Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Hồi tưởng

Hồi tưởng

- Nguyễn Ngọc Giao — published 04/06/2018 16:00, cập nhật lần cuối 11/06/2018 11:55

Thư gửi các cháu, con anh Quỳnh




Hồi tưởng


Nguyễn Ngọc Giao



Các cháu thân yêu,


Chú bị viêm phế quản, bác sĩ bắt nghỉ, cấm đi. Không sang California để cùng Mẹ và các cháu tiễn đưa Bố, chú viết vội mấy dòng này, nhớ đâu viết đấy, để chia sẻ với các cháu một vài kỷ niệm về Bố.

Nhìn lại, thời gian chú được sống gần Bố không nhiều như trong tâm tưởng. Từ năm 1940 (chú ra đời) đến 1946 (ngày Toàn quốc Kháng chiến, ông bà cũng như nhiều gia đình khác, đã phá nhà ở thị xã Bắc Ninh để « tiêu thổ kháng chiến », đi tản cư ở huyện Yên Phong, cũng trong tỉnh Bắc Ninh), Bà ốm nhiều lần, phải về Hà Nội chữa trị (gia đình bà ngoại của Bố và chú là hiệu thuốc bắc Hoà Tường, 63 phố Thuốc Bắc, Hà Nội), mỗi lần cô Thục Viên (hơn chú 4 tuổi, thua Bố 4 tuổi) và chú đều theo Bà về Hà Nội, Bố ở lại Băc Ninh với Ông. Những năm tản cư (1946-1949), Bố học trung học, nên lên ở Bắc Giang – Thái Nguyên, ở với Ông, nghỉ hè mới về nhà. Năm 1949, Ông vẫn ở trên Việt Bắc, Bà đưa bà nội và ba anh chị em về Hà Nội. Theo truyền thống gia đình, Bà vay tiền của các bác các cô, để mở hiệu thuốc bắc ở phố Phúc Kiến (sau đổi thành Lãn Ông) – Ông thì năm 1952, bị sốt rét nặng, mới « hồi cư ».

Về Hà Nội năm 1949, Bố học trung học ở trường Nguyễn Trãi, rồi sau tú tài, học Toán đại cương ở Đại học Khoa học. Năm 1950, phong trào học sinh sinh viên ủng hộ kháng chiến, chống chính sách Pháp dùng chính quyền bù nhìn Bảo Đại, phát triển khá mạnh, nhất là sau vụ học sinh Trần Văn Ơn bị bắn chết ở Sài Gòn. Đám tang Trần Văn Ơn là cuộc biểu tình lớn ở Sài Gòn. Ở Hà Nội, học sinh trung học bãi khoá. Mật thám đàn áp, bắt bớ. Bố bị bắt giam, tra tấn « tàu bay, tàu ngầm » một tuần ở sở Mật thám.

Để tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ, tướng De Lattre (tổng chỉ huy Quân đội Pháp ở Đông Dương) biến cuộc chiến tranh tái chiếm thuộc địa của Pháp thành cuộc chiến tranh của Thế giới Tự do chống lại khối Cộng sản, thành lập Quân đội Quốc gia và bắt đầu bắt lính. Năm 1953, Bố và ba người bạn thân (là các bác Tường, Nhàn, Hùng – chú vẫn gọi đùa là Ba (thực ra là bốn) chàng Ngự lâm pháo thủ) dự cuộc thi tuyển vào Trường hải quân Pháp ở Brest. Trường này đào tạo sĩ quan đồng thời có trình độ kỹ sư (3 năm). Tất nhiên, ra trường sẽ trở thành sĩ quan hải quân của chính phủ Quốc gia Việt Nam (Bảo Đại), nhưng đó là chuyện 3 năm về sau. Trước mắt, đó là con đường để tránh phải đi quân dịch, cầm súng chống lại kháng chiến, và cũng là dịp du học, chu du thế giới (trong ba năm học trường Brest, có một năm, học sinh sĩ quan đi tầu Jeanne d’Arc vòng quanh địa cầu). Cùng khóa Ecole Navale de Brest với Bố, có những bạn Pháp đã trở thành tướng lĩnh hải quân, trong đó có một người cách đây mươi năm chú có gặp và trao đổi trong một cuộc hội thảo : đô đốc Jacques Lanxade, từng làm tham mưu trưởng cho tổng thống Mitterrand (1989-91) trước khi làm Tổng tham mưu trưởng Quân đội Pháp (1991-95).

Bố sang Pháp ít lâu thì bác Linh (con thứ của ông bà Trình, em trai của bác Côn) mất. Là anh em họ, cùng lứa tuổi, Bố và bác Linh thân nhau lắm. Sau này, chú càng hiểu ra là họ thân nhau tới đâu : năm 2013 hay 2014, cô chú sang California lần chót, chạy lại nhà ở Irvine thăm bố mẹ. Chú còn đang đậu xe, cô Thiện vào trước, Bố lúc đó bắt đầu lẫn, nói : « Chào chị ». Lát sau, chú vào, Mẹ hỏi Bố có nhận ra ai không, Bố cười : « A, đây là anh Linh lại chơi ».

Bác Linh chết vì ung thư tại bệnh viện quân đội Pháp (nay chắc là Quân y viện 108, Hà Nội). Điều hơi khó hiểu lúc ấy là : bác Linh rõ ràng có cảm tình với kháng chiến, không hiểu sao lại tự nguyện gia nhập Quân đội QG, cấp bậc hạ sĩ quan. Mãi về sau này, những người ủng hộ kháng chiến trong gia đình ông bà Trình, nhất là bên mẹ của bác Linh, mới cho biết bác Linh là điệp viên, được cử đi thâm nhập quân đội đối phương. Không biết bác Linh có thổ lộ với Bố không, nhưng giữa hai người, hình như có một sự hiểu ngầm, không nói ra lời. Chú nhớ có lần trao đổi với Bố về bác Linh, Bố có kể, một lần bác Linh tâm sự : « Việt Minh thì tốt, nhưng Cộng sản thì phải coi chừng ».

Tháng 5-1954, ngày 7 giải phóng Điện Biên Phủ, ngày 8 Hội nghị Genève khai mạc. 20-7-54 : Hiệp định Genève chọn vĩ tuyến 17 làm giới tuyến để tập kết quân đội VNDCCH (phía bắc) và quân đội Liên hiệp Pháp (phía nam), muộn nhất tháng 7-1956 sẽ có tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Cuộc di cư bắt đầu. Gia đình ta (chỉ có 3 người là Ông Bà và chú – cô Thục Viên đã mất mùa hè năm trước) thuộc diện công chức (cũng như bên ngoại các cháu) nên đi đường hàng không (rất sớm, ngay từ cuối tháng 7 nếu chú nhớ không lầm). Những ngày trước đó, trong họ hàng và giới thân quen, câu chuyện chỉ có một : đi hay ở. Tại sao lại đi, đất nước hoà bình độc lập rồi. Đẳng nào thì hai năm nữa cũng thống nhất… Bố viết thư về, thuyết phục gia đình đừng di cư. Bà cũng không muốn đi chút nào (phía bên ngoại, chỉ có hai gia đình đã có chân ở Sài Gòn trước đó, mới chọn di cư), chỉ chịu đi khi cảm thấy, có Bà cùng đi hay không, Ông cũng quyết định di cư. Sau này, chú hiểu là Ông đã nếm mùi chủ nghĩa Mao trong hai năm (1950-52) nên không chịu được chế độ cộng sản. Chú không biết sau này có bao giờ Ông và Bố tâm sự với nhau về những năm 50 và việc di cư hay không.

Bố từ Pháp về nước năm 1956, trở thành sĩ quan (trung uý) Hải quân VNCH. Lúc bấy giờ, Mỹ bắt đầu thiết bị cho VNCH một số chiến hạm nhỏ. Bố mấy lần sang Subic Bay (Phi Luật Tân) mang tàu về. Những còn tàu này, chú nhớ Bố kể, thi thoảng có nhiệm vụ ra Hoàng Sa chở phân chim (guano) cho một công ti nào đó của bà Nhu.

Một năm sau, hai trong ba người bạn nối khố của Bố cùng đi học Brest, là bác Đinh Gia Tường và bác Phương Xuân Nhàn vượt tuyến ra bắc. Năm 1970, về Hà Nội vào mùa thu, chú có gặp hai bác ấy. Họ không vượt tuyến bằng cách lội qua sông Bến Hải, mà đi đường bộ (xe đò) lên Tây Ninh, vượt biên qua Campuchia, lấy xe đò lên cùng thác Khôn, biên giới Nam Lào, rồi đi bộ xuyên núi rừng Trung Lào, băng qua Trường Sơn về Nghệ An. Chế độ miền Bắc là một chế độ khép kín, nghi ngờ mọi « yếu tố bên ngoài ». Bác Tường kể chính ông Lê Đức Thọ, người phụ trách tổ chức, được coi là nhân vật quyền lực số 2 của ĐCS, sau Lê Duẩn, đã gặp bác Tường, và nói : cậu này « trong suốt », cứ như là con cháu trong nhà mới đi xa về. Mặc dầu có sự « đánh giá » như vậy, « nguyên tắc tổ chức » của ĐCS là phải đợi ngày thống nhất, xem hồ sơ của những người vượt tuyến ra sao, mới có thể sử dụng một cách tin cậy được – phải nói ĐCS rất giỏi cài người, nên luôn luôn có mặc cảm bị đối phương cài lại. Hai bác ấy không được đưa vào hải quân miền bắc lúc ấy mới được thành lập, mà trở thành cán bộ giảng dạy của Trường đại học bách khoa Hà Nội, bác Tường bộ môn chi tiết máy, bác Nhàn khoa điện. Chú còn nhớ lần cuối cùng, năm 1957, gặp bác Tường ở Sài Gòn : bác ấy lại thăm nhà Ông Bà, ở trên lầu của số 225 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), đầu ngõ Kiến Thiết, Bố đi công tác (không biết có đang ở Phi Luật Tân không). Không hiểu sao, tình cờ hay linh cảm, chú đứng sau bức tường nối căn hộ với nhà bếp, qua hàng rào dây thép gai trên bờ tường, nhìn bác Tường đi ra đầu ngõ, còn quay lại vẫy tay chào chú. Hơn một tháng sau, nghe lén đài « Tiếng nói Việt Nam », nhận ra giọng bác Tường trả lời phỏng vấn. Mười ba năm sau, chú mới gặp lại bác. Chú hỏi bác Tường : hồi ấy, anh có rủ anh Quỳnh cùng đi không ? Bác nói có, và Bố từ chối. Sau này, chú không có dịp hỏi lại Bố để biết năm ấy, Bố không vượt tuyến cùng vì không đồng ý, hay đồng ý mà bị cản trở vì lý do gì. Có một điều chú chắc chắn là giả dụ Bố cũng muốn ra miền Bắc, thì một trong những lý do Bố quyết định ở lại, là không muốn làm hỏng dự án của Ông là gửi chú sang Pháp du học sau tú tài 2.

Khi anh em gặp lại nhau (sau năm 1994) chú nhớ có hỏi Bố : tại sao anh có thâm niên sĩ quan hải quân như vậy mà năm 1974 giải ngũ, chỉ lên tới đại tá, trong khi đàn em của anh, có người lên đô đốc, hay phó đề đốc như « lãnh tụ » phường tuồng Hoàng Cơ Minh ? có phải vì anh tốt nghiệp Brest, thay vì Nha Trang rồi qua Mỹ bổ túc ? hay tại anh có thằng em theo Việt Cộng ? Bố chỉ cười, nụ cười hiền triết, không xác nhận cũng không phủ nhận. Về sau, tình cờ chú có dịp làm quen với một cựu sĩ quan hải quân tị nạn ở Pháp, ông ấy nói đã làm việc nhiều năm ở Bộ tham mưu Hải quân, chú đặt hai câu hỏi ấy, và được trả lời : « Tôi có được xem hồ sơ đại tá Quỳnh. Anh giả định như thế, là đúng đấy. Có cả hai lí do ».

Như vừa nói ở trên, chú đi năm 1958 (năm nay vừa đúng 60 năm, ghê thật !), mãi đến 1994 Bố Mẹ đi du lịch châu Âu, anh em mới gặp nhau lần đầu – sau 36 năm trời. Đó là lần đầu tiên (từ năm 1974), Bố ra khỏi Bắc Mỹ, trở lại Châu Âu. Còn chú thì bị Mỹ cấm cửa – một năm sau, Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam, Cô Chú mới sang thăm Bà nội và gia đình các cháu. Cũng phải nói thêm, « giải oan » cho Mỹ : chú cũng bị cấm cửa ở Việt Nam, từ năm 1982. Mãi đến năm 2001, tức là 6 năm sau Washington DC, Hà Nội mới chịu cấp visa cho chú. Lí do thì nhiều lắm, không phải lúc kể lể, nhưng có một lí do làm kéo dài tình trạng cấm cửa là tháng 1 năm 1990, cũng với một vài anh em trong phong trào Việt kiều ở các nước ủng hộ cuộc chống Mỹ, chú chủ xướng một « Tâm thư » đòi dân chủ hoá chế độ, thiết lập đa nguyên đa đảng. Hơn 700 Việt kiều đã ký tên, phần lớn là trí thức sinh viên, tất cả đã tham gia phong trào chống Mỹ, ủng hộ Mặt Trận, từ Bắc Mỹ tới Nhật Bản, Úc châu, qua Tây Âu. Chú kể lại chuyện này, vì báo chí Việt ngữ ở Cali nói nhiều tới Tâm thư, và có kể tên chú (có tác giả phấn khởi, chắc mẩm chú « hồi chánh » tới nơi rồi). Khoảng một năm sau, mùa xuân năm 1991, bác Hà Dương Dực (chuyên viên kế toán, có văn phòng ở Huntington Beach) sang Pháp, tìm gặp chú, và nói : « Anh Quỳnh dặn tôi sang đây, chỉ hỏi một câu thôi : anh có còn là Cộng sản không ? ». Chú không nhớ từng chữ, nhưng nội dung thì không quên : nếu « Cộng sản » là có thẻ đảng viên Đảng cộng sản (Pháp hay Việt Nam), thì tôi chưa bao giờ, và cũng không có ý định trở thành cộng sản ; còn nếu « cộng sản » là mong muốn xây dựng một chế độ xã hội chủ nghĩa chân chính, công bằng, – như anh Quỳnh đã nhiều lần giảng cho tôi khi hai anh em lên hồ bơi Quảng Bá (những năm 1950-52), anh Quỳnh đạp xe, tôi ngồi trên khung – thì tôi vẫn còn là cộng sản.

Chắc bác Dực đã kể lại cho Bố câu trả lời của chú. Không biết Bố có thoả mãn với câu trả lời đó không, nhưng từ khi gặp nhau trở lại, Bố không hỏi chú nữa. Ngược lại, chú lại có câu hỏi muốn hỏi Bố. Số là năm 1961 Ông được mời sang Pháp làm tư vấn cho Bộ giáo dục Pháp về bộ sách giảng dạy tiếng Pháp mà họ muốn dùng ở Việt Nam. Trong thời gian 6 tháng Ông ở Pháp, chú có dịp gần gũi Ông hơn thuở thiếu thời, nhưng hai cha con cũng chưa bao giờ có một cuộc đối thoại nào về chọn lựa chính trị.  Về lập trường chính trị của Ông, chú chỉ biết và ghi nhớ hai điều vì mình đã chứng kiến. Điều thứ nhất : đầu tháng 6-1954, ở Hà Nội, khi nghe tin ông Ngô Đình Diệm « về chấp chánh », Ông tỏ ra vui mừng và hi vọng. Vài năm sau, khoảng 1956-57, ở Sài Gòn, một buổi trưa, ông Nguyễn Văn Hiếu (thầy học Việt Văn của chú, sau này chú có gặp lại ở Mỹ trước ngày ông cụ mất), đến nhà mời Ông tham gia Đảng Cần Lao Nhân Vị của ông Ngô Đình Nhu (đảng này có tham vọng đối địch với Đảng cộng sản, cả hai đều muốn lãnh đạo một chế độ toàn trị – totalitarian). Chú đứng sau khe cửa phòng khách nghe trộm vì tò mò, không hiểu tại sao thầy Hiếu tới nhà, hay là tới « mách » Ông về chú. Nên mới nghe Ông dứt khoát và lịch sự khước từ. Trở lại năm 1961, chú bắt đầu có ý thức chính trị không phải vì tình hình Việt Nam mà vì tình hình Algérie : chú tham gia phong trào sinh viên Pháp chống chiến tranh thực dân của Pháp và ủng hộ Mặt trận giải phóng dân tộc Algérie (FLN). Đối với chú lúc đó, chống lại chính sách thực dân, đế quốc của Pháp, Mỹ… là đương nhiên. Vấn đề gay go là ở Việt Nam, cuộc đấu tranh chống Mỹ lại do ĐCS lãnh đạo, mà « thành tích » của ĐCSVN trong vụ cải cách ruộng đất (1954-55) và vụ đàn áp phong trào Nhân văn Giai phẩm (1956-57), thì ít nhiều chú đã được biết. Dịp khác, sẽ kể chú đã trải qua những ngày tháng dằn vặt như thế nào trước khi quyết định. Ở đây, chỉ nói vắn tắt : không có đối thoại, nên chú đã viết một lá thư khá dài (hình như bảy tám trang viết tay) gửi Ông, trình bày và giải thích sự chọn lựa của mình. Ông trả lời bằng sự im lặng. Chú hiểu sự im lặng ấy chắc chắc không phải là phản đối hay lên án. Nhưng không hiểu nó là đồng ý, đồng cảm, hay chỉ là « đành chịu ». Cuối năm 1975, chú trở lại Sài Gòn, gặp Ông Bà, chú cũng không hỏi Ông. Còn Ông, Ông chỉ hỏi : « Sao không làm luận án đi cho nó xong ? ».

Cuối thập niên 1990, chú hỏi Bố, Ông có nói gì không về lá thư và sự lựa chọn của chú. Bố suy nghĩ một lúc rồi nói : Ông có đôi ba lần nhắc lại một phương châm. Xét cho cùng, bổn phận của người làm cha mẹ là dạy cho con cái những nguyên tắc đạo lý, con cái thấm nhuần những nguyên tắc đó mà hành động, chứ bổn phận của cha mẹ không phải là áp đặt sự chọn lựa cho con cái. Bố hiểu Ông nói như vậy là hàm ý nói về sự chọn lựa của chú. Chú nghe, hết sức cảm động, và bây giờ nghĩ lại, thấy sự cảm nhận của Bố về ý nghĩa những lời của Ông là chính xác.

Cái phương châm mà Ông để lại, chú cũng cố gắng tuân thủ trong quan hệ với các em con chú, không hiểu được mấy phần. Nhưng chú biết, Bố đã thể hiện tốt đẹp phương chấm ấy đối với các cháu.

Vài hàng chia sẻ với các cháu trong những giờ phút đau buồn này.

2.6.2018

Chú Giao


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us