Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Khám bệnh đầu năm

Khám bệnh đầu năm

- Nguyễn Thị Kim Thoa — published 15/03/2021 22:15, cập nhật lần cuối 15/03/2021 22:26

Khám bệnh đầu năm


Nguyễn Thị Kim Thoa



Sáng mùng bốn Tết, thức dậy muộn, đang chuẩn bị bữa ăn sáng, tôi nghe có tiếng gọi quen thuộc ngoài cổng. Tôi dẹp việc làm dang dở chạy ra. Người thanh niên láng giềng hỏi:

– Bà ơi, con vào được không? Tôi cười vui nói: Mời cháu vào, nhà tôi không kiêng cử. Người thanh niên vẫn đứng ở cổng nói tiếp: Con vội lắm không vào thăm Tết bà được. Con tới hỏi bà về chuyện trục trặc của đứa bé mới sinh 12 ngày của con, vợ con có thể bồng cháu tới nhờ bà khám được không?

– Vợ anh mới sinh, cháu mới 12 ngày tuổi, đi ra ngoài vào sáng sớm không tốt lắm, để bà qua nhà cháu. Tôi trả lời. Người thanh niên ái ngại nói:

– Như thế có làm phiền bà lắm không, đã nhờ bà khám còn bắt bà qua nhà.

– Không hề gì, tôi rất vui khi giúp xóm giềng công việc gì đó.

Tôi vào nhà chỉnh đốn y phục, đeo khẩu trang, lấy nón, lấy túi y cụ rồi theo người hàng xóm qua nhà anh ta.

Nhà người hàng xóm ở bên kia con kênh, lối đi hẹp giữa hai vườn mai, cái cầu khỉ hơi khó đi một chút, nhà anh nằm giữa vườn mai thứ ba, mai nở rộ, dịch bệnh không bán được. Gọi là nhà e không chính xác lắm. Thực tế là một cái chòi xập xệ mái lợp bằng mấy tấm tôn cũ rét, vách và cửa ra vào kết nối với nhau bằng những tấm liếp lá dừa nước. Người thanh niên kéo tấm liếp, tôi theo anh lách vào nhà, tấm liếp trở về vị trí cũ. Căn nhà kín mít được soi sáng bằng ngọn đèn led treo ở giữa. Tôi đề nghị anh chủ nhà “mở cửa”, tắt đèn. Người thanh niên kéo một tấm liếp, hai tấm liếp. Ánh sáng ban mai tràn vào. Tôi nhìn rõ bối cảnh bên trong: Một cái giường bằng gỗ cũ kỹ và một cái ghế bố. Sản phụ và cháu bé nằm trên giường. Thấy tôi vào, người phụ nữ trẻ ngồi dậy, vén tấm màng xanh ố, bồng con, bước xuống đất đến gần chỗ tôi đang đứng. Người thanh niên tập họp được hai cái ghế nhựa, một cho tôi và một cho vợ anh ta. Ngồi vào ghế chị vừa bế cháu vừa kể:

– Cháu sinh ra cân nặng được 2,6kg, con so mà chuyển dạ kéo dài nên con phải sinh mổ, cháu được nuôi trong lồng kính và bú sữa ngoài với giá 340.000 đồng một hộp. Chiều ba mươi con xin xuất viện, về nhà để cúng đầy tháng cho bé. Quê con theo tục cũ sinh trong năm phải cúng đầy tháng trước chiều 30 tết.

Tôi chưa kịp hỏi han gì. Mẹ bé nói tiếp: Từ chiều ba mươi con cố gắng cho cháu bú sữa mẹ như lời bác sĩ dặn, cháu không chịu bú. Con phải nuôi bằng sữa bột nhưng cháu bú ngày càng ít đi. Con rất lo, nhưng chờ qua ba ngày tết chồng con mới dám qua nhờ bà.

Rửa tay bằng nước sát khuẩn đem theo, chờ tay ráo, nhìn quanh gian nhà tôi thấy ngoài chiếc giường gỗ cũ ra còn có cái tủ ăn bằng gỗ xập xệ kê trên bốn cái chén sứt mẻ đựng nước để tránh kiến, cái bàn con thấp ghép bởi mấy tấm ván thô, cái võng dây thừng mắc chéo gần khung cửa đi ra ngoài chái bếp, tất cả đều đen điu. Lon sữa Premium Gold xanh sáng đặt trên chiếc bàn chỏng chơ với cái bình thủy Rạng Đông rét rỉ, một bình bú với cái nấm vú cao su được đậy bằng cái nắp nhựa, hai cái ly nhựa vàng ố có quai. Nhìn qua khoảng trống thông với bên ngoài, tôi thấy một bà cụ nông thôn đang rửa chén bát dưới gốc cây. Người thanh niên chủ nhà giới thiệu: Đó là bà ngoại cháu, từ Kiên Giang lên chăm con gái sinh.

Tay khô, tôi thận trọng khám:

Tôi sờ mỏ ác (thóp trước), xem từng thớ thịt ở cổ, thấy có vài nốt hăm đỏ, khám chân tay, nghe tim phổi, khám rốn và bụng, kiểm tra tai mũi họng... sau khi hỏi kỹ về tiền sử mẹ con... Tôi tạm yên lòng vì không thấy có triệu chứng nào gây nguy hiểm. Có thể biếng bú là vì cháu bé đã quen với mùi vị của sữa Premium.

Quan sát thấy bà mẹ trẻ vụng về trong thao tác cho con bú, tôi ngồi lại gần nửa giờ hướng dẫn chị ấy cách vệ sinh bầu vú, làm thế nào để cho bé ngậm trọn nấm vú, hai ngón tay kẹp bầu sữa ra sao...

Ra về tôi không quên để lại số điện thoại và căn dặn có thể gọi bất cứ khi nào thấy cần.

Cúi đầu bước qua khoảng trống, tôi chào bà ngoại cháu bé, bà đang gom một ít lá tràm hoa vàng. Bà châm lửa đốt, bỏ vào đống lửa đang cháy một nạm muối hột, lá khô và muối cháy nổ lốp đốp, bà nói với tôi:

– Bác sĩ bước qua về chín bận khử phong long rồi về. Cháu nó sinh chưa đầy tháng, bác sĩ chịu khó xông lá thơm đầu năm để tránh xui xẻo trong năm.

Tôi không bước qua đám lửa mà ngồi xuống ụ đất cạnh nhà. Khói lá tràm khô làm tôi dễ chịu, bà lão vẫn tiếp tục gom lá, và trong khói thơm tôi trở về vườn xưa nghe tiếng trảy lá mai lách tách của cha tôi, thấy mẹ tôi quét lá trong vườn, thoang thoảng đâu đây mùi lá thông trên đồi Từ Hiếu ngày đầu năm đi lễ chùa hái lộc...

***

Nửa tháng sau tôi trở lại thăm cháu bé trong một lần đi dạo quanh xóm. Đứa bé bú tốt, sữa mẹ cũng khá nhiều. Nhìn đứa bé hồng hào trong tay mẹ, tôi rạo rực niềm vui.

Ngồi khám bệnh cho bé, trò chuyện với người mẹ, tôi nhận ra mình yêu cuộc đời này hơn. Tôi thấy gần gũi với con người hơn. Mùi sữa thơm, mùi dầu chổi hăng hăng khó chịu, nhưng rất dễ cảm thông...

Đưa bàn tay sờ xem thóp trước cháu bé có phồng không, tôi thấy bàn tay mình trở nên “thần thánh”. Tôi nhớ có lần học năm thứ ba trường Y, có một vị bác sĩ đàn anh hướng dẫn tôi khám gan, tôi đã vui sướng biết bao khi sờ được bờ gan mấp mé dưới bờ sườn phải. Vị bác sĩ đàn anh bảo tôi: “Xác định được bờ gan là bàn tay em trở nên thần thánh. Người thầy thuốc hãy để bàn tay mình trở nên thần thánh khi chạm vào thân thể người bệnh, như thế sẽ thấy đời vui hơn và đáng sống hơn”.

Tôi nghĩ đến các bạn đồng nghiệp ở bệnh viện Đà Nẵng đã tổ chức và gây dựng được một ngân hàng sữa mẹ. Nếu bệnh viện ở đây làm được như thế thì cháu bé sẽ có sữa mẹ ngay từ đầu, người mẹ nghèo khổ này không phải mất tiền, cháu bé lại có những giọt sữa mẹ cho giây phút đầu đời. Cám ơn các bạn tôi.

Tôi nghĩ đến tình trạng phổ biến ở các bệnh viện tôi đi qua sau khi nghỉ hưu: Các bác sĩ quá lệ thuộc vào các xét nghiệm cận lâm sàng. Có một lần tại bàn khám, vị bác sĩ hỏi tôi bà đau gì, tôi bảo tôi ho kéo dài, không khám gì cả, vị bác sĩ viết giấy đi chụp phim phổi (XQ lồng ngực). Một lần khác tôi khám bệnh do đau quặn thắt vùng bụng trái, bác sĩ phán ngay: đi siêu âm bụng tổng quát...

Đành rằng ngày nay các phương tiện cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, đã giúp cho các bác sĩ tiếp cận chẩn đoán tốt hơn, nhưng thăm khám kỹ lưỡng sẽ giúp ta chọn lựa được xét nghiệm cần thiết, tránh dàn trải các xét nghiệm không cần thiết, vừa tốn tiền, đôi khi gây tai biến, và phải biết rằng không phải trăm phần trăm các bác sĩ cận lâm sàng đọc đúng, làm đúng. Vì thế đối chiếu triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm không bao giờ là thừa. Mặc khác thăm khám kỹ ta sẽ thấy gần gũi với bệnh nhân hơn, cảm nhận cuộc sống nhân văn hơn, đời sống sẽ phong phú hơn.

Tôi còn nghĩ đến một vấn đề theo tôi là khá quan trọng đối với các bác sĩ ở nông thôn: Vấn đề y học cổ truyền. Trong vòng hơn mười năm trở lại đây, sống trong vùng đông dân nhập cư, lao động nghèo khó, tôi đã vận dụng không ít kiến thức y học cổ truyền để chữa bệnh. Trước đây tôi không đồng tình lắm với nhận định “Đông Tây y kết hợp”, nhưng bây giờ đôi lúc đứng trước tình thế bắt buộc tôi đã phải lựa chọn “Đông Tây y kết hợp” trong một vài trường hợp đơn giản mà tôi đã có chẩn đoán xác định, loại trừ các bệnh ngoại khoa hay nhiễm trùng.

Ngày khám bệnh đầu năm của tôi với khói lá thơm, với tấm lòng đôn hậu của bà mẹ quê chơn chất, với mùi sữa mẹ, và với nhiều niềm vui ...


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss