Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Ký sự Peru : Từ Lima đến Machi Picchu

Ký sự Peru : Từ Lima đến Machi Picchu

- Nguyễn Tùng — published 14/10/2017 00:00, cập nhật lần cuối 21/03/2018 10:44



Ký sự Peru :


TỪ LIMA ĐẾN MACHU PICCHU


Nguyễn Tùng (Paris)



Từ bốn năm nay, nhờ có hai người bạn (đã về hưu như chúng tôi) đứng ra chọn « tour » du lịch, mời bạn bè tham gia, rồi thương lượng với một công ty du lịch đáng tin cậy để giao cho họ thực hiện, tôi đã lần lượt thăm được Jordan, Nepal, Bắc Ấn Độ, Nam Ấn Độ, Cuba và, trong hạ tuần tháng 10.2017 vừa qua, Peru. Lần này, đoàn chúng tôi gồm cả thảy 23 người mà đa số trên 70 tuổi ! Vì Peru ở nam bán cầu, nên đang ở vào giữa mùa xuân. Trong suốt 11 ngày, trời nắng đẹp, ban ngày mát mẻ, ban đêm thường hơi lạnh nhất là ở vùng cao nguyên. Từ Lima đến Nazca, Arequipa, hồ Titicaca, Cuzco, Machu Picchu, chúng tôi đã đi cả thảy hơn hai nghìn cây số đường núi nhiều khi cao hơn 4000 m.

Ngay ở sân bay Jorge Chávez (Lima), lần đầu tiên trong cuộc đời du lịch, tôi đã là nạn nhân của một sự cố vừa ngốc nghếch vừa kinh hoàng : theo lời khuyên của một anh bạn thân vừa đổi tiền xong ngay trong khu lấy hành lý, tôi đã sắp hàng quá lâu để đổi tiền, nên khi làm xong tôi đã phải đi tìm đến hơn mươi phút mới thấy các bạn đồng hành đang đứng chờ tôi giữa đám đông ở phòng đợi !


Vài nét về Peru



Perou (nửa phía nam) và lộ trình chuyến đi của chúng tôi

Peru là một nước lớn hơn tôi tưởng : đến 1,28 triệu km2, nhưng dân số chỉ khoảng 33 triệu người.

Peru có dãy Cordillera Blanca (Trường sơn màu trắng, tức dãy Andes ở Peru) sừng sững trải dài từ bắc xuống nam trên 180 cây số với 35 ngọn cao hơn 6000 m (ngọn Huascaran cao nhất : đến 6768 m). Peru cũng có đến cả chục ngọn núi lửa cao đến khoảng 6000 m, trong số đó có năm ngọn còn hoạt động !

Dù ở vào vùng nhiệt đới, các ngọn núi cao của Peru có tuyết vạn niên và 600 băng hà, nhưng trong ba mươi thập niên qua, tuyết tan khá nhiều do khí hậu trái đất nóng lên.

Peru hay bị động đất : trận địa chấn xảy ra năm 1970 ở vùng Ancash làm chết đến 70 000 người.

Do dãy Andes ngăn gió đông thổi từ Đại Tây Dương đến và do ảnh hưởng của hải lưu nước lạnh Humboldt, vùng duyên hải ven Thái Bình Dương của Peru rất khô : lượng mưa hằng năm ở Lima chẳng hạn chỉ khoảng 5 mm !

Người Mỹ-Ấn (Amérindien), tức là người « da đỏ » theo cách gọi trước đây, đến Peru trước nhất : cách đây khoảng 20 000 năm (sau khi họ từ Siberia vượt qua eo biển Bering cách đây khoảng 40 000 năm) ; rồi đến người Tây Ban Nha bắt đầu xâm chiếm Peru từ năm 1532.

Hiện nay, tiếng Tây Ban Nha được đến 84 % người Peru nói, vượt xa hai tiếng Mỹ-Ấn Quechua (13,7 %) và Aymara (1,8 %). Ngoài ra còn có khoảng 40 ngôn ngữ Mỹ-Ấn khác ở vùng núi Andes và nhất là vùng Amazonia.

Peru tương đối còn nghèo : GDP tính theo đầu người của năm 2016 chỉ đạt 6 045 USD.

Peru có đến 12 di tích hay cảnh quan được ghi vào danh sách di sản thế giới, trong số đó có 6 di sản thuần túy Mỹ-Ấn, và hai di sản thuần túy Tây Ban Nha và bốn di sản thiên nhiên.


Một ngày ở thủ đô Lima


Tối đầu tiên ở Lima, tôi đã có một « khám phá » từ vựng mà tôi cho là khá thú vị : khi đi ăn tối tự do, tôi đã thấy ở đại lộ gần khách sạn nhiều tiệm ăn Trung Quốc với bảng hiệu ghi từ « chifan » và đã nghĩ ra rằng chắc nó phát xuất từ thành ngữ « 吃飯 thực phạn » (ăn cơm) của tiếng Trung Quốc. Cũng xin nói thêm là món ăn Trung Quốc được người Peru thích nhất là món « arroz chaufán », tức cơm chaufán : « chaufan » chắc là phát xuất từ « 炒饭 sao phạn », tức món cơm chiên Quảng Đông. Hiện nay, nghe đâu Peru có đến khoảng hai ngàn « tiệm Tàu », chắc phần nhiều là của các hậu duệ của gần 100 000 người Trung Quốc (95 % từ Quảng Đông) được đưa vào Peru từ năm 1949 đến năm 1874, gần để khai thác phân chim (guano) ở các đảo Chinca và lao động như là nông nô trong các hacienda (trang trại) trồng mía.

Chúng tôi chỉ có một ngày để thăm Lima, thủ đô của Peru với hơn mười triệu dân, tức khoảng 1/3 dân số cả nước. Nó được Francisco Pizarro bắt đầu xây vào năm 1535. Rất giống các đô thị cổ ở vùng Andalusia (như Sevilla, Grenada…), các trung tâm lịch sử của Lima, Areqquipa, Cuzco... đều vây quanh Plaza de Armas (Quảng trường Vũ khí), cũng thường được gọi là Plaza Mayor (Quảng trường Thị trưởng). Tôi đã rất kinh ngạc trước sự đồ sộ và nguy nga của các kiến trúc tôn giáo do người Tây Ban Nha xây trong thời thuộc địa ở Peru, như nhà thờ lớn và nữ tu viện San Francisco với mặt tiền nguy nga, với thư viện lưu trữ đến 250 000 sách cổ (thế kỷ 15-17), với mộ huyệt trong lòng đất (catacombe) chứa đến 70 000 bộ xương người. Lima có nhiều bảo tàng rất nổi tiếng, nhưng vì quá gấp gáp chúng tôi chỉ được chiêm ngưỡng nhiều đồ sứ lạ lùng và tuyệt đẹp của các văn hoá Mỹ-Ấn, được trưng bày trong bảo tàng quốc gia !

Hơn 2000 cây số đường núi cao

Ngày hôm sau, chúng tôi đã phải khởi hành từ 4 giờ sáng để đến Paracas lấy thuyền ra khơi xem quần đảo Ballestas, nơi quy tụ hàng triệu chim hải âu, cốc… : phân của chúng là một nguồn lợi lớn được khai thác từ thế kỷ 19. Ngoài ra còn có nhiều sư tử biển nằm phơi nắng trên các ghềnh đá. Trên một đồi cát có hình đế đèn cao 183 m : phải chăng nó là một công trình của văn hoá Nazca (300 trước CN- 800 năm sau CN)?

Trên đường từ Paracas đi Nazca, chúng tôi ghé thăm và ăn trưa ở Ica, một thắng cảnh rất kỳ lạ : một hồ nhỏ nằm giữa các đồi cát cao, chung quanh hồ có nhiều tiệm ăn, cửa hàng, nhà trọ và có trồng nhiều cây cọ.

Chúng tôi cũng đã ghé lại Pisco để thưởng thức món rượu Picsou sour : rượu mạnh Pisco làm từ nho (mà người Peru tranh với người Chili như là « món uống dân tộc ») khuấy với nước chanh, đường, lòng trắng trứng gà và ít cục nước đá.

Khi đến sa mạc Nazca, chúng tôi leo lên một đài cao để xem các tuyến (line) và các « geoglyph », tức các hình chạm trên mặt đất nhiều loại thực vật và thú vật như khỉ, nhện, chim diệc, thố ưng (condor) (có khi dài và rộng đến vài trăm mét). Sau đó, ở Nazca nhiều người trong đoàn lấy máy bay nhỏ (năm chỗ ngồi, vé khá đắt : đến gần 150 USD cho hơn nửa giờ bay !) để nhìn toàn bộ các « geoglyph » từ trên cao. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng có lẽ chúng có một chức năng nghi lễ gắn với thiên văn học.

Từ Nazca đến Arequipa (566 km), chúng tôi hầu như đi liên tục trong vùng cao nguyên (trên 3000 m) khô cằn đến mức không có đến một ngọn cỏ, một bóng cây, chỉ toàn là cát, sỏi và đá. Chung quanh các cao nguyên, là  các nọn núi lửa và các dãy núi cao : thực mênh mông và hùng vĩ vô cùng ! Hơn cả vùng núi Annapurna thuộc dãy Hymalaya (Nepal) mà tôi đã từng leo cách đây đúng ba năm : do có nhiều cỏ cây, nhiều rừng trúc và rừng đỗ quyên và nhất là chỉ có những thung lũng hẹp, vùng núi Annapurna rất xanh tươi và có vẻ rất « êm đềm » nên không hùng vĩ và mênh mông đến mức dữ dội như các cao nguyên-sa mạc Peru mà chúng tôi đi ngang qua.

Nằm dưới chân núi lửa Misti (cao 5825 m), được xem là nguy hiểm nhất trong số năm ngọn núi lửa còn hoạt động ở Peru, Arequipa (2325 m, 1,3 triệu dân) có khu trung tâm cổ kính rất đẹp nhờ được xây bằng đá núi lửa màu trắng. Chúng tôi đã thăm Quảng trường Vũ khí, nhà thờ và tu viện dòng Tên …, và nhất là nữ tu viện Santa Catalina : có một không hai trên thế giới, tu viện này (rộng đến 20 000 m2), với những con đường và quảng trường nhỏ mang tên các thành phố của Tây Ban Nha (Grenada, Sevilla,…), là một quần thể kiến trúc rất độc đáo.

Chính ở Arequipa, tôi đã ăn thử thịt chuột thiên trúc (guinea pig1) chiên và thịt alpaca nướng, cũng không có gì đặc biệt. Trong chuyến đi, tôi đã nhiều lần ăn món cá sống ceviche : cá sống thái thành cục nhỏ dầm trong nước chanh vắt, trộn với muối, tiêu, hành đỏ thái lát, rồi ăn với khoai lang và bắp luộc. Dường như thời xưa người Mỹ-Ấn đã dầm cá sống trong rượu bia làm bằng bắp. Sau đó, người Tây Ban Nha thay rượu bia bắp bằng nước chanh.

Ở Arequipa và vài ngày sau đó, ba, bốn người trong đoàn (trong đó có cả tôi) bị « bệnh cấp tính do ở núi cao » (Acute Mountain Sickness=AMS), với những triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, mửa, đau bụng, khó thở, chảy máu mũi, thậm chí có khi bị phù não và phổi rất nguy hiểm ! Chúng tôi may mắn chỉ bị nhẹ thôi, nên khỏi ngay sau khi được hai chị bác sĩ trong đoàn cho thuốc uống. Như ta biết, ở độ cao 3000 m, dưỡng khí giảm đi một một phần ba so với vùng biển. Do thiếu dưỡng khí, khoảng 15% những người leo núi thường bị AMS từ độ cao 2500 m và 60 % từ độ cao 4000 m.

Từ Arequipa đến Chivay, rồi Puno (600 km), càng đi về phía nam, khí hậu càng bớt khô, nên đã thấy các suối nhỏ, các đầm nước, các ao, hồ và nhất là vô số vạc đất bậc thang nông nghiệp do người Mỹ Ấn tạo ra từ xưa trên các sườn núi cao.

Khi đi ngang qua các pampa (đồng cỏ) mênh mông, thỉnh thoảng chúng tôi xuống xe để xem và chụp hình các bầy lạc đà không bướu như lama, alpaca và lạc mã (vicuña) ăn cỏ. Len của Alcapa và nhất là của lạc mã rất hiếm, nên rất đắt.

Từ đài quan sát (mirador) Cruz del Condor (Thập tự Thố ưng), chúng tôi đã chiêm ngưỡng canyon Colca sâu đến 3 400 m. Chúng tôi đã phải chờ cả giờ mới được xem mấy con condor lượn trên nền trời xanh thẳm.

Tuy là thành phố nhỏ (100 000 dân) nhưng được xem là thủ đô văn hoá dân gian của Peru, Puno (cao 3 827 m) nằm trên bờ hồ Titicaca (rộng 8 562 km2) : đây là hồ cao nhất thế giới mà thuyền bè có thể giao thông. Chung quanh hồ có nhiều dãy núi cao bao bọc. Trong hồ, cây totora (một loài cói) mọc rất nhiều gần bờ. Người Mỹ-Ấn dùng nó để làm nhà, làm thuyền và các đảo nổi như đảo Uros mà chúng tôi đã ghé thăm. Chúng tôi cũng đã leo lên ngôi làng nằm trên đỉnh của đảo Taquile (cao 350 m) : từ đó ta có một cái nhìn mênh mông và ngoạn mục xuống hồ Titicaca.


Các đảo nổi Uros và thuyền làm bằng cói ở hồ Titicaca (Ành NTùng)

Trên đường từ Puno đi Cuzco (390 km), chúng tôi lại đi ngang qua những cao nguyên có phong cảnh tuyệt vời và vượt qua đèo La Raya cao 4528 m trước khi ghé thăm nhà thờ của làng Andahuaylillas, thường được gọi là « Sixtine3 của vùng Andes » với trần nhà bằng gỗ vẽ nhiều màu, những bàn thờ thếp vàng rực rỡ, những bức tranh của trường phái Cuzco…


Cuzco : kinh đô của đế quốc Inca xưa


Nhưng phải nói thành phố Cuzco và các vùng lân cận mới là một điểm đến tuyệt vời.

Thời xưa, Cuzco (3400 m, 349 000 dân) đã từng là kinh đô của đế quốc Inca.

Do một bộ lạc Mỹ-Ấn nói tiếng Quechua xuất phát từ vùng hồ Titicaca lập ra, đế quốc Inca bắt đầu bành trướng rất nhanh dưới triều Pachacútec  (1438-1471) : trải dài từ Colombia đến Argentina và Chili, nó rộng đến khoảng ba triệu km2 vào thời cực thịnh (thập niên 1520) và có đến khoảng 14 triệu dân. Văn minh Inca đã để lại những « di sản thế giới » như hệ thống đường bộ Qhapaq Nan (dài cả thảy đến 30 000 km), và nhất là thánh địa lịch sử Machu Picchu vô cùng nổi tiếng.

Nhằm kiếm vàng bạc2 và nhằm truyền đạo Thiên Chúa, từ năm 1532, người Tây Ban Nha đã lợi dụng sự phân hoá của người Inca, dần dà chinh phục được toàn bộ đế quốc Inca trong vòng 40 năm. Dưới sự thống trị của của người Tây Ban Nha, người Mỹ-Ấn đã bị chết rất nhiều do các bệnh dịch mà người Tây Ban Nha mang tới và nhất là vì bị họ bắt làm khổ sai trong các encomienda (đất đai do vua ủy thác) và trong các hầm mỏ, khiến cho dân số Mỹ-Ấn giảm khủng khiếp : từ khoảng 14 triệu vào năm 1525 xuống 8 triệu vào năm 1575, 1,8 triệu vào năm 1586, rồi 615 000 vào năm 1754 !

Tảng đá 12 cạnh nổi tiếng ở một con đường Inca (Cuzco), ảnh NTùng.

Thành cổ Sacsayhuaman hoành tráng của người Inca với những tảng đá nặng trên 30 tấn (Ảnh NTùng)

Sau khi chiếm được Cuzco, người Tây Ban Nha đã xây nhà thờ, dinh thự, nhà ở trên các nền cũ của các kiến trúc Inca mà họ đã phá đi. Họ dùng lại các tảng đá lớn mà người Inca đẽo để xây phần bên dưới của các bức tường của các nhà thờ như nữ tu viện Santo Domingo (xây trên nền và với đá của đền Inca thờ mặt trời mà người Tây Ban Nha đã phá hủy). Họ cũng đã lấy đi nhiều đá của thành cổ Sacsayhuamán hoành tráng (cách Cuzco khoảng 3 km).


Kỳ quan Machu Picchu


Rất may là thánh địa lịch sử Machu Picchu đã thoát khỏi sự tàn phá của bọn « conquistador », chắc là vì nó nằm ở một nơi khá cao (2453 m) và hẻo lánh trong một vùng núi non trùng điệp (cũng có người cho rằng nó bị người Inca bỏ hoang sau khi phần lớn cư dân bị chết vì dịch đậu mùa). Machu Picchu được nhà khảo cổ Mỹ Hiram Bingham phát hiện rất trễ : vào năm 1911. Phải chăng nhờ thế mà nó hầu như còn nguyên vẹn. Ở vào một vị trí tuyệt đẹp (một doi đá nối liền hai ngọn núi  Machu Picchu et Huayna Picchu trên sườn phía đông của dãy Andes nên tương đối có nhiều mưa ), Machu Picchu có nhiều công trình kiến trúc đáng chú ý như đền thờ mặt trời, quảng trường thiêng liêng, nhiều khối đá thiêng và nhiều nhà ở, đất nông nghiệp bậc thang được nối với nhau bởi hàng chục cầu thang. Tất cả đều làm bằng đá tảng hoa cương được đẽo bởi các dụng cụ bằng đá rất cứng hay bằng đồng, rồi bào mòn cho đến khi chúng ăn khớp hoàn toàn với nhau, chứ không dùng hồ. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra câu trả lời thoả đáng về cách mà người Inca dùng để vận chuyển những tảng đá (có khi nặng đến hơn 3 tấn) lên núi cao. Machu Picchu đúng là một cảnh quan vừa hùng vĩ vừa lạ lẫm : phải chăng nó là một thánh địa tôn giáo Inca, một đài quan sát tinh tú hay một nơi ở phụ của Pachacútec, hoàng đế Inca hùng cường nhất !


Michu Picchu (Ảnh NTùng)

Trên đường từ Machu Picchu trở lại Cuzco, chúng tôi ghé thăm chợ Pisac muôn màu muôn sắc, tập hợp rất nhiều người Mỹ-Ấn đến từ các vùng núi lân cận với áo quần truyền thống sặc sỡ. Chúng tôi cũng thăm khu ao muối ở Maras (cao 3300 m) : từ thời xưa, người Mỹ-Ấn đã khai thác ở đây nước mặn từ lòng núi chảy ra ; hiện nay khoảng 800 gia đình tổ chức thành hợp tác xã, khai thác 3600 ao, sản xuất được khoảng 200 tấn muối mỗi năm.

Các ao muối ở Maras (Ảnh NTùng)

Dù còn ở trong thời đồ đồng, và dù không có chữ viết và chưa biết dùng xe cộ để vận tải, các nền văn hoá Mỹ-Ấn đã lưu lại đến sáu công trình được UNESCO ghi vào danh sách di sản thế giới. Rất tiếc là chúng tôi đã không đến thăm được đô thị thiêng liêng Canal-Supe (được xây cách đây khoảng 4500 năm, cùng thời với các kim tự tháp của Ai Cập) và hai khu khảo cổ Chan Chan (được xây cách đây 3500 năm) và Chavin (được xây bằng gạch mộc vào khoảng giữa 850 và 1470 sau CN), vì chúng nằm ở miền Bắc Peru. Nhưng chỉ qua các công trình kiến trúc Inca (nhất là Machu Picchu), tôi cũng thấy được mức độ rực rỡ của các nền văn hoá của người Mỹ-Ấn, nên có phần phẫn nộ trước lịch sử bi đát của họ. Nhưng tôi cũng thấy loé lên một tia hy vọng : chỉ còn 615 000 người vào năm 1754, sau chưa đến ba thế kỷ, dân số Mỹ-Ấn hiện nay lên đến 14 triệu người, chiếm 45 % dân số Peru, gấp ba lần những người gốc Tây Ban Nha ; đó là chưa kể những người chủ yếu lai Mỹ-Ấn (đến 37 %) . Phải chăng Peru đã hội đủ điều kiện để duy trì và phát huy bản sắc văn hoá độc đáo của người Mỹ-Ấn, và nhất là để tạo được cho họ vị trí kinh tế, chính trị và xã hội tương xứng trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc ?


Nguyễn Tùng


Nguồn: Bài đăng trong số Xuân 2018 của Thời báo Kinh tế Sài Gòn với một vài đoạn bị cắt do khuôn khổ tờ báo. Tác giả gửi bản đầy đủ cho Diễn Đàn với một vài sửa đổi nhỏ.


Chú thích :

1. Tiếng Hán dịch thành đốn thử 豚鼠

2. Huyền thoại về El Dorado (Xứ Vàng).

3. Sixtine là tiểu giáo đường trong Vatican, rất nổi tiếng nhờ các bích hoạ do Michelangelo vẽ trên trần nhà.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Giai phẩm Xuân 2018
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us