Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Không lên núi

Không lên núi

- Chu Sơn — published 31/05/2017 21:23, cập nhật lần cuối 31/05/2017 21:23
hồi ký


Không lên núi


CHU SƠN


Người sang bên ấy sao mà lạnh 
Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi !
(Hành phương nam – Nguyễn Bính)


Khoảng mười ngày sau khi từ núi Truồi trở về Huế, tôi nhận lời nhắn từ chị Phạm Thị Xuân Quế là Ngọc (Lê Công Cơ) đợi tôi tại nhà Phan Đạm Hiệp ở chân dốc bên kia cầu Bến Ngự.

Chị Phạm thị Xuân Quế, người Quảng Nam, sinh trưởng trong một gia đình địa chủ – quan lại, học tiểu học và vài năm đầu trung học trong vùng kháng chiến, ra Huế từ sau Genève, tiếp tục học trung học, tú tài, thi vào trường Y khoa Huế khóa đầu tiên, tham gia Phong trào đô thị từ 1960 do Lê Công Cơ tổ chức. Tốt nghiệp y khoa, bác sĩ Phạm thị Xuân Quế ở lại làm giảng viên tại đại học Y khoa Huế, phụ trách chuyên ngành truyền nhiễm và khu Bài lao. Chị Quế là một cô giáo, một bác sĩ tận tụy với chức nghiệp của mình đồng thời là một người chống chế độ Ngô Đình Diệm và chống Mỹ quyết liệt, hoạt động năng nổ trong cả hai phong trào Phật giáo và Cộng sản. Chị là một Phật tử thuần thành và cũng là người chọn lựa ý thức hệ Cộng sản thơ mộng làm lẽ sống. Chị tham gia Phong trào Phật giáo, và là một trong những người nòng cốt của các tổ chức công khai biến tướng của Phong trào đô thị. Chị là chủ tịch hội Phụ nữ đòi quyền sống Huế và là thành viên của Phong trào cứu đói, Phong trào dân tộc tự quyết, Phong trào đấu tranh đòi thi hành hiệp định ParisLực lượng hòa giải dân tộc.

Chị Quế là bạn học cùng khóa (khóa 1) với Phan Đạm Hiệp ở trường Y. Nhà Phan Đạm Hiệp trở thành địa điểm hội họp và làm báo bí mật của Phong trào đô thị từ sau 1963 đến 1975 là do cơ duyên này.

Phan Đạm Hiệp, sau khi Phong trào Phật giáo tan vỡ, bị tù, bị đuổi khỏi trường Y, theo thầy Thích Nhất Hạnh tu dòng Tiếp Hiện, tham gia tích cực cho Trung tâm thanh niên phụng sự xã hội do đệ tử đời thứ nhất của thầy Thích Nhất Hạnh là Đại đức Thích Thanh Văn điều hành. Trung tâm bị chính quyền Thiệu – Kỳ đánh phá, thầy Thích Thanh Văn tử nạn giao thông trên đường đi làm công tác xã hội, Hiệp quay trở lại Huế sống với mẹ già, ăn cơm gạo lức, luyện tập Yoga để thích ứng với điều kiện xã hội, kinh tế gia đính và sức khỏe cá nhân.

Nhà Phan Đạm Hiệp là một quần thể kiến trúc liền kề nhau gồm một villa nhỏ xây theo kiểu mới, một ngôi nhà rường làm nơi thờ cúng tổ tiên, một ngôi chùa và một điện thờ Thánh mẫu. Tất cả đều cũ kỷ, hư nát, hoang phế trong một khu vườn rộng um tùm cây lá trông như một góc nhỏ rừng già. Từ sau khi Trung tâm Thanh niên phụng sự xã hội tan rã, Hiệp trở lại Huế nhưng dứt khoát không tiếp tục tham gia Phong trào đô thị do đảng Cộng sản lãnh đạo như chị Quế. Anh nói : “Theo đạo Phật, tập Yoga, mình nhìn cuộc đời như lộn ngược. Giá trị lịch sử và mục đích của cuộc sống đối với mình đã thay đổi.” Sau này Hiệp nói với tôi như thế. Bà mẹ Hiệp thì trái lại, vẫn tiếp tục giúp đở chị Quế, tạo điều kiện cho chị và các đồng chí của chị sử dụng khu phế tích và “rừng già” làm “căn cứ kháng chiến”. Báo Vì Dân Chống Mỹ đã được thực hiện (1966) tại địa điểm này.

Theo hướng dẫn của chị Quế, tôi xuống xe buýt ở chợ Bến Ngự, đi bộ qua cầu, lên dốc, băng qua đường sắt, dừng lại trước cổng có bảng đề : Nhà thờ Phan tộc ở bên đường phía tay phải.

Tôi đẩy cánh cổng đã nghiêng đổ, men theo lối mòn dưới tán lá, đi vào hành lang biệt thự. Cửa chính biệt thự đóng khóa, các cửa sổ mở, không thấy người, không tiếng động. Tôi đi vòng qua khu nhà rường cũng dưới tán lá rồi vòng quanh khu điện thờ và chùa. Bốn bề im vắng. Tôi ngồi trên một thân cây gãy đổ để chờ. Một lúc khá lâu, từ phía ngôi nhà rường có tiếng rì rầm, tôi trở lại gặp mẹ Hiệp đang trao đổi gì đó với Ngọc. Tôi chào bà mẹ. Bà cười lặng lẽ, dẫn chúng tôi vào căn chái ngôi nhà rường. Buổi làm việc của Ngọc và tôi diễn ra trong một không gian ẩm mốc, ánh sáng lờ mờ. Ngọc nói : “ Tôi vào Huế sáng qua. Có việc cần trao đổi với anh trong vòng một tiếng. Nhiều việc cần phải làm gấp để chạy đua với thời gian. Dù tình thế diễn biến ra sao đi nữa thì Phong trào đô thị cũng phải nhanh chóng củng cố và phát triển để đồng hành cùng lực lượng vũ trang, cùng các mũi tiến công ngoại giao và vận động Hòa bình ở Bắc Mỹ, châu Âu và các nơi khác. Lực lượng thứ ba hay Thành phần chính trị thứ ba, chúng ta không còn thời gian để phân biệt rạch ròi vào thời điểm này. Nhiệm vụ của chúng ta là nhanh chóng biến nó thành chỗ dựa pháp lí mà hiệp định Paris đã chuẩn bị cho nó. Mỹ chắc chắn cũng đang ráo riết chuẩn bị Lực lượng thứ ba của chúng. Nhưng tất cả những cố gắng trễ tràng ấy không đảo ngược tình thế ngày càng bất lợi cho chúng. Bởi đang là thứ nhất, chúng phải tách ra làm đôi, đương nhiên cái thứ nhất sẽ yếu đi, và cái thứ ba sinh sau đẻ muộn thì lớ ngớ chưa quen với ngôn ngữ và động thái thích hợp trước tình thế mới. Còn về phần ta, từ khi thành lập Mặt trận Giải phóng (1960) đã có thành phần thứ ba trong cơ cấu. Năm 1969, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình qui tụ nhiều thành phần chính trị, Thành phần thứ ba đã có vai trò và chỗ đứng của nó trên danh nghĩa. Có thể nói liên minh đã tạo điều kiện và thế đứng để hiệp định Paris trở thành giấy căn cước cho thành phần và lực lượng thứ ba, huống hồ gì còn có một lượng thứ ba chính danh hình thành từ sau 1954 chống các chính quyền tay sai và chống cả Mỹ qua các phong trào đấu tranh vì mục tiêu hòa bình, quyền dân tộc tự quyết và dân chủ. Đó là phong trào do các tầng lớp trên của Phật giáo lãnh đạo. Họ chống Mỹ và các chính quyền tay sai quyết liệt. Họ cũng chống chúng ta (Cộng sản), nhưng mới chỉ trên mặt nhận thức. Có thể nói họ sẽ là đối thủ ý thức hệ đích thực của chủ nghĩa Cộng sản trong tương lai ”.

– “ Tôi đã báo cáo nội dung của cuộc trò chuyện của chúng ta trên núi Truồi lên Thành ủy, nội dung ấy cùng những tin tức mật từ nội thành về an ninh của cá nhân anh Thành ủy mới nhận được, các đồng chí lãnh đạo quyết định anh không thể tiếp tục hoạt động công khai ở Huế mà phải nhanh chóng đổi địa bàn công tác. Anh phải có thể lên chiến khu hoặc vào đứng chân ở Sài Gòn làm gạch nối giữa phong trào trong đó và phong trào miền Trung – Huế. Anh nên quyết định ngay từ bây giờ để chúng ta cùng trao đổi các công tác cụ thể. Anh đề xuất một số ý kiến và bàn giao các cơ sở đã làm được và các công việc dang dở. Nếu anh quyết định đi Sài Gòn chúng ta sẽ phác họa các nhiệm vụ của anh, và tôi sẽ giới thiệu với anh một vài người đã từng có quan hệ với phong trào miền Trung đang ở trong đó…”

Khi quyết định trở thành người của Mặt Trận, tôi chấp nhận thi hành các mệnh lệnh và sự sắp xếp công tác của cấp trên trong khả năng và nhận thức giới hạn của riêng mình. Nhưng khi nghe Ngọc bảo là Thành ủy muốn tôi rời Huế để đến một trong hai nơi : Chiến khu hoặc Sài Gòn, tôi không khỏi ngỡ ngàng, lúng túng ; bởi trước đó tôi chưa hề nghĩ tới việc sẽ thực hiện nhiệm vụ tại một nơi nào ngoài Huế.

Tôi rời nhà Phan Đạm Hiệp sau một tiếng đồng hồ làm việc với Ngọc. Tôi đến thẳng chỗ Nguyễn Chí Trí, người bạn trẻ tuổi đang làm việc tại cơ quan giao thông của USAD trên đường Lê Thánh Tôn (nay là đường Hà Nội). Trí vui vẻ và nhanh chóng nhận làm các thủ tục và sắp xếp cho tôi một chỗ trên một chuyến bay quân sự khởi hành từ Đà Nẵng đi Biên Hòa. Trí là con trai thứ hai của một bà mẹ vắng chồng (có thể ông đi tập kết, hoặc đã hy sinh trong kháng chiến. Tôi nghĩ như thế, nhưng không tiện hỏi). Anh em Trí gồm có bốn người : ba trai một gái. Anh của Trí là đệ tử của thầy Thích Nhất Hạnh, cũng là thành viên của Trung tâm thanh niên phụng sự xã hội. Và cũng như Phan Đạm Hiệp, sau khi trung tâm bị đánh phá, Nguyễn Chí Tri (anh trai Trí) trở lại Huế, trốn lính, sống nhờ em đi làm sở Mỹ. Em trai Trí là Nguyễn Trí Tuệ còn đang đi học. Một mình Nguyễn Chí Trí lao động nuôi cả nhà. Tốt bụng, thông minh, có khiếu văn chương chữ nghĩa và đặc biệt rất gắn bó với Phong trào đô thị trong vị trí và điều kiện của mình (nhân viên sở Mỹ).

Theo kế hoạch, Trí sử dụng thẻ quân nhân (sĩ quan quân đội VNCH) của tôi để làm vé máy bay. Đúng một tuần lễ sau, tôi có mặt tại chỗ Trí để xe buýt đưa vào phi trường Tây Lộc, từ phi trường Tây Lộc tôi theo trực thăng vào Đà Nẵng. Theo chỉ dẫn của Trí là phải sắm sửa hình dung sắc tướng sao cho không gây sự chú ý của an ninh đối phương. Đến thời điểm đã hẹn, tôi đến chỗ Trí với bộ complet hoàn chỉnh, tay xách túi  xam-xô-nai.

Trên xe buýt, trực thăng cũng như trong lòng chiếc C130 rộng thênh thang chỉ có hai hành khách : một là tôi và một nữa là cụ già quắc thước cũng ăn mặc chỉnh tề với y phục truyền thống : Áo lương đen, quần và áo trong màu trắng, đi giày hạ. Qua câu chuyện tôi biết ông cụ là thân sinh của một đại tá quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đã vào – ra, ra – vào Sài Gòn – Huế, Huế –  Sài Gòn đôi lần cũng do Trí sắp xếp. C130 là máy bay vận tải quân sự hạng nặng, chỉ lên xuống được ở các phi trường quân sự lớn như Đà Nẵng, Cam Ranh, Biên Hòa. Chiếc C130 chúng tôi quá cảnh hôm đó chở hàng từ Biên Hòa ra Đà Nẵng và quay trở lại Biên Hòa với cái bụng trống không. Phải chăng đây là những chuyến bay cuối cùng của không quân Mỹ ?

Người nhân viên của cơ quan USAD (chỗ làm việc của Nguyễn Chí Trí tại Huế) bàn giao chúng tôi với người trung sĩ da đen là thành viên của phi hành đoàn chiếc máy bay C130. Chúng tôi theo người trung sĩ đa đen vào lòng máy bay bằng một cánh cửa duy nhất ở phía đuôi nơi hàng hóa bốc lên hay dỡ xuống. Sau khi hướng dẫn chúng tôi sử dụng ghế dây, người trung sĩ da đen biến mất phía ca bin phi hành đoàn. Cửa sau đóng lại, máy bay bắt đầu vận hành và cất cánh.

Chỗ ngồi cho “ khách ” là những chiếc ghế dây to bản màu đỏ gạch treo dọc hai hàng đối diện sát hông tàu. Tôi và người bạn đồng hành trở thành chủng loại người tí hon ngỡ ngàng trong bụng tên khổng lồ hiện đại. Ông cụ quay lại phía tôi và chúng tôi bắt đầu cuộc trò chuyện chẳng ai có một nghĩ tưởng gì trước đó.

–  “ Kể cũng lạ, để chứng tỏ trình độ văn minh và sức mạnh siêu hạng của mình, người Mỹ đã áp đặt các dân tộc nghèo đói và lạc hậu như Việt Nam phải cúi đầu nhận chịu một cuộc giao tiếp tung tóe sắt máu. Đi máy bay Mỹ đương nhiên là nhanh chóng, và đỡ tốn tiền, nhưng ngồi trên máy bay Mỹ không thể không nghĩ về cuộc chiến tranh. Ông con út của tôi là đại tá quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Nhờ ông ấy mà tôi đi máy bay này. Ông con trưởng của tôi lại ở phía bên kia. Hồi chống Pháp ông ấy đã là Tiểu đoàn trưởng. Không biết bây giờ ở đâu, làm gì, còn sống hay đã chết ? ” Ông cụ kết thức câu nói trong tiếng thở dài.

Câu chuyện mở đầu của ông cụ đối với tôi là bất ngờ và thích thú.

– “ Thưa bác, cuộc chiến này sẽ đi đến đâu ? ”

– “ Kết thúc chớ đi đâu nữa.”

– “ Khi nào thì kết thúc ? ”

– “ Khi nào máy bay hết xăng, súng hết đạn, lương hết trả.”

– “ Nhưng người Mỹ vẫn còn…”

– “ Người Mỹ đã ký kết hiệp định Ba Lê, có nghĩa là người Mỹ đã quá chán ngán cuộc chiến này. Người Mỹ đã chán ngán cuộc chiến tranh của họ thì ai đổ xăng, ai nạp đạn, ai trả lương cho ông Thiệu và con trai tôi ? Vấn đề thật đơn giản : chiến tranh sẽ chấm dứt chừng nào viện trợ Mỹ chấm dứt. Viện trợ Mỹ là xương, là máu thịt, là linh hồn của Việt Nam Cộng Hòa.”

– “ Bác là cha của ông đại tá mà sao bác nói thế ? ”

– “ Có ai biết được chế độ này bằng những người ở trong chế độ. Tôi cũng là người của chế độ chứ cậu tưởng…? ”

– “ Nhưng bác còn là cha của một người đang ở phía bên kia ? ”

– “ Cậu nói không sai. Một nửa lòng dạ tôi cũng ở phía bên kia.”

– “ Bác nghĩ gì về vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc đang được bàn tán trong một số cơ quan truyền thông quốc tế, quốc nội và trong rì rầm bàn tán của quần chúng.”

– “ Gia đình tôi : Vợ chồng con cái chắc chắn ai cũng muốn hòa bình, nhưng hòa hợp và hòa giải dân tộc thì có người tin, có người ngờ.”

– “ Nhưng Mỹ và phía bên kia đã nhất trí trong hiệp định Pris về một chính phủ ba thành phần tại miền Nam. Không hòa hợp hòa giải dân tộc thì làm sao có một chính phủ ba thành phần ? ”

– “ Ý cậu là người Mỹ còn muốn ở lại sao ? Nếu Mỹ còn muốn ở lại thì ông Thiệu còn làm tổng thống, tôi và cậu còn đi mày bay này. Theo tôi Mỹ đã chán ngán lắm rồi. Việt Nam Cộng Hòa rồi sẽ tan rã và chạy theo Mỹ thôi. Có lẽ đây là một trong mấy chuyến bay cuối cùng của không lực Mỹ. Còn vấn đề hòa hợp hòa giải gì đó đều là bịp bợm hoang tưởng cả.”

– “ Bác không muốn hai ông con trai đoàn tụ trong một gia đình với bàn thờ tổ tiên sao ? ”

– “ Cậu hỏi gì lạ rứa. Muốn là một việc, thực tế chuyện đời là một việc khác. Để thiết lập triều đại nhà Trần, Trần Thủ Độ đã nhổ tận gốc cỏ nhà Lý. Anh em Tây Sơn áo vải dựng nghiệp rồi cũng xâu xé nhau thôi, Tự Đức đã giết Hồng Bảo để giữ vững ngai vàng. Gia đình Ngô Đình Diệm rao giảng đạo lí : bác ái, lương tri, quốc gia dân tộc nhưng khi có quyền lực thì không dung ai cả. Huống hồ chi đảng Cộng sản lấy bạo lực đấu tranh giai cấp làm phương tiện duy nhất để thành đạt cứu cánh thế giới đại đồng. Chiến tranh lại kéo dài lâu quá. Tình nghĩa cứ thế mà teo dần, căm thù thì tăng lên. Tôi đã là đệ tử của Ôn Giác Tiên và bác sĩ Lê Đình Thám. Tôi đã tham gia Phong trào Chấn hưng của Phật giáo. Tôi cũng đã tham gia Việt Minh tại Huế. Sau 1954, tôi ủng hộ Phong trào Phật giáo đấu tranh. Tết Mậu thân ở Huế, tôi suýt chết vì có con là sĩ quan Ngụy. Nhận thức và kinh nghiệm lịch sử khiến tôi đau lòng khẳng định rằng sẽ không có hòa hợp hòa giải gì cả sau khi đảng Cộng sản làm chủ đất nước.”

– “ Bác nói dứt khoát như thế, huống hồ gì ông đại tá nhà bác ! ”

–“ Cậu lầm rồi. Ông đại tá nhà tôi thì trái lại. Ông đại tá nhà tôi trở thành người của Việt Nam Cộng Hòa sau 1954 chứ không phải trước 1954. Đậu tú tài toàn phần năm 1957, không chịu vào đại học mà vào Võ bị Đà Lạt, nhất định chọn võ nghiệp để thực hiện lí tưởng tự do dân chủ. Nhưng rồi chung đụng với chế độ Ngô Đình Diệm, với Mỹ, với ông Kỳ ông Thiệu, đánh đấm nhiều nên đến thời điểm này (1973), ông ấy đâm ra chán ghét tất cả. Chán ghét chiến tranh, chán ghét Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa, khao khát hòa bình hòa hợp hòa giải dân tộc. Sự thay đổi của ông đại tá nhà tôi ngày nay cũng như sự háo hức xây dựng chế độ dân chủ tự do của ông ấy hồi trai trẻ trở thành nỗi lo cho tôi. Ông ấy chưa bao giờ đúng đắn trong các lựa chọn của mình. Thời 1957 khi ông ấy đậu tú tài, tình nguyện vào Võ bị Đà lạt để thể hiện lập trường chống Cộng làm tôi lo ít. Ngày nay ông ấy cũng háo hức chung sống hòa bình hòa hợp hòa giải với Cộng sản làm tôi lo nhiều. Tôi đồng ý : Mỹ rút, Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, nhiều người chạy theo Mỹ, chiến tranh chấm dứt, có nghĩa là đã có hòa bình. Nhưng chung sống với người Cộng sản không là hòa bình đích thực, chính danh, mà chấp nhận một cuộc xung đột khác. Cuộc xung đột ni không có bom rơi đạn nổ, nhưng chẳng phải vì rứa mà thiếu vắng bạo lực. Tránh được bạo lực chiến tranh, nhưng người của chế độ cũ và “ nhân dân vùng Mỹ Ngụy ”phải chấp nhận bạo lực cách mạng. Cải cách ruộng đất cậu biết rồi.  Sẽ Còn nhiều cuộc cải tạo, cải cách nữa sau khi Cộng sản làm chủ miền Nam. Cậu tin tôi đi. Chẳng có gì tốt đẹp trong bạo lực cả. Tôi theo đạo Phật. Tôi trưởng thành trong phong trào Phật giáo Chấn hưng, tôi tham gia phong trào Phật giáo đấu tranh. Chúng tôi (các Thầy và Phật giáo đồ, trong đó có tôi) nghĩ : Cộng sản vô sản vô thần hay phương Tây (Pháp – Mỹ,… ) Tư sản hữu thần chỉ là hai mặt của một nền văn minh. Khi cuộc sống bị đẩy đến cùng cực về phía này, tự nhiên nó nẩy sinh ra một phản động lực bật đẩy về cực phía bên kia. Hữu sản, hữu thần quá độ thì nẩy sinh ra vô sản, vô thần. Vô sản, vô thần đến cùng cực thì khao khát hữu sản, hữu thần. Nguyên lí sự sống là như rứa. Vận động, chuyển hóa, trùng trùng duyên khởi là thực chứng của cuộc sống. Bản chất của Phật giáo là trung đạo. Tôi thôi thúc ông đại tá nhà tôi đưa các cháu ra khỏi nước vào lúc này để tránh bạo lực cách mạng mà chắc chắn cha con vợ chồng họ sẽ hứng chịu một khi nước nhà thống nhất : Cha phải được tẩy rửa cái cũ để tô nhuộm cái mới, sống nô lệ hoặc phải chết đi. Con sẽ được huấn luyện khuôn đúc theo một mẫu mực mà người Cộng sản cho là cách mạng, là tiến bộ, tốt đẹp nhất. Sự khắc nghiệt và sai trái mà cha con họ sẽ chịu đựng là không cần thiết, không có lợi cho bản thân họ và cả cho đất nước. Đặc biệt các cháu tôi – tuổi nhỏ như cây non, chủ nghĩa Cộng sản khắc nghiệt sai trái như nắng hạn. Cây non mà trồng trong nắng hạn thì chịu sao nổi. Tuổi nhỏ suy nghĩ nông cạn thường hay đồng hóa chế độ hà khắc lệch lạc với đất nước quê làng. Các cháu tôi có thể không đồng tình, thậm chí có thể chống lại chế độ, chứ nhất thiết không được vô tình hay chán ghét, chống lại đất nước. Đi xa nước trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định sẽ nhớ thương nước. Vả lại, giáo dục phương Tây dù thế nào đi nữa cũng có phần đúng đắn và cần thiết cho sự xây dựng lại đất nước sau này.”

– “ Hai bác thì thế nào ? Có đi theo con cháu không ? ”

– “ Đến tuổi chúng tôi mà bứt ra khỏi Huế thì là đại họa, nói chi đến nước ngoài, ngay cả Sài Gòn cũng đã điêu đứng rồi. Chúng tôi ở lại để còn làm gạch nối giữa con cháu tôi và đất nước quê làng. Chế độ chính trị rồi sẽ qua đi, nhưng đất nước quê làng sẽ tồn tại mãi mãi…”

– “ Quan hệ giữa bác và các nhà sư Tịnh Khiết, Trí Quang, Thiện Minh… như thế nào ? ”

– “ Các ngài là tôn Sư, là Thầy của tôi.”

– “ Các ông Trí Quang, Thiện Minh… còn rất trẻ so với tuổi của bác…? ”

– “ Phải. Nhưng các ngài là những vị tu hành đáng kính đồng thời là lãnh tụ của cuộc đấu tranh chính nghĩa vì tự do, dân chủ, hòa bình, quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, độc lập và thống nhất cho đất nước Việt Nam. ”

– “ Đó cũng là những mục tiêu của đảng Cộng Sàn và nhân dân hai miền Nam – Bắc…?

– “ Trong chế độ Cộng Sản không có tự do, dân chủ theo nhận thức của những phật tử thuần chánh. Hòa bình trong bạo động cách mạng không phải là hòa bình đích thực. Thống nhất đất nước là nhu cầu khẩn thiết của cả dân tộc. Nhưng, thống nhất trong bạo lực cách mạng chẳng những chà đạp tự do, dân chủ mà còn phủ nhận quyền tự quyết của nhân dân miền Nam. Vấn đề độc lập cho đất nước thì còn tùy. Thắng được Pháp, đuổi được Mỹ chưa hẳn là đã có độc lập. Còn phải xem quan hệ với Nga, Tàu như thế nào nữa chứ ? Ai chi tiền, kẻ đó làm chủ. Dường như cụ Hồ đã nói câu đó trên Pắc Bó để làm rõ vai trò của Mỹ trong chiến Đông Dương lần thứ nhất. Nếu cụ Hồ đem ý tưởng đó để soi rọi quan hệ giữa Việt Nam và Nga, Tàu dưới sự lãnh đạo của các đảng Cộng Sản thì hay biết mấy. Nếu lệ thuộc Nga, Tàu thì hủy hoại đất nước, hy sinh máu xương và sinh lực của nhân dân trong hai cuộc chiến khủng khiếp chống Pháp chống Mỹ để làm gì ? Cải cách ruộng đất như đã làm trên miền Bắc là không độc lập. Chu Ân Lai và Môlôtôp toàn quyền quyết định tại Hội nghị Genève thì Phạm Văn Đồng không còn là đại diện của một nước Việt Nam độc lập chính danh. Làm thơ để khóc Staline, ca ngợi Mao Trạch Đông như người lãnh đạo quyền lực cở Tố Hữu là không độc lập, thậm chí xem như đã bán linh hồn…”

Cuộc trò chuyện của chúng tôi đột ngột dừng lại vì máy bay hạ cánh. Ông cụ mời tôi về Sài Gòn trên chiếc xe jeep quân sự do ông đại tá bảo tài xế đi đón cha.

Quang cảnh hai bên đường từ phi trường quân sự Biên Hòa về Sài Gòn còn lại trong ký ức tôi vào thời điểm này (2010) là những hình ảnh tương phản và những cảm nhận rối rắm. Những nhà thờ Thiên Chúa giáo mới toanh xây bằng bê tông cốt sắt to cao, sáng loáng ở hai đầu đoạn đường 30 km (từ khu vực Biên Hòa về khu vực Hàng Xanh – Thị Nghè) hoàn toàn không khế hợp với bối cảnh nhếch nhác, nhà phố xập xệ, bụi bẩn, kẽm gai, người ngợm, xe cộ, súng ống của thời kỳ chuyển tiếp cuộc chiến tranh của Mỹ sang cuộc chiến tranh của người Việt Nam.

Cuộc “ nam tiến ” của một Việt cộng bất đắc dĩ từ Huế đi Sài Gòn trót lọt, nhưng trong lòng tôi vẫn vướng bận vấn đề liên quan đến công việc và nhiệm vụ Ngọc đã bàn trên núi Truồi và giao tại nhà Phan Đạm Hiệp trên dốc Bến Ngự : Lực lượng thứ ba, thành phần chính trị thứ ba, công cuộc hòa hợp hòa giải dân tộc và chính phủ liên hợp ba thành phần là một khả năng hay chỉ là giải pháp giai đoạn, thậm chí là thủ đoạn bịp bợm đối với người này, là giấc mơ hoang đường với kẻ kia, như nhận định của ông cụ đồng hành cùng tôi trong lòng chiếc máy bay C130 của Mỹ từ Đà Nẵng đi Biên Hòa. Câu chuyện tình cờ nghe được từ ông cụ đồng hành càng làm tôi rối rắm hơn.

Xe dừng lại tại địa chỉ do bác Đính ghi nằm trên đường Hiền Vương vào khoảng 11 giờ sáng. Ông cụ trao cho tôi địa chỉ và hẹn gặp lại. Tôi cám ơn, chào và xuống xe. Đó là một căn nhà bê tông cốt sắt hình ống mới xây cao lêu nghêu nổi bật trên một dãy nhà trệt cũ kỹ, phía bên kia là nghĩa địa Mạc Đĩnh Chi (sau này là công viên Lê Văn Tám – một sản phẩm tuyên truyền của kháng chiến Sài Gòn thời chiến tranh Việt – Mỹ). Khung cảnh nơi đây không đến nỗi nhớp nháp luộm thuộm như khu Tam Hiệp – Biên Hòa hay khu Hàng Xanh – Thị Nghè ở bên kia cầu Sài Gòn, nhưng cũng là một biểu hiện của chiến tranh. Nhà mặt tiền, một bên là con hẻm rộng được bảo vệ bởi hai mặt hàng rào kẽm gai, cổng sắt kiên cố và những người bảo vệ mặt mày y phục nửa lính nửa dân thường trông có vẻ dữ tợn. Nhà cao 5 tầng. Tầng trệt dùng làm quán bar. Tầng 1 là khu vực cư trú của chủ nhà và gia nhân. Tầng 2, 3, 4, 5 là những dãy nhà cho thuê. Khách ra vào đa phần là lính Mỹ, lính Việt Nam Cộng Hòa và những người dắt mối. Phòng của Nguyễn Hữu Phan ở tầng 3, gần cầu thang nên không khó tìm. Phan đi làm chưa về, chẳng ai biết Phan về vào giờ nào nên tôi phải chờ. Đường hành lang hẹp, không có chỗ cho người đứng chờ nên tôi đứng né ở một góc cầu thang cùng với vài ba cô gái nông thôn khác. Đó là những bé gái 15, 16 tuổi mặt mày xanh xao ốm yếu, quần áo mới nhưng quê mùa. Có lẽ họ cũng từ quê lên Sài Gòn tìm người quen cũng như tôi từ Huế vào Sài Gòn tìm Phan. Sau này nhớ nghĩ lại tôi thấy giữa họ và tôi cũng có những điểm chung. Họ bắt đầu cuộc bán thân trong cuộc chiến tranh này, và tôi tiếp tục cuộc vong thân cũng vì cuộc chiến tranh này. Họ vì cái bụng, tôi vì cái đầu. Cái đầu và cái bụng mới nghe qua có vẻ là hai, nhưng nghĩ cho cùng cũng chỉ là một, là thành viên của cái dân tộc nhược tiểu có tên gọi Việt Nam trong bối cảnh thế giới giao tranh giữa các thế lực hùng mạnh trên con đường toàn cầu hóa.

Phan về lúc 12 giờ, lật đật mở cửa đưa tôi vào phòng. Gọi là phòng theo thói quen, thực tế là một cái ổ, hay một cái kho nhỏ mỗi bề khoảng trên ba mét, trong phòng còn có một cái phòng nhỏ dùng làm chỗ vệ sinh các thứ mỗi bề 1 mét. Phòng nhỏ có một cái giường1,6 mét, trên mặt giường sách báo chiếm một nửa, chung quanh giường là một lối đi nhỏ vừa đủ cho một người. Phần không gian còn lại dọc theo các mặt tường là những thùng, những kệ (tạm bợ) đầy sách báo. Về công, Phan đang là nhân viên tại Trung tâm Học liệu thuộc bộ Giáo dục (chính phủ Việt Nam Cộng Hòa). Về tư, anh đang làm tạp chí Nghiên Cứu Việt Nam và biên soạn, xuất bản sách giáo khoa sử địa cho các lớp đệ nhị, đệ nhất (tương đương lớp 11, 12 bây giờ). Không kể ngày chủ nhật và những buổi tối, hầu hết thì giờ Phan ở Trung tâm học liệu, hoặc ở các thư viện, các nhà xuất bản, các tiệm sách và các quán ăn, tiệm cà phê. Việc công, việc tư, giao tiếp bạn bè, nói chung là công việc sách báo và giải trí đã ngốn gần hết thì giờ của anh. Phan chỉ về cái kho chật chội của mình để lấy hoặc cất sách báo, tài liệu, tắm giặc, hoặc ngủ cho lại sức vào các buổi tối. Buổi trưa đầu tiên tôi đến, do điện thoại của bác Đính, nên Phan mới về dọn dẹp cho tôi một chỗ trên cái phần giường bề bộn sách báo còn lại. Tôi nhìn quanh, nhận ra rằng Phan sẽ khó khăn khi phải chia sẻ cùng tôi cái không gian chật chội và những phương tiện sinh hoạt eo hẹp này. Phan nhanh chóng phát hiện ra nỗi băn khoăn của tôi, anh vội nói: Ông Chu Sơn yên chí. Cái kho này so với phòng nhà tôi ở Huế thì một vực một trời. Nhưng so với cái xà lim ở Chín Hầm và những khu biệt giam ở Thừa Phủ mà tôi và ông đã trải nghiệm thì là thiên đường địa ngục. Tôi cũng có nhu cầu chuyện trò với ông một số vấn đề mà ở đây tôi không thể thổ lộ cùng những bạn bè khác. Ông cũng cần tôi đưa đi đây đi đó trong những ngày đầu. Chiều nay thứ bảy, cả ngày mai chủ nhật, chúng ta tắm giặt, vệ sinh các thứ xong, ông muốn đi đâu, tôi đèo.

Tôi ở nhà Phan khoảng 2 tháng, mỗi sáng anh đưa tôi đi cà phê, rồi chở bỏ tôi ở một địa điểm nào đó theo yêu cầu của tôi và thuận đường anh đến sở. Hoặc từ quán cà phê sáng anh đi đường anh, tôi đi đường tôi vì nơi đến của chúng tôi trong ngày không khế hợp. Mỗi chiều chúng tôi gặp nhau ở một quán cơm nhỏ tại một con hẻm trên đường Duy Tân (nay là đường Phạm Ngọc Thạch), sau đó về phòng trọ. Các buổi sáng chủ nhật chúng tôi ngồi cà phê La Pagode hoặc Givral để lắng nghe mọi chuyện trên trời dưới đất từ các phóng viên, ký giả, văn nhân nghệ sĩ. Phan có mấy người bạn trong số họ. Vào thời điểm đó – tháng 5. 1973 – các câu chuyện ở La Pagode hay ở Givral thường tập trung quanh các chủ đề : Hiệp định Paris, thắng – thua giữa Mỹ và Cộng sản miền Bắc ? Hòa bình bền vững hay chiến tranh tái diễn ? Kissinger và Nixon đi Trung Quốc làm gì ? Tình hình chiến sự và các vụ vi phạm hiệp định Paris ? Liệu Mỹ có quay trở lại hay rút luôn ? Tương lai của Việt Nam Cộng Hòa và ông Nguyễn Văn Thiệu ? Vai trò của lực lượng thứ ba trong chính phủ ba thành phần ? Vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc và các nhân vật, các tổ chức thuộc về lực lượng thứ ba ? Vai trò của tướng Dương Văn Minh ? Kinh tế thời hậu chiến ?... Tôi rất thích thú nghe chuyện từ hai cái “ đài phát thanh tự do và không biên giới ” La Pagode và Givral ấy. Ở Givral, thỉnh thoảng chúng tôi ngồi cùng bàn với Cao Giao, Hà Thúc Cần hoặc Phạm Xuân Ẩn – người mà sau 1975 tôi mới biết là điệp viên chiến lược của miền Bắc. Đảng Cộng Sản đã gởi ông đi học báo chí bên Mỹ, về nước, Phạm Xuân Ẩn đồng thời làm việc cho các tổ chức báo chí Mỹ, vừa thực hiện các nhiệm vụ gián điệp xuất sắc được đánh giá rất cao bởi các nhà lãnh đạo chiến tranh của Hà Nội và Trung ương cục miền Nam. Ông Ẩn dáng người mảnh khảnh, hơi cao, mặt mày bình dị, nói cười hóm hỉnh, luôn dắt theo con chó berger to lớn. Bàn ông ngồi cố định, gần bên cửa sổ, bao giờ cũng có nhiều người vây quanh, đặc biệt các nhà báo nước ngoài. Dường như họ rất cần những thông tin, hoặc một ý kiến, một lời khuyên nào đó từ ông. Ông khẳng định Mỹ sẽ không quay trở lại, chiến tranh sẽ tiếp diễn cho đến khi tổng thống Thiệu ra đi, và Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Ông né tránh trả lời các câu hỏi liên quan đến Lực lượng thứ ba, chính phủ ba thành phần, và vấn đề hòa giải hòa hơp dân tộc. Ông không giấu diếm sự khâm phục đối với nền văn hóa giáo dục Mỹ và những tình cảm chân thành của ông đối với một số các đồng nghiêp ngoại quốc. Cao Giao gần gũi với Phạm Xuân Ẫn trong những nhận định về hiệp định Paris, được thua và thái độ hành xử của các bên liên hệ. Nhưng, khác với Phạm Xuân Ẫn, Cao Giao sẵn sàng bày tỏ quan điểm của mình về chính phủ ba thành phần và vai trò của Lực lượng thứ ba trong công cuộc hòa giải hòa hợp dân tộc nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước. Cao Giao cho rằng Việt Nam và thế giới cần giải thể các ý thức hệ độc tôn, nhân dân rất cần được hít thở bầu không khí tự do dân chủ. Sau này tôi mới biết Cao Giao đã từng tham gia Việt Minh những ngày đầu tại Hà Nội, sau 1954 di cư vào Nam, cộng tác với Ngô Đình Nhu một vài năm. Bỏ Ngô Đình  Nhu, làm nghề tự do, cộng tác không chuyên cho vài tờ báo nước ngoài như Time, New York Times, Le Monde. Sau 1975, Cao Giao ở lại với niềm háo hức đóng góp chút gì cho quê hương đất nước. Nhưng ông phải đi tù vì chế độ Cộng sản cho rằng ông đã “ cộng tác với Mỹ –  Ngụy ”. Những câu chuyện “ cà phê không biên giới ” cung cấp cho tôi rất nhiều thông tin và ý kiến đa chiều để củng cố và phát triển quan điểm của mình. Hà Thúc Cần ít khi bày tỏ quan điểm của mình, nhưng tôi có cảm nhận ông cũng như tôi đang hoạt động cho phía “ bên kia ”. Sau mỗi lần ở La Pagode hay Givral về, trong căn phòng chật chội của Phan trên đường Hiền Vương, chúng tôi lại tiếp tục rì rầm tay đôi để rút ra một kết luận nào đó. Tôi thường đặt vấn đề, Phan giải thích các thắc mắc của tôi. Có lần tôi hỏi Phan về tương lại của Việt Nam Cộng Hòa và Tổng thống Thiệu. Phan nói :

–  “ Nếu khẳng định rằng Mỹ rút, Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, ông Thiệu bị Mỹ giết, hoặc bị bắt buộc ra đi theo một cách nào đó là căn cứ vào cái ngọn. Cái gốc của vấn đề sâu xa hơn. Cuộc chiến tranh của Mỹ thực tế là tiếp nối cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp. Nhân dân Việt Nam chống Pháp hay chống Mỹ cũng là phản ứng tự vệ chẳng đặng đừng cho dù dưới sự lãnh đạo bởi các sĩ phu trong và ngoài triều đình Huế, các trí thức tư sản (Quốc Dân Đảng – Đại Việt) hay các nhà cách mạng kiêm tín đồ vô sản (đảng Cộng Sản) ”.

– “ Nhiều nhân vật trong chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và bản thân Tổng thống Thiệu là sản phẩm, là công cụ của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thực dân Pháp bị đánh bại ở Điện Biên Phủ, đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris để rút lui. Việt Nam Cộng Hòa, Tổng thống Thiệu không còn lý do để tồn tại. Nguyên lý lịch sử là như thế. Cả hai phía : Cộng sản và Mỹ đều nhìn ra cái nguyên lý ấy. Những người thuộc lực lượng hay thành phần chính trị thứ ba cũng nhìn ra nguyên lý ấy. Những người am hiểu chính trị trong phe Việt Nam Cộng Hòa cũng không phủ nhận nguyên lý ấy. Chúng ta có thể lý giải cái nguyên lý ấy qua một công trình kiến trúc : dinh Norodom hay dinh Độc Lập – một hình tượng biểu tỏ ý chí và tâm tình của các chủ nhân ông của nó : các Thống đốc Nam Kỳ, các Toàn quyền Đông Dương, đến Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu ; đồng thời chúng ta cũng quan sát vị trí địa lý chính trị của nó để trả lời câu hỏi ông vừa nêu : Tương lai của Việt Nam Cộng Hòa và Tổng thống Thiệu ?

– “ Năm 1858, không chiếm được Đà Nẵng để mở đường đánh chiếm kinh đô Huế một cách dễ dàng như những lời bàn, lời hứa, sự thôi thúc của các Giáo sĩ Thừa sai (rằng là sẽ có sự tiếp  ứng của giáo dân và sự nổi dậy của quần chúng), Liên quân Pháp – Tây Ban Nha tìm đường khác xâm lược Việt Nam.

– “ Từ 1859 đến 1861, với sự tiếp ứng của giáo dân dưới sự điều hướng của các giáo sĩ Thừa sai và bọn vô lại Việt gian, liên quân đánh chiếm các tỉnh Gia Định, Định Tường, Đồng Nai và Vĩnh Long.

– “Năm 1862, chúng buộc triều đình Huế ký hòa ước Giáp Tuất. Hòa ước gồm mấy điều chính:

    – Nước Nam phải để cho các giáo sĩ Pháp và Tây Ban Nha tự do truyền đạo và dân chúng tự do theo đạo.

    – Nước Nam phải nhường đứt cho Pháp các tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường. Tỉnh Vĩnh Long sẽ được Pháp giao trả lại cho nước Nam. Quân Pháp chỉ đóng ở một số điểm (trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long) cho đến khi các nhượng địa đã được bình định hoàn toàn.

    – Các thương nhân Pháp và Tây Ban Nha được lui tới, buôn bán tại các hải cảng Đà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên.

    – Nước Nam không được giao thiệp, nhường đất cho bất cứ quốc gia nào khác nếu không có ý kiến của Pháp.

    – Nước Nam phải bồi thường 4.000.000 nguyên.”

– “ Một năm sau, 1863, quân Pháp xây dựng soái phủ Nam Kỳ (sau này gọi là dinh Thống đốc Nam Kỳ hay dinh Norodom) để khẳng định quyết tâm xâm lược Việt Nam. Công trình này được kiến trúc bằng gỗ trên một diện tích 12 ha.

– “ Năm 1867, quân Pháp chiếm nốt ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.

– “ Năm 1868, quân Pháp san bằng khu nhà bằng gỗ, dinh Thống đốc Nam Kỳ được xây mới bằng vật liệu kiên cố đem từ chính quốc sang. Đây là một công trình hoành tráng, nhà chính hai tầng mặt tiền rộng 80m, phòng khách chứa được 800 người, có mấy nhà phụ, thảm cỏ và vườn cây bao quanh.

– “ Năm 1871, dinh xây xong được đặt tên là dinh Norodom. Con đường lớn trước mặt dinh cũng được đặt tên là đại lộ Norodom. Đây là thủ đoạn chính trị để chiêu dụ vua Cao Mên Norodom chấp nhận sự bảo hộ của Pháp. Giám mục Miche, người có vai trò to lớn trong việc Pháp xâm chiếm Cao Mên, đã đọc một diễn văn “ rất cảm động ” trong lễ khánh thành.

– “ Từ năm 1871 đến năm 1877, dinh Norodom là nơi làm việc của Thống đốc Nam kỳ.

– “ Từ năm 1888 đến tháng 3 năm 1945, dinh Norodom là nơi làm việc của các toàn quyền Đông Dương.

– “ Từ tháng 3.1945 đến tháng 9.1945, dinh Norodom là nhiệm sở của Tổng tư lệnh quân Nhật tại Đông Dương.

– “ Từ sau thế chiến II kết thúc, tướng Gracey (quân đội Anh) trong nhiệm vụ giải giới quân Nhật từ phía nam vĩ tuyến 16, đã tạo điều kiện cho các tướng lãnh Pháp tái chiếm dinh Norodom. Tại đây các tướng lãnh Pháp theo lệnh của chính phủ Paris bày mưu tính kế, hoạch định các sách lược tái chiếm Đông Dương, đương đầu với Việt Minh và tiến hành cuộc chiến tranh                        Việt – Pháp. Chiến tranh Việt – Pháp kết thúc với trận đại bại Điện Biên Phủ và hiệp định Genève.

– “ Tháng 9. 1954 (Pháp chuẩn bị rút khỏi miền Nam trong vòng 300 ngày – theo điều kiện của hiệp định Genève), tướng Ely, Cao ủy Pháp, bàn giao dinh Norodom cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm (chính phủ Quốc Gia do Bảo Đại làm Quốc trưởng). Sau cuộc trưng cầu dân ý truất phế Bảo Đại (23.10.1955), Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ra đời, dinh Norodom được đổi tên là dinh Độc Lập. Đây là nơi làm việc và là nơi ở của Tổng thống Diệm và gia đình cố vấn Ngô Đình Nhu, đồng thời là nhiệm sở của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

– “ Đại lộ Norodom được đổi tên thành đại lộ Thống Nhất. Doanh trại trung đoàn bộ binh số 11 của quân đội Pháp được đổi tên là Thành Cộng Hòa. Việc bỏ các tên cũ, đặt tên mới nói lên khát vọng độc lập, thống nhất đất nước và chế độ Cộng hòa của bản thân Ngô Đình Diệm, phe Quốc Gia và cả nhân dân miền Nam. Nhưng thực chất của chế độ Việt Nam Cộng Hòa lần thứ nhất lần hồi lộ mặt là cát cứ, gia đình trị và Cần lao Thiên chúa giáo trị. Nó chỉ đại diện cho một thiểu số cực nhỏ (khoảng dưới 20 % nhân dân miền Nam). Nó chống lại đa số nhân dân còn lại (khoảng 80 % bao gồm Cộng sản và không Cộng sản). Người Mỹ thấy lâm nguy : Không thể chống Cộng sản thắng lợi với chừng ấy dân số miền Nam. Giáo hội La Mã và cả giáo hội Pháp từ sau Cộng đồng Vatican II (1962) đã thay đổi nhận thức : Chủ trương đối thoại và chuẩn bị chung sống hòa bình với các tôn giáo và ý thức hệ khác – kể cả Cộng sản vô thần. Chế độ gia đình Cần lao Thiên chúa giáo trị Ngô Đình Diệm và dinh Độc Lập bị lung lay bởi những nhân tố tổng hợp ấy.

– “ Tháng 11.1960, Đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông điều quân uy hiếp dinh Độc lập. Cuộc “ đảo chánh ” bất thành.

– “Tháng 2.1962, hai phi công Nguyễn Văn Cử, Phạm Phú Quốc ném bom dinh Độc Lập làm hư hại nặng phần chính phía trái, gia đình Ngô Đình và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa dọn về lại dinh Gia Long, dinh Độc Lập bị san bằng, xây dựng dinh mới theo mô hình thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ.

– “ Tháng 5.1963, phong trào đấu tranh đòi tự do và bình đẳng tôn giáo do Phật giáo miền Trung phát động nổ ra kéo theo cuộc nổi dậy của đa số nhân dân miền Nam chống chế độ độc tài gia đình Cần lao trị Ngô Đình Diệm.

– “ Ngày 1 tháng 11 năm 1963 chế độ gia đình trị và Cần lao Thiên chúa giáo bị người Mỹ cùng 90 % quân đội và nhân dân miền Nam lật đổ. Cộng sản miền Bắc và Mặt trận Giải phóng miền Nam vỗ tay reo hò. Trước tình thế lâm nguy, người Mỹ quyết định trực tiếp tiến hành cuộc chiến tranh của mình (Mỹ hóa chiến tranh) để đánh thắng Cộng sản. Một mặt Mỹ đổ quân. Mặt khác Mỹ tìm người làm công cụ nhằm thực hiện thắng lợi giải pháp quân sự. Lần lượt Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, Thiệu -  Kỳ, cuối cùng Nguyễn Văn Thiệu được chọn.

– “ Tháng 10.1966, Nguyễn Văn Thiệu – trong tư cách Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo Quốc gia, chủ trì lễ khánh thành dinh Độc lập mới.

– “ Ngay từ thời Ngô Đình Diệm, đến Nguyễn Văn Thiệu, dinh Độc Lập thường được gọi là phủ Đầu Rồng. Rồng là linh vật huyền thoại tượng trương cho vương quyền và cũng tượng trưng cho đất nước vươn lên theo hoài bảo chính trị trong truyền thống Á Đông. Năm 1010 Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư về La Thành, đổi tên thủ đô mới là Thăng Long thành. Thăng Long thành là thủ đô rồng bay. Thủ đô rồng bay biểu tỏ khát vọng của nhà vua về một đất nước độc lập, hùng cường. Lý Thái Tổ không tự xem mình là rồng, thậm chí không tự khẳng định mình là đầu rồng như hai nhà cai trị một nửa đất nước gần ngàn năm sau. Hai ông Diệm và Thiệu mặc dù đã là Tổng thống đứng đầu nhà nước cộng hòa, trên lý thuyết là một nhà nước tân tiến nhất trong thời hiện đại, nhưng cả hai ông đều tơ tưởng đến quyền lực và hình tượng tuyệt đối của một vị Hoàng đế – đứng đầu chế độ quân chủ phong kiến lỗi thời ; và mặc dù hằng ngày từ phủ Đầu Rồng nhìn ra phía trước, qua vườn cây, hai ông đều thấy ở bên phải là mặt bên và phần sau của nhà thờ Đức Bà, ở bên trái, qua vườn cây và một khối phố, là hai tòa đại sứ Mỹ và Pháp. Nhà thờ và hai tòa đại sứ là ba công trình kiến trúc tượng trưng cho ba thế lực liên kết bảo đảm sự tồn tại quyền lực của phủ Đầu Rồng. Nhưng cả hai ông Diệm và Thiệu đều chưa thực sự yên lòng. Bởi đầu con rồng là đây – dinh Độc Lập, còn đuôi con rồng ở đâu ? Nếu đuôi con rồng nó quậy thì liệu đầu con rồng có yên không ? Câu chuyện bên lề lịch sử tiếp nối như thế này : Các thầy địa lý phong thủy được mời đến để giải đáp nỗi băn khoăn lo lắng của các vị chủ nhân. Năm 1960, sau cuộc đảo chính hụt của nhóm Nguyễn Chánh Thi – Vương Văn Đông, và nhân cơ hội Mỹ xây xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa, theo lời chỉ điểm của một thầy phong thủy đến từ Đài Loan : “ Đuôi con rồng nằm ở phía trái bên kia chân cầu Sài Gòn. Muốn yên, cần phải yểm bằng cách xây một cái trụ cao lớn với những cái đinh sắt đóng thật sâu vào lòng đất để khống chế nó ”. Nghe lời thầy phù thủy, Ngô Đình Cẩn sai bộ hạ từ Huế vào chủ trì công việc xây dựng trụ yểm đuôi rồng đồng thời là cái tháp đèn báo hiệu giao thông.

– “ Tháng 10 năm 1967, sau khi đắc cử Tổng thống, gia đình Nguyễn Văn Thiệu dọn vào dinh Độc Lập. Chẳng bao lâu, cả gia đình ông và bộ hạ đều nhận ra rằng cái phủ Đầu Rồng nó không yên một cách trầm trọng : Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ tranh chấp quyền lực, giành ăn, qua mặt, xem thường vị chủ nhân số 1 phủ Đầu rồng. Tổng thống phu nhân bị phá giấc ngủ mỗi sáng bởi tiếng máy bay trực thăng ầm ầm náo động kinh khủng trên nóc dinh. Từ căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt, một tuần sáu ngày, phó Tổng thống Kỳ tới làm việc tại phủ Đầu Rồng bằng trực thăng. Như thế là hiểm họa không chỉ đến từ đuôi rồng mà đầu rồng cũng có vấn đề, lại là vấn đề trầm trọng. Nhớ lại tình cảnh của vị Tổng thống tiền nhiệm, Nguyễn Văn Thiệu không khỏi lo âu. Rõ ràng Ngô Đình Cẩn đã xây trụ yểm đuôi rồng ở phía bên kia chân cầu Sài Gòn. Nhưng rồi dinh Độc Lập vẫn bị dội bom, Tổng thống Diệm và gia đình ông Cố vấn Nhu phải dọn qua dinh Gia Long, chế độ gia đình trị bị lật đổ, ba anh em Diệm, Nhu, Cẩn bị chết thảm. Rõ ràng sự chỉ điểm của thầy địa lý do Cẩn mời đã chứng tỏ không thiêng, chắc là việc xây trụ yểm và đóng đinh đã không trúng huyệt. Các quân sư của Tổng thống Thiệu luận bàn như thế. Theo sự thúc đẩy của quân sư, Tổng thống Thiệu lệnh tòa đại sứ ở Đài Loan truy tìm và mời cho được một thầy địa lý khác giỏi hơn và nhanh chóng đưa về Sài Gòn. Thầy địa lý “ giỏi như thần ” được chiêu đãi như khách quí, được hứa hẹn trả công hậu hỉnh, được ngồi xe công vụ và trực thăng quan sát bối cảnh Sài Gòn và tất cả các địa điểm tiềm ẩn thân và đuôi rồng. Y nói đồng nghiệp của y đã chỉ trúng hướng nằm của thân và đuôi rồng, nhưng trụ xây và đinh đóng yểm không chính xác : Vị trí đó là mút đuôi rồng, không kiềm chế được sức mạnh của nó. Sức mạnh của đuôi rồng nằm ở trung tâm sinh lực của nó. Đó là khu vực giữa thân và đuôi. Trên thực địa vị trí đó nằm ở giao điểm hai con đường Duy Tân và Trần Quí Cáp (sau 1975 là Phạm Ngọc Thạch và Võ Văn Tần). Như thế là hồ con Rùa đã được Tổng thốngThiệu ra lệnh xây dựng theo sự chỉ dẫn và phù phép của tên thầy Tàu có quốc tịch Đài Loan.”

– “ Câu chuyện đầu rồng đuôi rồng và việc trù yểm, người suy nghĩ bình thường và đứng đắn cho là nhảm nhí, nhưng lại làm bận lòng các nhà lãnh đạo bất thường chủ yếu được lựa chọn và đặt để từ các thế lực bên ngoài như Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu.

– “ Câu chuyện gợi cho người nghe về một tồn tại thù địch giữa đầu rồng và đuôi rồng, nói trắng ra là giữa công cụ cai trị và nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân miền Nam nói riêng. Đầu rồng lo sợ đuôi rồng quậy nên đóng đinh trù yểm để khống chế nó. Đóng đinh trù yểm hay bạo trị là những khái niệm tương đồng trong bất cứ cơ chế độc tài ngoại thuộc nào tại Việt Nam trong thời kỳ dân trí còn lạc hậu, không những nó chống lại nhân dân mà hậu quả là chống lại chính người hoang tưởng trong cuộc.

– “ Xuất phát điểm của tình trạng đó là vị trí địa lý chính trị của dinh Phó soái Nam Kỳ (còn gọi là dinh Thống đốc Nam kỳ, sau 1871 đổi thành dinh Norodom, hay phủ Toàn quyền khi chính phủ Đông Dương được thành lập) được qui hoạch và thiết kế theo chủ trương, mệnh lệnh và sự chọn lựa mô hình kiến trúc của nhà cầm quyền thực dân lúc bấy giờ. Dinh được xây dựng trên một cao điểm bao quát bốn phía của một thành phố Tây (Sài Gòn) được đánh giá là hòn ngọc Viễn Đông sắp hình thành.

– “ Từ dinh Thống đốc đến phủ Toàn quyền, các kế sách thôn tính, đàn áp, cai trị, khai thác Việt Nam và Đông Dương được hoạch định và tiến hành. Từ năm 1861 đến năm tăm 1954 – gần 100 năm – các Thống đốc Nam kỳ và Toàn quyền Đông Dương không thấy có một trở ngại tâm lý nào và hoàn toàn yên trí mỗi khi nhìn thấy nhà thờ Thiên Chúa giáo cùng doanh trại thủy quân ở phía tay phải, và doanh trại trung đoàn bộ binh số 11 ở phía tay trái. Ba công trình kiến trúc này (tượng trưng) là pháo đài tinh thần và vật chất bảo vệ và che chắn  cho các thế lực thực dân.

– “ Sau khi chế độ Việt Nam Cộng Hòa thành lập, quyền lực thực sự tại miền Nam được hoạch định từ hai nơi : Tòa Đại sứ Mỹ và dinh Tổng thống. Thời Ngô Đình Diệm, dinh Tổng thống và tòa Đại sứ Mỹ người ngoài khó mà phân biệt nơi nào là chính, nơi nào là phụ. Nhiều lúc Tổng thống Diệm và Cố vấn Nhu than thở “ Cứ như là thời thuộc địa, tòa Đại sứ Mỹ cứ như là phủ Toàn quyền ”. Khi chế độ gia đình trị và Cần lao Thiên chúa giáo trị bị lật đổ, không còn ai hoài nghi gì về vai trò và sức mạnh của các “ quan toàn quyền ” trấn nhậm bên tòa đại sứ. Báo chí và dư luận ở Sài gòn còn gọi ông Đại sứ Mỹ là Thái thú. Ba năm xáo trộn (1964 – 1966) với bốn lần thay đổi chính phủ và gần chục lần đảo chánh đã khẳng định quyền lực Mỹ đứng đằng sau tất cả. Gần 9 năm Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu làm chủ phủ Đầu rồng, chắc là không ít lần ông đứng ở tiền sảnh dinh Độc Lập nhìn qua tòa Đại sứ Mỹ ở phía tay trái và hông đít của nhà thờ Đức Bà ở phía tay phải để ưu tư về thân phận mình ; và cũng chắc không ít lần ông nhớ nghĩ về cái kết cục bi thảm, nhục nhã của bản thân và gia đình vị Tổng thống tiền nhiệm.

“ Tóm lại lịch sử miền Nam (và cả nước Việt Nam) từ sau 1954 cực kỳ mâu thuẫn :

1/ Vì mục tiêu chống Cộng, Mỹ bất chấp quyền lợi chính đáng của nhân dân Việt Nam, coi các chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đều là công cụ, khi cần thì gầy dựng ra, khi không cần thì dẹp bỏ đi. Mỹ tới hay Mỹ lui đều vì quyền lợi Mỹ.

2/ Chính quyền Ngô Đình Điệm :

  -- Vừa muốn nhận viện trợ Mỹ vừa muốn độc lập với Hoa Kỳ. Thực tế là không thể được. Đã nhận viện trợ của Mỹ thì không thể độc lập với Hoa Kỳ.

  -- Vừa chống Cộng vừa độc tài gia đình trị và muốn xây dựng miền Nam thành một quốc gia riêng biệt. Chống Cộng có thể là mục tiêu chính đáng. Nhưng độc tài gia đình trị và biến miền Nam thành quốc gia riêng biệt là chống lại nhu cầu tự do dân chủ và thống nhất đất nước, chống lại khát vọng Bắc – Nam một nhà của cả dân tộc, vô hình trung khẳng định vai trò chính đáng của Cộng sản (trong việc lãnh đạo nhân dân cả nước “ đánh cho Mỹ cút –  đánh cho Ngụy nhào ” vì “ độc lập dân tộc và thông nhất đất nước ”).

  -- Đối với nhân dân miền Nam, Ngô Đình Diệm thi hành chính sách độc tài gia đình trị và Cần lao Thiên chúa giáo trị. Chính sách này đáp ứng nguyện vọng của một thiểu số nhân dân miền Nam – những tín đồ Công giáo, những đảng viên Cần lao và những người có kinh nghiệm máu xương từ chế độ Cộng sản. Chế độ gia đình trị và Cần lao Thiên chúa giáo trị trở thành kẻ thù của đại đa số nhân dân miền Nam còn lại.

Năm 1963 (nhân cuộc vận động của phong trào Phật giáo khởi phát từ miền Trung) là thời điểm chín mùi để chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ bởi sự liên thủ giữa Mỹ cùng đa số các tướng tá quân đội Việt Nam Cộng Hòa và đại bộ phận quân dân miền Nam. Tổng thống Diệm và gia đình Ngô Đình Nhu không còn cơ hội trở lại phủ Đầu Rồng.

3/ Trước khi vào phủ Đầu Rồng, cả hai ông Thiệu – Kỳ đã chấp nhận vai trò công cụ của Mỹ qua hội nghị Honolulu (tháng 6.2.1966¬). Ước mơ cao nhất của cả hai ông là trở thành chủ nhân duy nhất của phủ Đầu Rồng. Cả hai ông đều  không hề mơ mộng đến chuyện độc lập với Mỹ. Trong thời gian cư ngụ tại phủ Đầu Rồng (từ cuối năm 1967), Tổng thống Thiệu toan tính hai việc : thứ nhất, loại bỏ phó Tổng thống Kỳ, thu tóm quyền lực để trở thành nhà độc tài quân phiệt số 1 ; thứ hai, thực hiện các nhiệm vụ Mỹ giao. Đó là bình định nông thôn, cùng với CIA đẩy mạnh kế hoạch Phượng Hoàng, bảo đảm an ninh trật tự và ổn định đời sống nhân dân trong các thành phố, tỉnh quận huyện lỵ, tạo điều kiện tốt nhất cho Mỹ tiến hành thắng lợi cuộc chiến tranh chống Cộng trên cả hai miền Nam – Bắc : (1) Tiến hành chiến tranh phá hoại làm cho miền Bắc kiệt quệ không còn sức chi viện cho chiến trường miền Nam , (2) Quét sạch các lực lượng Cộng sản miền Nam, buộc đảng Cộng sản từ bỏ tham vọng xâm chiếm miền Nam ”.

– “ Hai năm 1965 – 1966, với sự cung cấp phương tiện và mưu lược của Mỹ, hai ông Thiệu, Kỳ đã thanh toán xong phong trào đấu tranh vì mục tiêu hòa bình, tự do, dân chủ và quyền dân tộc tự quyết của một bộ phận nhân dân miền Nam dưới ngọn cờ Phật giáo khởi đầu từ sau Diệm đổ. Cũng trong năm 1966, Thiệu Kỳ thanh trừng nội bộ : dẹp yên cuộc biến động tại quân khu I do tướng Tư lệnh Nguyễn Chánh Thi cầm đầu, tổ chức bầu cử Quốc hội Lập hiến,

– “ Năm 1967, hai ông Thiệu, Kỳ thi đua tranh thủ sự tin cậy của Mỹ, vận động Hội đồng Quân lực, chính giới (bao gồm các đảng phái, các tôn giáo) và quần chúng các đô thị miền Nam để tập trung quyền lực nhằm tranh đoat vai trò số một trong các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội sắp tới. Vì miền Nam là “ một quốc gia dân chủ ” nên các cuộc bầu cử cũng sẽ “ tự do dân chủ ”. Sẽ có nhiều liên danh ứng cử tổng thống và nhiều chính khách ứng cử vào Thượng, Hạ viện. Mỹ và Hội đồng Quân lực thấy rằng nếu hai ông Thiệu, Kỳ chia rẽ thì một trong số các liên danh dân sự sẽ thắng, như thế là quyền lực cai quản miền Nam do các nhân vật dân sự nắm, sẽ không phù hợp với cuộc chiến tranh của Mỹ. Do vậy ông Kỳ bị Mỹ và Hội đồng Quân lực ép buộc phải đứng chung một liên danh với ông Thiệu. Nguyễn Văn Thiệu sẽ là Tổng thống và Nguyễn Cao Kỳ sẽ là phó Tổng thống với điều kiện người của ông Kỳ nắm chính phủ và tổng nha cảnh sát.

Cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra ngày 3.9.1967. Ngày 4.9.1967 Hội đồng bầu cử tuyên bố kết quả : Liên danh Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ thắng. Các liên danh thua đều tuyên bố bầu cử gian lận. Hai liên danh thất cử là Dzu  – Chiêu và Hương – Truyền  đưa ra những bằng chứng gian lận cụ thể để khiếu nại quốc hội, nhưng các quan sát viên quốc tế và đại sứ Mỹ Bunker tuyên bố là cuộc bầu cử có vẻ tự do và thành công.

– “ Trở thành Tổng thống và phó Tổng thống, Nguyễn Văn Thiệu đưa gia đình vào dinh Độc Lập, Nguyễn Cao Kỳ (và gia đình vẫn ở Tân Sơn Nhất) hàng ngày lái trực thăng đi làm. Như thế phủ Đầu Rồng trở thành phủ “ Nhị đầu ”. Thời Đệ nhất Cộng hòa dinh Độc Lập cũng là dinh “ nhị đầu ” : Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu. Nhưng Diệm – Nhu không xung đột mất - còn như Thiệu – Kỳ. Diệm rất cần Nhu, nên chấp nhận Nhu nương thế lạm quyền. Thực tế này làm đau đầu chính phủ Mỹ ở Hoa Thịnh Đốn và các quan chức Mỹ tại Sài Gòn . Không loại bỏ được Nhu để mở rộng dân chủ nên Mỹ đành giết cả hai ông Nhu – Diệm để thay đổi chiến lược.

– “ Trường hợp “ nhị đầu ” Thiệu – Kỳ tranh chấp quyền lực đối với Mỹ không khó giải quyết như trường hợp “ nhị đầu ” Diệm – Nhu gắn bó ruột thịt và lạm quyền. Nguyễn Văn Thiệu là người khôn ngoan, ít lời, thâm trầm và kiên định lập trường “ Mỹ quyết ” để nhận viện trợ. Nguyễn Văn Thiệu còn tập trung được sau lưng mình các chính trị gia, tướng lĩnh, lãnh tụ đảng phái và khối quần chúng chống cộng truyền thống. Đảng Dân chủ do ông thành lập thực tế là đảng Cần lao Nhân vị tái sinh và mở rộng. Gia đình bên vợ đạo dòng, bản thân Nguyễn Văn Thiệu là tín đồ Thiên chúa giáo tân tòng. Khối quần chúng chống cộng truyền thống là đa số các tín đồ Thiên chúa giáo. Chế độ Thiệu thực chất là chế độ Diệm không có Diệm – Nhu. Trong khi đó Nguyễn Cao Kỳ chỉ là một ông tướng bốc đồng, nói năng và hành động theo cảm tính. Các chính khách, tướng lãnh, lãnh tụ sinh viên bị ông thu hút lúc đầu vì cái bốc đồng và cảm tính đó. Nguyễn Cao Kỳ huênh hoang là một người theo đạo Phật, nhưng chính ông đã trực tiếp đàn áp phong trào Phật giáo miền Trung. Nguyễn Cao Kỳ đã từng là chiến hữu của Nguyễn Chánh Thi trong Hội đồng Quân lực được Mỹ thừa nhận, nhưng ông lại điều động binh mã ra miền Trung để trấn áp cuộc “ nổi dậy ” do Nguyễn Chánh Thi cầm đầu. Nguyễn Cao Kỳ là người miền Bắc, nhưng đa phần những người miền Bắc di cư lại là tín đồ Thiên chúa giáo. Tóm lại, ông không qui tụ được chung quanh và sau lưng mình đông đảo những đồng chí và một khối lượng quần chúng khả dĩ hậu thuẫn cho con đường chính trị của ông.

Hai nhân vật tương tranh tại phủ Đầu Rồng, Nguyễn Văn Thiệu hội đủ các tiêu chí để Mỹ chọn làm “ con ngựa sắt ” cho cuộc thánh chiến của mình. Nguyễn Cao Kỳ từng bước bị Mỹ cho ra, và đồng nghiệp đẩy ra rìa ngồi chơi xơi nước.

– “ Đầu tháng 5 – 1968, quân Cộng sản thực hiện đợt 3 chiến dịch tổng công kích Mậu Thân, bộ chỉ huy hành quân phản công (vây cánh của phó Tổng thống Kỳ) do chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng giám đốc nha Cảnh sát Quốc gia chỉ huy đang họp bàn tại một ngôi nhà trên đường Lục Tỉnh thuộc khu vực Chợ Lớn bị máy bay Mỹ “ oanh kích lầm”. Chuẩn tướng Loan bị thương. Phó tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia Đàm Văn Quí bị tử thương. Bộ chỉ huy tan nát. Nguyễn Ngọc Loan bị thương nhưng nổi tiếng thế giới vì trước đó phóng viên  Eddie Adams của hãng Associated Press công bố một tấm ảnh chụp y (N.N.Loan) đang cầm súng bắn vào đầu một chiến binh Cộng sản đã đầu hàng ngay giữa đường phố Sài Gòn. 

– “ Ngày 18.5.1968, chính phủ Nguyễn Văn Lộc từ chức. (Nguyễn Văn Lộc và Nguyễn Ngọc Loan là hai cánh tay phải, trái của phó Tổng thống Kỳ). Tổng thống Thiệu cử người của mình thành lập chính phủ và nắm Tổng nha cảnh sát.

– “ Sau biến cố này phó Tổng thống Kỳ từ bỏ tham vọng tranh chấp ngôi vị số I ở phủ Đầu rồng.

– “ Ngày 25.5, ông Trần Văn Hương, thủ tướng mới, cùng các tổng bộ trưởng vào dinh Độc Lập trình diện Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Như thế là Mỹ và Cộng quân đã giúp Tổng thống Thiệu trở thành người chủ duy nhất tại phủ Đầu rồng.

–  “ Dinh Độc lập còn lại một cái Đầu rồng, nhưng bị lung lay tận nền móng từ đầu năm 1968 khi Cộng quân mở đầu chiến dịch Tổng công kích tết Mậu Thân.

– “ Chiến dịch Tổng công kích tết Mậu Thân của Cộng sản đã đã đẩy quân Mỹ vào tình thế bị động chiến lược trên toàn chiến trường. Trong lòng nước Mỹ, chính phủ Johnson bị tấn công tơi tả bởi phe phản chiến bao gồm đa số trong thượng hạ nghị viện, sinh viên, trí thức và cử tri Mỹ. Westmoreland, tổng tư lệnh quân Mỹ tại Việt Nam bị cách chức. Tổng thống Johnson quyết định bỏ cuộc vận động tái tranh cử đã khởi sự từ mấy tháng trước. Chính phủ Mỹ tìm đường thương lượng hòa bình với đối phương qua hội nghị Paris và chuẩn bị thay đổi chiến lược : Việt Nam hóa chiến tranh.

– “ Ngày 6.11.1968, Richard Nixon đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ. Chính sách của tân Tổng thống bao gồm mấy điểm : (1) Ngưng oanh tạc Bắc Việt, (2) quân Mỹ rút lui từ từ (đợt đầu là 25.000), (3) quân đội Việt Nam Cộng Hòa từng bước thay thế quân Mỹ đảm trách chiến tranh, (4) Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trong tương lai sẽ được bầu cử tự do. Chính sách này được ký kết giữa Tổng thống Nixon và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tại hội nghị Midway được tổ chức vào bảy tháng sau (9.6.1969).

– “ Sau khi ở Midway về, tại phủ Đầu Rồng, Tổng thống Thiệu tự trấn an mình, trấn an chính phủ và dư luận rằng là “ sẽ không có chính phủ liên hiệp, và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục giúp đỡ Việt Nam Cộng Hòa đánh thắng Cộng sản, xây dựng miền Nam.”

– “ Mỹ hóa chiến tranh, để rồi Việt Nam hóa chiến tranh, để rồi Mỹ rút lui và Việt Nam Cộng Hòa chỉ còn lại một trong ba thành phần của một chính phủ liên hiệp. Tổng thống Thiệu không khỏi rùng mình khi nghĩ đến cái kết cuộc  bi thảm đến như thế.

– “ Nhờ biến cố Tết Mậu thân, Nguyễn Văn Thiệu đã trở thành nhân vật số một tại phủ Đầu rồng. Vì Mỹ và Cộng quân, Nguyễn Văn Thiệu cũng từng bước trở thành nhân vật số một tại dinh “ không độc lập ”.

– “ Việt Nam hóa chiến tranh là kế hoach của Mỹ chứ không phải là sáng kiến của Tổng thống Thiệu và Việt Nam Cộng Hòa. Cũng như thế, vấn đề thương lượng hòa bình cũng do Mỹ quyết ở phía này và Cộng sản quyết ở phía kia.

Việc chọn địa điểm để mở hội nghị, Việt Nam Cộng Hòa không được góp ý kiến.Vấn đề thành phần tham dự, ngày 18.11.1968, Tổng thống Thiệu tuyên bố trên đài truyền hình và phát thanh là “ hòa đàm Paris là nói chuyện song phương, mỗi bên chỉ có một phái đoàn duy nhất : bên này phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa lãnh đạo với sự tham gia của Hoa Kỳ và nếu cần của các đồng minh khác ; phía bên kia do Hà Nội lãnh đạo, có đại diện của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ”. Nhưng đến ngày 7.12.1968 thì tại phi trường Tân Sơn Nhất, Tổng thống Thiệu, tiễn phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa do phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ làm cố vấn, Phạm Đăng Lâm làm trưởng đoàn đi Pháp tham dự hội nghị Paris với thành phần tham dự là 4 phái đoàn : Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và chính phủ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Thực tế hòa đàm Paris là tiếng nói quyết định của hai bên làm chủ cuộc chiến là Hoa Kỳ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do đảng Cộng sản lãnh đạo. Cho dù đã có một hiệp ước Midway để xác lập vai trò “pháp lý” cho sách lược của Mỹ : Việt Nam hóa chiến tranh, nhưng Việt Nam Cộng Hòa của Tổng thống Thiệu, cũng như chính phủ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chỉ là lực lượng phụ thuộc, tiếng nói có tính cách tượng trưng.

– “ Để Mỹ rút lui trong danh dự, hai bên vừa đánh vừa đàm : ngưng oanh tạc, tái oanh tạc và oanh tạc khủng khiếp, nhưng lập trường của miền Bắc không thay đổi. Ở miền Nam Tổng thống Thiệu ngồi hết nhiệm kỳ 1 đến nhiệm kỳ 2 bằng một cuộc độc diễn, phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa vẫn tiếp tục ngồi ở hội đàm Paris. Nhưng hội đàm Paris kết thúc mà không có điều kiện căn bản nào của Tổng thống Thiệu và Việt Nam Cộng Hòa được chiếu cố cả :

       –  Đình chiến tại chỗ.

       –  Quân Mỹ rút trong vòng 6 tháng, quân miền Bắc vẫn ở lại.

       –  Trao trả tù binh cho cả hai phía (Mỹ và Cộng sản).

       –  Một chính phủ ba thành phần sẽ được bầu cử dân chủ tự do ở miền Nam ”.


– “ Như thế là cái ghế của Tổng thống Thiệu ở phủ Đầu Rồng chỉ còn lại một chân khập khiễng cho dù “ Mỹ hứa là tiếp tục viện trợ đầy đủ để Việt Nam Cộng Hòa tồn tại, và Mỹ sẵn sàng can thiệp thích đáng trong trường hợp phía bên kia vi phạm hiệp định.”

– “ Lúc 0 giờ ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Paris có hiệu lực, Mỹ rút quân nghiêm túc, hai bên (Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Sản) lấn chiếm và tố cáo lẫn nhau, lực lượng Thứ Ba có điều kiện pháp lý từ hiệp định Paris hoạt động tích cực, Cộng Sản miền Bắc vẫn tiếp tục chi viện cho chiến trường Miền Nam. Việt Nam hóa chiến tranh hay Việt Nam hóa hòa bình thì không có gì thay đổi trong tương quan lực lượng 1/10 Quốc gia / Cộng sản. Sau năm 1954, tương quan đó là 2/10 trong điều kiện Mỹ hùng hổ tới. Nay  (1973) chỉ còn lại 1/10 trước tình thế Mỹ rã rời ra đi ”.

– “ Theo chỗ tôi biết, trong quá trình Việt Nam hóa chiến tranh, người Mỹ đã giúp Tổng thống Thiệu phát triển quân lực Việt Nam Cộng Hòa hùng mạnh gồm thủy lục không quân và quân địa phương với quân số hơn 1,1 triệu. Mỹ còn giúp Thiệu phát triển lực lượng cảnh sát, đào tạo các đoàn bình định nông thôn, các đội công tác đặc biệt Phượng Hoàng, các trung đội nghĩa quân. Tổng số tay súng trong các lực lượng, đoàn, đội này lên tới trên dưới một triệu. Ngoài ra Mỹ còn trang bị súng ống cho khoảng ba triệu nhân dân tự vệ ở các thôn ấp. Trong khi đó quân của miền Bắc và Mặt trận Giải phóng chưa quá 300.000, bao gồm quân chính qui, quân địa phương và du kích. Như thế tương quan lực lượng áp đảo từ phía Quốc gia chứ đâu phải từ phía  Cộng sản như ông Phan vừa nói ”.

– “Tương quan lực lượng 1/10, Quốc gia / Cộng sản, theo ý tôi là tương quan nhân dân chứ không phải tương quan súng đạn. Nếu tương quan súng đạn thì Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa vô địch. Nhưng tương quan nhân dân thì Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do đảng Cộng sản lãnh đạo là vô địch. Năm 1954, sau khi hiệp định Genève ký kết, Tổng thống Mỹ Eisenhower nhận định rằng : “ Nếu tổng tuyển cử tự do vào năm 1956 thì 80 % cử tri Việt Nam sẽ bầu cho Hồ Chí Minh ”. Nếu Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản làm chủ đất nước từ Nam chí Bắc thì học thuyết Domino của Mỹ bị phá sản từ tuyến đầu Đông Nam Á. Do vậy, sau Genève, Mỹ thay thế Pháp, qua đó Ngô Đình Diệm thay thế Bảo Đại, biến miền Nam thành một nước riêng biệt – tiền đồn của Thế giới Tự do. Để thực hiện mục tiêu đó, người Mỹ, người Pháp và Ngô Đình Diệm đã đưa gần một triệu đồng bào miền Bắc vào Nam nhằm bổ sung khối lượng quần chúng hậu thuẫn cho chế độ Quốc gia. Với 20 % dân chúng hậu thuẫn, với sự trợ giúp của nước Mỹ về mọi phương diện từ chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội…, chính quyền Quốc gia sẽ xây dựng miền Nam thành một quốc gia dân chủ, giàu mạnh, có thể khuất phục được các lực lượng chống đối ở nội địa và có thể ngăn chặn, đẩy lùi được cuộc xâm lăng của Cộng sản từ miền Bắc. Mỹ đã có kinh nghiệm dồi dào từ “ hai nước Đức ”, “ hai nước Triều Tiên ”, và từ cuộc chiến chống du kích Cộng Sản ở Mã Lai (của Anh), Philippines. Tuy nhiên, sự có mặt của Mỹ trong vai trò đồng minh, cố vấn (1954 – 1963) và cuộc chiến tranh tàn khốc của Mỹ (1965 – 1972) cộng với hai chế độ độc tài Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu, chính quyền Quốc gia ngày càng suy yếu và mất dần chính nghĩa trong nhận thức của khối quần chúng hậu thuẫn truyền thống của mình. 20 % hậu thuẫn cho phe Quốc gia thân Mỹ ban đầu (1954) đến thời điểm này (1973) chỉ còn lại dưới 10 %. 90 % quần chúng miền Nam còn lại, hoặc là ngả hẳn về phía Cộng sản, hoặc trở thành đa số thầm lặng, đứng giữa, hay hậu thuẫn cho lực lượng thứ ba. Quân đội, cho dù ở miền Nam hay miền Bắc, đều là con em của nhân dân. Nhân dân ngả về phía nào thì quân đội ngả về phía đó. Trong số mấy triệu tay súng của quân lực Việt Nam Cộng Hòa như ông Chu Sơn vừa nói, hết 90 % là không muốn bắn, thậm chí có người chờ có cơ hội là bắn theo sự điều hướng của Cộng sản. Trong số 10 % quân lực Việt Nam Cộng Hòa muốn bắn, nhưng trớ trêu là chỉ bắn chính xác khi có ông Mỹ đứng bên cạnh. Nay ông Mỹ đã ra đi rồi thì 10 % đang thét gào tuyên bố tử thủ đó dần dần mất phương hướng, hụt hẫng, rệu rã và cuối cùng sẽ giải tán khi có động thái quyết chiến của 300.000 tay súng được điều động từ phía bên kia ”.

Theo sự chỉ dẫn của Ngọc (Lê Công Cơ), tôi tìm ra địa chỉ nhà Nguyễn Hữu Thái không lâu sau khi tôi vào Sài Gòn. Nhưng khoảng gần tháng sau đó Thái mới đến chỗ tôi ở với Châu Phan trên đường Hiền Vương như đã nói trên. Thái sinh tại Đà Nẵng, học kiến trúc năm cuối thì nổ ra vụ đấu tranh của Phật giáo chống Ngô Đình Diệm, kỳ nghỉ hè năm 1962, do sự sắp xếp của Ngọc, Thái theo Phan Duy Nhân (Nguyễn Chính) vào chiến khu ở Quảng Nam gặp ông Hồ Nghinh bí thư tỉnh ủy. Niên khóa 1963 – 1964 Thái là chủ tịch Tổng hội sinh viên các trường thuộc viện đại học Sài Gòn, chính thức tham gia hoạt động cho Mặt Trận tại Sài Gòn. Bị tù mấy năm. Ra tù, nằm chờ người của Mặt trận. Nhưng người của Mặt trận Thái tiếp xúc lần này là tôi đến từ Huế theo sự giới thiệu của Ngọc (Lê Công Cơ). Nguyễn Hữu Thái đồng ý hợp tác với tôi trong việc nối kết hoạt động của lực lượng thứ ba ở Sài Gòn với Huế và các tỉnh miền Trung. Thái giới thiệu tôi với Huỳnh Văn Tòng, tiến sĩ báo chí đầu tiên của miền Nam mới ở Pháp về, đang là giáo sư của đại học Vạn Hạnh và đại học Hòa Hảo ; với Bùi Minh, kỹ sư hàng hải ở Pháp về đang trốn lính dưới màu áo thầy tu cư ngụ tại chùa Ấn Quang, với Nguyễn Trực, một thủ lĩnh nổi tiếng trong những năm Phật giáo đấu tranh từ 1963 – 1966 tại Huế, đang tá túc bất hợp pháp trong khuôn viên đại học Vạn Hạnh.

Bốn người : Thái, Tòng, Minh, Trực đều là đệ tử của Thượng tọa Thích Trí Quang, thường xuyên lui tới thăm Thầy để nghe Đạo pháp và cũng để đàm đạo cùng Thầy chuyện thế sự.

Chúng tôi năm người, qua những lần trao đổi tại căn phòng của Nguyễn Hữu Châu Phan, hay tại nhà Huỳnh Văn Tòng, đều thống nhất những nhận định tình hình Phật giáo tại miền Nam từ cuộc Mỹ hóa chiến tranh đến thời Việt Nam hóa chiến tranh :

“ Ngoài trừ một nhóm Phật giáo di cư do Thích Tâm Châu cầm đầu có lập trường ủng hộ cuộc chiến tranh của Mỹ, ngoại trừ một nhóm Phật giáo miền Nam do Mai Thọ Truyền lãnh đạo có lập trường ủng hộ chế độ Nguyễn Văn Thiệu, đa phần các tăng ni phật tử còn lại không kể Trung, Nam, Bắc đều phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ, chống các chế độ độc tài, quân phiệt, kêu đòi hòa bình, kêu đòi thành lập một chính phủ dân sự, kêu đòi một chế độ dân chủ và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, bày tỏ khát vọng thống nhất đất nước. Cái khối quần chúng Phật giáo dân tộc ấy, từ sau vụ Thiệu Kỳ đàn áp mùa hè 1966, lại chia làm bốn khuynh hướng tư tưởng và hoạt động khác nhau :

– Khuynh hướng thứ nhất công khai hay âm thầm chấp nhận sự lãnh đạo của đảng Cộng sản. Đại diện cho khuynh hướng này là các nhà sư Thích Đôn Hậu, Thích Thiện Siêu ở Huế, Thích Trí Thủ, Thích Minh Châu,… ở Sài Gòn.    

 – Khuynh hướng thứ hai tiếp tục ôm giấc mơ hình thành một lực lượng thứ ba ở ngoài hai thế lực tương tranh làm nhiệm vụ hòa giải dân tộc, tiến tới thống nhất đất nước. Đại diện cho khuynh hướng này là Thích Tịnh Khiết, Thích Trí Quang, Thích Thiện Hoa, …

– Khuynh hướng thứ ba hình thành một lực lượng Phật Xã làm đối trọng lâu dài trong các chế độ cai trị từ Quốc gia đến Cộng sản. Thích Thiện Minh, Thích Quảng Độ, Thích Huyền Quang,… ôm ấp giấc mộng này từ những ngày đầu Phật giáo dấn thân (chống Ngô Đình Diệm).

– Khuynh hướng thứ tư chủ trương một Phật giáo hiện đại hóa, trẻ hóa, xã hội hóa từ giáo pháp, đến cơ cấu giáo hội (tăng đoàn), đến những chương trình hành động nhập thế trên các lãnh vực từ văn hóa, y tế, giáo dục, xã hội, môi trường..., ngoại trừ lãnh vực chính trị. Thích Nhất Hạnh là người khởi xướng và kiên định khuynh hướng này.

“ Phân chia khuynh hướng như thế là căn cứ vào nhận thức và hành động tự do của từng cá nhân hay từng nhóm. Chưa thấy có sự chống báng nhau một cách công khai giữa các cá nhân và các nhóm. Thích Nhất Hạnh chủ trương phi chính trị, nhưng từ ngày rời khỏi đất nước (mùa hè 1966) đến nay vẫn tự xem mình là phát ngôn viên của Giáo hội Phật giáo trong nước – lực lượng thứ ba – tranh đấu cho hòa bình, hòa giải, hòa hợp, quyền tự quyết dân tộc và nền độc lập của đất nước.

“ Các vị ở nhóm thứ nhất thì Thích Đôn Hậu đang ở miền Bắc, Thích Thiện Siêu đang ở Huế, ở Sài Gòn còn lại : Thích Trí Thủ và Thích Minh Châu hoàn toàn không chuẩn bị cho mình trở thành nhân vật lãnh đạo tiêu biểu.

“ Thích Thiện Minh, Thích Quảng Độ, Thích Huyền Quang, … tuy có tư tưởng và sách lược lâu dài là hình thành một lực lượng Phật Xã, nhưng trước mắt không biểu hiện rõ ý đồ cạnh tranh vị trí lãnh đạo Lực lượng thứ ba của Thích Trí Quang.

“ Thích Trí Quang từ sau khi bị Thiệu – Kỳ đàn áp (1966), bị cô lập ở chùa Ấn Quang, không công khai tuyên bố gì, nhưng vẫn là tâm điểm thu hút những trí thức, chính khách có cùng khuynh hướng thứ ba như ông. Các giáo hội và Phật tử ở các địa phương cũng trông chờ ở ông một dấu chỉ để hành động.

“ Từ sau 1969, năm nào đến đến lễ Phật Đản, Tăng Thống Thích Tịnh Khiết cũng gởi Thông Điệp về vấn đề Hòa Bình.

“ Cuối năm 1970 Phong trào phụ nữ đòi quyền sống họp đại hội ở chùa Ấn Quang, đương nhiên có sự gật đầu của Thích Trí Quang.

“ Dương Văn Minh sau khi từ Thái Lan về (1969) hình thành một lực lượng chống Thiệu cũng hy vọng ở Thích Trí Quang một liên kết và hậu thuẫn quan trọng.”

Mấy vấn đề mấu chốt còn lại chúng tôi trao đổi  trong nhiều cuộc gặp mặt, tôi trình bày sau đây như một cuộc phỏng vấn. Tôi (Chu Sơn) hỏi, bốn đệ tử của thầy Thích Trí Quang (Trực, Thái,  Minh, Tòng, viết tắc là T.T.M.T ) trả lời. Tôi ghi chép theo ký ức sau hơn bốn mươi năm thử thách bởi những biến động của đất nước và  thế giới và sự xuống sức của bản thân tôi, nhưng tâm trí tôi vẫn đeo đẳng về một cuộc “đào sâu” mà tôi không thể “không nhọc lấp”.

Chu Sơn : – “Thượng tọa Thích Trí Quang là ai ? – Có phải ông là Cộng sản như là cáo buộc của một số người, hay ông là CIA như là cáo buộc của một số người khác ? Thậm chí có người, như bà Trần Lệ Xuân chẳng hạn, khi thì khẳng định ông là tay sai Cộng sản, khi thì quả quyết ông làm việc cho CIA của Mỹ ”.

T.T.M.T.: –“ Nếu Thầy là Cộng sản thì Mỹ không đối xử tử tế trong mấy tháng Thầy tị nạn chính trị tại tòa đại sứ. Nếu Thầy là CIA thì Thầy đã không tị nạn chính trị tại tòa đại sứ Mỹ, bởi như thế  là “ thưa ông tôi ở bụi này ”. Lại nữa, nếu Thầy là người của CIA thì CIA dư sức tổ chức cho Thầy tị nạn tại một tòa đại sứ nào đó, hay trốn tránh một nơi nào đó  để bảo đảm vỏ bọc nhằm hoạt động lâu dài ; thậm chí CIA có thể gợi ý để Thầy chạy vào khu giải phóng.

Chu Sơn : – “ Vì lý do gì mà thượng tọa Trí Quang lại chọn tòa đại sứ Mỹ để xịn tị nạn chính trị ? ”


T.T.M.T.: – “ Vì đó là chỗ an toàn nhất, và cũng để có điều kiện thời gian nói với Mỹ về mục tiêu đấu tranh của Phật giáo và nguyện vọng bức thiết của đa số người Việt Nam không phải là Cộng sản. Rất tiếc khi đó người Mỹ còn muốn chiến thắng Cộng sản bằng bạo lực quân sự ”.

Chu Sơn : – “ Thượng tọa Trí Quang đã lãnh đạo Phật giáo miền Trung  chống Thiệu – Kỳ  quyết liệt trong hai năm (1965 – 1966), đã bị Thiệu – Kỳ  đàn áp thô bạo đến nỗi lực lượng bi tan rã, bản thân ông bị bắt đưa vào Sài Gòn và bị cô lập ở Ấn Quang từ đó đến nay. Hiệp định Paris có hiệu lực từ ngày 27.1.1963, đến nay đã gần 5 tháng, rất nhiều nhóm thứ ba nổi lên đấu tranh đòi thi hành hiệp định Paris, chống Thiệu, sao không thấy Thượng tọa Trí Quang và Phật giáo Ấn Quang động tĩnh gì ? ”

T.T.M.T.: – “ Phật giáo chống Mỹ vì Mỹ gây chiến tranh. Phật giáo chống Thiệu – Kỳ vì Thiệu – Kỳ độc tài và làm công cụ cho Mỹ. Nay Mỹ đã ký hiệp định Paris để rút lui. Phe Quốc gia khủng hoảng nội bộ trầm trọng : Thiệu –  Kỳ không đội trời chung, trong quốc hội đã có phe đối lập ngày càng lớn mạnh, Dương Văn Minh đã chuẩn bị lực lượng từ nhiều năm để thay thế Thiệu, Giáo hội Công giáo – hậu thuẫn truyền thông của Thiệu đã phân hóa thành ba bốn nhóm : – ủng hộ Thiệu, – hoặc không muốn chết chìm với Thiệu, – hoặc chống Thiệu để tham gia lực lượng thứ ba, – hoặc chống Thiệu theo sự điều hướng của Mặt trận. Hội nghị Paris đã công nhận Mặt trận Giải phóng là “ một phe trong bốn phe ”. Hiệp định Paris đã hợp pháp hóa sự hiện diện của quân đội miền Bắc ở miền Nam. Hiệp định Paris đã hợp thức hóa vai trò của Cộng sản trong sinh hoạt chính trị, quân sự tại miền Nam. Chính phủ ba thành phần là giải pháp tạm thời, cũng có thể là một huyền thoại. Hòa bình hay chiến tranh Thiệu đều không còn đất sống. Khi mà phe thứ nhất không còn tồn tại như một lực lượng đối kháng, thì lực lượng thứ ba cũng chấm dứt nhiệm vụ lịch sử. Một khi Cộng sản làm chủ đất nước thì tôn giáo (trong đó có Phật giáo) trở thành đối tượng trấn áp của cách mạng vô sản, vô thần. Huống hồ gì Phật giáo đã “ tạo nghiệp ” qua hàng chục năm đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền dưới chế độ Mỹ  – Diệm – Thiệu. Nếu tiếp tục tồn tại như một lực lượng chính trị trong lòng chế độ Xã hội Chủ nghĩa thì Phật giáo sẽ trở thành “ kẻ thù mới ” của chế độ Cộng sản. Kinh nghiệm chiến đấu dưới ngọn cờ Việt Minh thời Cách mạng tháng Tám và chiến tranh chống Pháp, Thầy và giáo hội không khỏi ngập ngừng, thận trọng ”.  

Chu Sơn : – “ Những đường lối của Mặt trận là hòa giải, hòa hợp dân tộc ” ?


T.T.M.T.: – “Thời kháng chiến chống Pháp, nhân dân trong đó có Phật tử đã hưởng ứng nhiệt tình lời kêu gọi đoàn kết yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng rồi đoàn kết và yêu nước nhất thiết phải được điều hướng trong ý thức hệ và bàn tay sắt Cộng sản. Nhiều tu sĩ và trí thức Phật tử đã vỡ mộng sau một thời gian tham gia kháng chiến. Từ 1948 giáo hội đã tìm hướng đi riêng”.

Chu Sơn : – “ Có phải chính nhà tu hành Trí Quang đã đưa ra lời nhận định : “Cộng sản mà như Cộng sản Việt Nam / Phật giáo mà như Phật giáo Việt Nam…?”. Tôi thấy trong lời nhận định đó có niềm tin vào đảng Cộng sản và vào chính bản thân của Phật giáo”.

T.T.M.T.: – “ Chính vì niềm tin đó mà Thầy và Giáo hội mới ngập ngừng, thận trọng. Nếu không có niềm tin đó thì Thầy và Giáo hội đã dứt khoát rút lui trong im lặng.”

Chu Sơn : – “ Thiệu cũng không còn đất sống ” là một nhận định khái quát, Òcụ thể cái kết cục ấy sẽ diễn như thế nào, đề nghị các anh  hình dung thử ? ”

T.T.M.T.: – “ Hòa bình là nói theo tinh thần hiệp định Paris, trong trường hợp hiệp định Paris được hai bên thi hành nghiêm chỉnh. Khả năng này chắc chắn không xảy ra bởi vì Thiệu không chỉ điên cuồng chống Cộng mà còn không thừa nhận thành phần chính trị thứ ba và thẳng tay đàn áp các biểu hiện đấu tranh dân chủ và hòa bình. Thiệu cho các loại thứ ba là Cộng sản hay tay sai Cộng sản.  Miền Bắc và Mặt Trận dĩ nhiên cũng không nằm yên để cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu vi phạm hiệp định. Miền Bắc và Mặt Trận một mặt trừng trị Nguyễn Văn Thiệu lấn chiếm, một mặt ráo riết tăng cường lực lượng để tìm giải pháp khác. Như thế là hiệp định Paris trên thực tế đều bị cả hai bên xóa bỏ. Khi người lính cuối cùng của Mỹ rút khỏi miền Nam và tù binh Mỹ được trao trả hết trong vòng sáu tháng (điều kiện của hiệp định Paris) thì Quốc hội và nhân dân Mỹ xem như đã trút bỏ được vũng lầy Việt Nam, cho dù chính quyền Nixon hứa hẹn với Thiệu như thế nào. Ngân sách viện trợ trong tay Quốc hội sẽ không cho phép không lực Mỹ quay trở lại để “ trừng phạt thích đáng sự vi phạm của Cộng sản,” hoặc để giúp Thiệu “ ổn định tình hình chính trị, xây dựng kinh tế để tồn tại lâu dài ”.

Trước tình hình nguy khốn ngày một thêm trầm trọng như thế của phe Nguyễn Văn Thiệu, miền Bắc và Mặt Trận một khi đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng sẽ tiến hành một cuộc tổng tấn công đánh thẳng vào Sài Gòn – như trong Thế chiến II quân Đồng Minh đánh vào Berlin – thì Thiệu sẽ có một kết cuộc như Hiller ”.

Chu Sơn: – “ Các anh nhận định như thế nào về nhân vật Dương Văn Minh ? Ông ta thuộc lực lượng thứ nhất hay lực lượng thứ ba ?

T.T.M.T. – “ Dương Văn Minh sinh trưởng trong một gia đình trung lưu của Nam Kỳ, được giáo dục và trưởng thành trong gia đình truyền thống Nho – Phật và nền văn hóa Pháp thuộc địa, là công chức trước khi vào quân đội (Pháp). Dương Văn Minh có một người em trai kế cũng được giáo dục và đào tạo như thế. Năm 1945, thiếu úy Dương Văn Minh bị quân đội Nhật bắt, bị tra tấn và giam tù mấy tháng. Cách mạng tháng Tám, Dương Văn Minh được giải phóng, tham gia kháng chiến tí chút, bỏ kháng chiến trở về chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Pháp và quân đội Quốc gia của Bảo Đại. Sau 1954, Dương Văn Minh theo Ngô Đình Diệm lật đổ Bảo Đại, trở thành người hùng trong chiến dịch tiễu trừ quân Bình Xuyên, được Ngô Đình Diệm phong tướng, rồi bị Ngô Đình Diệm cho ra rìa vì không chịu khuất phục trước chế độ gia đình trị và Cần lao Thiên chúa giáo trị. Năm 1963 nhân cuộc nổi dậy của Phật giáo và trước đường lối bất khoan dung của chính quyền Ngô Đình Diệm, với sự bật đèn xanh của Mỹ, Dương Văn Minh cầm đầu cuộc đảo chánh của các tướng tá Việt Nam Cộng Hòa lật đổ anh em nhà họ Ngô, được bầu làm Quốc trưởng, tiến hành cuộc cách mạng ôn hòa, không đồng tình với Mỹ mở rộng chiến tranh biệt kích và không quân ra miền Bắc, ra lệnh giải tán các ấp chiến lược, chủ trương là đồng minh của Mỹ nhưng đồng thời phục hồi và mở rộng cuộc giao hảo với Pháp và các nước khác. Người em trai của Dương Văn Minh tham gia cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, là chỉ huy quân sự đến cấp bậc trung đoàn trưởng, năm 1954 tập kết ra Bắc. Với nhân thân và đường lối chính trị như vậy, chỉ sau ba tháng làm quốc trưởng, Dương Văn Minh bị người Mỹ và Nguyễn Khánh “ chỉnh lý ”, truất phế mọi quyền lực, triệt hết vây cánh, để ngồi làm vì, đến năm 1965 bị chỉ định cư trú tại Thái Lan. Năm 1969 Dương Văn Minh được Mỹ – Thiệu cho về nước để sắm sửa vai trò đối lập cuội trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ tổ chức vào năm 1971. Dương Văn Minh không chịu làm đối lập cuội, mặc dù đại sứ Mỹ nài nỉ và mua chuộc. Nguyễn Văn Thiệu tổ chức bầu cử độc diễn, trở thành Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa nhiệm kỳ hai, tham dự và ký kết hiệp định Paris dưới sự áp đặt của Mỹ. Nguyễn Văn Thiệu hung hăng phá bỏ hiệp định Paris gây khó khăn trở ngại cho quá trình “ rút lui trong danh dự ” của Mỹ. Với những điều kiện pháp lý không lấy gì bảo đảm được thi hành của hiệp định Paris và sự tán trợ ngấm ngầm của Mỹ, sự cổ vũ tinh thần của Pháp, Dương Văn Minh và nhóm của ông khẩn trương tập trung lực lượng, liên kết với các nhóm thuộc thành phần chính trị thứ ba, vận động sự hậu thuẫn rộng rãi trong quần chúng nhằm thay thế Nguyễn Văn Thiệu. Thực tế là nhóm Dương Văn Minh rất yếu so với lực lượng của Nguyễn Văn Thiệu. Thiệu còn có nhiều thứ mà Dương Văn Minh không có : Viện trợ Mỹ, quân đội, cảnh sát, bộ máy hành chánh, ngân khố, quốc hội, chuyên gia, đảng Dân Chủ và quần chúng hậu thuẫn truyền thống : Giáo hội Công giáo. (Tuy các thứ ấy đang trên đà cắt giảm, rã rời và tự chuyển biến, nhưng vẫn còn hơn không).

Chung quanh Dương Văn Minh chỉ còn vài ba tướng lãnh đã về hưu, mươi nghị sĩ, dân biểu thuộc nhóm đối lập, vài chục nhân sĩ trí thức, linh mục có lập trường trung lập hoặc có khuynh hướng Mặt trận…

Nhóm Dương Văn Minh tồn tại được nhờ có hiệp định Paris, Mỹ, Mặt trận và cả Pháp.

“ Chúng tôi lờ mờ thấy rằng cả Mỹ, Mặt Trận và cả Pháp mỗi bên tuy có mục tiêu riêng nhưng đều muốn Dương Văn Minh thay thế Nguyễn Văn Thiệu. Chúng tôi cũng lờ mờ thấy rằng Mỹ muốn có một chính quyền trung lập để có điều kiện thời gian rút lui trong danh dự. Chúng tôi thấy rõ hơn Dương văn Minh và nhóm của ông muốn hình thành một chính quyền chuyển tiếp để góp phần chấm dứt chiến tranh, đưa nước nhà đến thống nhất trong hòa bình cho dù phải sống trong chế độ Cộng sản. Dương Văn Minh và nhóm của ông tin vào đường lối hòa giải, hòa hợp của Mặt Trận. Tuy nhiên để hình thành một chính quyền trong giai đoạn chuyển tiếp, do các thiếu thốn và yếu kém như chúng tôi vừa kể ở trên, Dương Văn Minh và nhóm của ông thấy rằng cần có một hậu thuẫn rộng lớn trong quần chúng, đặc biệt quần chúng Phật giáo. Phật giáo mà Dương Văn Minh và nhóm của ông nhắm tới là Phật giáo Ấn Quang, bởi theo họ : lập trường của Phật giáo Ấn Quang cũng là lập trường của các Tỉnh giáo hội ở các địa phương, đặc biệt các giáo hội Phật giáo miền Trung. Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Thầy Trí Quang không hy vọng gì vào Quốc trưởng Dương Văn Minh. Thầy cho rằng Dương Văn Minh là người chơn chất, không phải là nhân vật có đủ bản lĩnh để xoay chuyển tình thế. Do vậy Thầy đã không mặn mà gì với ông. Sau khi Diệm đổ, người Mỹ thấy Dương Văn Minh không đồng thuận với đường lối chiến tranh của họ, lại không được Phật giáo nhiệt tình ủng hộ nên đã lật đổ ông qua bàn tay Nguyễn Khánh. Nay (sau hiệp định Paris – Chu Sơn) Thầy và Giáo hội (Ấn Quang – Chu Sơn) nhận định rằng Dương Văn Minh vận động để thay thế Thiệu làm Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, như thế là Dương Văn Minh sẽ trở thành người lãnh đạo của lực lượng thứ nhất. Thầy và Giáo hội cho rằng Dương Văn Minh trở thành người đứng đầu lực lượng thứ nhất sẽ thuận lợi cho việc hòa giải dân tộc theo tinh thần của hiệp định Paris. Thầy và Giáo hội ủng hộ Dương Văn Minh trong chiều hướng đó, Nhưng liên kết với ông để hậu thuẫn cho lực lượng thứ nhất thì không. Thầy và Giáo hội xác quyết trước sau gì Phật giáo cũng đứng giữa, nếu không còn là lực lượng thứ ba để làm nhiệm vụ hòa giải hòa hợp dân tộc thì hòa nhập vào đa số quần chúng thầm lặng.”


Trước khi rời Huế đi Sài Gòn, tôi hy vọng nhiều hơn khả năng hiệp định Paris được thi hành, mặc dù đã nghe, biết rất rõ  thành phần thứ nhất Nguyễn Văn Thiệu điên cuồng chiếm đất giành dân ở nhiều vùng nông thôn, đàn áp phong trào đấu tranh hòa bình và tự do dân chủ tại Sài Gòn và các tỉnh thành. Nhưng khi về Sài Gòn, được tin Ngô Kha bị bắt và mất tích, qua những câu chuyện nghe được tại hai quán cà phê Givral và La Pagode, qua những cuộc trò chuyện với Châu Phan tại căn phòng trọ trong quán bar 60 Hiền Vương, và mấy tháng nghe ngóng, quan sát, theo dõi các cuộc hội họp, mít tinh, biểu tình của các nhóm thuộc thành phần thứ ba ở Sài Gòn, qua báo chí và đài phát thanh, đặc biệt qua các cuộc trao đổi liên tục với bốn đệ tử của nhà sư Trí Quang (Trực, Minh, Tòng, Thái), tôi thấy vấn đề hòa giải hòa hòa hợp dân tộc vô cùng khó khăn, phức tạp. Theo nhận xét của tôi lúc bấy giờ : Các tổ chức xông xáo đấu tranh cho hòa bình, tự do, dân chủ, dân sinh như Tổ chức Nhân dân đấu tranh đòi thi hành hiệp định Paris của luật sư Trần Ngọc Liễng, Phong trào Dân tộc Tự Quyết của luật sư Nguyễn Long, Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống của bà Ngô Bá Thành và Ni sư Huỳnh Liên, nhóm Dương Văn Minh, nhóm các linh mục trí thức Công giáo Đối Diện, nhóm các Dân biểu, Nghị sĩ đối lập,…tất cả đều dựa trên căn bản pháp lý của hiệp định Paris mà tập hợp, hình thành các tổ chức, tổ chức các lễ ra mắt, các cuộc hội thảo, họp báo, ra tuyên bố, tuyên ngôn nói lên khát vọng hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc. Tất cả các nhóm đều qui tụ quanh nhóm Dương Văn Minh và đều trông chờ sự xuất hiện của nhóm Phật giáo Ấn Quang, mà theo họ là nhóm thuộc thành phần thứ ba chính danh có đông đảo quần chúng và quá trình đấu tranh cho hòa bình lâu dài nhất. Và chính vì sự xuất hiện của họ (nhóm Phật giáo Ấn Quang) trên vũ đài chính trị miền Nam qua các cuộc đấu tranh từ 1963 đến 1966 (và cả mấy năm về sau)  chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, chống Khánh – Kỳ – Thiệu quân phiệt trong quỹ đạo chiến tranh của Mỹ, mà hiệp định Paris mới thừa nhận : Có một thành phần thứ ba đứng ngoài hai phe tương tranh trong cuộc chiến ở Việt Nam, để rồi qui định vai trò, nhiệm vụ của nó qua điều 12a, 12b trong văn bản hiệp định Paris ký kết ngày 27.1.1973. Thế tuy nhiên, sau khi hiệp định được ban hành với sự giám sát của Uỷ hội Quốc tế, Phật giáo Ấn Quang vẫn im lặng. Động thái này gây hoang mang cho Phật tử và gây thắc mắc, hoài nghi cho các nhóm thứ ba mới hình thành.

Những giải thích của bốn đệ tử của nhà sư Trí Quang mà tôi đã ghi chép dưới hình thức cuộc phỏng vấn ở trên giúp tôi sáng tỏ thêm vấn đề : Hiệp định Paris nói cho cùng chỉ là giải pháp tình thế tạo điều kiện cho Mỹ rút lui, kết thúc cuộc chiến tranh của Mỹ, nhưng chưa kết thúc cuộc chiến tranh giữa hai phía Việt Nam. Một khi cả hai phía Việt Nam vẫn còn  muốn giải quyết cuộc xung đột bằng vũ lực thì thành phần thứ ba không thể xuất hiện để đảm nhiệm vai trò trung gian hòa giải hòa hợp dân tộc. Trong bối cảnh đó, nếu Phật giáo (Ấn Quang) phát động cuộc đấu tranh kêu đòi hòa bình, kêu đòi tự do dân chủ,…(theo pháp lý của hiệp định Paris) trong vùng kiểm soát của phe thứ nhất, thì chỉ làm lợi cho phe thứ hai. Như thế là Phật giáo tự đánh mất vai trò, nhiệm vụ thứ Ba của mình. Thì ra : Phật giáo không sợ phe thứ Nhất đàn áp, mà sợ phe thứ Hai cai trị. Tôi nhớ lại nhận định của bốn đệ tử của nhà sư Trí Quang (Trực, Tòng, Thái, Minh) trong những lần trao đổi trước : “ Tình thế này (hiệp định Paris – Mỹ rút lui) miền Bắc và Mặt trận chỉ cần làm một cuộc tổng tấn công đánh thẳng vào Sài Gòn như năm 1945 Đồng Minh đánh vào Berlin thì Thiệu sẽ bị tiêu diệt như Hiller đã bị tiêu diệt ”. Tôi rùng mình khi nghĩ đến một kết cục thế. Cái kết cục như thế tôi đã nói với Ngọc (Lê Công Cơ) hồi đầu năm 1973 khi tôi lên núi Truồi. Nhưng lần đó tôi không rùng mình, bởi tôi cũng như Ngọc đều nghĩ đến hai khả năng – hai giải pháp : chiến tranh và hòa bình, chớ không chỉ một khả năng – một giải pháp duy nhất là chiến tranh để hoàn tất cuộc kháng chiến là “ Ngụy nhào ”. Vả lại khái niệm chiến tranh của chúng tôi lúc bây giờ còn trừu tượng. Chúng tôi chỉ nghĩ đến chiến thắng mà không nghĩ đến cái giá của sự chiến thắng đó là sự chết chóc, thương tật của hàng chục, hàng trăm ngàn con người từ cả hai phía Việt Nam, và sự tàn phá những làng mạc, những thị trấn, những tỉnh lỵ, những thành phố trên toàn miền Nam, đặc biệt là Sài Gòn. Như thế là sự căm thù, chia rẽ, đổ vỡ dân tộc càng sâu nặng thêm, sự hủy hoại đất nước càng to lớn thêm, chứ không có hòa bình, hòa giải, hòa hợp dân tộc và sự phục hưng đất nước như mong ước của đại đa số nhân dân trong đó có tôi.

Nhận định của nhà sư Trí Quang và nhóm Phật giáo Ấn Quang (qua Trực, Tòng, Minh, Thái) về hiệp định Paris, về thành phần thứ ba, về tương lai của Việt Nam Cộng Hòa và Nguyễn Văn Thiệu, về thế tất thắng của miền Bắc và Mặt Trận, về tương lai của đất nước trong chế độ Cộng sản, về thái độ ngập ngừng và thận trọng của Phật giáo không làm tôi ngạc nhiên mà làm tôi lúng túng và cảm thấy khó khăn trong nhiệm vụ của mình : Nối kết các thành phần thứ ba từ Sài Gòn với Huế và các tỉnh miền Trung. Tôi nhớ lại cuộc trò chuyện của tôi và Ngô Kha trong đêm 26 (tháng 1.1973) ở An Cựu, tôi đọc lại thư anh Kha viết cho tôi trong ngày 28 (1.1973) (tôi nhận được mấy ngày  sau khi vào Sài Gòn), tôi nhớ lại những điều cụ già người Huế nói cùng tôi trong lòng chiếc máy bay vận tải C130 từ Đà Nẵng đi Biên Hòa mấy tháng trước, tôi vội vàng kết luận một cách thiển cận và hời hợt là người Huế cho dù người Huế đã ở Sài Gòn (như nhà sư Trí Quang) đã bi quan quá đáng, đã định kiến quá đáng về người Cộng sản vào thời điểm đó (giữa năm 1973). Tôi vẫn tin một cách ngu ngốc vào chính sách hòa giải hòa hợp của miền Bắc và Mặt Trận cho dù hiệp định Paris có thực hiện được hay không, cho dù giải pháp cuối cùng là một cuộc tổng tấn công. Theo tôi về cả hai phương diện : trí tuệ đích thực và tình yêu chân chính, đảng Cộng sản không thể bảo lưu quan điểm “ chính quyền trên đầu ngọn súng ”. Tôi khẳng định : “ cuộc chiến tranh nhân dân ” nhất định sẽ giải quyết bằng “ trí tuệ và tình thương nhân dân ”. Tôi đã say sưa nói với bốn đệ tử của nhà sư Trí Quang như thế. Tôi nhắc lại lời nhận định của ông mà tôi đã nghe chị bác sĩ Phạm thị Xuân Quế nói lại “ Cộng sản mà như Cộng sản Việt Nam, Phật giáo mà như Phật giáo Việt Nam…”.

Tôi ở chỗ Châu Phan khoảng ba tháng. Đầu tháng 7 Huỳnh Văn Tòng rủ tôi về nhà anh ở xóm Gà trên đường Ngô Tùng Châu (sau này là Nguyễn Văn Đậu) Gia Định. Huỳnh Văn Tòng ở một mình trong căn nhà khá rộng, có cả sân, trong một con hẻm yên tĩnh, nên tôi có được những ngày thoải mái, và những đêm vô cùng thú vị với những cuộc trò chuyện tay đôi. Tòng kể về những năm học bên Pháp, đặc biệt là chuyến đi vòng quanh thế giới trong thời gian sáu tháng sau khi tốt nghiệp tiến sĩ về lịch sử báo chí Việt Nam. Chuyến đi do một cơ quan văn hóa quốc tế nào đó (Tòng nói, tôi đã quên) bảo trợ nhằm giúp Tòng tiếp cận các cơ sở báo chí danh tiếng trên thế giới. Tiếp cận báo chí thế giới, ngoài lãnh vực chuyên môn : báo chí, Huỳnh Văn Tòng, mặc nhiên biết thái độ của báo chí, dư luận của quần chúng các quốc gia anh đi qua về cuộc chiến tranh ở Việt Nam : Tất cả đều lên án Mỹ xâm lược và ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam. Huỳnh Văn Tòng cảm thấy xấu hổ. Là người Viêt Nam, từ lâu anh đã đứng ngoài cuộc. Do vậy, Tòng nói tiếp : “ Khi về lại tổ quốc, mình muốn liên lạc với Mặt Trận. Khi nghe Nguyễn Hữu Thái nói và đề nghị của ông Chu Sơn, mình không do dự. Mình nôn nóng muốn làm cái gì đó để chấm dứt mặc cảm đứng ngoài, vô trách nhiệm. Ở các giảng đường đại học, mình dạy báo chí, nên dễ dàng lồng quan điểm của mình về cuộc chiến tranh trong các bài giảng, nhưng mình vẫn muốn hành động trực tiếp và cụ thể. Mình không hiểu tại sao các vị lớn tuổi như thầy Trí Quang và thầy Hồ Hữu Tường đều ngập ngừng, thận trọng.”

Huỳnh Văn Tòng, ngoài chiếc vespa thường dùng để đi dạy, còn có cả một chiếc ô tô nhỏ (La Đalat) và một chiếc xe đạp. Những giờ rảnh rổi anh chở tôi đi đó đi đây, hoặc tôi có thể mượn xe đạp rong ruổi một mình. Tôi tiếp cận gần hết các tổ chức thuộc thành phần thứ ba chung quanh nhóm Dương Văn Minh. Nhưng khối Phật giáo Ấn Quang thì tôi chỉ biết quan điểm lập trường của họ qua các anh Thái, Tòng, Minh, Trực là bốn đệ tử của nhà sư Trí Quang. Cũng như tôi, các anh Thái, Tòng, Minh, Trực, và Phật tử ở các giáo hội địa phương đều nóng lòng muốn Phật giáo đứng ra, nhưng các vị lãnh đạo chóp bu vẫn chưa có hiệu lệnh.

Một ngày vào cuối năm 1973, do sự sắp xếp của ai đó trong các anh Trực, Minh, Thái, Tòng, tôi đến chùa Già Lam xin gặp nhà sư Thích Trí Thủ, người vừa mới được giáo hội (Ấn Quang) đề cử chức Viện trưởng viện Hóa Đạo. Ý của các anh là chúng tôi vừa vận động trực tiếp, vừa vận động vòng. Tôi chưa gặp nhà sư Thích Trí Thủ bao giờ, nhưng đã biết nhiều về ông qua báo chí, qua các thủ lãnh Phật tử đấu tranh bạn tôi, và đặc biệt qua nhà sư Thích Đức Tâm ở Huế là đệ tử ruột của ông. Từ nhà Huỳnh Văn Tòng đến chùa Già Lam không xa, tôi đạp xe mấy phút. 9 giờ sáng tôi đã có mặt tại phòng đợi (ở ngoài phòng khách). Tôi chờ mất hơn một giờ. Đến trước tôi còn có hai người khách. Khoảng 10 giờ, nhà sư trực ở phòng đợi đưa tôi đi dọc hành lang đến một cái hiên rộng ba mặt trông ra vườn cây. Tại đây đã kê sẵn một cái bàn nhỏ, một cái ghế xích đu ở bên này và một cái ghế dựa ở bên kia. Trên bàn đã để sẵn một bình trà và hai cái tách. Nhà sư trẻ mời tôi ngồi chờ. Tôi chưa kịp ngồi thì một nhà sư già khoác y vàng, mặt mày phương phi, mắt rất sáng, đẹp một cách phúc hậu đi tới. Ông bảo tôi ngồi, rồi nằm xuống trên ghế xích đu. Ông nói xin lỗi, ông phải ngả lưng vì đã ngồi tiếp khách từ 8 giờ. Ông nói không tiếp tôi ở phòng khách vì phòng khách có đến “ bốn vách tường ” và có nhiều bàn ghế, tủ, quạt quay vù vù. Ông nói ông đã biết tôi là ai và từ Huế vào, lại là chỗ quen biết của thầy Đức Tâm. Ông bảo tôi nói lại những điều đã nói với các đệ tử của thầy Trí Quang.

Được nhà sư cho phép. Tôi trình bày các ý kiến của mình. Ông giải đáp. Sau đây tôi ghi chép lại cuộc chuyện trò giữa tôi và ông như một cuộc phỏng vấn. Tôi (Chu Sơn) hỏi và Hòa thượng Thích Trí Thủ  (HT T.T.T) trả lời.


CS : “ Thưa Hòa thượng, từ 1963 đến khi hiệp định Paris được công bố, ở trong cũng như ở ngoài nước, Phật giáo luôn khẳng định mình thuộc thành phần thứ ba. Từ 27 tháng 1 đến bây giờ (cuối tháng 12. 1973), sao không thấy Phật giáo hoạt động gì cả ; trong khi đó, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa mặc sức phá hoại hiệp định Paris ?

HT T.T.T : “ Mình đã nghe câu hỏi như thế nhiều lần từ 9 tháng nay. Người trong giáo hội hỏi. Phật tử hỏi. Người ngoài giáo hội hỏi. Mà người ngoài giáo hội thì chắc chắn không chỉ đến từ một địa chỉ duy nhất. Mình đã biết anh là ai, mình xem anh là bạn của Phật giáo. Những giải đáp sau đây của mình dành cho một người bạn. Hỏi như thế, anh chứng tỏ chưa biết hết và biết sâu nội tình của Giáo hội Phật giáo, và anh cũng chưa biết từ đầu năm (1973) đến lúc này, giáo hội đã làm gì. Nhà sư Thích Trí Thủ nói tiếp :

“ Phật giáo ở trong đất nước, Phật tử là một bộ phận của dân tộc. Đất nước bị xâm lược, áp chế bởi các thế lực từ bên ngoài ; dân tộc xâu xé, xung đột, chia rẽ, giết chóc nhau bởi khác biệt quyền lợi và ý thức hệ từ bên trong ; Phật giáo ở ngoài hai phe lâm chiến, nhưng không thể không bị tác động. Năm 1963 Phật giáo phát động cuộc đấu tranh vì mục tiêu tự do và bình đẳng tôn giáo. Hai năm 1965 – 1966 Phật giáo phát động cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân chủ, quyền dân tộc tự quyết và hòa bình. Từ 1967, năm nào đến mùa Phật đản, viện Tăng Thống cũng ra thông bạch kêu gọi hòa bình. Hai phe lâm chiến, đặc biệt là Mỹ và miền Bắc biết rõ cuộc chiến tranh mà họ chủ động không có sự đồng tình của một bộ phận quần chúng đông đảo trong đó có Phật giáo, nên trong hiệp định Paris có điều 12a, 12b. Điều 12a, 12b ghi nhận : Ngay sau khi ngừng bắn, hai chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam lập tức hiệp thương, hình thành Hội đồng Hòa giải và Hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau. Hội Đồng thúc đẩy hai phe lâm chiến nghiêm chỉnh thi hành hiệp định Paris, xúc tiến hòa hợp hòa giải dân tộc, tổ chức tổng tuyển cử tự do dân chủ để bầu ra một chính quyền hợp nhất đại diện cho đại đa số nhân dân miền Nam…

Như thế là cả Mỹ, miền Bắc và hai chính phủ đương quyền tại miền Nam, qua văn bản hiệp định Paris, công khai công nhận có thành phần thứ ba trong sinh hoạt chính trị tại miền Nam.

Nhận định của Phật giáo về hiệp định Paris, về điều 12a, 12b như sau :

Hiệp định hoàn toàn có lợi cho miền Bắc và Mặt Trận. Mục tiêu của miền Bắc và Mặt Trận khi tiến hành cuộc kháng chiến lần thứ hai là : “ đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào ”. Nay thì Mỹ đã rút, và Việt Nam Cộng Hòa ngày càng lâm vào tình thế bế tắc : Thi hành hiệp định Paris thì thua không danh dự, mà phá bỏ hiệp định Paris, tiếp tục chiến tranh thì bại trong nhục nhã. Việt Nam Cộng Hòa hy vọng Mỹ quay trở lại để trừng phạt bên kia là hão huyền. Mỹ đã một đi thì không trở lại.

Nhưng Nguyễn Văn Thiệu và Việt Nam Cộng Hòa vẫn nuôi hy vọng hão huyền, quyết phá bỏ hiệp định Paris. Ở nông thôn thì lấn đất giành dân. Ở thành thị thì độc tài, đàn áp và tham nhũng. Nguyễn Văn Thiệu và phe cánh của ông ta không chỉ là kẻ tử thù của phía bên kia, mà quay lưng lại với đa số nhân dân trong đó có một bộ phận quần chúng đã từng là hậu thuẫn truyền thống : Một số trong những người Thiên Chúa giáo. Nguyễn Văn Thiệu và phe của ông cho rằng những người thuộc thành phần thứ ba đều là tay sai của Cộng sản. Những người tự nhận mình là thành phần thứ ba cũng mơ mộng hão huyền : Sẽ được hai phe lâm chiến chấp nhận là thành phần thứ ba, sẽ được mời vào Hội đồng Quốc gia Hòa giải Hòa hợp dân tộc…, sẽ… , sẽ…, như điều 12a, 12b của hiệp định Paris ghi nhận. Một khi thành phần thứ ba được hai phe lâm chiến hoặc một thế lực bên ngoài thừa nhận và đề cử thì thành phần thứ ba không còn chính danh nữa, mà là thứ nhất trá hình hay thứ hai trá hình. Phật giáo đã đấu tranh hàng chục năm, đã chịu chết chóc, tra tấn, tù đày, thậm chí đã hàng mấy chục người tự thiêu là để không làm một thứ trá hình nào hết.  Tự do, dân chủ và hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc là những mục tiêu mà Phật giáo nhắm tới. Trước đây, bây giờ sau này cũng vậy…”

Chu Sơn : “ Từ ngày hiệp định Paris ký kết và được công bố trong nước cũng như quốc tế, đã có Ủy ban kiểm soát đình chiến hoạt động tại Việt Nam, hai bên Mỹ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cũng đã ký thêm những nghị định thư, nhưng chiến tranh vẫn tiếp diễn, tự do dân chủ và đời sống của nhân dân không được tôn trọng, sao Phật giáo không đứng ra…?

H.T TTT: “- Bản chất phong trào Phật giáo là phong trào quần chúng, vừa có mục tiêu trước mắt, vừa có mục tiêu lâu dài.

Mục đích trước mắt là mục đích chung của cả dân tộc là tự do, dân chủ, độc lập, hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc. Mục tiêu lâu dài của giáo hội Phật giáo là đem giáo pháp của Đức Phật truyền bá khắp nhân gian (dân tộc và nhân loại). Mà phong trào quần chúng bao giờ cũng có ba bộ phận : một là bộ phận chóp bu – những người lãnh đạo, hai là bộ phận cán bộ –  những người tổ chức, ba là quần chúng – những người thực hiện. Nay thì bộ phận chóp bu và quần chúng vẫn còn đó, nhưng bộ phận cán bộ thì đã bị đánh phá hủy hoại qua các cuộc đấu tranh : Một số bị giết chóc, một số bị bắt bớ tù đày, một số bị bắt đi lính, bị vô hiệu hóa, một số trốn tránh “ sống ngoài vòng pháp luật ”, một số chạy ra chiến khu ; các tổ chức nòng cốt như Gia đình Phật tử, Đoàn Sinh viên, Thanh niên Phật tử, tiểu thương Phật tử,… chỉ tồn tại trên danh nghĩa vì không có người hướng dẫn. Đó là chưa nói đến tình trạng phân liệt trong hàng ngũ chóp bu. Hai vị chóp bu trở thành thần tượng của quần chúng Phật tử trong các phong trào 63 – 66 là Trí Quang và Thiện Minh đều e ngại ý thức hệ Cộng sản, đều cho rằng Cộng sản sẽ không để cho tôn giáo tự do tồn tại, đặc biệt Phật giáo đã có quá trình đấu tranh dân chủ. Mức độ e ngại ý thức hệ và guồng máy cai trị Công sản của hai thầy Trí Quang và Thiện Minh khác nhau, nên mỗi vị có một chủ trương riêng. Thầy Trí Quang thì kiên trì mục tiêu hòa giải hòa hợp dân tộc. Thầy Thiện Minh thì kiên trì đấu tranh dân chủ lâu dài (kể cả trong chế độ Cộng sản).

C.S : “ – Nhưng giáo hội không phải là giáo hội thống nhất sao ?

Hòa thượng Thích Trí Thủ nhìn tôi với ánh mắt nhân từ, bao dung. Ông nói :

“– Giáo hội Phật giáo không như giáo hội Thiên Chúa giáo, càng không phải là một đảng chính trị như đảng Cộng sản. Giáo hội Phật giáo không phải là guồng máy quyền lực tuyệt đối. Bản chất Phật giáo là tự do, quan hệ trong giáo hội là thầy trò, huynh đệ. Ngay như đức Phật Thích Ca cũng chỉ là vị Thầy tôn kính của tu sĩ các cấp và Phật tử, chứ không phải là thần thánh. Vả lại, sự chọn lựa chính trị của thầy Trí Quang, thầy Thiện Minh đối với chúng tôi là những khác biệt  nhỏ và nhất thời chứ không phải là khác biệt to lớn và lâu dài. Bản thân tôi và tất cả phật tử cũng ước mơ dân tộc hòa giải hòa hợp, nhân dân ấm no, tự do, hạnh phúc, đất nước hòa bình để có điều kiện xây dựng lại trên điêu tàn và đổ nát. Từ sau ngày hiệp định Paris được công bố, giáo hội đã làm rất nhiều việc chứ không phải bất động như anh và nhiều người nhận định : Hai viện Tăng Thống và Hóa Đạo sắp xếp nhân sự và củng cố lại tổ chức, thành lập Ủy ban Phật giáo vận động phóng thích tù nhân, đấu tranh trực diện với chính quyền đòi trả tự do cho tù nhân Phật tử được trả tự do tại Sài Gòn chứ không phải là Lộc Ninh, phục hồi các tổ chức Gia đình Phật tử, Sinh viên Phật tử, Thanh niên phật tử là lực lượng nòng cốt của tất cả các cuộc đấu tranh trước đây cũng như sau này, thành lập Ủy ban Phật giáo tái thiết và cứu trợ, thành lập Tổng vụ Hoàng pháp mới…


CS : “ Thưa Hòa thượng, do Tổng thống Thiệu tiếp tục đường lối hiếu chiến, bất chấp hiệp định Paris, Hà Nội cương quyết đòi Mỹ loại bỏ Thiệu, các nhóm thứ ba ở Sài Gòn vận động để Mỹ ủng hộ Dương Văn Minh thay Thiệu làm người đứng đầu của thành phần thứ nhất. Dư luận thế giới cũng lên án Thiệu và nghiêng về phía Dương Văn Minh. Trước tình hình đó, Mỹ phân vân giữa Thiệu và Dương Văn Minh : Ai có thể giúp Mỹ rút lui “ trong danh dự ” ? Năm 1963, sau đảo chánh Diệm, Dương Văn Minh cầm quyền, có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc Thượng tọa Trí Quang (Phật giáo) không mặn mà với Dương Văn Minh, nên Dương Văn Minh bị Mỹ loại. Hiện tại lực lượng thứ nhất chia rẽ nghiêm trọng (một bộ phận trong giáo hội công giáo bỏ Thiệu để sắm sửa vai trò thứ ba, thậm chí còn có một bộ phận khác chống Mỹ - Thiệu triệt để, sẵn sàng thỏa hiệp với Cộng sản). Thành phần thứ ba cũng như miền Bắc và Mặt Trận quyết không hòa giải với Nguyễn Văn Thiệu, nếu Phật giáo liên kết với Dương Văn Minh, hoàn toàn có khả năng Nguyễn Văn Thiệu bị loại. Nguyễn Văn Thiệu bị loại, Dương Văn Minh đứng đầu lực lượng thứ nhất, tình thế có thể diễn ra một trong hai khả năng : Hoặc là hiệp định Paris được thi hành, chiến tranh lập tức bị đình chỉ, hòa bình được tái lập, điều 12a, 12b, nhanh chóng được thực hiện, Hội đồng Quốc gia Hòa giải – Hòa hợp được thành lập, vấn đề chính trị tại miền Nam do ba thành phần ngang nhau và nhất trí cùng giải quyết trong tương nhượng và hòa bình. Hoặc là cuộc tổng tấn công không thể dừng lại của quân miền Bắc, dưới sự cầm quyền của Dương Văn Minh quân đội của thành phần thứ nhất (VNCH) sẽ không kháng cự mãnh liệt, thậm chí sẽ tan rã, chiến tranh sẽ kết thúc nhanh chóng, sự chết chóc và tàn phá sẽ giảm  rất nhiều. Hằng trăm ngàn sinh mạng sẽ được cứu thoát, các thị trấn, thành phố, đặc biệt là Sài Gòn không bị san bằng. Đất nước sẽ hòa bình trong chế độ Cộng sản. Vấn đề hòa hợp hòa giải dân tộc vẫn còn là sự nghiệp lâu dài trong chế độ Cộng sản. Thưa Hòa thượng, có phải Ngài Trí Quang đã từng đưa ra nhận định vào một thời điểm nào đó trước đây : “ Cộng sản mà như Cộng sản Việt Nam, Phật giáo mà như Phật giáo Việt Nam ?…”.

H.T T.T T. (nhìn tôi với ánh mắt xa xăm đầy thương cảm, không trả lời trực tiếp câu hỏi của tôi, ông chuyển dịch đề tài) : Mình sinh ra giữa thời buổi nhiễu nhương. Sau này đọc sử mình mới biết : Đất nước bị xâm lược, dân tộc bị nô lệ, xâu xé chia lìa, chết chóc, tù đày, sưu cao thuế nặng, đói nghèo, ngu dốt, nhà tan cửa nát, đạo lý suy đồi. Đạo Phật và làng Bích La của  mình chịu chung cái số phận bi thương ấy của đất nước – dân tộc.

“ Mới lên 5, mình phải lìa bỏ gia đình, theo người lạ vào Huế, thay đổi y phục, cạo đầu để chỏm làm điệu ở chùa nhà Thái Văn Toản. Cha mẹ mình đứt ruột bán con vì gia cảnh lâm vào tình thế cùng quẫn. Lúc bấy giờ ở Huế ngoắc ngoải tồn tại hai loại chùa truyền thống là chùa Tổ và chùa Vua. Nhưng chùa tư thì đua nhau phát triển. Chùa tư là chùa của các đại gia (ông hoàng bà chúa, quan lại, hay thương nhân giàu có). Một số đại gia chán ngán sự đời, tìm thầy học đạo và làm chùa để ăn năn sám hối, truy tìm con đường giải thoát khỏi chốn trầm luân bể khổ. Một số khác làm chùa cầu tự, cầu phước, cầu giàu sang phú quí. Loại chùa tư thứ nhất, gia chủ sau một thời gian học đạo với một đại sư ở một chùa tổ hoặc chùa Vua nào đó, trở thành thầy tu chân chính, trở về nhà gom góp tiền bạc của cải xây một cái chùa riêng và trở thành nhà sư trù trì ngôi chùa do chính gia đình mình tạo lập. Sư ông Viên Giác và chùa Ba La Mật của gia đình Nguyễn Khoa, Sư bà Diệu Không và chùa Hồng Ân của dòng họ Hồ Đắc thành danh ở Huế đã trải qua một quá trình như thế. Loại chùa tư thứ hai : Gia chủ bỏ công của mua đất xây chùa, mời một nhà sư đã qua tu học ở một chùa Tổ hay chùa Vua nào đó về trù trì vừa lo Phật sự vừa lo việc cúng kiến kỵ giỗ, cầu phúc, cầu tự, cầu an, cầu siêu cho gia đình mình. Cả hai loại chùa Tư trên rất cần những tiểu đồng giúp việc và đào tạo thành nhà sư thuần thục Phật sự và lo việc báo hiếu cho gia chủ. Ở Huế vào thời điểm đó phổ biến câu ca dao : Ngó lên trên trời thấy cặp cu đang đá / Ngó xuống dưới biển thấy cặp cá đang đua / Anh lui về lập miểu thờ vua / Xây lăng thờ mẹ, làm chùa thờ cha. Câu cuối của bài ca dao này mô tả loại chùa tư thứ hai như mình đã nói ở trên. Loại chùa thứ hai này tùy theo đạo tâm của gia chủ và sư trù trì mà chùa biến thành chốn thiền lâm rao truyền chánh pháp (Như chùa Trúc Lâm của dòng Hồ Đắc), hoặc biến thành nơi buôn thần bán phật, bày đặt hàng chục thứ lễ cúng mê tín dị đoan bại hoại thuần phong mỹ tục.

Mình làm điệu ở chùa nhà Thái Văn Toản vài năm, ông bà gởi mình qua chùa Hải Đức để được học hành (chữ Hán) và tu tập nghiêm túc hầu sau này trở về xây dựng chùa đại gia họ Thái giống như các chùa Ba La Mật, Trúc Lâm uy nghiêm và sáng đạo. Lúc đầu mình đến chùa để no cái bụng, nhưng càng ngày cái trí, cái tâm của mình quen dần với chữ nghĩa (chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ) và đạo pháp. Mình học hành và tu tập tấn tới, thực hành các lời daỵ của sư phụ, sư huynh đầy đủ, giữ giới cẩn mật và lao tác siêng năng cần cù. Mình tìm thấy niềm vui trong vai trò của một “ chú tiểu học Phật ”. Cha mạ mình mỗi lần vào thăm không còn ân hận đã bán con. Sư phụ, sư bá, sư thúc, các sư huynh đệ và phật tử chùa Hải Đức thương yêu đùm bọc và tin tưởng mình. Năm 16 tuổi, cuộc đời học đạo của mình có một biến chuyển lớn nhân chuyến viếng thăm của đại sư Viên Thành. Đại sư Viên Thành là hậu duệ của vua Gia Long, sinh ra và lớn lên tại Quảng Trị trong cảnh nước mất nhà tan, đói nghèo cùng quẫn. Tư chất thông minh, là bậc trưởng giả, do một cơ duyên nào đó Ngài đến chốn thiền môn, học Phật với tôn sư Viên Giác, trở thành vị thiền sư đạo cao đức trọng, không chỉ uyên thâm Phật pháp, thực hành giới luật nghiêm minh, mà còn là một người rất giỏi Nho học và là một thi sĩ tài danh. Chùa Tra Am do ngài sáng lập dù ở nơi hẻo lánh, lại xa kinh kỳ, nhưng chẳng bao lâu trở thành địa chỉ viếng thăm của nhiều bậc cao tăng cùng những văn nhân thi sĩ xa gần. Hôm ngài thăm chùa Hải Đức, mình là điệu hầu trà. Chẳng biết vì lý do gì, quá trình điều đình giữa ngài với chùa Hải Đức và ông bà Thái Văn Toản ra sao, gần một năm mình rời chùa Hải Đức đến chùa Tra Am để làm đệ tử của ngài Viên Thành. Mình quả là có thiện duyên gặp Thầy, gặp Phật… Mà Phật là gì ? Theo những gì mình kết tập : là con đường thoát khổ cho chính mình, cho đồng bào, đồng loại và cả chúng sinh. Trước mắt, cái khổ đó do chiến tranh, thù hận, chết chóc, đói nghèo triền miên. Quê mình là Quảng Trị, vùng đất của những cuộc giao tranh kéo dài gần một trăm năm. Cần Vương, Chống Thuế, Duy Tân (cuộc nổi dậy do vua Duy Tân đứng đầu, Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo – CS), tố Cộng, diệt Cộng, Mậu Thân và đặc biệt những cuộc càn qua quét lại của hàng triệu tấn bom đạn từ cả hai phía trong các năm 68, 69, 70, 71, 72 và mãi đến giờ phút này. Bom đạn từ cả hai phía, người chết cũng từ cả hai phía, và nhân dân thì hứng chịu tất cả. Hành động của Phật giáo lúc này không phải là thắng thua cho phe phía nào, mà phải khẩn thiết làm giảm nhẹ được chừng nào hay chừng đó sự chết chóc, đau thương và hận thù trong lòng dân tộc. Cơ hội hòa giải của thầy Trí Quang đã qua vì hiệp định Paris đã và đang bị phá bỏ, hoặc chưa đến. Mục tiêu tự do dân chủ của thầy Thiện Minh vô cùng chính đáng, nhưng trong một tương lai gần là không thực tế. Nhân dân cần được sống trong hòa bình, đất nước cần được thống nhất, vết thương chiến tranh cần được hàn gắn và chế độ xã hội chủ nghĩa chẳng đặng đừng cần được ổn định trong một thời gian sớm hay muộn tùy thuộc vào cái tâm, cái trí, bản lãnh, tầm nhìn của người nắm trong tay mọi quyền lực, và cũng tùy thuộc vào cái trí, cái tâm, cái dũng của nhân dân cùng tác động của cộng đồng thế giới. Đào sâu thì nhọc lấp. Đất nước bị xâm lược hơn một thế kỷ, nội chiến cũng đã tiếp liền theo. Không chỉ ngày nay mới có xung đột Quốc – Cộng mà nhiều trăm năm trước đã có mâu thuẫn và xung đột Giáo – Lương, Việt gian – ái quốc. Hòa giải và hòa hợp dân tộc không thể thực hiện được ngày một ngày hai như mong ước của nhiều người. Phật giáo quan niệm vạn vật và xã hội loài người tồn tại trong những tương quan. Cái tương quan tự do dân chủ và “ Phật giáo chủ nghĩa xã hội ” theo quan niệm của thầy Thiện Minh sẽ là kết quả của một cuộc vận động khác dài lâu hơn để cùng chuyển hóa các mối quan hệ trong sự phát triển toàn diện và hài hòa của cả dân tộc và nhân loại. Trước mắt và trong một tương lai gần, giáo hội đã đình chỉ hết mọi chức vụ và trách nhiệm của thầy Thiện Minh, thầy Huyền Quang để tránh những ngộ nhận không cần thiết về phía chính quyền cách mạng một khi chiến tranh chấm dứt và hòa bình mới được tái lập từ bạo lực của một phía. Người Mỹ đã ra đi, Một, Hai, Ba gì cũng là thịt da, máu xương của một Việt Nam. Anh yên chí, thầy Trí Quang là người thực hành Phật pháp chân chính, thầy chủ trương hòa giải để cứu người, chắc thầy sẽ chẳng khó khăn gì để nhận ra rằng xích lại gần Dương Văn Minh, đứng chung ngọn cờ của phe thứ nhất là hành động cứu người cấp thiết nhất trong tình thế một cuộc tổng tấn công nhất định sẽ tiến hành từ phe thứ hai. Mình cũng là người thực hành Phật pháp, giả định rằng mình có gần gũi phe thứ hai cũng chỉ để cứu người chứ tuyệt nhiên không vì một động cơ nào khác…”

Cuộc vận động của chúng tôi với nhà sư Thích Trí Quang đến giữa năm 1974 mới có kết quả. Nguyễn Hữu Thái đến báo là “ Thầy đã chịu liên kết với Dương Văn Minh với điều kiện Phật giáo (Ấn Quang – Chu Sơn) sẽ hình thành Lực Lượng Hòa Giải Dân Tộc ”. Vai trò của Nguyễn Hữu Thái lúc này là gạch nối giữa nhóm Dương Văn Minh và nhà sư Trí Quang. Nguyễn Hữu Thái quen thân với Lý Quí Chung, mà Lý Quí Chung xem như là phát ngôn viên của nhóm Dương Văn Minh. Chính Lý Quí Chung trong nhiều tháng đã nói với Nguyễn Hữu Thái về sự cần thiết của sự liên kết giữa nhóm Dương Văn Minh và Phật giáo. “ Có như thế nhóm Dương Văn Minh mới có được hậu thuẫn rộng rãi và mạnh mẽ của quần chúng nhằm thuyết phục Mỹ thay thế Thiệu ”. Lý Quí Chung nói như thế.

Theo sự sắp xếp của Nguyễn Hữu Thái, Lý Quí Chung đến Ấn Quang tiếp kiến “ Thầy ” để chuẩn bị cho cuộc gặp chính thức của hai nhân vật Thích Trí Quang và Dương văn Minh.

Trong Hồi Ký Không Tên, Lý Quí Chung viết:

“…nhóm (Dương Văn Minh – CS) còn tìm cách giành cho được sự tán đồng công khai của Thượng Tọa Thích Trí Quang, người có ảnh hưởng chánh trị lớn nhất của Phật giáo Ấn Quang. Tôi nhận nhiệm vụ riêng của ông Dương Văn Minh đi liên lạc với Thượng tọa Thích Trí Quang. Tôi là người thuận lợi nhất làm việc này vì trước đó tôi đã thiết lập được mối quan hệ cá nhân khá tốt với thượng tọa”.(Hồi ký không tên, trang 303).

Sự liên kết chính thức giữa tướng Minh và thượng tọa Trí Quang diễn ra trong năm 1974. Khi tôi đặt thẳng vấn đề ông Dương Văn Minh mong muốn có sự ủng hộ công khai của thượng tọa trong một chủ trương đấu tranh cho hòa bình, hòa giải hòa hợp dân tộc và trước hết là thay đổi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, thì thượng tọa Thích Trí Quang trầm ngâm một lúc. Sau đó thượng tọa chậm rãi nói : “ Ông Minh không phải là người làm chính trị sắc bén. Nhưng ông là người cần thiết lúc này, trao cho ông ngọn cờ tập hợp cũng được ”. Cách nói của thượng tọa Trí Quang cho thấy việc lựa chọn ông Minh cầm ngọn cờ tập hợp để góp phần lật đổ chính phủ Thiệu chưa phải là hoàn toàn ưng ý mà là một giải pháp tình thế, một lựa chọn tương đối tốt nhất bấy giờ. Tôi đề nghị tiếp : Ông Dương Văn Minh sẽ chính thức đến thăm thượng tọa tại chùa Ấn Quang và sau đó thượng tọa đến dinh Hoa Lan thăm xã giao trở lại ông Minh, như thế sự liên kết được chính thức hóa và công khai hóa. Sau mỗi cuộc gặp, sẽ có một thông cáo báo chí được cả ông Minh và thượng tọa thông qua.

Dĩ nhiên cuộc viếng thăm thượng tọa Trí Quang của ông Minh tại chùa Ấn Quang với sự có mặt của báo chí và truyền hình nước ngoài là sự kiện bất ngờ và gây tiếng vang. Mọi người dự đoán chính trường Sài Gòn sắp có một chuyển động lớn. Qua hôm sau trung tướng Dương Văn Minh tiếp thượng tọa tại Dinh Hoa Lan của mình. Báo chí cũng được báo tin vào giờ chót sự kiện này.

Cả hai người đều rất hài lòng về các cuộc tiếp xúc này, và họ tỏ ra rất tương kính nhau. Trước đây ông Minh chưa hề gặp và nói chuyện với thượng tọa Trí Quang. Qua hai lần tiếp xúc đầu tiên, ông Minh dành nhiều cảm tình và sự kính trọng cho bậc cao tăng này. Sự kiện thượng tọa Trí Quang đến dinh Hoa Lan rõ ràng làm tăng uy thế chính trị của ông Minh.

Đúng theo yêu cầu của thượng tọa Trí Quang, hai thông cáo báo chí do tôi thảo đều được đưa cho thượng tọa xem trước và tự tay thượng tọa chỉnh lại những câu chữ theo ý ông. (Hồi Ký Không Tên trang 305, 306).

Việc nhà sư  Trí Quang và Phật giáo Ấn Quang công khai liên kết với nhóm Dương Văn Minh làm cho thế lực nhóm này mạnh lên, các nhóm thứ ba khác, đặc biệt là nhóm Đối Diện và nhóm các dân biểu đối lập phấn chấn hẳn lên. Các giáo hội Phật giáo miền Trung từ Quảng Trị,Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi, Bình Định, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, Đà Lạt, Lâm Đồng, Ban Mê Thuột, Kon Tum, Pleku Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương,  Mỹ Tho, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Sa Đét… hoạt động sôi nổi trở lại. Phong trào đô thị của Mặt Trận lại có một chỗ dựa để tiếp tục nêu cao ngọn cờ Phật giáo, đẩy mạnh ngòi pháo sinh viên. Ở Huế trung tâm Liễu Quán do nhà sư Thích Đức Tâm điều khiển đã trở thành tụ điểm của nhóm Văn Sử. Tổng hội sinh viên Huế, tổng hội sinh viên Vạn Hạnh, các tổng đoàn Thanh niên học sinh, các tổ chức nhà giáo, văn nghệ sĩ trí thức yêu nước các tỉnh lại “ tưng bừng xông xáo ” hoạt động trở lại hơn cả hồi 1965 – 1966. Tôi ngồi sau xe Honda của linh mục Nguyễn Văn Bính xuống đến Mỹ Tho, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sa Đéc… thay linh mục Nguyễn Ngọc Lan thăm viếng các chùa, tu viện, trường Bồ Đề ở các địa phương trên theo lời mời của các vị trú trì, tu viện trưởng, hiệu trưởng sở tại. Linh mục Nguyễn Ngọc Lan, từ 1967, được các tăng ni, phật tử đấu tranh và anh em trong phong trào đô thị quý trọng, thường gọi ông là “ Cha Lan ” một cách triu mến, tin tưởng. Trái lại, Nguyễn Ngọc Lan và các linh mục, tu sĩ, trí thức và sinh viên Công giáo cấp tiến bị các đồng nghiệp, giáo dân chống Cộng bêu riếu miệt thị và xem các vị là những cái gai trong mắt. Lúc bấy giờ Công giáo (Đối Diện), Phật giáo (Ấn Quang) và người của phong trào đô thị biết nhau cả và coi nhau như anh em một nhà.

Tôi đi xe đạp ; ngồi xe honda, xe vespa, xe hơi con của bạn đi khắp Sài Gòn. Tôi đi xe đò, ngồi máy bay quân sự của không lực Việt Nam Cộng Hòa, ngồi máy bay dân sự của Air Việt Nam đi Đà Lạt, đi Nha Trang, Đà Nẵng, Huế. Lê Công Cơ (Ngọc) từ Huế vào Đà Nẵng đi máy bay vào Sài Gòn. Tôi sắp  xếp Lê Công Cơ gặp Nguyễn Hữu Thái và Huỳnh Văn Tòng tại phòng trọ của Châu Phan trên đường Hiền Vương, gặp các linh mục Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan,… tại nhà thờ Chúa Cứu Thế ở số 38 Kỳ Đồng, gặp luật sư Trần Ngọc Liễng chủ tịch Tổ chức Nhân dân đấu tranh đòi thi hành hiêp định Paris tại nhà ông số 123 đường Phan Thanh Giảng (sau 1975 đổi thành  Điện Biên Phủ), gặp luật sư Nguyễn Long chủ tịch Phong trào Dân tộc Tự Quyết ở văn phòng luật số 40c đường Gia Long… Chưa bao giờ chúng tôi có được những ngày anh em bạn bè thân thiết đến thế : Ở Đà Lạt có Đoàn Đại Oanh, Trần Hữu Lục, Thích Thanh Phương, Nguyễn thị Kim Hoa, Lê Thị Quyền…Ở Nha Trang có Nguyễn Huy Hoàng, Vĩnh Thọ, Vĩnh Lộc…Ở Đà Nẵng có Vĩnh Linh, Vĩnh Toàn, Nguyễn Phúc, Đông Trình… Ở Hội An có Sử Chánh Quân, Huỳnh Sơn Kỳ… Ở Sài Gòn, qua Huỳnh Văn Tòng tôi tiếp cận luật sư Trần Ngọc Liểng và Tổ chức Nhân dân đấu tranh đòi thi hành hiêp định Paris, gặp nhà văn – giáo sư Hồ Hữu Tường và nhiều giáo sư ở Đại học Vạn Hạnh. Qua linh mục Nguyễn Ngọc Lan và văn phòng báo Đối Diện tôi gặp và quen biết hầu hết các linh mục, tu sĩ, trí thức, nhà văn, sinh viên Công giáo cấp tiến. (tôi sẽ trở lại câu chuyện người Công giáo cấp tiến trong chuyên mục Những Con Chim Lạ). Chúng tôi hoặc có dây mơ rể má từ trước, hoặc gặp nhau một đôi lần, hoặc chỉ mới nghe nói về nhau, đã coi nhau như bạn bè thân thiết, nuôi nhau ăn từng bữa ăn, chia nhau từng tấm áo, từng quyển sách, tờ báo, bản nhạc, bài thơ. Hạnh phúc biết bao những ngày ngu dại mê lầm ấy. Những ngày hạnh phúc mê lầm, ngu dại ngắn ngủi ấy khiến chúng tôi sau này băn khoăn, ray rứt, giằng xé cả phần đời còn lại.

Từ giữa năm 1974, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Ấn Quang) từ  văn phòng trung ương đến giáo hội các tỉnh thành trên toàn miền Nam cùng các tổ chức Phật tử tăng cường hoạt động, chuẩn bị phong trào quần chúng nhằm liên kết và hậu thuẫn cho ngọn cờ Dương Văn Minh với mục tiêu thay thế Nguyễn Văn Thiệu đứng đầu VNCH để góp phần chấm dứt chiến tranh, tái lập hòa bình, thực hiện các quyền tự do dân chủ, chăm lo đời sống người dân, thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc theo tinh thần hiệp định Paris.

Sau các cuộc thăm viếng chính thức và công khai giữa hai nhân vật Thích Trí Quang và Dương Văn Minh, quanh cảnh chùa Ấn Quang và dinh Hoa Lan rộn ràng sinh động hẳn lên. Dinh Hoa Lan khẩn trương tập hợp nhân sự hình thành chính phủ chờ thời cơ thay thế Nguyễn Văn Thiệu. Chùa Ấn Quang tấp nập người ra kẻ vào, văn phòng giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tới tấp gởi về các giáo hội địa phương, các tổ chức Phật tử nòng cốt những thông tư, thông báo, thông bạch, thông điệp và các chỉ thị hướng dẫn. Chùa Ấn Quang và các chùa trực thuộc liên tiếp tổ chức các đại lễ, các hội nghị, hội thảo, thuyết trình, họp báo công bố lập trường, mục tiêu, đường lối sắp tới của giáo hội đúc kết qua các thông điệp, diễn văn, các tuyên ngôn, tuyên bố và các lời giải đáp chất vấn của tham dự viên và báo chí. Lúc ngồi viết những dòng này, trong đầu tôi chỉ đọng lại những sự kiện đại thế, nhưng báo Đối Diện các số 61, 62 đã giúp tôi phục hồi nguyên vẹn ký ức về diễn biến  các sự kiện từ Phật giáo Ấn Quang trong thời đoạn sôi động ấy :

– Ngày 15 tháng 8 (1974) Hòa thượng Thích Quảng Độ, phó viện trưởng viện Hóa Đạo, gởi Thông tư cho các giáo hội địa phương và các tổ chức quần chúng Phật tử (Gia đình Phật tử, Sinh viên Thanh niên Phật tử) yêu cầu tổ chức học tập hai văn kiện : Thông điệp của Đức Tăng thống Thích Giác Nhiên và Thông bạch của Hòa thượng viện trưởng Viện Hóa Đạo Thích Trí Thủ. Hòa thượng Quảng Độ còn căn dặn các giáo hội địa phương viết ba câu khẩu hiệu nền trắng chữ xanh treo trước cổng chùa : (1) XIN ĐỪNG BẮN GIẾT ĐỒNG BÀO RUỘC THỊT. (2) XIN LẤY TÌNH THƯƠNG XÓA BỎ HẬN THÙ. (3) YÊU CẦU THỰC THI NGHIÊM CHỈNH HIỆP ĐỊNH PARIS. (Đ.D. số 61 trang 40).

– Ngày 20.8.1974, tại chùa Ấn Quang, Hội đồng lưỡng viện Tăng Thống và Hóa Đạo long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 11 năm pháp nạn. Hòa thượng Thích Thiện Hòa, viện phó viện Tăng Thống tuyên đọc Thông điệp của Đức Tăng Thống Thích Giác Nhiên, Hòa thượng Thích Trí Thủ viện trưởng Viện Hóa Đạo đọc diễn văn khai mạc. Cả hai văn kiện quan trọng ấy có nội dung chuẩn bị cho sự ra mắt sắp tới của Lực Lượng hòa giải dân tộc. (Đ.D. số 61 trang 37,38,39 và 41,42,43,44).

– Ngày 4.9.1974, tại Sài Gòn, nghị sĩ Vũ Văn Mẫu, được sự đồng ý và yểm trợ tinh thần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, thay mặt Lực lượng hòa giải dân tộc gởi Thông cáo số 1 nhằm : “ kết hợp các phật tử có thiện chí trong các đoàn thể Phật giáo và trong quần chúng phật tử để vãn hồi hòa bình và kiến quốc.” (Đ.D. số 61 trang 44).

– Ngày 7. 4. 1974 tại Sài Gòn, nghị sĩ Vũ Văn Mẫu chủ tịch Lực lượng hòa giải dân tộc thay mặt ban chấp hành trung ương lâm thời gởi Thông cáo số 2 xác định tính cách pháp lý, vai trò, nhiệm vụ của Lực lượng hòa giải dân tộc trong cuộc đấu tranh chung của Phật giáo và của nhân dân miền Nam… Nghị sĩ Vũ Văn Mẫu đồng thời thông báo thời gian và địa điểm Lực lượng hòa giải dân Tộc chính thức ra mắt. (Đối Diện số 61 trang 48).

– Ngày 14.9.1974 (Phật lịch 2518) tại chùa Ấn Quang, số 234 đường Sư Vạn Hạnh, lúc 18 giờ 30, trước hàng ngàn đại biểu bao gồm tăng ni, phật tử tại Sài Gòn và từ các tỉnh, các nhân vật chủ chốt của các nhóm thuộc thành phần thứ ba, các nghị sĩ, dân biều đối lập, các Linh mục – trí thức Công giáo cấp tiến, các nhân vật đại diện Cao Đài, Hòa Hảo, các phóng viên báo chí trong và ngoài nước, Lực lượng hòa giải dân tộc chính thức ra mắt (trong vòng vây của cảnh sát dã chiến vũ trang và sự len lỏi của hàng trăm cảnh sát chìm, mật vụ). Hòa thượng Thích Thiện Hòa thay mặt lưỡng viện Tăng Thống và Hóa Đạo giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất giới thiệu nghị sĩ Vũ Văn Mẫu – chủ tịch Lực lượng hòa giải dân tộc đọc Tuyên Ngôn. (Đ.D. số 61 trang 46,47,48 ).


                      Tuyên Ngôn của Lực Lượng Hòa Giải Dân Tộc :
      

          Nhận định rằng : Cuộc chiến tranh tàn bạo trong những năm qua đã gây biết bao đau thương tang tóc cho đồng bào vô tội, hủy hoại biết bao nhiêu giá trị tinh thần và vật chất của xứ sở, xô đẩy dân tộc đến một tương lai vô cùng bi đát. Cuộc chiến này càng trở thành phi lý, sau khi hiệp định Paris và bản Thông cáo chung đã được ký kết trong tinh thần tương nhượng, hòa giải và trong sự tôn trọng các quyền căn bản của dân tộc Việt Nam : độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

          Sự tiếp tục chiến tranh sau hiệp định Paris chỉ có thể giải thích là do những thành phần hiếu chiến, đối nghịch trong và ngoài nước chưa chịu lùi bước, hận thù và thành kiến giữa các phe lâm chiến chưa được hóa giải, áp lực và ảnh hưởng của nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trong nước và trên thế giới chưa đủ mạnh để bắt buộc các thế lực chủ chiến phải từ bỏ vũ khí và mộng xâm lăng.

          Ý thức rằng : Thảm họa do cuộc chiến phi lý tiếp tục gây ra cho đất nước này đang đưa dân tộc này đến họa diệt vong, nếu chúng ta không kịp thời tìm phương cứu chữa.

          Phương pháp cứu chữa, chắc chắn dân tộc Việt Nam có thể tìm ra. Lịch sử oai hùng của đất nước chứng minh rằng dân tộc chúng ta có thừa lòng quả cảm và kiên quyết để giữ nước và dựng nước, khắc phục mọi gian nguy để xây đắp vinh quang cho xứ sở.

           Xét rằng : Trong lịch sử dân tộc và lịch sử Phật giáo trên đất nước này, những thời đại hưng thịnh của dân tộc cũng chính là những giai đoạn huy hoàng của Phật giáo. Giáo lý từ hòa và khai phóng, tinh thần phá chấp và dung hóa của đức Phật đã nhiễm sâu vào tâm hồn người dân Việt để tạo dựng một nếp sống an vui, hòa đồng giữa các thành phần dân tộc.

           Chúng tôi, những Phật tử thiết tha với vận mệnh của giống nòi, trung thành với tinh thần và giáo lý của đạo Phật, đứng lên thành lập Lực Lượng Hòa Giải Dân Tộc với mục đích sau đây :

          1/ Kết hợp các Phật tử có thiện chí trong các đoàn thể Phật giáo và trong quần chúng Phật tử thành lập một khối có qui củ, có đường hướng, lấy từ bi làm động lực chính, lấy trí tuệ làm đuốc soi đường, lấy dũng lực làm đà tiến thủ để thể hiện Đạo Pháp và phụng sự dân tộc.

          2/ Hợp tác chặt chẽ với các tôn giáo bạn, các đoàn thể, các tổ chức và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trong và ngoài nước để lập một mặt trận chống chiến tranh và tạo hòa bình.

          3/ Khuyến khích và phát triển niềm tin và tình huynh đệ giữa đồng bào ruột thịt, tạo môi trường cho sự đối thoại và thông cảm giữa những người có văn hóa, tín ngưỡng hay chính kiến khác nhau, tạo cơ duyên để các thành phần dân tộc, các phe phái đối nghịch có thể chấp nhận nhau và cùng nhau cộng tác trong mọi lãnh vực của đời sống quốc gia.

           4/ Tích cực đóng góp và thực thi những sáng kiến, những biện pháp và chương trình thích nghi để xây dựng miền Nam Việt Nam trong độc lập hòa bình, quang vinh và tiến bộ.

Chúng tôi thiết tha kêu gọi đồng bào các giới, nhất là giới Phật tử, ý thức trách nhiệm đối với vận mệnh quốc gia, tiền đồ dân tộc cùng đứng lên kết thành một lực lượng hùng mạnh, quyết tâm san bằng mọi trở ngại khó khăn để phục vụ hữu hiệu cho Tổ quốc và đưa dân tộc theo kịp đà tiến hóa của nhân loại.                                     

                                                      Sài Gòn ngày 14 tháng 9 năm 1974.

Bài diễn văn này, khoảng một tuần trước khi Lực lượng hòa giải dân tộc làm lễ ra mắt, Nguyễn Hữu Thái đưa từ chùa Ấn Quang ra cho tôi xem. Đó là một bản viết tay của nghị sĩ Vũ Văn Mẫu và những sửa đổi thêm bớt của nhà sư Trí Quang. Thái nói : “ Thầy, từ 1967, không còn giữ chức vụ gì trong giáo hội, nhưng ý của Thầy quyết định nội dung các văn bản ký tên các vị lãnh đạo cao nhất, và nội dung các cuộc hội nghị, hội thảo, thuyết trình tại chùa Ấn Quang. Thầy cũng đưa ý kiến trước các chương trình và phê duyệt các kế hoạch hành động. Dường như Thầy muốn cử nghị sĩ Vũ Văn Mẫu và giáo sư Bùi Tường Huân tham gia chính phủ Dương Văn Minh. Vũ Văn Mẫu sẽ làm Thủ tướng, Bùi Tường Huân sẽ làm bộ trưởng quốc phòng. Bùi Tường Huân là một giáo sư, người mảnh khảnh, dáng vẻ thư sinh mà làm bộ trưởng quốc phòng ? Ngụ ý của Thầy là chỉ có hòa bình thôi ”. Thái nói thêm : “Lý Quí Chung mời tôi  làm thứ trưởng bộ Thông tin mà anh ta sẽ là bộ trưởng, ý ông Chu Sơn thế nào ? ”. Tôi nói : “ Tùy anh thôi, theo tôi không nên chuốc lấy rắc rối sau này làm gì ”. Dĩ nhiên sau này Thái không bị rắc rối, vì anh đã từ chối lời mời của Lý Quí Chung, mà bị rắc rối vì đã cộng tác với Huế để can dự vào “ công việc của Sài Gòn ” (Thái còn bị rắc rối vì vài lý do khác. Tôi sẽ trở lại chuyện này sau).

Sau khi đi dự lễ ra mắt Lực lượng hòa giải dân tộc về, Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Văn Tòng, Bùi Minh, Nguyễn Trực đưa ra nhận định : “ Bầu không khí lễ ra mắt Lực lượng hòa giải dân tộc vô cùng sôi động và phấn kích. Không chỉ các chức sắc giáo hội và phật tử, mà hầu hết đại diện các nhóm thứ ba ngoài Phật giáo cũng đều rất hài lòng và tin tưởng vào một phong trào quần chúng rộng lớn do Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhấtLực lượng hòa giải dân tộc làm trung tâm vận động. Trong ý hướng loại bỏ Thiệu – ủng hộ Dương Văn Minh, Lực lượng hòa giải dân tộc sẽ đánh mạnh vào những điểm yếu của chế độ hiếu chiến, độc tài, tham nhũng Nguyễn Văn Thiệu – là nguyên nhân đói khổ của hàng triệu nhân dân lao động, gia đình binh lính và nạn nhân chiến tranh. Người của giáo hội và Lực ượng hòa giải sẽ về các tỉnh thành để hỗ trợ thành lập các cơ cấu địa phương và hướng dẫn các chương trình, kế hoạch hành động. Chủ tịch Vũ Văn Mẫu sẽ đi Huế, Dân biểu Phan xuân Huy sẽ đi Đà Nẳng,… Mặt trận nhân dân cứu đói sẽ được tổ chức tại Sài Gòn và đều khắp các địa phương một ngày gần đây…”.

Những thông thông tin và nhận định từ Thái, Tòng, Trực, Minh, cộng với những gì tôi tích góp được từ đầu tháng 9 (1974) là nội dung bức thư tôi gửi cho Ngọc (Lê Công Cơ) theo qui định giữa hai chúng tôi (thời gian, địa điểm và phương thức liên lạc) tại nhà Phan Đạm Hiệp trước khi tôi rời Huế.

– Ngày 23.9.1974, tại giảng đường Quảng Hương – Già Lam (chùa Già Lam do nhà sư Thích Trí Thủ sáng lập năm 1960, hiện ở số 498/11 Lê Quang Định – quận Gò Vấp) Mặt trận nhân dân cứu đói đã rầm rộ tổ chức lễ ra mắt với hàng ngàn đại biểu tham dự. Mặt trận nhân dân cứu đói kết hợp lực lượng của nhiều nhóm thuộc thành phần thứ ba, dưới sự chủ trì của Lực lượng hòa giải dân tộc và sự yểm trợ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất. Mở đầu lễ ra mắt, Thượng tọa Thích Quảng Long đọc huấn từ, tiếp theo, Đại đức Thích Hiển Pháp đọc diễn văn, Linh mục Phan Khắc Từ đọc tuyên ngôn, giáo sư Lý Chánh Trung, dân biểu Nguyễn Văn Hàm cùng nhiều đại biểu khác thay mặt các nhóm thứ ba, các vùng – miền phát biểu và nêu quyết tâm chống Nguyễn Văn Thiệu. Linh mục nhà văn Thanh Lãng kết thúc lễ ra mắt bằng những lời nhắc nhở, khích lệ.

Tất cả những diễn từ trên của Mặt trận nhân dân cứu đói đều tố cáo chế độ Nguyễn Văn Thiệu hiếu chiến, phá bỏ hiệp định Paris, độc tài, tham nhũng, chà đạp các quyền tự do căn bản của nhân dân…là những nguyên nhân đưa đến đời sống đói khổ của đồng bào.

Thành phần ban lãnh đạo Mặt trận nhân dân cứu đói gồm có :

Cố vấn : Thượng tọa Thích Quảng Long, Linh mục Thanh Lãng.

Chủ tịch : Đại đức Thích Hiển Pháp.

Các phó chủ tịch : Linh mục Phan Khắc Từ, nghị sĩ Hồng Sơn Đông (Cao Đài), dân biểu Vũ Công Minh (Hòa Hảo).

Ngoài ra còn có 25 vị khác là linh mục, nhân sĩ, trí thức, nghị sĩ, dân biểu, nghị viện tham gia các chức vụ chuyên trách từ trung ương xuống các địa phương.

Từ Huế, Ngọc (Lê Công Cơ), Linh mục Nguyễn Văn Bính, Nguyễn Văn Bổn, Bửu Nam, từ Đà Nẵng Vĩnh Linh, Nguyễn Phúc về Sài Gòn trong dịp này. Ngọc (Lê Công Cơ) đi cùng tôi đến các nhân vật và địa chỉ anh cần để nắm bắt trực tiếp tình hình. Các anh em khác đi dự lễ ra mắt Mặt trận nhân dân cứu đói.

Từ thành phần nhân sự, đến nội dung các diễn từ và các lời phát biểu, người đọc báo Đối Diện thấy được quyết tâm của các nhóm thứ ba tại miền Nam, đặc biệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhấtLực lượng hòa giải dân tộc. Chính Mặt trận nhân dân cứu đói đã gợi ý và hứa sẽ làm hậu thuẫn cho ngày Ký giả đi ăn mày – một cuộc xuống đường rầm rộ gây chấn động dư luận trong nước và thế giới 17 ngày sau (10.10.1974) (Đối Diện số 62 trang 83, 84).

Trước khi rời Sài Gòn, Ngọc đề nghị một cuộc trao đổi tay đôi giữa anh và tôi. Chúng tôi ngồi tại nhà Huỳnh Văn Tòng. Ngọc nói rằng những thư báo cáo của tôi trước đây khá tốt, anh đều gửi lên núi và được thành ủy đánh giá tích cực. Lực lượng hòa giải Thừa Thiên – Huế đã được tổ chức tại chùa Từ Đàm ngày 20.9.1967. Sự chủ trì của chủ tịch Vũ Văn Mẫu đã làm cho lễ ra mắt thêm phần long trọng và phấn khởi. Lễ ra mắt Lực lượng hòa giải dân tộc Thừa Thiên – Huế là một trong hai sự kiện quan trọng tại Huế từ đầu tháng 9 đến thời điểm này. Sự kiện đầu là cuộc biểu tình rầm rộ chống Thiệu và phe cánh tham nhũng của nhiều ngàn đồng bào Công giáo do linh mục Trần Hữu Thanh phát động. Tình thế này rất thuận lợi cho chúng ta. Từ đây về, chúng tôi sẽ phối hợp cùng Phật giáo và các linh mục cấp tiến, các nhân sĩ trí thức khát khao hòa bình, hòa giải - hòa hợp và độc lập dân tộc tổ chức Mặt trận nhân dân cứu đói miền Trung và các tỉnh Quảng Tri, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẳng, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi. Ngọc nói tiếp : Hồi năm ngoái, trên núi Truồi, chúng ta nhận định rằng tình hình sẽ diễn ra một trong hai khả năng : hiệp định Paris sẽ được thi hành, hòa bình sẽ được vãn hồi, thống nhất đất nước sẽ thực hiện ; hay chiến tranh sẽ tiếp diễn cho đến thắng lợi cuối cùng. Nay anh thấy thế nào, có còn bảo lưu nhận định đó không ? Tôi nói : Chỉ còn một khả năng là chiến tranh. Thiệu không chịu thua trong hòa bình, ông ta quyết một mất một còn với đảng Cộng sản. Ông ta cho rằng hòa giải – hòa hợp dân tộc và thành phần thứ ba là thủ đoạn là công cụ, chứ không phải là thiện chí của miền Bắc Cộng sản. Ông ta nói đúng sai thế nào đến thời điểm này tôi không xác quyết được. Nhưng tình thế của ông ta và phe cánh ngày càng trở nên bế tắc và tuyệt vọng. Viện trợ Mỹ tuần tự giảm từng năm : 3 tỷ năm 1973. 1,5 tỷ năm 1974. 0,7 tỷ năm 1975. Ông ta hy vọng Mỹ quay trở lại “ một khi Cộng sản trắng trợn vi phạm hiệp định Paris và đánh lớn ” theo như lời hứa của Nixon và Kissinger trước khi ông ta đặt bút ký vào hiệp định Paris. Nhưng Nixon và Kisinger là hai tên đại bịp. Đặc biệt, từ sau vụ Watergate vỡ lở (9.8), Nixon bị đuổi khỏi Nhà Trắng, thì Tổng thống Thiệu chẳng còn một mảy may hy vọng.

Hai thế lực làm nên chế độ Thiệu là Mỹ và một bộ phận quần chúng chống Cộng chiếm khoảng 10 % dân số miền Nam. Nay thì Mỹ đã bỏ rơi Thiệu, người miền Nam hậu thuẫn cho Thiệu đã ngày một giảm dần : một số thiên tả (như nhóm Đối Diện), một số muốn đối thoại, hòa giải với Cộng sản (như các dân biểu, nghị sĩ và trí thức đối lập, trong các nhóm cấp tiến của đảng Đại Việt, Quốc Dân Đảng và các giáo hội Cao Dài, Hòa Hảo…), một số chống đối khuynh đảo Thiệu để chống Cộng cứu nước và kiến quốc (như nhóm 301 linh mục do Linh mục Trần Hữu Thanh lãnh đạo), đa số còn lại trở nên thầm lặng. Tôi không biết tổng số linh mục Công giáo trên toàn miền Nam  đến thời điểm này là bao nhiêu, có lẽ đến hai, ba ngàn vị. Nhưng công khai ủng hộ Thiệu bằng lời nói trên báo và truyền hình vỏn vẹn chỉ có 5 vị : là các Linh mục Cao Văn Luận, Nguyễn Văn Hiền, Trần Văn Thông, Lâm Quang Trọng, Đinh Xuân Hải. Năm vị linh mục tố cáo Phong trào nhân dân chống tham nhũng chỉ làm lợi cho Cộng sản.

Như thế, ngoại trừ một số gắn bó với Thiệu vì quyền lợi, đa số những người chống Cộng vì lý tưởng tự do dân chủ đã quay lưng lại với Thiệu. Tình cảnh của Nguyễn Văn Thiệu như thế, nếu lúc này miền Bắc và Mặt Trận tiến hành một cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn – nói như Huỳnh Văn Tòng –  thì Thiệu sẽ bị tiêu diệt như Hitler đã bị tiêu diệt trong thế chiến thứ hai.

Ngọc (Lê Công Cơ) không ngạc nhiên trước kết luận của tôi. Anh ta hỏi để kiểm tra lại nhận định của mình. Cũng mục đích như thế, Ngọc tiếp tục hỏi : Nhưng Thiệu còn có một quân đội, một bộ máy cảnh sát, bộ máy hành chính khổng lồ ?

Tôi nói : Quân đội, cảnh sát, công chức Việt Nam Cộng Hòa cũng là con em nhân dân. Đa số nhân dân đã quay lưng với Thiệu thì đa số trong quân đội, cảnh sát, công chức cũng sẽ quay lưng với Thiệu thôi. Trên 90 % không muốn bắn người anh em ở phía bên kia, hoặc không muốn chết cho Thiệu độc tài tham nhũng. Họa hoằn trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa còn lại một thiểu số  trong các đơn vị lớn nhỏ và vài ba sư đoàn chọn lọc là trung thành với Thiệu “ quyết sống chết với Cộng sản ”. Nhưng một khi không còn Thiệu nữa thì cái tinh thần tử thủ của một vài sư đoàn ấy cũng sẽ mai một thôi.

Ngọc tiếp tục hỏi : Theo như anh nói là Mỹ đã bỏ rơi Thiệu, nhưng Mỹ có  dứt khoát rút khỏi miền Nam ? Tôi nói : Mỹ còn một chút sĩ diện, và còn một số tàn dư cần có thời gian để thanh toán. Mỹ tị hiềm với Pháp, nhưng Mỹ cũng cần có Pháp vào thời điểm này. Mỹ đã loại bỏ Dương Văn Minh, nhưng Mỹ cũng đang cần Dương Văn Minh vào thời điểm này. Bởi vì theo Mỹ : Pháp và Dương Văn Minh đều có mắc mứu lợi quyền, duyên nợ với đất nước này và đều có quan hệ ở chừng mực nào đó với miền Bắc và Mặt Trận. Từ sau hiệp định Paris, quan hệ giữa hai tòa đại sứ Pháp – Mỹ ở Sài Gòn trở nên khắng khít, và một tướng tình báo của Mỹ tên là Charles Timmes luôn đeo bám Dương Văn Minh. Ngọc hỏi : – Dương Văn Minh đang nỗ lực thay thế Thiệu trong vai trò người lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa để làm gì ? Tôi nói : – Để thi hành hiệp định Paris, để thực hiện hòa hợp hòa giải dân tộc, góp phần kiến tạo hòa bình, thống nhât đất nước ;  hoặc để phát lệnh đầu hàng. Có nhiều khả năng Mỹ loại bỏ một Nguyễn Văn Thiệu hiếu chiến để thay thế bằng một Dương Văn Minh hòa hoãn với “ phía bên kia ”. Khi nhà sư Thích Trí Quang và Phật giáo chịu liên kết với Dương Văn Minh, khí thế của Dương Văn Minh tăng lên thấy rõ. Ngọc tiếp tục truy vấn : Phật giáo và Thích Trí Quang lấy sức đâu để đóng vai trò đứng trên làm trung gian hòa giải ? Tôi nói : hòa giải để thực hiện hòa bình đất nước, hòa hợp dân tộc là một khát vọng to lớn và khẩn thiết của nhân dân chứ không riêng gì Phật giáo. Nếu sức mạnh và quyền lực căn cứ trên khối lượng vũ khí và tiền bạc thì Phật giáo không có gì. Nhưng khát vọng hòa bình, hòa giải hòa hợp dân tộc thể hiện bằng tiếng nói thì Phât giáo đã phát ra tiếng nói ấy từ 1965 – khi Mỹ đỗ quân và Thiệu Kỳ trở thành đồng minh cho cuộc chiến tranh đẫm máu của Mỹ. Trong suốt quá trình tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ, chính miền Bắc và Mặt Trận cũng nêu cao khẩu hiệu chính trị là hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc. Ngọc tiếp tục hỏi : Theo anh thì một cuộc tổng tấn công từ phía ta sẽ nhanh chóng làm sụp đổ chế độ Việt Nam Cộng Hòa, khi đó liệu có cần hòa giải dân tộc nữa không ? Tôi nói : Chiến tranh trên đất nước này ngoài yếu tố ngoại xâm còn có yếu tố mâu thuẫn nội bộ dân tộc. Trong cuộc chiến tranh xâm lược to lớn còn có cuộc nội chiến nhỏ lồng vào. Cuộc tổng tấn công ấy có thể dứt điểm yếu tố ngoại xâm mà chưa dứt điểm yếu tố xung đột ý thức hệ trong lòng dân tộc. Hồi còn ở trên núi Truồi tôi đã nói : “ Tôi chỉ theo các anh (đảng Cộng Sản) cho đến khi chấm dứt chiến tranh. Khi có hòa bình rồi, tôi không theo các anh nữa ”. Hồi đó do sợ nên tôi đã không nói rõ là tôi dị ứng với ý thức hệ Cộng sản. Điều này có nghĩa là tôi sẽ ù lì, thầm lặng hoặc là tôi sẽ chống lại các anh nếu các anh cương quyết áp đặt ý thức hệ Cộng sản lên đầu dân tộc. Hồi đó ở trên núi Truồi, anh hỏi có bao nhiêu phần trăm dân chúng ủng hộ ta, bao nhiêu phần trăm dân chúng ủng hộ chế độ Sài Gòn. Tôi nói : 15% cho bên này, 10% cho bên kia, 75% ở giữa. Bây giờ tôi nói lại : tỷ lệ phần trăm dân chúng ủng hộ bên này tăng lên, tỷ lệ phần trăm dân chúng ủng hộ bên kia giảm xuống. Nói vậy không có nghĩa là ý thức hệ Cộng sản thắng thế trong tâm thức đại đa số quần chúng nhân dân. Trong hàng ngũ kháng chiến có rất nhiều người không phải đảng viên Cộng sản. Trong thành phần thứ ba có một số người Cộng sản len lỏi vào, cũng có người muốn trở thành Cộng sản, nhưng tuyệt đại đa số chỉ muốn hòa bình, độc lập, thống nhất, hòa giải, hòa hợp dân tộc trong tự do để chung lưng góp sức xây dựng đất nước. Tư tưởng chủ đạo trong các cuộc hội thảo về hòa giải hòa hợp dân tộc giữa các nhóm thứ ba tại Sài Gòn hồi gần đây là “ không có lực lượng chính trị nào độc tôn ý thức hệ và độc quyền đại diện dân tộc ”. Tôi còn muốn nói nữa, nhưng Ngọc vội ngăn lại. Ngọc nói : Thôi ta tạm thời ngừng lại ở đây. Hôm nào anh về lại Huế chúng ta sẽ tiếp tục. Hồi tôi ở trên căn cứ, trong một buổi học tâp nghị quyết tại hội trường thành ủy, có một ông từ Hà Nội vào tham dự, khi đứng lên phát biểu, ông ta cứ lặp đi lặp lại một câu : “ vấn đề của vấn đề là cái vấn đề ”. Tôi thấy đầu óc anh luôn chuyển động, không chừng “ cái vấn đề ” anh nêu ra quá sớm ? Ngọc cười xởi lởi, không lóe lên ánh mắt sắc lạnh như hồi trên núi Truồi khi nghe tôi nói : “ Tôi chỉ theo các anh (đảng Cộng sản) cho đến hết chiến tranh.”

Biểu tình Ký Giả Đi Ăn Mày

Trong lễ ra mắt của Mặt trận nhân dân cứu đói, dân biểu Nguyễn Văn Hàm phát biểu 6 điểm, điểm thứ 5 nguyên văn như sau : “ Mặt trận nhân dân cứu đói sẽ tích cực tham gia vào công cuộc xuống đường ăn mày để giúp đỡ anh em ký giả đang đói vì hậu quả tai ác luật 007 tiêu diệt báo chí khiến anh chị em vì vậy mà thất nghiệp khốn cùng ” (Đối Diện số 61 trang 15).

Được hậu thuẫn và kích lệ bởi Mặt trận nhân dân cứu đói, ngày 10.10.1974, bốn tổ chức báo chí tại Sài Gòn là Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, Hội ái hữu ký giả, Hội chủ báo và nghiệp đoàn ký giả Việt Nam đứng ra tổ chức cuộc biểu tình tuần hành gọi là “ Ngày Ký Giả Đi Ăn Mày ”. 8 giờ sáng, hàng ngàn người gồm ký giả, nhà văn, chủ báo, thợ nhà in, nhân viên văn phòng, dân biểu nghị sĩ đối lập tập họp trước trụ sở nghiệp đoàn ký giả Nam Việt. Mỗi người được ban tổ chức phát cho một cái bị, một cây gậy, một cái nón cời và một biểu ngữ “ để đi ăn mày ”. Chung quanh họ là hàng rào hàng ngàn cảnh sát tua tủa vũ khí, khiên giáp chống biểu tình. Vài cuộc đụng độ nhỏ đã xẩy ra. Nhưng rồi biển sóng “ ăn mày ” vẫn hiền lành tiến lên, vòng áp lực cảnh sát giản ra để thiết lập hàng rào hai bên đường Lê Lợi. Biển sóng biểu tình hô vang các khẩu hiệu chống luật 007, chống Thiệu, kêu đòi tự do và cơm áo. Hàng rào cảnh sát không nỡ ra tay quyết liệt. Người dân hai bên đường Lê Lợi, đa số là thanh niên, ùa ra gia nhập đoàn biểu tình. Đoàn biểu tình đi từ công trường Lam Sơn đến chợ Bến Thành. Tiểu thương chợ Bến Thành tiếp đón “ đoàn ký giả ăn mày ” bằng rất nhiều bánh trái và quà tặng. Đoàn biểu tình quay trở lại công trường Lam Sơn với khí thế ban đầu, khoảng 10 giờ thì giải tán.

Đây là cuộc biểu tình lớn nhất tại Sài Gòn trong vòng ba năm kể từ khi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ban hành luật báo chí 007 ngày 4.8.1972. Luật báo chí 007/72 qui định : Các chủ báo phải đóng tiền bảo kê gọi là ký quỹ, và các tờ báo phải được kiểm duyệt hằng ngày trước khi phát hành. Đây là biện pháp khắc nghiệt nhằm bóp chết quyền tự do ngôn luận để bảo vệ sự ổn định của chế độ. Hậu quả là nhiều tờ báo phải đóng cửa vì không đủ tiền để đóng bảo kê (chính quyền qui định số tiền ký quỷ quá lớn), không đủ tiền để nộp phạt, nhiều chủ nhiệm, quản lý báo phải đi tù, rất nhiều ký giả, nhà văn, thợ in, nhân viên văn phòng thất nghiệp, gia đình họ lâm vào tình trạng khốn đốn.

Cuộc biểu tình “ Ký Giả Đi Ăn Mày ” là đòn nặng nhất giáng xuống chế độ Nguyễn Văn Thiệu kể từ khi hiệp định Paris ký kết, nó chứng tỏ uy thế của Thiệu đã đến hồi cạn kiệt, và sự tồn tại của Thiệu chỉ còn trông chờ vào quyết định cuối cùng của Mỹ và sự bảo vệ của quân đội và cảnh sát. Mà Mỹ khi đã ký hiệp định Paris là một đi không trở lại ; và quân đội, cảnh sát, như tôi đã nói với Ngọc, là con em của nhân dân. Mà nhân dân miền Nam đến thời điểm cuối năm 1974 đã có hơn 90 % quay lưng với Thiệu. Một chi tiết tôi thấy cần nhấn mạnh để làm sáng tỏ thêm nhận định của mình : Trong ban tổ chức cuộc biểu tình “ Ký Giả Đi Ăn Mày ” có Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam là cộng đồng ký giả miền Bắc di cư vào Nam sau hiệp định Genève 1954. Cộng đồng này có lập trường chống Cộng quyết liệt khi mới thành lập, nhưng rồi quá trình can thiệp vào Việt Nam và cuộc chiến tranh khốc liệt của Mỹ, cùng các chế độ độc tài của gia đình Ngô Đình Diệm và tập đoàn quân phiệt Nguyễn Văn Thiệu đã lần hồi tác động vào lập trường chính trị của họ. Từ sau hiệp định Paris, họ thấy rõ là người Mỹ đã từ bỏ miền Nam, bỏ rơi Nguyễn Văn Thiệu, họ quyết định quay lưng lại với  chế độ mà họ đã từng cộng tác.

Tôi cũng tham dự  tí chút vào cuộc biểu tình Ký Giả Đi Ăn Mày, nhưng gián tiếp và bên lề. Khi biển sóng biểu tinh chuyển động thét gào trên mặt đường Lê Lợi, thì tôi rảo bước trên vỉa hè tới lui cùng với họ. Mục đích của tôi là quan sát tình hình. Trước thời điểm biểu tình một ngày, tôi ghé qua báo Đối Diện (lúc bấy giờ đang xuất bản lậu bằng kỹ thuật rô-nê-ô dưới tên gọi là Đứng Dậy), các anh chị tòa soạn đang bận rộn sắm sửa bị gậy ( cho mình và cho nhiều người khác.Tập thể Đối Diện là thành viên của ban tổ chức Ngày Ký Giả Đi Ăn Mày). Thấy tôi đến, Linh mục Nguyễn Ngọc Lan “ ra lệnh ” ngay, mặc dù tôi chỉ là khách : Ông Chu Sơn viết giùm khẩu hiệu. Tôi lập tức ngồi vào bàn. Băng vải, cọ và sơn đã có sẵn. Trên những băng vải rộng một tất, dài khoảng một mét, tôi viết mấy chục câu khẩu hiệu do linh mục Lan đưa nội dung :          

                         Đả đảo luật 007.

                         Chúng tôi đòi tự do và cơm áo.

                        Đả đảo Tổng thống “Tự Ý Đục Bỏ”. (TÝĐB).

                        Yêu cầu Tổng thống Thiệu hãy tự xử.

Như tôi đã trình bày ở trên, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu dùng thủ đoạn “ ký quỹ ” để hạn chế quyền xin ra báo đối với người nghèo, và dùng thủ đoạn kiểm duyệt để triệt tiêu quyền tự do ngôn luận. Bộ thông tin chiêu hồi ra lệnh các chủ báo phải đem bản in đầu tiên lên Nha báo chí kiểm duyệt hai tiếng đồng hồ trước khi cho báo phát hành. Trong quá trình kiểm duyệt, Nha báo chí thấy bài nào, đoạn nào, câu nào, chữ nào bất lợi cho nền an ninh quốc gia thì gạch bỏ và đóng dấu kiểm duyệt. Nha báo chí ra lệnh cho chủ báo mang tờ báo đã kiểm duyệt về, thay thế các bài, các đoạn, các câu, các chữ bị kiểm duyệt bằng nhóm từ : Tự ý đục bỏ, viết tắt là TÝĐB trong ngoặc đơn. Người đọc báo lúc đầu hiểu lầm rằng đây là nhà báo ý thức được vì an ninh quốc gia nên tự ý bỏ bài này, đoạn này, câu này, chữ này.

Bức xúc trước thủ đoạn gian manh của bộ Thông tin Chiêu hồi nên nhà báo nào đó (phải chăng là Nguyễn Ngọc Lan?) đã gọi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là Tổng thống Tự Ý Đục Bỏ (TÝĐB). Nhóm từ Tổng thống TÝĐB xuất hiện trên báo lậu Đối Diện các số từ giữa năm 1974 đến cuối năm 1974, khi Lực lượng hòa giải (Phật giáo) và Phong trào chống tham nhũng để cứu nước và kiến tạo hòa bình (Công giáo) ra đời (đầu tháng 9) thì độc giả báo Đối Diện và quần chúng thuộc Thành phần thứ ba hiểu rằng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hiếu chiến, phá bỏ hiệp định Paris, độc tài, tham nhũng nên đã tự ý đục bỏ mình ra khỏi cộng đồng dân tộc. Câu khẩu hiệu thứ tư tôi viết : “ Đề nghị Tổng thống Thiệu nên tự xử ” có nội dung như thế này : Nếu Tổng thống Thiệu thấy mình cản trở nguyện vọng của nhân dân là hòa bình, hòa giải, hòa hợp, độc lập, thống nhất, tự do để cùng chung sức xây dựng đất nước thì nên tự rút lui, nếu không… Đây là lời kêu gọi có tính đe dọa.

 “ Tổng thống TÝĐB ”, hay “ Tổng thống tự xử ” cũng chỉ là ẩn dụ, là khẩu khí của những người thuộc thành phần thứ ba. Thực tế là những kẻ độc tài, tham nhũng và tán tận lương tâm như Thiệu – tôi nói như Thiệu, tôi không nói chỉ có Thiệu – chỉ “ tự ý đục bỏ ” trong tâm thức nhân dân, chứ không có đứa nào “ tự ý đục bỏ ” khỏi ngai vàng quyền lực ; bởi chỉ có quyền lực toàn trị mới có toàn quyền tham nhũng. Sau những huyền thoại : cách mạng, độc lập, tự do, dân chủ với núi xương, sông máu của nhân dân và sự suy tàn của đất nước dân tộc, mục đích cuối cùng của bọn chúng chỉ còn lại hai từ tham nhũng.

Trước những áp lực ngày càng gia tăng của Cộng quân ở nông thôn và rừng núi, trước những hoạt động năng nổ vì các mục tiêu hòa bình, hòa giải, hòa hợp và quyền tự quyết dân tộc của Thành phần thứ ba, và Phong trào nhân dân chống tham nhũng để cứu quốc và kiến tạo hòa bình của nhóm 301 linh mục Tân Sa Châu, ban tham mưu của “ Tổng thống TÝĐB ” vạch kế hoạch Sao Chổi nhằm quét sạch một lần các chướng ngại trong các đô thị miền Nam để rảnh tay chống Cộng. Cũng như kế hoạch Nước Lũ của Ngô Đình Nhu hồi tháng 8.1963 đối với Phật giáo, kế hoạch Sao Chổi của Tổng thống Thiệu nhằm vào những nhân vật “ nguy hiểm nhất ” của Thành phần thứ ba Phong trào chống tham nhũng từ Sài Gòn đến các tỉnh thành trên toàn miền Nam. Kế hoạch Sao Chổi  từ một nguồn đáng tin cậy nào đó trao cho Linh mục Trần Hữu Thanh, Linh mục Trần Hữu Thanh trao cho dân biểu Nguyễn Văn Binh, dân biểu Nguyễn Văn Binh thay mặt Phong trào chống tham nhũng công bố trước dư luận, báo Điện Tín công bố ngày 27. 9, báo Đứng Dậy (Đối Diện) số 22 công bố ngày 27.10.

Đầu tháng 11 tôi tính chuyện đi Huế. Để thay đổi lộ trình, tôi ngồi xe đò lên Đà Lạt, từ Đà Lạt tôi lấy vé máy bay về Huế. Tại phi trường Liên Khương tôi bị bắt khi đến chân thang máy bay. Trong túi hành lý của tôi không có gì ngoài tờ báo Đứng Dậy số 62. Tôi bị giam thẩm vấn tại ty cảnh sát Tuyên Đức (Đà Lạt) tròn 1 tháng. Tôi khai là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa đào ngũ vì tôi phản đối Tổng thống Thiệu mặc dù đã ký vào hiệp định Paris, nhưng vẫn mong muốn Mỹ quay trở lại can thiệp vào nội tình Việt Nam, đẩy các lực lượng quân đội, cảnh sát và các cơ quan an ninh đặc biệt vào các hành động hiếu chiến, đàn áp nhân dân, bóp nghẹt tự do dân chủ, phá bỏ công cuộc hòa giải, hòa hợp dân tộc, củng cố chế độ độc tài quân phiệt nhằm mục tiêu duy nhất là tham nhũng. Tham nhũng đang là quốc nạn, vì tham nhũng mà Tổng thống Thiệu tham quyền cố vị, chống phá hòa bình, vi phạm nhân quyền, phá hoại lý tưởng tự do dân chủ.

Sau hơn một tháng thẩm vấn ở ty cảnh sát, Đại tá tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức là người có cùng quan điểm của nhóm các linh mục cấp tiến Đối Diện và nhóm 301 Linh mục Tân Châu Sa đã ra lệnh cho ty cảnh sát chuyển tôi qua Quân cảnh để tiến hành truy tố tội đào ngũ của tôi. Sau này tôi mới biết là các Linh mục Chân Tín, Ngọc Lan đã tích cực giúp tôi trong việc này (Tôi sẽ viết đầy đủ về nhóm Công giáo cấp tiến ở phần sau : Những con chim lạ).

Sau Giáng Sinh 1974, cảnh sát Tuyên Đức chuyển tôi qua đồn Quân Cảnh Tuyên Đức. Chỉ huy trưởng quân cảnh Tuyên Đức là một đại úy đồng thời là một nhà văn, một người tử tế đã đối xử với tôi như bạn, trong thời gian làm thủ tục chuyển tôi qua tòa án binh ở Nha Trang (tôi sẽ viết đầy đủ hơn về mối quan hệ giữa tôi và Nguyễn Đình Hiển tức là Hoàng Khởi Phong trong gần một tháng vừa là tù nhân vừa là khách tại đồn Quân cảnh và nhà riêng của anh trong mục Những con chim lạ ở phần sau).

Tôi ở đồn Quân cảnh Tuyên Đức gần một tháng (chỉ huy trưởng Nguyễn Đình Hiển muốn bảo lưu tôi được ngày nào hay ngày đó), một hôm tôi nhận được tin nhắn của dân biểu Đinh Văn Đệ, là điệp viên của miền Bắc, Chủ tịch Ủy ban quốc phòng hạ nghị viện Việt Nam Cộng Hòa rằng là cảnh sát Thừa Thiên – Huế  và cảnh sát Sài Gòn điện cho cảnh sát Tuyên Đức khẳng định tôi là Việt Cộng tái hoạt động. Cảnh sát Tuyên Đức chờ Đại tá tỉnh trưởng Tuyên Đức đang đi họp ở Sài Gòn về sẽ ký quyết định chuyển tôi về lại Ty cảnh sát để điều tra về tội hoạt động Cộng sản. Tôi nói hết sự thật với Nguyễn Đình Hiển, anh ta tình nguyện chở tôi đi trốn. Nhưng tôi không muốn anh ta bị rắc rối thêm nữa vào việc của tôi. Tôi đề nghị anh ta làm ngơ để tôi tự trốn.

Từ đồn Quân cảnh Tuyên Đức tôi trốn ra khu Giải phóng Lâm Đồng (dĩ nhiên nhờ công sức tổ chức của “ anh chị em bốn biển ” ở Đà Lạt và Lâm Đồng. Từ Lâm Đồng tôi được đưa lên văn phòng Khu ủy 6. Bí thư khu ủy 6 Năm Lực sau khi liên lạc với các nơi cần thiết để xác minh, đã làm thủ tục  chuyển tôi về Trung ương cục miền Nam (đóng tại Lộc Ninh). Từ Lộc Ninh   tôi nghe tin giải phóng Kon Tum, Plây Cu (14 – 15.3), giải phóng Huế (26.3), giải phóng Đà Nẵng (29.3), giải phóng Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Nha Trang,… Cuối tháng Tư tôi về lại Huế. 1.5 tôi nghe tin giải phóng Sài Gòn. Như thế là tôi không tham gia dự vào bất cứ cuộc giải phóng nào. Và như thế tôi không có được niềm vui của người chiến thắng. Tôi cũng không thể chia sẻ với bất cứ ai niềm vui đó. Những ngày đầu tháng 5 tôi ở trong tình tạng mâu thuẫn, rối rắm. Mừng vì nghe nói : ngoài các trận Phước Long, Ban Mê Thuột, đường 7, và phòng tuyến thép Phan Rang – Xuân Lộc, cuộc tổng tấn công xuân – hè 1975  giải phóng Sài Gòn không đổ máu vì Dương Văn Minh đầu hàng. Nhưng tôi lại vừa tiếc vừa lo, vừa hy vọng. Tôi tiếc là vì công cuộc hòa giải, hòa hợp dân tộc đã không thực hiện được với chính quyền Dương Văn Minh. Tôi lo là không biết những người đầu hàng sẽ được đối xử như thế nào ? Tôi hy vọng là chính quyền Cộng sản trong tư cách là người chiến thắng sẽ chủ động thực hiện khát vọng của nhân dân là hòa giải, hòa hợp dân tộc, thực hiện tự do – dân chủ để chung sức chung lòng xây dựng đất nước.

Như thế là chuyện Sài Gòn, từ đầu tháng 11.1974 trở đi, tôi không biết gì. Sau này gặp lại Thái, Tòng, Minh, Trực tôi mới nhận được những thông tin sau : Nghe tin tôi bị bắt, Nguyễn Hữu Thái sợ tôi khai báo nên tới ẩn cư tại nhà dân biểu Lý Quí Chung. Cuộc ẩn cư của Nguyễn Hữu Thái kéo dài vì vào đầu năm 1975, một số nhân vật thuộc “ thành phần thứ ba đỏ ” như Nguyễn Ngọc Lan, Châu Tâm Luân, Sơn Nam, Kiên Giang, Tô Nguyệt Đình, Quốc Phượng, Văn Mại,… bị bắt. Huỳnh Văn Tòng không sợ tôi khai báo, vì anh chưa có “ tiền án – bị bắt ” như Thái, vẫn tiếp tục đi dạy, âm thầm gây dựng và hình thành các nhóm “ thứ ba ” trong sinh viên Vạn Hạnh và Hòa Hảo. Nguyễn Trực và Bùi Minh tiếp tục nhiệm vụ “ Hòa Giải ” và “ Cứu đói ” tại đại học Vạn Hạnh. Đại học Vạn Hạnh từ sau hiệp định Paris là địa bàn hoạt động sôi nổi của “ Tổng hội Sinh viên Đỏ ” do Võ Như Lanh cầm đầu. Khi Lực lượng hòa giải dân tộc thành lập, những sinh viên vốn thần tượng Thầy Trí Quang qui tụ chung quanh Trực, Minh, Tòng.

Tại Sài Gòn cuối năm 1974 Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhanh chóng bị dồn vào tình thế tứ phương thọ địch. Ở trong, Nguyễn Cao Kỳ một mặt ráo riết vận động Mỹ loại bỏ Thiệu và tự giới thiệu mình, một mặt tập họp lực lượng mưu đồ đảo chánh. Đại sứ Mỹ Martin, trùm CIA Polgar và tướng tình báo Mỹ Charles Timms phải dùng thủ đoạn để kìm hãm Kỳ. Thủ tướng Trần Thiện Khiêm đã từ chức vì muốn quay lưng với Thiệu. Tướng Trần Văn Đôn đang làm bộ trưởng quốc phòng nhưng cũng tính chuyện liên kết với Dương Văn Minh. Các nhóm thuộc thành phần thứ ba qui tụ chung quanh Dương Văn Minh không ồn ào như hồi tháng 9, tháng 10. 1974, âm thầm nhưng ráo riết chuẩn bị nhân sự chờ thời cơ thay thế Thiệu. Ở các tỉnh thành khác, đặc biệt miền Trung, dưới ngọn cờ Phật giáo, Lực lượng hòa giải dân tộc, nhóm Công giáo cấp tiến Đối DiệnPhong trào đô thị (của Mặt Trận) gần như hội nhập lại thành một với mục tiêu chung là loại bỏ Thiệu, thực hiện giải pháp hòa giải, hòa hợp dân tộc, ủng hộ Dương Văn Minh theo định hướng Mặt Trận. Phong trào nhân dân chống tham nhũng do linh mục Trần Hữu Thanh làm chủ tịch được đa số người Công giáo chống Cộng rầm rộ hưởng ứng. Ở ngoài, “ quân Bắc Việt và Việt cộng ” tăng cường các hoạt động quân sự chuyển giai đoạn từ phòng ngự – phản công qua tổng tấn công. Phước Long bị quân Cộng sản đánh chiếm (15.12.1974), Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ chỉ tố cáo bằng lời, không có phản ứng quân sự  nào. Ban Mê Thuột thất thủ (11.3). Thiệu điều quân tái chiếm không thành, hoảng hốt quyết định bỏ Tây Nguyên và Vùng I chiến thuật. Ngày 14.3 tướng Phạm Văn Phú tư lệnh quân khu II hốt hoảng điều quân rút khỏi Kuntum, Plâyku, theo quốc lộ 7 kéo về miền biển. Cuộc triệt thoái hỗn loạn của quân đoàn 2 bị Cộng quân truy đuổi và du kích mai phục đánh tan tành giữa đường, một số tàn quân chạy về Qui Nhơn, Tuy Hòa và Nha Trang cướp phá gây náo loạn và hoảng hốt cho nhân dân, quân đội và chính quyền. Ở quân khu 1, trung tướng Ngô Quang Trưởng người hùng của quân đội VNCH tuyên bố : “ Quân Cộng sản muốn vào Huế phải đi qua xác tôi ”, nhưng khi nghe pháo Cộng sản nã vào phi trường Phú Bài đã vội vã chạy vào Đà Nẳng. Ngày 26.3 sư đoàn I, cảnh sát và chính quyền Thừa Thiên – Huế tan hàng. Ngày 29.3  các lực lượng Việt Nam Cộng Hòa kể cả tướng Trưởng tháo chạy tán loạn khỏi Đà Nẵng. Ở Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngải, Bình Định, Tuy Hòa, Nha Trang cũng xẩy ra tình trạng tương tự những ngày tiếp theo.

Tổng thống Thiệu thiết lập vành đai thép Phan Rang – Xuân Lộc để bảo vệ phần lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa còn lại là vùng III, vùng IV. Theo tính toán của Tổng thống Thiệu : vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long sẽ là cái bụng của phủ Đầu Rồng, cảng biển Sài Gòn và sân bay Tân Sơn Nhất là cửa ngõ của Việt Nam Cộng Hòa nhìn ra thế giới để tìm đồng minh và viện trợ . Dường như chính quyền Mỹ và những thế lực quốc tế khác muốn chia lãnh thổ Việt Nam thêm một lần nữa ở lằn ranh này. Đại tướng Mỹ Frederick. C. Weyand được cử tới Sài Gòn giúp Thiệu xây dựng vành đai thép. Tổng thống Thiệu tập trung những đơn vị tinh nhuệ và trung thành nhất trấn giữ “ biên cương mới ”. Tướng Lê Minh Đảo sư đoàn trưởng sư đoàn 18 được chỉ định làm tư lệnh mặt trận Xuân Lộc. Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi đã từng là tư lệnh quân khu IV được chỉ định làm tư lệnh mặt trận Phan Rang.

Tổng thống Thiệu khẳng định vành đai thép Phan Rang – Xuân Lộc – Lộc Ninh sẽ là biên giới mới của Việt Nam Cộng Hòa nếu Cộng quân bị chặn đứng tại đây. Nhưng Cộng quân không chịu dừng lại trên những vùng lãnh thổ vừa chiếm được và không bị ngăn chận bởi vành đai thép Phan Rang – Xuân Lộc – Lộc Ninh. Những trận đánh dữ dội và khốc liệt diễn ra tại Phan Rang, Xuân Lộc, Lộc Ninh từ ngày 1.4. Xuân Lộc là cửa ngõ gần chỉ cách Sài Gòn 80 km, nếu Cộng quân chọc thủng được Xuân Lộc thì Sài Gòn tức thì bị lâm nguy, nên Tổng thống Thiệu và đại tướng F. C. Weyand đã dồn hết mọi khả năng (đặc biệt là không quân) của quân lực Việt Nam Cộng Hòa và sự chi viện trong khả năng của chính phủ Mỹ để bảo vệ Xuân Lộc và vành đai thép. Vô số bom phát quang BLU.82 Daisy Culter 15000 pound và một trái bom CBU.55 có sức hủy diệt kinh khủng chưa bao giờ được sử dụng trước đó đã được Tổng thống Thiệu và Weyand ra lệnh thả xuống Xuân Lộc. Cộng quân bị tổn thất nặng nề trong những ngày đầu bởi những trận mưa bom và sức chiến đấu dũng mãnh của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng rồi cả Phan Rang, Xuân Lộc và Lộc Ninh đều lần lượt bị thất thủ. Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi bị Cộng quân bắt sống ngày 17.4 trên chiến trường. Tướng Lê Minh Đảo trốn thoát khỏi Xuân Lộc bằng trực thăng ngày 20.4. (tướng Lý Tòng Bá rơi vào tay quân Cộng sản ngày 25.4). Vành đai thép bị chọc thủng. Cửa ngõ vào Sài Gòn bị mở toang. Hy vọng cuối cùng của Tổng thống Thiệu và đại sứ Martin cũng vỡ theo. Hai con người có quyền lực nhất tại Sài Gòn vào thời điểm đó không còn có mối bận tâm chung, mỗi người theo đuổi những toan tính riêng. Trước nguy cơ hai cuộc đảo chánh : một của Nguyễn Cao Kỳ – kẻ cựu thù, và một của Trần Thiện Khiêm và Cao Văn Viên – hai nhân vật đã từng là đồng sàng nhưng dị mộng đang được Mỹ hậu thuẫn, Nguyễn Văn Thiệu toan tính chuồn ra nước ngoài với những va ly to đùng nặng trĩu và 16 tấn vàng trong ngân khố quốc gia. Đại sứ Martin một mặt áp lực để Thiệu từ chức, một mặt liên kết với đại sứ Pháp Mérillon chuẩn bị cho vai trò của Dương Văn Minh để tiếp tục thương lượng với phía bên kia về một giải pháp chính trị khả dĩ cho cả ba phía chấp nhận được.

Tối ngày 21.4.1975, tại dinh Độc Lập – phủ Đầu Rồng, trước hàng trăm nhân vật bao gồm các tướng lĩnh, bộ thứ trưởng, nghị sĩ, dân biểu, chủ tịch tối cao pháp viện,…Tổng thống Thiệu bày tỏ những “ bức xúc ” của ông trước tình hình đất nước. Ông đổ hết mọi tội lỗi cho Mỹ. Ông nói rằng việc mà Mỹ làm không được (đánh thắng Cộng sản) với hơn nửa triệu quân và hàng trăm tỷ đô la lại giao cho ông mà ngày càng cắt giảm viện trợ. Ông chửi bới Nixon và Kissinger đã lừa dối để ông ký vào hiệp định Paris để rồi phủi tay đứng ngoài trước sự xâm lăng trắng trợn của quân Cộng sản. Sau buổi gặp mặt, Tổng thống Thiệu xuất hiện trên truyền hình tuyên bố từ chức.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức và đồng thời truyền chức quyền tổng thống cho phó tổng thống Trần Văn Hương “ theo hiến định ”. (Nguyễn Văn Thiệu năm 1967 nương nhờ sức Mỹ lên làm tổng thống bằng cuộc bầu cử gian lận, năm 1971 tiếp tục làm tổng thống bằng cuộc bầu cử độc diễn, chính danh là tên quân phiệt, là công cụ đắc lực trong cuộc chiến tranh khốc liệt của Mỹ, cai trị nhân dân các đô thị miền Nam bằng luật rừng, trong bước đường cùng, bị Mỹ bắt buộc từ chức, lại nhân danh hiến pháp truyền chức cho phó tổng thống Trần Văn Hương – một ông già quờ quạng vì bị bệnh mắt, khập khiễng vì bị thấp khớp, mất phương hướng vì già lẫn trước tình hình khó khăn và phức tạp tại miền Nam lúc bấy giờ). Khi Trần Văn Hương đọc diễn văn nhận chức, khắp nơi trên đất nước vang lên những lời phản đối. Đài Hà Nội, đài Giải Phóng tuyên bố không thương thuyết với chế độ Thiệu không có Thiệu. Các phong trào thuộc Thành phần thứ ba tuyên bố không hòa giải, hòa hợp với Trần Văn Hương, nhóm Công giáo chống tham nhũng cương quyết tẩy chay Trần Văn Hương để làm sạch chế độ, chống Cộng và kiến tạo hòa bình. Nhóm Dương Văn Minh tuyên bố không cộng tác với Trần Văn Hương và khẩn trương thành ập chính phủ, vận động lưỡng viện quốc hội biểu quyết loại bỏ Trần Văn Hương. Hai đại sứ Mỹ, Pháp (Martin và Merillon) khuyên nhủ thúc dục Trần Văn Hương trao quyền cho Dương Văn Minh nhằm đáp ứng điều kiện thương lượng của phía bên kia.

Tối ngày 25.4.1975, dưới sự áp tải của tướng tình báo Mỹ Timms, Nguyễn Văn Thiệu và Trần Thiện Khiêm ngồi xe do Frank Snepp – một nhân viên CIA – lái đi về hướng phi trường Tân Sơn Nhất. Một chuyến bay do tòa đại sứ Mỹ và CIA chuẩn bị để đưa hai ông ra nước ngoài. Một lần nữa, lần cuối cùng, cựu tổng thống Thiệu đau đớn nhận ra rằng đại sứ Martin, người Mỹ, đã lừa dối ông : không chuyển 16 tấn vàng đi Nữu Ước như đã hứa trước khi ông từ chức.

Trước áp lực của đại sứ Mỹ Martin và đại sứ Pháp Merillon, ông Trần Văn Hương chấp nhận từ chức quyền tổng thống với điều kiện lưỡng viện quốc hội phán quyết.

Ngày 26.4 lưỡng viện quốc hội họp, khó khăn lắm mới biểu quyết : quyền tổng thông Trần Văn Hương nghỉ việc, ông Dương Văn Minh làm Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.

Chiều ngày 28.4 lễ tấn phong Dương Văn Minh làm tổng thống được tổ chức tại dinh Độc lập trong lúc ngoài trời sẫm tối, mưa gào gió giật, sấm chớp liên hồi, không ai nghe được lời phát biểu của tân tổng thống. Quan khách nói với nhau rằng trời báo điềm dữ.

Lễ ra mắt Nội Các dự kiến vào ngày 30 tháng 4 tại dinh Độc Lập. Thành phần chính phủ Dương Văn Minh là sự tập hợp  các nhân vật được sự đồng thuận của năm nhóm có lập trường và quá trình đấu tranh vì mục tiêu hòa bình, hòa giải hòa hợp dân tộc. Năm nhóm nhóm đó là :

– Phật giáo Ấn Quang do thượng tọa Trí Quang lãnh đạo với Lực lượng hòa giải dân tộc làm nòng cốt.

– Công giáo cấp tiến của nhóm Đối Diện với sự hậu thuẫn của tổng giám mục Nguyễn Văn Bình.

– Nhóm các dân biểu nghị sĩ đối lập.

– Nhóm các tướng lãnh nghỉ hưu, đã gắn bó với Dương Văn Minh từ sau cuộc đảo chánh Ngô Đình Diệm 1.11.1963, có lập trường thân Pháp và hòa hoãn với Cộng sản.

Tổ chức nhân dân đòi thi hành hiệp định Paris do luật sư Trần Ngọc Liễng làm chủ tịch –  là tổ chức biến tướng của Cộng sản, tập hợp các đảng viên gốc trí thức tiểu tư sản.

Đến thời điểm 28.4.1975, chưa thấy đầy đủ các thành viên nội các, nhưng các nhân vật và chức vụ sau đây đã  được các nhóm đồng thuận :

– Dương Văn Minh : tổng thống.

– Nguyễn Văn Huyền : phó tổng thống

– Vũ Văn Mẫu : thủ tướng.

– Hồ Văn Minh : phó thủ tướng.

– Lý Quí Chung : bộ trưởng thông tin.

–Trần Ngọc Liễng đảm trách công cuộc thương thảo với chính phủ cách mạng lâm thời.

– Bùi Tường Huân : bộ trưởng quốc phòng.

– Nguyễn Văn Trường : Bộ trưởng giáo dục.

– …

Trong khi nhóm Dương Văn Minh khẩn trương hình thành chính phủ thì từ bốn phía các quân đoàn cách mạng sầm sập tiếp cận Sài Gòn. Thành phố nhốn nháo, hoảng loạn, binh lính và cảnh sát đào ngũ, công chức bỏ sở, cướp giật xẩy ra tứ tung giữa ban ngày.

Vấn đề cấp bách mà các nhân vật chóp bu nhóm Dương Văn Minh quan tâm hàng đầu là làm cách nào để chiến sự không không xẩy ra khi họ cầm quyền, máu của hai bên ngưng chảy, sự thù hận không chồng chất thêm và thành phố Sài Gòn thoát khỏi cảnh đổ nát.

Ba vấn đề mấu chốt họ đặt ra :

– Một là kiểm soát được ba khối bạo lực : quân đội, cảnh sát và bộ máy tuyên truyền.

– Hai là chấm dứt mọi dính líu với Mỹ.

– Ba là thiết lập quan hệ với chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam để bàn chuyện chấm dứt chiến tranh, thực hiện hòa giải hòa hợp dân tộc, hàn gắn vết thương chiến tranh,…

Vấn đề thứ nhất tưởng là rất khó, vì Dương Văn Minh rời quân đội và chính quyền đã lâu, mấy tướng lãnh ủng hộ ông hầu hết đã nghỉ hưu và cũng đã rời quân đội lâu như ông nên không có ảnh hưởng gì nhiều trong quân lực. Các tướng đang nắm thực quyền trong hai quân khu 3, 4 và biệt khu thủ đô còn lại đa phần được Mỹ đào tạo và trưởng thành trong cuộc chiến tranh của Mỹ, cùng phe cánh với Nguyễn Văn Thiệu hoặc Nguyễn Cao Kỳ. Nay Nguyễn Văn Thiệu đã trốn chạy, một số tướng tá đã bỏ chạy theo, số còn lại chưa chắc đã nghe lệnh ông. Vả lại, Nguyễn Cao Kỳ còn có uy thế trong Không quân, đang tính chuyện đảo chánh. Nguyễn Cao Kỳ cho rằng giao binh quyền cho Dương Văn Minh cũng như giao cho Cộng sản. Lập luận của Nguyễn Cao Kỳ thuyết phục được những cộng đồng có lập trường chống cộng quyết liệt đang còn tồn tại đâu đó. Do vậy việc điều binh khiển tướng đối với Dương Văn Minh vào thời điểm này là rất khó. Tuy nhiên vấn đề khó hóa ra dễ khi Dương Văn Minh được lưỡng viện quốc hội tấn phong làm tổng thống, mà tổng thống là tổng tư lệnh quân đội, có toàn quyền điều chuyển nhân sự và quyết định đường lối quân sự. Hai cơ quan trực tiếp điều khiển quân lực là bộ quốc phòng và bộ tổng tham mưu. Bộ quốc phòng đang do Trần Văn Đôn làm bộ trưởng. Trần Văn Đôn chống Thiệu và gần gũi với Dương Văn Minh. Đây là một thuận lợi. Thuận lợi thứ hai là các tướng điều khiển bộ tổng tham mưu là Cao Văn Viên và Đồng Văn Khuyên đã bỏ trốn, Dương Văn Minh cử trung tướng Vĩnh Lộc làm tổng tham mưu trưởng và chuẩn tướng đã nghỉ hưu Nguyễn Văn Hạnh làm phụ tá. Vĩnh Lộc đang tính chuyện chạy ra nước ngoài, nên Nguyễn Hữu Hạnh nhân danh tổng tham mưu trưởng và tổng thống mà điều binh khiển tướng. Nguyễn Hữu Hạnh là người tâm phúc của Dương Văn Minh. Nguyễn Hữu Hạnh đồng thời là cán bộ ban binh vận của Mặt trận Giải phóng. Như thế là Dương Văn Minh kiểm soát được quân lực Việt Nam Cộng Hòa và điều hướng nó đi theo con đường hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Khối bạo lực thứ hai là lực lượng cảnh sát. Nhu cầu khẩn thiết và cấp bách của nhóm Dương Văn Minh đặt ra là giải phóng những người tù chính trị đang bị nhốt trong các trại giam, vản hồi an ninh trật tự, ổn định đời sống nhân dân và vô hiệu hóa bộ máy đàn áp, kìm kẹp. Tại tổng nha cảnh sát, Trung tướng Nguyễn Khắc Bình, tổng giám đốc, đã bỏ trốn. Phó tổng giám đốc là thẩm phán Phạm Kim Qui tuân lệnh tổng thống Dương Văn Minh vãn hồi an ninh trật tự đô thành. Luật sư Trần Ngọc Liễng, chủ tịch tổ chức Nhân dân đòi thi hành hiệp định Paris là người của Mặt trận, giới thiệu với Dương Văn Minh luật sư Triệu Quốc Mạnh cũng là người của Mặt trận. Dương Văn Minh bổ nhiệm luật sư Triệu Quốc Mạnh vào chức vụ Giám đốc cảnh sát đô thành. Trong ngày 29.4, luật sư Triệu Quốc Mạnh đã giải phóng tất cả những tù nhân chính trị bị giam giữ trong các nhà tù Sài Gòn và giải tán lưc lượng cảnh sát quốc gia.

Khối bạo lực thứ ba là bộ máy thông tin tuyên truyền. Nhân vật thứ năm trong nhóm Dương Văn Minh là dân biểu Lý Quí Chung. Chính phủ chưa ra mắt, nhưng Lý Quí Chung đã là bộ trưởng bộ Thông tin theo đề xuất của tân tổng thống, thủ tướng Vũ Văn Mẫu ký quyết định bổ nhiệm. Lý Quí Chung là người tháo vát, trong 3 ngày 27, 28, 29. 4, ông ta đã tiếp xúc với các nhân vật thứ yếu bộ Thông tin Chiêu hồi (bộ trưởng Hoàng Đức Nhã đã bỏ trốn) của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu – Trần Văn Hương chống Cộng,  chuyển đổi nó và các cơ quan phụ thuộc (đài Phát thanh và Truyền hình, Việt Nam Thông tấn xã,…) thành bộ Thông tin của chính quyền Dương Văn Minh hòa giải với Cộng sản. Cuộc tấn công như vũ bão của quân Giải phóng đã giúp Lý Quí Chung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Như thế là trên đại thể, các khối bạo lực chống cộng tại Sài Gòn đã được nhóm Dương Văn Minh kiểm soát một cách tương đối trong ngày 29.4. 


– Vấn đề thứ hai : Tổng thống Dương Văn Minh gởi công hàm yêu cầu tòa đại sứ Mỹ rút hết nhân viên quân sự lẫn nhân sự trong 24 tiếng đồng hồ và công bố quyết định này trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước. Yêu cầu này Tổng thống Dương Văn Minh đã nói với Martin vào buổi sáng ngày 29 khi ông này đến dinh Hoa Lan để thăm dò. Đại sứ Martin nói với tân Tổng thống rằng thời gian 24 giờ là quá gấp, kế hoạch của Mỹ là tổ hợp DAO sẽ rời Việt Nam trong ngày 30.4. Nhưng không lâu sau khi Martin rời dinh Hoa Lan, trung tướng Timmes đến trao cho Tổng thống Dương Văn Minh thư của đại sứ Mỹ. Thư nói rằng phía Mỹ đồng ý thu xếp mọi việc trong 24 giờ để Tổng thống Minh “ thuận tiện trong việc thương lượng với bên kia ”. Như thế vấn đề tưởng là khó lại dễ đến không ngờ.

Vấn đề thứ ba tưởng dễ lại không làm được.

Chiều ngày 28.4 tân tổng thống Dương Văn Minh cử một phái đoàn do Luật sư Trần Ngọc Liễng cầm đầu vào trại David trong sân bay Tân Sơn Nhất gặp đại diện của chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam – thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn – đưa đề nghị: Hai chính phủ gặp nhau để thảo luận vấn đề chấm dứt chiến tranh, thực hiện hòa giải hòa hợp dân tộc… Phái đoàn của luật sư Trần Ngọc Liễng nhận được câu trả lời : Tình thế đã vượt qua, không còn chuyện thương lượng.

Sáng ngày 29.4, đại sứ Pháp Merillon vào dinh Hoa Lan báo cho Tổng thống Dương Văn Minh biết là Hà Nội đã dứt khoát chấm dứt mọi thương lượng hòa bình. Như thế vấn đề tưởng dễ lại hóa ra không thực hiện được vì yếu tố thời gian, mà thực chất là tương quan lực lượng. Cuộc tổng tấn công xuân hè không thể dừng lại để thương lượng khi quân Giải phóng đã chọc thủng vành đai thép Phan Rang – Xuân Lộc – Tây Ninh, cho dù Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Hương sẽ ra đi và Dương Văn Minh sẽ là Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.

Năm 1965 khi bắt đầu đổ quân, hòa bình đối với Mỹ là “ đánh bại xâm lược Cộng sản ”. Năm 1975 “ hòa bình đối với Cộng sản ” chỉ đến sau mùa xuân đại thắng. Để có mùa xuân đại thắng, không chỉ “ Mỹ cút – Ngụy nhào ” mà Thành phần thứ ba cũng không thể tồn tại để chia quyền cai trị đất nước. Khẩu hiệu hòa giải – hòa hợp dân tộc chỉ là thủ đoạn chính trị trong học thuyết chiến tranh của Lê Duẩn và đảng Cộng sản.


Nghe pháo bắn tứ phía và máy bay Cộng sản dội bom phi trường Tân Sơn Nhất, nghe tin Hà Nội và chính phủ Cộng hòa miền Nam không chịu thương lượng vơi chính phủ Dương Minh, nghe tin Mỹ tổ chức di tản trong 24 giờ, dân chúng Sài Gòn đoan chắc là Mỹ rút, Cộng sản vào, Việt Nam Cộng Hòa tan rã, một bộ phận quần chúng có quá trình chống Cộng kinh hoàng kéo tới tòa đại sứ và các địa điểm di tản của Mỹ, hoặc chạy ra bờ sông Bạch Đằng tìm tàu hải quân, hoặc chạy xuống miền Tây tìm kế thoát thân ; một bộ phận quần chúng khác náo nức chờ đón đoàn quân Giải phóng; các nhóm thuộc Thành phần chính trị thứ ba thì bẽ bàng, chán nản, thất vọng vi cảm thấy bị lừa, bị phản bội ; bọn lưu manh thì nhân cơ hội cướp phá tràn lan.

Tối 29, gia đình và những người thân cận tổng thống Dương Văn Minh vào dinh Độc Lập “ tị nạn ” vì lo ngại dinh Hoa Lan bị tấn công.

Sáng ngày 30.4. 1975, các thành viên nội các Vũ Văn Mẫu tập họp tại dinh thủ tướng không phải để ra mắt Tổng thống, mà để nghe Tổng thống Dương Văn Minh thông báo quyết định bàn giao chính sự cho chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa miền Nam. 8 giờ sáng tổng thống Dương Văn Minh từ dinh Độc Lập tới dinh thủ tướng. Trước mặt các thành viên nội các (không đầy đủ) ông bày tỏ sự tuyệt vọng trước thực tế phủ phàng : “ Hà Nội và Mặt Trận từ chối thương lượng, chúng ta không thể làm gì được nữa ”. Tổng thống Dương Văn Minh nói tiếp : “ Tôi đã chuẩn bị văn bản bàn giao, sẽ ghi âm và phát trên đài phát thanh. Mọi người từ đây tùy theo hoàn cảnh và suy nghĩ của mình mà quyết định đi hay ở. Sự gắn bó của chúng ta đến nay xen như chấm dứt ”.

Không ai muốn ra đi. Tất cả quyết định ở lại và sẵn sàng chấp nhận bất cứ sự đối xử nào của chế độ mới. Trong khi mọi người đang ở trong tình trạng thụ động, chán nản, bất lực thì có điện thoại từ chùa Ấn Quang. Trong Hồi Ký Không Tên, Lý Quí Chung viết về cuộc điện đàm đó như sau :

Cũng đang lúc này có điện thoại từ chùa Ấn Quang của sinh viên đấu tranh Nguyễn Hữu Thái : Tôi không rõ Thái rời khỏi chỗ ẩn náu tại nhà tôi từ một năm qua và lúc nào. Lúc này Thái đang có mặt tại chùa Ấn Quang, anh cho biết thượng tọa Thích Trí Quang muốn nói chuyện trực tiếp với ông Minh, cuộc nói chuyện kéo dài khoảng hai phút. Sau đó thượng tọa nói chuyện với giáo sư Vũ Văn Mẫu. Tôi được biết nội dung hai cuộc điện đàm này của thượng tọa Thích Trí Quang nhằm thuyết phục Tổng thổng Dương Văn Minh đầu hàng ”.

( Lý Quí Chung – Hồi Ký Không Tên tr 402).


Nói chuyện điện thoại với Thượng tọa Thích Trí Quang xong, Tổng thống Dương Văn Minh và đoàn tùy tùng rời dinh thủ tướng về lại dinh Độc Lập  để chờ đầu hàng. Đoàn xe đi qua tòa đại sứ Mỹ đang diễn ra cảnh hỗn loạn, nhếch nhác. Hàng ngàn người đang tranh nhau xâu xé cái nơi mà mấy tiếng đồng hồ trước đã diễn ra cưộc tháo chạy tán loạn. Từ tờ mờ sáng đại sứ Martin ôm lá cờ tổ quốc lên chuyến  trực thăng cuối cùng bay ra biển sau khi đã tổ chức di tản cho 6000 người Mỹ và khoảng 50.000 người Việt Nam. Năm 1954 người Mỹ đến như vị thần hộ mệnh cho một bộ phận người Việt Nam này, đồng thời là thần chết cho một bộ phận người Viêt Nam kia. Nay thì thần hộ mệnh và cũng là thần chết đã tả tơi binh giáp một đi không trở lại.

Cảnh chờ đợi để đầu hàng của nhóm Dương Văn Minh chắc chắn là nặng nề với bao suy nghĩ rối rắm : “ – Không thỏa hiệp với cuộc chiến tranh đẫm máu của Mỹ, đấu tranh vì các mục đích tự do, dân chủ, hòa bình, hòa giải, độc lập dân tộc… sao lại phải đầu hàng ? – Phải chăng có sự mâu thuẫn đến đối kháng giữa Thành phần thứ ba và những người anh em ruột thịt Cộng sản?  – Phải chăng Cộng sản vẫn là Cộng sản như những gì mà những người chống Cộng cáo buộc để rồi điên cuồng tổ chức chiến tranh thề không đội trời chung ? ”

Dĩ nhiên những tra vấn muộn màng đó do tôi đã “ suy bụng ta ra bụng người ”. Nhưng bụng ta – bụng người có gì khác biệt một khi Mỹ rút và đât nước dân tộc phải đương đầu với hiểm họa mới là đảng Cộng sản vênh vang trước “ Mùa xuân đại thắng ”, độc quyền đại diện dân tộc, và kiên định con đường xã hội chủ nghĩa mê lầm và bạo ngược ? Nếu vào thời điểm đó (30.4.1975)  mà nhóm Dương Văn Minh không tra vấn thì họ đâu có phải là người đại diện Thành phần thứ ba, mà họ chính danh là thành phần thứ nhất, và việc họ chờ đợi để “ cầm cờ trắng ” thay cho Mỹ và Nguyễn Văn Thiệu là lẽ đương nhiên. Những người làm nên chiến thắng 30.4.1975 chắc chắn không nghĩ như thế, và còn cáo buộc những ai nghĩ như thế là “ bọn phản động mới ” đáng bị trừ diệt đến ba đời ! ( “ Bọn phản động mới ” là nhóm từ ông Nguyễn Hồng Phong (viện trưởng Viện Sử (?), sau Genève từ chiến khu về Hà Nội làm công tác trí vận cho đảng Cộng sản) nói và giải thích cho riêng tôi trong cuộc trò chuyện tay đôi hồi cuối năm 1975 tại Hà Nội khi tôi hỏi ông : – Theo anh, người hay đặt nhiều vấn đề như tôi, đảng Cộng sản qui kết như thế nào ? Ông nói : – Là phản động mới. – Thế nào là phản động mới, tôi hỏi tiếp. Ông Nguyễn Hồng Phong bình thản và thẳng thắng trả lời: Phản động cũ là những người dựa vào thực dân (Pháp), đế quốc (Mỹ) chống phá kháng chiến và cách mạng. Phản động mới là những người tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đến khi hòa bình lập lại đặt vấn đề với đảng, đấu tranh đòi tự do dân chủ, chống tham nhũng cửa quyền, kêu đòi một nhà nước pháp trị lấy dân làm gốc. Sau 1954, ở miền Bắc nhóm Nhân văn – Giai phẩm là phản động mới. Ở miền Nam tình hình các đô thị phức tạp hơn nhiều. Ngoài Phong trào đô thị do đảng lãnh đạo, còn có những người chống Mỹ và chế độ Sài Gòn vì các mục tiêu tự do dân chủ, vì hòa bình hòa giải dân tộc và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, như Phong trào Phật giáo và các nhóm thuộc Thành phần thứ ba tập trung chung quanh tướng Dương Văn Minh. Khi còn chiến tranh chống Mỹ, đảng ủng hộ tất cả cốt làm rối làm yếu đối phương. Nhưng khi hòa bình lặp lại, đảng nghi ngờ và đề phòng tất cả. “ Bọn phẩn động mới ” sẽ xuất hiện từ các phong trào này. Việc bắt Dương Văn Minh đầu hàng là đòn phủ đầu nhắm vào các nhóm có khả năng trở thành phản động mới.).

Nguyễn Hữu Thái rời nhà Lý Quí Chung sau ngày lưỡng viện quốc hội bãi chức Trần Văn Hương, đề cử Dương Văn Minh làm Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. Tối ngày 29 Nguyễn Hữu Thái tới gặp Nguyễn Trực, Bùi Minh, Huỳnh Văn Tòng tại ngôi nhà mà Tòng, Trực và tôi thuê ở số 20 đường Tự Đức (nay là đường Nguyễn Thị Huỳnh) quận Phú Nhuận (tôi cư trú tại ngôi nhà này khoảng nửa tháng thì đi Huế và bị bắt ở Đà Lạt hồi cuối năm 1974).

Tại ngôi nhà 20 Tự Đức Phú Nhuận, Thái, Tòng, Minh, Trực nhận định là quân Giải phóng sắp vào thành phố, phải nhanh chóng hành động thôi. Sáng sớm ngày 30.4, từ nhà mình trên đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) Thái đi thẳng xuống chùa Ấn Quang đề nghị thầy Trí Quang tác động để Dương Văn Minh đầu hàng. Tòng, Trực Minh đến Đại học Vạn Hạnh tập họp sinh viên và tổ chức họ thành các tổ tự vệ tỏa ra các phường – phố chung quanh để vãn hồi an ninh trật tự, phát động quần chúng đón chào quân Giải phóng. Tại Đại học Vạn Hạnh sáng hôm đó nhiều nhóm thuộc Phong trào đô thị Sài Gòn (Mặt Trận) cũng nương ngọn cờ Phật giáo để tập họp sinh viên và phát động quần chúng như nhóm Tòng, Minh, Trực. 9 giờ Nguyễn Hữu Thái từ chùa Ấn Quang về lại Vạn Hạnh, ở đây các thủ lãnh sinh viên và trí thức đỏ đang vây quanh ra đi ô chờ lắng nghe lời tuyên bố bàn giao chính quyền cho chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miến Nam Viêt Nam của Tổng thống Dương Văn Minh qua sóng đài phát thanh Sài Gòn. 10 giờ 30, Nguyễn Vạn Hồng (Cung Văn) Huỳnh Bá Thành (họa sĩ biếm họa Ớt), Huỳnh Văn Tòng, Nguyễn Hữu Thái, từ những ngọn ngành khác nhau của Phong trào đô thị, đã rủ nhau vào dinh Độc Lập nhằm thúc đẩy Dương Văn Minh đầu hàng. Cũng vào thời điểm đó, cũng mục đích đó, từ những ngọn ngành khác nhau của Mặt trận chính trị (tình báo, binh vận, trí vận) do đảng Cộng sản lãnh đạo, từ những ngõ ngách khác nhau của  thành phố Sài Gòn len lỏi vào dinh Độc Lập. Mấy người ngoài cuộc : Von Boric Gallasch – ký giả người Đức, Hà Huy Đỉnh – kẻ lãng du, và… cũng có mặt tại dinh Độc Lập vào thời điểm “ ngàn năm một thuở ” đó. (Tôi sẽ viết về Hà Huy Đỉnh trong chương Những con chim lạ).

Hai tiếng đại bác và những tiếng gầm rú của xe tăng từ phía nhà thờ Đức Bà gây những cảm xúc mãnh liệt cho mọi người đang hiện diện tại dinh Độc Lập. Những người Cộng sản hoạt động nội thành thì hân hoan chào đón đoàn quân Giải phóng. Họ cho đây là sự kiện lịch sử trọng đại mà cả dân tộc trông chờ suốt 117 năm. Những nhân vật thuộc Thành phần thứ ba (nhóm Dương Văn Minh) đang chờ để đầu hàng Cộng sản thì lo lắng, khiếp sợ bao trùm một chút hoài nghi và hy vọng. Khiếp sợ Cộng sản đã đành, nhưng hòa bình và thống nhất cũng đáp ứng những khát vọng sâu thẳm của họ. Họ thầm trách người Cộng sản gian trá, nhưng họ cũng ngưỡng mộ người Cộng sản đã làm nên sự nghiệp to lớn màhọ  không làm được, họ tự trấn an mình bằng nhận định mà thượng tọa Thích Trí Quang đã nói với họ : “ Cộng sản mà như Cộng sản Việt Nam…”

Vừa sợ vừa lo, vừa hoài nghi, vừa hy vọng là tâm trạng của nội các Dương Văn Minh trước tình thế oái oăm mà lịch sử dành cho họ.

Chiếc xe tăng đi đầu tông húc vào cổng dinh, hung hăng vượt qua thảm cỏ tiến vào tiền sảnh dinh Độc Lập. Những người bộ đội trên xe nhảy xuống, súng đạn lên nòng trong tình thế tấn công. Rồi những chiếc xe tăng khác, những toán bộ đội khác trong niềm hân hoan chiến thắng…

Lý Quí Chung có mặt trong nhóm Dương Văn Minh đang chờ đợi đầu hàng, ghi trong hồi ký của mình :

“…tiếng chân người vang dội trong đại sảnh, có cả tiếng khua vũ khí và tiếng đạn lên nòng. Rồi tiếng hô từ phía đại sảnh : “ Mọi người đi ra khỏi phòng ngay ”. (Lý Quí Chung – Hồi ký không tên tr 407)

“…Người bước ra khỏi phòng đầu tiên là Tổng thống Dương Văn Minh. Đi sát bên ông là thiếu tá Hoa Hải Đường, tiếp theo là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Ông Minh và ông Mẫu đều rất bình tĩnh, sự bình tĩnh của hai ông cũng chuyển sang tôi. Chúng tôi vừa bước ra hành lang để đi đến đại sảnh thì ở đầu kia thấy có nhiều bộ đội cầm súng và hô to : “mọi người giơ hai tay lên”. Ra đến đại sảnh tôi thấy có nhiều người mặc thường phục cũng có mặt với bộ đội. Tôi nhận ra một số gương mặt quen thuộc…Tôi nhớ hình như có các anh Nguyễn Vạn Hồng (Cung Văn), Triệu Bình, Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Bá Thành, Huỳnh Văn Tòng… Ai đó tôi không nhớ rõ, chạy đến ôm tôi nâng lên khỏi mặt đất và nói to trong sự mừng rỡ tột cùng “mình thắng rồi”, trong lúc hai tay tôi giơ cao trong tư thế của người đầu hàng. Nước mắt tôi trào ra, tôi khóc vì quá sung sướng thấy cuộc chiến tranh kéo dài triền miên trên quê hương mình đã kết thúc. Tính cả thời Pháp đô hộ là 117 năm. Nhưng trong nước mắt ấy có những giọt xót xa.. Mình đã chống Mỹ chống Thiệu để khi kết thúc, mình lại thay Mỹ thay Thiệu đầu hàng. Dù rằng tôi đã sẵn sàng tinh thần để chấp nhận tình thế này, nhưng khi nó diễn ra lòng vẫn không thể không nhói đau”.(Lý Quí Chung – Hồi ký không tên tr 107- 108)

Khi từ sân thượng trở xuống đại sảnh, thì mọi người đã vào trong phòng họp có cái bàn to hình ô van nằm bên cánh phải dinh Độc Lập. Tôi nghe một người bộ đội cấp chỉ huy nói với ông Minh: “Anh hãy viết ngay một bản tuyên bố đầu hàng. Ông Minh trả lời rằng “Sáng nay ông đã tuyên bố trao quyền rồi”. Viên chỉ huy nói: “Anh chẳng còn gì để trao, anh chỉ tuyên bố đầu hàng”. Viên chỉ huy đề nghị ông Minh đi đến đài phát thanh để thảo và đọc bản tuyên bố đầu hàng. Viên chỉ huy yêu cầu những thành viên chính thức của chính phủ đang có mặt gồm Tổng thống Minh, Thủ tướng Mẫu và Tổng trưởng thông tin là tôi cùng đến đài phát thanh ”(Lý Quí Chung – Hồi ký không tên tr 410)

Ông Minh và ông Mẫu được đưa đến đài phát thanh Sài Gòn trên chiếc xe jeep của bộ đội, còn tôi đi theo một chiếc xe jeep khác của các nhà báo Đức. Khi tôi đến đài phát thanh thì ông Minh, ông Mẫu đã vào bên trong. Tôi vừa bước xuống xe thì anh Nguyễn Hữu Thái và một hai thanh niên khác đứng ở cổng nói với tôi: “ Anh về đi, khi nào có bộ phận chính trị vào tôi sẽ liên lạc lại…” (Lý Quí Chung -  Hồi ký không tên tr 411)

Sau này được biết, khi ông Minh và ông Mẫu vào bên trong đài phát thanh  thì không có nhân viên kỹ thuật nào ở đó để làm công việc thu băng. Sinh viên Nguyễn Hữu Thái phải mất hai tiếng mới tìm ra nhân viên kỹ thuật. Bản tuyên bố đầu hàng do chính trị viên Bùi Văn Tùng viết. Ông Minh đọc và đài phát thanh phát lúc 13 giờ 30. Sau đó ông Minh và ông Mẫn được đưa trở lại dinh Độc Lập.” (Lý Quí Chung – Hồi ký không tên tr 411)

Sau khi đọc tuyên bố và phát biểu đầu hàng, hai ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu bị đưa về dinh Độc Lập và bị giữ lại ở đó cùng các ông Nguyễn Văn Huyền, Bùi Tường Huân… và một số bộ trưởng, dân biểu, nghị sĩ.

Ngày 2 tháng 5, chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố, thượng tướng Trần văn Trà và hai phó chủ tịch Cao Đăng Chiếm, Mai Chí Thọ đến dinh Độc Lập gặp người của chế độ cũ. Chủ tịch Trần văn Trà nói : “ Trong cuộc chiến đấu lâu dài này không có ai là kẻ thắng, ai là kẻ bại, chỉ có đế quốc Mỹ xâm lược là kẻ chiến bại ”.

Lời tuyên bố của tướng Trần Văn Trà gây xúc động và tin tưởng cho Dương Văn Minh và các đồng chí, đồng sự của ông về “ chính sách hòa giải, hòa hợp thực sự của phía cách mạng ”. Nhưng chẳng bao lâu sau, số đông trong họ lại bị bắt đi học tập cải tạo.

Học tập cải tạo, thực chất là hành động bạo ngược nhằm hai nội dung chính là tẩy não và cướp bóc. Đối tượng học tập và cải tạo là hầu hết các thành phần, các tầng lớp quần chúng nhân dân miền Nam, mà nhân dân miền Nam như tôi đã nói với Ngọc (Lê Công Cơ) hồi đầu năm 1973 trên núi Truồi là 15% cho phía này (Mỹ - Thiệu) 15% cho phía kia (Cộng sản). 70% không theo ai cả.

Hồi tháng 9.1974, tôi nói lại với Ngọc tại Sài Gòn : Tỷ lệ phần trăm quần chúng ủng hộ cho phía này giảm xuống trầm trọng khi các nhóm Công giáo cấp tiến (Đối Diện) và Công giáo chống tham nhũng (Cha Thanh) chống Thiệu quyết liệt ; tỷ lệ phần trăm quần chúng ủng hộ cho phía kia tăng lên. Nhưng tôi còn nhấn mạnh với Ngọc : “ Nói như thế không có nghĩa là ý thức hệ Cộng sản thắng thế trong tâm thức nhân dân ”. Điều này có nghĩa là đại đa số nhân dân miền Nam không theo ai cả. Họ ở giữa. Nhóm Dương Văn Minh chưa đủ sức tập họp họ thành Lực lượng chính trị thứ ba trong thời điểm cuối năm 1974 đến giữa năm 1975. Nhưng Nhóm Dương Văn Minh đã là ngọn cờ cho họ nghĩ về. Sau khi nhóm Dương Văn Minh phải thay Mỹ, thay Thiệu đầu hàng trong ngày 30.4.1975 thì trên 70 % nhân dân miền Nam không theo ai cả trở thành đa số thầm lặng trước khí thế và bạo lực của “ chính quyền cách mạng ”,  và là đối tượng cải tạo của đảng Cộng sản.

Cải tạo Ngụy quân Ngụy quyền, cải tạo công thương nghiệp, cải tạo văn hóa tư tưởng, cải tạo nông nghiệp có nghĩa là cải tạo toàn thể nhân dân miền Nam.

Trong chiến tranh, đảng Cộng sản lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân, lợi dụng nhu cầu cơm áo của người cùng khổ, lợi dụng khát vọng tự do dân chủ của tầng lớp trí thức để đánh thắng thực dân (Pháp) đế quốc (Mỹ).

Trong hòa bình (?) đảng Cộng sản đã biến nhân dân và đất nước thành đối tượng cải tạo và khai thác chỉ với mục duy nhất là quyền lợi của đảng.

Khởi đầu là những lãnh tụ của quần chúng nông dân yêu nước, họ thành lập một đảng cách mạng tiên phong lấy mục tiêu độc lập dân tộc, áo cơm cho người cùng khổ, ruộng đất cho người cày, tự do hạnh phúc cho nhân dân làm lý tưởng đấu tranh, nhưng rồi, chủ nghĩa Mác – Lê Nin, tư tưởng Mao Trạch Đông, tình trạng lệ thuộc hai nước Cộng sản đàn anh Liên Xô và Trung Quốc, các cuộc đấu tranh gian khổ với bạo lực thực dân và xâm lược, các cuộc chiến tranh trường kỳ chống Pháp rồi chống Mỹ, từng bước đã biến những con người ưu tú có lý tưởng trong sáng thành những chi tiết của guồng máy bạo lực : tàn ác hơn phát xít, đê tiện hơn lý hào xã xệ, tham lam gian dối hơn bọn trọc phú thời chủ nghĩa tư bản hoang dã.

Chu Sơn


NGUỒN : bản do tác giả gửi cho Diễn Đàn.



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss