Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Hỏi cũng là trả lời

Hỏi cũng là trả lời

- THANH THẢO — published 11/01/2010 15:45, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Tham luận tại hội thảo về cuốn THƠ ĐẾN TỪ ĐÂU ?


Tham luận tại hội thảo tác phẩm Thơ đến từ đâu ? 



HỎI CŨNG LÀ TRẢ LỜI 



thanh thảo



Kính thưa quý vị, 


Nguyễn Đức Tùng là nhà thơ người Việt đang cư trú tại Canada, và cuốn sách Thơ đến từ đâu ? của anh là tập hợp những đối thoại khá kiên trì và miên man giữa tác giả với nhiều nhà thơ Việt trong nước và hải ngoại. 

Đây là cuốn sách đầu tiên theo kiểu này, vì thế nó có thể gây một chút lạ lùng nào đó, một chút e ngại nào đó từ một số người đọc. Nhưng có lẽ những e lệ ngại ngần ấy sẽ tan nhanh khi ta đọc trực tiếp cuốn sách. Đây toàn là chuyện những nhà thơ nói chuyện thơ, và qua thơ, cũng nói đôi ba chuyện đời với nhau. Khó có cuốn sách nào tập hợp được nhiều gương mặt thơ ca đương đại Việt Nam cả trong và ngoài nước như cuốn này, và qua cách trả lời, cách nói năng tâm sự của những nhà thơ rất khác nhau ta có có thể cảm nhận một điều : thơ càng khác nhau thì càng dễ gần nhau. Khi ta biết chấp nhận nhau, không lấy  cái “ tôi ” thường hơi bị lớn của người làm văn nghệ để áp đặt nhau, khi ta đối thoại nhẹ nhàng thoải mái với nhau, lúc ấy thật dễ cởi lòng.

Thực ra thì thơ cũng chỉ nhăm nhăm vào những phút xao lòng những phút cởi lòng như thế thôi. Để chia sẻ. Để giải toả mà chẳng mong đền bù. Để ấm ức và ấp úng. Để chẳng làm gì cả. Cái được nhất của Nguyễn Đức Tùng trong cuốn sách này là khả năng đối thoại với những người có tính cách rất khác nhau và đều không phải là những người dễ “ trút bầu tâm sự ” một cách hời hợt. Làm sao khơi gợi để người đối thoại với mình nói những chuyện thơ theo những chủ đề mà không gây nhàm chán hay lặp lại, dù có một số chủ đề nhất định trong tất cả các cuộc đối thoại. Nguyễn Đức Tùng đã vừa nhẹ nhàng tung hứng vừa rỉ rả nói và nghe, nhất là chịu khó nghe người khác nói, trong đó có những người không hề nói ngắn và nói ít. Loại sách đối thoại như thế này phổ biến ở Phương Tây, nhưng Thơ đến từ đâu ? lại là trường hợp khá đặc biệt, vì nó được làm bởi một nhà thơ người Việt, viết bằng tiếng Việt và tập hợp rất nhiều đối thoại của một nhà thơ người Việt với rất nhiều nhà thơ người Việt. 

Để tập hợp một số lượng nhà thơ lớn như vậy, lại ở rải rác trên khắp thế giới như vậy vào trong một cuốn sách đối thoại thì chẳng phải chuyện dễ dàng. Tác giả cuốn sách đã làm thật tốt chuyện này, vì anh kiên trì và biết lắng nghe. Biết lắng nghe, theo tôi, mới là phẩm chất lớn nhất của của nhà thơ, chứ không phải biết nói, dù là nói dài nói dai hay nói không hề dại. Khi đã biết lắng nghe, Nguyễn Đức Tùng đã chân thành lắng nghe những tiếng nói khác mình, có thể trong đó có những tiếng nói không thuộc “ gu ” của mình. Đó cũng là điều bắt buộc với người làm sách loại này, nhưng không phải ai cũng làm được như Nguyễn Đức Tùng đã làm. Tôi đã có dịp quan sát cách làm việc của Tùng, anh thật chu đáo, chuyên nghiệp và có sự chuẩn bị trước rất tốt. Những phương tiện kỹ thuật hỗ trợ bây giờ không thiếu, nhưng nếu thiếu một định hướng, một cách mở kênh và thông kênh, thì có khi ta sẽ nhận được một mớ hỗn độn các lời nói, và khi đó sẽ rất khó để sắp xếp vào một cuốn sách. 

Chính cách làm việc cẩn trọng và thực sự cầu thị của Nguyễn Đức Tùng đã khiến nhiều nhà thơ, kể cả những người không mấy ham hố chuyện đối thoại như thế này, cũng vui vẻ nhận lời và cùng anh đối thoại một cách thật lòng. Sự thật lòng cũng là một phẩm chất của cuốn sách này. Viết hay nói về thơ mà không thật lòng thì coi như bỏ ! Tôi rất vui vì nhận được sự ưu ái của anh Nguyễn Đức Tùng để cùng góp giọng vào bản hoà tấu ngợi ca Thơ này. Đúng là ngợi ca, vì dù ta nói giọng gì, ngọt ngào hay chanh chua, thánh thót hay cục mịch, un trầm hay bay bổng… thì khi nói về Thơ đó đều là những lời tụng ca. 

Thơ đến từ đâu ư ? Tôi xin kể một chuyện nhỏ : ở vùng biển Sa Huỳnh quê tôi có một anh tài công đã 27 năm lái thuyền đánh cá trên biển. Đó là một con sói biển thực sự, dù trông anh rất đen đúa và lặng lẽ. Trong một cuộc nhậu, khi biết tôi là nhà thơ, anh đã đột ngột xin đọc một bài thơ của… anh. Bài thơ về một con cò nhỏ lạc đàn bị rớt trên biển, một bài thơ lục bát thật giản dị mà thật thấm thía. Anh tài công từ tình cảnh con cò mà liên tưởng tới thân phận những người dân đánh cá trên biển, chịu vô vàn hiểm nguy, cả thiên tai và nhân tai :

Thảm thương cò nhỏ dại khờ

Thả trôi dòng nước đợi chờ  mẹ cha

Một mình chẳng ngại đường xa

Lê  chân  sải  bước  bôn ba  tới  bờ

Người tài công này trong khi lái thuyền trên biển thì anh lẩm nhẩm làm thơ, mà anh gọi là “ đặt thơ ”. Làm xong bài nào anh cất vào đầu bài ấy. Sau mấy chục năm, anh tài công đã lưu trong bộ nhớ là cái đầu mình hơn 40 bài thơ được làm trong mọi hoàn cảnh trên biển. Thơ đến từ đó, chứ từ đâu !

Xin cảm ơn sự chú ý của quý vị !

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss