Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Hội ngộ ở phố Hờ Bờ

Hội ngộ ở phố Hờ Bờ

- Châu Diên — published 01/01/2007 10:06, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Một truyện ngắn của Châu Diên, từ tập truyện BẢY MƯƠI BA CHIÊC CỐI ĐÁ vừa xuất bản

Hội ngộ ở phố Hờ Bờ

CHÂU DIÊN

1

Tôi dự định viết một loạt truyện ngắn hoàn toàn ghi chép ăn sẵn từ những điều có thật trong đời sống hàng ngày, chẳng cần phải điển hình hoá chi chi hết thảy. Cốt sao bạn đọc thấy thích, cốt sao câu chuyện đem lại hầu bạn đọc đôi ba giây phút mơ màng, được thế còn mong gì hơn. Chỉ có một điều tế nhị như sau, để giữ bí mật cho người trong cuộc, trong truyện ngắn này sự việc mô tả coi như là xảy ra ở cái phố có tên viết tắt là Hờ Bờ (HB). Mà phố Hờ Bờ thì cứ gọi là vô thiên lủng, thành phố nào cũng có. Thế là tác giả hẳn cũng sẽ tránh được nỗi oan cùng với những sấm sét đã từng đổ lên đầu anh bạn vong niên họ Lỗ bên Tầu hồi đầu thế kỉ trước, chỉ vì một nỗi anh dám đem cái đầu người Chiết Giang cắm vào cái cổ người Giang Tô và chêm vào đó giọng nói của người Tứ Xuyên rồi thêm thắt những gì gì đó nữa của người Hồ Nam, Hà Bắc, có mà giời biết.

Thoạt đầu, đó hoàn toàn là chuyện tình cờ, cái thoạt đầu nào mà chẳng như vậy ! Tôi tới thăm và làm việc với một cô giáo sinh cháu được đâu chừng dăm bảy tháng. Vợ chồng son, đẻ một con thành bốn, các cụ vẫn dạy thế, và cái nhân vật thứ bốn đó bây giờ là một cô ô-sin. Cô giáo thấy tôi đến, liền gọi cô ô-sin ra : « Hường này, chị giới thiệu với em, ông này chính là cái ông ấy đấy ». Cô ô-sin tên là Hường đó vồn vã nắm lấy cả hai tay cái ông ấy, tựa hồ như hai bên quen biết nhau đã lâu, nhưng nhìn bên ngoài có thể nghĩ cô bé đang bắt tôi đứng chắp tay vái cô vậy : «  Con chào ông, con chào ông, con đọc hết sách của ông rồi ». Tôi hơi hồ nghi sự trung thực của màn kịch ngắn này. Tôi nói với cô giáo : « Dài dòng thế nó đọc vào lúc nào ! ». Cô giáo bảo :  « Thế mà nó đọc hết sách của thầy đấy ». Tôi đánh trống lảng : « Đọc là một cách đánh đồng thiếp ». Cô giáo quả quyết : « Không ! Đến bữa thì nó ngủ ngon ngáy như sấm, cần gì đến sách của thầy ! Nhưng mà suốt ban ngày, chúng em đi vắng chỉ có nó với thằng cu, rảnh việc là nó đọc sách của thầy thật sự đấy ». Tôi hỏi Hường : « Cháu đọc sách của ông, cháu có hiểu ông nói chuyện gì không ? ». Con bé nói : « Con cần gì phải hiểu ! Chỗ nào không hiểu con bỏ qua luôn ». « Ơ thế thì đọc làm gì ? ». « Thế sao lại không đọc ? ». Nó trả lời bằng cách hỏi vặn lại tôi như thế, và mọi chuyện tưởng như được bỏ quên từ đấy.

Bẵng đi một dạo, thế rồi có một buổi tối, tôi đang làm việc thì chuông điện thoại trên bàn reo.

Ô-sin

Oshin là bộ phim truyền hình gần 300 tập (15 phút) của hãng NHK (Nhật Bản) mô ta cuộc đời đi ở gian nan của cô gái tên là Oshin. Thực hiện năm 1983-84, phim này đã được chiếu ở gần 50 nước.

Ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước, Oshin hết sức thành công. Không những thế, tên riêng Oshin đã trở thành danh từ chung ô-sin, chỉ những cô gái và phụ nữ đi ở, giúp việc nhà, và gần đây, những phụ nữ quét dọn, làm vệ sinh ở các gia đình hay cơ sở kinh doanh. Sự xuất hiện của từ mới ô-sin trùng hợp với sự hình thành trở lại của một tầng lớp trung lưu thành thị. 

Hội ngộ ở phố Hờ Bờ là một trong 14 truyện ngắn trong tập BẢY MƯƠI BA CHIẾC CỐI ĐÁ của nhà văn Châu Diên (bút danh của nhà giáo Phạm Toàn), do Công ty Đông Á và nhà xuất bản Hội nhà văn xuất bản (2006, 196 trang).

K.V.

– A-lô, con chào ông, ông có nhận ra con không ?

– A-lô, tôi nghe đây...

– Ông có nhận ra con không ?

– Ai đấy nhỉ ?

– Con đây, cái Hường đây mà.

– Hường nào nhỉ ?

– Cái Hường ô-sin nhà cô giáo Nguyệt đây mà, sao ông là nhà văn mà ông chóng quên thế ?

– Ờ, ờ, ông xin lỗi cháu, bây giờ thì ông nhớ ra rồi.

– Con có việc nhờ ông đây.

– Việc gì, cháu cứ nói, nếu giúp được thì ông hết sức.

– Ông viết cho con một vở kịch.

– Kịch à ?

– Vâng, kịch.

– Kịch để làm gì kia ?

– Để cuối năm, con đem về quê con tập với chị em, để biểu diễn với nhau cho vui, mà cũng để cho lũ chồng của chúng con chúng nó nổi điên lên...

Phải nói rằng cái ý tưởng của cái Hường làm tôi rất thích. Tôi hỏi nó :

– Này, tại sao cháu ở nhà quê mà lại có cái tên tỉnh thành như vậy ?

– Dạ, chúng con ở nhà quê nhưng bố của con lại đã đi khắp chốn cùng nơi rồi đó ông ạ. Bố con bị giặc lấy mất một cánh tay thì lại thêm được vô khối cái mới mẻ. Bố con bảo đặt tên con cái phải đẹp như ngoài tỉnh ấy cho bõ công đẻ. Chị con tên là Bích, con tên là Hường.

– Ờ, ờ, nhưng sao cháu lại bảo ông viết kịch ? Ông có viết kịch bao giờ đâu ?

– Chưa viết thì bây giờ viết.

– Nhưng ông không biết viết kịch.

– Biết ! Ông cứ viết đi. Ông không viết cho chúng cháu thì chúng cháu biết nhờ cậy ai ?

Tôi có đem việc đó kể với cô giáo Nguyệt. Tôi thích cái tính bẻo lẻo của cái Hường. Tôi thích cái cung cách lập luận giản đơn mà hiệu quả của nó. Tôi quyết định sẽ viết cho nó một vở kịch.

Cô giáo nghe tôi kể thì chỉ cười nhẹ, tuy cười đấy nhưng rõ ràng là có vẻ cô không bằng lòng:

– Cái con này láo thật, nó dám tự tiện gọi điện thoại quấy rầy thầy.

– Quấy rầy gì chuyện trẻ con đó, nó quý mình thì nó nhờ vả, có gì quan trọng ! Mà được nó nhờ, mình cũng có việc làm cũng vui đấy chứ ?

– Thế cũng không được !

– Vậy là làm sao ?

– Thầy đừng chiều nó.

– Có gì mà chiều ? Mới lại, tôi thực bụng cũng thích viết một vở kịch cho nó đem về làng diễn chơi với nhau.

– Thế thì lại là chuyện khác mất rồi ! Đến nước này thì em cũng đành chịu thua cả thầy cả con Hường thôi !

– Chẳng thua thì thắng à ?

Tôi bắt đầu quen với cách lập luận của cái Hường lúc nào chẳng biết. Và có lẽ chính thái độ cô giáo dạy Văn kia đã làm tôi nhất quyết sẽ phải viết cho cô bé tên Hường đó một vở kịch.

2

Bữa đó vào tầm sau bữa ăn trưa, trời cuối thu mát mẻ, tôi lững thững đi bộ tiêu cơm thẳng đường đến nhà cô giáo, định bụng gặp cô bé Hường để kể cho nó nghe về phác thảo vở kịch tôi sẽ viết và thăm dò ý kiến nó một thể, thì đến cửa nhà cô giáo tôi bắt gặp được cái cảnh được ghi lại đây thành câu chuyện về cuộc hội ngộ ở phố Hờ Bờ.

Ở cửa chính vào nhà cô giáo, dưới bóng cây sấu già, là một nhóm năm ba cô gái cũng cỡ với cái Hường, xung quanh các cô là những gánh hàng còn lỏng chỏng ít khoai, sắn, lạc và củ dong luộc.Các cô thì ngồi la liệt chỉ riêng cái Hường đứng với thằng cu đang ngủ được nó vác trên vai. Khi tôi đến, hình như cái con Hường vừa mới kể chuyện gì đó khiến cả đám bò lăn ra cười.

Tiếng cười ngừng bặt lúc tôi đến và cái Hường đảo tay bế thằng bé con đã thức giấc ra phía bên để bế nách, rồi nó nói như reo lên giới thiệu tôi với đám bạn bè :

– Chúng mày ơi, ông này chính là cái ông ấy đấy... ông là thầy giáo của cô giáo nhà tao, cả lũ chắp tay chào ông đi.

– Chúng cháu chào ông ạ – các cô nhất loạt chào tôi, tay cũng chắp lại, y hệt ở một lớp mẫu giáo nông thôn vậy.

– Chào các cháu... Sao lại ngồi ngoài đường ngoài ngõ thế này ? Hội họp gì thì vào trong nhà chứ ?

– Hội họp gì đâu ạ... Chúng con... có việc buồn cười lắm...

– Có việc gì vui kể cho tôi nghe đi... – máu nhà văn ham thích đi thực tế trỗi dậy trong tôi, và tôi đã định trụt dép đệm xuống rồi ngồi chuyện gẫu với các cô.

– Chúng con xá ông vài xá, chúng con chả dám nói đâu ạ.

Cả bọn lại đưa mắt nhìn nhau rồi nhìn vào cái Hường. Trong xã hội, sự hình thành một "lãnh tụ" thường diễn ra nhờ một cái uy nào đó kiểu như vậy. Cái uy của cái Hường là gì vậy ? Tôi nhìn cái Hường, và tôi khó có thể ngờ cái cô bé kia đang bế con nhà người khác, hệt như ngày xưa chắc là nó cũng từng bế em nó như con mèo tha con chuột, cái cô bé kia sao lại có thể là cô gái đã ba mươi tuổi đầu, đã có chồng và có một con, và cô cũng đã có gan cho chồng ở nhà trông con và một thân một mình lặn lội ra đây kiếm sống. Nhưng, nghĩ cho cùng, cái Hường cũng chẳng trơ trọi, nó vẫn có bạn, nó vẫn có bầy đoàn. Lúc này, tôi nhìn thấy cái Hường nghiêm trang nói với các bạn :

– Chúng mày này, tao nhờ ông đây viết cho vở kịch để Tết này về quê lũ mình diễn với nhau, ông nhận lời rồi đấy.

– Thật không hả ông ?

– Thật. Hôm nay ông định đến đây kể cho cháu Hường nghe trước cái cốt truyện, xem nó có bằng lòng không.

– Ông viết gì chúng cháu cũng bằng lòng.

– Không ! Chúng mày dễ tính thật ! Để ông kể cho cả lũ chúng mình nghe đã. Ngộ nhỡ ông viết sai thì sao ?

– Dễ chừng nhà các chị định bụng nghỉ bán hàng chiều nay à ?

– Cũng chẳng còn bao nhiêu. Hoà vốn rồi, tối nay chúng con liên hoan ngô khoai sắn trừ bữa.

– Ờ được, nhưng nhà các chị phải kể cho tôi nghe cái chuyện gì buồn cười lắm ấy đã, kể xong thì tôi mới kể vở kịch của tôi cho nhà các chị duyệt.

Cả lũ lại ngả ngốn cười với nhau, đứa nọ đấm lưng đứa kia, đám gái quê chất phác lại được dịp bộc lộ hết chất.

Tôi giục :

– Nào, ai kể thì kể đi, không có thì tôi đi về đây.

Cái Hường thủng thẳng nói :

– Chuyện của con đấy ông ạ.

– Thì cứ kể đi.

– Chuyện của con, mà cũng là chuyện của cả lũ này.

– Kể đi ông nghe.

– Con kể, có gì không nên không phải ông tha tội.

– Kể đi.

– Thì con xin kể... Con cho chúng nó vào nhà cô giáo đi nhờ toa-lét đấy thôi mà. Nhưng đây là cả một câu chuyện dài... Ông không biết đâu, ông không thể biết đàn bà con gái chúng con khi mót đi tiểu thì khổ sở thế nào đâu. Nhất hạng là những kì hành kinh ! Bụng cứ căng ra tức anh ách. Đang khổ sở tìm chỗ tè, thì lại có người gọi giật lại mua hàng rồi lại mặc cả từng đồng, rồi đúng lúc ấy lại hai ba ông trật tự áo xanh đứng trong bóng râm thổi còi toe toe, những lúc ấy chỉ muốn người mình nổ tung đi cho xong... Vì thế mà trước đây con cũng vào ngành khoai luộc như chúng nó, nhưng con đã tìm cách chuyển ngành bán hàng rong về đây làm với cô giáo con cho cái thân con nó đỡ khổ... Thế rồi con hẹn chúng nó cứ buổi trưa vãn hàng thì đến đây con cho vào nhà đi nhờ... Ông đừng mách cô con nhé !

– Nó nói đúng đấy ông ạ ! – lũ thính giả kiêm diễn viên nhất loạt đế theo.

– Con mà được làm tổng thống nước ta một ngày thôi thì con ra lệnh cứ năm trăm mét lại có một nhà đi đái riêng cho phụ nữ.

– Cho cả đàn ông họ đi nhờ.

– Mày chỉ có mà điên ! Mình cần chứ họ ở đây họ có nhà cửa họ cần gì ?

– Họ cũng có vô khối người đi bán hàng rong như mình, chứ mày tưởng họ ai ai cũng sướng lắm hả ?

– Nhưng họ nhịn được để về nhà mà đi nên cũng chẳng khổ vì buồn đái như lũ mình. Lũ mình không có chỗ về nhà mà đi.

Tôi không còn biết khi đó mình nên cười hay nên khóc nữa. Tự nhiên tôi mang máng thấy như mình đã gặp các cô gái này ở một đâu đó một khi nào đó xa và lâu lắm rồi. Các cô gái Thanh niên xung phong có bị cái nạn mót đái giày vò như những cô này không nhỉ ? Bom đang rơi trên đầu mà mót đái thì họ đái ở đâu ?


3

Thế là tôi quyết định ngay lúc đó kể cho họ nghe cái cốt truyện của vở kịch tôi sẽ viết cho họ đem về quê diễn vào dịp Tết.

– Nghe này, tôi kể cho nhà các chị nghe cốt truyện của vở kịch, nếu đồng ý thì tôi viết cho rồi đem về quê mà diễn chơi với nhau dịp Tết.

– Vâng... Ông kể đi, chúng con nghe đây...

– Chuyện gồm vai chính là một cặp vợ chồng, chồng ở nhà làm nông, còn vợ ra thành phố kiếm sống, ra đi nặng một lời thề, không đủ ba triệu không về ăn Tết...

– Đúng cảnh chúng con đấy... Nhưng chỉ ngót nghét hai triệu thôi cũng tàm tạm rồi ông ạ. Ở nhà quê lấy đâu ra một năm được cả đống tiền đến thế ?

– Anh chồng ở nhà rất nhớ vợ.

– Chúng nó chẳng nhớ chúng con đâu ông ạ, chúng nó nhớ mỗi cái giường thôi.

– Thì cũng là nhớ... Nhưng anh chồng ở nhà cũng có chuyện vui thú riêng. Anh ta đi làm đồng, chơi với con, và anh ta ở đội văn nghệ của thôn...

– Khiếp, nghe ông nói đến thằng chồng chúng con thế ấy, chúng con cũng muốn kiếm thêm một thằng đúng như vậy!

– Anh ta đúng là như vậy. Anh ta hiền lành. Anh ta nhớ vợ thương con. Đừng nghĩ oan cho anh ta.

– Thôi ông kể nốt đi xem sao.

– Được rồi... Anh chồng viết thư nhắn ra tỉnh cho vợ là xin về quê sớm chừng một tuần để tập kịch diễn vui ngày Tết với nhau...

– Ông chỉ được cái bịa...có mà nó viết thư khảo tiền, bảo vợ ăn nhịn để dành đem về thêm nữa cho nó bỏ ống.

– Thế rồi hôm Tết chị vợ về quê lại dẫn theo một cặp vợ chồng cũng đi làm ngoài tỉnh như mình.

– Tết đến nơi, họ không thể về nhà họ, lại cònđi về quê nhà khác để làm gì ? Ông rõ khéo bịa đặt, chẳng ra đâu vào đâu cả !

– Thì gặp nhau chốn tỉnh thành, người nọ giúp đỡ người kia. Tết đến rủ họ về chơi một hôm, họ cũng chẳng hèm gì một ngày tạt ngang thăm gia đình người bạn mới...

– Thôi ông kể nốt cho nhanh nhanh lên...

– Thì chính chúng mày cứ cắt ngang lời ông đấy chứ ?

– Kể nốt này... Khi về đến nhà, chị vợ anh bạn bỗng có việc phải đi thụt lùi lại mấy bước, thế là chỉ còn anh bạn và cô hàng khoai luộc này đi vào nhà... Anh chồng trông thấy vợ mình đi với một người đàn ông lạ hoắc...

– Thôi thôi, con lạy ông, nó đánh cho chúng con tan xác, lũ chồng chúng con chúng nó cục súc lắm, hơi một tí là chúng nó thụi, dân chủ văn minh đẩu đâu thôi, chẳng có ở nhà chúng con ở làng chúng con đâu... Chuyện của ông viết sai be bét...

– Ờ nhưng rồi sau đó thế nào?

– Phải cho anh ta ghen... Rồi vở kịch phải dạy cho anh ta cách thức ghen, ghen sao cho văn minh... Ông định chỗ này cho anh chồng chờ vợ ở nhà đứng ra giữa sân khấu hát một điệu sẩm soan...

– Đúng là ông nhà văn mà chả biết mô tê gì đời chúng con... Nhưng ông cứ kể nữa đi...

– Rồi sau đó, chị vợ anh bạn mới đi vào nhà, hai cặp vợ chồng giới thiệu với nhau, làm quen với nhau, rút địa chỉ tặng nhau và hẹn nhau sang làng bên thăm nhau hôm mồng Hai Tết... Kịch có cốt chuyện như thế được chưa ?

– Kịch của ông chán bỏ sừ !

– Có mà chúng nó xé xác nhau ra trước khi kết bạn với nhau.

– Không, thằng chồng ở nhà đánh cô vợ trước, còn thì chưa chắc đã dám đánh anh đàn ông kia...

– Cơn cục lên nó đánh tuốt... Thằng chồng nhà con ấy à, ông ơi cứ mửo miệng là nó nói đánh bỏ bà nó đánh bỏ bà cả con gà con vịt lạc vào vườn rau...


Cuộc hội ngộ ở phố Hờ Bờ phải giải tán vì đến giờ cái Hường cho em ăn bột và vì các cô gái quê cũng đến giờ lên đường làm việc buổi chiều, cố bán nốt mấy củ khoai củ sắn còn sót lại, để tối nay ởnhà trọ các cô đỡ phải vui liên hoan. Trước khi chia tay, cả lũ nhìn nhau, rồi nhìn trộm tôi, và tôi biết tỏng các cô định vào trong nhà của cô giáo cái Hường để làm cái gì trước khi xông pha vào kinh tế tư doanh thị trường ngô khoai sắn. Chúng nó mải mê làm việc riêng đến quên cả chắp tay chào tôi như lúc mới gặp. Còn vở kịch thì như bạn đọc hoàn toàn đoán biết được, sau đó kịch không được viết ra, cho dù tôi lúc nào cũng canh cánh món nợ văn chương với cái Hường và với những con người côi cút một lần bắt gặp ở phố Hờ Bờ.


Tôi hoàn toàn quên món nợ đó, cho tới một buổi tối kia, chỉ còn hai tuần nữa là đến Tết, tôi đang làm việc thì lại thấy chuông điện thoại reo.

– A-lô, con chào ông, ông có nhận ra con không ?

– A-lô, tôi nghe đây...

– Ông có nhận ra con không ?

– Ai đấy nhỉ ?

– Con đây, cái Hường đây mà.

– Hường nào nhỉ ?

– Cái Hường ô-sin nhà cô giáo Nguyệt đây mà, sao ông là nhà văn mà ông chóng quên thế ?

– Ờ, ờ, ông xin lỗi cháu, bây giờ thì ông nhớ ra rồi.

– Việc con nhờ, ông đã sẵn chưa để ông cho con xin, mấy hôm nữa chúng con về quê ăn Tết chúng con diễn với nhau.

Hoá ra cái Hường nó vẫn ngóng một lời hứa của tôi, một kẻ làm văn tầm thường tự cổ chí kim vẫn chỉ là hạng trói gà không chặt.

Ở cổ họng tôi nổi lên một cục làm tôi nghẹn. Hệt như cái cục đã làm tôi nghẹn cái bữa pháo kích ở xã Hải Xuân năm nào tôi gặp cô phó chủ tịch xã và biết gia đình cô vừa mới bị sập hầm, trên đầu cô lẽ ra phải đeo sáu chiếc khăn tang mới đủ... Hồi đó, tôi đã tự hứa sẽ viết một cái gì đó nặng bằng những chiếc khăn tang trên đôi vai mảnh dẻ ấy. Nhưng tôi đã quên.

Và bây giờ, mấy chục năm sau, tôi lại tiếp tục quên.


Biệt thự Thu Trang

CHÂU DIÊN

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss