Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Khiêu vũ

Khiêu vũ

- Ninh Kiều — published 02/05/2014 22:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

Khiêu vũ


Ninh Kiều


Quên buồn lo, quên bệnh tật, chúng tôi khiêu vũ trong tiếng nhạc lời ca dưới ánh đèn màu vừa đủ sáng để khỏi giẫm chân nhau.


“…Mình dựa vào nhau cho thuyền ghé bến
Sưởi ấm đời nhau bằng những môi hôn
Mình cầm tay nhau cho tình dâng sóng nổi
Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn…”


Nghe ai đó hát bài “Tháng sáu trời mưa” mà ngậm ngùi cho thân phận, nhớ đêm tân hôn có người thủ thỉ “Anh vẫn còn trinh”, đâm ra mừng vì thấy người ta giống mình ! Lúc ấy nào đã biết gì, phải đợi nhiều năm sau mới thấm, mới cảm nhận tác động sâu xa của nó trên cuộc đời làm vợ có chồng muôn thuở quờ quạng như đêm nảo đêm nao.

Chúng tôi là những phụ nữ sống xa quê hương, những bà nội, bà ngoại, có chồng, goá chồng, chồng bỏ, bỏ chồng, vắng chồng, chán chồng, chưa chồng. Chúng tôi 80, 70, 60, 50 tuổi. Chúng tôi rời đất nước đã hơn nửa thế kỷ, mấy mươi năm, vài năm gần đây, bằng tàu thuỷ, máy bay. Chúng tôi đi du học, vượt biên, đào nhiệm, được bảo lãnh. Chúng tôi đã từng hay đang là nội trợ, đầu bếp, thư ký, thợ uốn tóc, doanh nhân, hầu bàn, chủ tiệm ăn, giáo sư, bác sĩ, văn sĩ, kỹ sư, luật sư, nhà nghiên cứu, chạy taxi… hoặc đang thất nghiệp, hưu trí. Chúng tôi ở biệt thự, thuê nhà chung cư giá rẻ. Chúng tôi có xe hơi, có Navigo(1) miễn phí. Chúng tôi khác ý kiến chính trị nhưng chúng tôi nhớ quê hương và thích khiêu vũ.

lebal-scola

Ảnh trong phim Le bal (Khiêu vũ) của E. Scola

Vũ trường chúng tôi đến chơi có hình bầu dục, tròn, vuông, chữ nhật, trong một nhà hàng Việt Nam, Tàu, Nhật hay ở một nơi nào đó do các hội đoàn tổ chức. Dàn nhạc gồm bốn, ba, hai hay chỉ một nhạc sĩ với vài ca sĩ nhà nghề và vô khối ca sĩ nghiệp dư, ngày càng đông. Ca sĩ thật trình diễn vài bản rồi đi để dàn nhạc ở lại chịu đựng đám hát hò tạp nhạp. Một số trong đám này nghe họ ca đủ khổ. Dàn nhạc khổ trước, khổ nhưng không thể than vãn vì đây là nhiệm vụ. Người khiêu vũ cũng khổ vì ca sĩ hát sai thì khó nhảy đúng nhịp, song có chỗ tới lui nên chịu đựng được. Còn thính giả mới thật khổ vì chẳng có chuyện gì làm, chỉ mong ca sĩ ngân câu cuối cùng. Nhưng ở chốn này, ai cũng có thể ca miễn ghi tên và trả tiền ăn uống nên phải hứng chịu. Nhiều người trong chúng tôi chẳng bao giờ có dịp mó tới cái micro chứ đừng nói chi ca hát dưới ánh đèn màu, sau lưng có người đàn, trước mặt có người nghe. Từ chỗ không ai biết đến tên tới khi được mời gọi để trăm mắt châu vào nhìn cách mình ăn mặc, ngắm dáng mình đang đứng, xem miệng mình ca là một sự thay đổi lớn. Dù cho dốt đặc âm nhạc song việc quay sang nói với nhạc sĩ “Sáu mươi năm cuộc đời, twist, sol mineur(2)” là một tiến bộ vượt bực của những mảnh đời bình thường.

Cách đây không lâu, Thanh Thuỷ còn là một bà ngoại nhút nhát. Lên sân khấu rón rén như đi ăn trộm, đứng trước khán giả chẳng khác gì đang bị toà xử án, ca lí nhí trong họng, lạc giọng, sai nhịp. Thế nhưng bây giờ Thanh Thuỷ cầm micro với dáng tự tin, hết mang kính lão cắm đầu vào bài hát, bắt đúng nhịp, giọng chưa gợi cảm nhưng nghe được. Có lẽ Thanh Thuỷ thay đổi dữ lắm nên có lần đi với chồng gặp ông bạn cũ, chắc mới bị tai biến mạch máu não, hỏi một câu lãng xẹt “Con gái lớn đó hả ?”. Thật vậy, ngày xưa Thanh Thuỷ có chiếc áo đầm đẹp mặc đi mặc lại không biết bao nhiêu năm : Tết, đám cưới, sinh nhật, ở Việt Nam, bên Ai Cập, được bất tử hoá trên nhiều tấm ảnh. Bây giờ Thanh Thuỷ mặc áo vào, ngắm nghía, cởi ra chọn cái khác, vẫn chưa vừa ý, lại cởi ra, mặc vào, ngắm nghía…rồi còn khoe với bạn bè nhận xét của chồng “Xưa đẹp tự nhiên, giờ đẹp giả tạo”. Chẳng sai, xoi lại hai lỗ tai bị bít, đeo bông tòn ten, xức kem chống nhăn, rồi nhuộm tóc, còn về Sài gòn phun lông mày, tân trang hàm răng và bớt ăn, Thanh Thuỷ cứ phơi phới bên cạnh ông chồng lầm lũi đưa vợ tới chỗ hát hò xong đi chợ rồi canh giờ đón vợ về. Hậu vận tốt, thầy tử vi nói rồi !

Đó là chuyện Thanh Thuỷ già trước, trẻ sau còn đây là chuyện Yến Vi đẹp và sexy từ trong bụng mẹ. Đã có cháu nội ngoại mà vẫn thon thả, chân dài, tóc xoã ngang vai. Yến Vi nhảy cũng sexy, hát cũng sexy, vén mái tóc rơi trên trán càng sexy. Nhìn Yến Vi nhún tới nhún lui một mình mà tưởng chừng như đang nhảy với người tình, mắt lim dim, môi hé mở như mời mọc. Một cách tự nhiên. Chỗ nào trong người của Yến Vi cũng khêu gợi, nhất là khi áo đen quần đen bó sát, kín mít từ cổ đến gót chân mà vẫn thấy lồng lộng tất cả, nịt vú, si-líp. Một bà già khêu gợi không có tuổi, mới ác liệt. Chúng tôi nhìn còn mê ! Nghe đồn Yến Vi bỏ nhà bỏ cửa bỏ con, có mấy đời chồng, mặc áo bơlu trắng cổ chữ V, quên mặc đồ lót khiến bệnh nhân có đứa nổi điên nhào tới bóp cổ. Làm nghề gì ? Bác sĩ, nha sĩ, chuyên viên phân tích tâm lý, mỗi người nói mỗi khác nhưng Yến Vi đúng là trí thức hiện đại thứ thiệt. Nghĩ sao làm vậy. Trên sáu mươi tuổi mà giày cao gót một tấc, thức khuya hát hò nhảy nhót tới một, hai giờ sáng, rồi dậy sớm đi “cày” trong khi chúng tôi ngủ trễ một đêm là hôm sau đi khập khiễng, lên huyết áp, ho hen, phải cạo gió. Muốn được vậy chắc phải dày công tập luyện, thể dục, chạy bộ, bơi lội, học nhạc, tập hát, nhịn ăn hoặc giả trời sinh sao để vậy, đẹp sẵn, giỏi sẵn. Khi có mặt Yến Vi, chúng tôi cảnh giác ! Một chút sơ hở là chồng mới thấy đó biến mất, những tưởng ra ngoài hút thuốc, nào ngờ đang nhảy rock tưng bừng với Yến Vi trong khi mấy phút trước còn than đau lưng, không thể khiêu vũ dù slow với vợ. Nhưng chẳng hiểu vô tình hay cố ý, Yến Vi có dáng hững hờ của phụ nữ được đàn ông để ý nhưng chẳng hài lòng một ai, tủm tỉm cười mà y như tát gáo nước lạnh “Biếu không cũng chả dám” trong khi chúng tôi quý chồng mình như vàng như ngọc. Luôn có một ông hâm mộ cuồng nhiệt sát bên nhưng Yến Vi vẫn được mời mọc trong khi chúng tôi ngồi mốc cả người, sẵn sàng chấp nhận kép nào cũng đặng : kép đạp chân đau điếng, kép đẩy một cái té sấp và nếu có sự thiếu tương hợp về khứu giác với kép, chúng tôi cũng thích ứng : vừa nhảy vừa nín thở.

Có khi để qua thời giờ, chúng tôi kéo nhau ngồi xa dàn nhạc, kiếm chuyện tán dóc. “Phải đưa đi bệnh viện ngay, không nên để ở nhà, lỡ có chuyện gì bị điều tra rắc rối lắm”, có người buông lời khuyên bà bạn đang rơm rớm nước mắt. “Như Cẩm Vọng đó, chồng chết tại nhà, bị tình nghi giết chồng”, có người moi chuyện cũ. “Ai giết chồng ?”, có người hỏi. “Cẩm Vọng bị tình nghi giết chồng”, có người trả lời. Tin tức được chúng tôi truyền đi rất nhanh, phát ra rồi thì tức khắc trở thành sự thật, vào trong đầu người nào thì ở luôn đó. Tin “Cẩm Vọng bị tình nghi giết chồng” không biết đã lan truyền tới đâu ? Đến Úc hay qua Mỹ chưa ? Chắc về Việt Nam rồi ! Nhưng chẳng phải ai cũng hiền lành như Cẩm Vọng, oan ức mà chỉ biết niệm Phật và đi làm công quả trên chùa. Vài người trong chúng tôi rất hung dữ, thậm chí thô lỗ. Lỡ bị họ chửi, vuốt mặt không kịp, đến chồng cũng phải khiếp đảm, vậy mà trong số đó lọt ra một ông si tình. Lại dám si tình ngay trên sàn nhảy vốn là nơi trăm mắt nhìn vào, khó giấu giếm chuyện gì. Đã vậy chung quanh nào máy ảnh, camera hoạt động liên tục. Có người quay phim xong còn phiên ra nhiều bản phát cho bè bạn xem chơi để biết bà nào nhảy với ông nào, mấy lần, mắt họ để đâu, tay chân họ làm gì. Dường như phải mất tỉnh táo lắm mới dám bày tỏ tình cảm một cách công khai như vậy vì người ta thấy ông này nhịp bước với người mình để ý trong tiếng nhạc trầm bổng, lời ca thiết tha, làm như trên sàn nhảy chỉ còn có hai người, áp má nhau nhảy nhót trên vô tận đường đời. Nghe nói sau đó về nhà, giữa đêm thức giấc, ông si tình thấy vợ xoã tóc ngồi sừng sững trong bóng tối nhìn mình đăm đăm, khiến ông phải ngồi dậy kiếm cái quần dài có thắt lưng dây mặc vào, trùm mền khỏi đầu và toát mồ hôi hột. Chuyện kín giữa vợ chồng họ rồi cũng được chúng tôi truyền đi kèm theo lời căn dặn “Thề không được nói với ai nghen”. Người già có thể yêu rất nồng nàn, thơ mộng chẳng thua gì bọn trẻ. Yêu nhưng thường ít khi đi đến ly dị có lẽ vì lý do sức khoẻ chứ con cái không thành vấn đề bởi chúng chỉ ngạc nhiên thấy bố mẹ vẫn sống chung được với nhau chứ chẳng hề thắc mắc thấy bố mẹ chia tay, chúng còn nhận xét bố mẹ lẽ ra nên ly dị trước khi cho chúng nó chào đời. Trong hoàn cảnh ông si tình, theo chúng tôi được biết, ông bị giằng co giữa hai lựa chọn. Một bên là cuộc sống phẳng lặng muốn gì được nấy, hai giờ sáng lỡ đói bụng, có người sẵn sàng bò dậy làm cho ông tô phở nóng, có đủ hành, tiêu, chanh, ớt và ngò. Một bên thì lần đầu tiên ông mới khám phá ra tình yêu, một thứ tình cảm cả đời chưa từng có, dù đã hai lần cưới vợ. Thậy vậy, hồi nào tới giờ, ông được người ta thương chứ ông chưa thực sự thương ai. Chưa kịp yêu đã được yêu. Chẳng phải khó nhọc tìm kiếm, chinh phục để tới từng tuổi này tình yêu ập đến với ông, như trái sầu riêng rớt trúng đầu, choáng váng. Ở vũ trường khó kiếm được một ông lành lặn chứ các bà coi được được thì không thiếu. Họ trẻ hơn tuổi thật, chịu khó trưng diện, sơn móng tay móng chân, thơm phức, tươi tắn và dễ chịu. Đa số. Trong số đó, có một bà vừa gầy, vừa đen, vậy mà ông lại để ý thương vì hễ gặp là ông vui. Người ấy lại có nhiều thứ vừa ý ông : trán vồ bướng bỉnh, dáng đi tất bật, tính tình chân quê, nói cười hồn nhiên. Trong vòng tay ông, người ấy tin cậy và vâng lời, ra hiệu là người ấy đổi hướng, xoay tít, một vòng, hai vòng rồi sà vào lòng ông để bước cùng nhịp. Nếu ngoài đời ăn khớp với nhau như vầy thì sung sướng biết là dường nào vì thật ra, trong cuộc sống chung, nhiều khi chẳng có lý do gì to tát để khổ nhưng không phải vì vậy mà hạnh phúc. Cái đó mới khó ! Rồi dường như khi yêu, người ta hết biết sợ nguy hiểm, ngay cả đèn chỉ đường ! “Anh thấy mỗi mình em, làm sao anh nhìn ra đèn đỏ”, ông si tình vừa lái xe vừa quay qua ngó cái bà vừa gầy, vừa đen đang tròn xoe mắt ngạc nhiên. Cảm động. Có người dám vượt đèn đỏ. Có người không ngờ ở kiếp này còn có kẻ nói với mình một câu quá dễ thương. May mắn lắm mới gặp được một ông có u-mua, “cua” đào hết sức dí dỏm khiến ba người ngồi ghế sau trong xe phá lên cười như điên. Chẳng biết việc gì sẽ xảy ra nay mai nhưng cười trước cái đã vì bao giờ cuộc đời cũng rộn ràng khi có tình yêu chen vào. Đây là chuyện thật vì có người nghe thấy nhưng may thay các nhân chứng này đều là những người biết tôn trọng đời tư của kẻ khác nên sự cố khép lại ở đó. Đêm ấy chắc có hai người nhớ nhau !

Chúng tôi thường tự hỏi, vũ trường có phải là nơi duy nhất đầy cám dỗ ? Chúng tôi không biết, chỉ nhận thấy ai cũng thích xem phim “Tiếng chim hót trong bụi mận gai(3)”. Bên Việt Nam mình thì có hát chèo Quan Âm Thị Kính(4).

Chúng tôi còn thắc mắc, khiêu vũ có phạm pháp không ? Trên thế giới dường như chỉ những xứ bắt buộc phụ nữ che mặt mới có luật nghiêm cấm khiêu vũ, chứ ở mọi nơi khác, dân tình nghe tiếng nhạc là lắc đít, lắc mông, lắc vú, kể cả bà già con nít, ngay trong rừng rú bên cạnh cọp beo. Hình như chỉ có Việt Nam mình nghe nhạc thường cứ đứng cứng đơ như trời trồng trong lúc hàng tỉ người trên trái đất rung chuyển từ đầu đến chân theo từng tiếng kèn saxo nức nở, nghẹn ngào, dữ dội hay nhịp trống vỗ thúc giục, dồn dập, hoang dã.

Có lẽ vì vậy khiêu vũ đối với người mình, không phạm pháp nhưng phạm tội. Tội gì ?

Chắc là tội bỏ bê chồng ? Trước khi khép cửa nhà đi khiêu vũ, Ỷ Vân gỡ hàm răng giả trên dưới của chồng, đưa ly nước ấm cho chồng súc miệng nhổ vào thau, làm vệ sinh bài bản rồi gắn nó lại đúng chỗ cũ. Chẳng bao giờ nghe Ỷ Vân than thở chuyện chồng phải ngồi xe lăn, có ai hỏi Ỷ Vân khoẻ không thì nghe trả lời “Không khoẻ cũng phải khoẻ”. Mà Ỷ Vân khoẻ thật, bồng ẵm, tắm rửa, đổ bô, lau chùi, cơm nước, thuốc men mà không thấy ẹo xương sống. Trong mười năm. Khi Ỷ Vân đi hát hò nhảy nhót thứ bảy và cả chúa nhật, còn ở tới khuya, lúc ấy chúng tôi mới biết là đã goá chồng. Ỷ Vân cũng bị thiên hạ xì xầm, tiếng ra tiếng vào, chê khen nhưng nếu là một ông rơi vào cùng hoàn cảnh thì chắc sẽ được thông cảm “Phải cho người ta đi ra ngoài giải trí chớ, ở nhà chịu đựng vợ đau ốm kiểu đó, nếu chưa điên cũng sắp khùng”.

Chắc là tội không chiều chồng ? Chồng chẳng ưa đi bộ, dạo rừng, bơi lội, xem kịch và khiêu vũ mà Sương Mai lại mê thích những thứ đó. Nhất là khiêu vũ, nhảy quên mệt, trời sập chẳng hay, nhẹ nhàng như chiếc lá thu chỉ cần chút gió nhẹ đủ xoáy tròn, bay bổng rồi êm đềm rơi. Nhưng có lúc xui xẻo phải nhảy với chồng thì không phải là nhảy với cơn gió nhẹ mà với gió lốc, với bão tố, do nhiệt độ nóng lạnh khác nhau đã tích tụ từ lâu, có dịp là trỗi dậy thành bạo lực, trước mặt bá quan văn võ, chẳng còn biết kiêng nể ai. Khi rơi vào hoàn cảnh đó, chúng tôi chỉ muốn tàng hình, chưa từng lấy chồng, chưa lọt khỏi lòng mẹ. Trước tình hình quá căng thẳng và quyết liệt này, chúng tôi chỉ còn có nước khuyên Sương Mai nên từ bỏ khiêu vũ, làm chuyện khác như đi chùa chẳng hạn. Thật ra, chúng tôi cũng đã từng đi đến giải pháp cùng cực này nhưng cuộc đời từ đó buồn tênh, không còn gì vui, một ngày giống mọi ngày. Rồi chúng tôi có thể đâm ra trầm cảm, chẳng có thuốc men nào chạy chữa được.

Chắc là tội cám dỗ ? Người ta cám dỗ mình, mình cám dỗ người ta hay chúng mình cám dỗ lẫn nhau. Muốn vậy ít nhất cũng phải có một nam một nữ, thế nhưng trên vũ trường của chúng tôi, đàn ông thiếu đàn bà thừa. Đó là một thực tế khó chịu như nhức răng. Do vậy chuyện cám dỗ chỉ có ở giấc mơ, là không gian bí ẩn trong đó chúng tôi có thể phạm tội mà chẳng bị trừng phạt, nơi xuất hiện những Paul Newman, Robert Redford, Montgomery Clift đẹp trai, lãng mạng, đa cảm, ân cần, kiếm không ra ở đời thường. Và chúng tôi đã làm gì với người trong mộng, chỉ có trời biết và chúng tôi biết ! Có lẽ nhờ vậy mà chúng tôi vui vẻ đẩy xe lăn khi đến lượt mình.

Chắc là tội sa ngã ? Các ông thừa can đảm để sa ngã nhưng có thể thiếu sức còn chúng tôi dẫu có sức cũng khó sa ngã vì thiếu dũng cảm. Do sợ hãi. Sợ lỡ dại, không trở về nhà được. Nỗi sợ ngàn đời, truyền kiếp, in sâu trong đầu, dù cho xã hội đã cởi mở. Bị cạo đầu, bôi vôi. Bị ném đá. Bị đốt. Bị chôn sống. Bị sỉ nhục. Bị mạt sát. Bị chà đạp. Bị khinh bỉ. Ở đâu, vào thời nào ? Chúng tôi chẳng rõ, chỉ biết là có thật và vẫn còn tồn tại, đâu đó trên trái đất, hoặc giả trong đầu của con người, làm sao biết được, nhất là trong tâm trí của chúng tôi. Không chừng bản án nặng nề nhất là do chính chúng tôi xét xử, trừng phạt, trong tiềm thức. Anna Karenine(5) vẫn còn sờ sờ đó, dù đã nhắm mắt lao mình xuống đường rầy xe lửa. Có khi chúng tôi sống hơn nửa đời người ở phương tây mà vẫn còn cũ, rất cũ, có thể cũ hơn phụ nữ bây giờ ở bên nhà. Dường như chúng tôi tự vạch những giới hạn tưởng tượng để không bao giờ dám vượt qua.

Thật ra, đa số chúng tôi chưa chắc có cơ hội sa ngã, cũng không thấy ông nào dại dột quyến rũ mình và chả gặp được người khá hơn chồng để mình quyến rũ. Song chúng tôi vẫn bị tình nghi là có ý đồ tìm kiếm một cái gì đó, bất chính, chưa tiện nói ra, trên vũ trường vì không có giải trí nào tập hợp được nhiều điều kiện thuận lợi cho chúng tôi vượt biên giới trong khi rạn nứt gia đình thường có sẵn, rình rập : quạnh hiu, mệt mỏi, bạo lực, thiếu thốn, bế tắc. Âm nhạc rộn rã, náo nức, du dương. Lời ca dữ dội, ướt át, đau khổ, thiết tha, êm đềm. Trong bối cảnh lý tưởng đó, máu huyết tự nhiên ấm lên và chảy rần rần trong hai con người đang quấn quít, tay trong tay, đùi chạm đùi, hơi thở gấp phả vào mặt nhau. Một người chỉ huy, một cách rõ ràng không thể nhầm lẫn. Một người tuân thủ một cách tự nguyện. Một người nhẹ nhàng ra hiệu bằng bàn tay, ngón tay, cánh tay hay toàn thân và một người giải mã nhanh chóng tất cả, kịp lúc để thực thi mệnh lệnh một cách duyên dáng, nhịp nhàng, uyển chuyển. Tuyệt vời ! Nhảy với nhau như thế, mê nhau là phải. Người ngoài nhìn vào thấy vậy, tưởng vậy, chứ thực sự không hẳn là vậy. Phức tạp hơn nhiều !

Trước hết vũ trường chúng tôi đến chơi, ồn như ong vỡ tổ vì nơi đây không hề có luật cấm nói, cấm cười, cấm đi lại chào hỏi nhau như trong các buổi hoà nhạc hay ôpêra. Đàn, hát, ăn uống, chuyện trò, khiêu vũ xảy ra cùng một lúc. Có chỗ, sàn nhảy cũng là nơi người phục vụ bưng bê các tô bún bò huế, phở, hủ tiếu, mì vịt qua lại thường xuyên, vậy mà chưa nghe ai than phiền bị phỏng nước lèo.

Khi nhạc trổi lên và ca sĩ hát, buổi khiêu vũ bắt đầu. Rumba, tango, pasodoble, chachacha, valse, salsa, rock, bebop, disco, twist, madison...

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Có người nghe ca nhạc là nhào ra sàn nhảy, bất kể điệu gì, với ai hay một mình, như Sương Mai. Có người ngồi đợi mời như Ỷ Vân, hiền lành, lặng lẽ. Có người chỉ chờ hát như Thanh Thuỷ. Nếu không ở trong làng ưa nhảy nhót thì khó đánh giá được trình độ khiêu vũ của mỗi người. Thấy thiên hạ nhảy tới nhảy lui, xoay mình, quơ tay, uốn éo như múa võ giữa đám đông, phục lăn ! Không biết đã học từ hồi nào mà hay quá vậy !

Thật ra, chúng tôi đến với khiêu vũ bằng nhiều con đường khác nhau. Chúng tôi học trường Tây thì biết nhảy từ hồi mới lớn. Chúng tôi học trường Việt thì biết nhảy từ khi nghỉ hưu! Có người khiêu vũ trên 60 năm, kinh nghiệm đầy mình, thường khuyên chúng tôi nên từ chối kép nhảy dở vì sợ hư chân. Khổ nỗi, kép dở cũng hiếm mà của hiếm là của quý. Chúng tôi còn nhận xét là nhảy đẹp do trời cho, nhảy giỏi nhờ năng khiếu và luyện tập. Có người đi bình thường vẫn thấy hấp dẫn. Có người nhảy chachacha sai nửa nhịp vì chậm, không phải về già mới chậm mà chậm từ hồi còn trẻ. Do hoàn cảnh, trình độ, thể hình, dung nhan khác nhau, nên điều kiện khiêu vũ cũng khác nhau. Người thì có sẵn kép nhà, người thì có kép hâm mộ kè kè, người thì đông bạn bè thay phiên làm kép, người thì một mình, người thì đến chỉ để nghe ca nhạc và chuyện trò. Một số chúng tôi bất cần kép, nhào ra nhảy các vũ điệu line dance(6). Còn một số ngồi đợi, chờ mãi mới thấy một chàng cười toe toét dang hai tay rõ ràng đi về phía mình nhưng lại để mời đào ngồi đâu phía sau. Mừng hụt ! Chúng tôi cũng thích xem thiên hạ nhảy, thấy nhiều cái lạ lắm. Bên trái có cặp dường như ở nhà cãi nhau chưa đã, kéo nhau ra sàn nhảy cãi tiếp. Bên phải có cặp nhảy rất dễ thương, kép kiên nhẫn, nhẹ nhàng dìu đào bước loạng choạng theo nhịp, tưởng chừng như đôi tình nhân mới yêu nhau nhưng thực ra họ là vợ chồng, con ba bốn đứa. Xa hơn có một cặp âu yếm tựa vào nhau như hai cây củi khô chụm đầu cho khỏi ngã, tóc bạc phơ ! Trước mặt có một cặp nhảy hăng say, kép mặt mày tươi rói, trổ hết tài nghệ, bao nhiêu vũ hình đẹp mắt tuôn ra ào ạt, biết ngay không phải nhảy với đào nhà. Kép nhảy với đào nhà là kép uể oải, làm cho lấy lệ, mắt để đâu đâu, chẳng buồn đổi vũ hình, lỡ đào nhảy sai nhịp là kép nổi nóng, sừng sộ, kéo đào té chúi mũi. Nhưng đào nhà có người không mấy gì hiền vì thấy kép nhà khép nép, mắt láo liên ngó trước dòm sau dọn đường cho đào đi bởi đào đồ sộ, đất chật người đông mà đào thích tung hoành như trong sa mạc. Có ai lỡ đạp là đào nổi tam bành, rủa tắt bếp.

Thật ra, trong vũ trường, các ông không ít hơn các bà bao nhiêu song số kép chịu khó nhảy thì quả thật là đếm trên đầu ngón tay. Vì sao ? Vì rằng ví dụ 10 ông có mặt thì hết 4 ông chỉ thích tán dóc, uống rượu, 2 ông có vợ kềm kẹp, 1 ông thẫn thờ, 1 ông nhăn nhó, 1 ông nhảy giỏi và 1 ông nhảy dở. Ông thẫn thờ chỉ nghe nhạc mà chẳng hiểu ca sĩ đang nói gì vì ông là người Pháp, có vợ Việt. Ngày xưa bà vợ lẽo đẽo theo ông sống nơi vắng vẻ, chỉ thấy cây cao su, rắn rít và khỉ đột chứ ít thấy người, ngay cả da đen nên bây giờ ông chiều vợ đến đây, có thể so sánh với việc chúng tôi chiều chồng đi nghe ca nhạc Á Rập. Ông nhăn nhó thì bản thân yêu ca hát, có kiến thức về âm nhạc mà cứ phải ngồi cả buổi chịu trận nghe đám tạp nhạp đến tập tành, chỉ vì cả nể bà vợ quá mê khiêu vũ. Trong khi kép giỏi chỉ quan tâm đến đào đẹp và sexy thì kép dở, rất tự tin, bạ ai cũng mời, được khen là ga lăng. Nhưng nếu có bà nào nhảy với nhiều ông thì thiên hạ xì xào “Nhảy hết ông này đến ông kia”, nghe ra như “Ngủ hết ông này đến ông kia” rất tổn thương, chạm tự ái chúng tôi vô cùng, nhắc nhở chúng tôi cái nghề xưa nhất thế giới của phụ nữ khi họ không còn gì ăn. Nhưng trong cái gọi là thiên hạ, có cả chúng tôi. Chúng tôi tham gia nói xấu chúng tôi. Chúng tôi ganh tị, ghen tuông. Vừa là nạn nhân, vừa là đao phủ, chúng tôi triệt hạ lẫn nhau khi có dịp. Nhiều lúc chính chúng tôi không hiểu mình muốn gì. Nhưng suy đi nghĩ lại, chúng tôi thấy cần có nhau, do vậy dần dà chúng tôi có kép nữ. Thời thế tạo anh hùng. Kép nữ nhảy với đào trong tình bạn bè, chả phân biệt xấu đẹp, mập ốm. Nhưng đôi khi bạn mình gầy mà sao dìu bạn nặng quá, nhảy xong muốn kéo suyển. Bạn nặng nề, chẳng phải nặng ký mà vì cánh tay bạn như kìm sắt, chân bạn như có dính keo, không uốn nắn gì được để có thể dìu bạn theo vũ hình. Nhờ vậy, chúng tôi mới hiểu vì sao Sương Mai, Yến Vi được kép nam ưa chuộng trong khi Ỷ Vân ốm nhom mà ít người mời. Khiêu vũ may ra làm cho con người trở nên mềm mại, uyển chuyển. Do thời đại stress nên vũ trường và người nhảy nhót có thể cũng stress, song nhờ âm nhạc lôi cuốn, lời ca xúc động, những tình cảm tưởng đã mất trỗi dậy nơi tâm hồn chúng tôi, làm sống lại nhiều kỷ niệm trong quá khứ : nhớ thương, nuối tiếc, đau khổ, hạnh phúc. Nhưng đồng thời chúng tôi cũng cảm nhận sâu sắc mình đang dấn bước trên con đường khắc nghiệt của tuổi già vì mới nhảy có nửa bản nhạc đã hụt hơi. Khiêu vũ có khả năng giúp chúng tôi xích lại gần để thấy mình có nhau, còn đi đứng, còn nói năng, còn cảm xúc, chưa tê liệt nửa thân người. Chúng tôi muốn đi lên, muốn tiến bộ, muốn đẹp, muốn yêu thương và được yêu thương. Chúng tôi muốn hạnh phúc.

Tuy nhiên, vũ trường là một xã hội thu hẹp, trong đó cái gì cũng có, kể cả án mạng, thỉnh thoảng. Nhưng khiêu vũ có thể chỉnh sửa vài thứ và làm cho cuộc đời thú vị, đỡ quạnh hiu, có chút tình người.

Chúng tôi để ý là các kép nam nhảy giỏi thường nhảy theo quán tính, tức hồi trẻ nhảy như thế nào thì bây giờ nhảy y như vậy, dù nó có mốc xanh, vẫn là những gì đẹp nhất của thời trai trẻ, thời bebop, rock and roll của những thập niên 50, 60, trốn học đi nhảy ở các hầm rượu khu La tinh(7). Nhờ vậy chúng tôi mới còn có kép nhảy nhạc sôi động dù cho kép có thể đang bị Alzheimer vì người bị bệnh này chỉ nhớ chuyện xưa chứ chẳng nhớ chuyện nay. Song loại kép này khó tính, nếu không có đào đẹp, sexy lảng vảng đâu đó thì thà ngồi ngáp ruồi, nên chúng tôi chỉ ngắm họ từ xa. Muốn nhảy đôi nhạc sôi động, phải có trí nhớ, phải có phản ứng nhanh mà chúng tôi thì cái gì cũng bắt đầu chậm, nhớ chậm, phản ứng chậm song thật lạ lùng là chúng tôi già cũng chậm, loãng xương cũng chậm và nồng độ cholesterol xấu tăng cũng chậm.

Chúng tôi có thể sa ngã nhưng trầm cảm thì hơi khó, chắc nhờ chúng tôi thấy cuộc đời còn chút thú vị. Có một thời gian, chúng tôi buồn bã chuyện đời, không còn tha thiết đến bất cứ gì kể cả bản thân. Thế nhưng có lần chúng tôi soi gương, thấy có một bà đứng trước mặt mình trông rất tội nghiệp, mập ù mập ú, bùi nhùi như cái nùi giẻ rách. Chúng tôi giật mình, tự hỏi tại sao chúng tôi lại để bả tàn tạ, phờ phạc thảm thương như thế này ? Rồi ngó trước ngó sau, thấy chẳng có ai, chỉ mỗi chúng tôi mới có thể chăm sóc bả mà thôi. Vậy là chúng tôi tân trang bả lại, bắt bả tập thể dục, nhảy nhịp điệu, cấm suốt ngày mặc đồ ngủ, ăn chè trôi nước. Mấy năm sau gặp lại, nhìn bả không ra : thấy một bà quen quen có dáng đứng kiêu hãnh của người nhảy múa, nhìn chúng tôi tủm tỉm cười.

Phải chăng khiêu vũ có khả năng giúp chúng tôi cởi mở, chăm sóc bản thân, tiếp cận ca nhạc, vận động, tự tin và lạc quan tếu ?


“...Chưa nói yêu nhau mà lòng đã đau
Chưa nói mê say mà tình đã bay
Chưa uống môi em mà hồn đã quên
Đã qua một đêm...”(8)


Đâu phải chỉ một đêm ! Cả một đời người đã trôi qua mà nhiều cái vẫn “chưa” trong khi chân trời già lấp ló phía trước. Ca nhạc giúp chúng tôi nhớ lại mình đã có lúc hạnh phúc, nhiều lần đau khổ, vài lần nuối tiếc, bao lần nhớ thương quê hương. Mà phải là ca nhạc Việt Nam cơ, mới thấm. Đã rung động với La comparsita, chúng tôi càng xúc cảm hơn với lời ca tiếng Việt mình. Vì vậy mà chúng tôi ưa lui tới các vũ trường có ca nhạc Việt Nam. Không những thế còn thích có đôi, có cặp, có âm có dương. Mới vui !


Paris. Lễ lao động ngày 1 tháng 5 năm 2014

Ninh Kiều

-----------------------------

(1) Navigo : Thẻ chuyên chở xe điện, metro, buýt vùng Paris, được cấp miễn phí cho người có thu nhập thấp.

(2) Sol mineur : Sol thứ trong âm nhạc.

(3) Tiếng chim hót trong bụi mận gai : Phim truyện về mối tình giữa một thiếu nữ với một Đức Cha thể theo tiểu thuyết The Thom Birds của Colleen Mc Cullough, dịch ra tiếng Pháp dưới tựa đề Les oiseaux se cachent pour mourir. Nó đã trở thành một bản tình ca, giống như tiếng hót hay nhất của con chim cất lên, một lần trong đời, khi nó lao ngực vào chiếc gai nhọn hoắt của bụi mận gai.

(4) Quan âm Thị Kính : Thị Kính là một phụ nữ đẹp bị vu oan cầm dao giết chồng, phải bỏ nhà giả trai đi tu. Tưởng nương cửa Phật được yên thân, nào ngờ có Thị Mầu, một phụ nữ lẳng lơ, lên chùa quyến rũ Thị Kính, rồi mang bầu, vu cho Thị Kính ăn nằm với ả và sau đó giao đứa con mới đẻ cho Thị Kính. Bị đuổi ra khỏi chùa, Thị Kính phải đi ăn xin để nuôi đứa bé, chỉ được minh oan sau khi qua đời và trở thành Phật Bà Quan Âm.

(5) Anna Karénine : Tên nữ nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà đại văn hào Léon Tolstoï. Phạm tội ngoại tình nên bị lên án bởi giới quý tộc đầy giả dối trong bối cảnh xã hội Nga ở thế kỷ 19 và thất vọng về tình yêu, Anna Karénine tự vẫn.

(6) line dance : điệu nhảy trình diễn bởi một nhóm người sắp xếp theo hàng thẳng, nhịp bước theo cùng một hướng và thực hiện những động tác giống nhau theo nhạc điệu.

(7) Khu La tinh : thuộc quận 5 Paris, có nhiều trường trung học và đại học cổ kính của Pháp (chẳng hạn Sorbonne).

(8) La comparsita : Bản nhạc Tango Argentina với lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy dưới tựa đề Vũ nữ thân gầy.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss