Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / kẻ ở

kẻ ở

- Nguyễn Đức Tường — published 26/04/2022 00:00, cập nhật lần cuối 26/04/2022 11:41
chuyện cũ viết lại

kẻ ở

(Nhân đọc Tâm sự kẻ sang Tần của Vũ Hoàng Chương)


Nguyễn Đức Tường


 

Thời Chiến Quốc, Yên và Tần là hai nước không thể cùng đứng. Yên là nước nhỏ và Tần, nước lớn. Vua Tần là Chính, sau trở thành Tần Thủy Hoàng đế, có ý định thu phục cả sáu nước để thống nhất nước Tàu. Tần sắp sửa thôn tính Yên. Thái tử Đan nước Yên, muốn chống lại Tần, được hiến kế là dùng người để hành thích vua Tần. Ông tìm được Kinh Kha. Cuốn Đông Chu liệt quốc, bản dịch của Nguyễn Đỗ Mục, kể lại chuyện đưa tiễn Kinh Kha trên bờ sông Dịch như sau:

Thái tử Đan liền thảo bức quốc thư cùng bức địa đồ Đốc Cương giao cho Kinh Kha, đem nghìn vàng vì Kinh Kha sắm sửa hành trang, Tần Võ Dương làm phó sứ. Khi ra đi, thái tử Đan cùng tân khách có biết việc ấy đều áo trắng mũ trắng đưa đến sông Dịch Thủy, đặt tiệc tiễn hành. Cao Tiệm Ly nghe Kinh Kha vào Tần cũng đem cái vai lợn và một đấu rượu đến, Kinh Kha giới thiệu với thái tử, thái tử mời cùng ngồi uống rượu. Khi uống được vài lượt rồi, Cao Tiệm Ly đánh cái trúc, Kinh Kha dịp theo, hát rằng:

Gió hiu hắt nước lạnh tê,
Phen này tráng sĩ ra đi không về.


Tiếng hát rất thê thảm, tân khách và các người đi theo đều chảy nước mắt khóc. Kinh Kha ngửa mặt thở đánh phì một tiếng, hơi xông thẳng lên trời, hóa thành một cầu vòng trắng, ai nấy đều lấy làm lạ. Kinh Kha lại cất tiếng hát:

Hang hùm quyết chí xông pha,
Một luồng hơi thở hóa ra cầu vòng.


Tiếng hát đổ ra giọng hăng hái, mọi người đều trừng mắt hăm hở như đi ra trận. Thái tử Đan lại rót chén rượu, quì mời Kinh Kha, Kha uống một hơi hết ngay, víu tay Võ Dương, nhảy tót lên xe, giục ra roi đi mau. Thái tử Đan lên gò cao trông theo, đến khi không trông thấy nữa mới thôi, ra ý buồn bã chảy nước mắt mà đi về.

*

Thái tử Đan nước Yên gục đầu, ngủ thiếp trên án thư. Dưới ánh sáng chập chờn, mờ ảo của ngọn bạch lạp trong thư phòng, bóng người cung nữ xinh đẹp của Vương lại tha thướt hiện ra, toàn vẹn. Nàng cảm ơn Vương đã trả lại cho nàng đôi bàn tay bị chặt đứt.

Đêm hôm trước nàng đã hiện về, rụt rè đứng ở một góc phòng. Vương quát hỏi và nhận ra đó là mỹ nhân sủng ái nhất của mình. Nàng ấm ức khóc, đưa hai cánh tay lên che mặt, hai cánh tay thiếu mất đôi bàn tay. Đối với người quyền quý như Vương, một mạng người không có gì đáng kể, nhưng người đẹp bị chết oan uổng đây lại chính là người cung nữ yêu của mình, Vương động lòng, nói “Nàng chớ oán trách ta...” Người đàn bà trả lời:

“Tiện thiếp thân phận hèn mọn, đâu dám oán trách Chúa Công, vì việc lớn nên phải hy sinh tính mạng của tiện thiếp. Tiện thiếp chỉ xin Chúa Công cho người kiếm lại hai bàn tay để cho thân thể tiện thiếp được vẹn toàn.”

Bên ngoài mưa gió lớn. Tiếng sấm đổ dồn khiến Vương giật mình tỉnh giấc. Ánh chớp chiếu qua tán lá của cây cổ thụ tạo thành bóng hình người cung nữ, những giọt nước mắt sáng long lanh lã chã rỏ xuống từ hai hoác mắt. Tiếc thương người cung nữ xấu số, hai bàn tay mỹ miều bị chặt mất để làm quà biếu lấy lòng Kinh Kha, Vương rùng mình, truyền gọi nội thị đi kiếm lại đôi bàn tay. Ngày hôm sau, nội thị mang chiếc hộp gỗ đựng hai bàn tay về trình, nói tìm thấy ở một góc buồng nơi Kinh quán, ngôi nhà Vương đã sai xây cho Kinh Kha.

Vương truyền mở hộp. Hai bàn tay ngà ngọc giờ đây vô hồn, xám ngắt, trông gớm khiếp. Vương bùi ngùi sai đem đi chôn cùng với di thể người cung nữ. Lần đầu tiên trong đời Vương nhận ra một chân lý căn bản, hiển nhiên đối với người dân thường, rằng vẻ đẹp sẽ không còn là vẻ đẹp một khi bị tước bỏ sự sống và tách ra khỏi toàn diện.

“Tiện thiếp rất đội ơn Chúa Công đã trả lại hai bàn tay cho tiện thiếp. Bằng vào cách đối xử với bàn tay của tiện thiếp, tiện thiếp lo sợ rằng người tráng sĩ thật không có đủ cẩn trọng để làm tròn sứ mạng quan trọng mà Chúa Công đã giao phó...”

Đó cũng là nỗi lo sợ của chính Vương đã hơn một tuần trăng. Từ ngày Kinh Kha sang Tần với mục đích hành thích vua Tần là Tần Chính, Vương sống trong khắc khoải, bồn chồn. Càng nghĩ, Vương càng thấy việc làm của mình là rồ dại. Một người như Vương không có thói quen kiểm điểm hành vi của mình, nhưng đây là việc hệ trọng, liên quan không những đến vận mệnh của Vương, mà còn cả đến vận mệnh của vua cha, của tôn tộc, của nước Yên... Vương tự trách mình hồ đồ, không phải chỉ một việc sai người đi hành thích vua Tần, mà cả vì cách thức thi hành mưu chước quá cẩu thả.

Vương nghe lời Điền Quang, nghĩ Kinh Kha là một tay hào kiệt, ngày đêm thờ phụng kính cẩn, nhưng Vương đã lầm. Về thuật đánh gươm của Kinh Kha, Vương không nghi ngờ, nhưng hành thích vua Tần, ngoài thuật đánh gươm còn đòi hỏi một trí dũng kiêm toàn. Lúc này Vương nhận biết Kinh Kha không có cái trí dũng đó. Trên bờ sông Dịch, Vương rót rượu quì mời Kinh Kha, Kha không khiêm nhượng, thản nhiên uống một hơi hết ngay rồi nhảy vọt lên xe ra roi chạy như một tên say. Đó không phải là phong cách của một người trí dũng. Một người trí dũng cũng không hiu hiu tự đắc về tài nghề của mình, trên đời tự coi mình không thua kém ai và, nếu có, có lẽ chỉ trừ Cáp Nhiếp. Mặc dù việc hành thích vua Tần là cấp bách nhưng Vương đã quá khinh suất. Đáng lẽ Vương phải đình chỉ việc sang Tần ngay từ lúc Kinh Kha nằng nặc có ý định đi tìm Cáp Nhiếp để làm bạn đồng hành. Rồi đến chuyện tiễn đưa trên bờ sông Dịch, Vương đã để lỡ cơ hội cuối cùng cần kiên quyết, tự chủ, hủy bỏ việc làm với suy tính nông cạn của mình.

Phong tiêu tiêu hề Dịch thủy hàn,
Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn.


Nước sông Dịch chảy tê tê, cành liễu dạt dài trơ trụi lá. Cả nghìn tân khách, mũ trắng áo trắng, biết rõ sứ mạng của Kinh Kha, hàng hàng lớp lớp tụ tập trên bờ sông, đặt tiệc rượu tiễn người tráng sĩ sắp ra đi không hẹn ngày trở lại. Kinh Kha mình mặc nhung phục, khăn quàng đen quấn quanh cổ theo chiều gió phất phơ bay, tương phản với y phục tang tóc của khách theo tiễn. Cao Tiệm Ly, bạn rượu thường nhật của Kinh Kha, cũng ngất ngưởng vác một cái vai lợn và một đấu rượu đến. Chỉ còn thiếu Cáp Nhiếp, bạn đấu gươm luyện kiếm độc nhất mà Kinh Kha kính phục, đang phiêu du tận phương trời nào. Suối rượu, dòng sông. Cao Tiệm Ly cong người đánh cây trúc. Kinh Kha cất giọng trầm hùng, “Tráng sĩ hề, một đi không trở lại...” rồi ngửa mặt thở phì một tiếng, hơi thở xông thẳng lên trời, hóa thành cái cầu vồng trắng, thê thảm hát tiếp:

Hang hùm quyết chí xông pha,
Một luồng hơi thở hóa ra cầu vồng...

Đẹp quá. Đây là một diễn biến, một bức tranh lịch sử bi hùng đang từ từ mở rộng, để dành cho hậu thế soi chung, tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn. Người tráng sĩ ra đi không bao giờ trở lại. Mũ áo tang trắng toát. Bên kia bờ sông Dịch, và có khi ở ngay cả trong nước Yên này nữa, đâu có thiếu thám mã của quân Tần! Như thể cả nước Tần, từ vua tới dân cùng bao nhiêu mưu sĩ tài ba, liệu không một ai nhìn thấy sự việc hiển nhiên là nếu Kinh Kha sang Tần với thiện ý thì tại sao lại tang tóc tiễn đưa cùng với lời thề “ra đi không bao giờ trở lại”? Từ tâm can, từ huyết mạch Vương mơ hồ cảm thấy mình đã chứng kiến một lừa bịp lịch sử. Một cảnh trí chỉ nên được giữ lại cho một vở tuồng cung đình. Vương nhớ đến những người đã hy sinh, đến người cung nữ yêu quý, đến lão quan Điền Quang, đến lão tướng Phàn Ô Kỳ và, rồi ra rất có thể, sẽ không biết bao nhiêu người khác nữa. “Hừ, Điền Quang, cơ mật...” Vương ngậm ngùi nghĩ đến vị lão quan trung thành, bất giác giận dữ hét to:

“Cơ mật!” Tiếng hét vang lên trong đêm khuya tịch mịch. Một người nội giám sợ hãi chạy vào, Vương vẫy tay ra hiệu cho lui.

Điền Quang, vị lão quan trí dũng còn thừa nhưng tuổi già chồng chất, không thể cáng đáng được việc sang Tần, nên đã tiến cử Kinh Kha. Khi ông sắp lên xe đi đón Kinh Kha, Vương còn căn dặn: “Những lời Đan nói là việc lớn của nước nhà, xin tiên sinh chớ hở ra cho ai biết.” Ông già cười trả lời:

“Già này không dám nói.”

Vương cảm thấy hơi lạ về cách Điền Quang cười trả lời và chỉ biết được chính mình đã giết chết vị lão quan trung thành khi Kinh Kha đến. Vương hỏi Kha về Điền Quang thì được nghe trả lời: “Quang nghĩ thái tử có lời dặn riêng, muốn đem cái chết để tỏ ra là đã cẩn mật không nói với ai, nên đã tự đâm cổ chết rồi”.

Nếu cái chết của Điền Quang là do việc Vương vô ý lỡ lời thì cái chết của Phàn Ô Kỳ có lẽ không hoàn toàn thật vì Vương vô tâm. Phàn Ô Kỳ, nguyên là tướng Tần, vì xui em của vua Tần là Trường An Quân làm phản, việc không thành phải chạy trốn sang Yên. Vua Tần căm giận lắm, rao mua cái thủ cấp nghìn vàng. Muốn hành thích vua Tần thì phải được vua Tần tin, cho đến gần, Kinh Kha bàn với Vương nên có cái đầu của Phàn Ô Kỳ cùng với đất Đốc Cương đem dâng vua Tần, vua Tần tất vui mừng tiếp đãi thì mới có hy vọng được việc. Vương phản đối yếu ớt, “Phàn tướng quân cùng khốn về theo sao nỡ giết chết...” Kinh Kha biết Vương bất nhẫn, bèn nói riêng với Phàn Ô Kỳ để xin thủ cấp.

*

Đã nhiều đêm như đêm nay, Vương ngủ những giấc ngủ không bình yên, mơ những giấc mơ hãi hùng. Vương đã từng chứng kiến biết bao nhiêu sự tàn ác, hèn mạt, phản phúc trong các nước chư hầu và ngay cả chính nước Yên của mình nữa.

Chinh chiến triền miên, người chết năm vạn, mười vạn, thường chẳng có lý do chính đáng. Về sự tàn ác không ai có thể so sánh được với tướng Tần, Võ An Quân Bạch Khởi. Trong trận Trường Bình, quân Triệu thua hàng, hơn bốn mươi vạn người, Bạch Khởi đánh lừa, cho ngả trâu rượu ăn uống, rồi trong một đêm sai quân chém chết hết, máu chảy ào ào, nước ở Dương Cốc biến thành sắc đỏ. Trong trận này, tổng cộng hơn bốn mươi lăm vạn người, kể cả quân đã hàng, bị giết, chỉ còn 240 người ít tuổi được thả về Hàm Đan để cho nước Triệu khiếp vía.

Nhìn quanh các nước chư hầu, Vương chỉ thấy toàn một mùi xú uế nồng nặc. Văn quan, võ tướng, tuy không thiếu gì người tài giỏi nhưng những bọn lang sói, siểm nịnh, còn tài giỏi, mưu mẹo hơn. Để chống lại Tần, các nước chư hầu có kế hợp tung để cứu trợ nhau. Nhưng tung nhiều mà hợp ít. Xuân Thân Quân Hoàng Yết, tướng quốc nước Sở, hai lần cầm quân đánh Tần. Lần thứ nhất, trong kế hợp tung, vua Sở là tung ước trưởng, sai Hoàng Yết mang quân đi cứu Triệu. Hoàng Yết đóng quân ở Vũ Quan trông ngóng, không tiến, may mà Tín Lăng Quân nước Ngụy, vì tình quyến thuộc, với mưu mẹo của người sắp chết đuối, đã đánh được quân Tần, giải vây cho Triệu. Lần thứ nhì, trong một tung ước khác, vì Sở là nước lớn, Hoàng Yết được cử làm thượng tướng, cầm quân năm nước. Tướng Tần là Vương Tiễn nói quân Sở đã hơn ba mươi năm không đánh nhau, không quen chiến trận, nên hợp quân lại đánh một mình quân Sở, Sở tất thua và quân của bốn nước kia cũng phải rút. Hoàng Yết nghe biết, sợ quá, không kịp báo các dinh khác, truyền lệnh riêng cho quân Sở rút lui. Vương Tiễn biết quân Sở đã trốn, liền đem quân đánh dinh Triệu. Quân các dinh Yên, Hàn, Ngụy đều đến cứu, chỉ thiếu một mình dinh Sở.

Nhưng hợp tung dù có thành công cũng chưa chắc đã lợi ích gì vì bên trong nước Triệu còn có những loài chó ngựa như sủng thần Quách Khai, bán rẻ sơn hà xã tắc như một miếng thịt thiu, không luyến tiếc. Mưu sĩ của Tần là Úy Liêu, biết Quách Khai là kẻ tham lợi, tuyệt không có chút lòng vì nước, sai đệ tử là Vương Ngao đem theo năm vạn cân vàng, sang Triệu, liệu cách mua chuộc. Vương Ngao chỉ dùng hết một vạn cân đã được việc, động lòng hỏi: “Vạn nhất nước Triệu mất thì ngài đi đâu?” Đáp: “Tôi sẽ ở trong hai nước Tề, Sở, chọn một nước mà thoát thân.” Từ biệt Quách Khai về Tần, Vương Ngao đem bốn vạn cân vàng còn thừa nộp lại, nói rằng: “Tôi đã dùng một vạn cân vàng kết liễu sinh mạng Quách Khai, dùng một Quách Khai kết liễu sinh mạng nước Triệu.”

Những Quách Khai, Hoàng Yết, bất cứ thời nào nơi nào, thường lúc nhúc chẳng thiếu. Ngay cả ở nước Yên. Hai lần đánh nước láng giềng đồng minh là Triệu, hai lần thua; lần đầu nghe lời tên tướng quốc bất chính là Lật Phúc, vì không được của đút lót, nói tướng Triệu già yếu, trai tráng bị chết cả từ trận Trường Bình, có thể diệt được; còn lần sau để báo thù lần thua trước.

Tần muốn đánh Triệu, bèn dụ Yên bỏ Triệu theo Tần; Yên bằng lòng và, vì vậy, Vương phải sang Tần ở làm con tin. Triệu biết thế yếu, cắt dâng năm thành, xin hòa với Tần để rảnh tay đánh Yên. Lấy được 30 thành Thượng Cốc, Triệu giữ 19 thành, đem dâng Tần 11 thành; còn Vương phải khốn khổ lắm mới ra khỏi được cửa Hàm Cốc, trốn thoát về Yên.

Toàn là những hành xử mang đủ tính cách hèn mạt, phản phúc và dại dột.

Những năm tháng Vương sống làm con tin ở Tần không hoàn toàn vô ích. Vương được biết những tướng tá, mưu sĩ của vua Tần toàn là những người tài giỏi, trung thành dù cũng có người nghi ngại về vua Tần. Như Úy Liêu, một thượng khách mưu sĩ, một đêm không lời từ biệt, bỏ đi; vua Tần triệu mãi mới về, bái làm đại úy cho chủ việc binh. Riêng vua Tần, khi tuổi đã trưởng thành, mình dài tám thước năm tấc, tư chất thông minh, anh vĩ lạ thường, việc gì cũng tự chủ trương lấy, không cho thái hậu hay thừa tướng là Ứng Hầu Lã Bất Vi quyết định nữa. Úy Liêu nói: “Vua Tần mũi to, mắt dài, ngực ưỡn, tiếng gầm, là người tàn khắc ít ân, lúc có việc thì chịu khuất người, lúc xong việc thì khinh bỏ người, cho nên chịu khuất thân với ta, lúc đắc chí rồi, thiên hạ đều bị giết hại cả”. Cho dù Úy Liêu nói đúng thì đó là những việc về sau. Hiện tại, Úy Liêu là một trong những mưu sĩ đắc lực nhất của vua Tần. Nhìn bốn phương trời, Vương chỉ thấy một mình vua Tần là người trí dũng kiêm toàn, một vai một đầu cao hơn bất cứ vị vua chư hầu nào khác.

Hành thích vua Tần, nếu thành công, thì kết quả cũng chỉ là giữ được nguyên tình trạng hỗn loạn giữa các nước chư hầu. Là thái tử của nước Yên, Vương đã làm hết bổn phận của mình, nhưng Vương linh cảm rằng Kinh Kha sẽ thất bại; Vương đã biết tất cả những mưu toan không còn là cơ mật như mong muốn và, hơn thế nữa, về sức lực Kinh Kha không hơn gì vua Tần.

Thành bại không là thước đo người anh hùng nhưng là thước đo người mưu việc. Trong việc này, trách nhiệm là của riêng Vương; rồi đây, Vương sợ rằng không những không “lưu danh thiên cổ” mà sẽ còn “lưu xú vạn niên”.

Thái tử Đan ngẫm nghĩ về số phận khắc nghiệt của mình. Từ chỗ sâu thẳm nhất của tâm hồn, Vương biết vua Tần là một người chí khí cao việt; Vương cũng muốn làm như vua Tần, bình định các chư hầu để thống nhất đất nước. Có như vậy mới bớt được chiến chinh sát hại dân lành, nhưng nước Yên của Vương nhỏ yếu quá. Vương cố xua đuổi, dẹp bỏ ý tưởng phản phúc, giằng xé đang chực thành hình trong tâm trí; ấy là ao ước được sinh đẻ ở nước Tần hay ít nhất không phải là thái tử của nước Yên...

*

Kinh Kha bưng hộp địa đồ Đốc Cương dâng lên vua Tần, lúng túng để mũi dao trong tay áo lộ ra. Sự việc kết thúc trong khoảnh khắc. Vua Tần hãy còn tức giận, sai Vương Bí đem quân hỏi tội cha con vua Yên. Vua Yên sợ hãi đem đầu thái tử Đan nộp để hòa hoãn.

Vua Tần thật ra không thù riêng gì nước Yên. Tần Chính lên ngôi Tần vương năm 13 tuổi, vào cuối thời Chiến Quốc. Khi ấy nhà Đông Chu chỉ còn thoi thóp; Trung Hoa là một nước rộng lớn thời cổ đại chia năm sẻ bảy, chinh chiến triền miên, dân chết hàng vạn, các nước chư hầu vẫn mải thanh toán lẫn nhau. Tần là một trong số bảy nước chư hầu lớn còn sót lại cùng với vài nước nhỏ. Vua Tần cần chinh phục tất cả sáu nước chư hầu lớn để xây dựng một đế chế tập quyền thống nhất mới, và đã thành công. Sau khi thống nhất được Trung Hoa, vua Tần đã thực hiện một loạt cải cách quan trọng chưa từng thấy về kinh tế và chính trị, xã hội Trung Hoa trở thành một xã hội hoàn toàn mới, khác hẳn. Năm tuổi 38, ông không còn là vương mà là hoàng đế, Thủy Hoàng đế. Ông xây dựng một hệ thống luật pháp chặt chẽ, thống nhất hệ thống đo lường, tiền tệ, và quan trọng nhất là chữ viết một thứ keo giữ cho nước Trung Hoa nhiều phương ngữ thống nhất cho đến ngày nay. Đó là những chính sách, sau gần nửa thiên niên kỷ chia cắt và chinh chiến không thôi, sẽ trở thành nền móng cho nước Trung Hoa rộng lớn, kéo dài cho đến khi nhà Thanh sụp đổ vào đầu thế kỷ 20.

Với những thành tích đó, theo thuật ngữ hiện đại, Tần Thủy Hoàng đế phải được kể là một nhà đại cách mạng, có thể so sánh với bất cứ nhà cách mạng nào, cổ hay kim. Đế chế của ông có những văn thần cực kỳ tài giỏi, những võ tướng cực kỳ dũng mãnh, đế chế không có những tham nhũng lặt vặt, thiếu vắng hẳn những kẻ cắp ban ngày (nhớ lại chuyện “Vương Ngao đem năm vạn cân vàng, sang Triệu...” ở trên, Vương Ngao có thể lấy một vạn hay bốn vạn cân vàng mà không có gì thay đổi và không ai hay biết). Là một chế độ độc tài chuyên chế, pháp luật đời Tần rất hà khắc nhưng rõ ràng, không co giãn tùy tiện. Tuy vậy, mỗi khi được nhắc đến, tên ông thường dính liền với cụm từ “đốt sách, chôn học trò”, như thể Tần Thủy Hoàng chỉ là một tên cướp lục lâm. Ông không có một đội ngũ cổ động hay dư luận viên để đánh bóng chế độ, có lẽ ông chưa kịp nghĩ đến hay nghĩ điều đó không cần thiết. Đế chế tồn tại 12 năm, sau khi ông qua đời ở tuổi 49, nhà Tần sớm diệt vong chỉ 3 năm sau đó,.nhưng đó là chuyện khác.

Hành động của vua Yên hy sinh con, giữ nước Yên tồn tại thêm được vài năm. Thái tử Đan không lưu danh thiên cổ cũng không lưu xú vạn niên; riêng Kinh Kha một mình lững thững đi vào sử xanh, lật đật trở thành “người tráng sĩ anh hùng, ra đi không bao giờ trở lại” như sách vở qua bao nhiêu thời đại đã không ngừng miêu tả.


Nguyễn Đức Tường


Nguồn : Bài đã đăng trên tạp chí Thế kỷ 21 số Xuân Đinh Hợi (2007), mới đây trang mạng Diễn Đàn Thế kỷ (kế thừa tạp chí này) đã đăng lại, nhân đó tác giả đọc lại, sửa đổi đôi chút và thêm hai đoạn áp chót trước khi gửi cho Diễn Đàn (22/4/2022).

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us