Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Hoa chuông trắng

Hoa chuông trắng

- Ninh Kiều — published 18/11/2009 09:32, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
truyện ngắn



Hoa chuông trắng

Ninh Kiều


Vào ngày 1 tháng năm, hoa chuông đúng hẹn nở trắng thơm ngát trên sân thượng và Papa cùng ba chị em chúng tôi mừng sinh nhật Maman, năm ấy đúng 60 tuổi.

Mấy tuần trước đó, Papa đã đem chậu « hoa chuông » ra chăm sóc. Đây là quà Papa tặng Maman năm tôi ra đời, vậy là đã 20 lần nó được nâng niu. Hoa này có nhiều tên, hoa linh lan, hoa huệ chuông nhưng tôi thích tên « hoa chuông » vì nó rất giống cái chuông trắng, nhỏ bằng đầu mút đũa, phủ đầy một nhánh, rủ xuống thành hàng nằm giữa hai tàu lá xanh mượt cao chừng mươi phân.

Thành chậu được Papa lau chùi kỹ lưỡng tuy đã mất màu xanh lục ban đầu, rã ra từng mảng, để lại lớp đất sét sần sùi như vết thương đóng mài. Chậu hoa suốt năm nằm ngoài trời, chịu nóng mùa hè, lạnh mùa đông, tuyết trắng, mưa đá, gió bão. Các gốc xác xơ, trụi lá, thân khô lại, xám xịt, như chết. Nhưng vài ngày trước lễ Lao Động, có việc ra sân thượng bỗng thấy chậu xanh um lá tự bao giờ.

sáng ngày ấy Papa tắm, không bao giờ quên, dù không phải nhằm chúa nhật. Lệ tắm mỗi tuần một lần sáng chúa nhật của Papa có từ thời sinh viên. Hồi xưa nhà tắm công cộng ở Paris quy định thời gian cho mỗi người vào đó là 20 phút. Sau này Paris hiện đại hơn, nước được đưa vô chỗ có người ở, thì Papa mới dành một tiếng đồng hồ trong phòng tắm nhà mình.

Rồi sau khi mặc vào bộ quần áo thích nhất không biết có từ đời nào, Papa dốc hết tâm trí vào chậu hoa rồi đặt nó giữa bàn, ngoài sân thượng khi nắng đẹp hay trong phòng khách khi gió mưa. Là quà sinh nhật của Papa “ Mua một núi tiền mà chưa chắc đẹp bằng ” để Maman kề mũi sát nhánh hoa trắng đầy chuông như sắp rung, hít thành tiếng “ Thơm quá ! ” như thể cám ơn.

Chậu chi chít hoa, chen nhau với lá, dễ chừng có đến gần trăm gốc trong nhúm đất gần bằng hai bàn tay của Maman chụm lại, khiến Papa hay nói thương « hoa chuông » ở chỗ…tính tình. “ Nó chịu thương chịu khó, sống bám vào đất không phân bón, khô khốc mùa nắng, sũng nước mùa mưa, tái ngắt cứng đờ mùa đông. Nhưng nó trung thành, bứng gốc dời nó đi chưa chắc nó chịu dù cho mảnh đất mới có khi màu mỡ hơn. Nó không hề than thở, đòi hỏi ; an phận với những gì có để xanh um đúng ngày giờ, toả mùi thơm ngát và buông dịu dàng những chiếc chuông trắng bằng đầu mút đũa. Bằng mọi cách nó vươn lên thanh khiết để hiến dâng cho đời hương sắc ”. Nghe đến thuộc lòng song tôi kể lại văn vẻ hơn. Còn Maman, lúc sau này hay nói cụt ngủn “ Nếu có chân, chắc nó cũng đi ra khỏi cái nhà này ”.

Từ mấy năm gần đây, chỉ có sinh nhật Maman là đông đủ cả nhà. Thế giới nghỉ việc cho phép Chị tôi từ Singapour, Anh tôi từ Londres trở về Paris.

Hôm ấy cả nhà trầm trồ khen chậu hoa. Papa bảo hoa chuông giống người đàn bà lý tưởng. Anh lại cho là một người đàn bà lý tưởng đáng tội nghiệp. Chị nói là một người đàn bà lý tưởng của những kẻ hoài cổ, chống Tháng Năm 68*. Anh nhắc là Maman thuộc hai thế hệ, baby-boom* và Tháng Năm 68. Còn tôi chen vào được một nhận xét “ Tháng Năm 68, Maman 20 tuổi, như con bây giờ ”. Chị thêm là Maman bị bỏ sót. Maman bật cười “ Đúng vậy, mới nhận ra sau 40 năm. Muộn nhưng chưa trễ ”. Papa thở dài “ Không có Tháng Năm 68, không chừng nhà này đã có cả bầy con nít chạy chơi ”. Anh buông một câu “ Thấy người già sống với nhau, sợ quá ! ”. Sinh nhật Maman bỗng chốc trở thành nơi tranh cãi về Tháng Năm 68, sôi nổi. Song tôi chỉ ghi lại những lời gây ấn tượng.

Chị tôi điềm đạm, thích văn chương, mê đọc sách đến nỗi không bao giờ nên nhờ Chị việc gì đòi hỏi chú ý như “ Coi chừng dùm nồi thịt kho trên bếp ”. Song hôm ấy Chị nhắc lại nhiều khẩu hiệu của tuổi 20 lúc bấy giờ trong đó có “ Dưới đá pavê là bãi biển ”. Papa lắc đầu “ Không hiểu ”. Anh cố gắng giải thích “ Đòi cái không thể được, ước mơ đổi mới của tuổi trẻ ”. Rốt cuộc Papa chỉ nói về “ Chiến tranh Việt Nam, đế quốc Mỹ ”, nghe tưởng chừng như chưa chấm dứt, chỉ đổi tên thành Afghanistan, thành Palestine. Đôi lúc nhìn Papa ngồi ăn miếng phó mát đã cũ, mốc meo, khô queo, tôi thấy Papa có cái gì khó hiểu.

Papa hay than phiền “ Bằng tuổi các con đã làm bao nhiêu việc ”. Không sai. Hồi Papa bằng tuổi Anh tôi bây giờ, đã đóng tiền hưu trí được gần chục năm, biết rõ ngày giờ mình về hưu và sẽ lãnh bao nhiêu tiền lúc đó. Maman bằng tuổi Chị tôi đã có hai con. Đến 40 tuổi, Maman còn dũng cảm sinh ra một cái gạch nối, là tôi, không giống ai, vì hồi Papa bằng tuổi tôi bây giờ, sắp đậu vào ba trường lớn nhất nước Pháp trong khi tôi hiện nay bằng tuổi Papa hồi đó mà chỉ sắp thi tú tài. Anh Chị tôi cũng không sáng sủa gì hơn tôi. Nếu vâng lời Papa cưới hỏi đàng hoàng ở toà Thị Chính thì Chị tôi đã hai lần li dị. Anh tôi lâu lâu đưa về một cô bạn gái, khác tên với cô lần trước khiến Maman cứ phải đổi thay mấy tấm ảnh để trên kệ sách. Chẳng lẽ chúng tôi là hậu quả của Tháng Năm 68 ?

Tôi luôn có cảm tưởng gia đình tôi sống sai niên đại. Tôi cách Chị tôi đúng một con giáp. Ba thế hệ và nhiều phương trời. Papa ở Paris từ hồi thiếu niên mà giống như vẫn sống ở Sài gòn. Maman ở ngưỡng cửa thế kỷ 21 mà như còn sống ở thế kỷ 19. Tuy rằng đôi khi một mình với chúng tôi, Maman hiện đại dễ sợ, khác hẳn Maman thường ngày lúc có Papa. Cả ba chúng tôi tuy sinh đẻ ở Paris mà như chôn rau cắt rốn tại Sài gòn, vẫn hay nói “ về quê hương ” và lúc ở trong nước lỡ bị hỏi cắc cớ người miền nào thì trả lời là người miền Pháp.

Papa đã không bỏ lỡ cơ hội để hùng hồn dựng lên một bản tổng kết khá tiêu cực về Tháng Năm 68 với hai dẫn dụ có sẵn dưới tay, ba nếu kể luôn tôi. Dĩ nhiên là phải nghe Papa vì lúc nào Papa cũng là người lớn, sống trước chúng tôi, có kinh nghiệm nhiều hơn chúng tôi mặc dù trong những năm gần đây, thế giới của Papa thu hẹp lại trong ngôi nhà rộng với Maman và tôi. Tuy chỉ còn hai thành viên để quản lý song ảnh hưởng của Papa ngày càng bớt quan trọng bởi Internet đã chui vào trong xắc của Maman, dưới dạng Netbook. Thay vì hỏi ý kiến Papa như bấy lâu nay, Maman bây giờ tham khảo Internet, muốn tắt lúc nào cũng được. Song thỉnh thoảng Maman vẫn ỷ vào Papa để đỡ suy nghĩ nhức đầu vì Papa luôn có sẵn một sự thật, cho mỗi vấn đề.

Riêng Papa hầu như không bị Internet chi phối bởi lúc nào cũng có cái gì đó trục trặc. Khi thì vấn đề mã số, lúc thì Free mắc sửa chữa hệ thống giây cáp hay cái cắm điện FreeBox tự nhiên lặng lẽ tuột ra ! Thường Maman đánh mã số dùm Papa vì lẽ Papa gõ thì hộp thư nhất định không chịu mở. Vậy mà trên danh thiếp của Papa có đề địa chỉ thư điện tử email rất to khiến Papa nhận được một lô thư mail của các bà Sài gòn. Song vì người trả lời cho họ lại là Maman nên mail thưa dần đi. Nay mỗi tháng Maman chỉ mở hộp thư Yahoo của Papa một lần.

Trở lại cuộc bàn cãi sôi nổi Tháng Năm 68, có lúc đang nói, Papa khựng lại vì Chị dõng dạc lên tiếng Papa hãy nghe con một lần . Khác với lúc nãy, Papa lắng tai có lẽ vì Chị không còn cái dáng « khó thương » của thiếu nữ 20 tuổi đứng phất ngọn cờ giải phóng trên đống gạch pavê trên đại lộ Saint Michel* nữa mà đang chân thành xét lại thành quả của Tháng Năm 68. Chân thành nhìn lại chính mình sau những năm mải mê giải phóng phụ nữ, bình đẳng giới tính, tự do lo nghĩ…

Rồi cuộc bàn cãi chìm dần đi như đợt sóng vào đến bờ, mất sức, đành rút dần ra khơi để biết đâu một lần khác có cơ may quay trở lại mãnh liệt hơn. Có bao giờ Papa đặt lại vấn đề, chỉ một lần thôi trong đời ? , Chị tôi hỏi mà như kết luận và tôi thấy Papa nhún vai.

Sau sinh nhật Maman mấy ngày, Anh và Chị tôi rời Paris, còn tôi tiếp tục làm nhiệm vụ gạch nối, song là một cái gạch nối đầy trăn trở, như Chị tôi về vấn đề hạnh phúc.

Tôi có cảm tưởng Chị tôi lúc nào cũng đuổi theo hạnh phúc trong khi Maman có sẵn, miễn là chấp nhận nó. Có lúc Maman thắc mắc thì bị rầy Em biết gì về hạnh phúc ! .

Rồi tôi hết làm cái gạch nối vì vào Đại Học Thiết Kế Mỹ Thuật sau khi thu hết can đảm nói thật lòng mình với Papa Con chỉ muốn làm người bình thường và hạnh phúc . Chắc không có giấy mực nào lột tả hết nỗi thất vọng của người cha đã đậu vào ba trường kỹ sư nghe con trai mình thốt ra câu nói trên, trong một nước Pháp vẫn còn coi trọng Trường Lớn hơn Đại Học. Ham chơi và nghệ sĩ, Papa thường nhận xét về tôi như thế và đổ lỗi Maman và Chị quá cưng tôi. Thật vậy, tôi thích sống trong thế giới có nhiều phụ nữ để tôi nhường nhịn, chiều chuộng và để được họ mắng yêu, vuốt ve, chăm sóc. Tôi cảm thấy mình mạnh mẽ hơn vì họ rất dễ vỡ trong khi chính tôi lại được họ che chở. Tôi yêu họ vì họ dịu dàng.

Thiếu cái gạch nối, Maman dư thời giờ vì hết dậy sớm vắt cam tươi hay bưng nồi nước phở ra sân thượng để sáng hôm sau vớt mỡ đặc là món tôi ưa, nên Maman về Sài gòn. Lúc đầu về Tết, sau trốn lạnh Paris mùa đông, rồi trốn luôn nóng nực mùa hè. Maman chịu khí hậu Việt Nam. Hễ trở về Paris vài ngày là ho hen, kéo dài cho tới khi lên máy bay và hết bệnh khi tới Tân Sơn Nhất. Y học hiện đại không giải thích được. Papa không cùng về vì vắng nhà lâu sợ trộm.

Thiếu Maman, cuộc đời tôi vẫn vậy chỉ thêm chút nhớ thương.

Anh tôi sắp hết hợp đồng làm việc bên Londres và sau đó chưa biết sẽ kiếm được việc làm ở xứ nào. Anh giống như chàng chăn cừu, chỗ nào có đồng cỏ thì đến. Rồi đây có thể lang thang khắp thế giới để biết đâu, ngày nào đó có một nàng tên Vân, Thu hay Lan tựa đầu vào vai Anh nhìn trời đếm sao đổi ngôi để Papa vui và Maman mừng.

Chị tôi vẫn còn dạy con nít ở Singapour thay vì ở một ngoại ô nào đó của Paris. Là một người thích giáo dục và yêu văn học, chắc Chị sẽ hỏi chúng về những ước mơ sau này để nghe chúng sáng tạo một Juliette đẹp tuyệt vời và một Roméo tuấn tú, song Juliette da đen và Roméo A-Rập như bọn con nít ở Saint Denis* đã đề nghị với Chị. Và tôi thầm mong Chị hạnh phúc với lựa chọn thứ ba.

Về phần Maman thì cuộc sống trở nên phức tạp hơn vì gần đây phải tự quyết định nhiều việc chưa từng làm : sơn móng tay, đeo bông tai, sắm quần áo thời trang, uốn tóc, làm thơ, học đàn guitare, ngồi quán cà phê, đi xe ôm, học hát, khiêu vũ và tự do thắc mắc.

Tuy không nói ra song trong lòng tôi vẫn nghĩ là Tháng Năm 68 không hề bỏ sót Maman, chỉ có điều Maman đã cất để dành trong ngăn kéo « giải phóng phụ nữ », « nam nữ bình quyền », « hạnh phúc cá nhân »…

Maman vừa lớn lên đã trúng ngay số độc đắc như Chị tôi thường nói đùa, đẻ ba đứa con và chấp nhận hạnh phúc có sẵn môđen, do ông bà để lại và Papa đúc kết. Người xứ nào có môđen của người xứ ấy, đi đâu xa cũng hay đem nó theo. Ngay từ lúc đầu Maman đã giao bộ não cho Papa giữ dùm, trong khi Chị tôi phải tự bảo quản nó để sáng suốt lựa chọn. Mình chọn mình chịu, không thể đổ thừa. Chị tôi đã nhiều lần chọn lầm và Anh tôi thì chưa bao giờ dám chọn.

Tôi rất thích quan sát những thay đổi bên ngoài hồi mới đây của Maman nhất là sau mỗi lần từ Sài gòn trở qua Paris vì chúng thể hiện mức độ Maman quan tâm đến bản thân mình.

Sau nửa đời người sống phẳng lặng, bình yên ở Paris ngay trong những phút giây Paris bàng hoàng trước cây cối ngã sống soài trên đường lót đá pavê từng chịu đựng biết bao bánh xe lịch sử, Maman đã trở về quê hương. Nơi còn có nhiều người phụ nữ thường quá bận bịu trên vai quang gánh «giang sơn» để nghĩ đến mình. Song Maman của tôi có phải vất vả như thế đâu ! Đến thư từ đề tên mình cũng có người mở ra xem trước, séc có người ký hộ, điện thoại có người cùng nghe để góp ý.

Trên khắp nẻo đường của một đất nước tuy rất xa xôi mà vẫn gắn bó, tôi đã thấy gần đây có những người phụ nữ gồng gánh thúng mủng bương bương dưới mưa dầm, nắng cháy mà móng chân sơn đỏ chói. Tôi thường tự hỏi, đây là biểu hiện của khát vọng yêu thương hay là của đua đòi hời hợt bên ngoài ?

Tháng Năm 68, Maman 20 tuổi để đợi 40 năm sau mới nhận thức : Đã sống bên lề cuộc đời như hoa chuông trên sân thượng nhà mình.

Tuy vậy cứ mỗi năm, đến ngày lễ Lao Động, Papa tắm tuy không nhằm chúa nhật, rồi nâng niu chậu hoa chuông trắng dù Maman ở xa và tiếp tục thương nó ở chỗ…tính tình. ...Bằng mọi cách nó vươn lên thanh khiết để hiến dâng cho đời hương sắc ”.

Papa đi nốt đoạn đường còn lại đã vạch sẵn từ lâu, hiện nay càng rộng thênh thang...

Ninh Kiều


Ngày 01 tháng năm 2009


* Tháng Năm 68 : Một trang sử quan trọng của nước Pháp bởi những cuộc biểu tình, đình công long trời lở đất đặc biệt ở Paris. Phủ nhận và làm lung lay sự phân chia thế giới Đông-Tây. Nhạy cảm với các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc (Việt Nam, Algérie), chống đế quốc, chống phát xít. Đề cao sự nảy nở và quyền mưu cầu hạnh phúc cá nhân. Kéo theo nhiều thay đổi văn hoá, phong tục, tư duy. Thúc đẩy nhanh hơn quyền bình đẳng nam nữ. Đặt lại vấn đề giáo dục.

* baby-boom : thế hệ sinh ra sau Đệ Nhị Thế Chiến vào tuổi đôi mươi năm 1968.

* Đại lộ Saint-Michel : con đường quen thuộc của học sinh, sinh viên (Khu La Tinh – Quận 5 – Paris). Nơi đã xảy ra xô xát giữa thế hệ trẻ tuổi phẫn nộ và lực lượng đàn áp trong ngày 6 tháng 5 năm 1968. Vật chướng ngại dựng trên đường phố, đốn ngã cây cối, chọi đá pavê, đốt xe chống lại lựu đạn cay, dùi cui...

* Saint Denis : thành phố ngoại ô Bắc Paris có đông dân nghèo khó gốc Phi Châu và A-Rập, nơi xảy ra nhiều vấn đề xã hội.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss