để yêu nhau”(sic). Hình ảnh của hậu phương miền Bắc đã thúc đẩy cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam, bởi vì: “hậu phương không những tiếp viện cho tuyền tuyến bằng lương thực và trang bị, mà còn bằng người, bằng chiến sĩ, bằng tinh thần và bằng tư tưởng”.

*

Trong khi đó, Vân đi tìm hiểu thực tế, anh vừa về đến phòng mà Bí thư dành cho anh. Anh vừa cổi áo định nằm nghỉ, thì anh nghe phòng cạnh bên tiếng ông Bí thư vẫn sang sảng.

Anh thắc mắc tự hỏi :

– Sao giờ này đã trưa rồi mà sao ông Bí Thư Cầm vẫn làm việc, vẫn phải lên giọng giảng thuyết ?

Anh tò mò, lấy ngón tay thấm nước miếng, thọc tay vào bức phên làm bằng giấy Nhật báo NHÂN DÂN, vừa đủ lỗ trống, rồi anh nghiêng người, nheo mắt nhìn qua phòng cạnh bên, nơi phát ra tiếng nói của ông Bí thư Cầm.

Anh thụt tay lại, thật bất ngờ đến nỗi không dám tin ở tai và mắt mình. Vì trước mắt anh. không phải ông Cầm đang diễn thuyết trước một đám đông, mà ông đang thuyết giảng cho một người phụ nữ cùng ông đang làm tình, mà chồng cô ta là một đồng chí với ông vừa mới hy sinh chưa kịp hoàn tất hồ sơ tử tuất.

Vân lắc đầu không hiểu nổi, vội vàng nằm xuống giường, cố bịt tai lại để khỏi nghe tiếng thở hổn hển, tiếng rên rỉ hòa quyện trong nhau của đôi tình nhân... để chợp một giấc trưa.

*

Khi anh thức dậy, không biết đã mấy giờ, chung quanh anh chỉ có sự tĩnh mịch, im vắng và nắng cũng đã dịu lại. Tiếng của con chim cu gáy từ trên ngọn cây cao vẳng tới. Anh đưa mắt nhìn qua lỗ hổng trên vách giấy. Ở phòng bên, không còn có ai, cô Ái và ông Cầm cũng không thấy.

Anh lấy cái khăn tắm treo trên đầu giường, vòng ra sau giếng nước định tắm gội. Đi một đoạn anh bất ngờ gặp ông Cầm đang vác cái vại nước trên vai từ giếng đi vào.

Anh mỉm cười chào ông, giọng nghiêm trang:

– Trưa nay, tôi tình cờ nghe được bài diễn văn của ông Bí thư. Tôi rất đỗi ngưỡng mộ ông.

Ông Cầm nhìn Vân mỉm cười gật gù nhầm tưởng Vân thực sự khen mình :

– Đó là trách nhiệm của tôi thôi, có lẽ do tôi thành thật, mà càng thành thật thì càng có tính thuyết phục cao.

Vân nhăn mặt khó chịu không ngờ ông Cầm lại có thể trơ tráo nói ra miệng câu đó mà không biết mắc cỡ. Anh không kiềm chế được, buột miệng:

– Nói dốc làm gì? Tôi thấy hết mọi chuyện !

Ông Cầm tái mặt, giật mình đánh rơi cái vại nước đang mang trên vai xuống đất, vở tan tành, nước đổ lênh láng.

Còn Vân sực nhớ, cũng hốt hoảng, không ngờ mình lại buột miệng nói ra ngoài dự tính, anh vội vàng chạy vào phòng, cuốn hết đồ đạc cá nhân cho vào xách, chạy thẳng ra bến xe.

Khi Vân vừa kịp leo lên xe, thì cũng vừa lúc chiếc xe khách nổ máy lao đi. Anh quay nhìn lại, phía sau, từ trong xã một toán dân quân tay cầm súng ống, gậy gộc đuổi theo, dẫn đầu là ông Cầm, Bí thư Đảng ủy Cầm.

Tự nhiên, mặt Vân nóng bừng vì giận. Vân cúi xuống, trong bàn tay đang có sẵn cây bút, Vân nhăn mặt ấn mạnh xuống, cây bút bị bẻ gãy làm đôi...

17.9.1975

Sâm Thương



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss