Hồn Bướm Mơ Tiên và cơ duyên của Aki Tanaka
Hồn Bướm Mơ Tiên
và cơ duyên của Aki Tanaka
Hậu Hiền
Tặng H.A.
Một
buổi tối đầu tháng Sáu ở Quận Năm Paris, trời vẫn
còn sáng. Nhà sách xinh xắn thân quen từ bao nhiêu năm
nay, chuyên bán sách về Việt Nam ở đường Cardinal
Lemoine đã đầy người. Bên ngoài, trong một bên tủ
kính, bà chủ tiệm đã trưng bày một loạt tiểu thuyết,
tập truyện ngắn của các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn,
Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam : có quyển in ở Mỹ
chụp lại từ ấn bản xưa, có quyển mới in lại sau này
ở Việt Nam. Ở giữa, có mấy cuốn sách mỏng bìa đỏ
mang tựa đề tiếng Pháp và một cuốn dày hơn, có hình
Khái Hưng mặc Âu phục, đội nón lá với hàng chữ Nhật
bao quanh. Tối hôm đó là buổi ra mắt bản dịch tiếng
Pháp tiểu thuyết Hồn
Bướm Mơ Tiên
của Khái Hưng 1
và giới thiệu một công trình nghiên cứu về tư tưởng
Khái Hưng bằng tiếng Nhật 2.
*
« Hồn Bướm Mơ Tiên » : nhắc đến bốn tiếng này, ai cũng nhớ về một thời học trò mới lớn, được học Đoạn Tuyệt, Nửa Chừng Xuân trong trường 3, nhưng lại tìm đọc những cuốn ngoài chương trình, hấp dẫn, lãng mạn hơn. Tiêu Sơn Tráng Sĩ của Khái Hưng, với mối tình huyền thoại Phạm Thái - Trương Quỳnh Như, Hồn Bướm Mơ Tiên, truyện tình lãng mạn trong khung cảnh chùa Long Giáng, đã từng làm nhiều người rơi nước mắt. Rồi sau này, đến lúc về hưu, cậu học trò năm xưa mới ngỡ ngàng khám phá ra cả một kho tàng hàng trăm truyện ngắn, nhiều tiểu thuyết của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam ít người biết đến. Các truyện ngắn Thế Rồi Một Buổi Chiều, Anh Phải Sống, Dưới Bóng Hoàng Lan, Nắng Trong Vườn4…, tiểu thuyết Bướm Trắng, Đôi Bạn, Băn Khoăn (Thanh Đức)…những cái tên làm sống lại cả một không gian mộng mơ, tưởng tượng của thời kỳ Tự Lực Văn Đoàn. Những truyện tình lãng mạn, những tâm trạng, thao thức của giới trí thức, phụ nữ trung lưu ở thành phố, những lo toan kiếm sống kiếm ăn từng ngày của người bình dân ở thôn quê trong khung cảnh Hà Nội, miền quê đất Bắc … Những tác phẩm này, cho tới ngày hôm nay, vẫn chưa được độc giả nước ngoài biết đến, ngoại trừ tập truyện ngắn Anh Phải Sống (Tu Dois Vivre) của Khái Hưng và Nhất Linh đã được dịch hơn ba mươi năm trước (1994) và ba tiểu thuyết khác5 ít người biết. Đã đến lúc Hồn Bướm Mơ Tiên, tác phẩm đầu tiên của Khái Hưng và Tự Lực Văn Đoàn, ra mắt độc giả tiếng Pháp. Năm 1932, cuốn sách mỏng này, chỉ hơn trăm trang nhưng đã « thay đổi hoàn toàn bộ mặt văn chương Việt Nam»6, « có tầm ảnh hưởng rất to lớn »7. Nó đánh dấu sự trưởng thành của nền văn chương hiện đại Việt Nam bằng chữ quốc ngữ với văn phong mới, giản dị, gần tiếng nói hàng ngày, thoát khỏi cấu trúc của văn chương cố điển Hán Nôm biền ngẫu với nhiều chữ Hán. Đề tài tiểu thuyết là tự do yêu đương, một chuyện tình yêu cao thượng lãng mạn, đáp ứng đúng lúc khát vọng tự do, đổi mới của giới sinh viên Tây học ở Hà Nội và các thành phố lớn. Đỗ Tú Tài ban Triết Albert Sarraut, tuy chịu ảnh hưởng văn chương lãng mạn của Chateaubriand, Lamartine, François Coppée nhưng Khái Hưng vẫn giữ nguyên trong câu chuyện khung cảnh đồng quê núi đồi, không khí chùa cổ còn đượm hương vị văn hóa cổ truyền của vùng Bắc Ninh, truyền thuyết công chúa Văn Khôi đời Lý. Do ông đã sống tuổi thơ trong khung cảnh gia đình quan lại ở vùng quê, khi cha ông làm Tuần phủ.
Lẽ ra với gốc gác như vậy, con đường hoạn lộ của ông đã vạch sẵn, chỉ cần bước theo. Nhưng ông không làm chuyện đó. Học xong Trung học, ông đi buôn bán sơn, làm đại lý xăng dầu, mấy năm làm ăn thất bại, ông mới lên Hà Nội dạy học ở trường Thăng Long nổi tiếng. Ở đây, cuộc gặp gỡ định mệnh với Nhất Linh, mới từ Pháp về với nhiều dự án làm báo để nâng cao dân trí, đã mở đường cho Phong Hóa, Ngày Nay, Tự Lực Văn Đoàn phát triển và giữ vị trí hàng đầu trong văn chương và báo chí Việt Nam trong vòng mười năm (1932-1940). Khái Hưng là người đa tài, ông vừa là nhà báo, viết xã luận, trào phúng, dịch, vừa là nhà văn viết truyện ngắn, truyện dài « phơi ơ tông », với cả chục bút hiệu khác nhau. Nhất Linh, Khái Hưng được biết nhiều qua những sáng tác văn chương của hai ông vào thời kỳ đầu 1932-1935 (Hồn Bướm Mơ Tiên, Nửa Chừng Xuân, Đoạn Tuyệt, …) mà ít được biết qua những sáng tác thời kỳ cuối : Bướm Trắng (1939), Đôi Bạn (1938) của Nhất Linh, Băn Khoăn của Khái Hưng (1943). Lúc đó, Nhất Linh đã chuyển qua tiểu thuyết tâm lý trong khi Khái Hưng sáng tác Thanh Đức (tên khác là Băn Khoăn) một tiểu thuyết phóng dụ (roman allégorique) trong hoàn cảnh bị Pháp kiểm duyệt trong lúc bị cầm tù ở Vụ Bản.
Hồn
Bươm Mơ Tiên
là tác phẩm đưa Aki Tanaka vào thế giới Tự Lực Văn
Đoàn vào những năm đầu 2000. Từ Nhật sang Việt Nam,
Aki Tanaka bắt đầu học tiếng Việt qua cách đọc sách
các tác giả của văn đoàn rồi không biết do một cơ
duyên kỳ lạ nào, cô càng ngày càng say mê văn chương Tự
Lực Văn Đoàn, đến độ « thèm muốn quay về những
năm 1930 ». Bắt đầu từ đó, Aki đã đi sâu vào
việc nghiên cứu, đặc biệt những tác phẩm cuối của
Khái Hưng, làm luận án về Khái Hưng, dự hội thảo về
báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn, gặp hậu duệ
của Khái Hưng, Nhất Linh ở Mỹ rồi gặp và học hỏi
với nhà nghiên cứu Thụy Khuê ở Pháp. Cũng do cái cơ
duyên này sắp đặt cho nên năm nay cô lại sang Paris nói
chuyện về đề tài nghiên cứu của cô về Khái Hưng tại
EPHE8
và tham dự buổi ra mắt bản dịch tiếng Pháp Hồn
Bướm Mơ Tiên.
Aki nói tiếng Việt giọng Sài Gòn rất sành sỏi, sinh
viên Việt Nam nghe rất thích thú, có cảm tưởng như đang
nghe, trao đổi với một phụ nữ người Việt. Một giáo
sư Pháp, nghe qua người dịch, hết lời khen ngợi « xêmina
phong phú vượt bậc ».
*
Buổi ra mắt sách tối hôm đó diễn ra trong không khí ấm cúng, thân mật. Phần đông người dự, cả Pháp lẫn Việt, đa số đã về hưu, nhưng vẫn viết, làm thơ, vẽ, hát, viết thư pháp, tu thiền… có người kiêm nhiều nghề khiêm tốn không chịu nhận, có người lâu lắm mới có cơ hội gặp lại nhau. Aki không quen ai, nhưng chỉ cần vài phút là đã quen mọi người vì ai cũng tò mò đến làm quen với cô gái Nhật nói tiếng Việt. Rồi đến phần giới thiệu sách, tác giả. Có câu hỏi « tại sao viết, tại sao dịch cuốn này ? », có cách nhìn độc đáo về cảnh « lá rụng » ở cuối truyện, có người kể về những hồn bướm trong đời mình. Đến lúc ký tặng sách cho độc giả, có người xin cho « con gái không đọc được tiếng Việt ». Lúc cuối, chị M.L, với giọng truyền cảm, đọc vài đoạn trong tiểu thuyết bằng tiếng Pháp : cảnh chùa Long Giáng lúc hoàng hôn khi tiếng chuông đưa lòng người vào cõi tĩnh lặng ; tâm trạng hoang mang của Lan nửa vui nửa buồn khi chia tay với Ngọc khi « luồng gió thoảng qua, lá vàng rơi lác đác …».
Hậu Hiền
Chú thích :
1 Deux papillons rêvant d’immortalité, Khái Hưng, ed. L’Harmattan, 2025, 14 euros, tiếng Pháp. (bản dịch tiếng Nhật xuất bản năm 1984, tiếng Nga năm 2012).
2 Khái Hưng - Nhà văn bị xóa sổ : « Tiểu Thuyết » phản kháng chủ nghĩa thực dân và chủ nghiã dân tộc, tác giả Aki Tanaka, nhà xuất bản Shoraisha, 2025. (tiếng Nhật)
3 Ở đây chỉ hệ thống giáo dục VNCH (1954-1975).
4 Một số truyện ngắn của Nhất Linh và Thạch Lam đã được dịch trong tâp truyện ngắn A l’ombre de l’ylang-ylang, Hậu Hiền tự xuất bản tháng 6/2024.
5 Một tiểu thuyết của Nhất Linh và hai của Khái Hưng đã được dịch sang tiếng Pháp từ 2006 đến 2015, theo thứ tự : Lạnh Lùng (Solitude) ed You Feng, Đẹp (Belle), Trống Mái (Mâle Femelle) ed. S3bael.
6 Tự Lực Văn Đoàn / 8/ Hành trình đổi mới của Khái Hưng và Nhất Linh (Blog Thụy Khuê, thuykhue@free.fr)
7 Bùi Xuân Bào, « Tiểu Thuyết Việt Nam Hiện Đại 1925-1945 Khai Sinh và Tiến Trình » xuất bản năm 1972 tại Sài Gòn.
8 Ecole Pratique des Hautes Etudes, Trường Cao Học Thực Hành Paris, nơi nghiên cứu và giảng dạy cao cấp về khoa học lịch sử, tôn giáo
Các thao tác trên Tài liệu