Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / HOA PHÙ DUNG

HOA PHÙ DUNG

- Nguyễn Thị Kim Thoa — published 10/10/2018 21:12, cập nhật lần cuối 10/10/2018 21:12

HOA PHÙ DUNG


Nguyễn Thị Kim Thoa



Một đêm trực cuối tháng chạp, trời Đà Nẵng se lạnh. Nhìn đồng hồ gần hai giờ sáng, mệt mỏi, lưng đau ê ẩm do cả ngày chủ nhật phải đi lên, đi xuống bốn tầng lầu kiểm tra lại bệnh cũ, khám và cho y lệnh bệnh mới (ngày chủ nhật phải kiêm nhiệm nhận bệnh cho toàn khoa). Chuông cấp cứu báo có bệnh nặng vào. Một bé gái ba mươi hai ngày tuổi nhập viện. Nhìn đứa bé đỏ hỏn quấn trong tấm khăn lông cũ nát, vàng ố trên tay bà mẹ trẻ có nét mặt, dáng vẻ thanh tú nhưng nước da xanh mướt, tóc tai rối bời, áo quần xốc xếch đã khiến mọi mệt mỏi, đau nhức trong tôi tan biến. Tôi vội giúp chị y tá đặt đứa bé lên giường, cân đo, lấy nhiệt mạch.

– “ Cân nặng 2kg9, sốt 40 độ, mạch 120”. Chị y tá Diệp báo cho tôi.

– “Efferalgan 120mg 1/4 gói bơm qua xông dạ dày, lau mát toàn thân”. Tôi nói với chị Diệp và vội vã khám bệnh.

Sờ cái đầu nóng hổi, cái thóp căng phồng, cái cổ cứng cùng với sự tăng trương lực cơ nhẹ toàn thân, nhịp thở không đều. Thôi rồi: đây là một trường hợp viêm màng não nặng, tôi thầm nghĩ như thế và quyết định chọc dò tủy sống trước khi làm các xét nghiệm khác. Nước não tủy đục như nước vo gạo: Viêm màng não mũ.

Người mẹ trẻ với đôi mắt ngơ ngác, vô hồn nhìn tôi khi tôi thông báo bệnh rất nặng, có thể khó qua. Chị đứng yên một chốc rồi hỏi tôi:

– “Tiền thuốc có nhiều không thưa bác sĩ ?”.

– “Phải dùng kháng sinh mạnh, cháu nhỏ dưới sáu tuổi được miễn phí hoàn toàn. Trong trường hợp phải dùng thuốc ngoài danh mục thì số lượng cũng ít thôi, nếu chị không có tiền, chúng tôi sẽ có cách giúp chị từ quỹ bệnh nhân nghèo (do chúng tôi tự thành lập). Chị yên tâm”. Tôi đáp.

Người mẹ kéo chiếc ghế ngồi xuống cạnh giường bệnh.

Sau khi các chị y tá thực hiện y lệnh, tôi thăm khám lần hai, tiếng rên è è kết hợp với nhịp thờ không đều ... Tôi tiên lượng bệnh tình của cháu bé trầm trọng, nhưng không thể làm gì khác hơn, phải chờ đợi thôi.

Đi một vòng kiểm tra bệnh nặng ở các phòng trên, lúc trở về, các xét nghiệm máu và nước não tủy đã có kết quả. Tôi nhìn quanh, muốn thông báo cho mẹ cháu những gì có thể xảy ra. Người mẹ không còn ở đó. Các chị y tá nói cô ấy gởi gắm cháu để đến phòng ngoại chấn thương chăm cho chồng cũng đang điều trị do tai nạn lao động.

Sau phiên trực đêm đó, tôi trở lại phòng nhi I để hàng ngày thực hiện nhiệm vụ theo chuyên khoa riêng của mình, nhưng tôi vẫn theo dõi bệnh tình của cháu Lê Thị Bé qua các buổi giao ban sáng. Tình trạng của cháu tiếp tục xấu thêm; có lẽ do sức đề kháng của cháu yếu và cũng có thể gặp phải vi trùng kháng thuốc.

Năm ngày sau, trong phiên trực của tôi, bệnh của cháu Lê Thị Bé trở nặng. Cháu có những cơn rối loạn nhịp thở nhiều hơn, rồi ngưng thở, hồi sức cấp cứu không có kết quả, cháu đã ra đi không có mẹ.

Thông thường khi có một bệnh nhi trở nặng, hồi sức cấp cứu không hiệu quả, cháu qua đời, cả phòng cấp cứu như nóng lên do tiếng kêu khóc, tiếng van xin của các bà mẹ, ông cha, tiếng ơi ới gọi nhau của người nhà lo chuyện xe cộ đưa về...Thế nhưng lần này cả phòng yên lặng như tờ. Quanh cháu chỉ có chúng tôi, những người áo trắng. Tôi hỏi mẹ cháu đâu, các chị y tá nói:

– “Có lẽ chị ấy đang chăm chồng ở khoa ngoại”.

– “Qua bên đó mời chị ấy về để làm thủ tục đưa cháu về nhà hay xuống nhà vĩnh biệt”. Tôi nói với chị hộ lý.

Chừng 15 phút sau chị hộ lý về nói với tôi:

– “Không tìm thấy chị ấy đâu cả”.

– “Sao lại thế, mẹ kiểu gì vậy, giờ con ra đi chẳng thấy bóng dáng mẹ ở đâu”, tôi tức giận lẩm bẩm một mình.

– “Năm ngày nay vẫn thế, sáng sớm chị ấy đến làm vệ sinh, chăm sóc con cả ngày, chừng sáu, bảy giờ tối gởi con cho y tá trực và ra đi suốt đêm”. Chị hộ lý Nghiêm nói.




Không có người nhà, không thể để cháu nằm lại bệnh phòng lâu hơn, tôi đành ký giấy đưa cháu xuống nhà vĩnh biệt.

Đưa cháu bé xuống nhà vĩnh biệt về chị Diệp rưng rưng nước mắt bảo với chúng tôi:

– “Bác Thoa và các chị không biết đó thôi. Thương tâm lắm, mấy ngày nay Diệp có dịp nói chuyện với chị ấy khi thấy chị cứ gởi con và đi vào buổi tối”. Chi Diệp tiếp tục câu chuyện trong nước mắt:

“Chị ấy quê ở Ninh Bình, quen biết và yêu một chàng trai ở Non Nước, Quảng Nam trong một lần anh ấy ghé Ninh Bình tìm đá để đẽo tượng. Gia đình chị ấy ngăn cản nhưng rồi chị quyết theo anh về quê chồng, sống nghèo khổ bên nhau. Ngày chị sinh cháu gái được ba tuần, người chồng bị tai nạn khi khuân vác đá. Tai nạn ập đến, tứ cố vô thân, chị vùng dậy, ẵm con đưa chồng vào viện. Để có tiền chi trả viện phí cho chồng và chi tiêu xe cộ ăn uống, chị không biết làm gì hơn ngoài việc phải “đứng đường bán thân”. Nói xong chị Diệp ôm mặt khóc rưng rức, kêu than:

– “Trời ơi là trời, còn gì đau khổ hơn khi mới sinh con chưa đầy tháng mà phải đi “đứng đường bán thân ? Sao không tìm một việc gì khác như bán rau hành chẳng hạn có khá hơn không ?”.

– “Cô ấy có gì nữa đâu ngoài cái vốn có sẵn của mình. Chị tưởng dễ há, nách một trạc rau hành ra chợ cũng phải có vốn đôi ba trăm, chưa kể phải có một tí gì bôi trơn các tay công an khu vực chợ, nếu không thúng mủng bay hết chứ đừng nói bán được. Thời buổi này là như thế đó”. Chị hộ lý Nghiêm nói tiếp.

– “Tội nghiệp quá trời ơi, chị Loan tiếp: tiền viện phí cho chồng, tiền xe cộ, tiền ăn uống cho bản thân, làm gì có được, phải đành nhắm mắt qua truông...”




Câu chuyện “bán thân” vẫn tiếp tục nói qua nói về giữa các chị y tá, người đồng tình thương cảm, người chê bai khinh miệt.

Giữa những lời qua về đó tôi thấy mình rơi vào tình trạng vừa thương cảm vừa hối hận, vừa tự trách bản thân. Tôi đã không biết rõ tình thế khó khăn của người mẹ trẻ kia mà đã vội vàng đánh giá chê bai. Đúng như lời chị Loan nói thời buổi bây giờ làm gì cũng phải có vốn, phải bôi trơn. Thà bán thân còn hơn trộm cắp, lường gạt...

Khoảng ba giờ sáng, tôi đi vào giấc ngủ lơ mơ trên chiếc ghế dài của phòng trực. Tôi thấy mình như được ai đó nâng lên rồi hạ xuống giữa một thảm cỏ xanh với những đóa phù dung trắng muốt. Những cánh hoa màu trắng tinh khôi bay lơ lửng quanh tôi.



Những đóa phù dung màu trắng tinh khôi nhởn nhơ bay trong giấc mơ của tôi sau khi cháu bé qua đời thỉnh thoảng trở lại trong tâm trí tôi mãi đến lúc này. Nhưng câu chuyện bán thân của mẹ cháu – người phụ nữ trẻ có khuôn mặt và dáng người thanh tú quê gốc Ninh Bình luôn là một ám ảnh nặng nề đối với tôi suốt mấy chục năm trời. Tôi ăn năn sám hối vì trong nhất thời nông cạn đã có những phán đoán sai lầm và đã lầm rầm mấy lời oan ức cho chị. Lòng tôi quặn đau khi nghĩ đến hình ảnh đơn độc của người phụ nữ trẻ đứng đường trong đêm lạnh những mong kiếm được đồng tiền nuôi con nuôi chồng đang nằm viện với tình trạng thập tử nhất sinh và nguy cơ tàn tật. Càng về sau tôi đặt tình cảnh của chị trong bối cảnh của đất nước ngày một điêu linh vì cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ngu xuẩn và bạo tàn, đảng Cộng sản từng bước quay ngược cuộc hành trình từ ngăn sông cấm chợ đối với nhân dân qua mở toang trời đất núi rừng sông biển cho ngoại nhân bằng sách lược gian dối đê tiện gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” thực chất là kinh tế tư bản thời kỳ man rợ và cường quyền bạo lực Cộng sản toàn diện đến cùng hung cực ác. Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa thực chất có thể thu gom vào hai từ cướp và bán. Cướp tài sản và sức lao động của nhân dân, cướp công lao lập quốc, giữ nước và dựng nước của tổ tiên từ mấy ngàn năm đem bán cho bọn bành trướng và xâm lược.

Xin hỏi công luận: một bên – người phụ nữ quê gốc Ninh Bình bán thân để cứu chồng con, và một bên – đảng Cộng sản bán nước buôn dân: ai là người đáng khinh, đáng tội?

N.T.K.T.



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss