Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Hoa cúc vàng như nỗi nhớ dây dưa

Hoa cúc vàng như nỗi nhớ dây dưa

- thanh thảo — published 23/03/2019 11:55, cập nhật lần cuối 23/03/2019 11:55

 
 
HOA CÚC VÀNG NHƯ NỖI NHỚ DÂY DƯA




thanh thảo


Trong bài thơ nổi tiếng của Tế Hanh “ Bài thơ tình ở Hàng Châu”, có hai câu thơ được nhắc lại sau rất nhiều năm:

“Lá phong đỏ như mối tình đượm lửa
Hoa cúc vàng như nỗi nhớ dây dưa”

Lá phong đỏ mùa thu thì Hà Nội bây giờ đã có, tuy chưa thật ấn tượng lắm. Nhưng cảm nhận màu vàng của hoa cúc như “nỗi nhớ dây dưa” thì đó là một cảm nhận hết sức tinh tế. Người Việt, nhất là người Việt ở miền Nam vô cùng thân thiết với màu vàng của hoa cúc, dù là cúc vạn thọ hay cúc đại đóa. Trong mỗi nhà ở Trung hay ở Nam, Tết thiếu gì thì thiếu, không thể thiếu mấy chậu cúc. Người nghèo mua mấy chậu cúc vạn thọ, người khá hơn mua mấy cặp cúc đại đóa vàng rực rỡ chưng trước nhà. Cứ thấy hoa cúc là như thấy mùa xuân.
Giáp Tết, hoa nở rất ngập ngừng nơi này, còn ở nơi kia, hoa lại nở tưng bừng quá sớm. Cái thời điểm luôn là một câu chuyện: cứ phải đúng thời điểm mới ăn tiền, đúng thời điểm mới tốt. Hoa bán Tết thì phải nở đúng Tết, người lãnh đạo đất nước muốn tạo nên vận hội mới thì phải chọn đúng thời cơ để có quyết sách. Và phải nhận ra những chân giá trị. Nhận ra giá trị thực thì mới đánh giá đúng. Tôi nhớ, cách đây vài thập kỷ, ra chợ mua cá khoai chỉ là những người nghèo, vì cá khoai khi ấy cực rẻ. Còn bây giờ, ở chợ quê tôi, cá khoai đã “lên ngôi” là một loại cá đắt tiền, bởi canh cá khoai đã vào nhà hàng, đã thành đặc sản. Vẫn con cá khoai ấy thôi, nhưng mỗi thời đánh giá nó một khác. Vì có những giá trị tiềm ẩn, những giá trị không thể nhận ra ngay, mà phải qua thời gian.

Bây giờ, cúng tất niên xóm đã trở thành một phong tục cộng đồng. Cách đây vài chục năm, có khi nó bị cười chê vì người ta cho là mê tín. Cúng bái thành tâm và khiêm nhường không hề là mê tín. Biết sợ hãi sự trừng phạt, kể cả sự trừng phạt vô hình khi làm điều xấu điều ác, không phải là mê tín. Tôn vinh điều nhân nghĩa càng không phải là mê tín. Cúng xóm cúng làng dịp Tết đến xuân về là một tập tục đẹp. Đó là cơ hội kết nối cộng đồng qua “kênh” tinh thần, và qua “kênh” thân ái. Ăn uống với bà con xóm giềng những khi ấy là để quên đi điều chưa phải, là để biểu dương những hành động nhân nghĩa, những “tối lửa tắt đèn có nhau” giữa xóm giềng. Vẫn mâm cơm cúng, vẫn ông thầy cúng ấy, mà xưa nghĩ khác, nay nghĩ khác. Thời thế không chỉ tạo nên anh hùng, thời thế còn tạo nên những nghĩ suy cập nhật với đời sống, những nghĩ suy nhân văn, những hành động nhân ái, và sự bao dung. Chính sự bao dung làm nên một xã hội ổn định. Mà có ổn định mới có phát triển.

Những ngày giáp Tết, tự nhiên thấy lòng rạo rực, kiểu gì đó thì cũng là khác ngày thường. Nhưng rồi chợt nghĩ, với những người nghèo bây giờ, thì Tết có mang lại niềm rạo rực nào không, ngoài những nỗi lo. Đủ thứ phải lo trong những ngày giáp Tết, mà nỗi lo nào cũng có tên, nỗi lo nào cũng qui thành tiền.

Mấy hôm nay ngoài Bắc rét đậm rét hại nhưng miền Trung lại mưa dầm. Thời tiết ba miền Việt Nam vẫn chưa bao giờ thống nhất.

Mừng vì mình còn có miền Nam nắng vàng gió chướng thổi lai rai vào giáp Tết, mình không chỉ ăn thịt đông, mình còn ăn bánh tét với thịt kho hột vịt, mình còn dưa giá và canh cá khoai nấu với cà chua xanh, mình còn “đất phương nam” xiết bao yêu thương hồn hậu dù tôm cá đang thưa dần trên các dòng sông. Tết này, có hy vọng miền Trung quê tôi nhiều nắng hơn, ấm áp hơn, dù có thể sau Tết thời tiết khô hạn. Nhưng mình đâu có sự chọn lựa, mình phải sống theo khí hậu tự nhiên, kể cả khí hậu tự nhiên đang biến đổi. Phải vì biến đổi khí hậu mà có thể chợ hoa Quảng Ngãi Tết này thiếu đi sự phong phú các chủng hoa ? Có những loại hoa khó tính như hồng vàng hồng bạch bây giờ rất hiếm thấy ở Quảng Ngãi, vì rất khó trồng, khó chăm sóc. Vất vả quanh năm, những bà con lao động vẫn mong có ba ngày Tết để cháu con đoàn tụ, dù làm ăn tận đâu đâu. Những chiếc vé xe nghĩa tình cũng đã giúp cho nhiều sinh viên nghèo, nhiều bà con lao động từ Sài Gòn về quê đón Tết. Bất chấp tất cả, mùa xuân cứ đến, và mọi người cứ nở nụ cười. Dù không biết sau mùa xuân thì mùa hạ sẽ thế nào.

Năm nay, nghe nói trong Nam có mưa trái mùa, còn ngoài Trung thì mưa rất dây dưa, rất phiền cho hoa cúc khi đang độ chớm bông nuôi nụ. Bao nhiêu công khó của người trồng cúc, chỉ mong mưa thuận gió hòa để giáp Tết là cúc bắt đầu chớm nở. Chợ hoa quê tôi bắt đầu từ hăm ba tháng Chạp, lúc bấy giờ, cả chợ đã tràn ngập một sắc vàng của hoa cúc. Nhiều người nghĩ sắc vàng này hơi đơn điệu, nhưng thực ra, đó là sắc vàng may mắn, nó giản dị nhưng đầy ý nghĩa. Trước Tết, khi đi chợ hoa, bao giờ tôi cũng chọn mua vài cặp cúc đại đóa, và khoảng chục chậu nhỏ cúc vạn thọ. Về để chưng trước sân nhà cho sắc vàng hưởng ứng với sắc vàng hoa cúc của những nhà hàng xóm. Hoa cúc chính là hoa cộng đồng, nó gần gũi nhất với nhân dân mình.

thanh thảo

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: truyện - ký, Giai phẩm Xuân 2019
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss