Ký ức về chùa Huế
NGUYÊN NGỘHOÀNG NGỌC VIÊNKý ức về chùa Huế |
Diễn Đàn : Tác giả Hoàng Ngọc Viên, pháp danh Nguyên Ngộ, là phụ thân của nhà văn - hoạ sĩ Hoàng Ngọc Biên. Anh Biên đã có nhã ý cho Diễn Đàn đăng di cảo này của thân phụ trong Giai phẩm Xuân Bính Thân, cũng là để... " làm quà "surprise" cho các em tôi... ". Rất hân hạnh, và xin cám ơn anh.
Tôi đến Diêm Hồ Trấn khoảng gần cuối năm 1991, đến mùa xuân năm nay* là đã hơn hai năm. Diêm Hồ Trấn là tên không biết ai đã đặt ra cho Salt Lake City ở tiểu bang Utah nước Mỹ; tôi đọc tên ấy lần đầu trong một bức thư nhà văn Võ Phiến gửi cho gia đình chúng tôi, và từ đó tôi thích gọi thành phố này bằng cái tên rất Việt Nam, nhưng lại nghe như tiếng Hoa ấy. Mấy tháng trước khi lên đường qua Mỹ, tôi thường hay lui tới các chùa ở Saigon, không phải để cầu nguyện cho chuyến đi được êm xuôi – bởi vì làm sao tôi có thể cầu nguyện cho cả... chuyến bay – mà là để gặp gỡ bạn bè, nói chuyện cho thỏa thích. Các bạn tôi cứ bảo, “Utah là chỗ khí hậu sa mạc, mùa hè đêm nghe nói vẫn lạnh y như mùa đông, toa qua đó nhớ cố gắng chống chọi...” Và từ khi đến Diêm Hồ cho tới nay, tôi đã chống chọi, không phải chỉ với cái lạnh (mà nói xin lỗi, đối với lão ông này, như tuổi 80 cho phép tôi tự gọi, chẳng hơn gì mấy so với cái lạnh của những đêm đạp xe trong rừng Việt Bắc của tôi hơn 40 năm trước đây), mà hơn thế, với cả một nỗi nhớ nhà không thể nào nói hết được. Thì ra nhà không chỉ có nghĩa là cái chỗ có bốn bức tường, bên trong những cánh cửa là vợ con, cha mẹ, ông bà... Với tôi bây giờ, nhà còn là con ngõ sau nhà mà mỗi trưa tôi có thói quen xách gậy đi rảo một vòng, là cái chỗ bưu điện quận mà tôi thường ghé lại xem có ai sẵn sàng đem chuyện thế giới năm châu ra bàn với mình chăng. Nó là những lối mòn trong rừng mà thời trai trẻ tôi đã từng cong lưng đạp xe đi qua, có khi đi cả mấy ngày liền, là những túp lều tranh nắng gió bốn mùa của các mẹ các chị tôi từng ghé qua, lý tưởng đầy ắp trong cái ba lô mang trên vai; là khoảng sông trên Đập Đá tôi phải đi qua mỗi ngày để đưa con đến trường, là những hàng hiên chùa mát lạnh tôi thường ngồi nói chuyện với bạn bè những hôm theo cha mẹ đi lễ...
Cách nay mấy tháng*, khoảng trước sau kỷ niệm ngày sinh của tôi, tôi nhận được từ Washington D.C. một món quà vô giá: cuốn Danh lam xứ Huế của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1993, dưới tên sách còn có ghi chữ tiếng Anh: “The Celebrated Pagodas of Hue”, và tiếng Pháp: “Les Célèbres Pagodes de Huê”, với rất nhiều hình ảnh. Người gửi tặng là anh Đỗ Trung Quân của Saigon. Món quà, ngoài cái ý nghĩa đậm đà hẳn là nhà thơ trẻ muốn gửi gắm qua bên này, còn làm tôi vô cùng cảm động: nó đã đi qua đây trong hành lý đi tu nghiệp ĐH Harvard của giáo sư Nguyễn Thiện Tống – một người Huế. Đường đi nửa vòng trái đất, chịu khó mang một cuốn sách lớn bìa cứng, hẳn vị tiến sĩ khả ái, như nhà thơ bạn của ông, cũng muốn gửi đến cho gia đình chúng tôi và những người xa nhà như chúng tôi một nhắn nhủ nào đó... Chúng tôi đã để lạc mất số điện thoại của anh Tống, không sao liên lạc được để cám ơn, nhưng tấm lòng và lời nhắn nhủ không nói ra của anh, chúng tôi không muốn để lạc mất.
Tôi đã có một thời thơ ấu và trai trẻ rất đẹp ở Huế. Cảnh chùa chiền ở phần đất này của quê hương luôn là cái nền của những ký ức với tôi là quí báu nhất. Đặc biệt hơn cả trong vô số chùa ở đây, là 28 ngôi chùa đã được xây dựng trong hai thế kỷ sau này trên lãnh thổ tỉnh Thừa Thiên, phần lớn là chung quanh thành phố Huế, trên hai bờ sông Hương và quanh vùng núi Ngự – nằm rải rác xen lẫn với các lăng tẩm của vua chúa. Sau bao nhiêu đổi thay của lịch sử, của cuộc đời, sau nhiều cuộc cách mạng “long trời lở đất” trên khắp các nước trên thế giới, gần một thế kỷ nay, Ôn, như chúng tôi trong gia đình và các gia đình bạn bè ai nấy đều gọi vị Trụ trì của chùa Hải Đức, vẫn là người soi đường cho mọi hành xử, mọi hành động, mọi suy nghĩ của tôi – trong mọi đoạn đời, kể cả thời chín năm tôi đi theo kháng chiến chống Pháp. Cái thời theo cha mẹ đi lễ, tôi không hề lưu tâm đến vị trí của mỗi chùa, đến kiến trúc, chánh điện, nhà tăng, đến thành phần các Phật... Tôi chỉ biết lạy Phật, lạy thầy, xong rồi hớn hở tìm nơi thọ trai, hoặc tìm bạn bè cùng lứa lao xao tán chuyện, trước khi về. Khi lớn lên, mỗi cuối tuần tôi đều đi lễ, và khi đi cắm trại Hướng đạo trong vùng rừng núi, tôi lại có dịp “sống” bên các chùa.
Thế là sau các chùa Kim Quang, Hải Đức của thời thơ ấu, tôi bắt đầu làm quen với những Từ Hiếu, Quảng Tế, Quốc Ân, Tây Thiên, Trúc Lâm. Tôi còn nhớ, y như mới xảy ra hôm qua, cuộc họp mặt Hướng đạo toàn quốc (Bắc, Nam, Trung Việt Nam) diễn ra suốt một tuần lễ tại vùng chùa Quảng Tế mùa hạ năm 1938. Tôi nhớ lại những đêm vui đùa tưng bừng ca hát với anh em chung quanh lửa trại, cảnh đêm tịch mịch cùng anh em ngồi nhìn núi rừng say ngủ...
Hồi chuông
linh tám tiêu phiền não
Thế giới
ba ngàn tỉnh sắc không...
Sau hơn nửa thế kỷ, vẫn còn văng vẳng bên tai tôi bài thơ của Sư Viên Thành, chùa Trà Am, bài vịnh trăng của Ni sư Diệu Không, chùa Trúc Lâm, bài thơ họa của Sư Mật Thể...
hay những câu thơ viết về cảnh chùa, trong bài Thiên Mụ Chung Thanh (Tiếng Chuông Thiên Mụ) của vua Thiệu Trị:
Cao
cương cổ sát trấn điền
xuyên
Nguyệt tướng thường viên
tự tại thiên
Bách bát hồng
thanh tiêu bách kết
Tam thiên thế
giới tỉnh tam duyên
Tăng hoằng ngọ
nhật u minh cảm
Liêu lượng dần
tiêu đạo vị huyền
Phật tích
Thánh công thùy hải vũ
Thiện
nhân tăng quả phổ cai diên.
Trên
bến gò xưa chùa lập ra
Bên
trời tự tại mãi Gương Nga
Tiếng
ngân trăm tám tan trăm oán
Thế
giới ba ngàn giải nợ ba
Chuông động
giữa trưa miền tối ám
Kinh gieo canh
sớm đạo tăng gia
Truyền công
Phật Thánh tràn non nước
Nhân
quả ươm lành khắp chốn xa
(Thiên Nhất Phương dịch)
Trái, phải. Trên , dưới: Chùa Kim Quang – Chùa Từ Hiếu – Chùa Quốc Ân – Chùa Thiên Mụ – Chùa Hải Đức – Chùa Quảng Tế – Chùa Trúc Lâm – Chùa Từ Đàm
(D.
Đ. :
bạn đọc có thể bấm chuột nút phải vào
hình để xem kích cỡ lớn hơn theo chỉ dẫn)
Từ 1945, tôi không còn ở Huế nữa. Những chuyến ghé qua ngắn ngủi của một thời tao loạn không đem lại một hiểu biết hay khám phá nào đáng kể, cho đến năm 1986, nghĩa là hơn 40 năm sau, khi tôi trở về bốc mộ cho cha tôi, và được viếng các ngôi chùa của thời thơ ấu: Thiên Mụ, Diệu Đế, Hồng Khê, Hải Đức, Bà La Mật...
Ngày nay, với tôi, trong giai đoạn gần cuối cuộc đời, cảnh chùa – dù chỉ là trong sách vở thôi – và nhất là chùa Huế, rất thích hợp với cái tâm an trú cần thiết để đoạn ly. Rất tiếc là tâm an trú phải luôn tự tại, mà đời sống hiện nay thì cần vãng lai...
Cuốn sách tình nghĩa nhà thơ Đỗ Trung Quân gửi tặng không những làm sống lại trong tôi những đồi thông cao vùng Quảng Tế nằm bên bờ sông Hương, một mảnh trăng treo lơ lửng trên những lăng tẩm vua chúa, hình ảnh những nhà sư thâm uyên đạo pháp lặng lẽ di chuyển trong các khuôn viên chùa, mà còn làm tôi khó bỏ được một ý nghĩ cố cựu xét ra rất đáng bị phàn nàn: chỗ chính thức của Phật, hay nói rõ, chỗ chúng ta phải đến nếu muốn tìm Phật, chính là các chùa Huế !
*Salt Lake City, 1994
http://www.diendan.org/sang-tac/ky-uc-ve-chua-hue/#Niệm Phật ở Chùa Tam Bảo, Utah, Mỹ.
Một lần tham dự trò chơi lửa trại của Hướng đạo trên núi Bạch Mã – Huế.
Các thao tác trên Tài liệu